Trang chủ » Truyện

Chợ dung nhan

Ngọc Bái
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
TNc: Nhà thơ Ngọc Bái từ miền sơn cước Yên Bái vừa gửi về góp cổ phần văn chương bằng truyện ngắn CHỢ DUNG NHAN. Nhà thơ viết truyện cũng không xem thường được, mà Ngọc Bái thì đã có mấy bài ký, mấy truyện ngắn cộm cán một thời. Xin giới thiệu với các bạn.

NGỌC BÁI

Truyện ngắn

Chính nơi này ngày trước là nơi bán cày bừa dao rựa cuốc xẻng cho nông dân của cả một vùng đồng đất trung du. Dấu vết duy nhất để lại là cây si trước cửa hàng, rễ toả xùm xoà, tuổi cây chắc đến trăm năm, người đi chợ vẫn lấy làm nơi tránh nắng. Bây giờ thì cây si đứng ngay dưới tấm biển nhà hàng hớt tóc gội đầu sửa móng tay móng chân không ngớt khách vào ra. Đối diện phía bên kia ngày trước là cửa hàng gạo thực phẩm, nay cũng là cửa hàng uốnhspace=10 sấy tóc sửa mi kẻ lông mày thẩm mỹ. Cùng với đô thị hoá, dấu tích tù đọng của làng quê chân lấm tay bùn lùi xa. Có chăng còn rơi rớt trong giọng thổ âm, không phân biệt đâu là n và l. Khi viết vẫn hỏi nhau lờ cao hay lờ thấp. Nghĩa là lờ hay nờ, để viết cho đúng chính tả. Cả nàng em lói ngọng. Mấy cô nhân viên nhà hàng thẩm mỹ chẳng dấu diếm gì cái khuyết tật trong phát âm từ thuở cha ông cụ kỵ để lại. Khách cười, các cô lý sự, dân quê em cả chủ tịch bí thư đều vậy, chẳng sao cả. Mấy lăm trước cả nàng nuôn nuôn no nắng nàm nụng , núc lông nhàn thì chăn luôi, thời vụ thì trồng núa, ai cũng láo lức nàm nớn mà chả nàm lên lông lỗi gì. 
 Thâu tóm cả khu vực chợ là lão Đởm, người vẫn được dân làng Vè coi là kẻ ranh ma số một. Vào cái tuổi còn trai tráng thì Đởm đã sở hữu đôi mắt lác nhìn thẳng ngỡ nhìn nghiêng và đôi chân vòng kiềng, nên chẳng bao giờ cần nghĩ tới chuyện khám sức khoẻ nghĩa vụ đi bộ đội cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Thực ra thuở nhỏ Đởm không lác mắt, chân không đi vòng kiềng. Là do nhạy cảm trước thời buổi chiến tranh nên phải tập. Lâu rồi thành quen. Không trở lại người lành lặn được nữa. Đởm chỉ biết chiến tranh qua tiếng máy bay phản lực rít qua đầu thả bom vào thị xã. Lúc ấy Đởm chỉ nhăm nhăm một việc là giỏng tai nghe thật tinh tiếng máy bay từ xa để chạy xuống hầm trú ẩn. May chứ sao! Lành lặn như mấy thằng cùng lứa trai làng đều đi lính cả. Quái ác, làng Vè chỉ có vài đứa sống sót trở về. Cách nhà Đởm, bên kia chợ, bà cụ Mùi, hai đứa con đều hy sinh ngoài mặt trận. Mới chỉ có một đứa có vợ con. Nàng dâu thì đi bước nữa. Khổ thân bà, già cả còn phải nuôi cháu gái. Còn Đởm, thiệt thòi đàng này lại được bù đắp đàng khác. Khao khát làm được điều gì đó để không hổ thẹn với đời, Đởm đã cố học được nghề may. Dù có thế nào, người ta là ai và thời nào thì cũng phải mặc, chứ ở trần sao được. Cái nghề không phải cực nhọc vất vả lắm mà lại thu nhập đều đều. Nghề may đo, bao nhiêu cặp vú gái làng, tay Đởm đều được ướm tất. Đấy là Đởm khoe. Đởm bảo rằng thời ấy chưa có hàng hiệu, các cô gái may những chiếc coóc sê dày cộp như mo nang. Không đến thợ may thì may ở đâu? Lợi dụng đo vòng qua ngực sờ thử cái chơi. Cô nào sợ xấu hổ thì lẳng lặng cho qua. Cô nào phản ứng bốp chát thì Đởm xoa xuýt rằng đùa tí chút. Được cái, Đởm là người biết lo xa, ky cóp được đồng nào ngoài chi cho ăn uống sinh hoạt còn lại dành mua vàng hết. Lặn lội về tận Hà Nội mới tìm được nơi mua. Một trăm bảy mươi đồng mới mua được một chỉ. Ngưòi biên chế nhà nước trừ ăn uống phải dành giụm chắt bóp hàng năm lương mới mua nổi một chỉ. Vàng đem về chôn chỗ bí mật, không ai nhìn thấy.  Phòng khi máy bay thả bom cháy nhà hoặc khi hết thời loạn còn có được chút vốn.
