Trang chủ » Truyện

CHIẾN TRANH ĐÃ CÓ MỘT NGƯỜI

Trần Kỳ Trung
Thứ tư ngày 17 tháng 6 năm 2009 6:37 PM
                        Tôi đọc báo thấy họ giới thiệu về ông, người thủ trưởng cũ của tôi mà thực trong lòng, mừng vô hạn. Ôi, những năm tháng ở chiến trường, ai biết ngày mai sống chết như thế nào ? Thế mà ông vẫn ước mơ. Có ai ngờ ước mơ đó lại thành sự thật.
          Tờ báo N... đăng trang trọng ảnh của ông đang nhận quyết định từ tay một ông Bộ trưởng, nét mặt ông tươi rói cùng với một tin viết rất chi tiết: “...Đồng chí Bộ trưởng đã trao tận tay đồng chí Đào Vũ Ban tức Tư Ban về quyết định bổ nhiệm đồng chí Tư Ban làm Tổng giám đốc Tổng công ty S... Đây là một quyết định chứng tỏ sự đánh giá rất sáng suốt một tài năng của Đảng và nhà nước ta. Đồng chí Tư Ban có quá trình tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú được thử thách qua nhiều thời kỳ. Đồng chí lại sinh trưởng ở một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, giàu truyền thống cách mạng. Lý lịch của đồng chí thấm đẫm nhưng năm đau thương như dân tộc ta thời còn bị thực dân Pháp cai trị. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí Tư Ban là một con người quả cảm, đánh trăm trận, trăm thắng. Kẻ địch chỉ nghe tên đồng chí đã khiếp vía, kinh hồn. Một con người có lý lịch và quá khứ hào hùng như thế, chúng ta tin đồng chí Tư Ban sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên cương vị mới...”.
          Nhìn những dòng giới thiệu và nhất là ảnh ông trên tờ báo, trong tôi trào lên những kỷ niệm khó quên...
 
 
                   ... Đi vào chiến trường miền Nam , đơn vị tôi được điều về bổ xung cho Trung đoàn hai linh tư ( 204), trung đoàn tăng cường của Bộ tư lệnh Miền. Mới đầu lo lắm, vì tôi biết đây là Trung đoàn dự trữ chiến  lược, hầu hết các chiến dịch lớn ở miền Đông, Trung đoàn này đều tham gia. Nghĩ đến cái chết, nói thật, tôi sợ...Thì vừa may, lúc đó được Ban tham mưu Trung đoàn điều động tôi về làm cần vụ cho Trung đoàn trưởng. Nhận giấy điều động của Ban tham mưu Trung đoàn, tôi mừng còn hơn anh sắp chết đuối vớ được cọc. Ở gần Trung đoàn trưởng, chắc chắn cái mạng của tôi an toàn hơn ở dưới đơn vị chiến đấu, còn gì hạnh phúc bằng. Nhiều anh em trong đơn vị nghe tin tôi được điều về làm cần vụ cho Trung đoàn trưởng Tư Ban, họ nói:
                   - Nhất mày! Chi ít khỏi đánh nhau, còn cái gáo mà mang về.
                   - Gần Trung đoàn trưởng bao bổ béo, mày cũng được hưởng.
                   - Ở chỗ đó, có gì còn chạy kịp.
                   ...
          Thôi, kệ chúng nó, cũng chẳng nên thanh minh, thanh nga, có thời cơ thuận lợi thì mình nên tranh thủ. Có một điều làm tôi áy náy, cứ suy nghĩ mãi. Vì sao tôi được chọn làm cần vụ cho ông Tư Ban mà không phải người khác? Sau naỳ qua một số người ở Ban tham mưu Trung đoàn, tôi mới biết, đã tưởng vào đến chiến trường thì cái bằng đại học là vứt đi, ài dè chỗ toàn súng với đạn, nó vẫn phát huy tác dụng. Ông Tư Ban đang cần người viết báo cáo, ghi lời khai của tù binh, trước đây đã có mấy người giúp, nhưng chưa làm cho ông vừa lòng. Nay xem lý lịch trích ngang, thấy tôi tốt nghiệp đại học, hơn nữa lại cùng quê với ông. Ông yêu cầu Ban tham mưu trung đoàn đưa tôi lên gặp ông ngay.
