Trang chủ » Truyện

PHÒNG BỐN NGƯỜI VÀ BẦY CHUỘT NHẮT VÀ...

Trần Quang Vinh
Chủ nhật ngày 2 tháng 8 năm 2009 4:39 PM

        Sáng hôm ấy Thìn đến cơ quan sớm hơn thường lệ. Đẩy vội chiếc FX cáu cạnh vào nhà xe ở góc sân bên trái, anh ta hấp tấp lấy cặp da, bước nhanh về phía phòng làm việc.
       Tạp vụ Yến đang quét dọn trước cửa hội trường cười hơ hớ bảo ông Thìn đến sớm thế này chắc sắp bão to !
       Ở cơ quan Thìn ngại nhất bà này. Tuy kém Thìn mấy tuổi nhưng lại có thâm niên vào bậc lão làng, từng phục vụ qua năm đời sếp. Không bằng cấp, chẳng chuyên môn nghiệp vụ, lại chanh chua cạnh khoé nhưng chưa ai dám đặt vấn đề giảm biên thị. Người ta kháo nhau rằng bà Yến cứ như ma xó, việc riêng tư, chơi bời giăng gió của ai cũng tường tận ngọn ngành. Có lần sếp Mão, tiền nhiệm của sếp Long bây giờ từng dọa đuổi chỉ vì trong toa lét cạnh phòng làm việc của ông lại đặt một cục xà bông LIFEBUOY xoàng xĩnh. Mà sếp Mão vốn quen dùng xà bông Fa, rất ghét mùi LIFEBUOY khử trùng. Tạp vụ Yến chẳng hề sợ hãi mà bình thản nói một câu đầy ẩn ý : “Em tưởng cô Loan vẫn thích dùng Laiboi”.
       Sếp Mão tái mặt, giật mình nhìn quanh. Thấy không có ai gần đấy sếp mới nhăn răng cười xoa dịu.
       Tôi đùa cô một chút thôi, thông cảm nhé ! Có chục lon nước ngọt hôm trước tiếp khách vẫn còn, cô nhớ mang về cho các cháu uống !
Sếp Mão nghỉ hưu. Lúc rỗi rãi đám phụ nữ ngồi buôn dưa, vui miệng Yến cười hơ hớ mà kể rằng đã được tận mắt chứng kiến những lần sếp vật lộn với cô Loan kế toán trong phòng làm việc vào các buổi tối ký duyệt chứng từ sổ sách. Mà cái cô Loan ấy có thân hình rất chi là bốc lửa ! Da thịt cứ là trắng nõn nà, chân dài như chân sếu ! Còn bộ ngực thì nần nẫn như miếng thịt bê, sếp không xin chết mới là chuyện lạ ! Nghe nói trước khi nghỉ hưu sếp Mão đã giúp cô Loan chuyển sang công ty liên doanh, lương tháng vài trăm đô. Đời đàn bà có được cái món tỉnh tình tinh thơm tho như thế chẳng mấy lúc đổi đời. Cái của chị em mình bụi bậm nhếch nhác, đến thằng chồng còn chán, sao dám mơ chàng nọ ông kia …
      Nghe những chuyện tào lao trên trời dưới biển ấy, không chỉ sếp mà khối người giật mình thon thót. Dẫu chưa một lần lọt vào các giai thoại của tạp vụ Yến, nhưng cũng chẳng dại làm mất lòng thị. Thìn quay lại giơ tay vẫy, nhăn nhở cười rồi mở khóa lao tới bàn làm việc tìm chiếc phong bì đựng năm trăm ngàn đồng. Đây là khoản hoạch tài kiếm được từ buổi họp thay sếp cuối tuần trước.
       Thật ra chuyện dự họp nhận phong bao cũng là bình thường. Riêng trường hợp của Thìn đặc biệt hơn nên muốn giữ kín. Cũng là một cách phòng xa chuyện ghen ăn tức ở. Thìn chẳng phải là kẻ ngộ nhận. Anh ta biết rõ phòng nghiệp vụ có bốn người, mình nhẹ cân về kiến thức hơn cả. Trưởng phòng Đỗ Mùi học vị pờ-tờ-sờ, nay đổi thành tiến sĩ, có kinh nghiệm lâu năm, Thìn chẳng dám so bì. Ngay cả cậu Quang, cô Phượng mới tốt nghiệp đại học vài năm phó phòng Thìn vẫn phải bái phục. Họ sử dụng vi tính thông thạo lại có chứng chỉ “xê” Anh văn. Còn Thìn nguyên là giáo viên sử địa ở miền núi hải đảo, nhờ khôn ngoan chạy chọt mới được nhận về cơ quan giữ ghế phó phòng. Kiến thức đã rỗng lại lười nhác nên Thìn khoái ngồi quán chơi bài hơn ngồi phòng ngâm cứu. Được cái nhũn nhặn mềm mỏng, biết người, biết ta nên trên yêu, dưới chẳng ghét. Có lần trưởng phòng Đỗ Mùi bỗ bã nói rằng nhất lé, nhì min …, ông Thìn thuộc loại hàng đầu trong tứ quái, khôn ranh biến báo hơn người là phải ! Đồ ác khẩu, cứa đúng vào nỗi đau cố tật của người ta. Ai chẳng biết Thìn bị lé mắt, nhìn sang phải thấy bên trái. Với người khác chắc chắn lành làm gáo, vỡ làm muôi. Nhưng Thìn chỉ cười hề hề gãi đầu bảo em còn thua bác xa. Nhẫn đến thế ở cơ quan này chỉ có Thìn là một. Đã nhẫn nhịn lại ngoan nết nên sếp lớn coi Thìn như người nhà, thường nhờ Thìn đưa đón cậu con trai nhỏ tuổi đi học khi sếp bà bận việc, hoặc nhờ Thìn dự họp thay sếp ở những hội nghị không mấy quan trọng. Sếp bảo, do kiêm nhiệm nhiều chức vụ, hội họp chạy sô, buộc phải trưng dụng cán bộ phòng nghiệp vụ họp giúp. Dĩ nhiên là chẳng ai dám bàn cãi về chuyện này. Còn Thìn, người thường được trưng dụng lại rất khoái chí. Sau một vài cuộc họp thế chân sếp Thìn phát hiện ra rằng họp hành chẳng phải là việc đáng ghét như người ta tưởng. Trái lại, anh ta rất thích thú bởi đây là công việc hợp gu, đủ cả danh, lộc. Mới chiều thứ sáu tuần trước sếp có giấy mời dự cuộc họp đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú cho mấy ông nhạc công, đạo diễn ở địa phương. Vốn chẳng quan tâm tới chuyện sĩ siếc, sếp bèn cử Thìn đi họp thay. Nào ngờ hội nghị nhỏ mà phong bì lớn. Nhờ có một nhân vật cỡ bự trong danh sách đề nghị xét tặng nghệ sĩ ưu tú, đại biểu mời lại thu hẹp trong ngành nên cơ quan chủ trì mới phá lệ, nhét mỗi phòng bì một tờ bạc pôlime mệnh giá năm trăm ngàn đồng. Ngồi ở phòng lạnh mát rượi, giơ tay biểu quyết bốn lần, vỗ tay lốp bốp mấy cái, cuối cùng đến tiết mục nhận phong bì, hoan hỉ dẫn nhau ra nhà hàng dự bữa cơm thân mật.
          Thìn được cái nết không bia rượu thuốc lá. Đến nhà hàng ăn vội miếng thịt gà nướng, nuốt nhanh tô bún rồi kiếm cớ rút lui. Anh ta tính, phải dấu phong bì tiền ở phòng làm việc trước khi về nhà. Đây là biện pháp hữu hiệu chống lại thủ đoạn quản lý túi chồng của bà xã.
