Trang chủ » Truyện

MƯA TRÁI MÙA VÀ...

Đoàn Nhất Trí.
Thứ sáu ngày 3 tháng 7 năm 2009 8:04 PM
 
              Gã tưởng rằng nghỉ hưu là đã rũ bỏ được tất cả để rút về cái thành lũy cuối cùng là gia đình thì được yên thân, toàn vẹn. Đâu có ngờ, tránh vỏ dưa, lại gặp ngay vỏ dừa. Vỏ dưa trượt ngã còn đứng dậy được, chứ vỏ dừa dai ngoách, rắn câng, giẫm đạp, giằng xé cũng chẳng thể dứt ra. Gã đã tính toán kỹ, không để bất kỳ một sai sót nào trước bài toán về hưu sớm 2 năm. Cả đoạn đời tuổi trẻ dư thừa sức lực, đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo coi như gã để trả ơn cho đời. Đáp lại, cuộc đời cũng đã cho gã được hưởng lương hưu, trị giá chưa đầy tám trăm ngàn đồng một tháng, ở thời điểm năm 2002. Như thế là thiệt thòi nếu như so với lớp trẻ bây giờ. Thôi thì sẽ cố gắng vớt vát  để bù đắp lại sự thiệt thòi ấy bằng cách khai thác hết công suất đoạn đời xế chiều còn lại của gã. Về trước hai năm, gã sẽ khỏe hơn người khác hai năm, lại có thêm hai năm về thời gian so với họ để gã mở mang cái nghề sẵn có trong tay là chụp ảnh lấy tiền thiên hạ đặng nhanh chóng phất lên làm giầu cho khỏi thua chị kém em. Cũng từ cái chỉ thị16 của Thủ tướng nhằm khuyến khích cán bộ công nhân viên chức về hưu sớm cho giảm bớt gánh nặng biên chế, nhưng có ma nào chịu về. Miếng mồi nhử rõ to. Nào tiền, nào đủ bẩy mươi nhăm phần trăm lương, vẫn không làm những kẻ bất tài chuyên dựa dẫm vào nhà nước nhả ra cái chỗ béo bở họ đã bám được lâu nay như đỉa bám. Họ cũng đã tính kỹ như gã. Họ là những người chỉ giỏi nghề đút chân gầm bàn giấy, chẳng tài cán gì thì việc nhà nước khuyến khích thế, chứ hơn nữa cũng chẳng dám rời cái bầu sữa căng phồng và ngọt ngào ấy ra. Cái bầu sữa lâu nay vẫn nuôi báo cô biết bao nhiêu người và là cái kho vô tận cho bọn sâu mọt đục khoét vô tội vạ. Còn gã, gã sợ gì. Ra ngoài càng khỏe. Cái nghề nhàn nhã một vốn kiếm đến ba bốn lời, gã đã tu luyện thành thục gần ba chục năm nay trong việc chuyên chụp ảnh làm tư liệu nghiên cứu, học tập và giảng dậy. Gã còn là một tay máy đã từng có ảnh nghệ thuật tham gia triển lãm toàn quốc, thế thì chụp ảnh theo kiểu" thợ" có đáng kể gì. Vì thế, rất nhanh, gã nhập cuộc vào cái guồng máy khổng lồ của cơ chế thị trường hỗn loạn, điên đảo vừa mới bung ra mong chiếm được một mẩu, dù bé thôi của miếng "da lừa "chung mà cả xã hội đang giành giật. Ai cũng muốn chiếm cho mình phần hơn. Chỉ vài ngày sau bữa liên hoan" tống cựu"ở cơ quan, gã đã đầy đủ máy móc , phương tiện hành nghề. Một tháng sau đó gã treo được cái biển " chụp ảnh mỹ thuật" cạnh chiếc biển " quầy sách báo" của vợ gã đã hoạt động từ nhiều năm nay. Từ ngày thị xin nghỉ "mất sức một cục" theo chồng lên Hà nội công tác. Gã cho rằng ban đầu hãy chung chạ thế cho vừa "tình cảm", vừa tương trợ được nhau những lúc người này đông khách, người kia rảnh rỗi. Vả lại, nếu một năm sau, có tiếng rồi, gã sẽ thuê riêng một cửa hàng khác và một hai nhân viên trực tiếp làm việc. Gã chỉ ngồi làm ông chủ, thu tiền, điều hành công việc sao cho trôi chảy. Tiếp theo là gã đôn đáo đi tìm khắp vùng được ông thày nhờ xem ngày giờ tốt để khai trương cửa hàng. Sau đó là những ngày gã trần mình ra làm việc và mở rộng mối quan hệ. Gã không quản ngại gì. Còn bao nhiêu sức lực gã bỏ hết ra, lăn lộn hơn cả thời trẻ. Ban đầu, khách đến lác đác, sau đông dần. Gã vui lắm. Đôi khi, những lúc chờ đợi, gã ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế nửa nằm, nửa ngồi, rung đùi nghêu ngao hát mấy câu thơ dở hơi kiểu " Bút Tre" do hắn sáng tác để  tự diễu mình, diễu đời và lấy làm đắc ý lắm.
                                 Chán đời tớ bỏ về hưu
                                 Nhòm mặt thiên hạ, xoay chiêu chụp hình
                                 Người ngay khuôn mặt hữu tình
                                 Kẻ gian mắt híp, má phình, râu dê...( phình là phính)            
                Cùng với sự gia tăng của khách chụp, tiền thu được cũng tăng theo. Gã nhẩm tính, cứ đà tăng trưởng này, chẳng mấy chốc, chỉ sáu bẩy tháng sau sẽ thu lại đủ số vốn đầu tư cho máy móc , phương tiện. Thế nhưng, mặc dù trên đầu đã hai thứ tóc, gã đâu học hết chữ ngờ. Trong lúc gã hí hửng về sự tăng trưởng mọi mặt của cửa hàng thì cũng là lúc hàng loạt những phiền phức khác mò đến gõ cửa. Đầu tiên là người của phòng thuế, sau đến quản lý thị trường, dân phòng, môi trường, tổ dân phố, tổ dân cư, vệ sinh đường phố... thăm dò, hỏi han, nắn gân, sờ cốt. Chỉ thiếu người của ban vệ sinh thực phẩm và dịch tễ là không đến vì ảnh đâu có ăn được mà phải khử trùng tiêu độc. Ngày nào, tháng nào gã cũng phải tiếp đón cái bọn người vô lại này. Gã biết, chúng thu nộp cho nhà nước thì ít, mà bỏ túi riêng thì nhiều. Gần hết đời làm nghề dậy học, cái đạo lý làm người thấm đẫm trong gã, Lươn lẹo, vòng vo, bóng gió, gá không biết. Ây thế mà chúng cứ vây lấy. Giá chúng nói thẳng ra xem phải " cúng" cho chúng bao nhiêu một lần, bao nhiêu lần trong một tháng, một năm, thì gã còn biết đường mà tính toán. Đằng này , chúng cứ úp mở, làm ra vẻ ta đây nghiêm chỉnh vô tư, trong sạch đạo mạo lắm. Chúng chìa vào mặt gã hàng chục cái luật, hàng trăm cái văn bản, cái nào cũng dấu to, dấu nhỏ, đỏ choét, kèm theo những chữ kí loằng ngoằng, đầy uy lực, làm gã đau hết cả đầu, không biết đâu mà lần. Đến khi gã đưa tiền, kẻ thì trả lại hóa đơn, người lờ tịt, có đứa còn bảo gã kí khống vào đó rồi thản nhiên gập lại , đút túi, bỏ đi. Gã tặc lưỡi, thôi thì thế nào cũng xong, miễn chúng  để cho gã yên. Thế nhưng cái sự yên bình ấy đâu có được lâu. Tháng sau, những kẻ quen mặt lại đến, lại diễn ra tích trò của tháng trước. Ngày lễ, ngày tết chúng còn quấy nhiễu đến hai ba lần...