 

 Rồi Đởm lấy vợ. Chẳng đâu xa, cô Ngần dong dỏng cao, đùi nần nẫn, da trắng ngồn ngộn, khá thuận mắt ở đầu làng Vè. Thời chiến, chuyện lấy chồng của mấy cô gái không việc gì phải kén chọn cho lắm. Trai tráng ra trận, không vơ cánh thấp bé nhẹ cân ở làng thì lấy ai. Cốt sao đủ bộ phận của đàn ông là được rồi. Kể ra chuyện cũng không hề đơn giản như vậy. Ngần đã có một mối tình với anh chàng Văn Bỷ thương nghiệp của huyện. Anh ta về giúp làng quy hoạch lại cửa hàng mua bán. Hai người gian díu chán, đến khi Ngần đòi cưới mới vỡ lở anh chàng đã có vợ. Mụ vợ anh ta chẳng phải vừa. Đã đón đường Ngần, xé cho tơi tả áo quần tình địch cho bõ cơn phẫn uất. Sau vụ ấy Ngần không dám vác mặt đi đâu. Biết chuyện, Đởm đã tấn công kịp thời. Đang lúc lấn cấn sự đời, không tán cũng phải đổ. Chả nhẽ để mang tiếng mãi, lấy chồng quách cho xong. Đởm chỉ cao đến tai Ngần. Chồng thấp vợ cao, như đôi đũa lệch so sao cho bằng? Cần gì so! Đối với Đởm có lệch đến đâu rồi cũng phải bằng hết. Trong thâm tâm Ngần có chê Đởm không xứng với mình thì vẫn cứ phải đồng ý. Ngần về phụ may cho chồng. Nói cho thật đúng, Ngần chỉ lo mỗi chuyện cơm nước lợn gà, còn công to việc lớn Đởm không khiến Ngần phải nhúng tay, nên người cô ta càng phây phây. Có ai ngứa miệng nhắc tới anh chàng thương nghiệp huyện trước mặt Đởm, Đởm cũng khinh tái. Cho qua! Cho qua, làm thằng đàn ông không nên tiểu nhân! Không cần coi quá khứ nặng nề. Thú thật, trước kia Đởm chỉ mới biết đàn bà bằng kiểu lợi dụng sờ qua lần vải khi may đo. Chứ bây giờ Ngần cứ ngồn ngộn thế kia. Cảm ơn giời đất. Mệt lắm! Hết thời chiến tranh cũng là khi Đởm có con đầu lòng. Con giai hẳn hoi. Đởm phải nhờ ông thaỳ giáo hay chữ đặt tên con là Khải Ca, với ý nghĩa sâu xa của sự hân hoan chinh phục.
