Trang chủ » Truyện

Lưu manh có tư cách của lưu manh

Nghiêm Lương Thành
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
Truyện ngắn

Mưa dầm dề đã mấy hôm. Nước trên các triền núi dồn xuống. Lạch biến thành suối, suối hóa thành sông; nước chảy sùng sục, tung bọt trắng nhờ; nước chảy ráo riết, gầm gào  quăng quật cả những thân gỗ lớn bị nước sói trốc rễ trôi từ đâu về chẳng khác con trẻ trái tính dỗi hờn vầy vặc đồ chơi.
Chợ huyện vắng ngơ vắng ngắt. Chân gác lên vành miệng chảo lạnh tanh trong một cái lều bán Thắng cố, thằng Chích đưa tay lên đầu gãi xồn xột:
-  Bố kiếp ! Chợ búa khẹc gì mà vắng vẻ bỏ mẹ !
Thằng Lưu ngáp một cái dài đến nửa thế kỷ, uể oải:
-  Chẳng khác mẹ gì cái năm ông trời triển khai dịch tả. Mưa như thế, làm gì chẳng vắng ngắt.
-  Thôi đi mày. Nói như mày khác nào thằng ngu nhắm mắt mà đổ lỗi cho mưa. 
-  Ừ, mày khôn thì nói xem tại sao ?
-  Ngu như mày ... ngu bỏ mẹ. Chẳng có óc quan sát thời cuộc chỉ nói mò nói ẩu. Thực tiễn chợ đã vắng từ mấy tháng trước từ lúc mặt đường còn khô đanh gió bời bụi đỏ kia.
-  Thế tại cái gì ? Nói xem. Tinh tướng ông kễnh !
-  Báo đéo chịu đọc đài đéo chịu nghe ... bao nhiêu cái hay nó trôi đi hết, không bị ngu ngố tụt hậu tậm tịt tút tít mới là lạ. Vành tai ra: Lạm bát, si thái, si nhược làm tăng tất cả các loại giá nhất là các thứ để làm ruộng nương như thể là phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ lực vật với lại ... vân vân các thứ. Lúa bán đi tiền thu về không lại, nông dân kiệt hết, lấy tiền đâu đi chợ. Chợ vắng thì mất thực tiễn ... không còn các loại đối tượng cho tao với mày hành nghề. Ăn còn chả có lấy gì ra mà chơi. Hiểu chưa ?
-  Ờ cái mặt mày trông cứ nàng nạc đục vậm mà cũng có lúc chẻ ra được đóm mỏng ra phết đấy nhỉ – Lưu gật gù khen ngợi rồi, thoắt cái, bộ mặt bỗng đần ra, thểu não – Này mày, thế thì toi cả nút à ? Không kiếm được ở chợ thì phải mò vào các nhà ... mà mưa thối đất thế này thì chúng nó đều ở nhà đầy đủ thì làm sao mà khoắng được thứ gì.
-  Tao đã nghĩ từ trước rồi con ạ.
-  Nghĩ thế nào ?
-  Tìm đường xuống Hà Nội – Thằng Chích thủng thẳng - Hà Nội là cái rốn của xã hội dễ kiếm ăn nên các anh tài máu mặt trong nghề đều dồn về đấy cả. Mày thấy thế nào thì ... cho biểu quyết.
Chích tự giơ tay lên trước. Lưu nhìn Chích, nghi ngờ. Nhưng rồi cuối cùng cũng tặc lưỡi, giơ lên một cánh tay:
- Thì đi. Cứ như mày nói thì ở đây thêm nửa tháng nữa mà giả dụ trời có tạnh ráo thì cũng vẫn chết. Chết ở Thủ đô chết ở sông ở bể mới xứng diện rang hồ chính ngạch. Bố kiếp nhà nó chứ !
- O ke ! Mày kiểm kê tài sản xem còn bao nhiêu. Ngày mai đề ba nhập thế đại rang hồ cho thỏa chí chượng phu.