                  Để biết kết quả, tháng nào gã cũng hì hụi ngồi tính lỗ lãi bằng chiếc máy tính cá nhân. Kết quả là, trừ hai tháng khởi nghiệp, những tháng sau hoặc là lỗ, hoặc là hòa vốn. Tháng tiếp theo, tiếp theo vẫn thế. Gã hoảng sợ thực sự. Lại nữa, câu thơ tự diễu hàng ngày gã vẫn nghêu ngao hát , bây giờ hình như đã trở thành linh nghiệm và bắt đầu tác oai tác quái. Cứ mỗi khi khách đã ngồi yên vị trên ghế, mắt nhìn thẳng vào ống kính, và hai tay gã nâng chiếc máy chụp nhãn hiệu Nikon F2 có ống kính rum nặng trịch lên, áp sát vào mắt phải, nheo tịt mắt trái là y như trong khuôn ngắm lại hiện lên bộ mặt quái đản giống câu thơ của gã đã miêu tả: " Kẻ gian mắt híp, má phình  (phính) râu dê...". Không phải là tất cả, nhưng nhiều người hễ cứ ngồi lên ghế để gã chụp ảnh hộ chiếu, công vụ, thẻ các loại... là y như bằng một bản năng tự có, không điều khiển được, hoặc như có một sức mạnh vô hình nào đó đã chế ngự đôi tay và con mắt gã làm cho chỉ trong giây lát, với vài động tác máy điêu luyện gã đã đặt khách chụp  nằm gọn trong khuôn hình với đầy đủ tiêu chí kỹ thuật về ánh sáng, góc độ, bố cục, tốc độ, cửa chập... một cách hoàn hảo, chỉ việc bấm máy. Gã thấy, trong khung ngắm, khuôn mặt người chụp hiện lên khi là bộ mặt của một con dê cụ, dâm đãng, trơ tráo có bộ râu ba chòm bắt ánh sáng ngược nổi bồng bềnh dưới chiếc mũi hếch và đôi con mắt ty hí. Khi là bộ mặt đói khát, tham lam vô độ của những con chuột cống, chuột nhắt, chuột đồng, chuột nhà, con nào cũng mắt tinh, tai thính, răng nanh to, dài. Con nào cũng lẩn nhanh như chuột. Khi lại hiện lên bộ mặt của một con lừa xuẩn ngốc, chậm chạp, láo lơ chuyên để cho người ta sai khiến...Nhìn vào những cái mặt như thế, gã sởn hết cả gai ốc. Không tự chủ được, gã cứ bấm máy phứa đi, cốt lấy tiền. kết quả là, khi mhận ảnh, khách hàng không hài lòng. Người xem lướt qua rồi bỏ nhanh vào ví. Người nhăn mặt, trau chán. Có người không giữ được bình tĩnh, xé ảnh làm ba, bốn mảnh rồi bỏ đi liền. Thực ra tất cả những tấm ảnh chân dung ấy đều quá hoàn hảo trong việc lột tả bản chất tâm hồn của người được chụp. Dưới con mắt gã hay bất kỳ một nhà nhiếp ảnh nghệ thuật nào, chúng đều rất đạt. Theo như gã, trên phương diện ảnh nghệ thuật nó đẹp đến lạ lùng bởi mọi chi tiết đều hiện ra rõ mồn một. Có thể đếm được từng chiếc lông tơ hay từng vết rạn chân chim nơi khóe mắt. Đặc biệt, nó hiện ra tất cả những gì gọi là nội tâm của người chụp trước mắt họ. Người tham lam , lộ ra mình tham lam. Người có tính hay đục khoét công quỹ thì lộ ra thói nịnh hót, tâng bốc cấp trên để được thăng quan tiến chức. Kẻ gian giảo, độc ác lộ ra tâm địa lang sói, sẵn sàng giết người chỉ vì một miếng ăn cỏn con v.v... Nhìn ảnh, thấy tâm địa mình rõ quá họ sợ hãi vứt hay xé đi. Nén lòng, các vị khách sang hiệu khác chụp lại cho đẹp và an toàn hơn. Cửa hàng của gã cứ mất khách dần đi là vì thế. Giữa lúc khách đến ít đi, tiền không thu được, vốn đầu tư máy móc chưa trả thì  vợ gã cứ thúc giục ráo riết phải nộp tiền ăn hàng tháng. Có chưa đầy tám trăm ngàn đồng lương hưu, gã đã phải đưa vợ năm trăm mỗi tháng. Số còn lại gã tùng tiệm chi cho cái bản thân gã để sống ở cái thủ  phủ đắt đỏ này cũng không đủ. Nào tiền xăng dầu cho xe máy.Nào cắt tóc, gội đầu, mua sắm giầy dép, quần áo. Nào là bạn bè, hiếu hỉ...,trăm thứ chỉ nhằm nhò vào chưa đầy ba trăm đồng bạc gã cố ý giữ lại. Ây thế mà ngày nào vợ gã cũng nheo nhéo kêu ca, thúc giục, không chịu buông tha. Có lúc gã không chịu được nữa, nổi khùng quát lại: " Bà tưởng tôi sung sướng lắm đấy hả. Đồng lương hưu tôi chỉ có thế. Tôi đi giết ai để có tiền đưa cho bà bây giờ. Hay tôi đi ăn cắp, ăn trộm nhá! ". Vợ gã cũng không vừa: " Đi ăn cắp bây giờ thì muộn rồi. Về hưu mới đi ăn cắp có mà tù mọt gông. Ai bảo cái thời còn công tác cứ ngông nghênh không chịu luồn cúi ai để đến cái chức tổ trưởng chuyên môn nó cũng không cho làm, chưa nói đến được làm hiệu trưởng hiệu phó trường nọ trường kia. Ơ đời, có biết bao nhiêu đứa bất tài, vô đạo đức nhưng chịu dẻo lưng, mềm lưỡi, khom gối, cúi đầu một tý là  chúng được lên chức, được làm ông nọ bà kia. Có chức, có quyền là nó ăn cắp tiền tỷ, trăm ngàn tỷ, giầu có ú ụ. Ô to, ô nhỏ che chắn, chẳng ai làm gì được nó...". Nghe vợ nói, gã há hốc mồm. Từ lấy nhau đến giờ đã trên ba chục năm, gã chưa nghe vợ nói dài, nói cay độc đến thế. Trong con mắt gã, thị là người chịu khó, hiền thục, đoan trang vào bậc nhất. Thế mà bây giờ...thị là con người của đồng tiền, chỉ biết có tiền, thờ đồng tiền.
