Trang chủ » Truyện

Chùm truyện ngắn của Bùi Thuỷ

Bùi Thủy
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Mưa về cho cõi người vui

Không hiểu sao người lại ra đi trong một chiều ráng gà. Hết. Người ra đi chẳng nói chẳng rằng. Người ở lại cũng không muốn níu kéo. Họ biết rằng chuyện tình yêu dù cố gắng cũng không thể thành, nếu kéo dài cũng chỉ mất thời gian. Tình trong cảnh ấy chưa đủ để người đi kẻ ở làm nên một bài thơ đượm vị chia phôi. Mà người đời cũng đang túi bụi lo cơm áo gạo tiền mấy ai rảnh rỗi mà đọc thơ với thẩn, có chăng may mắn thì được mấy cô bạn làm cộng tác viên ở đài truyền hình cho lên đọc trên “Câu lạc bộ thơ”. Chưa kể nếu thời lượng phát sóng lặp đi lặp lại để nhằm “phục vụ bà con đã không có thời gian để xem” thì đương nhiên may mắn lại tăng lên gấp bội. Hóa ra trong cái rủi lại có cái may, may cho cả hai bên.
Tạm gọi người ra đi là chàng, người ở lại là nàng để cho tiện kể lại diễn biến câu chuyện.Vì thật ra người kể chuyện cũng vô tình đi ngang qua xóm bên và nghe hai cô hàng xóm, một tóc xoăn, một tóc kiểu ma-nơ-canh túm tụm xì xào về chuyện của kẻ ở - người đi chứ thực hư thế nào cũng chẳng rõ. Nàng là cựu hoa khôi của trường Trung cấp du lịch. Nếu không nhầm thì tháng vừa rồi trường đó mới đề nghị được nâng bậc lên thành cao đẳng mà có khi vài ba năm nữa không bằng lòng lại tiếp tục đề nghị cấp trên nâng thành bậc đại học ấy chứ với lí do khó chối từ “cho tiện khâu đào tạo”. Ừ! Muốn nâng cấp thì dễ chứ có sao đâu, miễn là đủ cơ sở vật chất để đào tạo và đủ cơ sở vật chất bồi dưỡng cho cấp trên. Giáo viên muốn giữ chỗ đứng chân ở lại trường thì nộp đơn xin đi học nâng cao trình độ. Cũng phải chuẩn bị kha khá tiền gọi là đi đến thăm các vị giáo sư đầu hói vì nếu có lỡ chểnh mảng làm bài điều kiện được zê - rô thì nguy cơ học lại như chơi, thế thì ê chề lắm! Thôi, đành chắt chiu mấy đồng lương còm cõi ngậm đắng nuốt bồ hòn vậy. Rồi cũng đâu vào đấy cả mà. Giáo viên thi nhau đi học nên cũng ít có thời gian quan tâm đến sinh viên của mình. Thôi cả thầy và trò cùng cố gắng chứ biết làm sao.
Thời gian cùng cố gắng ấy nàng và chàng đã có dịp tương phùng rồi yêu nhau và chia tay nhau trong vòng hai năm tròn đúng ngày Cá tháng tư .