          Tôi vẫn biết ở chiến trường kề cận cái sống, cái chết, đói, no cùng chia... nên khoảng cách giữa sỹ quan và lính dễ hoà đồng, nhưng chi ít, đã là Trung đoàn trưởng thì phải có tác phong khác. Đến khi gặp trực tiếp ông Tư Ban, tôi hoàn toàn bất ngờ về tính giản dị của ông. Ông Tư Ban - Trung đoàn trưởng không có vẻ quan cách như những người sỹ quan đồng cấp khác. Dáng đi của ông thô kệch, thích hút thuốc rê, ai mới ngửi đã không thể chịu nổi mùi khét. Mãi sau này gần ông ấy, tôi mới quen được. Cái tật nghiện thuốc rê của ông chỉ ngưng, khi ông ấy đi điều nghiên các căn cứ của địch. Ông Tư Ban ăn mặc cực kỳ đơn giản, có lúc ông  cởi trần, mặc mỗi chiếc quần đùi, cái khăn rằn quấn trên đầu nằm ngủ ở võng, trông ông ấy giống y như một lão nông Nam Bộ đang say giấc sau một buổi cày. Ông có một mùi mồ hôi khó lẫn vì... lâu lâu ông mới tắm một lần. Tính ông Tư Ban, khi không đánh nhau, đôi khi rất hiền lành, lính có thể vật ông ra cù vào nách, vào cái lỗ rốn rất to như cái bát đấu để đùa. Khi vui, ông xung phong hát bài “vì nhân dân quên mình”, bao lần tôi dạy, ông cũng chỉ thuộc được một nửa, hát câu này, xọ câu kia, mọi người phải hát hoà cùng , khoả lấp cho chỗ ông quên. Hứng trí hơn nữa, nằm trên võng đua đưa, ông vỗ bụng ca vọng cổ sáu câu:
                             Anh đã thương em mà không lấy được
                             Chỉ vì em chê anh khó, anh nghèo ...tưng...tưng ...”
          Ông nói với tôi giọng thành thật, cả đời ông chỉ đi đánh giặc, nên đầu óc ông không thể học hành cho đến đầu đến đũa, tiếp thu cái gì cũng khó . Tôi hỏi:“ Thế làm thế nào mà thủ trưởng ghi chép và tiếp thu nghị quyết của cấp trên phổ biến...” . Ông Tư Ban nghe tôi hỏi vậy, thì cười ha hả: “ Nghe chú em hỏi thế, làm tui tức cười quá. Cũng vì muốn hiểu nghị quyết, muốn ghi chép rõ ràng... nên tui mới cần đến chú em. Chú hiểu cho tui, tui cũng nói thật, cả cuộc đời binh nghiệp của tui, thì cần gì phải học nghị quyết. Đảng đã ở trong tim, trong máu rồi. Đảng nói gì, tui cũng nghe. Mà tui nói gì, lính cũng phải nghe”. Đấy là lúc vui, còn lúc ông Tư Ban giận thì đến thiên lôi có xuất hiện cũng không thể sợ bằng cơn giận dữ của ông. Thường những lúc như vậy, nếu ở trong hầm của ban tác chiến,  ông Tư Ban rút khẩu súng lục ra để trên thùng đạn, nhìn người trực diện ngầu vằn những tia máu, mái tóc húi cua dựng ngược, cằm bạnh ra, giọng nói với ai cũng như quát vào mặt họ. Bằng sự nóng tính đến độ bất chấp, lúc đó ít người dám làm trái lệnh của ông.
          Khi mới làm nhiệm vụ cần vụ cho ông Tư Ban, tôi không được ông ấy tin ngay. vì bản tính của ông Tư Ban là hay nghi ngờ. Chẳng thế, rất nhiều lần trinh sát Trung đoàn đã đi điều nghiên một căn cứ của địch, báo cáo cặn kẽ rồi, chỉ cần một chút không yên tâm, là ông bí mật đi kiểm tra lại. Nếu đó là chuyện đúng, thì không sao ? nhưng sai lệch một chút, là ông để ý, đánh giá nâng lên thành quan điểm“ Có tư tưởng đầu hàng, sợ địch.”. Nên trinh sát Trung đoàn sợ ông lắm. Cũng rất lạ, ở gần ông, tôi phát hiện, gần như trong suy nghĩ của ông Tư Ban, ông chẳng tin ai. Ông Tư Ban có một quyển sổ tay, viết rất ít chữ nhưng đầy ký hiệu, chỉ một mình ông hiểu, nhằm phân biệt  những mặt được và chưa được của từng người trong Ban chỉ huy Trung đoàn. Nhớ hôm đầu tiên tôi ngủ chung hầm với ông. Hai cái võng mắc cạnh nhau, mùi thuốc rê ông ấy hút, khét quá làm tôi không ngủ ngủ được, nhưng tôi không dám nói. Thấy tôi cứ lục đục bên này, rất tinh ông Tư Ban hỏi tôi:
                   - Lạ hầm, lạ hơi em không ngủ được phải không?