                   Lần ấy, để làm lại cái chứng minh thư đã mất, vợ gã yêu cầu chụp hình cho thị. Để vợ ngồi trên ghế, gã chỉnh sửa tư thế xong đâu đấy liền giơ máy lên định chụp. Vừa áp máy vào mắt, gã đã hoảng hốt thấy hiện trên khuôn hình một  bộ mặt bự làm toàn bằng tiền năm trăm nghìn, một trăm nghìn, son phấn trát lòe loẹt. Gã run rẩy suýt đánh rơi máy. Vợ gã hỏi sao. Gã bảo không có gì rồi trấn tĩnh lại, nhắm mắt, ấn cò. May thay, tấm hình in ra, vợ gã, trong con mắt chỉ thấy có tiền nên không nhìn thấy gì trong đấy. Cứ thế thị mang ra đồn công an xin làm chứng minh thư.. .                          .                Thế đấy, gã nghĩ tình trạng của mình bây giờ đang như con cá nằm trên thớt, đằng nào cũng chết, chẳng chết trước thì chết sau. Gã cố gồng mình lên để chiu đựng, được thêm ngày nào hay ngày ấy chứ bây giờ mà dẹp tiệm gã biết làm cái gì. Nghề chính là dậy học thì đã quá đát. Nghề phụ chỉ có chụp ảnh chứ các nghề khác, gã mù tịt. Vả lại bây giờ người ta dậy học đâu cần phải giỏi chuyên môn, dồi dào kiến thức và đạo đức phải sáng ngời. Giống như công việc hành chính, giờ, người ta dậy nhưng cũng phải biết hành học sinh và cha mẹ chúng nó. Gã không làm được.
                 Cho đến một lần, khoảng chín giờ sáng, có một cái xe con đen bóng, biển số xanh, đắt tiền, sang trọng lắm, đỗ xịch trước cửa tiệm của gã. Anh lái xăng xái nhẩy xuống chạy vòng lại mở cửa xe cho một người đàn ông trạc trên bốn mươi tuổi bước xuống. Người này comlê, cà vạt, giầy đen, kính đen, nước hoa thơm phức, oai vệ tiến đến trước mặt gã, hất hàm hỏi:
                 -  Có biết chụp ảnh thẻ không?
                 -  Dạ thưa ông, tôi chưa từng được phát một loại thẻ ưu tiên nào nên không biết chụp loại ảnh này! Phản ứng rất nhanh, gã đáp lại.
                Ông khách, quay ngoắt ra, miệng lầu bầu:
                 -  Đồ ngu, thế mà cũng mở tiệm chụp hình! Người ấy bước lên xe rất nhanh, đóng sầm cửa lại. Chiếc xe lao vút đi, để lại một làn khói mỏng manh cùng với mùi xăng khét lẹt thốc vào cửa hàng và ùa đầy mũi gã. Gã choáng người vì bị xúc phạm, đứng như hóa đá nhìn theo hướng xe vừa đi. Vợ gã hỏi không nói, gọi không thưa. Chốc sau, tỉnh lại, hai tay gã cầm chiếc máy ảnh giơ lên khỏi đầu định đập xuống, nhưng rồi trấn tĩnh lại được. Chiếc máy gần chục triệu đồng chứ ít đâu. Cả bộ đồ nghề trên ba chục triệu chưa trả được đồng nào. Lãi mẹ đẻ lãi con. Bây giờ nếu có bán đi, mười phần, chỉ thu lại được có hai ba, Gã thở dài xuôi tay, nuốt cục hận sâu tận gan ruột. Ây cũng là lúc gã biết mình đã  trở thành thằng hèn. Từ đó cho đến ba bốn hôm sau, ai đến gã cũng không chụp ảnh nữa. Cứ mỗi lần gã nhăm nhe giở đồ nghề ra là y như lại ngửi thấy cái mùi xăng khen khét của chiếc xe người khách hôm trước. Nó không chỉ khét mà còn nồng khẳn như một thứ xú uế, gã không sao chiụ nổi. Gã bỏ cửa hàng đấy, xách xe máy chạy lang thang đến cạn xăng mới về. Vợ gã thấy thế lại đay nghiến: " Ông dẹp tiệm thật hả. Dẹp thì cháo cũng chẳng có mà ăn! Bộ ông tưởng chỉ dựa vào mấy đồng lương hưu bọ mà có thể sống được? Ông còn bảo ông ngửi thấy mùi nọ, mùi kia, sao tôi chẳng ngửi thấy mùi gì hết. Rồi thị lấy cả điển tích Tầu ra dậy lại ông cựu giáo viên chuyên giảng dậy văn học, đã đạt đến cấp " nhà giáo ưu tú", rằng đến như cái ông vua ...gì nhỉ...bên Tầu kia còn phải nếm phân của kẻ thù để mà nuôi chí lớn. Đằng này, chưa gì, ông đã buông tay..." Gã trợn tròn con mắt nhìn và nghe vợ nói, lòng tự nhủ: thôi, thế là hết rồi! Cái chỗ dựa cuối cùng của gã cũng đã đổ vỡ, dẹp thôi. Gã dẹp thật. Vợ nói thế nào gã cũng không xuống cửa hàng nữa. Lại lang thang. Gã thấy mình đã đến bước đường cùng rồi. Chiếc xe máy cà tàng đưa gã đến chân cầu Long Tiên lúc nào không biết. Gã dựng xe nhìn xuống dòng sông đục ngầu phù sa. Nhắm mắt lại, tưởng tượng. Nhưng rồi, sao đó, gã lại lên xe, đi về thành phố. Gã chủ tâm lượn qua những phố buôn bán sầm uất chăm chú xem người ta có trưng biển tuyển người làm việc. Nếu có, gã xin vào làm gì cũng được, miễm sao thêm được mỗi tháng dăm ba đồng. Gã khấp khởi vì thấy có nhiều biển treo. Nhỗ cần tuyển nhân viên bán hàng. Chỗ tìm nhân viên ma két tinh. Chỗ cần người đưa hàng dong...Thế nhưng, gã vào đâu cũng chỉ được câu trả lời: " Bác già quá, chúng cháu cần thanh niên kia! ". Đến ngay cái chỗ tuyển người chuyên chỉ ngồi một chỗ gấp hộp các tông đựng hàng , họ cũng không cần gã. Một thằng chủ doanh nghiệp trẻ măng còn nhăn nhở đốp vào mặt gã:" Bố già chẳng hiểu gì cả.Chúng con tuyển gái trẻ để còn một công đôi việc, một mặt làm mát mắt khách hàng, mặt khác, còn...chứ là đàn ông, lại già như bố thì chúng con cải thiện thế nào. Thôi, con mời bố về nhà mà ung dung ngồi nhấm nháp cái cục lương hưu của bố cho khỏe. Chúng con đâu được sướng như thế. Phải trần lực ra làm mới có miếng ăn đổ vào mồm. Còn bố, nhà nước chu tất cho đến tận lúc xuống mồ! ". Lại lương hưu, gã nghĩ, cái nắm tiền còm cõi mà gã đã đổi bằng một đời làm việc cũng không nuôi nổi bản thân cho ra hồn, còn nói gì đến việc nuôi con, mua sắm, ốm đau...Ơ đây, ở cái chỗ mua bán, thừa bứa sự đảo điên nhưng lại thiếu tình người này, gã lại bị cái bọn trẻ ranh diễu cợt về đồng lương hưu. Ai không biết, chứ gã thấy cái đồng lương hưu ấy nó giống cái vòng kim cô, cứ ngày càng bám riết, xiết chặt lấy đầu gã làm gã đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Gã cũng thầm trách mấy thằng cha truyền hình cứ xa xả suốt ngày không biết ngượng những nào là GDP tăng trưởng như thế này, cuộc sống đi lên như thế kia. Rồi nữa, còn đưa ra con số lương bình quân của cả nước những triệu này, triệu nọ. Chẳng biết họ lấy đâu ra những con số tươi đẹp như thế. Gã nghe, mà nửa cười, nửa khóc. Suy cho cùng, xưa nay đã có ai chết vì báo cáo láo đâu.
