Trang chủ » Truyện

Nhớ về một người thầy

Trần Kỳ Trung
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
Truyện ngắn

              Vừa đi, Thầy Tiếp vừa nói:
  - Em đừng giận Thầy trong giờ toán vừa rồi. Thầy làm như vậy để muốn em sau này có bản lĩnh  trong cuộc sống. Trong cuộc sống, mình  phải làm chủ bản thân, không nhờ vả ai cả. Em phải có lòng tự trọng, tự mình giải được bài toán này, còn có điều gì không hiểu ... em cứ đến nhà Thầy.
 Rồi Thầy nhìn tôi, ánh mắt hơn phân vân :
  - ...Thầy muốn nhờ em một việc...
 Không biết Thầy nhờ tôi việc gì? Tôi chờ đợi.
 Thầy Tiếp dắt chiếc xe đạp Trung Quốc hiệu Phượng Hoàng đã cũ đi bên cạnh tôi, chân đi cà nhắc, khó nhọc. Mấy hôm nay trời trở lạnh đột ngột, nhiệt độ xuống thấp làm cho bệnh khớp của Thầy tái phát. Đầu gối bên trái  sưng to, nhức buốt đến độ không thể đạp xe, nhưng Thầy vẫn cố đến lớp dạy chúng tôi.
 Thầy dừng lại, nét mặt hơi nhăn như cố chặn cơn đau đớn, nói ngắt quãng với tôi:
  -Thầy biết Mẹ của em làm cửa hàng trưởng cửa hàng thương nghiệp. Thầy muốn nhờ em nói với Mẹ, Mẹ có thể giải quyết cho Thầy mua mấy cái thùng gỗ  không còn đựng hàng nữa, được không ? Thầy mua chứ không xin Mẹ.
 Thời bao cấp khổ là như vậy, cái thùng gỗ bỏ đi, xin mua cũng không phải là dễ, nhưng việc này trong tầm tay của Mẹ tôi. Tôi gật đầu, nói với Thầy:
  - Thưa Thầy ! Em sẽ nói chuyện này với Mẹ. Em tin chắc Mẹ sẽ giải quyết được.
 Nghe tôi nói như vậy, nét mặt của Thầy có vẻ vui, nhưng cũng không dấu được cơn đau do bệnh khớp hành hạ:
  - Nếu mẹ em giải quyết cho Thầy mua mấy thùng gỗ bỏ không đó, Thầy cảm ơn Mẹ của em lắm.
 Nói xong Thầy dắt xe đi. Dáng Thầy gầy, tóc bạc trắng. Thầy khoác bên ngoài một chiếc áo bông màu xanh bạc, sờn hết cả gấu, đi khó nhọc bên cạnh một chiếc xe đạp trong chiều đông lạnh, trông thật tội.
 Trong lớp, tôi gần như là một học sinh dốt toán nhất.  Giờ toán của Thầy Tiếp, cả lớp ai cũng thích, vì cách giảng lôi cuốn, dễ hiểu của Thầy.  Riêng tôi, lại rất sợ, cũng không hiểu vì nguyên nhân nào? Biết tôi sợ môn toán, Thầy Tiếp lại hay gọi tôi lên bảng. Thấy tôi không làm được bài tập, Thầy không bao giờ động viên mà chỉ có cái nhìn nghiêm khắc. Khi tôi bí thực sự, thầy mới nói một số gợi ý để tôi làm và lời dạy:
  - Bài dễ thế này mà em không làm được, phỏng sau này ra đời em sẽ làm được những điều gì lớn lao! Em về nhà suy nghĩ lại cách giải theo gợi ý của Thầy. Gìơ toán hôm sau, Thầy sẽ gọi em lên bảng giải cho cả lớp xem bài toán này.
 