Cha mẹ nàng cai quản một cơ ngơi kha khá do thực hiện tốt mô hình VACR  trong nông nghiệp. Nàng nhớ có lần vừa mới sáng sớm tinh mơ có ba người vào thẳng nhà. Thì ra họ là người ở đài phát thanh truyền hình huyện. Nàng nhận ra vì cô gái đi đầu mắt ốc nhồi to vẫn thường xuất hiện trên tivi trong mỗi chương trình của huyện để tập đánh vần văn bản đúng hơn là phát thanh viên truyền hình. Nghe đâu cô ta là cháu của phó chủ tịch huyện. Cái Tèo, cu Tẹo nhà bên nếu mà khóc cha mẹ chúng chỉ cần bảo “Cô ốc nhồi kìa!” thì  y như rằng chúng đều im thin thít. May mà hôm ấy cô ta đến nhà nàng vào sáng sớm nên lũ trẻ không có dịp được gặp vì chúng đều đi học, chứ nếu không chắc chúng cũng chẳng còn hồn vía mà bén mảng sang nàng để câu chuồn chuồn kim, chuồn chuồn cồ như mọi ngày nữa. Cô ốc nhồi líu lo một câu dài không một dấu chấm “Chúng tôi hân hạnh được biết gia đình bác làm kinh tế theo mô hình VACR rất hiệu quả nên muốn đến phỏng vấn kinh nghiệm để phổ biến cho mọi người và nêu gương cho tất thảy nông dân huyện ta học tập trong chương trình “Ơn đảng trong cuộc sống hôm nay”được không ạ”. Cha nàng bảo “Ừ! Cũng chẳng sao”. Nàng để ý trong suốt buổi phỏng vấn mẹ nàng vẫn lặng thinh và từ chối nói chuyện với lí do bị viêm họng mãn tính. Tối. Ở sau giếng băm củ chuối cho lợn, chợt nàng thấy mẹ khóc. Nàng không hiểu vì sao bởi mẹ nàng vốn ít nói. Nàng chỉ biết đến gần và ôm mẹ, mẹ cười xòa mà rằng “Tủi lắm con à”. Nàng vốn thông minh và cũng thừa sáng dạ để hiểu lời mẹ nói. Lúc sáng, khi cô ốc nhồi nhắc nhủ cha “…khi phát biểu nhờ chú thêm cho cháu câu “Nhờ ơn đảng và chính phủ đã…” thì nàng đã dự cảm một nỗi buồn rồi. Kể từ lúc ấy mẹ hơi khang khác. Mẹ nàng quê gốc xứ Thanh. Mẹ kể ngày xưa khi mẹ bằng tuổi nàng, mấy chị em đã phải tự lo bươn chải kiếm ăn. Có hôm đến bữa chẳng có gì ăn ngoài mấy cọng rau má luộc chấm muối. Mùa hè đã đành chứ mùa đông chẳng có quần áo nên mới chập tối  mấy chị em phải lấy rơm vào chất đống lại và chui vào đó ngủ. Bác cả là người vốn cẩn thận và sạch sẽ nên lấy dăm ba tàu lá chuối khô để lên thân người trước khi phủ rơm. Rồi chiến tranh, cậu út  đi B ở mặt trận phía Nam và hi sinh. Đến bây giờ mấy chị em đi tìm và liên lạc để tìm hài cốt cậu về chu toàn việc thờ cúng cho người đã khuất nhưng mãi vẫn chưa tìm được. Và ngày cậu nhập ngũ được lấy làm ngày giỗ. Dì ba thì phiêu dạt lên tận Mù Căng Chải. Còn mẹ thì theo một người bạn trong làng vào vùng kinh tế mới trên huyện miền núi phía Tây Nghệ An. Chỉ có bác cả cố gắng bám trụ ở lại để còn chăm lo phần hương hỏa cho ông bà ngoại. Nàng cũng không thể hình dung ông bà ngoại như thế nào rồi hết lời năn nỉ để mẹ kể. Nhưng mẹ chỉ khóc và nói rằng ông bà đã mất khi mẹ mới lên tám tuổi trong vụ đấu tố ruộng đất. Im lặng một lúc, nàng hỏi mẹ “đấu tố ruộng đất là gì hả mẹ?”, mẹ chỉ lắc đầu và bảo rằng “Sau này lớn con sẽ hiểu. Ông bà rất tốt con à! Các nhà cầm quyền đã phạm sai lầm, họ đã xin lỗi, nhưng...”