Trang chủ » Truyện

Cõi tục

Trần Đức Tiến
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
I. DẪN

 Vào quãng hai giờ sáng ngày hai lăm tháng tư, Thúy Lảnh - một ả gái điếm đứng đường - bỗng giật mình thức giấc vì những giọt nước âm ấm bắn vào mặt. Cùng lúc đó, ở phía trên cái bệ xi măng mà ả đang nằm ngủ, thoáng có tiếng rên nhè nhẹ. Tiếng rên nghe rất lạ, buột ra vì khoan khoái, nhưng không phải của người thường. Ả điếm ngước mắt lên, vừa kịp thấy lờ mờ trên nền trời tối đen pho tượng đúc bằng bê tông tả người đàn ông trong trang phục chiến binh thời cổ đang rón rén cử động. Đức Ngài - dân chúng trong vùng vẫn gọi pho tượng bằng cái tên như vậy - bình thường hai chân đứng thẳng, đầu ngửng cao, ngực ưỡn ra phía trước, oai phong lẫm liệt; nay bỗng dưng đổi tư thế, chân chùng, lưng khom, hai tay thu thu dưới bụng, dáng vẻ tầm thường hẳn đi. Hình như Ngài đã rất có ý thức khi chọn đúng lúc đêm hôm khuya khoắt, lúc mà đám người phàm đang ngủ say như chết, để tiến hành cái công việc giải thoát ra khỏi cơ thể chất thải dưới dạng nước.
 “Đứng gân cốt ra như thế suốt ngày này qua ngày khác thì cũng mỏi và mót bỏ mẹ”. Trong cái đầu buồn ngủ rũ rượi của ả giang hồ, rất tiếc là chỉ thoáng qua độc một ý nghĩ cẩu thả như vậy. Vả, cũng đúng vào lúc đó, vòm trời bỗng chuyển động bởi tiếng sấm báo hiệu sang mùa mưa. Tiếng sấm rền vang xa xa. Những giọt mưa đầu mùa nong nóng rơi lác đác. Hai thứ nước thần thánh lẫn vào nhau, không còn phân biệt được nữa. Ả điếm chỉ hơi trở mình nằm dịch sang chỗ khác rồi lại thiếp đi.
 Xin quý vị độc giả cứ để mặc cho cô ả ấy ngủ. Đằng nào thì câu chuyện của chúng ta cũng chỉ nối lại được khi ả thức dậy. Trong lúc chờ đợi, để qúy vị bớt sốt ruột, chúng tôi sẽ tranh thủ nói thêm đôi điều về pho tượng Đức Ngài.

         

