Trang chủ » Truyện

RÙA THẦN ĐÒI GƯƠM

Mai Thục
Thứ hai ngày 31 tháng 8 năm 2009 4:41 PM
Truyện ngắn 
 

         Điện Kính Thiên sau buổi thiết triều. Các quan lục tục ra về. Không khí vắng lặng. Lê Lợi không được khỏe, dù trời đã sang thu, nắng hè oi ả tan dần. Ngài vẫy tay vời quan Trung thừa ngự sử Bùi Cẩm Hổ ở lại trò chuyện. Hổ có tiếng là người chính trực, không thuộc phe phái nào, tinh thông văn, sử, pháp luật, hiểu tâm lý người, yêu cỏ cây, sinh vật. Mỗi lần đàm đạo với ông ta, Lê Lợi thêm cái nhìn mới.
        Bùi Cẩm Hổ chậm rãi cùng đức vua dạo quanh vườn điện Kính Thiên. Không vội trao lời. Ông chờ ngài tâm tình trước:
- Ngươi cùng trẫm đi quanh vườn xem cây, ngắm quả. Trẫm
muốn đầu óc được nghỉ ngơi. Trẫm không muốn nghĩ đến các loại quan vây quanh trẫm. Họ rất đông, chia năm bè, bảy phái, mà hiền tài thì hiếm.
- Tâu bệ hạ, vườn Hoàng Thành đủ loại cây quả của đồng quê
 được bứng về trồng ở đây: mít, sấu, đào, mận, bưởi, hồng, muỗm, cau, chuối, cam, chanh, dừa, ổi… Hoàng thượng ngắm vẻ đẹp của các loài cây hoa quanh vườn sẽ thấy lòng thư thái. Riêng hạ thần thích nhất hai cây hoa ngọc lan được trồng đối xứng trước sân rồng. Nó cao to, tỏa bóng mát và hoa trắng rất thơm, rụng xuống. Trên cành cây, bọn tầm gửi tranh nhau mọc, um tùm, tươi tốt và rối loạn.
       Vốn là người Mường quen nghĩ bằng hình ảnh, và luôn ví von, so sánh với cỏ cây trong cách nói năng, Lê Lợi lờ mờ hiểu ý tứ của những từ “bọn tầm gửi”, ngài mỉm cười khen Hổ:
- Ngươi nói chuyện như viết văn. Hay thật.
- Vâng thưa bệ hạ. Văn là người. Văn, Sử, Triết bất phân.
Quan ngự sử viết văn là chuyện thường.
- Ngươi đã viết được tác phẩm văn chương nào ra hồn chưa?
- Dạ thưa bệ hạ, viết văn là việc vô cùng khó. Hạ thần chưa
làm được. Nhưng có những người làm ra văn chương, mà không xưng tên. Song câu chuyện họ kể, in dấu ngàn thu, nó làm thay đổi tên gọi của một con hồ trên đất Thăng Long.
- Có như thế thật sao? Câu chuyện nào? Con hồ nào bị thay
tên gọi? Nơi ta trị vì có chuyện hay như thế mà ta không biết. Kể cho trẫm nghe đi.
      Bùi Cẩm Hổ khoan thai đi bên cạnh Lê Lợi, giọng đủng đỉnh:
- Đó là chuyện Rùa thần đòi gươm trên hồ Lục Thủy.
- Hồ Lục Thủy? Cái hồ mà trẫm vẫn du thuyền rồng chơi vui
cùng các khanh đó phải không?
- Dạ thưa vâng, đúng ạ.
- Chuyện kể thế nào?
- Muôn tâu bệ hạ, câu chuyện rất hay. Bệ hạ đã được chọn là
nhân vật chính.
- Sao? Ta được chọn làm nhân vật đặt tên cho con hồ đó sao?
 Nếu thế thì ta thành bất tử rồi sao? Ta không chết? Tên ta vang lên ngàn đời cùng với tên mới của con hồ đó sao?
- Dạ muôn tâu, đúng thế ạ. Tên của bệ hạ sẽ vang lên không
ngớt mỗi khi dân chúng gọi tên hồ Lục Thủy là hồ Hoàn Kiếm. Hoàn Kiếm có nghĩa là trả gươm.
       Lê Lợi giật mình. Ngài thét vang. Tiếng thét của ngài như vỡ cả không gian:
- Sao lại trả gươm? Không. Ta không trả gươm.