*
 Anh hùng nhất khoảnh vậy thôi, chứ lúc xuống Thủ đô, hai đứa, chẳng phải bàn bạc gì, cùng tự động giảm độ hoành tráng trong lời ăn tiếng nói. Đang ở lạch, ra đến sông cái, ai chả thế. Chúng quyết định chọn chợ rau quả Long Biên làm điểm hành nghề.
 Đã hơn ba ngày chẳng kiếm được gì, dự trữ mang theo hao cạn trông thấy, mặt thằng nào cũng thuỗn ra như quả bí xanh.
- Bố kiếp nhà nó chứ ! – Thằng Lưu đập dánh đét vào má mình, giơ tay lên xem, lắc đầu - Đập mười lần trượt cả tá. Muỗi Hà Nội cũng khôn thật chứ đừng nói người. Sáng ra, đứa nào cũng khoác cái túi to to là nhưng mà cứ giữ chằm chặp như thế đến bố Tổ nghề của mình cũng “bó tay chấm com” nữa là tao với mày, hạng trộm cắp nhà quê.
-  Kiên định đi mày – Chích nhẫn nại chấn chỉnh tư tưởng ngại khó của chiến hữu – Thằng nào lúc mới về đây mà chả thế. Có chí thì nên con à !
Quả nhiên, sang đến ngày thứ sáu, lúc bốn giờ sáng, hai đứa đã lập mẹo lừa bỏ một con rắn nước vào cái túi của một chị nạ dòng chạy hoa quả từ Lạng Sơn đem về đổ hàng ở đây. Lúc mở túi, thấy cái đầu nhòn nhọn ươn ướt ngóc lên, chị ta hãi quá, cuống cuồng lẳng cả cái túi ra xa, rúm người lại kêu thất thanh. Mọi người chạy lại, xúm vào nhà chị kia hỏi xem có chuyện gì. Thừa lúc không ai để ý đến cái túi đang nằm khuất sau một gánh rau, Chích ta nhanh nhẹn khom người, nhẹ nhàng vơ lấy cái túi, nhét vào bên nách, khép vạt áo che đi và phắn nhẹm như một phù thủy có thâm niên.
Hai đứa lần ra vườn hoa Hàng Đậu. Chích đưa túi cho Lưu. Thằng Lưu lục lọi, lấy hết tiền nong và những thứ dùng được nhồi cả vào túi trong cái áo nó đang mặc rồi khéo léo ấn cái túi vào một bụi hoa. Xong việc, toan đứng dậy thì bỗng thấy đau điếng ở mông và toàn thân díu dụi, đổ nhào xuống và mặt ấp vào bụi hoa ướt đẫm sương đêm. Ngước bộ mặt ướt nhèm dính mấy cái lá gẫy dập, Lưu thấy một toán, toàn những cái mặt trông còn nạc hơn cả thằng Chích. Thằng nào cũng đeo kính đen như trong phim Hàn Quốc, mặt lạnh tanh. Một thằng, tay trong túi quần, tay kia làm động tác ngoắc ngoắc, ra hiệu cho Lưu đứng lên, hất hàm:
-  Chúng mày ở sới đéo nào phiêu lưu đến đây ?
-  Ở đâu thì liên quan gì đến chúng mày ? – Lưu cãi lại, trong khi Chích vẫn đứng yên trong điệu bộ co ro, cặp mắt láo liên quan sát.
-  Tập huấn cho chúng nó đi ! – Thằng đó quay lại, nói với đồng bọn.
Thế là cả lũ, khoảng chục thằng, quây lại thả một trận mưa đấm đá xối xả lên hai kẻ vừa đạt được thành tựu nghề nghiệp lần đầu ở cái đất kẻ chợ tân thời này. Hai kẻ khốn khổ đó chỉ còn biết ôm đầu, che mặt, nghiến răng lăn lóc chịu đựng.