              Lúc Thìn về tới cơ quan đã hết giờ làm việc, chỉ còn tạp vụ Yến đang dọn phòng sếp với người bảo vệ mới ký hợp đồng. Thìn vào phòng rút phong bì ra ngắm lại lần nữa. Đích thực năm trăm ngàn đồng pôlime mới coóng, thơm phưng phức. Đang lúc phấn chấn Thìn quên cả quy định của sếp không cho phép cán bộ nhân viên ở lại cơ quan ngoài giờ hành chính. Ai muốn làm thêm phải đăng ký trước qua bộ phận văn phòng. Bấy giờ thành phố đã lên đèn, nhân viên bảo vệ sợ bị sếp mắng bèn xuống phòng nghiệp vụ giục Thìn về để khóa cổng. Hoảng quá, Thìn nhét vội phong bì vào ngăn tủ nhỏ dưới bàn làm việc. Cười xòa, nói mấy lời xin lỗi rồi đóng cửa phòng ra về. Tới nhà Thìn mới nhớ ra chưa kịp khép kín ngăn tủ tài liệu sau khi nhét phong bì tiền vào đó. Suốt hai ngày nghỉ cuối tuần Thìn luôn mang tâm trạng bất an vì sự vội vàng cẩu thả của mình. Ngộ nhỡ ai vào đó phát hiện ra thì sao ? Thìn vốn đa nghi, chuyện tiền bạc chẳng tin ai bao giờ, kể cả người vợ đầu gối tay ấp. Dẫu thị cũng thuộc hàng cao thủ, hở ra một cái là sục sạo túi chồng, nhưng Thìn vẫn đủ mánh khoé để lập được tài khoản riêng ở ngân hàng.
       Cũng vì chuyện phong bì tiền nên sáng thứ hai Thìn phải đến cơ quan thật sớm. Đặt vội chiếc cặp da lên mặt bàn, Thìn kiểm tra ngay ngăn tủ. Đúng là cánh tủ phía dưới vẫn mở toang. Thìn hồi hộp ngồi thụp xuống nhòm vào ngăn tủ nhỏ thường chỉ để hai cặp tài liệu mỏng. Không thấy bóng dáng chiếc phong bì đựng tiền đâu ! Hoảng hốt, anh ta lôi tuột mấy cặp tài liệu ra ngoài, quờ tay sục sạo.
        Tiền mất thật rồi ! Đau xót nhét tài liệu vào ngăn tủ, ngồi thừ trên ghế, đưa hai tay qua gáy bần thần suy nghĩ. Thìn nhớ rất rõ lúc người bảo vệ bước vào anh ta đã nhanh tay ấn phong bì vào ngăn tủ rồi mới đứng dậy khóa cửa phòng ra về. Năm trăm ngàn đồng, bằng một phần tư tháng lương phó phòng có thâm niên hai chục năm công tác không thể coi là khoản nhỏ. Thìn quyết định tìm lại lần nữa. Bật cả ba bóng đèn ống, xem xét toàn bộ ngăn kéo, gầm tủ .. vẫn không thấy tăm hơi chiếc phong bì đâu.
        Anh ta bắt đầu nảy ý nghi ngờ có người lấy trộm. Ai có thể vào đây ? Theo quy định, bảo vệ cơ quan chỉ được giữ chìa khóa cổng, phòng họp, nhà xe. Tạp vụ quản lý chìa khóa phòng của ba sếp để dọn dẹp vệ sinh. Phòng nghiệp vụ có bốn chìa khóa giao cho bốn người cùng phòng. Nhưng hết giờ làm việc phải có sự đồng ý của bảo vệ mới vào được cơ quan. Thìn chạy ra hỏi bảo vệ để truy tìm kẻ trộm. Nhưng rồi anh ta lại thất vọng bởi người bảo vệ khẳng định rằng từ chiều thứ sáu tới sáng thứ hai không có ai đến cơ quan ngoài giờ làm việc. Vô lý! Chẳng lẽ có ma? Không thể tin ai được! Thấy tiền đứa nào cũng tối mắt!… Vừa lúc ấy cô Phượng bước vào lúng túng như người mắc lỗi.
        - Chết thật, hôm nay em đi trễ hơn cả phó phòng ! Thìn ậm ừ không nói gì, vênh mặt ra phía ngoài. Thực ra thì anh ta đang chăm chú theo dõi từng chi tiết trên khuôn mặt cũng như thân thể Phượng. Hóa ra đôi mắt lé lại có tính năng vượt trội ! Anh ta nhìn rõ Phượng liếc về phía mình hai lần. Khuôn mặt trắng mịn. Lại mới dùng loại son môi sẫm màu như diễn viên Hàn Quốc. Còn cổ áo thì trễ xuống tận khe ngực. Đua đòi ! Vô duyên ! Nom kìa, cô ta đang đưa tay xuống cạp váy gãi gãi rồi chỉnh lại quần lót. Trông thì có vẻ nai vàng ngơ ngác nhưng bụng dạ cũng như người đời cả thôi ...
      - Ấy chết ! Em chưa kịp quét dọn phòng. Phượng líu ríu đứng dậy tìm chổi. Thìn xua tay lắc đầu bảo khỏi cần em ạ, phòng vẫn sạch chán. Phượng chần chừ ngồi vào bàn. Là con gái, lại nhỏ tuổi nhất nên cô thường tự giác nhận phần tạp vụ trong phòng. Ngày mới về làm việc Phượng vẫn gọi trưởng phó phòng là chú, bởi họ hơn cô gần hai chục tuổi, đã kinh qua nhiều năm công tác. Sau thấy cậu Quang bằng tuổi mình nhưng vẫn gọi trưởng phó phòng là anh, Phượng mới thay đổi cách xứng hô cho dễ xử sự. Cô luôn tự coi mình là bậc hậu sinh, bảo sao nghe vậy. Nhìn vẻ mặt thất thần của phó phòng Phượng cảm thấy hình như đã xảy ra sự cố. Tự dưng đến cơ quan sớm nhất? Lại còn ngồi ủ rũ một chỗ như kẻ mất hồn ? Mà xưa nay phó phòng vốn là người vui vẻ xuề xòa?
     - Ơ ! Sao không bật máy lạnh lên cho mát ? Mới sáng ra đã nóng bức quá trời !
       Trưởng phòng Đỗ Mùi kêu lên, rồi tiến tới bàn làm việc ở góc bên trái, theo sau là cậu Quang. Thế là đủ cả bộ bốn ở phòng nghiệp vụ.
       Phượng nghe trưởng phòng kêu nóng vội đứng dậy đóng cửa bật điện, mở máy lạnh. Rồi mỗi người một bàn, trước mặt là màn hình vi tính loang loáng ẩn hiện. Cậu Quang thường say mê chơi game cả buổi, bởi nhiệm vụ lập danh mục tư liệu lưu trữ đã hoàn thành từ lâu. Cô Phượng được giao việc đánh máy các văn bản viết tay, hoặc sao chép tư liệu cũ. Nhưng tám giờ vàng ngọc cũng chỉ sử dụng khoảng một phần mười, còn lại là việc tạp vụ linh tinh. Nếu dư thời gian thì đọc sách báo hoặc nghiên cứu mấy mẫu thời trang đang được chị em ưa chuộng. Phó phòng Thìn thường tới phòng làm việc chiếu lệ. Công việc chính của anh ta do sếp lớn chỉ đạo như đã nói ở trên. Người duy nhất có chút khả năng nghiệp vụ là trưởng phòng tiến sĩ Đỗ Mùi. Nhưng Đỗ Mùi là cái gai trong mắt sếp. Nhậu nhẹt liên miên. Uống rượu như nước lã. Ngang tàng lỗ mãng. Mày tao chi tớ với bất kỳ ai ở bất cứ nơi nào trong các bữa tiệc. Đó là chân dung phác thảo của trưởng phòng được coi là kỳ nhân, tiếng tăm, tăm tiếng lẫy lừng ở tỉnh lẻ.
