Trang chủ » Truyện

CHẬP ĐIỆN

Đoàn Nhất Trí
Thứ tư ngày 19 tháng 8 năm 2009 5:44 AM
 truyện ngắn
                 Phụp! điện tắt. Bóng tối như chiếc lưới vô hình màu đen chụp xuống mọi vật. Gã ngẩng cổ nhìn lên trần nhà. Sợi tóc của chiếc bóng đèn một trăm wat như con giun, đỏ lừ rồi dần tắt hẳn. Đêm tối hoàn toàn ngự trị khu nhà.
                Gã dằn mạnh bát cơm đang ăn dở xuống chiếc mâm nhôm đánh xoảng. Bát đĩa trên mâm cơm nhẩy thếch lên. Hình như bát mắm tôm rẻ tiền nhà quê đã đổ tung tóe. Mùi của nó nửa thơm, nửa thum thủm được dịp lan tỏa khắp căn phòng. Ba chiếc cánh  quạt trần đột nhiên chậm lại, lừ đừ quay rồi lịm hẳn như người vừa tắt thở. Hơi nóng hầm hập của đêm hè như con quái vật bò ra từ mọi ngóc ngách, quấn chặt lấy mọi người, vắt kiệt những giọt mồ hôi của họ. Cút rượu ngon cùng đùm thịt chó thửa từ quán Lão Béo về định động viên vợ con nhân ngày mai ra lò mẻ ấp gà giống thứ ba thắng lợi thế là không thành. Mấy nghìn quả trứng trong lò ấp. Quả đã mổ mỏ. Quả mới chớm rạn châm chim. Quả đã thò ra chút xíu cái mỏ vàng ươm xinh xắn của chú gà con sắp chào đời đang ngọ nguậy ở trong. Tất cả rồi sẽ sao đây nếu điện cứ cắt thế này cho đến ngày mai, ngày kia? Lũ gà con sẽ chết hết vì nóng cho mà xem. Nghĩ đến đây, gã vụt đứng dậy chửi độc: “Mẹ cái thằng điên (không phải thằng Điện), nó cứ cắt điện liên tục thế này có bằng giết bố. Ta sẽ cho lão biết thế nào là độc quyền, chứ thế này mãi thì không chịu được nữa!” Cái nóng do nửa cút rượu đã uống vào dạ dày làm xúc tác, từ trong nóng ra cộng với cái oi bức, ngột ngạt của thời tiết bên ngoài thấm vào càng làm cho gã xung tiết lên. Lẽ ra phải xuống nhà ấp trứng xem thế nào thì gã lại hùng hổ bước những bước dài ra cổng. Vợ gã níu gã lại. Gã cục cằn vằng ra cứ như gã sẽ đi giết người đến nơi. Bất lực, vợ gã quay lại vừa lớn tiếng quát con Tý đang khóc, vừa sờ lần tìm hộp diêm châm ngọn đèn dầu. Một chiếc đèn để cạnh mâm cơm còn dang dở cho cái Tý ngồi bên, một chiếc, thị tất tưởi đem xuống khu nhà ấp trứng gà. Tận sâu trong bụng vợ gã, thị lo cho mẻ trứng gà ấp chỉ ngày mai là nở rộ mà tối nay mất điện, nhiều hơn là lo chồng đang chạy đi gây sự. Có nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Gã chỉ được cái to xác chứ nhát như thỏ đế. Hùng hổ là thế mà già dái non hột. Đối phương trên can một tý, y như co vòi lại ngay. Bù lại, gã được cái khá điển trai. Chẳng thế mà, gã đã thành hôn với thị đến nay đã hơn hai năm, còn có một đứa con gái nữa mà cô con gái rượu con Lão Toác vẫn chưa quên được gã. Cô say gã như điếu đổ. Cứ có cơ hội là cô ta tìm cách lân la đến gần gã liếc mắt đưa tình, tán tỉnh dụ dỗ gã đủ kiểu. Cô ta làm những việc ấy ngay cả khi có mặt thị ở ngay bên cạnh gã, không thèm giấu giếm. Dĩ nhiên, thị cũng đi guốc trong bụng chồng. Thị chắc chắn gã cũng chưa quên được cô ả. Cô nàng từng là mối tình đầu và có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với chồng thị suốt cả thời niên thiếu, làm sao một lúc có thể quên nhau ngay được. Thị biết thế nên cầm cương gã rất chặt. Mọi hành vi của gã đều được tính toán kỹ lưỡng để không lúc nào nó không nằm trong tầm kiểm soát và khống chế của thị. Gã không thể làm gì được.
             Người yêu cũ của gã mà thị đang nghĩ đến là cô Thắm, con gái rượu lão Toác. “Rượu”, là vì mới lên năm, Thắm đã mồ côi mẹ. Lão Toác một mực thương con, không chịu cưới thêm một đời vợ nữa, ở vậy nuôi Thắm cho đến tận bây giờ. Lão Toác xấu người, răng vổ, miêng ngoạc đến mang tai, lại thêm mắt toét, sản phẩm của loại người quanh năm dùng nước ao tù đọng, hôi thối, ô nhiễm. Người lão cưn cứt thế mà khỏe, quanh năm không ốm bao giờ. Lại thêm lão là em ruột của chủ tịch xã. Một chức chủ tịch mà có lẽ hiếm có một ai trên đời này giữ được lâu như thế. Đối nghịch với bố, cô Thắm lại đẹp người, đẹp nết. Thắm và gã có nhiều cái cùng. Cùng xóm, cùng thôn. Cùng làng, cùng xã. Cùng học với nhau một lớp, một trường từ lớp một đến lớp mười hai. Bé thì cùng lội ruộng bắt cua, mò ốc. Mưa rào tháng năm tháng sáu, mỗi đứa một manh áo tơi, đội mưa lội khắp đồng trên đồng dưới , bắt châu trấu. Chiến lợi phẩm đựng chung một chai, về nhà, đổ ra chia đôi. Trước khi mang châu trấu nhà ai về nhà ấy, chúng còn cùng xòe hai bàn tay ra, đặt bốn bàn tay cạnh nhau, bàn tay nào cũng nhợt nhạt, nhau nhúm, trắng bệch như vừa mới vớt ở dưới nước lên, không thể nhận ra bàn tay nào là của đứa nào nữa. Đôi chân cũng vậy. Chẳng sao cả, niềm vui cứ tràn chề hai khuôn mặt tái tím vì nước mưa và vì lạnh giá. Chúng cười với nhau nhưlắcnẻ