- Dạ bẩm tâu, xin Hoàng thượng hãy bình tâm. Tôi xin kể câu
 chuyện mà dân Kẻ Chợ truyền nhau đã mấy năm nay trên khắp quán chợ, vỉa hè. Nó rất hay. Trả gươm cũng là một việc tốt ạ.
- Đã mấy năm rồi, sao bây giờ ngươi mới cho ta hay?
- Dạ, mới đầu hạ thần cứ tưởng chuyện huyền thoại, để
mua vui. Không để ý. Nay, mỗi lần ra hồ Lục Thủy, lại nghe dân chúng râm ran kể chuyện Rùa thần đòi gươm và gọi tên hồ Hoàn Kiếm. Họ không gọi hồ Lục Thủy như tên cụ kỵ ta đã đặt nữa. Điều đó làm cho hạ thần phải nghĩ. Nghĩ ngày, nghĩ đêm, xem nó có ý nghĩa gì. Dạ muôn tâu bệ hạ, đó là nghề của hạ thần ạ. Cái nghề cứ phải nghĩ sâu, nghĩ xa về những chuyện nhân tình thế thái. Cực lắm ạ. 
- Chuyện thế nào? Kể mau.
- Muôn tâu bệ hạ, chuyện kể rằng một hôm, trời xanh, mây
 trắng bồng bềnh, vua Lê Lợi ngự trên thuyền rồng lướt nhẹ theo từng con sóng biếc Hồ Gươm, tay ngài nắm chặt thanh bảo kiếm. Bỗng có một đợt sóng chồm lên dữ lắm, như muốn lật thuyền ngự. Lê Lợi vung gươm tít mù, tứ tung. Sóng vẫn cuộn trào, nâng Rùa thần nhô lên mặt nước, đớp lấy thanh gươm của vua Lê, rồi bơi đi… Câu chuyện cực ngắn. Chi tiết không nhiều. Không li kỳ, rùng rợn. Không tả thiếu nữ khoe thân trần, trai gái giao duyên. Chẳng hiểu sao nó được dân chúng thích thú truyền miệng nhau. Nó lan rất nhanh. Lập tức dân ta bảo nhau gọi tên hồ Lục Thủy là hồ Hoàn Kiếm. Họ mê cái tên hồ Hoàn Kiếm lắm.
         Lê Lợi cau mày. Khí uất tràn lên cổ. Không nói năng nửa lời. Ngài lẳng lặng về Tử cấm thành. Quan ngự sử Bùi Cẩm Hổ chết đứng dưới gốc cây muỗm già trong Hoàng thành.
         Đêm về. Lê Lợi không sao ngủ được. Ngài đuổi thẳng cổ nàng cung nữ được vận may đến hầu ngài, bảo hoạn quan thắp hương trong gian thờ. Ngài cúi đầu khấn hỏi linh hồn người vợ tấm cám Trịnh Thị Ngọc Lữ (người vợ đầu tiên và là trợ thủ đắc lực, cùng Lê Lợi khởi nghĩa, người khai quốc nhà Lê, đã tuẫn tiết khi bị quân Minh đánh úp hậu cứ của Lê Lợi). Tiếng ngài nghèn nghẹn trong giận dữ và đau khổ:
        “Nàng hỡi! Thanh gươm báu nàng bắt được từ gốc đa, chuôi kiếm khắc hình rồng hổ với hai chữ “Thanh Thúy” hợp với biệt hiệu của nàng là “Thanh Giang”(dòng sông xanh). Khi ra vườn, nàng còn bắt được quả ấn báu khắc bốn chữ “Thuận Thiên Lê Lợi”. Nàng dâng ta thanh gươm báu và ấn quí. Đó là thiên mệnh của Trời, trao cho ta cứu nước, cứu dân. Ta đã thực hiện ý Trời với thanh gươm báu trong tay. Mười năm ta nằm gai nếm mật, tập hợp quân sĩ đánh giặc: “Nhân tài như lá mùa thu/ Tuấn kiệt tựa sao buổi sớm” đã cùng ta “Đánh một trận, sạch sanh kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông”. Thắng giặc Minh tàn bạo, ta mơ “Mở nền thái bình