      - Đi công tác năm ngày, riêng tiền ngủ khách sạn gần triệu, vậy mà cha Long nó duyệt chi công tác phí có tám trăm ngàn ? Quân chó má !
Đỗ Mùi vừa đếm lại tiền vừa chửi bới, văng tục. Phượng sợ rúm người ngồi thu lu vào góc bàn. Quang rụt rè bảo theo chế độ hiện hành, tiền ngủ qua đêm chỉ được thanh toán chưa tới trăm ngàn.
      - Thế tại sao cha Long nó đi ô tô cơ quan lại đem theo vợ con ra Hà Nội ăn chơi xả láng mà chẳng phải bỏ tiền túi đồng nào.
Cả phòng im thin thít, chỉ có tiếng máy lạnh kêu vo vo. Đỗ Mùi quay sang phía Thìn bảo rằng ông là đệ tử ruột, bưng bô điếu đóm cho sếp chắc là kiếm chác bổng lộc hậu hĩ …
        Thìn đang để mắt theo dõi từng người nhằm xác định thủ phạm lấy cắp phong bì tiền. Nghe trưởng phòng chửi anh ta nhăn nhở cười.
      - Bác cứ đổ oan ! Em đâu dám.
Vừa lúc ấy cậu Quang cúi xuống nhặt dép, ném mạnh vào góc tủ gần đó. Một tiếng va đập bật lên.
      - Tiên sư con chuột nhắt này !
       Quang xuýt xoa, cằn nhằn rằng nó chui vào giữa các tủ đựng tài liệu mất rồi ! Chắc là chúng xây tổ ấm ở đó ! Đã mấy lần lấy trộm bánh ở ngăn tủ dưới. Nhất định chúng nó có bầy đàn thê tử …! Phải di chuyển ba chiếc tủ tài liệu kia mới tóm được cái lũ chuột nhắt khốn khiếp ấy !
       Trong lúc Quang đang hô hào diệt lũ chuột nhắt thì phó phòng cùng cô Phượng lại tỏ ra bối rối. Không ai hưởng ứng ý kiến truy tìm ổ chuột của Quang. Phó phòng Thìn là người lo lắng nhất. Anh ta đã biết thủ phạm lấy cắp phòng bì tiền chính là lũ chuột nhắt. Thìn nhớ lại, lúc ở nhà hàng đã dùng tay gỡ miếng thịt nướng rồi lau qua loa nên mỡ mới dính vào phong bì. Có thể bọn chuột nhắt ngửi thấy mùi thịt nướng bèn tha về ổ. Nếu cả phòng tìm ra phong bì tiền Thìn sẽ không đủ chứng cứ để nhận là của mình. Mà nếu nhận lại phải giải thích, sự việc sẽ thêm rắc rối . Tốt nhất là đợi lúc vắng tự tìm ra ổ chuột lấy lại số tiền đã mất. Nghĩ vậy, Thìn kiếm cớ bàn lui :
      - Chuột nhắt vô hại, tìm ổ chuột làm gì cho mất công !
     Cô Phượng lên tiếng hưởng ứng :
    - Em sợ bọn chuột nhắt lắm ! Thôi, cứ kệ cho nó làm ổ rồi sẽ tự rút đi.
       Không ai ngờ được rằng Phượng cũng có lý do riêng nên ngại truy tìm ổ chuột. Mới thứ tư tuần trước Phượng sơ ý, không kịp chuẩn bị cho sự cố chị em nên chiếc quần con bị dây bẩn đúng lúc đang làm việc, phải ra phòng vệ sinh thay. Đó là chiếc quần lót mới mua ở tiệm “Thời trang và hơn thế nữa” giá bằng một phần ba tháng lương cử nhân của cô. Quá xót tiền, không dám vứt bỏ, nên Phượng vò qua loa, vắt kiệt nước rồi gói mảnh giấy báo để tạm dưới chân bàn. Lúc về mải nói chuyện với mấy chị phòng hành chính nên bỏ quên. Khi tìm lại đã không thấy. Phượng nghĩ hay là mấy người trong phòng vô tình ném vào sọt rác, liền bới tìm tùm lum vẫn mất tăm. Bây giờ có thể hiểu được, chắc chắn lũ chuột nhắt phát hiện ra đã kéo về ổ làm bữa tiệc khao quân. Tìm được ổ chuột với chiếc quần con chềnh ềnh nằm đó, có mà mặt mo ! Cả phòng chỉ một đứa con gái chối cãi sao được. Bởi thế nên Phượng đã lên tiếng hưởng ứng Thìn, không truy cứu lũ chuột nhắt. Số phiếu nghiêng về phía tha bổng nhưng vẫn phải chờ người có vai trò quyết định là trưởng phòng.
       Ban đầu Đỗ Mùi có vẻ thờ ơ với chuyện vớ vẩn này. Lúc nghe cậu Quang hỏi ý kiến, Đỗ Mùi vươn vai ngáp dài bảo tùy, thích thì cứ việc làm ! Quang quay ra hối thúc Thìn cùng cô Phượng giúp mình di chuyển tài liệu. Rồi cậu ta hăng hái đi tiên phong, xông vào bê cặp tài liệu trong chiếc tủ lớn. Đỗ Mũi toan đứng dậy giúp Quang, bất chợt dừng lại vì nghĩ đến chiếc phong bì có mấy chiếc bao cao su biến mất mấy tuần trước. Chẳng là đợt ấy Đỗ Mùi xuống cơ sở công tác, sau tiệc chiêu đãi đặc sản ông giám đốc chịu chơi tuyên bố khao năm vị khách quý món “Nhất dạ đế vương” ở một khách sạn sang trọng. Để tỏ lòng ngưỡng mộ tửu lượng Đỗ Mùi ông giám đốc ấn vào tay chiếc phong bì màu hồng ghi dòng chữ : “Thân tặng ngài Tiến sĩ ĐM”. Phía dưới còn chua thêm một câu : “Ta ban cho bảo bối để thỏa chí khám phá vẫy vùng nơi núi đồi hang động kỳ bí”. Mở phong bì thấy mấy bao cao su “OK”, Đỗ Mùi chửi đổng một câu, nhét phong bì vào cặp rồi lên xe máy bỏ về. Hôm sau đến cơ quan mở cặp thấy chiếc phong bì bèn ném vào góc tủ. Ông giám đốc nọ thấy Đỗ Mùi chạy làng đã nhắn tin qua điện thoại nguyền rủa : “Đích thị lại cái. Vì thiến mà không sót …”. Nhớ lại chuyện ấy Đỗ Mùi đã có lần bới tủ tìm chiếc phong bì có bao cao su để huỷ đi cho đỡ phiền toái. Thế nhưng lật hết các ngăn tủ vẫn chẳng thấy chiếc phong bì tệ hại kia. Nhân việc Quang phát hiện bọn chuột nhắt, Đỗ Mùi suy diễn chiếc phong bì “OK” đã bị lũ chuột nhắt lôi đi. Nếu tìm được ổ chuột, chiếc phong bì đựng bao cao su có ghi rõ danh tính trưởng phòng sẽ trơ ra đó, thật là phức tạp. Tốt nhất là dẹp bỏ vụ này. Nghĩ vậy Đỗ Mùi nghiêm giọng tuyên bố:
       - Đang giờ hành chính cả phòng xông vào việc bắt chuột không ổn ! Thôi bỏ qua, ai làm việc nấy.
        Lúc ấy tạp vụ Yến đang dọn ở gần cửa ngứa miệng xì một tiếng rồi nói rằng có là đứa dở hơi mới bỏ công sức ra truy đuổi bầy chuột nhắt. Ở cơ quan này chỗ nào chẳng có chuột. Trong nhà kho còn có chuột chũi, chuột cống to như con mèo, có giỏi thì vào mà bắt chúng.
         Coi như vấn đề đã được giải quyết. Phó phòng nhăn nhở cười tâng bốc trưởng phòng cực kỳ sáng suốt ! Cô Phượng ngồi chăm chú nhìn vào màn hình vẻ mãn nguyện. Riêng cậu Quang vẫn ấm ức vì lũ chuột nhắt khốn khiếp mặc nhiên được miễn tố.