          Chiến trường đã dạy tôi, không bao giờ lộ ý nghĩ thật của mình.Tôi trả lời sang một ý khác:
                   - Báo cáo thủ trưởng, lên trên này em nhớ anh em đồng đội ở đơn vị cũ quá !
          Nghe tôi nói vậy , ông Tư Ban cười lớn, chỉ ra sự thật mà tôi muốn dấu:
                   -Thôi đi, tui muốn nói với em, cái gì mình cũng nên thành thật, lên đây đỡ sợ chết hơn ở đơn vị chiến đấu, em sướng thấy bà. Nhớ gì đơn vị dưới kia, chẳng qua em sợ Qua, chưa quen. Đúng không ?
          Tôi im lặng, đỏ mặt như một sự thừa nhận, may mà ở hầm tối, ông ấy không nhìn thấy. Cũng từ hôm đó, tôi cần rút ra một bài học. Với ông Tư Ban mình nên ít nói, ít thể hiện tình cảm ra ngoài, vì chỉ cần lộ một chút  thôi, là ông ấy hiểu hết...Ngược lại, ở gần ông Tư Ban, tôi lại phát hiện ra một điều, khi làm được điều gì đấy mà ông ấy đã tin, thì ông tin đến tận cùng, tin một cách mù quáng, không ai có thể làm ông thay đổi ý kiến được. Tôi phải lợi dụng điều này, kể cả những việc với mình rất khó chịu, nhưng để ông ấy “ tin ” thì phải nghiến răng, nghiến lợi vào mà làm. Chiếm được lòng tin của ông Tư Ban, tôi chắc rằng, chẳng bao giờ ông ấy cho tôi trở lại đơn vị chiến đấu nữa.
          Sau khi đã tin tôi, những tối hai thầy trò mắc võng nằm cạnh nhau, ông Tư Ban thường tâm sự đời tư của ông cho tôi nghe. Chắp nối những lần kể chuyện, tôi có thể hiểu cuộc đời ông Tư Ban là như thế này:
          ...Tuổi thơ của ông đầy những ngày bất hạnh. Ông cực khổ từ lúc lọt lòng mẹ. Nếu không được giác ngộ cách mạng, thì cuộc đời của ông coi như bỏ đi. Đến tận bây giờ, một điều ông Tư Ban ân hận nhất, vẫn không biết mặt bố ,mẹ là ai? Mẹ làm nghề quét chợ, không nhà, không cửa. Cứ tối tối, khi xong việc, mẹ lại lấy túp lều bán hàng chổi đót cuối chợ làm chỗ trú thân. Rồi một đêm mưa gió có một người đàn ông vào ngủ chung với mẹ. Mẹ có mang, bụng chửa vượt mặt vẫn phải cầm cái chổi đi quét chợ. Quá vất vả, sức khoẻ yếu, nên khi sinh ra ông, mẹ của ông đã bị băng huyết, bà chết không kịp nhìn thấy mặt con. Ông Tư Ban được đôi vợ chồng người thọt chân đón về nuôi. Người đàn ông thọt chân này, trước làm nghề buôn hàng lậu, bị lính dõng đuổi, bắn cho què, rồi bị bắt vào tù. Trong tù, người đàn ông này được những người tù chính trị giác ngộ, ông ta đi theo cách mạng. Ra tù người đàn ông thọt chân cùng vợ trở thành cơ sở bí mật cho những người hoạt động Cách mạng. Muộn đường con cái, thấy hoàn cảnh của ông Tư Ban lúc đó, sinh ra không cha, không mẹ, phải đi bú chực khắp chợ. Vợ, chồng người thọt chân liền xin nuôi. Ông Tư Ban lớn lên cùng cha mẹ nuôi, ông coi hai người này như cha mẹ ruột đã sinh thành mình. Người cha dượng dẫn ông Tư Ban lên những vùng biên giới, bên ngoài giả như đi buôn bán, còn bên trong lại là gây dựng cơ sở chuẩn bị đón thời cơ. Đó là nền tảng để sau này ông tích lũy những kinh nghiệm đánh giặc như kiểu: “ nấu không khói, nói không tiếng”. Một lần cùng cha dượng sang biên giới làm nhiệm vụ đón cán bộ. Bị lộ, cha dượng ông bị giặc bắn chết. Còn ông, chúng bắt sống và tra tấn ông rất dã man. Ông tìm cách vượt ngục trở về với hàng ngũ những người Cách mạng. Lòng căm thù giặc không để đâu cho hết, cuộc đời ông đi hết chiến dịch này, đến chiến dịch khác. Bàn chân của ông chai sạn đi vì những năm tháng trèo đèo, lội suối... Dũng cảm pha lẫn liều lĩnh, chịu