Tôi ngập ngừng nói với Thầy :
  - Thưa Thầy, em thấy bài toán này khó quá... Em sẽ nhờ...
 Chỉ mới nghe tôi nói như vậy, Thầy Tiếp lấy tay cầm cây thước dài gõ mạnh vào mặt bàn giáo viên, tiếng gõ của cây thước làm cho tôi giật mình. Thầy nhìn tôi, nói nghiêm khắc :
  - Em nói thế mà không thấy xấu hổ sao ? Em phải có lòng tự trọng chứ. Sắp tới thi tốt nghiệp, vào phòng thi em định nhờ vả ai? Hơn nữa sau này em ra ngoài đời...- Thầy lắc đầu -  Em phải biết, sự nghiệp của mình mà phải đi nhờ vả là rất nhục. Thầy không muốn có một học sinh do Thầy dạy, lại là người như vậy.- Thầy nhắc lại với tôi lần nữa - Thầy muốn em là một người có lòng tự trọng!
 Thầy Tiếp dạy tôi như thế, thế mà trên đường về chỉ còn tôi với Thầy, Thầy lại đặt vấn đề nhờ vả Mẹ của tôi, cho Thầy xin mua mấy thùng gỗ bỏ không.
 Tự nhỉên tôi nghĩ, lời nói của Thầy có khi... không đi đôi với việc làm, sống trong xã hội này làm sao không phải nhờ vả . Nhưng... điều đó không quan trọng, không thúc bách cho tôi suy nghĩ thêm. Cái chính, chính lời nói của Thầy trong giờ Toàn chiều nay đã chạm vào tự ái của tôi. Tôi không phải là người như Thầy đánh giá, tôi sẽ làm được bài toán này. Suốt cả buổi tối hôm đó tôi lao vào công thức, hình vẽ... với quyết tâm giải bằng được bài toán .
 Gần mười hai giờ đêm tôi mới giải xong bài toán, tìm đúng đáp số. Tự tôi, tôi cũng có thể tự mình làm được bài toán này, không phải nhờ vả ai. Tất nhiên trong chuyện này - Tôi nghĩ - khác hẳn chuyện Thầy nhờ mẹ tôi giải quyết mua mấy cái thùng gỗ.
 Giấc ngủ nhẹ nhàng kéo đến.
 Hôm sau tôi lên lớp, tôi háo hức chờ đợi đến giờ toán của Thầy Tiếp với tâm trạng phấn khích. Lời giải bài toán gần như tôi đã thuộc lòng. Tôi tin, khi Thầy tiếp gọi tôi lên , tôi sẽ chép lời giải bài toán một cách liền mạch. Tôi có quyền tự hào, mình không phải là người như Thầy đã đánh giá.
 ...Đến giờ toán của Thầy Tiếp, tiếng trống báo giờ vào lớp đã lâu, vẫn không thấy Thầy Tiếp đến. Đây là điều chưa từng có trong giờ toán của lớp tôi, bao giờ Thầy cũng đến đúng giờ.
 Cả lớp tôi ngơ ngác.
 Có tiếng chân người bước gấp gáp ngoài hành lang, chúng tôi ngồi trong lớp cùng nhìn ra. Thầy Hiệu trưởng bước vội vào lớp, trên nét mặt Thầy giàn giụa nước mắt. Thầy Hiệu trưởng báo với chúng tôi một tin, chúng tôi nghe mà không thể hiểu được, sao lại có chuyện vô lý đến như thế!
  - Các em - Thầy Hiệu trưởng nhìn cả lớp, nói nghẹn ngào - Thầy Tiếp mất đột ngột tối hôm qua vì bệnh khớp. Bệnh khớp của Thầy quá nặng. Đã mấy lần Ban giám hiệu nhà trường đề nghị  Thầy Tiếp nghỉ để chữa bệnh, Thầy Tiếp không chịu... để bây giờ là thế này. Đau xót quá ! Giờ toán hôm nay Ban giám hiệu nhà trường cho phép lớp các em tạm nghỉ.
 Nói xong Thầy Hiệu trưởng lấy tay chùi nước mắt, vội đi sang lớp khác.
 Cả lớp tôi oà khóc .
 Khóc to nhất là thằng Bình, ngồi cạnh tôi. Nhà Bình rất nghèo, nhưng nó lại học rất giỏi toán. Bình vừa khóc, vừa kể lể với tôi:
  - Mới tối hôm kia, trời rét như thế Thầy lại đau chân, Thầy vẫn đến thăm gia đình tao.Thấy tao  không có bàn để ngồi học, phải ngồi học ở giường, Thầy bảo,  học như vậy không đảm bảo sức khoẻ, Thầy sẽ tìm gỗ, đóng cho tao một cái bàn mới...
 Bình gục đầu xuống bàn, khóc nức nở:
  -...Thế là, em chưa thấy cái bàn Thầy đóng cho em... Thầy lại đi, Thầy ơi!
 Nghe Bình nói vậy, tôi lặng người.
 Đau đớn!