               Biết không thể xin được việc ở chốn này, gã quay xe ra về với ý nghĩ như đinh đóng cột rằng thế là hết, ông trời không muốn cho gã sống nữa. Về nhà bây giờ gã sợ gặp vợ hơn cả sợ cái chết. Vợ gã tra hỏi, lấy đâu ra tiền đưa mụ. Thế là, bản năng lại đưa gã quay lại chiếc cầu ghẻ lở ban nẫy. Lúc này đã xế chiều. Trong lúc chiếc xe cà tàng của gã đang phì phò leo lên đầu dốc thì trời đổ sập xuống một trận mưa rào. Cơn mưa rào trái mùa vào giữa tháng giêng, trời đang rét. Thấy mưa, gã nghĩ, có chết thì cũng phải chết cho khô ráo, đàng hoàng. Tội gì lại đi chết trong cảnh ướt át như chuột lột thế này để thiên hạ cười chê. Đường về nhà con xa đến hơn ba cây số nữa. Cứ đầu trần như thế, gã phóng trong mưa, trong giá lạnh đến cắt da cắt thịt. Tới nơi, chỉ kịp gửi xe, gã leo lên căn hộ tầng bốn, thay quần áo rồi chui vào cái tổ của mình. Hai chiếc chăn bông nặng gần sáu ký đè trên người, dưới là đệm, gã vẫn rét run cầm cập. Hai hàm răng gã đánh vào nhau liên hồi tưởng sẽ vỡ vụn không còn một chiếc. Rồi gã rên. Rên ư ử như tiếng chó. Tiếp theo cơn rét là một cơn nóng hầm hập đổ xuống. Người gã như bị sức nóng vắt kiệt, bốc hết thành hơi trong cái lò nung mà nhiệt độ đang lên đến hàng nghìn độ. Rồi gã khát. Khát cháy họng. Gã ngó nghiêng tìm quán nước. Kia rồi, bên trái có một cái. Gã lết vào. Kì lạ, cái quán là một mặt người đàn bà to bự. Từ trong lỗ miệng toác ra của nó, hai bàn tay thò ra bê một bát nước đại chìa tận mồn cho gã uống. Ngày thường thì gã đã chết khiếp. Còn bây giờ, kệ. Gã cần nước để dập đi cái lò lửa đang thiêu cháy ruột gan và cổ họng. Từ cái miệng, hay nói đúng hơn là từ đôi bàn tay phát ra tiếng nói:
                    -  Ông đang đi tìm việc làm? Có muốn tôi mách một câu?
                    Quên cả cái nóng, cái khát, gã vồ vập:
                    -  Vâng đúng, xin bà cứ nói!
                    Tiếng nói bí ẩn kia lại vang lên:
                    -  Ông đã từng là giáo viên dậy văn, lại dậy giỏi. Ông nên làm nghề viết văn. Tội gì phải chạy vạy tìm đâu cho mệt. Nhưng trước hết phải vào tòa lâu đài kia,  dâng hương thỉnh cầu Ngài mới cho!
                    Được lời, như bắt được vàng, không kịp cảm ơn, gã hăm hở quay gót bươn về hướng tay chỉ. Thế nhưng, đường đến tòa lâu đài xem ra còn xa hun hút. Gã đã mệt lắm rồi. Bát nước ban nãy chỉ  đủ làm dịu cơn khát trong gã được một thoáng, giờ nó lại bùng lên quay quắt, mãnh liệt hơn. Gã cố hết sức, hết đi rồi bò. Rồi đi, lại bò. Trong con mắt như hai hòn than rực cháy của gã,  tòa lâu đài hiện dần lên cao chót vót, rực sáng. Gã mừng quá, tự nhủ hãy cố lên,vào đấy là cầm chắc có việc làm. Thế là gã lại cố. Lại lết, lại bò. Cả mười đầu ngón tay, mừơi ngón chân gã bấu chặt xuống mặt đường đến tóe máu. Ngực và bụng gã bị mảnh chai, mảnh sành, đinh sắt, gai nhọn trên đường cứa cào ngang dọc, máu me bê bết chảy đỏ mặt đường. May quá, gã đã trông thấy lâu đài ngay trước mắt đây rồi. Nó thật nguy nga tráng lệ ngoài sức tưởng tượng của gã. Gã lết qua cửa, vào trong. Chao ôi, toàn bàn thờ với đồ thờ. Vừa sáng choang, vừa thâm nghiêm, vừa lung linh mờ ảo. Trong khi gã đang thành kính chiêm ngưỡng, thán phục và chuẩn bị đốt hương lễ vái thì đột nhiên ánh sáng vụt tắt, không gian tối om lại, tòa lâu đài sụp đổ, đè lên người làm gã không sao cựa quậy được. Thì ra nó được làm toàn bằng sách và chữ. Sách làm tường, làm mái. Chữ làm cột, làm kèo. Sách thì quyển nào cũng dầy cộp, to nhỏ, đủ các loại. Đa số là sách của nhà xuất bản giáo dục. Có đến hàng trăm loại. Loại dậy, loại học. Loại hướng dẫn  giáo viên giảng dậy, Loại hướng dẫn học sinh học tập. Sách nghiên cứu, sách tham khảo. Sách dậy văn, dạy toán, dậy đạo đức. Sách từ xưa đến nay. Lại có cả sách phật giáo, thiên chúa giáo, khổng giáo, mi tu giáo, tằng tịu giáo...Chữ cũng đủ loại. Chữ Anh, chữ Pháp, Chữ Tầu, chữ Nôm, chữ quốc ngữ, chữ Phạn, chữ Âm, chữ Dương...chúng loằng ngoằng quấn lấy nhau tạo thành cột, thành kèo, thành rui mè, hoành phi , câu đối, đầu đao....Sở dĩ tòa lâu đài tồn tại được bấy lâu nay là vì không có người ở, cũng không ai qua lại. Mọi chất liệu kết dính với nhau được là vì cái sự hoang phế, lạnh lẽo, cô đơn, giống như băng tuyết. Nay, cái tấm thân đang rừng rực cháy vì khao khát tìm việc làm, khao khát được sống của gã bò vào đã làm cho nhiệt độ của nó tăng lên đột ngột,  mọi thứ tan chảy ra rồi đổ sụp xuống.