khổ pha lẫn nhẫn nại, hơn nữa súng đạn là phương tiện gọn nhất, nhanh nhất để tiêu diệt kẻ thù giai cấp, ông Tư Ban thực hành tốt và trở thành một sỹ quan quân đội. Mãi sau này khi tuổi đã đứng, ông Tư Ban mới lấy vợ. Vợ ông là người cũng từng đi ở đợ. Ông lấy vợ nhờ tổ chức đứng ra làm mai mối. Năm một chín năm tư, ông Tư Ban đi tập kết ra bắc, vợ ông ở lại. Ngày bắc, đêm nam lúc nào ông Tư Ban cũng nghĩ đến vợ. Ngày đi B, vào lại chiến trường miền Nam , hy vọng gặp được người vợ thân yêu, thì ông Tư Ban nhận được một tin sét đánh. Cơ sở bí mật của ta ở dưới đồng bằng báo lên, vợ ông bị lính Mỹ hãm hiếp rồi giết chết. Tin đau đớn đó đến với ông làm cho ôg thất thần, tính cách đã lầm lỳ lại càng lầm lỳ hơn, sự trả thù biểu hiện bằng từng ánh mắt .Cứ nhắc đến tội ác của kẻ thù, mắt ông ngầu đỏ như mắt cọp. Lính trung đoàn hay nói với nhau: Ông Tư Ban đi đến đâu, lính địch chết đến đó. Tên của ông nổi tiếng toàn miền. Bên quân đội Sài Gòn nghe tiếng trung đoàn hai linh tư, bọn chúng cũng khiếp vía. Bọn chúng đặt tên trung đoàn “ hai linh tư” thành “ hai linh tử”. Ông Tư Ban thường nói với chúng tôi khi đơn vị nhận lệnh đi chiến đấu:“ Đời tôi không biết thất bại, phải quyết tâm đánh thắng, không cho kẻ thù có một giây ngóc đầu dậy. Không giết chúng, chúng cũng giết mình...”.Viết đến đây tôi lại nhớ một chuyện.
          Lúc tôi và ông Tư Ban đi trinh sát một chốt địch. Ông Tư Ban phát hiện bên quân đội Sài Gòn cài cạnh các hàng rào một dãy mìn Clâymo, một loại mìn định hướng, nổ cực mạnh. Bò sát đến hàng rào, sờ từng quả mìn Clâymo, trong bóng tối tôi thấy mắt ông Tư Ban như sáng lên. Tôi đoán, chắc ông Tư Ban đã tìm ra được một cách đánh địch mới. Quả nhiên, tôi đoán không lầm. Ông Tư Ban ghé sát, nói nhỏ vào tai tôi:“ Đợt này thì chúng chết sạch mà bên mình không tốn một viên đạn.” . Ông Tư Ban bê thật nhẹ nhàng những quả mìn Clâymo, quay hướng vào phía trong, sát vào miệng lỗ châu mai của lô cốt đối phương và các cửa ra vào. Ông Tư Ban làm khéo lắm, rất bình tĩnh, không gây ra một tiếng động nhỏ nào. Chỉ có thể thực hiện điều đó, khi ở cạnh giây sống, giây chết , người ta thấy hứng thú và biết chắc chắn rằng sẽ thắng một trăm phần trăm. Trong khi ấy, tôi ở bên này, như nín thở, thần kinh căng thẳng, mồ hôi đổ ra đầm đìa, thực sự sợ hãi. Hôm sau, chốt Đầu Ngựa của quân đội Sài Gòn bị đơn vị chúng tôi tiêu diệt.Tôi lên quan sát. Cả chốt Đầu ngựa tan hoang, điều đặc biệt, khi trận đánh xảy ra, tôi và cả đơn vị mới biết cách đánh rất hiểm của ông Tư Ban. Bên kia thấy động, sẽ  bấm nút cho những quả mìn Clâymo nổ. Vì những quả mìn Clâymo đã quay ngược chiều, nên tự họ sẽ giết họ. Do sức công phá quá mạnh, lại ở cự ly gần của những quả mìn Clâymo này, toàn bộ số lính và sỹ quan quân đội Sài Gòn trong hầm không một ai sống sót. Trên vách hầm còn dính những mảnh áo lính,  thịt người bị cháy bốc mùi khét nồng nặc. Quả thật, khi tĩnh tại tôi cứ bị hình ảnh đó ám ảnh mãi trong đầu .
          Con chuyện tình yêu của ông Tư Ban, tôi nghĩ thật sự thương cho ông ấy. Cái khổ của ông Tư Ban đi lính mấy chục năm trời, những ngày gần vợ chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay. Tôi đã chứng kiến nhiều đêm ông Tư Ban trằn trọc trên võng trông rất tội và từ những đòi hỏi của người đàn ông, ông để ý đến chị Hai Hồng. Chị Hai Hồng là chị nuôi của đơn vị.