             Khi đã học cấp hai, rồi cấp ba, chúng còn quấn quýt nhau hơn nữa. Chúng thường xuyên gặp nhau trên cánh đồng ở những buổi làm cỏ, bón phân chăm sóc lúa. Đến vụ thu hoach thì cùng gặt hái, gánh rơm gánh rạ từ đồng về nhà. Và rồi, cuối cùng, chúng đã biết thế nào là tình yêu từ khi bắt đầu bước vào năm học lớp tám. Trong con mắt của gã, “cô Tấm” Thắm ngày nào còn đen đúa, quần áo xộc xệch, ống thấp ống cao, chẳng khác mấy con lọ lem, nay bỗng chốc vụt lớn phổng phao thành một hoàng hậu đồng quê đẹp đến mê hồn. Cao dong dỏng, săn chắc, da có chút ngăm đen pha sắc hồng của kiểu người gốc An lai da trắng. Đặc biệt, Thắm cuốn hút người đối diện với cô bằng khuôn mặt như tượng tạc được đặt trên cái cổ cao thanh thoát. Sống mũi cô thẳng, đôi mắt dài đa tình, thẳm đen luôn làm mê hồn chàng trai nào chót dại đã nhìn vào đấy. Khóe miệng với những đường nét duyên dáng, nụ cười xinh như nụ hoa vừ mới chớm nở cùng đôi môi lúc nào cũng mọng ướt, mời gọi. Càng lớn lên, Thắm càng xinh. Nhìn cô, không ai là không nhận ra cái ngọn lửa thanh xuân đang hừng hực cháy đỏ và lộ phát ra ngoài. Dĩ nhiên, Thắm trở thành điểm ngắm của không ít chàng trai của cả những lớp dưới và lớp trên cô. Thế nhưng Thắm cũng đã có điểm đến của mình rồi. Đó là Gã. Gã cao lớn, săn chắc, lại đẹp trai, chỉ phải cái sinh ra trong một gia đình nghèo, có tới năm con, ba trai, hai gái. Gã và Thắm chơi thân với nhau từ hồi còn bé tý. Còn nhỏ là tình bạn. Lớn lên, bắt đầu từ những lớp đầu phổ thông trung học thì yêu nhau. Có gã rồi, cô Thắm chẳng thèm để ý đến ai nữa. Càng ngày, Thắm càng yêu gã đến si mê, cuồng nhiệt và không cần giấu giếm. Thắm tìm mọi cách để bất kể lúc nào cũng có thể được ở bên gã, làm một việc gì đó cùng gã, nói với gã vài lời hay chỉ để lặng lẽ nhìn ngắm gã mà thôi.Không được nhìn thấy gã chỉ vài tiếng đồng hồ thôi, Thắm cũng không chịu được. Yêu say đắm, cuồng si, bọa liệt, bốc lửa là đặc điểm tình yêu của Thắm đối với gã. Tuy nhiên, các vị phụ huynh của Thắm và gã, tất cả đều không ai tán thành với con cái của họ. Bố Thắm chê nhà gã nghèo, đông con. Gã là lớn nhất, sợ con gái mình về làm dâu sẽ khổ một đời. Mặt khác, bố Thắm, Lão Toác, tự thấy mình gì thì gì, cũng là gia đình khá giả, lại là em ruột chủ tịch xã, ai cũng phải kính nể mà lại đi thông gia với cái nhà ba đời lực điền nghèo rớt mòng tơi có mà thiên hạ họ cười vào mũi cho. Còn nữa, lâu nay lão vẫn ngấm ngầm nhận lời vị bí thư xã, người làng bên là sẽ gả con gái cho con trai ông ta khi nào nó học hết lớp mười hai. Thằng con ông này học vấn chưa hết lớp bẩy, nhỏ thó, lẻo khỏeo. Nghe đâu còn có bệnh hen mãn tính nữa, nhưng được cái là con nhà giầu, có quyền thế lại con một. Lão Toác nghĩ bụng, con gái mình mà được vào nhà ấy như chuột sa chĩnh gạo. Gầy yếu thì ăn uống tẩm bổ dần sẽ béo lên. Bệnh tật cứ thuốc giã vào là khỏi. Tuổi chúng còn trẻ, lo gì hai thứ vặt đó.
             Bố mẹ gã cũng cũng có lý do không chấp nhận để gã yêu, lấy Thảo vì theo họ, Thảo là cô gái đa tình. Bây giờ nó thế, lấy rồi liệu nó có yên phận làm ăn hay không. Loại con gái đĩ thõa ấy sớm muộn gì rồi cũng đi theo giai cho mà xem. Không chỉ thế, Thảo có ông bố sống không được tử tế, hay nói rõ ra là thất đức với dân làng. Y thế có anh ruột là chủ tịch xã, lão Toác không biết bằng cách nào đã thắng thầu việc điều hành mạng lưới điện của toàn xã. Từ đó, lão lấy chiếc cầu dao điện làm công cụ tác oai tác quái với dân làng thu lợi. Đối với đội ngũ lãnh đạo từ trưởng thôn đến chủ tịch, phó chủ tịch, công an, cho đến bí thư xã, từ xưa đến nay, lão vẫn phục vụ vô điều kiện, hăm bốn trên hăm bốn giờ, chỉ trừ khi cái cầu dao của trạm điện tổng đóng vào mà không có điện thì thôi. Đối với những loại gia đình đặc quyền đặc lợi này, họ dùng điện theo nhu cầu, vô tội vạ mà không hề mất một đồng xu nào. Từ chiếu sáng đến bảo vệ, chạy quạt nhớn bé, máy lạnh, điều hòa cho đến việc đi “tầu ngầm” cho những nồi cám lợn cỡ đại, hay những thùng nước sôi để pha ấm, tắm rửa cho trâu bò, những ngày rét buốt...Tất tật đều hết cỡ, hết công suất, và xả láng. Thế nhưng, đối với dân làng, đều là bà con, họ hàng lối xóm cả, thế mà, Lão Toác ăn ở cạn tàu ráo máng, không chừa ai cả. Ơ nông thôn, chỉ có các đám hiếu hỉ là quan trọng nhất, mới cần đến điện nhất, bởi vì, đó đều là những cái mốc quan trọng của một đời người, một gia đình, một họ tộc. Ây thế mà, từ làng trên đến xóm dưới, hễ cứ ai có đám đều phải cho người đến nhà Lão nói trước. Để tăng thêm hiệu quả của lời nói, phải có vật chất hay tiền bạc đi theo. Mới đầu, lão còn nhận từ con gà đến cân thịt lợn tươi, sau, những thứ ấy ê hề, chỉ có hai bố con không ăn hết, chả nhẽ đổ đi, lão gợi ý để người ta “đáp lễ” lại bằng những chiếc phong bì. Thế đấy, đã phải trả tiền điện đắt gấp hai ba lần thành phố mà vẫn phải mang ơn, tạ ơn người cấp điện bằng cái thứ “văn hóa phong bì”. Nhà nào “lễ lạt” mà lão không ưng ý, lão hành cho ra bã thì thôi. Nghề nào cũng có “võ” của nghề ấy. Thợ may ăn giẻ thì thợ vẽ ăn hồ. Đang tưng bừng, long trọng hay trang nghiêm đấy mà điện tắt phụt một cái thì thôi rồi. Cứ đổ tại cái anh điện cấp trên là thằng dân hết kêu. Vẫn còn kêu nữa ư? Đấy, đi mà lần trong cái mớ bùng nhùng như mạng nhện toàn dây điện là dây điện ấy. Lại còn máy móc nữa, bác nông dân nào cứ  thử sờ vào xem, có mà đi về với cụ tổ sớm. Không thể nhìn thấy điện, càng không thể bắt quả tang nó. Nó mà giật thì các bác chỉ có mà thiệt đơn,thiệt kép. Còn nữa, bác nào có máu ngang cành bứa, cứng đầu cứng cổ thì cứ làm đơn lên xã mà kiện. Mai anh lão lại mang cái đơn ấy về, đưa cho lão đọc. Đọc xong là lão vứt nó vào sọt rác.