. Nàng càng băn khoăn không hiều. Khi nàng hiểu được thì nỗi đau lại âm ỉ. Nàng thương mẹ. Vết thương đó lại tái phát khi sáng nay cô mắt ốc nhồi gượng ép cha phát ngôn “Nhờ ơn…”. Nhà nàng đủ cái ăn no, mặc ấm như bây giờ cha mẹ và anh chị nàng đã phải nai lưng ra làm, sáng thức dậy khi mặt trời chưa tỏ, tối lụi cụi về mặt trời ngủ lúc nào cũng chẳng hay. Thế thì ơn ai chứ? Có ơn thì ơn con trâu cái cày còn phải nhẽ. “con trâu là đầu cơ nghiệp” ông cố nội ngày xưa nói thế. Hôm nọ con trâu đực đen trướng bụng, cả nhà lo lắng, cha chạy khắp nơi tìm tổ kiến càng về đốt xông cho nó. Cũng may là nó khỏi chứ mất nó là mất một nhân lực quan trọng trong việc đồng áng gia đình. Nàng là con thứ tư trong gia đình, sinh ra vốn bé tẹo lại suốt ngày đau ốm nên hầu như mọi việc lớn nhỏ trong nhà, ai cũng không cho nàng nhúng tay vào. Và thế là nàng lao đầu vào học và học. Nói chung kết quả cũng là học sinh khá. Có lẽ vì tư duy tầm tầm bậc trung nên dù đã cố ra mồ hôi hột cũng thế cả. Rồi củ khoai, hạt mít cũng nuôi nàng vào được Cao đẳng du lịch theo nguyện vọng 2 – nàng cũng chẳng hay cái trường này nó thế nào? Chỉ biết đứa bạn nó rủ làm thì làm theo chứ lúc ấy nàng cũng đang chán. Trượt vỏ chuối nguyện vọng 1 vào Đại học Luật, ước mơ tan biến như đám khói anh đốt sau chuồng bò. Nàng luôn hi vọng sau này thành một luật sư giỏi để hiểu thấu đáo cái sự vì sao người dân quê nàng hàng ngày vẫn vác đơn đi kiện. Đi đâu cũng chẳng hay. Chỉ biết khi về thì chậc lưỡi ngậm ngùi “Con kiến đi kiện củ khoai”. Con số 0,5 điểm đã ám ảnh nàng đến nỗi ngủ nàng cũng mơ thấy nó. Chính nó đã giết chết ước vọng của nàng. Nỗi buồn chồng chất nỗi buồn. Nó chỉ tạm thời chấm một dấu tròn trịa khi nàng gặp chàng vào một buổi tối sinh nhật không nến, không hoa, không quà của cô bạn cùng quê. Chàng con cầu tự của một gia đình có bố làm phó chủ tịch xã Châu Phong, mẹ làm trưởng chi hội phụ nữ xóm. Nói chung tài chính đủ để lo cho chàng một suất vào Trung cấp cảnh sát mà không phải thi. Mà họ biết chắc nếu có thi thì e rằng cũng chẳng đậu nên đành đi tắt cửa sau vậy. Cửa nào mà chẳng là cửa chỉ có điều cửa chính hay cửa phụ mà thôi. Những ngày yêu nhau, mặc bức tường bờ rào Trường trung cấp cảnh sát cao và nhiều dằm chai thủy tinh dắt nhọn bên trên nhưng thỉnh thoảng chàng vẫn trèo ra ngoài, thuê xe đạp phi thẳng đến thăm người yêu. Tấm chân tình của chàng được nàng đón nhận bằng nụ hôn đượm hương vị the mát của Lip- ice chanh. Tình yêu với nàng như một bó hoa nhiều sắc màu, cũng có cánh gãy nát nhưng nhìn chung là đẹp. Nhiều đứa cùng phòng kí túc còn tị nạnh vì những bông hồng to ú ụ không đỏ thì vàng hoặc trắng bạch chàng lạch bạch mang đến dắt lên giá sách. Nói chung chàng hội tụ mọi phẩm chất lãng mạn đến 180 độ, ga lăng hơn cả công tử Bạc Liêu , tâm lý thì không ai bằng…