          Tôi rất phục nhà văn Nam Cao tả Thị Nở, nhưng Thị Nở có xấu như thế, có đứng cạnh chị Hai Hồng, tôi cam đoan Thị Nở vẫn đẹp hơn. Chị Hai Hồng có dáng cục mịch nhìn bề ngang dài hơn bề cao. Mặt rỗ hoa chằng chịt, khi hứng chí chị Hai Hồng cười, hai mắt nhắm tịt lại, người đứng ngoài quan sát lúc ấy sẽ thắc mắc, không biết mắt của chị ở vị trí nào nữa. Đã thế chị Hai Hồng, theo tôi, ở hơi bẩn. Cái quần láng đen pha nilon có lẽ cả tuần không giặt nên màu quần đen là thế, cũng bị chìm đi bởi màu đất đỏ bám vào. Có lúc tôi đứng gần chị, cũng phải nhăn mặt bởi cái mùi nằng nặng, hôi hôi cứ bay xộc vào mũi. Ngôn ngữ của chị Hai Hồng sử dụng lại quá ư là... tiết kiệm. Nêu lúc nào chị Hai Hồng nũng nịu, ỏn ẻn, ngúng nguẩy cái mông lạch bạch như vịt bầu mà :“ Ứ ... ừ...”.Còn lúc đồng ý, chị Hai Hồng hay ngơ ngác nhìn người đối diện mà rằng :“ Thế nào ấy !”. Từ đó mới đến đoạn tỏ tình của ông Tư Ban với chị Hai Hồng.
          Chiều ấy, như mọi lần tôi và ông Tư Ban xuống bếp Trung đoàn bộ ăn cơm. Gọi là “bếp ” chứ thực ra đó là một cái hầm rộng nửa chìm, nửa nổi. Phía trong đặt bếp Hoàng Cầm, phía bên ngoài  là mấy cái bàn làm bằng mấy thanh  nứa ghép lại. Tôi đã để ý mấy lần ông Tư Ban xuống nhà bếp ăn cơm, khi chị Hai Hồng quay người vào phía trong chia cơm, ông Tư Ban nhìn chị Hai Hồng đến ngây dại. Bất ngờ chị Hai Hồng quay lại, bắt gặp cái nhìn của ông Tư Ban , cả hai người đều lúng túng, vội quay đi chỗ khác. Tôi “đọc” được suy nghĩ của ông Tư Ban, nên gợi ý: “ Thủ trưởng ạ! Em thấy chị Hai Hồng có vẻ mến thủ trưởng”. Ông Tư Ban gật gật cái đầu rồi ông hỏi tôi: “ Theo em, làm thế nào để cho cô Hai biết rằng tui đang yêu cô ấy?”, “Thì thủ trưởng cứ nói thẳng, có gì em sẽ hỗ trợ .”Và đến buổi chiều diễn ra đoạn tỏ tình giữa ông Tư Ban và chị Hai Hồng thật tuyệt diệu.
          Lúc xảy ra sự kiện “ trọng đại “này mọi người trong nhà bếp đã về hết, chỉ còn ông Tư Ban, chị Hai Hồng và tôi, người chứng kiến.
          Ông Tư Ban nhìn chị Hai Hồng nói được mấy câu rồi ngắc ngứ :“ Cô Hai, tôi...”.Tôi đứng cạnh,  liền động viên:“ Cố lên, thủ trưởng! ”, Mặt ông Tư Ban đanh lại, tay chân gồng lên, mắt trợn trừng, nhìn thẳng vào mắt chị Hai Hồng rồi bất chợt ở mồm ông bật lên được ba tiếng:“ Tôi yêu cô !”. Nói xong câu nói đó, ông Tư Ban thở phào nhẹ nhõm, như vừa phác xong một phương án đánh địch tối ưu. Con chị Hai Hồng nghe ông Tư Ban nói vậy thì lắc lắc cái mông, mắt đưa đẩy trước một tình thế đã đoán trước:“... Ứ ... ừ...”. Ông Tư Ban lại nhìn tôi với ánh mắt cầu cứu. Hết nhìn chị Hai Hồng lại nhìn ông Tư Ban, tôi dấn thêm: “ Mạnh lên thủ trưởng, thắng đến nơi rồi!”. Ông Tư Ban lại gồng người, hai tay nắm chặt như thủ thế, thét to : “Đồng ý không? Hai!”. Lấy hai tay vân vê tà áo, chị Hai Hồng cúi đầu e thẹn, nói lý nhí: “ Thế nào ấy !”. Tôi rất mừng, nói với ông Tư Ban : “ Thành công rồi, thủ trưởng ạ! Ta về thôi.” Rồi tôi và ông Tư Ban đi ra khỏi hầm ăn. Đi được một đoạn xa, quay đầu lại vẫn thấy chị Hai Hồng đứng nhìn theo hai thầy trò tôi, tôi quay lại nói cho ông Tư Ban hiểu:“ Qua thái độ của chị Hai, em thấy chị ấy thương thủ trưởng hết ý!”