                   Nằm dưới cái đống đổ nát, nặng trịch, toàn sách vở, chữ nghĩa, cái thằng người khốn khổ đã về hưu còn đang đi tìm việc làm ấy tự nghĩ, thôi, thế là hết, chết ở đây cũng được rồi, hơn phải tự vẫn ở cầu Long Tiên nhếch nhác.Chết ở đây để khỏi phải nhìn  thấy cái chỗ trống do gã về hưu trước hai năm bị thay thế bằng đứa cháu chưa học hành, bằng cấp gì của bà giám đốc cơ quan cũ.
                 
                   Chết ở đây còn hơn phải về nhà gặp lại vợ gã.
                                                             
                   Hà Nội, tháng giêng năm Mậu Tý
 
 

                    truyện ngắn
                                                        NGƯỜI CHĂN CHỮ

 1.                   Cái cách hắn ra nhập cộng đồng nhân loại cũng khác. Hắn khóc to, khóc lâu. Người ta bảo, con người khi ra đời lại khóc chứ không cười là vì mặc dù còn trứng nước nhưng cái sinh linh nhỏ bé ấy đã cảm nhận được mình bắt đầu rơi vào kiếp trầm luân, không thể cưỡng lại. Hắn, chắc cũng vậy, khóc rất to, một tiếng sau mới ngừng. Mặc cho hắn khóc, mẹ hắn vừa qua cơn vật vã, đau đớn, đang nằm trên giường chỉ thấy sung sướng đến tột cùng. Làm sao không sung sướng được khi mà đã hơn bốn mươi tuổi mới sinh được đứa con trai nối dõi. Dòng dõi nhà hắn đâu phải tầm thường.  Bố hắn làm quan to, giầu nhất nhì tỉnh. Để có được thằng con này, mẹ hắn đã đi khắp nơi cầu tự, lạy quỳ, khấn vái, xin xỏ, tốn kém biết bao tiền của.
                      Mẹ hắn ngấm ngầm tin rằng hắn là đứa con của trời đất kết tinh mà thành và lòng tràn đầy hy vọng.
2.                  Thế nhưng, niềm tin ấy của bà cứ lung lay dần theo thời gian. Nghĩa là, hắn càng lớn, mẹ hắn càng vơi đi niềm hy vọng. Nhìn bề ngoài khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú, nhanh nhẹn, không ai bảo hắn là đứa đần độn, ngu si, dốt nát. Chỉ đến năm lên sáu tuổi, cắp sách đi học, mẹ hắn mới biết con mình kém cỏi, đến thế nào. Hành trang từ vỡ lòng lên lớp một, hắn chỉ đem theo được vài mẩu chữ cái trong bảng 24 chữ cái quốc ngữ. Hết tuổi mẫu giáo, cô giáo đẩy lên, cô giáo lớp trên đùn xuống, không ai chịu nhận. Cuối cùng, cô dậy mẫu giáo phải  nói: em ấy lớn quá rồi, để ở lại sợ ảnh hưởng đến các em khác, cô dậy lớp một mới chịu nhận. Học hết lớp một, túi kiến thức của hắn cũng chẳng có thêm được bao nhiêu. Hắn ở trong danh sách học sinh ở lại lớp. Mẹ hắn phải bí mật dùng tiền nhờ cô chủ nhiệm "phụ đạo" thêm hắn mới được lên lớp hai. Đến lượt thày dậy lớp hai cũng phải bảo mẹ hắn đưa tiền thuê một em khác làm bài giúp trong đợt kiểm tra vớt, mới lên được lớp ba...Tuy nhiên, trong lời phê vào học bạ ở các lớp, từ dưới lên trên, các thày cô giáo đều khen hắn ngoan, đi học đều, chú ý nghe giảng, không mất trật tự , không đánh nhau trong lớp. Kính thày, yêu bạn.
                    Gần hết năm học lớp bốn, sắp một lần nữa phải tiếp tục dùng đồng tiền làm lực đẩy cho con lên lớp năm,  người mẹ buồn rầu nói với hắn:
                    -  Con ạ, bố mẹ đủ tiền để có thể đưa con vượt qua các lớp PTCS, PTTH và cả vào đại học. Học xong đại học rồi, chỉ mình bố con thôi cũng có khả năng lo cho con vào làm việc ở bất kỳ ngành nghề nào ngon lành, béo bở. Nhưng con thử nghĩ lại xem, như thế phỏng có ích lợi gì, nếu con cứ học kém như thế này mãi?
                    -  Thì có sao đâu hả mẹ. Cô giáo thì cần tiền bồi dưỡng để cải thiện thêm cuộc sống, nhà trường cần con mỗi năm một lần lên lớp lấy thành tích. Quận, thành phố cần con số một trăm phần trăm để giành danh hiệu thi đua cho ngành giáo dục do họ quản lý...Hắn thản nhiên trả lời.
                     Mẹ hắn nhăn mặt lại cáu:
                    -  Thôi con, mẹ không muốn con nói dông dài thế. Mẹ muốn nói đến thực chất việc học hành của con kia. Đã học gần xong lớp bốn rồi mà bây giờ, muốn viết một câu chữ cho ra hồn con cũng không làm được, thử hỏi sau này con còn làm được những gì?
                    Không để ý đến câu hỏi ấy, đột nhiên hắn ôm lấy cổ mẹ:
                    -  Hay là con thôi không học nữa mẹ nhé?
                    -  Thôi học?