muôn thuở”. Ta lên ngôi Hoàng đế. Ta về Thăng Long dựng nghiệp nhà Lê. Ta ngày đêm ôm gươm báu bên mình. Kể cả phút giao hoan cùng bọn cung nữ, ta vẫn để mắt tới thanh gươm gối đầu giường ngự. Đứa nào xúc phạm đến ta. Ta chém. Hoàng đế- không buông kiếm. Ta phải vung gươm, bảo vệ ngôi báu. Tại sao nay có chuyện Rùa thần đòi gươm? Đó là điềm lành hay điềm dữ? Nàng sống khôn, chết thiêng hãy linh báo cho ta sự gì sẽ xảy ra. Ta buồn. Ta sợ. Ta căm thù câu chuyện Rùa thần đòi gươm. Nhưng ta phải câm lặng. Bên ta, toàn là một lũ gian tham, bám vào ngôi cao của ta mà đục khoét tiền của, đất đai, ức hiếp dân lành. Ta chỉ còn một thanh gươm trong tay. Ta chém. Ta giết. Thanh kiếm giúp ta trị vì đất nước. Ta thà chết- không trả gươm. Nàng ơi! Vợ hiền của ta ơi! Nàng có thấu lòng ta …”
        Đêm tối mênh mông. Khói nhang bùng lửa. Lê Lợi mừng thầm. Hương cháy là dấu hiệu linh thiêng. Nàng đã nghe được tiếng lòng đau đớn của ta. Nàng đã về bên ta, dịu dàng, mơn man, phút giây ân ái, đê mê, tê dại, ngày xửa, ngày xưa ấy, trong rừng sâu, nước độc Lam Sơn… Lê Lợi chập chờn giữa lửa hương, nửa mờ, nửa tỏ, chờ mong người vợ hiền xưa hiện về vuốt ve tấm thân già tàn tạ của mình. Nhưng, hương khói lùng bùng. Lửa cháy và tình nàng đã tắt…
         Tiếng Trịnh Thị Ngọc Lữ vang khẽ, đanh gọn:
        “Thiếp không biết điềm lành hay dữ. Bệ hạ hãy tự ngẫm xem mình có còn xứng đáng cầm thanh gươm báu Trời trao nữa không? Bệ hạ đã sai lầm khi trị dân, lập quốc bằng gươm. Gươm báu Trời trao chỉ để giết kẻ thù. Cớ sao bệ hạ lại vung gươm báu chém đầu kẻ sĩ. Về Thăng Long lên ngôi Hoàng đế chưa đầy dăm năm, mà bệ hạ nghe bọn xu nịnh, gây bao thảm án với các vị công thần, khai quốc đã chiến đấu cùng bệ hạ suốt mười năm: Trần Nguyên Hãn bị dìm chết trên sông Lô, Phạm Văn Xảo bị giết, Nguyễn Trãi bị tống giam, các đại thần Lưu Nhân Trú, Trịnh Khả hữu danh vô thực, phải nằm im cho bọn dốt nát, tham tiền, tham quyền như Trịnh Bá Hoành, Lê Quốc Khí hoành hành, lập mưu tàn sát nhân tài… Trị nước mà, không biết nghe lời nói thật, lại tin dùng kẻ xu nịnh, bất tài, thất đức, giết hại kẻ sĩ, người hiền, ắt tai họa đến. Câu chuyện Rùa thần đòi gươm là tiếng nói của lòng người lương thiện oán hờn. Nó động đến thần linh. Rùa thần đòi gươm, là hệ lụy của những chuyện bạo ngược trong triều chính của bệ hạ…”.
         Tiếng nói người vợ yêu thương nhất của ngài giờ đây sao mà lạnh. Sao mà sắc. Lê Lợi gục xuống tấm phản gỗ. Ngài không muốn nghe nàng nữa. Ngài biết khi thần linh đã ra tay là hết đường giải thoát…
         Ngài ngồi trên ngai vàng. Dạ không yên. Bệnh tật sồng sộc  đến. Ngài đang độ ngũ tuần.