       Tưởng như mọi việc đến đó là xong xuôi. Thực ra suốt cả ngày hôm ấy phó phòng Thìn luôn suy tính giải pháp lấy lại chiếc phong bì tiền đang nằm trong ổ chuột nhắt. Ngay cả lúc nằm ngủ bên cạnh vợ anh ta vẫn lo lắng có thể tờ bạc mệnh giá năm trăm ngàn đồng bị lũ chuột đói biến thành đồ nhậu. Đúng là quân đạo tặc độc ác ! Thế mà từ trước tới giờ Thìn chẳng mấy quan tâm tới lũ chuột tham lam tàn bạo ấy. Bất chợt nghe tiếng chuột kêu chin chít ở góc phòng, Thìn tức giận chồm dậy. Trời ơi, khắp nền nhà lúc nhúc từng bầy chuột lớn bé các loại. Ơ kìa ! Có một tên chuột nhắt đang tha chiếc phong bì tiền của Thìn. Anh ta nhào ra, chồm tới vồ lấy chiếc phong bì ...
       Nghe tiếng động rầm rầm vợ Thìn đang ngủ giật mình tỉnh giấc, bật đèn. Thị vô cùng hoảng sợ khi thấy chồng đang lồm cồm bò trên nền nhà, tay cầm chiếc phong bì mời dự đám cưới em trai của nhỏ bạn. Nghe chồng rên rỉ, cất tiếng kêu chin chít thị vừa sợ vừa buồn cười. Người đâu vô dạng, lại còn định giả bộ làm chuột nữa ! Thị cằn nhằn mấy câu rồi đỡ chồng lên giường tìm dầu nóng xoa những chỗ bầm tím. Lúc sau Thìn mới tỉnh, đau đớn nhận ra rằng anh ta vừa mới ngủ mê.
                    
                                   VT, 06 - 2007

        
                                     ĐẦM  MA
 

                          (Truyện ngắn của Trần Quang Vinh)
 
         Hơn trăm năm trước, vị trí trung tâm thị xã Thanh Hải bây giờ có vỉa than lộ thiên lớn. Người ta bảo đó là loại than don đặc biệt, lóng lánh như tinh thể kim cương, có sức nóng đốt chảy cả nồi đồng đỏ.
        Trước khi triều đình Huế bán vùng mỏ cho nhà tư bản thực dân Bavie Sôphua, một ông chủ người Hoa tên là Lý Long khai thác mỏ than này. Trong một lần đào than phát hiện được năm chum vàng, Lý Long đầu độc cả tốp thợ, vùi xác họ xuống vỉa than, lấy vàng trốn về Trung Quốc. Từ đó người địa phương gọi vỉa lộ thiên ấy là Vỉa Vàng.
        Công ty Pháp Mỏ than Bắc Kỳ thành lập, Vỉa Vàng bị tư bản Pháp khai thác với quy mô tốc độ lớn hơn người Hoa nhiều, chỉ gần hai năm họ đã khoét sâu tới 50 mét.
        Cuối mùa hạ năm 1890 có trận mưa như thác ập xuống. Nước từ các triền núi ào ào đổ vào moong than Vỉa Vàng, dìm chết cả trăm thợ mỏ đang làm việc.
      Không còn ai dám khai thác than ở Vỉa Vàng nữa. Thời gian trôi đi, mưa gió, cát bụi biến moong than Vỉa Vàng thành đầm lầy, chung quanh cây cối, cỏ dại um tùm. Những vụ giết người khủng khiếp thường diễn ra ở đây.
     Đêm đêm những oan hồn vô thừa nhận quần tụ hàng thế kỷ kêu khóc thảm thiết; những đốm lửa lập loè, vật vờ trên mặt đầm. Biết bao câu chuyện ma quỷ rùng rợn gắn liền với cái tên Đầm Ma.
     Thực dân Pháp rút đi, thị xã Thanh Hải được thành lập ở vùng mỏ. Trên triền đồi cạnh Đầm Ma những căn nhà xinh xắn của thợ mỏ mọc lên. Đã có đồ án san lấp Đầm Ma xây công viên. Nhưng rồi nó bị quên. Bước sang giai đoạn đổi mới mở cửa lại có quyết định chuyển năm ngàn mét vuông mặt bằng Đầm Ma thành khu cấp đất tự xây. Ở thị xã chật hẹp này, kiếm vạt đất làm nhà trên đồi hay trong khe núi đã quý, mặt bằng Đầm Ma nằm giữa thị xã quả là vị trí lý tưởng. Lúc bấy giờ hiếm người có trong tay một chỉ vàng, nhưng chỉ cần bán giấy cấp đất ở Đầm Ma là kiếm được hàng chục cây vàng.
                                                         ***
        Bí thư Thị uỷ Thanh Hải là Ngô Hoàng. Gần đến tuổi nghỉ hưu ông vẫn chưa có nhà riêng. Ông bảo, hai vợ chồng với một đứa con ở nhà chung cư của cơ quan cũng rộng chán.
       Bà Loan, vợ bí thư luôn thúc ép ông kiếm đất làm nhà. Chiều ý vợ, Bí thư Ngô Hoàng xin được 300 mét vuông ở núi Cắt. Miếng đất vẫn bỏ cho cỏ mọc. Bà Loan bảo, người chứ không phải khỉ mà chui rúc xó rừng. Ông phải lấy một suất ở Đầm Ma. Bí thư Ngô Hoàng giải thích rằng mình đã xin đất rồi. Bà Loan cáu mắng chồng là đầu hai thứ tóc mà ngu lâu!
        Theo yêu cầu của bà Loan, Giám đốc Công ty Công trình Đô thị Lê Hàm đem miếng đất núi Cắt cấp lại cho Trần Thắng, ưu tiên giáo viên trường Đảng. Tất nhiên Bí thư Ngô Hoàng có một suất đẹp nhất ở mặt bằng Đầm Ma.
       Gần ba tháng sau toà biệt thự của Bí thư Ngô Hoàng sừng sững mọc lên. Một tốc độ xây dựng thần kỳ! Phải nói, đó là công lao của Lê Hàm và Công ty Xây dựng Ba. Một kỹ sư kinh tế nhận xét rằng theo thời giá hiện nay, để xây dựng tòa nhà này ít nhất phải bỏ ra hơn trăm cây vàng.
       Rồi Giám đốc Lê Hàm bán căn nhà cũ xin đất Đầm Ma. Căn hộ giám đốc cạnh nhà bí thư. Tiếp đó là các căn hộ của chủ tịch thị xã, trưởng ban tổ chức thị uỷ và giám đốc các loại trên địa bàn. Tất cả đều xây hai, ba tầng, ốp đá mài theo lối kiến trúc mới nhất. Khu phố mới ở Đầm Ma đồ sộ, quý phái hơn cả dãy phố thương nhân trên đại lộ Bạch Đằng.
       Bí thư Ngô Hoàng không muốn tổ chức ăn mừng nhà mới, nhưng bà Loan bảo, thời buổi này áo gấm đi đêm là dại. Bí thư bảo sợ bà không có tiền. Bà Loan ngồi tính rành rẽ, nếu mời hai trăm người, hai chục mâm, mỗi mâm năm mươi ngàn, vị chi là một triệu. Bí thư Ngô Hoàng trợn mắt hỏi, những một triệu?. Bà Loan bĩu môi bảo, cái ngữ lãnh đạo các ông chỉ quen múa mép! Nói đến tiền là run như cầy sấy. Chúng tôi khác, có ăn là có tiền. Khách ăn mời hai trăm người, tiền mừng ít nhất ba mươi ngàn một người, tiền thu về sáu triệu… chỉ có lãi !