 Nói rằng Đởm không biết xông pha cũng chưa hẳn đúng. Không được xông pha chiến trận thì xông pha thương trường. Là nói theo cách nói bây giờ. Chứ ngày ấy người ta nói là giỏi đi buôn. Được dịp Đởm moi đám vàng chôn dưới đất lên. Sài Gòn giải phóng chừng tháng trời đã có mặt Đởm ở chợ Bến Thành. Thời ấy phương tiện giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, vậy mà Đởm không biết bằng cách nào đã vượt vài ngàn cây số như không. Đởm bảo rằng đi nhờ xe nhà binh. Càng vào phía nam, Đởm càng phục bộ đội mình quá là tài giỏi. Bao nhiêu đồn luỹ rào thép gai súng ống tối tân mà đối phương cũng không cản nổi bước chân chiến thắng của bộ đội. Kể ra thì Đởm cũng có lúc tự thấy xấu hổ vì mình chả có đóng góp gì. Nhưng đã vậy biết làm sao! Vào tới đất phồn hoa Đởm càng thấy cái làng Vè sao mà nhỏ nhoi đáng thương quá đi. Cả làng mới có vài cái xe đạp, lãnh đạo xã mới được tiêu chuẩn phân phối. Còn nơi này thì xe loại sang không nói, chứ xe tầm tầm thì không có sức mà khuân. Cái thời “miền nam nhận họ miền bắc nhận hàng” tội gì Đởm không hoà mình vào dòng người chiến thắng, nhập vai người chiến thắng, để những người phía bại trận phải vị nể. Đi lòng vòng trong chợ cả ngày vẫn không thấy chán. Nhìn thứ gì cũng muốn ôm về. Đởm quyết ở lại tìm hiểu giá cả hàng hoá và cách thức làm ăn buôn bán. Tính toán mua thứ gì bán ở quê cho thật lãi. May là ở Sài Gòn có người bà con xa, di cư vào đất này từ năm một chín năm tư, nên có chỗ tá túc đàng hoàng. Lân la mãi rồi Đởm mới quyết định đổi vàng thành hàng hết. Dân quê đang có nhu cầu nghe tin tức. Nhà nào chẳng muốn có cái ra-đi-ô thứ thiệt. Nhiều người như nghiện nghe đài. Mở rõ to, hết cỡ vo-lum. Mặc kệ thiên hạ vỡ màng nhĩ!  Phải! Tốt nhất là buôn ra-đi-ô, lãi gấp đôi gấp ba là cầm chắc. Những chiếc ra-đi-ô nhỏ xinh nhẹ nhàng của Nhật, chứ đâu như ra-đi-ô viện trợ to tổ bố chẳng khác cái hòm cắt tóc mấy ông đeo xệ bên hông.  Phen này Đởm trúng to. Qua chợ thấy mấy đứa bán súng nhựa đồ chơi, thấy hay hay, Đởm mua luôn vài khẩu về làm quà cho trẻ con. Mà tài thế, súng giả trông như thật! Không còn súng thật thì chơi súng giả cũng là để nhớ một thuở chiến tranh không thể phai mờ. Đóng gói cẩn thận một thùng hàng lớn, Đởm rông về đất bắc. Phải bao nhiêu chặng chuyển xe dọc đường vô cùng vất vả, nhưng cái máu làm ăn khiến Đởm không nản.
 Đến đầu làng Vè, đón Đởm là một quán nước mới mọc lên ngay cạnh gốc nhãn trước là nơi buộc trâu. Lễ mễ đồ đạc, nghỉ chân một lát cho đỡ mỏi mệt đường xa. Trông thấy Đởm, người thì hỏi thăm miền nam có nhiều điều lạ không, người thì hỏi hàng hoá có gì đặc biệt, người thì hỏi dân trong ấy chắc sợ cách mạng lắm? Đởm trả lời như thể cán bộ thực thụ, cao hứng còn múa tay chém gió. Mấy đứa thiếu niên choai choai hóng hớt:
-  Chú Đởm về thật nà đúng núc. Chú đi vắng toàn thấy cái ông thương nghiệp huyện về nhà chú thôi.
          Mấy người lớn tuổi nháy nhau không nói gì. Đởm cảm thấy có điều khang khác liền gặng hỏi bà hàng nước chuyện đó có đúng không. Bà chỉ ậm ừ nói rằng là nghe đồn thế. Bác về nhà khắc biết. Nhưng chớ bảo chúng tôi đưa chuyện đấy.

 Về nhà, Đởm bình thản như chưa hề nghe chuyện gì . Ngần cũng vồn vã như chẳng có chuyện gì. Tắm rửa sạch sẽ. Cơm thịt gà hẳn hoi. Xin lỗi, cái thời sắn khoai chủ đạo mì gạo cầm chừng, có miếng thịt còn phải sợ hàng xóm nhòm ngó xem nhà ấy làm gì mà ăn sang thế, thì việc nhà Đởm cơm thịt gà cũng ví như một sự lạ thật. Lại còn có chút rượu cuốc lủi. Đởm cố ra mặt vui vẻ sau một chuyến đi lâu ngày. Trước đây Đởm làm gì có điều kiện đi đâu xa lâu vậy. Nhưng tự nhiên Đởm thấy đắng trong họng. Không nuốt nổi. Ngần thấy chồng ngắc ngứ thì bảo:
- Có phải đi xa về còn mệt không?