         Năm 1433. Bệnh tình của Lê Thái Tổ ngày càng nặng. Lê Lợi buộc phải lập con thứ là Lê Nguyên Long (Lê Thái Tông) mười một tuổi thay ngôi. Ngài biết, ngôi báu phải thuộc về võ tướng Lê Tư Tề con Trịnh Thị Ngọc Lữ, con trai trưởng của ngài, người anh hùng đã cùng ngài đánh giặc suốt mười năm. Nhưng ngôi vua chỉ có một- mà con trai các thê thiếp, cung tần của ngài lại quá nhiều. Cứ mỗi khi một bé trai trong đám vợ vua ấy ra đời, là lại xảy ra một cuộc mưu gian, vu cáo, tàn sát của bè nhóm, để giành ngôi. Phạm thị Ngọc Trần vợ thứ của ngài, đã dùng cái chết để mặc cả ngôi vua cho con trai là Lê Nguyên Long với chồng…
        Một đêm buồn. Lê Lợi vật vã trong cơn đau tím mặt, mà đầu óc lại hiện lên rõ mồn một, cảnh trên bờ sông Cả, phía Nam thành Rum, có ngôi đền thờ thần Cá Quả, thuyền bè đi qua đều phải giết vật dâng cúng.  Tháng 4- 1425, thuyền của ngài đi tới đó. Lợi dụng tục lệ dân gian ấy, bọn Phạm Hoành, Phạm Vấn, Lê Sát sau khi đã bàn với cha con họ Phạm, đưa Phạm Thị Ngọc Trần làm vật hiến tế, mặc cả ngôi vua cho Lê Nguyên Long, tâu: “Xin hiến một phụ nữ làm vợ thần Cá Quả để thần giúp quân ta thắng giặc”. Ngài thấy việc này tàn nhẫn quá, nên hỏi ý quần thần. Nguyễn Trãi chân thành tâu: “Nên dùng bò, lợn làm lễ hiến, để cứu một con người”. Nhưng những kẻ gian không chịu. Chúng giết người mưu sự tối tăm, đã dồn ép ngài chấp nhận cho Phạm Thị Ngọc Trần phải chết, và hứa sẽ đưa con nàng lên ngôi…
          Nghĩ lại chuyện này, ngài thấy lạnh người. Ngài sởn gai ốc nhìn thấy thứ phi Phạm Thị Ngọc Trần hiện về như trêu chọc, như thách đố, như ra lệnh. Khuôn mặt nàng nhợt nhạt, khoác áo xanh thẫm, đội mũ cánh phượng, từ từ bước xuống dòng sông lạnh, nước xoáy ngược, về ma cung. Trước khi nước phủ ngập đầu, nàng dặn dò giám quan Bùi Cẩm Hổ dạy dỗ Lê Nguyên Long và gầm thét, động trời: “ Đức vua phải giữ lời hứa truyền ngôi vua cho Lê Nguyên Long”…
         Mùa thu- tháng tám. Lê Lợi run rẩy truyền lệnh giáng con trưởng Lê Tư Tề làm Quận vương, lấy con thứ Lê Nguyên Long kế thừa.
               Sao chổi mọc ở phương Tây.
               Lửa đổ xuống màn đêm Đại Việt.
        Trước lúc lâm chung, Lê Lợi muốn xóa đi tất cả. Thế là xong một kiếp người. Trần gian hỡi! Hãy quên ta đi. Công tội một đời nhắc vài câu là đủ. Nhưng ngài không xua nổi cảm giác bàng hoàng về chuyện Rùa thần đòi gươm và cái tên hồ Hoàn Kiếm. Nó xô tới tấp vào thân xác ngài như muôn ngàn ngọn sóng. Nó không cho ngài được siêu thoát. Nó giữ ngài ở lại với trần gian. Ngài ú ớ trong cổ họng, mà không kêu lên được. Kêu rằng: “Hãy buông tha tôi ra. Hãy cho tôi trở về với đất!”. Nhưng kêu làm sao nổi! Xóa làm sao được- chuyện Rùa thần đòi gươm- và cái tên thiêng liêng hồ Hoàn Kiếm?  Nước mắt ngài ứa ra. Ngài truyền bảo Lê Nguyên Long bằng giọng nói thều thào, ngắt quãng trong hơi thở hắt ra:
 “Hãy tin dùng… Nguyễn Trãi… và trọng dụng… hiền tài… để giữ gìn ngôi báu của nhà Lê”.
        Ngày 22- 8 - 1433, Thuận Thiên năm thứ sáu. Lê Thái Tổ băng. Sử gia ghi vào quốc sử vài câu, mà nay người kể chuyện thấy không cần phải chép nhiều lời đến thế: “Thái Tổ từ khi lên ngôi đến nay… cũng có thể gọi là có mưu kế xa rộng, mở mang cơ nghiệp. Song đa nghi, hiếu sát, đó là chỗ kém.”
        
 Hà Nội mùa Thu, tháng Chín- 2009