- Thôi ! – Thằng đầu nhóm quát nhẹ, xòe bật lửa châm điếu thuốc.
Chích và Lưu, nhầu nhĩ hốc hác bò dậy, đưa ống tay áo lên lau mặt. Thằng đó nói tiếp:
-  Hiểu bài giảng chưa ?
-  Dạ hiểu rồi – Chích, hai tay vặn vào nhau, trả lời ngay.
Trong khi đó thằng Lưu, mặt mũi xước sát, vẫn chưa hết run, thì thào vào tai thằng Chích: “Ngược thôi mày ơi !”. Chích lừ mắt, lấy tay hẩy ra, rồi quay lại phía thằng đầu nhóm. Thằng này nhìn Lưu, cười khẩy:
-  Sống trên giang hồ, chưa chi đã vãi đái ra như thế, không tiến bộ được đâu con ạ. Phải ngẩng lên, phải đạp lên lưng thiên hạ thì mới hòng sung sướng cái thân được, nghe chưa ! 
-  Vâng – Lưu khúm núm khẽ khàng.
Thằng kia gật gù, ra chiều vừa ý, đưa tay búng đầu mẩu thuốc lá. Đốm lửa đầu mẩu sáng lên, xoay tròn lảo đảo theo đường vòng cung rồi đáp xuống một vũng bùn. Hai tay đút túi quần, nó tiếp tục giảng giải:
-  Ở đâu thì ở, hễ không có kẻ cai trị là y rằng lộn xộn, hỏng bét nhè. Cai trị mà ngu mà không rắn thì cũng lộn xộn bét nhè tùng phèo nốt. Chúng tao cai quản vùng này. Chẳng cần biết chúng mày ở tận những đéo đâu xông pha đến đây, muốn hành nghề yên ổn, được chúng tao bảo vệ trước các băng đảng khác thì phải nộp phí quản lý hàng tháng. Hiểu bài chưa ?
-  Dạ hiểu.
-  Bỏ hết các thứ trong túi ra ! – Thằng đầu nhóm trỏ tay vào hai kẻ khốn nạn, ra lệnh.
Hai đứa móc hết tiền trong túi ra, đặt cả xuống mặt chiếc ghế đá.
-  Chỗ này bao nhiêu ?
-  Dạ, mới kiếm được ban nãy, còn chưa kịp đếm.
-  Vậy – Thằng đầu nhóm trỏ tay vào một đồng bọn – để lại cho hai đứa năm trăm ngàn để sống. Số còn lại, coi như lệ phí ra mắt.
-  Nhưng lỡ số này chưa nổi năm trăm thì làm sao ? – Thằng thừa lệnh hỏi.
-  Thì lấy tiền của mày bù vào cho đủ - Thằng đầu nhóm chỉ đạo ngắn gọn rồi quay lại phía Chích và Lưu – Hiểu bài là tốt, nhưng thuộc bài mới thực là tốt. Nếu cố tình không thuộc, khôn hồn thì đi chỗ khác kiếm ăn. Còn không, tao lại phải đào tạo lại. Nghe chưa ?
-  Dạ - Thằng Chích vã mồ hôi hột, rối rít tá hỏa - dạ, nhất định ... nhất định tuyệt đối ... nhất định là thuộc lòng rồi ạ.
Chờ bọn kính đen rẽ khuất vào phố Hàng Bún, hai thằng mới ngồi phịch xuống cái ghế đá mà xả hãi. Khi trời đã sáng bạch, thằng Lưu mới phờ phạc quay sang:
-  Giờ tính sao, mày ?
-  Còn sao nữa ? Giờ thì coi như mình đã vào băng đảng của chúng rồi. Tuy là phải cống nạp nhưng lại được băng đảng nó bảo kê cho. Thôi, đói lắm rồi, tìm chỗ nào kiếm tý gì nhấm nháp giải đen đi mày.