 II. LAI LỊCH PHO TƯỢNG ĐỨC NGÀI

 Bà Thảo Châu - người đã bỏ tiền ra để xây dựng pho tượng nói trên - vốn xuất thân làm nghề bán sữa đậu nành. Cả cơ nghiệp của cô Thảo Châu lúc bấy giờ chỉ gồm một căn nhà nhỏ lợp tôn ọp ẹp ở trong hẻm, chiếc xe đẩy chở hàng và một mớ chai lọ ly cốc lủng củng, dăm bẩy chiếc ghế nhựa con con cho khách ngồi; trên mặt xe (làm quầy bán hàng), ở vị trí cố định bởi sợi dây dù chằng qua chằng lại là một chiếc cát sét cũ rích eo éo những ca khúc bình dân. Bác xích lô, chị bán báo, cậu choai đánh giày - những khách hàng thường xuyên của cô - còn âm thầm nhớ thêm một thứ nữa, đó là cặp vú cô chủ. Một cặp vú đầy đặn, đẹp đến mờ cả mắt, nhưng không phải vú thường, đương nhiên rồi. Từ cặp vú chín mọng ấy tiết ra thứ nước cốt đặc biệt, chuyên dùng để pha thêm vào sữa đậu nành. Mỗi lít sữa một giọt. Người nào đã trót uống sữa ở hàng cô thì không sao dứt ra nổi. Sáng sáng vào lúc mặt trời mọc, cô Thảo Châu tiến hành khai thác nguồn tài nguyên vô giá nằm ngay trong cơ thể mình. Mỗi lần chỉ được gần bằng miệng cái chén hạt mít, đủ dùng cho cả ngày. Vào giờ ấy, cả con hẻm bẩn thỉu hôi hám này bỗng sực nức một mùi hương choáng váng cả đầu óc. Người ta còn kể lại rằng, ngay cả lũ chuột quen sống chui rúc trong các cống rãnh cũng phải bò hết lên mặt đường và đi đứng vật vờ như mộng du. Mùi hương lạ còn lẩn quất mãi lâu sau mới chịu tan.
 Khách hàng của Thảo Châu ngày càng đông. Nhưng đông mấy thì cô cũng không thể phất lên bằng nghề bán sữa đậu nành. Vả, bộ ngực phù thủy nọ ngày ngày cũng chỉ tiết ra được chừng ấy thứ nước qủy mà thôi.
 Năm mười chín tuổi, Thảo Châu lấy đời chồng thứ nhất. Chồng cô, sinh viên trường thuốc, một thanh niên lãng mạn và mất phương hướng, được hưởng những giây phút thần tiên trong hai ngày đầu của tuần trăng mật. Trong hai ngày này, bất kể vào giờ nào, cả khu phố nghèo nàn nơi vợ chồng chàng trú ngụ cũng tràn ngập thứ hương thơm quái đản. Sang ngày thứ ba, chàng bỗng mắc phải căn bệnh kỳ lạ: ngáp. Ròng rã thêm một tuần rồi mất. Khi mất mồm há to, xương quai hàm đông cứng, không làm sao khép lại được.
 Thảo Châu tiếp tục bán sữa đậu nành. Nàng có vẻ đẹp lên nữa. Rồi nàng tái giá. Lần này với một quan chức trong bộ máy chính quyền ở địa phương. Ông này goá vợ, chênh lệch với nàng khá xa về tuổi tác, nhưng được dung dưỡng trong môi trường vật chất sung túc nên chẳng thua gì những trang nam nhi tráng kiện. Ông lờ mờ nhận thấy những dấu hiệu nguy hiểm ở người vợ mới mà ông, vốn là kẻ háo sắc, yêu đến mê mụ. Ngay trong lần chăn gối đầu tiên, mặc dù đã hết sức cảnh giác, ông vẫn bị thương tổn nặng nề. Vào giữa lúc khoái cảm dâng tột độ, tên lính gác trong ông chỉ hơi sơ ý một chút, lập tức ông cảm nhận một cơn lạnh buốt chạy dọc sống lưng, tứ chi rời