       Bí thư chọn ngày kỉ niệm truyền thống đấu tranh bất khuất của công nhân mỏ làm ngày tân gia. Ông bảo, đàn bà chỉ giỏi tính lời lãi! Ông là lãnh đạo, phải  giữ quan điểm lập trường. Vả lại, đại hội nhiệm kỳ đến nơi rồi, không cẩn thận những đứa độc miệng sẽ tung tin, dựng chuyện đả kích, mất phiếu như chơi …
      Khách bà Loan được sắp xếp ăn buổi trưa. Gần đúng dự tính của bà, tất cả hai trăm linh một người. Họ gồm các loại cán bộ cấp dưới Bí thư Ngô Hoàng cùng đám buôn bán cỡ bự, những người thường phải nhờ cậy vợ bí thư.
     Buổi tối, bà Loan đang ngồi đếm tiền mừng thì khách sộp đến hai xe Vonga đen. Bà Loan nói với dì Tám, cô em ruột goá chồng vẫn ở cùng bà, loại này thừa chất (!) dì đem dần từng món, vừa sang vừa tiết kiệm. Rồi bà  tiếp tục công việc. Hóa ra số tiền mừng vượt cả dự tính của bà. Phong bì cao nhất tới trăm ngan, thấp nhất cũng bốn mươi ngàn. Tổng cộng mười lăm triệu bốn trăm linh ba ngàn. Tính thành vàng khoảng hơn chục cây. Bà Loan vẫn phân vân về chiếc phong bì bốn mươi ba ngàn đồng. Bà đọc tên: “Nguyễn Thị Quý, Công ty Du lịch…” A! con này bà giúp vào biên chế, chỉ nhận trăm ngàn tiền chè thuốc. Nó vẫn ơn bà, không lẽ chỉ đi bốn mươi ba ngàn?... Hay đứa nào móc trộm? Thảo nào, phong bì để ngỏ. Nhưng chỉ có dì Tám là đáng nghi! Chị em cũng không tin được! Vừa lúc dì Tám qua cửa, bà gọi: “Dì Tám vào tôi hỏi! Dì có biết ai vào buồng tôi không? Thoáng cái đã mất mấy chục ngàn bạc”. Dì Tám mếu máo: “Dạ em thề! Em mà có lòng gian thì em chết!”. Bà Loan bĩu môi: “Thề cá trê chui lỗ! Dễ nhà này có ma chắc?”
         Dì Tám sụt sịt đi xuống bếp. Tuy là hai chị em ruột nhưng số kiếp dì đen bạc, đâu được như bà Loan. Ba mươi năm tuổi dì mới kiếm được tấm chồng là thợ lo, vơ con chết bom máy bay Mỹ. Ở với nhau được gần năm, người thợ lò qua đời vì bệnh ung thư phổi. Bà Loan hiếm người, bảo cô em goá chồng không con về ở cho vui. Dì Tám hiền lành, nhẫn nhục, nhận vai giúp việc bà chị gái giảo hoạt cũng hợp người, hợp cảnh.
        Trong phòng khách bữa tiệc thượng hạng bắt đầu. Chủ tịch thị xã đứng dậy, nâng cốc bia đang sủi bọt trân trọng phát biểu, tôi xin mạn phép anh Ngô Hoàng, kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã không tiếc thời giờ vàng ngọc tới dự lễ tân gia nhà anh Hoàng, cũng là vinh dự cho thị xã Thanh Hải chúng tôi ! …
       Tiếng nói cười chúc tụng hoan hỷ. Những hộp bia heniken bật tanh tách. Quyền Chủ tịch Tỉnh Phạm Độ khen, năm nay thị xã các cậu làm ăn rất khá! Cần phải mạnh dạn đổi mới tư duy, phát động truyền thống anh dũng của công nhân mỏ chúng ta!
        Bí thư Ngô Hoàng đứng dậy, phong cách nghiêm trang như trong các hội nghị lớn.
      - Kính thưa anh Độ! Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh! Những lời huấn thị của các anh thật vô cùng quý giá...
       Lại nâng cốc. Lại chúc tụng nhau. Bữa tiệc đang vui thì Bí thư Ngô Hoàng có điện gọi. Sở Công an báo tin, Ngô Hùng, con trai ông, bị bắt giữ vì  mua bán văn hóa phẩm đồi trụy,  hành hung nhân viên hải quan khi họ kiểm tra tàu.
        Bí thư Ngô Hoàng khẽ chau mày tỏ vẻ khó chịu, rồi dến gần quyền Chủ tịch Phạm Độ lễ phép thưa, báo cáo anh! Cháu Hùng đi tàu viễn dương, nó còn tre, thanh niên tính, trót dại … công an họ làm dữ quá, hiện đang bị bắt giam.
       Quyền Chủ tịch chống  đũa trên bàn, gật đầu bảo, thế à, các cậu công an thường mắc bệnh nghề nghiệp! Để tớ điện sang. Mai cậu lên đón cháu.
                                                         ***
        Dì Tám bưng mâm cơm đặt trước mặt Ngô Hùng bảo, anh  ăn cơm đi, rồi lên gác bố anh nói chuyện.
        Hùng mệt mỏi bước tới bên tủ lạnh, nhón lấy một lon bia bật nắp tu cạn. Châm điếu thuốc ba số , rồi thủng thẳng lên gặp ông Hoàng. Anh ta vừa bước vào phòng Bí thư Ngô Hoàng đã ngồi bật dậy quát :
     - Tại sao anh làm những chuyện sằng bậy ấy?    
     Ngô Hùng nhả khói thuốc thản nhiên bảo, bố cứ như trên trời rơi xuống, chuyện làm ăn mà. Ông Hoàng thấy nóng mặt, nhưng cố kìm chế lắc đầu bảo, anh bị nhiễm tư tưởng tư bản đế quốc rồi con ơi. Làm gì cũng phải nhớ anh là con bí thư thị uỷ, thường vụ tỉnh uỷ, hiểu chưa? Hùng cười nhạt giễu cợt : “Con ông trời cũng phải cần tiền(!)”.
       Ông Hoàng đập bàn ra mệnh lệnh chỉ đạo: “Tao cấm mày giở giọng con buôn mất dạy ấy ra đây!” Ngô Hùng vụt đứng dậy, ném mẩu thuốc lá vào góc nhà xua tay xấc xược : “Thôi, thôi, ông hãy đem những lời giáo huấn ấy đến hội nghị mà dạy dỗ người ta. Ở nhà này chẳng lừa được ai đâu!” Rồi quay ngoắt người xuống phòng khách. Qua hành lang thấy con vẹt trong chiếc lồng đỏ đang ra rả cất tiếng kính chào quý khách, Hùng giơ nắm đấm đe nẹt : “Câm mồm ngay!”
       Bí thư Ngô Hoàng giận dữ mở chai nước khoáng uống ừng ực, lấy cặp đi ra cổng. Cậu lái xe vẫn mở máy garăngti chờ bí thư. Sáng nay ông phải đi huấn thị ở một hội nghị quan trọng của ngành giáo dục thị xã.
       Ngồi một mình trong phòng, Ngô Hùng uống một lúc hết chục non bia. Anh ta vặn hết núm tăng âm chiếc máy rađiô catxét. Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng la hét... ầm ầm đổ ra ngập ngụa căn phòng. Tiện tay Ngô Hùng nhấc cỗ bài Tây vừa mua ở Hồng Kông. Rồi anh ta ngả người trên chiếc đệm mút, ngắm nghía những tấm hình trên các cây bài. Các kiểu trai gái làm tình được phơi bày đến từng chi tiết.  Bỗng một làn hơi thở ấm nóng với mùi nước hoa phụ nữ phả gần bên tai. Hùng quay đầu lại, Thanh Hường đứng sau từ bao giờ. Cô ta mặc chiếc áo liền váy mỏng tang, khuôn ngực trắng ngần thõng thượt như mời gọi. Hùng không còn nhớ người đàn bà này là vợ Lê Hàm, thường vẫn gọi là cô xưng cháu. Anh ta đứng bật dậy quàng tay qua vai Thanh Hường ghì chặt, hôn lấy hôn để, rồi kéo tuột cả váy, bế thốc Thanh Hường vào phòng riêng. Thanh Hường mềm nhũn người run rẩy kêu khẽ, đừng đừng...