                                                                 *
                                                            *         *               
           Ơ làng quê bây giờ, đất canh tác nông nghiệp của nông dân cứ ngày càng bị thu hẹp lại vì những toan tính trong sáng, làm lợi cho đất nước có, vì những mưu mẹo cá nhân thu vén lợi lộc về cho gia đình cũng có, vì thế, nó như “miếng da lừa” cứ ngày càng teo tóp đi. Thay thế cho những cánh đồng lúa rộng mênh mông, thẳng cánh cò bay, với  màu xanh thanh bình ngút mắt, bây giờ chỉ là những thửa đất hoang cỏ mọc, những san ủi thùng vũng, những rào quây, tường chắn chia cắt, bao bọc. Những dự án này nọ mọc lên như nấm sau mưa. Chúng hút cạn kiệt đất đai màu mỡ mà phải mấy đời tổ tiên cha ông đỏ mồ hôi và máu mới tạo nên đươc. Điều đáng nói là, có quá nhiều phần trăm đất đai ấy, lại được chia chác cho nhau, tặng biếu nhau giữa những người cầm cương nẩy mực ở địa phương. Người ta không ngại ngần lập lên hàng trăm dự án sân gôn làm cái bình phong chiếm đất. Có đất nước nào nhỏ bé như nước ta, nghèo đói và lạc hậu như ta mà đâu đâu cũng có sân gôn làm trò vui chơi giải trí cho giới quý tộc lắm tiền nhiều của. Nơi nào may mắn, đất đai dùng đúng cho mục đích xây dựng các nhà máy, dựng lên những khu công nghiệp thì nơi đó lại rơi vào tình trạng lãnh đủ những chất thải độc hại do nền công nghiệp què quặt nửa vời, cũ không ra cũ, mới không ra mới, hiện đại không ra hiện đại, lạc hậu không ra lạc hậu thải ra. Những chất thải độc hại đó, không chỉ giết chết hàng ngàn con sông, hàng vạn con mương rạch cùng nguồn lợi thủy hải sản vô tận. Không chỉ đất đai mà có tới hàng vạn giống loài thảo mộc cùng những sinh vật mang trên mình nó cũng dần bị tuyệt chủng. Ngay đến con người có tiếng là mạnh mẽ thế cũng không thoát khỏi bị hủy diệt dần bởi phải sống trong một môi trường mà mọi thứ độc hại đã vượt quá ngưỡng cho phép hàng nghìn, hàng vạn lần. Chất độc giết người ngày ngày cứ đều đặn đưa vào cơ thể từ không khí, nước, rau củ, hoa quả, thịt gia súc, gia cầm... Người ta biết cả đấy nhưng vì cái lợi cá nhân, cái lợi trước mắt của thiểu số người mà bỏ qua. Không ai làm gì, cũng chẳng ai giám làm gì cả trước thực trạng này. Dẫn tới, người nông dân chịu trăm bề sức ép. Hầu hết những người nghèo khó bỏ quê tha hương cầu thực khắp nơi. Những người có chút vốn liếng bám trụ xoay ra chuyển nghề. Đồng tiền bán đất rẻ mạt góp cùng đồng vốn vay lãi ngân hàng tạo nên những trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp cung cấp gà, lợn, trâu bò, dê ngựa...Người có vốn cò con thì ấp trúng, nuôi cá bột, nuôi ếch, ba ba, nuôi rắn v.v...Tuy nhiên, nuôi gì thì nuôi, dù quy mô nhỏ hay lớn, cũng đều phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp điện. Ơ địa phương này, điện là Lão Toác. Người ta cũng gọi lão là lão Điện, Lão Điên...Cái cổ họng của công cuộc đổi mới ngành nghề nông dân, nông thôn hóa ra lại phụ thuộc vào lão. Lão có quyền sinh quyền sát trong tay là vì lão đã nắm chặt cái yết hầu của ngành chăn nuôi, sản xuất nông thôn hiện nay. Lão cho ai chết thì phải chết. Lão để ai sống thì được sống. Nền kinh tế nông thôn hiện nay đi lên hay thụt lùi là do ở một tay lão cả. Không chỉ có thế, từ kinh tế, lão Toác trông cưn cứt vậy thôi còn chi phối, thay đổi được cả một nền tảng văn hóa, tư tưởng, chính trị trong phạm vi một vùng, một xã. Đối với những ai có máu làm giầu, họ bảo nhau, trước hết phải giải quyết tốt hai khâu quan trọng, đó là phải chịu nước lép, chịu nhún nhường để thiết lập kỳ được mối quan hệ tốt, hay chí ít cũng bình thường với tập đoàn lãnh đạo, từ thôn đến xã, không làm mất lòng ai, đó là lão Toác, trưởng thôn, chủ tịch, bí thư, và các cấp phó. Sau nữa là phải chi đều đều cho lão Toác để duy trì sự ổn định của dòng điện. Những ai làm được những điều kiện trên, họ mới dám chuyển đổi sang chăn nuôi gia súc, gia cầm có tính chất quy mô vừa, nhỏ hay lớn. Những ai không đảm bảo được hai điều kiện ấy thì hãy dè chừng, có ngày phá sản chỉ vì gà lợn, trâu bò... sẽ đội nón ra đi hàng loạt vì thời tiết quá lạnh hay quá nóng do bị cắt điện thường kỳ hay bất tuân theo một quy luật nào. Mà ở cái xã này, thượng đế là Lão Toác.