Hai đứa vào một quán bình dân trong cái ngõ gần đấy, gọi chai rượu và một đĩa móng giò đầy tú ụ. Rượu vào, thân thể ấm dần, tinh thần như cây hạn gặp nước, tư tưởng lạc quan sau vụ làm ăn thắng lợi đầu tiên dần dần hồi phục.
Lúc ấy, từ phía ngoài cửa quán, có hai người mặc áo quần quân nhân dìu nhau bước vào. Một người cụt một chân, di chuyển bằng cái chân còn lại và cặp nạng cứ kêu ọt ẹt vào những lúc phải chịu lực. Người kia cụt một tay, dùng tay còn lại đỡ người cụt chân đang khó khăn bước lên bậc thềm. Hai người đã vào được trong quán, dừng lại, chậm chạp nhìn một lượt các thực khách. Không thấy có vẻ gì như muốn ngồi vào bàn. Họ tìm người nhà chăng ? hay tìm bạn ? Nấn ná một lát, hai người tiến thẳng về phía Chích và Lưu.
-  Chào các đồng chí. Chúng tôi đều là thương binh giải ngũ, ngặt vì thời buổi suy thoái khó khăn ...
-  Vợ con đâu ? – Lưu thô bạo ngắt lời.
-  Dạ, mất chân mất tay thế này, các đồng chí cũng biết, ai người ta dám lấy ...
Nhìn hai bộ mặt nhem nhuốc, phờ phạc; những đôi vai so lại vì đói dưới lần áo quân nhân nhầu nhĩ, Lưu thầm nghĩ: Có lẽ trông mình cũng như vậy. Hắn chép miệng, buông ra một cái thở dài.
-  Các đồng chí ạ, thời buổi suy thoái lạm phát, tổ sản xuất tăm tre của chúng tôi cũng phải giải thể rồi. Không có công ăn việc làm, khó khăn quá. Nếu có thể, đề nghị các đồng chí, mỗi người một chút, gọi là lá lành đùm lá rách, tương trợ cho phần nào, lấy cái độ nhật cho đến khi kiếm được việc làm khác ...
Một làn gió ập vào, khiến cái ống tay áo rỗng rễnh tốc lên, đung đưa mạnh, chạm vào mặt Chích. Hắn nhăn mũi, phẩy tay và dịch ghế vào phía trong. Lưu lắc đầu, móc túi, lấy ra tờ polime trăm ngàn, đưa cho người cụt chân. Hai người tỏ ra cảm kích lắm, không ngớt lời cảm ơn hai đồng chí ưu thời mẫn thế, luôn đồng cảm sâu sắc và chia sẻ với những người đồng bào trong cơn hoạn nạn. Thật, cũng mát cả ruột. Tuy vậy, Chích vẫn cằn nhằn:
-  Hoang thế ! Tao tính cho chúng hai chục ngàn là tốt lắm rồi.
-  Thôi mà, bậc chượng phu không đo lọ nước mắm; so đo làm gì. Mày tính, chân tay thì bỏ lại ở chiến trường, kiểu gì thì họ vẫn là loại hy sinh yêu nước. Tao với mày, dặt dẹo làm lưu manh kiếm sống, bì thế đếch nào được ... Chỉ tiếc là chúng ta không thể đưa cho họ nhiều hơn.
-  Cũng phải – Thằng Chích gật gù – cái đầu mày tối nhưng cũng biết phải trái.