       Cuộc hoan lạc diễn ra gần một tiếng đồng hồ. Thanh Hường mặc lại áo váy, mãn nguyện bảo, gớm, thuỷ thủ viễn dương co khác, gấp mấy sức lão Hàm!
      Ra khỏi cổng Thanh Hường gặp dì Tám đang dắt con chó Tây về miệng càu nhàu chửi, tiên sư cái giống động cỡn! Ăn lắm thịt sữa vào, rửng mỡ! Sểnh một cái là đi tìm đực ngay.
                                                          ***
        Giám đốc Lê Hàm vừa ở công ty về, vào ngay phòng ngủ, ngồi xuống cạnh vợ bảo, tối nay bác Loan tổ chức sinh nhật, mời nhà ta sang ăn cỗ đấy. Thanh Hường bĩu môi khinh bỉ, rõ trưởng giả học làm sang! Toi liên hoan ở cơ quan rồi, uống tí bia Trung Quốc nhức ca đầu. Bố con anh thích, cứ đi! Lê Hàm cười cười bảo, tổ chức sinh nhật là cái cớ. Mình đi dự cũng là cái cớ. Em phải đưa cho anh tiền mừng chứ! Thanh Hường oể oải  nguýt chồng rồi kẻ cả bảo, định mua ghế thị uỷ viên chứ gì? Cái ngữ anh đừng có hòng! Đây, ba bố con mỗi người hai chục ngàn, vị chi sáu chục. Lê Hàm cầm tiền than, sáu chục ngàn, sẻn quá! Thanh Hường nằm vật xuống giường, buông thõng một câu: “Cỗ nhà mụ Loan như cho mèo ăn. Mụ ấy cậy thế chồng, chỉ quen đẽo!”
      Bố con Lê Hàm líu ríu dắt nhau sang nhà Bí thư Ngô Hoàng. Đứa con gái bảo, nhà bác Loan thích thật! Ngày nào cũng ăn giỗ. Cu Tí ngọng nghịu cãi chị, ứ phải ăn dỗ đâu nhé! Ăn sinh tật đấy!
          Từ trong hành lang con chó Tây xồ ra. Thấy người quen nó vươn cổ kêu ông ổng mấy tiếng mừng rỡ. Bà Loan đon đả gọi, ông Hoàng ơi! Bố con chú Hàm sang đây này. Lê Hàm nghiêng đầu ngắm bà Loan, nịnh một câu: “Ối! Trông bà chị hồi này cứ trẻ đẹp phây phây!”. Bà Loan nở mày nở mặt bảo, nỡm cái nhà chú này! Tôi năm nay đã năm tư tuổi đầu. Lê Hàm gật gù khen, tuổi Hợi, số bác là sướng hết ý! Chẳng cần làm cũng có ăn. Bà Loan than thở, ấy, theo tử vi thì tôi nhàn. Nhưng chú xem mọi việc ở cái nhà này tôi phải gánh vác hết! Lê Hàm cười hề hề bảo, là em nói vậy thôi, chứ mấy ai giỏi giang, tháo vát như bác.
       ... 18 giờ 30 phút, nhạc sập sình nổi lên. Đèn xanh, đỏ, vàng nhấp nháy. Mười mâm cỗ (dự tính gần trăm thực khách) đã sẵn sàng. Dì Tám nhăm nhăm chờ lệnh bưng mâm, nhưng số khách có mặt mới khoảng năm chục người. Bà Loan sốt ruột bảo chồng, thế này là thế nào hả ông? Chẳng lẽ chúng nó dám qua mặt ông hay sao mà không đứa nào thèm đến lễ sinh nhật tôi ? Bí thư Ngô Hoàng gắt, thì cứ bình tĩnh đã nào! Thời buổi này đừng có đem cái chức bí thư ra doạ người ta. Ngẫm nghĩ một lúc ông  ngần ngừ bảo, bà phải xử sự cho tế nhị chứ ! Vừa rồi có đứa viết thư lên tỉnh tố giác việc mình làm nhà, việc con mình đang học dở trung cấp mỏ lại được đi tàu viễn dương. Bà Loan vênh mặt sửng cồ, sao ông không vả vào mặt đứa nói láo! Tôi làm nhà là tiền tôi chứ có đào mả ông, mả cha chúng nó đâu mà chúng nó kiện! Tiên sư bọn vô ơn!
        … Vào lúc tiệc sinh nhật đang diễn ra ồn ã ở nhà bí thư thì Thanh Hường vẫn nằm yên trên giường nghe nhạc. Bỗng cửa phòng kẹt mơ, Ngô Hùng nhảy bổ vào, rối rít bảo, nhớ đằng ấy quá! Đằng ấy ngoài ba chục tuổi mà ăn đứt gái Tây, gái Nhật. Thanh Hường giang cánh tay trần ghì chặt đầu Hùng vào bộ ngực đồ sộ của mình. Họ quằn quại trên giường. Cả hai đều thèm khát xác thịt, đều dư thừa thể chất, ham muốn. Thanh Hường rên khẽ: “Cửa bu…ồng chưa kho…á, sợ lão v…ề!” Ngô Hùng nằm đè trên thân thể mềm mại nóng hổi của Thanh Hường bảo, lão ấy đang mê chân thị uỷ, mất vợ cũng chỉ là chuyện nhỏ (!)…
        Gần 21 giờ, thấy Bí thư Ngô Hoàng không vui, Giám đốc Lê Hàm xin phép ra về. Nghe tiếng động lạ trong phòng ngủ, Lê Hàm xo cửa vào. Nhận ra con trai bí thư đang làm tình với vợ mình, Lê Hàm sững người …! Ngô Hùng nhỏm dậy, nhổ nước bọt, mặc quần áo, đẩy Lê Hàm sang một bên, thong thả đi ra ngoài.
       Thanh Hường vẫn nằm yên trên giường, thân thể loã lồ, nhăn mặt bảo, làm mất cả hứng của người ta! Tiếc à? Cởi quần áo, lên giường đi! Nhưng nếu không đủ sức thì đừng có trách gái này !     
        Giáp Tết Nguyên Đán, Ngô Hùng cùng Thanh Hường vượt biên đi Hồng Kông. Không hiểu từ đâu, câu chuyện tình ướt át ly kỳ của họ loang ra. Dì Tám buồn, xin vợ chồng Bí thư Ngô Hoàng về quê ở với đứa cháu. Bà Loan ốm liệt giường ba ngày ba đêm. Chiều ngày thứ ba, bà trở dậy đi ra phố, lúc về mua rất nhiều hoa quả đặt lên bàn thờ thắp hương.      
     Chập tối, ông Hoàng ngồi ở bàn đọc báo, bà Loan đến gần thì thầm bao, tôi vừa đi xem bói, thầy nói rằng đất này xưa nhiều người chết, dữ lắm! Nếu không có lễ, khó mà ở được. Ông Hoàng cáu: “Vớ vẩn! Bói ra ma! Từ rày cấm bà bói toán, mất mat tôi”. Bà Loan rấm rẳn bảo, đất  có Thổ Công, sông có Hà Bá. Về nhà mơi không thắp một nén hương. Chỉ vì ông cách mạng quá mới đến nông nỗi này! Ông Hoàng đứng dậy, chắp tay phía sau , đi đi, lại lại bảo, con hư là tại bà! Nuông chiều nó, để nó nhiễm độc tư sản, mất phẩm chất, mất lập trường, phản bội tổ quốc! Bà làm khổ tôi chứ ma nào ?