. Ông Tư Ban nghe tôi nói vậy, rất thắc mắc:“ Tui có thấy cô ấy nói gì đâu. Sao em lại nhận xét như vậy?”. “ Dạ! Tình yêu không cần lời nói, chỉ cần biểu hiện qua ánh mắt là em biết tất cả !”.“Thế tối nay em sang bên đó bảo chị Hai đến hầm của tui. Được không?”, “ Thủ trưởng phải viết thư, chị Hai mới tin.”. Đêm ấy, ông Tư Ban bật đèn cầy, viết thư cho chị Hai. Chữ của ông viết nghuệch ngoạc, độ hơn mười chữ hết cả trang giấy, thiếu nét lung tung:“ Em Hai, anh rất thương em. Nếu em thương anh thì theo Ninh sang hầm của anh.”. Được ông cho phép, tôi đọc bức thư, rất ngạc nhiên:“ Sao thủ trưởng lại viết thư tình như thế này ?”. “Tui muốn viết, muốn nói nhiều lắm, nhưng không thể viết được. Thôi, em sang đó có gì nói hộ tui.”. Ông nói lắp bắp, ngượng ngập khiến tôi nhìn ông không nín được cười. Ra thế, khi yêu thì bản tính con người có dữ như cọp cũng trở thành cái ngớ ngẩn của trẻ con. Đưa tôi bức thư xong, ông Tư Ban còn tiễn tôi ra cửa hầm dặn dò điều quan trọng nhất là phải đưa bằng được chị Hai Hồng sang đây. Điều thứ hai, là phải tuyệt đối bí mật, không để bất cứ ai trong Trung đoàn biết. Giữa đêm hôm khuya khoắt của chốn chiến trường tôi thực hiện tốt nhiệm vụ “ trọng đại ” đó.
          Khi đưa chị Hai Hồng vào hầm của ông Tư Ban, xong nhiệm vụ, tôi ôm khẩu ứng AK ra bên ngoài, ngồi canh gác.Trong kia tiếng thở hổn hển, tiếng cười khúc khích. Ôi ! một cuộc tình thật mãn nguyện của đôi lứa đồng cảnh giữa nơi chiến trường ác liệt. Cũng từ đó, tôi trở thành cầu nối giữa ông Tư Ban và chị Hai Hồng. Một điều tôi làm khiến cho ông Tư Ban rất bằng lòng, là tôi giữ rất kín chuyện này. Gần như các cuộc gặp mặt của chị Hai Hồng và ông Tư Ban duy nhất, trong trung đoàn chỉ có tôi biết. Ông Tư Ban có thể làm việc này, còn người khác làm việc như vậy, sẽ bị kỷ luật rất nặng nề. Tôi còn nhớ, tham mưu phó trung đoàn chỉ có tình ý với một nữ du kích địa phương, bị kiểm điểm lên, kiểm điểm xuống trong nhiều cuộc họp. Ông Tư Ban là người phê phán gay gắt nhất: “ Chúng ta phải coi nhiệm vụ đánh thắng giặc là nhiệm vụ lớn nhất, lúc này chỉ cần có chút tình cảm nam nữ thôi, sẽ bị nhiễm ngay tư tưởng hoà bình chủ nghĩa, hạn chế sức chiến đấu. Điều đó Ban chỉ huy trung đoàn không cho phép.”. Ông Tư Ban xử lý chuyện của người khác thì như thế. Còn chuyện của ông, tôi nghĩ, ông có quyền vì ông là Trung đòan trưởng. Tôi làm lộ chuyện này, dứt khoát ông Tư Ban sẽ cho tôi xuống đơn vị chiến đấu trực tiếp. Điều đó, nói thật, tôi không muốn tý nào !!!
          Từ khi yêu chị Hai Hồng, thái độ ông Tư Ban khác hẳn. Những lúc đi tắm với tôi dưới suối, ông Tư Ban đùa với tôi rất hồn nhiên như một thanh niên đang độ tuổi yêu. Ông hay nói với tôi chuyện đất nước khi hoà bình, giọng vui vui, mắt mơ màng: “ Hoà bình rồi tui với em nhất định về lại quê, lúc đó tui đón luôn cô Hai về. Thôi đánh nhau, nhất định tui sẽ làm giám đốc một công ty nào đó. Nếu lúc đó em thích, tui sẽ đón em vào làm.Còn cô Hai, tui sẽ cho cô diện ngất trời. Cái công tui với em đổ máu cũng xứng đáng.”. Ước mơ của ông Tư Ban có thể thành hiện thực lắm. Chi ít ông mới gần năm mươi tuổi, chức vụ Trung đoàn trưởng, Trung đoàn tăng cường, tương đương một sư đoàn nhẹ.
