Trang chủ » Truyện

Truyện ngắn mini Trung Quốc được ưa thích

Tác giả Trung Quốc
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

TP - Ra mắt bạn đọc từ năm 1984, Bán nguyệt san “ Truyện mini chọn lọc” (Vi hình tiểu thuyết tuyển san ), một ấn phẩm của Nhà xuất bản Văn nghệ Bách Hoa Châu, là một tạp chí thuần túy văn học có số lượng phát hành cao nhất ở Trung Quốc hiện nay, bình quân mỗi kỳ ấn hành trên 70 vạn bản.

Hàng năm, tạp chí “ Truyện mini chọn lọc” đều tổ chức hoạt động người đọc cả nước bình chọn “ Truyện mini tôi ưa thích nhất”.  Hoạt động bình chọn “ Truyện mini tôi ưa thích nhất” năm 2006 được tổ chức từ cuối tháng 1 – 2007, thu được 862 phiếu bầu hợp lệ của bạn đọc toàn lãnh thổ Trung Quốc.

Kết quả đã bình chọn được “Mười truyện mini được người đọc ưa thích nhất” năm 2006, xếp thứ tự theo số phiếu bầu chọn như sau:

1- Trưởng thôn là con chó của  Trần Vĩnh Lâm; 2- Hổ bán nước tiểu của  Tần Đức Long; 3- Ăn chứng cứ của  Tần Đức Long; 4- Nghèo cũng phải là nghèo có tính báo chí của Lưu Sa; 5- Tình cha cay đắng của Vương Hy Chương; 6- Ngưu hoàng của Tôn Phương Hữu; 7- Nơi lãnh đạo đi qua của Lưu Quốc Phương; 8- Quá trình của An Dũng; 9- Mẹ phải làm gương cho con của Lưu Hâm; 10- Bữa trưa miễn phí của Lưu Tâm Võ;

Dưới đây là “Một số truyện mini được người đọc Trung Quốc ưa thích nhất”, qua bản dịch của Nhà báo – Dịch giả VŨ PHONG TẠO , từ nguyên văn tiếng Trung Quốc, đã đăng trên tạp chí “Truyện mini chon lọc”, năm 2006.

Trưởng thôn là con chó

Mấy phòng học của Trường Tiểu học thôn vừa xây xong, đột nhiên bị sập rồi. Qua một đêm, tóc trưởng thôn đã bạc trắng hết rồi. Trưởng thôn nói với con trai:

- Bố không muốn những năm cuối đời lại phải sống trong tù ngục.

Con trai an ủi bố:

- Bố ơi! Không sao đâu!

- Vẫn còn không sao ư? Bố đã nhận của Cẩu Tài năm vạn đồng. Nhưng lòng Cẩu Tài quá đen, xi măng mua đều là hàng kém phẩm chất, còn quá hạn dùng nữa. Ôi! Ôi! - Trưởng thôn thở dài mãi.

Khi ấy, một chiếc xe cảnh sát hú còi, chạy vào thôn, cảnh sát bắt Cẩu Tài đi rồi.

Trưởng thôn nói:

- Người bị bắt tiếp theo sẽ chính là bố đấy! Cẩu Tài tuyệt đối sẽ khai báo, đến lúc ấy nhất định sẽ lôi những chuyện khác của bố ra!

- Bố ơi! Bố trốn đi!

- Trốn đến chân trời góc biển nào, cảnh sát cũng bắt được bố.

Lúc ấy, con chó nhà trưởng thôn sủa oăng oẳng, chó đói rồi, nó đi tìm trưởng thôn đòi ăn. Trước đây, trưởng thôn không phải cho chó ăn bao giờ, chó đi đến nhà ai, nhà ai cũng cho chó ăn. Nhưng bây giờ, chẳng những không có ai cho nó ăn, mà nó vào nhà ai, nhà nấy cũng vác đòn gánh đuổi nó đi. Trưởng thôn trông thấy chó, mắt lóe sáng lên, nói:

- Để bố biến thành chó đi!

Trưởng thôn cầm lấy giây thừng, thòng vào cổ chó. Trưởng thôn cùng con trai mỗi người nắm một đầu giây thừng, co kéo thục mạng. Một lát sau, con chó bèn nằm bẹp trên mặt đất. Trưởng thôn lột da chó, sau đó cởi quần áo của mình, khoác da chó lên cơ thể mình. Lại bảo con trai lấy giây gai khâu kín những chỗ hở.