                    -  Vâng, thôi học! Mẹ! Rõ là mẹ lạc hậu rồi. Ngày nay người ta còn coi cái việc học là quan trọng nữa đâu. Mẹ hắn không nói thành lời nhưng câu hỏi lộ rõ ra trong ánh mắt sửng sốt. Hắn nói tiếp:
                    -  Mẹ cứ trông và nghĩ kĩ mà xem. Bọn học sinh chúng con, từ đứa học mẫu giáo trở lên đến đại học, đứa nào cũng ba lô trên vai nặng trĩu nhưng thử hỏi trong đấy, chúng có được bao nhiêu chữ. Ơ lớp thấp còn dốt ít chứ càng học lên lớp cao càng dốt nhiều. Thời đại bây giờ, đã có vi tính làm thay tất cả thế mà ở lớp con, cô giáo cứ bắt luyện chữ viết sao cho thật chuẩn, thật đẹp, đau hết cả các đầu ngón tay, lại còn bị lác mắt nữa chứ. Đứa nào chữ xấu bị cô xoắn tai, vụt thước kẻ vào lòng bàn tay, ác ơi là ác.
                    Để chặn ngay cái dòng suy nghĩ miên man của hắn lại, mẹ hắn hỏi:
                    -  Thế nghỉ học thì con làm gì?
                    -  Con làm nghề chăn chữ! Hắn hồn nhiên trả lời.
                    -  Chăn chữ! Con làm nghề chăn chữ? Nhìn ánh mắt hoảng loạn, bây giờ thì mẹ hắn hoảng loạn thực sự, hắn trấn an:
                    -  Vâng, con sẽ làm nghề chăn chữ! Mẹ đừng sợ. Con không điên đâu. Tối qua, con ngủ thấy có một ông Tiên hiện ra trong giấc mơ. Ông bảo con là đứa trẻ ngu dốt, không thể nào học hành mà có thể khá lên được. Chỉ có thể làm thương nhân được thôi. Loại thương nhân đặc biệt. Nếu con đồng ý, ông sẽ truyền cho con một cái nghề. Nghề này nếu chịu khó, lanh lợi, sau này có thể trở lên giầu có. Thậm chí có thể trở thành tỷ phú, sánh ngang với các tỉ phú thế giới. Con hỏi nghề gì. Ông bảo nghề "chăn chữ ". Chăn chữ cũng là một nghề giống như nghề buôn bán ấy. Người buôn bán đứng trong đội ngũ những thương nhân. Mà đã là thương nhân, đời nào cũng được trọng vọng. Con đã đồng ý và được ở lại trang trại của ông học nghề trong ba năm. Bây giờ con đã thành thạo rồi mẹ ạ.
                    Mẹ hắn lại tròn con mắt, chỉ thiếu có phát điên:
                    -  Con bảo tối qua con nằm mơ. Giờ lại bảo con đã ở với ông Tiên ba năm, đã thạo nghề. Con có điên không đấy. Con điên hay mẹ đang điên đây? Con vẫn bên cạnh mẹ rành rành ra đấy, có rời xa ngày nào?
                    -  Vâng con cũng không biết ra sao cả. Rõ ràng con đã ở với ông Tiên ba năm, đã học được nghề! Chắc thời gian thực và mơ, giữa tiên giới và trần tục, mỗi nơi, mỗi khác.
                    Mẹ gã cố gắng trấn tĩnh, hỏi tiếp:
                    -  Cứ cho là như thế đi nhưng... chữ ở đâu mà chăn, chăn như thế nào, chữ ăn thứ gì? Làm sao có thể buôn bán được?
                   Gã cười. Một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt tuấn tú. Nhìn nụ cười và gương mặt ấy, mẹ hắn lại tự hỏi tại sao bên trong đó lại là một cái đầu mít đặc, ngây ngô và điên khùng. Hắn làm yên lòng mẹ:
                    -  Vì mẹ là người thường nên không trông thấy. Chỉ con được học ông Tiên là trông thấy thôi. Chữ đầy ra đấy, ngày càng nhiều. Ông Tiên bảo, ngày nay con người dùng ít chữ hơn xưa rất nhiều, vì thế , chúng gần như được thả rông, vô chủ. Chúng có mặt ở khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng, biển khơi, hải đảo. Ngay trong một diện tích hẹp như của nhà ta, chữ cũng có mặt ở khắp các xó xỉnh. Trong nhà, ngoài ngõ, gậm giường, góc bếp, xó nhà, phòng khách đến cầu thang, lối đi, vỉa hè, thùng rác, nhà vệ sinh....Chỉ có mật độ nhiều ít khác nhau mà thôi. Đây cũng là thời điểm cần có một người ra tay tập hợp chúng lại, nếu không chúng sẽ là một đội quân ô hợp, sẽ nổi loạn lúc nào không biết. Lúc ấy thế giới tươi đẹp này của chúng ta sẽ trở về hồng hoang, tàn lụi.
                   Mẹ hắn  không khỏi lo lắng, hỏi:
                   -  Tại sao lại có nhiều chữ đến thế?
                   -  Tại vì, bây giờ, ở ta không phải thời xưa nữa. Con chữ không còn là thứ đắc dụng để con người phải lệ thuộc vào nó. Nhà trường không chỉ là nơi dậy chữ, dậy người, trang bị kiến thức khoa học...mà nó còn là nơi kiếm tìm tiền bạc, danh vị, thăng quan tiến chức của nhiều người bằng việc phù phép thổi phồng thành tích. Ơ đấy, người ta ra sức nhồi nhét chữ vào đầu học sinh, nhưng chẳng được bao nhiêu. Nhồi mười, chỉ vào được một hai vì đa số học sinh lười nhác, không chịu học nhưng lại muốn có điểm cao. Đối với những cô cậu mải chơi, hay chạy nhẩy, mê mải các trò điện tử hay ngủ nhiều, học ít thì chữ vào đầu rồi nhưng lại rơi vãi ra hết. Đã thế, trên lớp, các thày cô dậy dỗ có chừng mực thôi, còn phải bớt lại mới có cái để bắt học sinh học thêm tại nhà các tháy cô chứ. Nhà trường đã thế, còn ở công sở, các công văn , giấy tờ trao đi đổi lại, hay các con tính... đều đã có mẫu sẵn trên phần mềm của máy vi tính, cứ việc gõ phín, ấn nút in rồi kí tên là xong. Còn ai ngồi kì khu nặn từng chữ trong đầu để thảo văn bản giấy tờ nọ kia hả mẹ. Thể tích bộ não con người có giới hạn, phải vứt bớt chữ đi để chứa những thứ quan trọng hơn liên quan đến cơm áo gạo tiền  như làm thế nào để có nhiều tiền hơn, tăng lương nhanh hơn, lên chức nhanh hơn, cấp trên yêu mến và che chở những lúc chẳng may gặp hoạn nạn...