rã bủn rủn. Ông vội vàng thu hết tâm lực ngã vật sang bên. Lời khuyên của Hải Thượng Lãn Ông đến với ông cực kỳ đúng lúc - nằm ngửa, mắt nhắm, mồm há, thu hai chân, chống hai tay, nâng toàn thân lên khỏi mặt đệm và lắc nhẹ: động tác cấp thời để hồi tinh. Ông thoát khỏi chứng bệnh ngáp hiểm nghèo, nhưng lần đó kể như là lần cuối cùng trong cuộc chơi tình dục, ông đã dốc toàn bộ vốn liếng của mình ra và nướng sạch sẽ.
 Tuy nhiên cuộc đời đã đền bồi cho ông xứng đáng bằng những thắng lợi liên tiếp trong chốn quan trường. Năm mươi tuổi, sau khi hất văng các đối thủ xứng tầm ra lề đường, ông tiến thẳng đến cái ghế quyền qúy nhất nhì tỉnh. Lúc này bà Thảo Châu không còn bán sữa đậu nành nữa. Bà vẫn đẹp. Mỗi sáng vào lúc mặt trời mọc, khu phố nơi bà ở vẫn vương vấn mùi hương đậm đà khó quên. Bà càng sung sướng nhàn hạ bao nhiêu thì càng khốn khổ bấy nhiêu vì những đòi hỏi mãnh liệt về thân xác - ở bà, nó đã bắt đầu nhuốm màu bệnh hoạn.
 Luật sư H, cai thầu xây dựng Q, chủ tiệm vàng M, Việt kiều X... Xen lẫn với K gia sư, T thợ làm vườn, V tẩm quất dạo… Đó là danh tính những gã đàn ông đã trở thành món đồ chơi trong tay bà. Cái danh sách đó được nối dài qua từng năm. Trong số này, nổi tiếng hơn cả vẫn là tài xế xe riêng S. Người ta kể trong một lần hân hạnh được bà mời lên phòng hát karaoke, bị bà nổi cơn hứng bất tử, S đã nhanh trí dùng ngay chiếc “mic” cầm trong tay thay cho thứ vũ khí vốn có nhưng không tương xứng một chút nào của gã. Công tắc của chiếc “mic” vẫn mở. Và trong lúc căn phòng ộp oạp vang lên thứ âm nhạc vô cùng nên thơ, người đàn bà nằm chết lặng đi vì khoái cảm.
 Sau thời kỳ dan díu với S, bà Thảo Châu đột nhiên trở nên đoan chính. Khi cặp vú oai hùng ngày nào đã chảy xệ thì mùi hương cũng vĩnh viễn tan biến. Người ta kể khi ấy có vô số đàn ông ở gần nhà bà phải đi cai nghiện, và chuột thì lăn ra chết khắp nơi. Sáng sáng công ty công trình đô thị phải điều bốn xe tải đi lượm xác chuột. Đấy cũng là lúc một ý tưởng cao đẹp chợt nảy ra trong đầu bà…
 Pho tượng được một kíp thợ trứ danh hoàn thành trong vòng sáu tháng. Hình mẫu do bà lựa chọn. Đức Ngài hiện diện sừng sững ở giữa vườn hoa, đầu đội mũ ngù, lưng mang gươm báu, trên mình chiến bào tung bay. Dân chúng tha hồ lườm nguýt đàm tiếu. Người bảo nét mặt hao hao giống H. Người bảo nhang nhác Q. Người cãi đôi mắt của M. Người khăng khăng cái mũi cái miệng X không lẫn đi đâu được. Đương nhiên đa số ý kiến nghiêng về tài xế S. Rồi sau khi ngắm nghía chán chê, ai cũng thấy hình như có cả một tí giống mình. Giống người hôm nay, lại giống cả những cụ cố đã chết từ đời tám hoánh. Tóm lại, một gương mặt phi cá tính, phi thời gian. Cuối cùng, thiên hạ mới té ngửa: thì ra lâu nay mọi người cũng giống nhau đến thế mà không ai để ý.