              Trái ngược với bố, cô Thắm có lẽ thừa huởng dòng máu nhân hậu nhưng bạc mệnh của bà mẹ. Thắm nhiều lần nhắc bố không đượclàm những việc tai ác với dân làng. Lão Toác không nghe, còn nạt lại con:
- Bố mày có làm thế cũng chỉ vì “cá chuối đắm đuối vì con”!
                  -        Vì con? Có mà bố muốn giết con thì có! Bố có chừa ra cho con một con          đường để đi lấy chồng đâu. Bố muốn con chết già ở cái xó nhà này chắc?
- A, cái con này láo thật rồi! Mày chỉ muốn bố mày một mình vò võ ở lại cái nhà rộng rãi, thênh thang này thôi ư. Đi mà lấy chồng sớm đi cho sướng một mình! Nhưng mà bố nói cho mày biết nhá, con gái như mày lấy đâu chả được tấm chồng tử tế, môn đăng hậu đối hẳn hoi. Tao là tao đã nhận lời gả mày cho con trai ông chủ tịch xã trên rồi đấy. Ông ấy cũng đang giục tao cho tổ chức sớm!
        Thắm cãi bướng:
- Bố nhận lời thì bố đi mà lấy cái thằng đàn ông còn hoi sữa, học dốt, trói gà không chặt ấy!
- Dốt, trói gà không chặt nhưng bố nó làm chủ tịch xã. Con nhà có quyền thế, cấp trên vị nể, cấp dưới kính trọng. Về đấy làm dâu, được ăn sung mặc sướng, muốn gì, có đấy lại không phải làm gì. Có mà ngu mới đâm đầu vào cái thằng cổ cày vai bừa, quanh năm cào bới đất cát vẫn không đủ vặt lỗ mũi nhét vào lỗ mồm. Vả lại, gia đình người ta cũng trông giỏ bỏ thóc cả đấy con ạ. Tao là tao đã quyết rồi. Đừng có mà cứng cổ!
            Tức lên , Thắm cãi lại lão Toác thế thôi chứ trong lòng cô rất thương bố. Ông đã dành hết đoạn đời còn lại cho cô, không chịu đi bước nữa, sợ Thắm khổ bởi cảnh dì ghẻ con chồng. Mất mẹ Thắm đã khổ lắm rồi, nay ông lại rước về một người đàn bà khác, lạ hoắc để nó hành hạ con ông thì sao ông nỡ. Ông cũng là con người chứ có phải là chó sói đâu. Cứ sau mỗi lần cãi vã với bố như thế, bao giờ Thắm cũng chịu nhịn trước, rút vào phòng riêng, ngồi khóc thầm một mình. Ai thì không biết chứ riêng Thắm có quan điểm về tình yêu và hôn nhân rất rõ ràng. Đối với cô, yêu là phải yêu hết mình. Chung thủy đến tận cùng với người yêu, dù cho người đó thế nào đi chăng nữa. Chính vì thế, quanh Thắm lúc nào cũng có rất nhiều chàng trai ve vãn, nhưng Thắm phớt lờ tất cả. Thắm coi họ như những kẻ đã chết rồi. Đôi khi Thắm còn tỏ ra đanh đá, đáo để nữa để đuổi họ đi. Thắm dồn tất cả tình cảm và thời gian vào yêu thương gã. Vì thế mà từ khi cái cô bé lọ lem có tên Thắm vụt lớn bổng lên thành cô thiếu nữ, mang trong lồng ngực trái tim biết yêu, lúc nào cũng có thể phập phồng rung động với tình yêu của gã, thì cũng là lúc Thắm đổi luôn cách xưng hô mình mình, tơ tớ, thành anh anh, em em với gã. Có một lần, khi ấy là đang học giữa năm lớp chín, trong đoàn người độ hơn chục cô, bác trong thôn đi làm đồng về muộn, phía trước, xóm làng đang chìm dần vào màn sương sớm, phía sau lưng, chân trời phía tây chỉ còn cháy lên một quầng đỏ xẫm. Gió đồng mươn man thổi mát rượi. Thắm và gã đi chậm lại, sau đoàn người một quãng. Đến một cái cây bạch đàn khá to và lẻ loi mọc bên lề đường về làng, tự nhiên Thắm thấy có một cái gì đó không thể kìm nén được dâng lên trong lòng, cô vội vàng, mạnh mẽ và quyết liệt, lôi tay rồi ấn gã tựa vào gốc cây bạch đàn, kiễng chân, dùng hai bàn tay ôm lấy đầu gã, kéo sát mặt gã kề vào khuôn mặt đầm đìa mồ hôi và đang xúc động tột độ của mình, thì thào, không ra tiếng:
               -  Chúng mình “chập điện” đi anh! rồi cô ép chặt môi mình vào môi gã rõ lâu. Đôi mắt cô mở to đắm đuối nhìn vào đôi mắt đang sợ hãi, nhắm chặt của gã đến không thở đước nữa mới buông ra. Làm xong cái công việc mạnh mẽ và táo bạo ấy, Thắm cười ngặt nghẽo trước bộ dạng ngây ngô, sợ hãi và sung sướng của gã.
Trong khi gã chưa hoàn hồn, Thắm đã hỏi dồn dập:
- Anh có thích không? Hở ? Em hỏi anh có thích không?
Gã vẫn còn ngây ngất, chưa tỉnh.
- Hả, anh trả lời đi! Có thích không? Hay chúng mình “chập điện” lần nữa nhé?