                   Mẹ hắn tỏ vẻ sốt ruột vì hắn dài dòng văn tự, hắn vẫn cướp lời, nói tiếp:
                  -  Mẹ để con nói đã rồi mẹ mới hiểu. Ơ ngoài xã hội, chữ nghĩa rơi vãi còn nhiều hơn. Người ta viết chẳng theo một quy luật hay quy tắc gì cả, thế nào cũng được. Mười chiếc biển bán hàng treo lên, có đến bốn năm chiếc viết bằng chữ Anh, chữ Tầu hoặc loại chữ đầu ngô mình sở. Cửa hàng ăn nhanh, họ đề là Fast food. Bán hàng giảm giá người ta đề là shell. Ngân hàng đề là Bank, VPBank, SHBank...Chữ cái tiếng Việt đề rành rành: ATM, lại đọc là" Ây ti em "... Còn nữa, nhìn sang giới truyền thông đại chúng, khi nói về người dân vùng nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh, nghèo khó, không có cơm ăn thực sự, phải nhịn đói, họ gọi là "đứt bữa". Tuổi lên mười họ gọi là tuổi "tin". Lớp trẻ sinh vào những năm bẩy mươi, tám mươi, chín mươi... gọi là 7X, 8X, 9X, mặc kệ những ai không hiểu. Đối với các nhà khoa học, có ai nhiều chữ bằng họ. Nhiệm vụ của họ là sáng chế, phát minh, ấy thế mà họ có làm nên trò trống gì. Hàng năm, nhà nước bao cấp, cho tiền hàng nghìn tỷ, thế mà họ chỉ giở mẹo vặt, sào xáo mấy thứ chẳng ra hồn để báo cáo thành tích, còn lại, họ để hơi sức cãi vã nhau, tranh nhau chức vị, ghế ngồi, quỳên lợi, bổng lộc. Thì có còn ai hơn họ về trình độ mà vạch rõ đúng, sai, phải, trái. Vì thế mới có chuyện tiền giành cho nghiên cứu khoa học hàng năm thừa hàng trăm tỷ, phải trả lại công quỹ. Trong khi đó, mấy anh nông dân chỉ lớp ba, lớp bốn, đói nghèo, có mấy đồng xu còm hùn lại lăn ra cải tiến, rồi sáng chế máy gặt lúa, máy gieo hạt, chế tạo máy bay trực thăng, di chuyển những ngôi nhà hai ba tầng xa hàng trăm mét... Đến ngay như thơ ca cũng cần phải sử dụng những ngôn từ đã được sàng lọc, gây men, trưng cất từ đời thường mới trở thành những viên ngọc sáng chói và được người đời lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác được. Ây thế mà những cô gái trẻ làm thơ bây giờ không ngại ngần đưa lên trang giấy trắng phau, tinh khiết những ngôn từ dung tục, trần trụi, dâm đãng. Chẳng biết họ có tục tĩu, phóng đãng đến thế không mà thơ họ có sức công phá, hủy hoại tâm hồn bọn trẻ nhanh và mạnh đến thế... Tóm lại, mẹ ạ, con chữ bây giờ không còn đắc dụng nữa, nó bị bỏ rơi rất nhiều. Ngày càng nhiều. Chúng có ở khắp nơi. Nếu ta không ra tay cứu vớt, chúng sẽ chết vì đói, vì rét, vì tai nan ô tô, xe máy và mọi thứ rủi ro khác. Trong khi đó, người muốn có chữ thì không có mà dùng, đành cam chịu cảnh dốt nát, u mê. Người u mê thì người ta dắt đi đâu thì theo đấy. Người ta bảo làm gì thì làm đấy, không biết phân biệt đúng sai. Suốt đời là nô lệ.
                  Mẹ hắn cứ há hốc mồm ra nghe, nhìn gã nói, hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, rồi cũng phải ngắt lời:
                  -  Con học thì dốt. Vậy lấy đâu ra những thứ lý lẽ ấy?
                  -  Ông Tiên bảo con thế mẹ ạ. Mẹ không tin sao? 

3.               Sau lần đối thoại ấy, hắn bỏ học thật, mẹ hắn hết mềm lại rắn, vận động sao hắn cũng không trở lại trường nữa. Đành chịu. Bố hắn mải mê công tác xã hội, năm thì mười họa mới về, mọi sự chăm nuôi, dậy dỗ hắn đều phó mặc cho vợ. Trước tình trạng hắn như thế, mẹ hắn cho rằng đó là biểu hiện của bệnh tâm thần hoặc ma làm hay quỷ ám gì đó. Mẹ hắn không giám nói thật với chồng, cũng cắn răng chẳng dám mở miệng với ai, chỉ lẳng lặng khi thì đi lễ ở chùa này, khi lặn lội tìm thày cúng, thày pháp ở nơi kia. Đưa hắn đi theo cúng lễ trực tiếp, hắn không chịu. Phải để hắn ở nhà. Thế là hắn được tự do. Được tự do, hắn sưu tầm những chiếc hộp các tông đựng ti vi, tủ lạnh, máy vi tính,...lấy băng dính dán chặt các mép rồi khoét lỗ, làm cửa ra vào cho các con chữ. Mỗi ngày, hắn buộc một chiếc hộp sau xe máy đi khắp nơi, tối mịt mới về. Khi hắn lang thang ở cổng trường đại học, lúc lúi húi ở cổng các cơ quan hành chính sự nghiệp, có khi gã rượt theo những đoàn học sinh tan trường đuổi nhau, chòng gẹo chí chóe. Chữ nghĩa từ sách vở ba lô trên lưng các cô cậu văng ra tóe loe đầy đường. Cứ thế gã đọc thần chú, thu gom chúng lại. Nhà hắn xây bốn năm tầng, có hàng chục phòng. Phòng nào cũng rộng thênh thang. Hắn lấy ra năm phòng làm nơi chăn nuôi chữ. Những chiếc hòm các tông to đùng, xếp hàng ngay ngắn, thẳng tắp. Hòm nào cũng dán nhãn mác rõ ràng: Hòm chữ cái, hòm vần A,B, C,D, E...rồi hòm động từ, danh từ, tính từ, chủ ngữ, vị ngữ...Về kĩ thuật có các hòm: Hòm lý luận, hòm kĩ thuật điện, kĩ thuật vi tính, kĩ thuật số...Các hòm ngoại ngữ cũng có hòm các chữ cái, hòm danh từ, động từ, tính từ...Rồi từ điển có Việt Anh, Anh Việt. Việt Hàn, Hàn Việt, Việt Pháp, Pháp Việt...Cứ sau một ngày đi thu thập, chiều về, hắn lại hí húi ngồi phân loại chữ cho vào các loại hòm đã phân định sẵn. Ông Tiên từng nói rất kĩ với hắn rằng, chữ nghĩa thuộc loại đẳng cấp cao, có văn hóa, tuy nhiên, chúng cũng giống con người ở chỗ, chúng cũng có những thói hư, tật xấu như  cũng ganh gé, kèn cựa, cũng tham lam, đố kị, hiềm khích... chẳng thế mà có loại chữ nghĩa làm ra nguyên tử giết hại con người. Có loại làm ra nguyên tử  để phục vụ lợi ích con người. Có loại chữ in bằng bìa cứng, giấy tốt, chữ đỏ, thiếp vàng. Có loại chữ in trên giấy đen xì, thô ráp xộc xệch, cẩu thả. Nếu đói ăn, chúng cũng có thể cá lớn nuốt cá bé, xâm hại lẫn nhau, không thể nào lường hết được. Vì thế, hắn không bao giờ để cho chúng đói bằng cách hắn chịu khó thu gom tất cả các loại sách vở từ cũ cho đến mới có ở khắp mọi nơi như đầu đường, hè phố, bến tầu, bến xe, nhà ga, xó chợ... Những quyển sách mới tinh, dầy cộp, giấy tốt, bìa cứng óng ánh vàng son còn thơm mùi mực giấy vừa mới in ra mà chẳng ai đọc. Những tạp chí, ấn phẩm trang trọng, kèm theo tranh ảnh đủ màu sặc sỡ...từng tấn, từng tấn hắn mang về cho chúng ăn. Phải nói rằng, những con chữ lâu ngày không được ai chăm sóc, nay được hắn chăm đẵm, chúng ăn ngấu nghiến. Chỉ trong hai ba ngày, chúng ăn hết sạch, lôi ra, chỉ còn giấy trắng tinh.