 III. NHỮNG SỰ KIỆN TIẾP THEO

 Thưa, cô điếm Thúy Lảnh đã ngủ dậy.
 Sáng hôm ấy ả dậy khá muộn. Không phải vì đêm trước tiếp nhiều khách mà hoàn toàn ngược lại - chỉ có ai lâu năm trong nghề mới hiểu thấu nỗi mệt mỏi ê chề khi món hàng của mình ế ẩm. Mặt trời đã lên cao. Ả he hé cặp mắt còn nặng trĩu vì ngái ngủ, và cố nhiên hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ả là pho tượng Đức Ngài. Ngài vẫn đứng trong tư thế quen thuộc thường ngày nhưng lại khiến cho ả giang hồ bật ngay dậy. Ả sực nhớ ra sự kiện kỳ dị trong đêm. Vội vã đi về phòng trọ, chỉ kịp rửa ráy qua quéo, ả phắn đến chỗ tụ tập quen thuộc của đồng nghiệp.
 Đó là quán cà phê tồi tàn trong khu phố nghèo nằm ngay cạnh vườn hoa. Mấy năm gần đây, nhiều căn nhà tối tăm ẩm thấp trong đó đã biến thành các ổ chứa gái mại dâm, hạng gái chót cùng như Thúy Lảnh. Các ả cũng chủ yếu thuê lại những nơi này làm chỗ ngủ ngày - nơi hành nghề ban đêm đã có vườn hoa, những gốc cây, bờ tường tối tăm trong hẻm vắng hoặc bất kỳ bãi đáp nào khác ngoài trời (khách hàng loại này rất dễ tính, họ thấy chẳng cần thiết phải chui đầu vào một cái ổ hôi hám nóng nực làm gì, trong khi có thể gần gũi chan hoà với thiên nhiên hơn).
 Khi Thúy Lảnh bước vào quán, lũ bạn đã ngồi sẵn ở đó. Những gương mặt loang lổ, tươi tỉnh hay ủ rũ hoàn toàn phụ thuộc vào doanh thu đêm trước. Có vài ả đang tần ngần đếm lại mớ tiền lẻ nhàu nhĩ, vừa đếm vừa cáu kính xu lũ ruồi liều mạng bu vào. Tất cả đều xôn xao khi Thúy Lảnh thông báo sự kiện giật gân nọ. Rõ ràng là một chuyện khác hẳn với những câu chuyện tục tĩu nhàm chán thường ngày. Cái xã hội con con bao gồm những thân phận bần cùng này luôn sẵn lòng tin vào những điều mới lạ, bất ngờ, kể cả những điều hoang đường nhất, giống như quần chúng nông nổi vẫn tin vào những cuộc cách mạng hão.
 Tuy nhiên trong tất cả mọi chuyện nghiêm chỉnh thiêng liêng, bao giờ cũng xen vào những phần trăm đùa bỡn.
 - Thế khi xong việc, Ngài có bo cho mày không?
 Một ả cất giọng the thé hỏi, và cả bọn phá lên cười vì cho đấy là câu đùa rất ý vị. Thúy Lảnh không nói gì. Không còn gì để nói. Ả ngáp.
 Nhưng từ hôm đó, công việc làm ăn của ả có sự chuyển biến lạ lùng. Dường như khách làng chơi của cả thành phố này bị hút vào ả. Ả bận bịu suốt đêm, càng bận càng khỏe ra, và tiền thu vào như nước. Đến nỗi sau một tuần như vậy, trong cái đầu mụ mị của ả bỗng lóe lên tia hy vọng… Ả có thể thoát khỏi cái vũng lầy này! Có một thứ phép màu nào đó đã can thiệp vào cuộc mưu sinh của ả.