              Lần này thì gã đã tỉnh hẳn. Gã hoảng hốt, bối rối không nói được lời nào, cứ sờ mãi mấy ngón tay vào đôi môi vừa “bị hôn” của mình. Thắm lại cười vô tư, không kìm nén. Cô giải thích:
- Như thế là “chập điện” đấy ! Chập điện nghiã là điện âm và điện dương tiến sát vào nhau, hòa với nhau làm một. Vì trái dấu nên nó hút nhau, cọ sát, va đập mạnh mẽ vào nhau làm tóe ra những tia lửa. Nhiệt độ đột ngột tăng cao tới hàng nghìn. Em và anh cũng như hai dòng điện trái dấu ấy. Chúng ta luôn luôn đi cạnh nhau, luôn phải có nhau, song hành, cùng tồn tại, cùng tiến bước. Những lúc chúng ta hòa nhập, yêu thương nhau phải quyết liệt, bốc lửa, phải cháy hết mình. Có như thế mới là tình yêu. Anh ạ, nhưng đấy mới là khởi đầu. Mới là “chập điện” cục bộ. Sẽ có những lần chúng ta “chập điện toàn phần”. Nhưng mà để sau đã. Mặc dù chúng ta hiện nay đang bị bố mẹ ngăn cản, nhưng em tin tưởng chúng mình sẽ vượt qua để đến với nhau, để sống với nhau. Đến lúc ấy, em sẽ cho anh biết thế nào là “chập điện toàn phần”. Thế nào là niềm đam mê và sung sướng của tình yêu và hạnh phúc!
           Nghe những lời nói say mê và dịu ngọt từ cái miệng xinh như nụ hoa của Thắm, gã ngô nghê chẳng hiểu gì, nhưng con tim gã mách bảo, ở đó có một người đàn bà đang yêu gã say đắm, bốc lửa và quýêt liệt. Người đàn bà ấy đã và sẽ tự nguyện dâng hiến tất cả tuổi trẻ, tâm hồn cùng thể xác của nàng cho gã, không một mảy may tính toán, vụ lợi. Và vì thế, gã vô cùng sung sướng, cảm động xen lẫn biết ơn nàng. Gã không nói được thành lời, chỉ còn biêt xiết chặt hơn nữa cái thân hình tuyệt mỹ ngan ngát mùi đàn bà vào với thân mình. Cứ thế, họ vừa đi, vừa tựa vào nhau trên đường về làng. Người nọ đối với người kia là rất quan trọng. Cứ như, thiếu người nọ thì người kia sẽ gục ngã.
          Thế đấy, gã và Thắm yêu nhau, gắn bó, keo sơn vậy. Nhưng, ở đời, đâu phải cứ muốn là được. Ơ cái làng xa xôi, hẻo lánh này, ánh sáng văn hóa, văn minh chưa thể soi rọi, sua tan màn đêm tăm tối. Những hủ tục và thành kiến ngàn năm vẫn còn đè nặng lên đời sống và sinh hoạt của dân làng. Do đó, học xong lớp mười hai, gã không có điều kiện kinh tế để thi vào đại học. Vả lại có thi cũng chắc gì đỗ. Gã quyết định ở nhà làm kinh tế, đứng mũi chịu sào tham gia cùng bố mẹ nuôi các em ăn học. Thấy gã không thi đai học, Thắm cũng không dự thi. Lão Toác nặng nhẹ đủ kiểu cũng không lay chuyển được con. Sau, lão đành chép miệng: Thì thôi. Đã không muốn học nữa, bố sẽ cho con đi lấy chồng vào cuối năm nay vậy. Tao đã bảo ông chủ tịch cứ chuẩn bị sẵn đi rồi đấy! Thắm không nói gì, cứ lầm lì chịu đựng. Thế nhưng, trong những phút giây như thế, ai tinh ý sẽ đọc được trong mắt Thắm một quyết tâm gì đó mà khó có ai lay chuyển được. Quyết tâm đó là ý chí sắt đá của Thắm trong việc hai đứa phải lấy nhau bằng được. Không biết trong chuyện này, những bộ phim yêu đương của Hàn quốc kiểu Rô- mê- ô, Ju- li- et có ảnh hưởng gì đến tâm lý và tình cảm của Thắm không. Nếu có thì bao nhiêu phần trăm là ảnh hưởng của phim, bao nhiêu phần trăm là do cá tính của cô. Thắm đã nhiều lần thuyết phục gã hãy bỏ nhà trốn vào Nam tìm việc làm, sống với nhau. Khi nào có con, vợ chồng bồng bế, dắt díu nhau về, chắc cha mẹ hai bên thương con cháu phải đồng ý. Thắm bảo gã không phải lo gì về tiền bạc vốn liếng. Thắm có thể “mượn” được của bố, khi nào về, có thì trả cũng chưa muộn. Mặc dù yêu Thắm nhiều lắm nhưng gã cũng không dám liều. Gã không thể vượt qua được mặc cảm thân phận cũng như trách nhiệm của con cả đối với cha mẹ và bốn đứa em còn đang tuổi ăn học. Gã đành muối mặt với Thắm, nhắm mắt đưa chân, đồng ý để cha mẹ cưới cho một cô gái làng bên làm vợ theo kiểu mối lái thời xưa. Người đó bây giờ là vợ gã.
           Hơn hai năm đã trôi qua kể từ khi gã lấy vợ. Gã sợ hãi không dám gặp lại Thắm. Gã luôn tìm cách né tránh, hay nói đúng hơn là chạy trốn Thắm. Ngược lại, Thắm âm thầm lùng sục muốn tìm bằng được gã để hỏi rõ căn nguyên. Cả hai như chơi trò trốn tìm đã hai năm ròi mà chưa một lần giáp mặt nhau. Cũng không hiểu bằng cách nào Thắm thuyết phục được bố cho cuộc hôn nhân giữa cô và con ông xã bên chậm lại được đến ngày hôm nay. Ao ươc cháy bỏng và duy nhất của Thắm lúc này là cứ phải gặp được gã, trực diện với gã một lần, sau đó ông bố mốn gả cô cho ai cũng được. Gặp để làm gì? Cô chưa biết, nhưng cứ phải gặp. Càng chưa được gặp, Thắm càng khao khát, càng bị thôi thúc. Gã cũng vậy nhưng sự hèn nhát và hình ảnh vợ con cùng hoàn cảnh gia đình níu kéo, ngăn trở gã. Gã biết rõ ràng, nếu gặp lại Thắm, cả hai đều sẽ không giữ được mình, sẽ đổ vỡ tất cả. Đối với gã, gã còn đôi chút lý trí mách bảo, chứ Thắm, gã cũng biết, Thắm là người chỉ biết yêu bạo liệt, chỉ biết làm theo sự mách bảo của con tim đa cảm của mình. Để được yêu, để giành được tình yêu, cô bất chấp tất cả và không biết sợ là gì.