                  Vài năm sau, năm căn phòng rộng thênh thang của hắn đã chật ních những hòm chữ. Chúng được xếp thành hai tầng. Các con chữ được ăn no nê và được huấn luyện kỉ cương, kỉ luật nghiêm túc. Hắn bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh. Bố hắn đã được vợ báo cho biết tình trạng của hắn. Cả hai người đều coi như đã hết cách với căn bệnh của đứa con. Họ đều thống nhất với nhau rằng đành phó thác cho số mệnh. Với địa vị cao sang của ông bố và danh tiếng của gia đình, họ cũng chung ý nghĩ không nên để cho người ngoài biết họ có một thằng con trai như thế. Thế nhưng vào một ngày đẹp trời, hắn tự ý trương cái biển to đùng trước cổng vào nhà: " ở đây bán các loại chữ! ". Chồng không có nhà, bà mẹ hắn hoảng hốt nhờ người rỡ tấm biển xuống. Hắn lại treo lên. Lần thứ ba, hắn nói với mẹ:" Nếu mẹ không cho con làm, con sẽ bỏ nhà đi cho mà xem!". Mẹ hắn chịu thua, để hắn muốn làm gì thì làm.
                   Thời gian đầu chẳng có ai đến mua chữ vì họ nghĩ rằng chắc ở trong nhà này có một thằng điên. Từ cổ chí kim, chẳng có ai, chẳng ở đâu bán chữ bao giờ. Người ta chỉ bán gà, bán vịt, cùng lắm, là bán luận án cho sinh viên thi tốt nghiệp đại học. Hạ cấp nhất cũng bán bằng, bán chứng chỉ giả như bằng tốt nghiệp PTTH, bằng đại học, ngoại ngữ...chứ chưa từng có ai bán chữ bao giờ. Dần cũng có người lân la đến xem thực hư thế nào. Sau rồi cũng có một hai người mua thử với giá khuyến mại. Thấy dùng được, dùng tốt, người nọ mách bảo người kia, dần dần có nhiều người mua hơn. Cái việc bán chữ cũng giống với bán những mặt hàng hóa khác. Cũng cạnh tranh quyết liệt về giá cả, chất lượng, thương hiệu.  Kỳ lạ một điều, những con chữ, những chữ số, những công thức, mạnh đề, hệ quả... khi qua bàn tay của hắn và bằng một câu thần chú bí ẩn, đều biến thành sách. Từ chỗ chúng là vô hình trong những chiếc hòm, giờ hiển hiện thành hữu hình dầy đặc trên các trang giấy, với đầy đủ các chương ,hồi, phần một, phần hai... rành mạch, rõ ràng. Dù bán cho bất kì ai, mua làm gì, hắn cũng căn dặn người ta rất kĩ là phải tự mình đọc hiểu từ trang đầu cho đến trang cuối cùng. Có như thế, mới hiệu nghiệm. Hắn sẽ không chịu trách nhiệm nếu người mua không làm theo chỉ dẫn.  Khách hàng của hắn nếu là học sinh, thường là những cô cậu dốt, lười học, mải chơi, nghịch ngợm. Nếu là sinh viên, là những bạn, năm thứ nhất vừa gặp nhau đã yêu. Say yêu hơn say học. Yêu tạm, yêu thử, yêu như vợ chồng. Chớp mắt đã đến ngày thi ra trường, liền cuống cuồng đi mua chữ. Nếu là cán bộ viên chức, tranh thủ khi chưa bị phát hiện, họ mua chữ của hắn về đọc rồi bí mật thi lại lấy cái bằng thật thay thế vào cái bằng giả trót nộp ngày xưa khỏi bị kỷ luật, mất ghế hay đuổi khỏi ngành, giữ chặt miếng cơm manh áo. Có người để làm luận án lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ cho việc cạnh tranh quỳên chức và và quyền được làm chủ những dự án béo bở... Ai  mua chữ của hắn cũng đều toại nguyện. Thứ nhất, sau khi đọc xong cuốn sách, tự thấy mình sáng ra, trình độ về vấn đề quan tâm được nâng lên ngang tầm với mục đích. Thứ hai là hoàn thành mục tiêu đã đề ra như đỗ thi đại học học, hay đậu thạc sĩ, tiến sĩ, hoàn thành những nghiên cứu chuyên sâu, những phát minh khoa học, giành được những dự án quan trọng ... Lạ lùng nhất là những cuốn sách ấy không biết đã được viết theo kiểu gì mà ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, ai đọc cũng nhập tâm. Vì thế mà cửa hàng bán chữ của hắn ngày đêm nghìn nghịt người đến mua chữ, tiền bạc đổ vào nhà hắn như nước chảy, nhiều không sao kể xiết. Thương hiệu bán chữ của hắn lừng lẫy khắp mọi miền, đánh bại mọi đối thủ cạnh tranh có tiềm năng nhất. Các cửa hàng bán phao, đề, bán luận văn, công trình nghiên cứu, văn bằng chứng chỉ giả lần lượt sập tiệm, đóng cửa...
Nằm trên đống tiền và vàng, cha mẹ hắn không biết nên vui hay buồn. Có lần mẹ hắn hỏi:
                -  Cứ thế này rồi chúng ta sẽ đi về đâu đây con? Hắn điềm nhiên trả lời:
                -  Ông Tiên bảo con sẽ giầu nhất thế giới, giầu hơn cả ông Billgates của nước Mỹ. Con sẽ làm nghề này cho đến khi không còn người nào đến mua chữ nữa mới thôi. Lúc ấy, người ta học hành, thi cử, làm luận văn, viết công trình nghiên cứu khoa học...bằng thực chất cái đầu của họ. Và tiếc thay, lúc ấy, con cũng sẽ là người dốt nhất thế giới. Nhưng con đã chấp thuận.
                Vậy, tôi cùng bạn đọc hãy chờ xem bao giờ thì hắn thất nghiệp. Hay nói đúng hơn, bao giờ thì thiên hạ không còn người đi mua chữ nữa!    
     
       Hà Nội, tháng giêng năm Mậu Tí.