 Ít ngày sau, chọn đúng hôm rằm, ả lặng lẽ mua một bó huệ trắng đến đặt dưới chân Đức Ngài rồi kính cẩn thắp lên một tuần nhang. Kể từ bữa khánh thành, lâu lắm rồi Đức Ngài mới lại được người đời thành tâm dâng hương hoa.
 Phép màu của Thúy Lảnh bị lộ tẩy trước khi ả kịp thực hiện mơ ước của mình. Tin đồn về hành vi kỳ cục của Đức Ngài lan truyền quá nhanh ra các tầng lớp dân chúng khác, chủ yếu qua con đường… tình dục. Điều này cố nhiên rất có hại cho thanh danh của Đức Ngài. Vị quan chức có trách nhiệm của thành phố đã đánh xe con đến tận nơi, ngắm nghía hồi lâu bức tượng. Không hiểu nghĩ gì mà sau một lúc im lặng, chỉ thấy ông lầu bầu văng tục. Đám tùy tùng đứng cạnh căn cứ vào thái độ đó liền quả quyết rằng phen này thì Đức Ngài đi đứt. Một đống đá vụn, không hơn. Tuy nhiên sự việc sau đó chứng tỏ đám trợ lý này thật hồ đồ. Động đến một pho tượng đâu phải chuyện giỡn? Hoá ra mụ Thảo Châu ngày trước cũng đã tính nát nước chứ không phải vừa.
 Một cuộc hội thảo khoa học lập tức được tổ chức. Tham gia hội thảo có các nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia về văn hoá dân tộc, các học giả trứ danh, các điêu khắc gia tăm tiếng, một số nhân chứng còn đang sống sờ sờ, và đương nhiên là có cả những Mạnh Thường Quân đời mới - những người không am hiểu chuyên môn nhưng sẵn sàng vung tiền đánh bóng tên tuổi và thương hiệu.
 Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến trái ngược. Vị thì bảo trông chẳng khác mấy “ông tướng” ở tỉnh bên (ý nói hai pho tượng hai nơi giống nhau). Vị bảo tượng đài không hợp với đời sống tâm linh người Việt (phải ngồi trong đền miếu mới thiêng, muốn thiêng phải kín kín hở hở). Vị khác cãi như thế là quan niệm hẹp hòi, khép kín, thiếu tinh thần hội nhập. Vả, cái gì đã ăn sâu vào tiềm thức cộng đồng thì cái đó hoá thiêng, bất kể ngồi hay đứng, trong nhà hay ngoài trời, không thể một sớm một chiều mà đang tâm sổ toẹt. Tóm lại, toàn những ý kiến bổ béo. Cuối cùng, giải pháp tối ưu được chọn với đa số phiếu thuận. Chiến dịch - nếu có thể gọi như vậy - bảo vệ thanh danh của Đức Ngài đã được mở, trong đó vai trò chủ đạo thuộc về các cơ quan có chức năng tuyên truyền thông tin đại chúng.
 Đến đây, một cuộc phỏng vấn chưa từng có trong lịch sử báo chí, đã xảy ra.