Tháng trước nghe đâu chàng bảo phải về nhà kê khai lí lịch gia đình để kết nạp Đảng. Đang học mà được đề nghị kết nạp Đảng là một vinh dự lắm chứ. Vinh dự cho cả một họ trừ bố chàng ra chưa ai được kết nạp. Nàng đã làm chàng thay đổi nhanh hơn cả tằm lột kén thành bướm. Kết quả là điểm ba kỳ tung đều trên trung bình. Suất kết nạp Đảng chàng đã ẵm về một cách dễ dàng thêm một chút lộ phí của bố mẹ hằng năm vẫn đến tỏ cái sự tình quý mến thầy cô nhân một dịp nào đó có thể như Tết thiếu nhi chẳng hạn. Nhưng lạ. Từ hôm từ quê xuống, thái độ của chàng với nàng đã khác. Nụ hôn không còn ngọt ngào, say đắm mà nhạt như nước ốc bà Hai móm sau kí túc, lạnh hơn bộ mặt kẻ qua đường. Chàng hỏi “Hình như anh nhớ không nhầm có lần em kể ông bà ngoại ngày xưa bị đấu tố à?”. Nàng gật đầu ngậm ngùi. Chàng bảo “Có lẽ sau này mình khó đến được với nhau em à! Anh là công an mà. Anh bạn cùng phòng với anh yêu một cô gái cùng lớp cấp ba hơn 5 năm nhưng lại phải chia tay vì gia đình cô người yêu theo Đạo Thiên Chúa. Và anh…” Vế tiếp theo của câu nói lấp la lấp lửng là gì nàng thừa đoán ra. Cũng lạ. Nàng không buồn cũng chẳng khóc khi chàng nói thế. Hầu như đàn ông nào chẳng lo sự nghiệp là trên hết. Họ thà bỏ vợ chứ không vì vợ bỏ việc. Điều đó nàng vẫn đọc trên các tạp chí cũ bán nhan nhản ngoài đường. Âu cũng là có duyên nhưng không có phận. Và nàng lại tiếp tục nỗi đau nén lặng như mẹ ngày nào.
Lúc nhập nhoạng tối qua trời mưa to, người kể chuyện vô tình gặp nàng đầu ngõ, đi vào cùng đường vì nàng có hai cô bạn trong lớp là hàng xóm với người kể chuyện. Nàng bẽn lẽn chào, đôi mắt u uất nỗi buồn. Người kể cũng chẳng kịp hỏi thăm tên nàng là gì để viết câu chuyện cho ra đầu ra đuôi,vì thế câu chuyện chưa thể đảm bảo yêu cầu “điển hình hóa” được. Nói gì thì nói nhìn nàng buồn mà thờ ơ cũng không đành. Người kể chuyện nhớ trong sách “Sáng thế kỷ” (Kinh Thánh) kể rằng chúa trời quyết định xóa bỏ loài người vì những tội lỗi họ gây ra bằng một trận đại hồng thủy nhưng lại muốn cứu ông Noal vì ông có đạo đức nên Chúa đã dạy cho ông đóng một con thuyền để tự cứu mình. Trong một truyền thuyết khác của nền văn minh Lưỡng Hà  cũng kể rằng vị thần Enki đã cảnh báo vua Ziusudra thành Shuruppak (một triều đại cách đây 5.000-6.000 năm, nay thuộc lãnh thổ Iraq) rằng Thượng đế sẽ tiêu diệt loài người bằng một trận lụt ghê gớm. Thần Enki đã mách cho vua Ziusudra cách đóng một con thuyền lớn, vì thế mà Ziusudra đã thoát nạn sau trận đại hồng thủy kéo dài 7 ngày đêm. Người kể chuyện ước gì có thể gọi thấu trời cho mưa to, mưa thật to để gột rửa bao nỗi buồn uẩn sâu trong đôi mắt đẹp mê hồn ấy. Cũng có thể người kể chuyện sẽ tự tay đóng thuyền cho nàng vượt qua cơn đại hồng thủy nếu có diễm phúc được làm hùng cứu mỹ nhân. Một hình ảnh đẹp đấy chứ? Suốt 54 năm mẹ nàng đã nén lặng nỗi buồn niềm đau và giờ đến lượt nàng. Thử hỏi cõi trần, ai nào có hay? Mưa ơi! Hãy về …cho cõi người vui “Ai đi qua xa vắng để chiều ru một mình – Mười hai năm tỉnh giấc trắng đôi bờ tóc đen?...Ngày mai ta bỏ đi trần gian. Xin trả lại đá tảng nào vô tri chết một đời rêu xanh?”