Mấy ngày tiếp theo lại trôi qua. Chẳng kiếm chác được gì thêm. Số tiền bọn “cai trị” bớt lại cho chẳng còn được bao nhiêu. Một buổi tối, sau một ngày lang thang nhòm ngó quyết liệt, vẫn chẳng có gì hơn. Nhưng cái bụng vẫn cứ nhơn nhơn tiêu hóa, vẫn gào réo, thậm chí, còn đòi tiếp xúc với cả những thức rượu thịt lan man. Hai thằng lầm lì bước vào một quán ăn, gọi hai xuất mỳ sào chay và hai chén rượu ngang. Trong lúc ngồi đợi dọn đồ ăn, thằng Chích tranh thủ phát biểu ý kiến:
- Tao thấy đúng như mày nói cái hôm đập muỗi. Lũ dân ở đây là tinh khôn lắm. Giữ của chằm chặm, lắm kinh nghiệm đối phó trên mặt trận bảo vệ của cải. Tao tính bây giờ ta sẽ chuyển hướng chiến lược sang các đối tượng ở tỉnh xa về. Ở các tỉnh về thì thường phải mang nhiều tiền trong người. Đặc biệt là mấy thằng có tý chức tước, về đây chúng nó vui chơi dữ dằn khét lẹt kinh khủng.
-  Tao nhất chí ...
Vừa nói được ba tiếng, bỗng thằng Lưu ngừng bặt, mồm đơ ra. Đầu nó hơi cúi xuống, hai tròng mắt như bị hút về phía sau lưng thằng Chích. Chích thấy lạ, ngoái lại, thấy chỉ có hai người ăn vận bảnh bao, mặt mũi sáng choang. Trên bàn của họ bày đầy những thứ khiến hắn phải ứa đầy một mồm nước miếng. Nuốt ực cái thứ nước chết tiệt ấy vào trong, nó hạ giọng hỏi thằng Lưu:
-  Tao nom ngờ ngợ ... Có phải hai thằng hôm nọ mày cho một trăm không ?
-  Chẳng chúng thì còn chó nào vào đây ... mà trông kìa: đủ cả chân lẫn tay. Hôm nọ chúng nó giấu thế nào mà tài thế – Bộ mặt thằng Lưu như có giông bão. Nó đứng dậy, lấy chân ẩy ghế ra sau - Đ ... mẹ, dám lừa cả bố nội nó. Để tao cho chúng nó một bài học !
Chích hốt hoảng, đứng dậy ấn vai thằng Lưu xuống, dằn giọng, thì thầm:
-  Ngồi yên, nghe tao bảo: Biết chúng nó ở băng đảng nào, mạnh hay yếu. Không khéo, lại còn ăn đòn mất xác con ạ !
Thằng Lưu, vẫn chưa quên bài học nơi bể khơi hôm trước, nghe ra ngay nhưng vẫn chưa hết hậm hực bức xúc. Nó giận dữ đứng dậy bảo: Đi chỗ khác. Rồi đùng đùng đi thẳng ra cửa. Chích chạy theo, làu bàu:
-  Rỗi hơi à !
Chích quát lại:
-  Ngồi đấy nhìn cái mặt chúng nó nuốt sao nổi !
-  Thông cảm đi, chúng nó có khác gì tao với mày.
-  Khác ! Khác như đực với cái ấy ! ... Tao với mày chơi là chơi thẳng tưng, lưu manh là lưu manh, chẳng phải giả danh giả hiệu cái gì hết ! Lưu manh có tư cách của lưu manh. Lưu manh cũng có năm bẩy hạng, đừng có vơ đũa cả nắm ... vơ đũa cả nắm là xúc phạm lưu manh ! 
Lưu dừng lại, hổn hển. Chích nghe, thấy khoái quá, hỏi tiếp:
-  Thế ... chúng nó thuộc hạng nào ?
-  Chúng nó hả ... loại lưu manh mạt hạng ...
-  Chung chung quá ! – Chích trề môi, riễu cợt, từ từ rút ra một điếu thuốc cắm vào giữa hai cái môi dày của chiến hữu.
Lưu giận dữ nhổ điếu thuốc ra, túm lấy cổ áo của Chích mà xoắn, rồi, vẫn hổn hển nhưng giọng thì đáo để, rành rọt theo nhịp một một:
-  Lưu manh giả danh yêu nước !

23-11-2008
NLT