 IV. CUỘC PHỎNG VẤN

 Bản “trích ngang” của người thực hiện cuộc phỏng vấn:
 - Họ và tên: (được giấu kỹ bằng một bút danh ỡm ờ).
 - Nghề nghiệp: làm báo kiêm viết văn.
 - Nơi công tác: nhật báo TIN TRONG NGÀY.
 - Trình độ văn hoá: tốt nghiệp phổ thông trung học.
 - Trình độ chuyên môn: đại học báo chí.
 - Tham vọng: Tổng biên tập.
 - Sở thích riêng: xúc xích tỏi và văn xuôi Marquez (mặc dù không hiểu mấy; và theo lời khuyên của ông này, đã từng xé bỏ nhiều bản thảo của mình nhưng vẫn chưa nổi tiếng).
 - Câu châm ngôn ưa thích: “Mở miệng ra là sai”.
 … “Chợ hoa” về đêm đã vãn khách. Khác tất cả mọi lần đi làm phóng sự điều tra, lần này gã phóng viên đi tay không. Trước khi đi, gã cẩn thận xơi hẳn một khúc xúc xích tỏi 300 gờ ram. Tuy nhiên trong bụng vẫn khá hồi hộp. Dựa vào những thông tin chuẩn xác được cung cấp từ trước, gã nhận ra ngay đối tượng đang một mình ngơ ngác dưới chân cột đèn. Gã đi tới, mỉm nụ cười cầu tài, và ngay lập tức tiến hành công việc một cách chuyên nghiệp:
 - Chào em, Thúy Lảnh.
 - Ôi, chào anh yêu! Vui vẻ đêm nay chứ?
 - Ok.
 - Vòm hay dù?
 -…?
 - Anh thích vào phòng trọ hay ra vườn hoa?
 - Vậy thì dù cho tiện.
 Hai người ngồi xuống thềm xi măng ngay dưới chân pho tượng. Ánh đèn từ đằng kia hắt lại khiến cái bóng to lớn tối sẫm của Đức Ngài trùm lên cả hai. Ả điếm choàng tay qua cổ khách, phả mùi thơm gắt của nước hoa và son phấn bình dân vào mặt gã.
 Cuộc đối thoại tạm thời chuyển từ miệng qua tay. Một lát sau, cảm thấy đã chắc ăn, gã phóng viên bắt đầu chuyển từ tay qua miệng:
 - Em có thường xuyên ở đây không?
 - Thường xuyên. Bãi của em mà.
 - Có gì lạ không?
 - Lạ gì? Có anh là lạ nhất đấy.
 - Không, anh muốn hỏi…
 - Bạo lên. Chóng ngoan!
 - Khoan đã.
 - Lần đầu à? - Ả điếm cười rúc rích - Cứ rũ ra như gà cắt tiết…
 - Hừ…hừm…
 - Vứt mẹ nó giày đi. Chân đất đá cho sướng. Đây bảo đảm an toàn một trăm phần trăm.
 - Em không thấy chuyện gì lạ?
 - Không.
 - Lạ nhỉ? Thế bạn em, có ai thấy không?
 - Khỉ ạ. Mau mau lên không cớm đến, chết cả lũ.
 - Yên tâm. Anh có giấy giới thiệu…
 - Hả?
 - Không… Không có gì. Nhưng sao có tin đồn là chính mắt em nhìn thấy?... Đức Ngài ấy?
 - Đức Ngài nào?... Mẹ kiếp! Mồm toàn mùi tỏi mà cứ ngoác ra mãi. Tởm quá!
 - Vậy em nói lại đi. Không thấy gì hết. Không có chuyện đó. Bạn bè em cũng thế. Cam đoan nhé?
 - Này thì không thấy! Không có! Không thấy! Không có!... Đức Ngài này! Cam đoan này!...
 Ả điếm điên tiết lật ngoéo gã khách chơi cù lần xuống dưới. Rồi cứ thế cưỡi lên bụng gã, nhịp từng nhịp liên hồi kỳ trận.
 Đúng vào lúc gã phóng viên sắp lên tiên thì chợt nghe tiếng vặn mình răng rắc như người mỏi lưng. Rồi hốt nhiên một vật gì cỡ quả xoài từ trên cao rơi kịch xuống nền xi măng, lăn lộc cộc bên cạnh gã. Cái hình người đen sì lừng lững in trên nền trời sáng nhờ nhờ đang lom khom cúi xuống. Một cơn gió lạnh bất đồ thổi qua. Chim gã teo ngay lại. Tóc tai gã dựng đứng. Gã thu hết sức bình sinh, thúc cho ả điếm một gối bật ngửa sang bên, rồi cứ thế ôm quần vùng chạy ra đường.
 Tờ TIN TRONG NGÀY số ra hôm sau có đăng một bài quan trọng trên trang nhất.
                                            BÁC BỎ TIN  BỊA  ĐẶT
                                                          (trích)