        Bà Loan dẫm chân đành đạch la lối, ối giời đất ơi! Chẳng qua là vì chồng, vì con chứ cái thân tôi cần gì! Vậy mà ông nhiếc móc, sỉ vả tôi! Rồi bà hỉ mũi, rấm rứt khóc, bỏ lên buồng ngủ.
       Bí thư Ngô Hoàng thở dài, mệt mỏi rã rời. Ông lấy tích pha ấm trà Thái, rút điếu thuốc châm lửa hút, mơ màng... Cửa phòng chợt mở, luồng gió lạnh buốt ùa vào khiến ông giật mình, sởn gai ốc. Ánh điện nê ông bỗng nhấp nháy chuyển sang màu đỏ quạch. Đang ngồi tựa ghế, ông cựa mình nhỏm dậy. Một người gày gò, rách rưới, mình bê bết máu đứng trước mặt ông. Bí thư Ngô Hoàng sợ hãi hỏi:
      - Anh là ai mà tự tiện vào nhà tôi?
     Người khách lạ đứng im, trừng mắt nhìn ông. Từ đâu đó rất xa xăm, một giọng nói thảng thốt vọng tới: : “... B … ùi Tâm …, anh kết nghĩa hồi làm nhau ở mỏ Tăngbua đơi … ây, quên anh rồi ư ?...” Ông Hoàng sững sờ hỏi lại :
    - Nhưng... anh đã chết ?
     Vẫn giọng nói rên rỉ yếu ớt xa xăm: “… Anh đã chết… từ khi nhường bữa cơm cuối cùng… cho em. Giờ làm quan …  quên tất cả anh em bè bạn … đến đây chiếm đất , xây nhà lầu … không thèm nói với anh em một câu! Anh … đau lắm … đau lắm…
         Người khách lạ lướt nhẹ trên mặt đất tới  bên ông Hoàng. Quá khiếp sợ, ông muốn đứng dậy bỏ chạy, nhưng đôi chân tê cứng. Ông run rẩy bảo, can xin gì … sẽ giải quyết … đừng, đừng giết tôi. Nhưng đôi bàn tay xương xẩu, lạnh buốt vẫn túm lấy đầu ông bóp mạnh làm hai bên thái dương đau buốt, ông kêu thét :
       - Cứu, cứu với ! Cứu... tôi... !
        Bà Loan từ trên gác hốt hoảng chạy xuống. Ông Hoàng choàng tỉnh ngơ ngác nhìn quanh. Người khách lạ đã biến mất, cửa phòng vẫn hé mở. Ông cảm thấy đầu đau giật từng cơn. Bà Loan hỏi, ông làm sao thế? Ông bảo, tôi đau đầu quá! Bà Loan đỡ ông đứng dậy nhăn nhó bảo, đi ngủ thôi! Khéo ông ốm mất! Mồ hôi vã ra đây này .
       Nằm xuống giường, Bí thư Ngô Hoàng vẫn không thể nào ngủ được. Ông nhớ lại khuôn mặt người khách lạ..., đúng là Bùi Tâm, ân nhân của ông. Hồi ấy, bố mẹ ông chết sớm, để lại hai anh em trai. Anh ông là Ngô Trí, làm thợ lò nhưng hay rượu chè cờ bạc. Năm Nhật vào Đông Dương, Ngô Trí thua bạc, vỡ nợ trốn theo Nhật. Mười tuổi, Ngô Hoàng phải làm nhau, nhặt than ở mỏ Tăngbua. Giữa lúc bơ vơ thì Ngô Hoàng gặp Bùi Tâm, một thợ lò hiền lành, chăm chỉ làm ăn. Bùi Tâm nhận Ngô Hoàng làm em, nuôi Ngô Hoàng ăn học.  Rồi Nhật đảo chính Pháp, chu mỏ Tăngbua sợ bỏ chạy. Mất việc làm giữa thời buổi đói kém, trong nhà chỉ còn vài bơ gạo, Bùi Tâm để lại cho Ngô Hoàng ăn, còn mình nhịn đói về Thanh Hải kiếm việc. Anh hẹn vài ngày sau sẽ trở lại đón Ngô Hoàng. Nhưng Bùi Tâm đi mất tích. Có người bảo anh bị Nhật bắn chết. Sau này Ngô Hoàng gặp Phạm Độ là cán bộ cách mạng hoạt động ở vùng mỏ. Phạm Độ đã dìu dắt Ngô Hoàng, đưa Ngô Hoàng đi làm cách mạng. Quyền Chủ tịch Tỉnh Phạm Độ trở thành ân nhân của ông trong cuộc đời cũng như trong sự nghiệp. Ông đã quên Bùi Tâm từ lâu.
        Bí thư Ngô Hoàng bồn chồn đặt tay lên trán thở dài. Đã mấy chục năm ông mới nhớ đến người đã cưu mang mình thủa hàn vi.
    
                                                           ***
 
      Tin dữ đồn xa, dân thị xã Thanh Hải xôn xao chuyện ma hiện hình nhũng nhiễu phố Đầm Ma. Người ta kể rằng, buổi trưa hôm ấy ông chủ tịch thị xã ở nhà một mình, bỗng thấy một thiếu nữ trẻ đẹp, quần áo trắng toát bước vào phòng. Ông hoảng sợ định quát đuổi ra thì thiếu nữ thè chiếc lưỡi đỏ lòm, dài như đòn gánh, liếm một cái ngang mặt, ông sợ hãi ngã lăn đùng. Vừa lúc ấy vợ ông về, thiếu nữ vụt biến mất .
       Một chuyện khác, vợ ông giám đốc thương nghiệp tối thứ bảy ra cổng, thấy một người đàn ông đứng đợi, vẫy tay rủ rê. Chị thấy người như mê muội, cứ thế theo người đàn ông đi loanh quanh gần hết đêm. Sau người nhà tìm thấy chị ngồi thơ thẩn dưới gầm cầu cạn. Đại loại là những chuyện như vậy. Một vài người đã tính bán nhà ở phố Đầm Ma. Số khác đang nộp đơn chạy chọt xin cấp đất vội rút đơn về.
      Không biết những chuyện ma quỷ ấy có bao nhiêu phần trăm sự thật, lạ gì miệng thế gian. Nhưng mấy anh nhân viên thạo tin ở thị uỷ cam đoan chuyện ma ở nhà ông Ngô Hoàng là có thật.     
     Sau đại hội nhiệm kỳ, do không trúng chấp hành ông Ngô Hoàng được giải quyết nghỉ hưu. Làm bí thư một thị xã lớn, đương chức khách khứa nườm nượp, quyền thế ngất trời. Hết thời, nhà vắng teo. Đơn kiện tụng  tới tấp gửi khắp nơi. Họ tố cáo ông độc đoán chuyên quyền trù dập người tốt, tham nhũng, tư lợi, thiếu trung thực, chưa khai lý lịch chuyện anh ruột từng theo Nhật. Có tờ báo tỉnh còn đăng bài phanh phui việc ông chi tiêu ngoại tệ vô nguyên tắc trong những chuyến công tác nước ngoài. Nhưng ông chả sợ, những chuyện ông làm đều có bàn bạc trong tập thể thường vụ, có sự đồng ý của trên, những người còn đương chức, đương quyen. Ông thở dài lo lắng bảo, Đảng cho công khai dân chủ thế này, chỉ sợ bọn tay sai tư bản đế quốc lợi dụng, làm mất uy tín lãnh đạo. Bà Loan xì một tiếng bĩu môi lẩm bẩm, ông chỉ lo bò trắng răng! Lạ gì trò đời, giậu đổ bìm leo! Ông hãy cứ lo cái thân ông đi đã .