VỆT ĐEN ÁM DẤU

Hắn mang bộ mặt của kẻ thiếu iốt trí não trầm trọng. Không béo cũng chẳng gầy. Thỗn thện và đặc chất “ta đây”. Người yêu nó cũng chả kém. Bợt nửa cằm phấn rơi rớt, lông mày từng tảng tỉa xén hình thù quái dị. Cô ả có thể tạm ngưng một lời nói bù vào bằng một đống bún ngộm ngoạm trong miệng. Hình như cô ả cũng chằng bình thường cho lắm. Hai dái tai mỏng và dài như cánh dơi. Đôi mắt ti hí, mỗi lần cười díp lại chẳng khác nào một vệt bồ hóng dài. Hắn vừa ăn vừa liếc mắt đưa tình với cô ả. Cô ả có vẻ cũng chán ngấy cái bộ dạng đó của hắn nên càng cặm cụi ăn và tảng lờ nhìn đi chỗ khác. Hắn lại vác bộ mặt đó đập vào mắt tôi. Từng sợi bún cong cớn trôi tuột cùng những dải nhầy mũi lòng thòng mép môi. Cũng chả ai để ý hắn làm gì? Ăn gì? Mặc kệ! họ cũng cặm cụi ăn. Làm như cả đời họ chưa được ăn ấy.  Phàm đã đụng đến cái ăn là tục. Trớ trêu thay tục lại trở thành mốt trong thời đại ngày nay. Bằng chứng là trên các website dẫu là được kiểm soát hay không kiểm soát thì vẫn nhan nhản hình ảnh sex. Thế nên việc tôi đề cập đến cái ăn cũng là chuyện quá ư bình thường.
Hắn là kẻ được gọi đến sau lời đề nghị của bạn của bạn chủ nhân bữa sinh nhật với lí do “Có thêm hắn cho đủ chỗ. Vả lại nếu không cũng thừa bứa ra lại mất công đổ”. Một cú điện thoại ngắn, súc tích không quá 5,59 giây “Sinh nhật Mún. Đến đi!”. Kể ra hiệu lực khẩu hiệu “chống lãng phí” mà chính phủ đưa ra trong phiên họp gần đây được lớp trưởng lớp 9B áp dụng quá chuẩn xác đến từng tích tắc. Nếu sang phút thứ 6 thì cước sẽ tăng thêm 200 đồng.Rồi hắn đến thật. Lại còn đèo thêm một cô ả với vòng mông rõ mỡ màng chẳng bù cho cái miệng toang hoang tuếch huếch. Chưa thấy người đã nghe thấy tiếng. Trộm nghĩ “Phen này, cái Mún có quyết đi buôn mấy thùng đầu đĩa lậu Trung Quốc cũng chả đủ cho cái miệng ngáo ộp cô ả”. Xưa, các cụ bảo “Đàn ông rộng miệng thì sang. Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà”. Cũng chẳng đâu xa, tôi không chụp mũ cho ai mà hai cô bạn gái của tôi là bằng chứng rành rành ra đấy. Một cô ở tận Mù Căng Chải nhưng được cái tính tình thoải mái, cô ở một mình buồn nên rủ tôi đang ở kí túc ra ở cùng cho vui cửa vui nhà và “kí túc đông, mày không tập trung học được”. Thì ra. Sau hai tháng tiền bố mẹ cho năm tháng bay vèo theo tối tối cô rủ đi ăn. Hôm thì ốc luộc. Hôm thì cóc dầm. Hôm lại sữa chua mua về vắt quất, thêm chút đá thành sữa chua đánh đá…Cũng đành là ở cùng nhau mà rủ không đi không nỡ. Cô bạn khác ngồi cùng bàn. Đến lớp bao giờ ăn sáng ít nhất cũng hai gói xôi xéo to đùng, vị chi cũng hết tám đến chín nghìn. Chịu! Đàn bà xứ này về nhà chồng có thèm ăn cái chi cũng phải đợi cả bố mẹ chồng ngủ hoặc đi vắng để lục cơm nguội, hoặc chí ít mua gói bỏng ngô để đầu giường tối nhỏm nhẻm nhai. Chồng có cười thì bảo “Nghén mà anh!”. Chuyện ăn đã thế chứ nói gì đến chuyện phùng má, trợn mắt, bặm môi với người khác khi bực bội nữa chứ. Dù ở thời đại này người ta giương cao khẩu hiệu “feminism” rầm rộ trên bìa các tạp chí, phim ảnh,…thì cũng cũng thế thôi. Về nhà cứ phải ngậm tăm mà “vâng vâng, dạ dạ” cho cơm lành canh ngọt nếu không con chẳng có bố cực và tủi lắm! Đàn bà thời nay có phải thân cò đâu mà lặn lội bờ sông nữa chứ.