          Nói đến chức vụ của ông Tư Ban, thì chính ông, lúc chỉ có hai thầy trò trong hầm, ông tâm sự thật:“...Nói với em ,ngày tui từ bắc vào chiến trường, mới ở chức trung đội trưởng. Cả tiểu đoàn đánh nhau có vài trận, chết gần hết, thiếu cán bộ thế là tui lên. Cứ một hai trận, có người chết, là tui lại lên một chức.”. Ông nói với giọng buồn buồn: “ Lên chức như thế cũng chẳng vui vẻ gì. Mình lên chức bằng xương máu của anh em đấy.”. Qua là ở chiến trường có điều đó thật. Đồng đội của tôi, mới đó còn thấy đông, giờ đây đã thưa kinh khủng. Như hôm đánh chốt núi Gió, trinh sát đã đi điều nghiên, ông Tư Ban trực tiếp đi kiểm tra lại, khẳng định: “ Chốt này bên đối phương chỉ bổ trí một đại đội thuỷ quân lục chiến, vũ khí có hạn.Trung đoàn cho phép tiểu đoàn mười một tập kích. Nhưng cuộc tập kích của tiểu đoàn này thất bại ngay từ lúc nổ súng. Đợt đầu tất công vào, tiểu đoàn bị đánh bật ra, hy sinh mười hai người. Tiểu đoàn điện về Trung đoàn bộ báo cáo khó khăn, lúc đó ông Tư Ban đang ở hầm thông tin. Tiểu đoàn mười một yêu cầu cho dừng trận đánh, rút ra ngoài củng cố lực lượng. Giọng ông Tư Ban gầm lên trong máy truyền tin:“ Rút là rút thế nào ! Tập trung toàn bộ lực lượng quyết tâm đánh chiếm chốt trước lúc trời sáng”. Tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn mười một lại báo cáo :“Hoả lực của chốt địch quá mạnh, mạnh hơn chúng ta đã trinh sát. Pháo trong căn cứ địch cấp tập liên tục rất khó tấn công. Có khả năng kế hoạch tập kích của ta đã bị lộ”. Ông Tư Ban không nghe, vẫn hét lên trong máy: “Đánh! Hoả lực của địch không phải như thế. Tôi đã kiểm tra. Đây là lệnh của Trung đoàn. Nếu các anh cho tiểu đoàn rút ra, tôi sẽ kỷ luật.”. Không còn con đường nào khác, Ban chỉ huy tiểu đoàn gom lại những người còn sức chiến đấu,  mở cuộc tấn công lần thứ hai. Lần naỳ hy sinh thêm hơn ba chục người nữa, trong đó có cả tiểu đoàn trưởng. Lúc đó tiểu đoàn mười một mới chiếm được chốt núi Gió. Khi vào chốt kiểm tra, trước hiện trạng của căn cứ địch, ông Tư Ban phát hiện địch làm kế nghi binh để lừa bên ta. Ông Tư Ban điều tra tưởng kỹ vẫn mắc bẫy của đối phương. Trong chốt núi Gió chỉ có một tiểu đội lính người Thượng, đánh chí chết với ta. Biết thế nét mặt ông Tư Ban thoáng buồn, ông nói với tôi: “ Vì tui đã báo cáo lên trên là Tiểu đoàn mười một chắc chắn sẽ chiếm được chốt, không cần sự chi viện. Đã báo cáo như thế mà tiểu đoàn mười một không chiếm được chốt thì còn gì là uy tín của tui, một Trung đoàn trưởng. Đời chiến đấu của tui chưa biết mùi thất bại”. Cứ mỗi trận đánh diễn ra xong, nét mặt của ông Tư Ban, tôi kín đáo quan sát, thấy càng lỳ lợm đến độ lạnh lùng. Có nhiều đêm ngủ trên võng, tự nhiên ông Tư Ban ngồi bật dậy, rút nhanh súng lục ra khỏi bao, chĩa ra cửa hầm hét:“Ai? Đứng lại, không tui bắn!”. Tiéng hét của ông  làm cho tôi đang ngủ, giật mình tỉnh dậy: “ Thủ trưởng làm sao thế ạ ?”. “ Tui thấy hình như có thằng nào vào đây định bắn tui và em” - Ông Tư Ban nói, giọng  vẫn chưa hết hoảng hốt.Tôi quan sát xung quanh, tất cả vẫn yên tĩnh:“ Có ai đâu ạ !”. Định thần lại, ông Tư Ban đút súng lục vào bao, nằm xuống võng ,nói lẩm bẩm tả thực tâm trạng của mình:“ Sao tui thấy lo lo.”.