                                                                 *
                                                            *        *
           Gã bước ra khỏi nhà trong bộ dạng của kẻ chưa phải là say, nhưng cũng không hẳn là tỉnh. Anh nhìn đầu tiên khi gã ngẩng lên là bầu trời phía nam của cái làng quê nghèo khó, nơi gã sinh ra và tồn tại. Dĩ nhiên, vẫn như mọi lần, trong khi khắp nơi chìm trong bóng tối, thì nơi ấy một khoảng trời vẫn bừng sáng bởi ánh điện tưởng như không bao giờ biết tắt. Hai ngôi nhà cao tầng, một của lão Toác, một của ông anh lão là chủ tịch xã vượt trội hẳn lên mọi ngôi nhà khác, giống như tòa tháp đôi ở một cái nước nào đó gã vẫn được nhìn thấy trên ti vi. Thấy thế, sự giận giữ trong lòng gã lại bùng lên. Gã hùng hổ đi về phía ấy.
             Không giống như mùa đông, đêm hè vùng quê vẫn có một chút ánh sáng ở đâu đó từ bên trong lòng nó làm cho người ta vẫn còn có thể nhìn thấy những cảnh vật quanh mình trong phạm vi gần. Đường làng trải xi măng mờ mờ trắng. Cây cối lúp xúp. Những căn nhà im lìm ngủ một giấc ngủ phập phõm trong oi bức, ngột ngạt, sau ngày lao động mệt nhọc. Đi một đoạn đã dài, không khí của trời đêm trong lành làm cho gã dịu đi phần nào sự bực bội và tức tối, đồng thời gã cũng nhận ra mình đang đi trên con đường quen thuộc dẫn đến nhà Thắm. Con đường mà hơn hai năm nay gã đã trốn tránh không dám bước lên. Và, từ chỗ ban đầu liều lĩnh, bây giờ lòng gã chuyển sang sợ hãi. Đang định quay trở lại, đột nhiên một cánh tay trần con gái từ góc khuất của bức tường rào ngôi nhà bên đường thò ra, túm lấy áo gã, kèm theo là lời mời chào ngọt ngào: “Đi chơi với em đi anh! Rẻ thôi mà!” Gã vằng mạnh tay ra: “chơi cái con khỉ. Tiền đâu mà chơi!”Đi dấn thêm mấy bước nữa, gã lại bị một cô gái ăn mặc lòe loẹt khác, tiến hẳn ra giữa đường chặn lại. Trong ánh sáng nhờ nhờ ban đêm, cái mặt bự phấn của cô ta trông như mặt lạ quét vôi và tô vẽ vụng về. Cô ôm chầm lấy gã: “Đi tầu nhanh với em đi! Em chiều hết ý, lại rẻ, lấy anh năm chục thôi!” Gã lấy hết sức gỡ đôi tay như rắn quấn quanh người, rồi đẩy mạnh cô ra. Gã chạy thục mạng để thoát khỏi sự cám dỗ bẩn thỉu. Được một đoạn đường, gã trấn tĩnh lại, định hướng. Tưởng chạy về nhà, hóa ra lại chạy về phía nhà Thắm. Gã tặc lưỡi, thôi cũng được, cứ thử đi qua ngõ xem sao. Giờ này chắc Thắm cũng ngủ kỹ rồi. Gã bước qua một bụi tre mọc sát đương, nhìn rõ trên mặt đất, quanh khóm tre, những cái kim tiêm ánh lên phản chiếu thứ ánh sáng nhờ nhờ đùng đục của đêm hè một cách ma quái. Góc tường, nơi xưa kia là sân kho hơp tác xã, nay hoang phế, có mấy hình nhân đang hí húi nằm ngồi co quắp bởi vừa mới được tiếp thêm vào người chất nước gây nghiện.
            Hơn hai năm mới lại đi trên con đường ngày xưa gã vẫn thường đi để đến điểm hẹn với Thắm. Lòng gã lại phấp phỏng, bồi hồi, xao xuyến, không sao tả được. Những cảm giác ngọt ngào, nồng ấm, thi vị từ tấm thân con gái trinh trắng xưa kia Thắm trao tặng gã, giờ nhất loạt quay trở lại làm gã nóng rực cả người. Gã bước nhanh về phía vùng có ánh sáng điện. Đột nhiên, gã mất thăng bằng, dúi giụi suýt ngã về phía trước vì vấp phải một bao tải đựng gì đó ai vất giữa đường. Gã cúi xuống nhìn. Chiếc bao tải thật, bao tải bố, buộc túm một đầu, nhưng sao có tiếng người rên bên trong. Gã cúi xuống, cái tải giẫy mạnh . Có người thật. Gã cởi dây buộc rồi cầm đầu kia lôi mạnh. Một người đàn ông gầy bé bị trói chân tay, hai con mắt buộc dải vải đen và miệng bị dán bằng mảnh băng dính. Gã cởi trói, bóc miếng băng bịt miệng rồi ghé sát vào mặt nạn nhân. Trong ánh nhờ nhờ của đêm tối, gã nhận ra lão Toác nhờ vào đặc điểm cái mồm vẩu và những chiếc răng cải mả của lão không lẫn vào đâu. Lão Toác bị đánh đau, không tự mình đứng lên được. Gã xốc cái hình người yếu ớt, lẩy bẩy, thảm hại ấy lên lưng, cõng thẳng về nhà lão. Không cần hỏi lão, gã cũng đoán ra nguồn cơn sự việc. Từ ngày nhận về cái chức quản lý nguồn điện, lão đã tạo ra không biết bao nhiêu kẻ thù cho mình. Người hiền lành yên phận thì chịu đựng. Nhưng cũng không ít người kiêu ngạo, bạt mạng muốn trả thù lão. Ngay như gã thôi, gã yêu mê say con gái lão mà lắm lúc cũng không thể chịu đựng được, gã cũng muốn dậy cho lão một bài học nữa là. Thế nhưng, đêm nay, tận mắt chứng kiến cảnh lão đau đớn thế này, gã lại động lòng thương và lo cho lão. Gã cố tình chưa vội cởi cái khăn bịt mắt để lão không nhận ra gã. Đến cổng rồi, gã đặt lão xuống. Điện trong nhà ngoài ngõ, chỗ nào cũng sáng trưng nhưng bấm chuông mấy lần không thấy Thắm ra. Gã đi vòng ra sau nhà, ở đấy bức tường rao xung quanh gần sát với căn Phòng Thắm ở. Nơi ấy, đêm đêm gã vẫn thường đứng đợi Thắm tụt xuống qua cửa sổ trốn bố đi chơi với gã. Gần sáng, trở về, Thắm lại trèo lên vai gã leo vào. Đêm nay, sau hơn hai năm gã lại đến. Cái vết đất gã vẫn đứng trơ lỳ, nay cỏ mọc um tùm. Gã cúi xuống sờ tìm một viên đá nhỏ, mém mạnh vào cánh cửa sổ. Rất đúng với ám hiệu ngày nào nên cửa bật tung ra ngay. Nửa phần trên của thân hình Thắm hiện ra trong khung hình