Quay trở lại chuyện cô ả - người yêu của hắn. Mới bỏ ngón chân cái ra khỏi chiếc dép quai hậu rách toác, ả sà ngay xuống bên cạnh chỗ để bún. Kể ra đầu ả cũng đủ bộ nhớ để lưu và thực hiện răm rắp lời dặn truyền kiếp của các mẹ già “Ăn trông nồi. Ngồi trông hướng”. Hắn đánh mắt liếc cô người yêu một chập rồi nhanh tay hơn nhanh miệng. Đũa cầm trước. Lời chúc tới tấp sau “Hôm nay là sinh nhật Mún, vội vàng quá chẳng chuẩn bị được quà cáp chi. Chỉ có tấm chân tình, chúc Mún ngày càng xinh gái và mai mốt cho bạn bè ăn cỗ cưới sớm! hầy!”. Khi chủ nhân vừa đáp lời “Cảm ơn” xong thì cũng là lúc miếng bò khô đã lọt thỏm trong miệng cô ả lúc nào cũng không hay. Đúng lúc đó hắn quay sang giới thiệu với toàn thể bạn bè “Là bà xã nhà tớ”. Câu không có chủ ngữ tối thiểu để mọi người định danh cô ả là ai. Nếu cô ả tạm nhìn được thì tên lớp trưởng lém lỉnh cũng không để yên. Lớp trưởng vốn hay xét nét. Lúc đến rủ tôi đi, còn rỉ tai “Bà đừng quên chải tóc đấy! Tôi ngán cái đầu bù xù của bà đến tận cuống họng”. “Tui có phải người yêu của ông mà ông lo xa?”. “Chả người yêu nhưng ngồi sau xe thiên hạ nhìn vào rờm mắt”. “Úi chà! Tui đội mũ bảo hiểm rồi mà!”. “Thì vẫn lòi cái mặt ra chứ bộ”. Vì là đi nhờ xe nên tôi gắng bỏ ra những 5 phút để đầu tư đầu tóc. Thành ra tóc tôi mượt nhất, mềm nhất, bóng nhất trong sinh nhật Mún. Hãnh diện một phần mà tự trách mình hai phần, từ lâu không biết tự chăm sóc bản thân để khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn. Nếu đặt lên bàn cân nhan sắc giữa tôi và cô ả thì một trời một vực. Tôi không nghiêng nước nghiêng thành nhưng cũng phải làm cho người ta ngoái đầu lại. Bởi sự thông minh vượt quá tầm kiểm soát đã xuất hiện năm lên mười. Rằm tháng bày. Mẹ tới tấp đi chợ mua con gà trống thiến về làm cỗ. Chị hì hục băm củ chuối cho lợn. Hai anh lùa dê vào núi. Bố đi đâu từ sáng cũng không hay. Cây khế bên bờ ao cao. “Khế giòn ai có con thì giữ”. Có ai giữ đâu. Tôi vặt mấy tàu lá chuối khô, lấy phần cuống nó làm dây buộc túm cái liềm vào thanh nứa đủ để với tới chùm khế lắc lư trông đến là ngứa mắt. Ngoắc. Lá khế chưa kịp rụng thì liềm đã rơi từ lúc nào. Một vệt máu dài trên ngón