- Mệt!
Đởm trả lời qua quýt rồi lấy cớ mệt đi nghỉ. Nằm đâý nhưng ngủ sao nổi. Nằm mà hình dung bóng dáng thằng cha thương nghiệp huyện đã có lúc nhởn nhơ ngay trong buồng này thì làm sao mà ngủ. Đởm bật dậy. Quẹt diêm thắp đèn. Cái gì đây? Lọ đường trắng. Cái loại hàng cao cấp này thời phân phối chia chác phải có tem phiếu cán bộ mới mua nổi. Nông thôn lấy đâu ra tem phiếu? A thì ra thiên hạ họ nói có lý. Cầm lọ đường dằn trước mặt vợ, Đởm quát:
- Cái thứ này lấy đâu ra?
- Anh bình tĩnh đã nào.
- Cô giải thích đi! Nhà mình lấy đâu ra thứ này?
Thoáng một chút lúng túng, Ngần trấn tĩnh trả lời rằng đó là quà người ta cho thằng cu Ca. Thì ai cho mới được? Vòng vo ấp úng mãi rồi Ngần cũng phải thú thật, đấy là của tay Bỷ thương nghiệp huyện cho. Xoảng! Lọ đường tan tung toé. Ngần ôm mặt khóc. Thằng bé Ca ngơ ngác chẳng biết làm sao rồi cũng khóc ré lên. Muốn đấm vợ lắm, nhưng có lẽ do đức tính nhún nhường bẩm sinh, hay do tương quan sức lực, hay còn điều gì chưa tiện nói mà Đởm đã ngừng tay ngay khi bặm môi định giơ quả thủ.

Xách theo mấy chiếc đài lên chợ huyện gọi là để rao bán, Đởm rời làng Vè đi từ mờ đất. Người ta khi đã có ý đồ gì bao giờ cũng bằng mọi cách để thực hiện cho bằng được. Vừa đi vừa như lẩm nhẩm tính toán, đến khi xuýt chồ phải người đi xe đạp Đởm mới nhận ra rằng mình đã đến phố huyện. Không rẽ vào chợ, Đởm lẳng lặng đi tới khu tập thể thương nghiệp. Người nhà nước có khác, bảnh mắt rồi mới có vài nhà động đậy mở cửa.Thôn quê mà nhởn nhơ đủng đỉnh thế này chỉ có đói giã họng! Đởm nhằm thẳng căn hộ của Bỷ mà xông tới. Học mót được kiểu cách cao bồi ngổ ngáo trong phim, Đởm đón chặn Bỷ khi vừa mở cửa ra bể nước đánh răng rửa mặt.
- Anh mu...ốn mu...ốn gì?
- Muốn gì à? Vào nhà rồi khắc biết!
Đởm rút ngay khẩu súng giả như thật mua ở miền nam, chĩa vào Bỷ. Chàng cán bộ thương nghiệp quá bất ngờ, khiến không kìm giữ nổi một bộ phận nước trong cơ thể rịn ra đũng quần, chảy tong tỏng xuống nền nhà. Bỷ lùi lùi vào trong, vẫn chưa hết líu lưỡi. Đởm tiến theo từng bước.
- Ngồi xuống!
- Ngồi? Cậu... cậu... nói nho... nhỏ một chút.
- Sao mày vẫn tằng tịu với vợ tao?
- Chết! Sao bác lại nói vậy?   Phải tội nhà em.  Nhà em đâu có
chuyện đó. Bác để em thưa chuyện. 