          Cứ tưởng những người như ông, đã quá quen với cái chết, hoá ra ông cũng sợ...
          Tôi ở với ông Tư Ban gần hai năm. ông Tư Ban rất thương tôi, luôn luôn muốn tôi ở bên cạnh ông ấy. Nhưng bảo tôi có thương ông ấy không ? Chính điều này, nếu có ai hỏi yêu cầu trả lời thực lòng. Tôi thấy rất khó trả lời. Thực ra, ở gần ông, tôi chỉ nhăm nhăm một điều, làm thế nào để tìm cách xin ông, với cương vị Trung đoàn trưởng, cho tôi ra lại miền Bắc, tôi không thích đánh nhau nữa. Nghĩ mãi không ra cách nào cả, thì vừa may có dịp...
          Đơn vị tôi đánh chiếm được một thị xã, trung đội trinh sát của Trung đoàn bắn chết một con lợn của dân. Tay trung đội trưởng chơi thân với với tôi. Khi mổ con lợn, hắn dành cho tôi nửa quả tim, cái dạ dầy và một ít lòng. Tôi báo cáo việc này với ông Tư Ban, ông không nói gì và hai thầy trò chúng tôi được một bữa nhậu đã đời. Nhưng ngày hôm sau, có mấy người dân kéo đến chỗ chúng tôi trú quân phản đối, tay trung đội trưởng trinh sát đánh một người dân vì hắn ta cho rằng: “ Những người dân này nói xấu quân đội Cách mạng”. Nhân dân xung quanh kéo đến phản đối dữ dội về hành động này của tay trung đội trưởng trính sát. Chuyện đó đến tai ông Tư Ban, ông yêu cầu ban chỉ huy Trung đoàn họp lại, kỷ luật tay trung đội trưởng trinh sát này. Tay trung đội trưởng trinh sát cũng không phải là loại vừa, hắn tố cáo tôi, qua việc ấy, hắn gián tiếp muốn nói là ông Tư Ban có tham dự vào chuyện ăn con lợn đó. Biết điều đó, ông Tư Ban gọi tôi ra một chỗ, rồi nói nhỏ: “ Sự thực tui rất thương em, nhưng với tình hình sắp tới chúng ta mở chiến dịch lớn, chưa biết thực tế chiến trường ra sao. Tui nghĩ thế này, nhân chuyện ăn con lợn, em nhận tất cả, coi như tui không biết, nhận một án kỷ luật cảnh cáo, không còn cảm tình Đảng. Rồi tui bảo tay bác sỹ Trung đoàn chứng nhận em yếu sức khoẻ cho em ra bắc... Em thấy thế nào?”. Tôi biết đây là cái giá tôi phải đổi để giữ uy tín cho ông. Ông tưởng tôi đắn đo, nhưng...Trời ơi! Nghe ông nói vậy, trái tim của tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Được ra bắc, khỏi phải đánh nhau, mạng mình còn... Lúc này ông bảo tôi như thế, chứ hơn thế, tôi cũng gật đầu... Dẫu thế, ở cạnh ông, tôi luôn biết gìm cảm xúc, không bao giờ thể hiện ra bên ngoài. Tôi giả bộ phân vân: “ Em ra bắc trong lúc thủ trưởng vất vả như thế này, rồi em sợ...”. ÔngTư Ban ôm tôi, nói cảm động: “ Em sợ tui chết chứ  gì ! Ở đây người chết còn nhiều hơn đạn vãi mà tôi vẫn sống, chắc sắp tới không sao đâu... Em đi đi”. Nghe ông Tư Ban nói vậy, tôi càng quyết tâm ra bắc... Còn tương lai của ông Tư Ban như thế nào ? Tôi không dám nghĩ đến...
 
 
                   Quả thực, được ở những năm thắng hoà bình, hình ảnh ông Tư Ban trong tôi không gây nhiều ấn tượng. Có chăng đấy là những năm vất vả, tìm cách tránh cái chết, chống cái đói...tôi lại nhớ. Nay đọc báo, thấy hình ông Tư Ban, rồi biết ông được Bộ trưởng trao quyết định lên làm Tổng giám đốc, bao kỷ niệm dồn dập về người thủ trưởng cũ ập về.  Tôi ghi lại một cách trung thực, với ước mong,  ông lại thành đạt như trong lúc đánh nhau...