         Rồi mọi chuyện cũng qua, chỉ còn sự khủng khiếp của nỗi cô đơn bất đắc chí hành hạ ông. Về hưu được ba tháng, ông Hoàng bỏ cả đọc báo, nghe đài, xem ti vi. Trước kia ông cần biết thời sự để nói chuyện ở các hội nghị. Bây giờ nghe tình hình chính trị sôi động ở BaLan, Hunggari, Rumani hay Panama... ông vẫn dửng dưng. Đôi lúc cũng muốn đến gặp mấy người thân thiết, lại sợ họ hỏi han về những vụ việc đăng báo liên quan tới ông. Vả lại, đi chơi bây giờ cũng phiền phức lắm. Trước kia một bước xe con, tiền hô hậu hét, giờ đi bộ một mình lủi thủi, ông thấy trơ trẽn thế nào ấy! Đã có lần ong ra phố gặp thằng Hạnh, nguyên trưởng ban tuyên giáo thị uỷ, nó hét tướng lên: “Hôm nay bí thư đi bộ à?” Ông thẹn đỏ mặt. Thằng láo, nó châm chọc ông. Ngày trước thấy ông từ xa nó đã khép nép, cúi đầu chào hỏi từ tốn.
       Ngồi mãi cũng chán, ông Hoàng muốn xuống bếp giúp vợ thổi cơm. Vừa loắng ngoắng vo gạo, bà Loan đã quát, người đâu mà đần, bỏ xuống ngay! Vương vãi hết gạo của người ta rồi! Ông thở dài đứng dậy buồn bã lên nhà.
       Thế là hàng ngày ông chỉ còn biết thơ thẩn lượn tám căn phòng, ra đứng ngoài ban công, lên gác thượng, rồi trở về phòng ngủ. Toà nhà trở nên hoang vắng, lạnh lẽo, rùng rợn. Có lúc ông hốt hoảng tưởng mình đứng giữa bãi tha ma. Chiếc quạt Nhật biến thành bộ xương người vàng xỉn. Chiếc máy khâu dài ra như xác chết. Chiếc vidêo catxét giống hệt cái đầu lâu khổng lồ. Hai bên gối  run lẩy bẩy, mắt ông hoa lên những quầng sáng vàng vọt. Thân thể ông ngày một gầy gò, tiều tụy. Đến bây giờ ông mới thấm thía nỗi kinh khủng của sự cô đơn. Mấy chục năm nay ông chỉ nghĩ đến quyền lực, ông dốc toàn bộ sức lực của mình vào đó. Quyền lực đã đem lại cho ông sự tuân phục của mọi người, ông tưởng đó là tài năng, trí tuệ của mình. Quyền lực đã trao cho ông của cải, vật chất, tình yêu và vinh dự. Tiếc thay quyền lực cũng chỉ là hữu hạn, đến rồi đi, mấy chục năm thoáng qua trong chốc lát, huyễn hoặc phù du.
       Một buổi tối bà Loan vừa bật đèn ngủ màu xanh lục bỗng ông Hoàng rú lên, co mình quằn quại trên tấm đệm mút. Bà Loan rối rít lay gọi ông. Lúc sau ông Hoàng nhỏm dậy hai mắt lơ láo, sợ hãi hỏi, họ đâu cả rồi? Bà Loan bảo, làm gì có ai. Ông Hoàng lấy chai nước loc, uống một hơi vẫn chưa  hoàn hồn. Ông vừa thấy Bùi Tâm cùng với nhiều người xông vào nhà đòi bắt ông đưa đi.
         Bà Loan thắp nén hương rì rầm khấn vái , rồi bật đèn sáng trưng ngồi đó canh cho ông ngủ.
                                                          ***
       Theo lời thầy bói Cẩm Hòa, rằm tháng ba bà Loan mua một đôi gà trống thiến, năm cân gạo nếp, hương hoa với các thứ đồ hàng mã như nhà lầu, xe hơi, ngựa, cá... để mời thầy làm lễ trừ tà.
       Cô đồng Hoa ngồi xếp bằng tròn, đầu phủ khăn nhiễu điều, đội bát nhang, quay đảo vòng tròn theo nhịp chuông rung cầu hồn. Thầy phù thủy tuổi chưa đến bốn mươi, đội khăn xếp, áo dài đen, quần jeans, đi giày ađiđát, miệng lầm rầm cầu khấn trong khói hương đậm đặc.
     Bỗng cô đồng ngừng đảo, thầy phù thủy thì thầm reo, hồn về! Bà Loan ngồi bên cạnh vái lia lịa: “Lạy hồn mớ bái! Nếu phải là vong linh bác Bùi Tâm xin  dạy bảo, lượng thứ cho vợ chồng em”. Đồng Hoa ném bát nhang, giật mạnh vuông khăn nhiễu, nhảy phắt lên bàn thờ vồ lấy con gà luộc nhai ngấu nghiến. Bà Loan quỳ rạp trên nền nhà không dám ngẩng đầu lên. Ăn xong đồng Hoa trợn mắt, chỉ mặt bà Loan hỏi, mày là thằng Hoàng phải không? Bà Loan lập cập thưa: “Dạ, em là Thị Loan, vợ anh Hoàng!” Đồng Hoa thét, nói láo! Chính mày là thằng Hoàng vong ơn bội nghĩa, cậy quyền cậy thế chiếm nhà của tao! Bà Loan kêu van : “Em lạy bác! Chúng em người trần mắt thịt, trót dại.” Đồng Hoa bảo, phá nhà, dọn đi nơi khác! Bà Loan khóc: “Em lạy bác! Bác rủ lòng thương, chúng em biết là tội lớn, nhưng từ nay  xin chừa, tuần rằm cúng bái lễ lạt đầy đủ ạ!”
       Thầy phù thủy vung roi dâu bảo, không cần cầu xin, để ta ra tay trừng trị! Thầy bắt đầu quất roi vun vút, miệng hú liên hồi hô hoán âm binh. Mụ Đồng Hoa co rúm người, rú lên như bị đánh. Thầy phù thủy quát hỏi, biết ta là bộ tướng của Thanh Hải Thần Hoàng chưa? Lũ cô hồn các ngươi sống sao chết vậy, từ nay cấm không được bén mảng tới nhà này nữa! Đồng Hoa quỳ xuống xin tha mạng rồi lăn ra bất tỉnh. Lúc sau lại ngồi dậy cười nói như thường.
       Thầy phù thủy cho yểm bua từ cổng vào tám phòng. Tại phòng thứ tám tầng trên cùng lập điện thờ Thanh Hải Thần Hoàng.
       Quá nửa đêm thầy phù thủy mới hoàn tất công việc trấn trị ma quỷ, xếp roi, rửa tay ung dung ngồi đánh chén. Bà Loan đếm tiền đặt trước thầy với cô Đồng Hoa, dè dặt hỏi, ông nhà tôi liệu có mệnh hệ gì không ạ? Thầy trừng mắt bảo, nếu không tin, khỏi trả tiền! Nói cho mà biết nhá, thờ Thanh Hải Thần Hoàng là hết sảy! Vừa dẹp được tà ma, vừa thăng quan tiến chức vù vù. Còn tiền thì đổ vào như nước (!)
       Sau lễ trừ tà, ông Hoàng ngủ liền một mạch hai ngày hai đêm. Lúc tỉnh dậy ông bảo bà Loan gọi xe thị ủy đón ông đi dự hội nghị. Bà Loan tủm tỉm cười bảo, rõ là đồ hâm! Nghỉ hưu rồi còn nghị nghiếc gì nữa. Ông Hoàng  chẳng nói chẳng rằng, thản nhiên mặc đồ, ung dung xách cặp đen ra cổng.       Đến chỗ mấy người đang tụ tập mua bán bên vỉa hè, ông trịnh trọng đứng lên một bệ đá, giơ tay diễn thuyết. Ông nói say sưa hùng hồn giống như những lần xuất hiện ở các hội nghị lớn. Người qua đường vây lại mỗi lúc một đông, họ thích thú nghe ông nói rồi rôm rả vỗ tay dù không hiểu ông đang nói gì. Chỉ đến khi bà Loan khóc lóc kéo tay ông lôi về nhà đám đông mới chịu giải tán.
                                                                        Q.N 1989