 Đấy là tiếng người đàn bà vừa tung chăn rời khỏi giường. Chị ta trán rô, mắt sâu, miệng hơi rộng. Nhìn qua tướng mạo, giọng nói có thể đoán đây là người linh lợi đa mưu đa kế, biết tiến biết lùi. Sau cái lần xé áo xé quần Ngần mấy năm về trước, để giữ chồng, chị ta đã chuyển hẳn từ quê lên huyện xin vào nghề giữ trẻ vừa để ăn lương tem phiếu nhà nước vừa để được gần chồng dễ kiểm soát. Hành xử như lần trước có phen mất chồng như không. Mà lại dễ mang tiếng làm ảnh hưởng tới sự thăng tiến của chồng. Có biết bao chuyện đàn bà không biết giữ chồng để chuyện tung toé lên, phải thằng chồng u mê nó tếch theo gái luôn, mất cả chì lẫn chài, chả ngồi mà khóc ư? Thế cho nên không bịt mồm thằng khốn này sẽ to chuyện. To chuyện thì cả khu tập thể biết, sẽ bẽ mặt. Phải lựa lời sao cho êm thấm. Để cho Đởm cất hẳn cái khẩu súng đen đen vào túi, chị ta mới nói tiếp:
- Chuyện thế nào hả bác?
- Tôi đi vắng, anh ta thậm thụt với vợ tôi.
- Không có lẽ...
- Thì vợ tôi nói, anh ta đến cho đường...
- Trời đất ơi, tưởng gì, à chứ tôi gửi biếu đấy! Gửi cho cháu ấy
mà! Biết đằng nhà có cháu nhỏ tôi gửi một chút gọi là, nhân tiện nhà tôi đi công tác.
 Người đàn bà cao thủ đã làm nguội ngay cơn khùng của Đởm bằng những lời thật mềm mỏng, thật chân tình, thật có lý. Đá cũng phải nhũn. Như lửa gặp nước, Đởm nguội ngay. Thế là từ chỗ bừng bừng uất hận chuyển ngay sang từ tốn vị nể. Thú vị hơn, chị ta còn hẹn khi nào sắp xếp được thời giờ cả hai vợ chồng chị ta sẽ về làng Vè thăm vợ chồng Đởm và cháu Ca. Chao ôi người nhà nước nói mới ngọt ngào làm sao. Từ người đàn bà thốt ra những điều chân tình như thế thì còn gì để nghi ngờ nữa. Không nói thêm được gì, Đởm có lời xin lỗi vì sự hồ đồ rồi ra về. Bỷ ngồi há hốc mồm, thầm cảm ơn vợ đã cứu mình một bàn thua khó lòng gỡ nổi. Thoát hiểm, Bỷ thầm phục vợ nhanh trí, chứ cô ta đâu biết gì chuyện Bỷ lấy tem phiếu mua đường về làng Vè cho Ngần. May là đã bịt được ngòi chiến tranh, không để ầm ĩ khu tập thể, ảnh hưởng uy tín cán bộ, đang lúc thăm dò nhân sự lãnh đạo huyện. Còn vợ Bỷ ngoài miệng nói đỡ cho chồng nhưng trong bụng thì nghĩ chẳng oan ức gì, chẳng qua là giữ thể diện cho đức ông chồng khỏi bẽ mặt mà thôi. Lạ gì cái tính giăng gió chết tiệt từ trong chấy. Đợi cho Đởm rẽ khuất về phía chợ, vợ Bỷ mới trừng mắt nghiến răng nói buông sõng:
- Chứng nào tật ấy! Rửng mỡ cho lắm vào!

Chừng tám chín tháng sau người ta thấy có một chiếc xe máy chở một người đàn bà ăn mặc sang trọng về làng Vè. Đấy là vợ chồng Bỷ về thăm vợ chồng Đởm sinh con gái. Rồi để kết nghĩa anh em . Cũng có người bảo rằng vợ huyện Bỷ đến để xem con bé mới sinh có nét nào giống chồng mình không? Tím gan tím ruột, chứ thăm nom cái nỗi gì! Sau những lời lẽ ý tứ xã giao, sự cảm thông đã làm trọn vẹn vai trò nối tình thân hai gia đình với nhau. Gác lại quá khứ ít nhiều mờ khuyết để lo cho tương lai sáng sủa. Rất vui, vợ chồng Đởm thông báo đặt tên con gái là Ngợi để vần với thằng anh nó. Từ đó họ trở nên gắn bó thật sự. Lễ tết nào cũng tới thăm nhau. Có được chút quà người ta biếu bác Bỷ cũng gửi hai cháu cho hay ăn chóng nhớn. Lúc vui vẻ chén chú chén anh với mấy tay hàng xóm, Đởm vẫn khoe có anh chị kết nghĩa tuyệt vời. Nhưng lúc khác thì Đởm lại bảo mình mà như người ta chắc chẳng còn quan hệ gì. Phải rồi, sống cũng phải biết vị tha, cái gì cho qua được thì cho qua, cốt sao vợ mình vẫn là vợ mình.