trỏ. Chết. Lần này thì chết chắc. Nghe chừng phải lấp vết liềm cứa sâu hoang hoác đó không thì cả chị cũng toi mà tôi cũng toi. Tôi mang máng đọc ở đâu bài báo để cầm máu lấy nhọ nồi đắp vào. Chị làm theo. Di chứng để lại giờ là một vệt đen nhưng nhức mép ngoài ngón trỏ. Ai cũng sợ. Kể cả hắn. Chơi với nhau lúc còn cởi truồng tồng ngồng đến lúc tóc lởm chởm rủ nhau đi câu chuồn chuồn kim, chuồn chuồn cồ, nặn đất bùn làm gạch táp-lô xây nhà tí hon…Lớn lên học cùng nhau đến tận lớp chín. Cha mẹ hai bên dè chừng “lớn lên gả cho nhau” với lí do “gần nhà xa ngõ. Có gì chạy về nhà mẹ đẻ cho gần”. Thế mà hắn cố cắt đứt lời ước nguyện đó chỉ vì nhìn thấy vệt đen trên tay tôi. Hắn bảo “Tay không tính nữ”. Tôi cũng chả hiểu tay tính nữ là kiểu gì. Phải chăng vươn dài nuột nà như Phật bà nghìn tay nghìn mắt? Đoán già đoán non cuối cùng tôi ngậm ngùi “Có lẽ hôm đó rằm tháng bảy lại chảy máu nên duyên tôi ám đen và chui tọt với người âm?”. Bà Bàng bói “duyên âm, không cắt thì ế chỏng ế chơ!”. Thế là từ đó tôi và hắn không chơi cũng chẳng hỏi thăm lấy một lời. Đùng một cái, hôm nay hắn lôi từ xó xỉnh nào cô ả miệng rộng, mông cong, mắt ti hí đến trình diện thiên hạ như một minh chứng rõ ràng “Ta đây cũng có người yêu”.
Tôi vẫn tỉnh bơ mặc kệ. Hắn tỏ vẻ “Thế nào, M cận? Học chi mà học nhiều rứa? Con gái học nhiều dễ mắc chứng đau một phần hai đầu”. Tôi cũng chả nói lại làm gì. Phạm vi ngôn từ của hắn dù có đi ra thủ đô cũng thế cả. Hắn thích chơi trội biến cách diễn đạt đau nửa đầu thành phân số (một phần hai) cho oách. Cũng giống như kiểu dân nhà quê gặp nhau “Hê hê…lâu”, “Bái..bai”. Ngẫm lại thì may cho tôi. Thông minh nếu có lấy một kẻ thiếu ngôn từ, diễn đạt chưa trọn một câu thì khổ một đời. Nhưng vẫn thấy căm vì đi sau hắn một bước. Chưa có người để khoác tay dung dăng dung dẻ đến ra mắt với bạn bè “Đây, người yêu tớ!”. Bù lại hôm nay tôi lại có mái tóc đẹp, buộc túm gọn đằng sau nên phô ra cái trán dô ngời ngời thông minh. Trán cô ả - người yêu hắn còn lâu mới đạt đến tầm như thế. Trừ cái miệng rộng hoác thì tôi không địch nổi. Nhưng tôi biết đó là nhược điểm và chẳng bà mẹ chồng nào muốn kén chọn cô con dâu miệng rộng cả.