 Gần đây trong thành phố ta bỗng xuất hiện nhiều tin đồn quái dị: gà đẻ ra rắn, mèo mọc thêm đầu, chó đi lại bằng hai chân và cười sằng sặc… Vụ pho tượng Đức Ngài ở vườn hoa Trang Nhã đêm hai lăm tháng tư là một ví dụ tiêu biểu.
 Để đáp ứng yêu cầu chính đáng của bạn đọc làm sáng tỏ vụ việc trên trong thời gian ngắn nhất, toà soạn TIN TRONG NGÀY đã cử phóng viên có chuyên môn giỏi đến tận các địa chỉ phát sinh tin đồn, trực tiếp gặp gỡ các nhân chứng để điều tra, tìm hiểu. Bằng các nghiệp vụ tinh thông, công việc được tiến hành rất có hiệu quả. Nay, được phép của các cơ quan ban ngành hữu quan, chúng tôi xin chính thức công bố: tất cả những tin đó là hoàn toàn bịa đặt, do một bọn người xấu cố tình loan ra.
 Riêng về pho tượng Đức Ngài, do cơn lốc xảy ra gần đây, đã tạm thời bị gãy mất chỏm mũ. Chỏm mũ (bằng đá) của Ngài hiện đã tìm thấy, được bảo quản nghiêm ngặt, và dự tính sẽ hàn lại trong quý 3 năm nay. Cùng lúc chính quyền địa phương sẽ tiến hành một loạt các biện pháp cần thiết, nhằm tu bổ vườn hoa, trong sạch hoá môi trường, biến nơi đây thành trung tâm vui chơi giải trí lành mạnh, xứng đáng với niềm tự hào của nhân dân thành phố…
 Số báo này được phát hành với ti-ra gấp đôi thường lệ, và được bán hết veo trong vòng hai giờ đồng hồ. Phối hợp ăn ý với báo chí, lực lượng kiểm tra liên ngành đã sục đến tận các hang cùng ngõ hẻm, bắt tại trận năm xe tải (nhiều hơn chuột chết một xe) lũ ma cô, gái điếm - nguyên nhân suy đồi nền đạo đức và luân lý. Trong đêm, cả năm chiếc xe hùng dũng lên đường để rốt cuộc, lặng lẽ phóng thích cả lũ xuống một nơi cách xa trung tâm thành phố mười tám ki lô mét về hướng bắc.
          Chúng tôi không dám cam đoan rằng Thúy Lảnh có được rửa tội lần ấy hay không.

 V. VĨ THANH

 Vị quan chức có trách nhiệm của thành phố được nhắc tới ở phần trên, sau nhiệm kỳ cuối cùng oanh liệt, đến tuổi hưu đã vui vẻ nhận quyết định. Không vui sao được, khi bao nhiêu công lao khó nhọc của ông đã được đền bù xứng đáng. Quan trọng hơn, tuy hưu nhưng ông… không về vườn. Hội nghiên cứu lịch sử gấp rút thành lập để ông sang làm chủ tịch. Giống như Hội phát hiện tài năng, Hội rèn luyện sức khoẻ, Hội bảo vệ mèo… và trăm thứ bà rằn khác được hoá phép ra cốt để có chỗ cho các vị hưu khác.
 Một sáng, lững thững từ nhà ra đường, ông bắt gặp mấy người dân quần áo mặt mũi lam nham đang ngồi trong quán cóc. Họ vồn vã mời ông vào nhâm nhi ly cà phê đầu ngày. Ông nhoẻn cười rất tươi với họ:
 - Xin lỗi nhé, mình bận tí việc phải đến hội…
 Một người trong quán đứng dậy suồng sã nắm tay áo ông:
 - Bác nghỉ cho khỏe. Tội chó gì mà bận với chả bịu…
 Ông quan hưu đỏ mặt, miễn cưỡng ngồi lại. Trong lúc chờ cà phê, ông tình cờ nhìn ra vườn hoa rồi mủm mỉm cười.
 Vẫn cái anh chàng cà chớn ban nãy cất tiếng hỏi:
          - Đức Ngài sắp tới sẽ ra sao, bác?
 - Dào! Thánh với chả thần! Bây giờ ngắm kỹ, tớ lại thấy nó hao hao giống cái anh tướng Tàu.
 Rồi ông phá lên cười vô tư.
 Ngoài vườn hoa, Đức Ngài vẫn trụ vững, hiên ngang trong tư thế cũ. Duy chỉ có chiếc mũ trận bị mất chỏm mãi chưa được hàn lại. Tuy nhiên, vào các tuần rằm và mồng một hàng tháng vẫn có rất nhiều hoa tươi đặt dưới chân Ngài. Những bông huệ trắng muốt, thơm lừng, được mua từ siêu thị nổi tiếng trên đường CÁC HOÀ THƯỢNG.

                                                                           2008 và trước nữa
                                                                                    T. Đ.T