Rồi ngày tháng dần trôi, ngoảnh đi ngoảnh lại chuyện cũ qua đi đến vài chục năm, đám trẻ đã thành thanh niên. Bỷ từ cán bộ huyện lên cán bộ hàng tỉnh. Có quyền có thế hẳn hoi. Thôi thì cũng là cơ may, khi là cán bộ thương nghiệp làm gì hỏng nấy, ấy thế mà vào chức lãnh đạo thì việc gì cũng suôn sẻ. Ai cũng bảo công đầu do bà vợ xoay trở che chắn khéo léo, kẻ cắp nấp đống rơm không lộ mới tài, chứ cứ như Bỷ thì con đường sự nghiệp chưa biết chừng đã đứt từ lâu. Thật đáng nể! Bỷ càng lên, chỗ dựa của Đởm càng chắc. Đương nhiên! Đương nhiên rồi!
Vào một buổi tối trời dâm dấp mưa, Đởm lặn lội từ làng Vè tới nhà Bỷ. Họ nói chuyện rì rầm rõ lâu. Tiếng Đởm:
- Nhưng em đâu có đủ vốn.
- Vợ chồng mình hùn vốn, lo gì!
- Thế thì mọi việc dễ dàng xong ngay!
-   Nhưng đừng để lộ có vốn của vợ chồng mình góp đấy! Thời buổi này không biết làm ăn cũng dại. Nhưng phải khéo. Tránh thiên hạ nhòm ngó xì xèo. Hừ, thời cơ phải chớp ngay! Nước chỉ chảy qua suối có một lần thôi. Mình bỏ tiền ra mua cổ phần. Mà cũng phải để mấy tay ở xã có chút quyền lợi nó mới nhiệt tình ủng hộ. 
Chẳng bao lâu sau cả cơ sở cửa hàng mua bán nông nghiệp làng Vè được chuyển nhượng cho tư nhân, thay đổi phương thức kinh doanh cho hiệu quả kinh tế. Không lạ gì việc Đởm thâu tóm cả khu vực chợ. Nhưng làm gì để cho gương mặt của chợ sinh động mới mẻ lên chứ. Đởm nhẩm tính phải biết đầu tư những cái thiết thực.Tốt nhất là tuyển mấy đứa con gái trẻ cho đi học nghề chăm sóc dung nhan cho thiên hạ. Cưới xin nhiều càng nhiều đứa cần trang điểm. Bọn con cái nhà khá tiếc gì tiền đâu. Đám thanh niên thích tóc vàng tóc đỏ, mấy ông tóc bạc thì muốn “thay mè đảo ngói”, phải biết chiều các thượng đế chứ! Còn cái cửa hàng hớt tóc gội đầu chủ yếu phục vụ mấy anh trốn vợ từ thành phố về có nơi vui vẻ. Cái mốt bây giờ nó thế! Việc này giao cho mẹ con Ngần đảm nhiệm.
Khu cửa hàng mua bán nông sản xưa thay đổi không còn lưu dấu vết gì cũ. Những chiếc đèn dầu tù mù đã lui vào quá vãng. Giờ đêm đêm điện giăng chả khác gì phố sá. Các cửa hàng đợi khách đèn xanh đèn đỏ chấp chới như ma trơi. Đởm đã thành người có máu mặt ở làng. Giàu có nên cũng có nhiều người được nhờ vả. Đởm cũng không quên tỏ ra có tấm lòng từ thiện. Danh sách ủng hộ người nghèo có tên Đởm trên hàng đầu. Các thứ dịch vụ được đưa về làng Vè. Cháu gái bà Mùi, con liệt sỹ, tuy được nhà nước dành nhiều ưu tiên nhưng ở nông thôn học hành khó khăn, chữ nghĩa chả đáng là bao, đang khi không có công ăn việc làm cũng được Đởm nhận vào làm ở cửa hàng uốn sấy nhuộm tóc thẩm mỹ. Bà cụ Mùi cảm động ứa nước mắt cảm ơn:
- Thật nà phúc đức, cháu có công ăn việc nàm. Quý hoá quá!
-    Bà yên tâm! Nàng xóm ta sẽ niên tục phát triển.
 Đởm cười khùng khục trong họng. Thật là vui hết nói.

N-B