chữ nhật. Cái nửa thân người ấy nhoài hẳn ra ngoài cứ như ngã đến nơi. Thắm ngó nghiêng để thu nhận tín hiệu. Nếu như ngày nào, thì gã đã chụm môi thì thào hai từ “chập điện”. Hai từ này là phát minh của Thắm nó được gã dùng làm tín hiệu rủ Thắm đi chơi. Lần này không. Lần này, gã nói to một chút đủ cho Thắm nghe rõ: “Bố em bị đánh. Ra mở cổng ngay!” . Cũng nhanh chẳng kém lần mở cửa sổ, cái bóng của Thắm vụt biến mất khỏi khung chữ nhật. Tiếng cổng sắt rin rít mở ra. Thắm ôm mặt định kêu lên nhưng gã đã kịp làm hiệu bình tĩnh và im lặng. Thắm lặng lẽ đi trước. Gã cõng lão trên lưng theo sau. Trên lưng gã, lão Toác thều thào: “Đưa tôi vào trong buồng ngủ. Con Thắm đi lấy nước rửa và cồn cùng với thuốc xoa bóp cho bố. Không phải báo công an hay mời thày thuốc đâu. Bệnh viện cách đây những mười cây số, lại đêm tối thế này. Xương cốt không ảnh hưởng gì, chúng chỉ đấm đá vào phần mềm thôi!” Gã đặt lão Toác lên giường trong buồng lão, nháy mắt ra hiệu cho Thắm chăm sóc bố rồi mở cửa buồng lách ra phòng ngoài. Qua khe hở cửa buồng, gã vẫn nghe được cuộc đối thọai giữa hai bố con Thắm
              -   Con đã dặn kỹ, đêm hôm bố đừng có ra ngoài. Bây giờ lộn xộn lắm. Đầu không phải lại phải tai. Mà bố thì đã có lắm người ghét. May mà hôm nay có người cứu giúp chứ không thì khổ.
- Ư nhỉ. Thế anh ấy đâu rồi? Cái người vừa cứu bố ấy?
- Anh ấy có việc vội nên về rồi. Anh Ban, con ông Bảo ấy mà. Anh ấy thật tốt. Chuyện này phải giấu kín bố ạ. Dân làng biết, họ cười cho. Mà thôi, hết năm nay, bố cũng trả lại cái chân quản lý điện xã đi kẻo lại mang vạ vào thân, chẳng bõ!
            -   Ư! bố cũng tính cuối tháng này mày đi về nhà chồng, còn lại mình bố, bố cũng sẽ trả điện lại cho xã. Nghỉ cho khỏe. Mai con cũng mua thứ gì đó kha khá một tý gọi là cảm ơn anh Ban. Cũng dặn khéo anh ấy đừng kể cho ai biết chuyện này.
- Vâng, nhưng bố cũng đừng ra ngoài vài hôm cho hết những vết thâm tím đi đã. Con đã lau rửa, bóp thuốc cẩn thận rồi đấy. Con tắt đèn, để quạt bố hãy ngủ đi một giấc...Quan trọng là cuối năm nay bố phải trả lại xã cái trạm điện đấy. Ai nhận thì nhận. Lần này là nó nhẹ tay cảnh cáo bố thôi đấy. Lần sau, chắc nó chẳng tha nữa!
- Ư, bố hứa mà, nói mãi!
             Tiếng kẹt cửa khẽ, Thắm lách người ra. Cô vơ vội lấy cánh tay gã, lôi tuột lên gác, chui tọt vào phòng ngủ của mình.Thắm ấn nút chốt cửa, mặt bừng đỏ vì sung sướng, miệng thì thào trong hơi thở dốc:
- Hôm nay bắt được rồi, em không buông anh ra nữa!
    Gã ngu ngơ không ra muốn ra về, cũng không ra muốn ở lại. Thắm quyết liệt đảy gã xuống chiếc giường trải ga trắng tinh, rồi gieo mình lên trên người gã. Đôi tay cô rối rít nhưng vụng về lần cởi hết cúc áo đến dây quần của gã ra. Tự cô cũng không ngần ngại rỡ bỏ toàn bộ y phục trên người. Cô ép chặt đôi môi nóng bỏng như lên cơn sốt vào môi gã. Cô cũng cuống quýt hôn lên mắt, lên mặt, lên má, cổ như mưa rào, miệng không ngừng phát ra lời khẩn cầu tha thiết:
- Anh yêu em đi! Chúng mình “chập điện” đi anh! Chập “toàn phần”...
             Trước cảnh cuống quýt, bạo liệt của Thắm, ban đầu, gã trơ ra như khúc gỗ, ý thức tồn tại bay biến đi đâu hết. Gã như người không hồn, mặc cho Thắm muốn làm gì thì làm. Chỉ vài phút sau do không khí trong phòng dịu mát bởi hai cái quạt liên túc thả gió vào, đồng thời do được nằm trên chiếc giường có nệm êm ái trải ga trắng muốt đầy mùi con gái, nhất là do cái cơ thể ở trần của gã bị tấm thân nõn nà, thơm tho đầy gợi cảm của Thắm trà sát liên tục như mời gọi. Niềm hưng phấn tột đỉnh ở đâu bỗng quay về làm gã nôn nao không còn suy hơn tính thiệt gì nữa. Gã bật người, lăn nửa vòng, đè Thắm xuống dưới. Gã vòng cả hai cánh tay luồn xuống dưới lưng Thắm, ghì mạnh bộ ngực non tơ, nõn nà đang phập phồng vào ngực mình rồi từ từ trườn thấp xuống. Khi đã đến ngang tầm, gã vùi cả khuôn mặt đang nóng rừng rực của mình vào đôi gò bồng đảo săn chắc, hít lấy hít để như kẻ đói khát cái mùi hương đàn bà thơm ngát vào đầy lồng ngực mình. Thắm bồng bềnh trong trạng thái sung sướng đến tột độ. Toàn thân cô mê đi sau một cái giây oằn người, đau nhói. Một cái gì đó êm ái hứng khởi cứ vào sâu, thật sâu, lan tỏa rồi chiếm lĩnh khắp người cô. Hai kẻ cuồng si mê mải quấn riết lấy nhau hơn tiếng đồng hồ. Lúc trên, Lúc dưới. Khi ngang, khi dọc. Giường chiếu, quần áo vung vãi tứ tung, tanh bành, giống một bãi chiến trường. Cuối cùng, sức đã tàn, lực đã kiệt, chúng đột ngột buông nhau ra, nằm ngửa, dang chân, dang tay cùng thở dốc. Như thế cũng chỉ được vài ba phút, rồi gã và Thắm lại đột ngột bật dậy đâm bổ vào nhau, lại quấn lấy nhau như rắn, lại làm cái việc ban phát cho nhau sự sung sướng trời định. Cuối cùng, một trong hai kẻ tội đồ cuồng si cũng mở miệng trước. Kẻ ấy là Thắm. Không che giấu sự thỏa mãn và niềm sung sướng, Thắm ghé sát vào mặt gã nói:
- Như thế mới là “chập điện toàn phần” chứ! Em đã chờ đợi cái ngày này từ lâu lắm rồi, từ ngày vợ anh cướp mất. Hôm nay là em đòi lại. Em chỉ đòi lại cái phần ít ỏi của em thôi. Lẽ ra, nó phải là của em tất cả...