Sau khi nuốt chửng hai bát con con bún chan canh vịt xáo măng, cô ả cũng liếc mắt dè chừng tôi. “Em nghe anh Ng kể nhiều về chị. Chị học giỏi lắm phải không?”. Hóa ra tôi lại là con mồi để hắn câu cô ả với thái độ đầy hãnh tiến “Giàu vì bạn…Bạn anh đầy người thông minh nên sau này mình lắm mối nhờ vả”. Tôi cũng chả phải kiêu kỳ gì nhưng cảm thấy trình độ của mình cũng bình thường, học xong cũng chỉ mong có một công việc đủ sống là được. Nghĩ đến đó, tôi thấy thương hắn quá chừng. Trong sáu năm ở Hà Thành hắn lăn lộn đủ nghề để sống từ bốc vác đến bồi bàn, nhặt tenis.... Cũng tích góp được dăm triệu rồi mua được chiếc wave Trung Quốc chạy rè rè, nhả khói sặc sụa đầy đường. Thế mà về quê tôi điều đó lại lấy làm sang. Trẻ con mới nghe tiếng xe máy rồ rồ cách chừng hai cây số đã í ới gọi nhau túm năm tụm bảy ra đường xem chú Ng cưỡi xe đời mới chở cô gái xứ Bắc líu lo giọng như trên tivi ấy. Một chút lên đời cũng là dư âm để người ta đối ứng và tồn tại trong chuỗi những tháng những ngày nhếch nhác nơi phồn hoa. Dạo ấy tôi không ghét cũng chẳng khinh hắn mặc dù tôi biết rõ mười mươi tình cảnh của hắn. Cũng có lần trong lúc tăng ga lên dốc lượn mấy vòng trong xóm và tình cờ gặp tôi. Chuệch choạc cười. Mặt thõng thệu, méo xệch chẳng khác nào mép trâu đói ợ ra nhai lại. Thương hắn một mà thấy tủi cho hắn mười. Dù sao hắn và tôi cũng có thời là bạn nối khố với nhau. Tôi không ho he với ai về chuyện hắn sống dở chết dở ở thành phố. Bởi tính tôi cũng chả muốn đem chuyện người khác ra xoi mói làm gì. Cốt sao bản thân mình sống thanh thản là được. Khổ nỗi nhìn thấy hắn là tôi không tài nào thanh thản được. Âu cũng là cái duyện nợ chi đây?
Hôm nay, hắn ngồi đối diện tôi. Ngộm ngoạm nhai từng miếng bò khô với tỉ lệ 2/2. Hai người – hắn và ả. Hai miếng. Hai tay. Hai giây, nuốt chửng. May mà chủ nhân chu đáo chuẩn bị nước nôi đầy đủ, hơn nữa lại là Lipton chính hiệu pha loãng nếu không tôi sợ họ nghẹn chẳng đi cấp cứu kịp. Hắn xuề xòa cười “Khi nào M cưới, tớ sang chúc mừng. Dạo này bận quá. Đi làm có laptop, sếp giao việc nhiều hơn”. Tôi biết tỏng là không đời nào hắn dám vác cái thân hình mét rưỡi, cân nặng chưa vượt quá bốn mươi ký, mắt chất tảng dỉ mắt đến chốn đông người. Hắn đang nhạo tôi. Thông minh, trán cao, tạm nhìn được nhưng lại ế ẩm đến nỗi ốm chổng mông cũng chẳng có bát cháo hành của đấng thường quân nào. Nhưng tôi lại thích thế. Tôi có phải là mẹ Âu Cơ đâu mà đèo bòng một lũ con. Tôi không nổi loạn kêu gọi thay đổi tính nữ nhưng tôi cũng chẳng muốn đàn bà, con gái cứ khư khư ôm nghìn câu răn đe muôn thuở. Sự hiện hữu của tôi là tôi được sống thật với cảm xúc, suy nghĩ của mình. Không hiểu sao cô ả - người yêu hắn xin về vì có việc chi đó. Tôi đoán không nhầm “Cô ả căng da bụng, chùng da mắt nên cứ đà hàn huyên này thì sau 12h30 là ít”. Hắn không nỡ để cô ả về một mình đành làm lơ xe đèo sáu mươi ký lắc lư trên chặng đường dài những năm cây số. Trước lúc “Bái bai” mọi người, hắn gọi tôi ra có việc. Hắn thò bản tay dài ngoằng vào cốp xe lôi ra một cái hộp xanh lơ bé xíu trên thắt nơ đen dí vào tay tôi “Quà ngày kia sinh nhật M!”. Tôi ngớ người ra. Hóa ra tôi vẫn tồn tại một phần trong đầu hắn. Mới hôm qua thôi, vệt đen trên tay tôi sau một đêm ngủ triền miên tự dưng biến mất. Có chăng tôi và hắn sẽ lại bình thường hóa mối quan hệ như ngày nảo ngày nào? Để tôi dò xem sau một tuần nữa vệt đen đó còn xuất hiện trên tay tôi nữa không…Rằm tháng bảy.

Truyện này tác giả còn ký bút danh Nhật Vũ