             Gã nhấc đầu lên:
- Em nói gì mà kỳ cục vậy?
- Em nói rằng, em đã trao hết cho anh. Em đã dâng hiến tự nguyện. Ngược lại, em cũng đã nhận được từ anh cái phần như thế. Ta đã hòa nhau. Những gì em đã làm, em sẽ không bao giờ hối hận. Hơn hai năm trời em đã săn tìm, chờ đợi, nay mới có được. Ngay từ cái ngày anh đi lấy vợ mà không nói với em câu nào, em thề, em phải giành lại được anh, phải ăn cắp lại của vợ anh, dù chỉ một lần thôi, khi ấy em mới đi lấy chồng. Tháng sau em sẽ về nhà chồng anh ạ. Lấy ai thì anh cũng đã biết rồi. Em lấy để hoàn thành nghĩa vụ với bố mẹ em thôi chứ làm gì còn có tình yêu nữa. Có bao nhiêu yêu thương...em đã...dồn cả...cho anh ...hết rồi...
           Thắm bật khóc to lên thành tiếng. Gã hốt hoảng ngồi dậy ôm lấy cô. Những ngón tay thô ráp của gã vụng về lau gạt những giọt nước mắt đang rơi như mưa trêm má cô gái. Xưa nay gã chỉ biết đón nhận những nụ cười vui, những câu đùa dí dỏm, hồn nhiên, tươi trẻ của Thắm. Tối nay, trước một cô Thắm đau khổ, mất mát, tã tượi vì tình yêu lớn lao đối với gã, gã thô thiển, vụng về không biết nói năng, dỗ dành thế nào cho phải. Gã chỉ biết ghì chặt người cô vào lòng và vuốt ve mái tóc cô. Cứ thế, Thắm vùi đầu vào bộ ngực to lớn, vững chãi của gã mà khóc tức tưởi một lúc lâu. Lát sau Thắm buông gã ra, lạnh lùng:
- Thôi, anh về đi! Đêm đã khuya rồi. Hãy giữ gìn sức khỏe. Cho em gửi lời xin lỗi chị, dù anh có nói hay không! Vĩnh biệt!
            Gã lại rơi vào rạng thái ngây ngô chẳng hiểu gì, chẳng biết gì về tình cảm và cung cách cư xử của Thắm, cứ đứng trơ ra đấy. Thắm lại một lần nữa lấy tay đẩy gã ra phía cửa rồi khép lại:
- Anh về đi. Em còn xuống xem bố thế nào!
             Gã thẫn thờ bước ra khỏi cổng nhà Thắm. Gã biết mình đã đánh mất một cái gì đó, to lớn lắm, quí giá lắm và không bao giờ lấy lại được. Gã bước những bước đi của người mộng du trên con đường làng quay về nhà gã. Lại qua những đống kim tiêm . Lại qua những gốc cây, bụi rậm, nơi có những cô gái làm tiền phiêu dạt từ trốn thị thành về tràn ngập nông thôn. Giờ này không còn cô nào ở đây. Chắc họ đang hành lạc ở một xó xỉnh nào kiếm chút tiền bằng cách ngày ngày đi bán phẩm giá của mình mà sinh sống. Lại qua cái sân kho hoang dại, chứng tích của thời bao cấp, để rồi lại thấy những thằng, những con nghiện ngập vật vã chết mòn nơi góc sân chập chờn như những bóng ma. Trời càng về đêm, không khí càng dịu lại khiến đầu óc gã ngày càng tỉnh táo, sáng láng ra. Gã đẩy cổng bước vào sân nhà mình. Vợ con đã ngủ say. Gã đi xuống khu nhà ấp trúng. Toàn bộ cánh cửa đã được vợ gã mở toang cho thoáng mát. Tự nó sẽ phân tán nhiệt. Gã sờ tìm hộp diêm châm ngọn đèn dầu. Trong ánh sáng yếu ớt của ngọn lửa đèn, gã còn thấy cả mấy cái chậu đựng nước đá đã được vợ gã đặt ở những vị trí thích hợp nhằm góp phần hạ nhiệt cho căn nhà. Gã lùa tay nhặt lên một quả trứng. Trứng đã mổ mỏ khá rộng. Cái mỏ xinh xắn và vàng ươm của chú gà con yếu ớt cựa quậy như hối thúc được sinh ra trên đời. Nhìn cái mỏ xinh xinh của con gà con thật thò ra ngoài vỏ, gã trầm ngâm một lúc lâu rồi nhẹ nhàng đặt quả trứng lại chỗ cũ, lòng bâng khuâng nghĩ đến ngày mai. Chỉ ngày mai thôi, tại ngôi nhà này của gã, sẽ lại có mấy nghìn sinh linh nhỏ bé và đáng yêu ra đời. Gã cũng chẳng biết đó là niềm vui hay nỗi buồn nữa.
                    Thôi kệ, ngày mai thì để ngày mai lo tiếp.
                                                                           
                                                                             Hà Nội, Thu 2008
                                                                              Đoàn Nhất Trí
 
 

Đia chỉ:       Phòng 304, nhà C1, KTT trường CB PN Trung  ương
Điện thoại: NR: (04) 7751603.     D Đ: 098 4953 584
Email:       
Doan_Nhattri@Yahoo.com.vn