Ngày hôm sau, xe cảnh sát hú còi đến, dừng lại trước nhà trưởng thôn. Từ trên xe, có hai viên cảnh sát bước xuống. Nhìn thấy cảnh sát, trưởng thôn hãi quá chúi vào trong góc tường, toàn thân run lên bần bật. Cảnh sát hỏi con trai trưởng thôn:

- Bố anh đâu?

Con trai trưởng thôn nói:

- Tôi không biết! Tối hôm qua đã không thấy về nhà!

Cảnh sát lục soát khắp nhà mấy lượt, lên xe, đi luôn.

Nửa tháng sau, da chó dính chặt lên người trưởng thôn. Trưởng thôn cũng không biết nói nữa, chỉ biết sủa oăng oẳng. Trưởng thôn trở thành một con chó thực thụ. Nửa tháng này, chó không ra cổng, cứ nằm lỳ ở trong nhà. Chó sợ dân làng nhìn ra tung tích, phát hiện ra nó là trưởng thôn. Nửa tháng này, chó cảm thấy buồn bực muốn chết. Nó phải ra ngoài cổng thư giãn tâm tình.

Người đầu tiên mà chó nhìn thấy là Thanh Sơn. Chó chào Thanh Sơn: Gâu gâu! Thanh Sơn thân mật vỗ vỗ nhẹ lên đầu chó, nói: Đợi đấy, tao đi lấy hai cái bánh bao nhân thịt cho my ăn! Chó nghĩ, cậu Thanh Sơn này tốt thật. Lát sau, tay Thanh Sơn xách hai cái bánh bao nhân thịt nóng hôi hổi lại. Chó ngửi thấy mùi thơm, thèm nhỏ rãi ra. Thanh Sơn đặt bánh bao nhân thịt xuống đất, nói: Ăn đi!  Chó thấy bánh bao nhân  thịt có vết khứa ra, bèn đưa mũi lại gần ngửi ngửi, ngửi thấy mùi thuốc chuột. Chó sủa oăng oẳng. Mau đến nào, ở đây có hai cái bánh bao nhân thịt! Con chó nhà Thanh Sơn chạy đến trước, đớp một miếng cả hai cái bánh bao nhân thịt. Vài phút sau, sùi bọt mép lăn đùng xuống đất.

Rốt cuộc, Thanh Sơn đánh bả chết chó nhà mình, tức muốn chết, càng muốn đánh chết con chó nhà trưởng thôn. Thanh Sơn vác cuốc ra đánh chó. Chó chạy vong mạng, Thanh Sơn đuổi theo vong mạng. Có mấy người làng từng bị chó của trưởng thôn cắn chết gà, cắn trẻ con bị thương cũng vác đòn gánh, cuốc xẻng chạy theo Thanh Sơn.

Hai Ngố cũng vác cuốc tới. Nhưng Hai Ngố không đánh chó, mà cứu chó. Hai Ngố trẻ tuổi, chạy nhanh hơn, cậu ta đuổi kịp Thanh Sơn, cản đường Thanh Sơn. Hai Ngố nói:

- Anh muốn đánh chết chó, trước tiên phải được tôi đồng ý đã!

Thanh Sơn nói:

- Con chó này trước kia ỷ thế chủ nhân là trưởng thôn, đã làm mọi chuyện xấu xa trong làng. Người làng đều muốn đánh chết nó, nhưng không dám. Bây giờ, trưởng thôn phạm pháp bỏ trốn khỏi làng, chúng ta nhất định phải đánh chết con chó hại người này.

Hai Ngố nói:

- Tôi nói không được là không được. Nếu anh đánh chó, thì ngay bây giờ tôi đi đốt nhà của anh đấy!

Hai Ngố quay người chạy trở lại. Trong đầu của Hai Ngố có chút vấn đề. Hai Ngố trước đây cũng đã đốt nhà của người ta, nhưng cảnh sát cũng không tài nào bắt được anh ta, nói rằng anh ta bị bệnh thần kinh, không phải chịu trách nhiệm pháp luật. Nếu như nhà bị Hai Ngố đốt cháy thật, thì cũng bị cháy oan uổng mà thôi. Thanh Sơn vội kéo lại: Đừng, đừng ! Tao không đánh chó nữa, được chưa? Hai Ngố chậc chậc gọi chó, con chó ngoan ngoãn nghe lời chạy đến, chó theo sát sau Hai Ngố. Hai Ngố ôm chặt cổ chó, nói với người làng: Từ nay về sau, ai mà làm rụng một sợi lông của chó, thì tôi đốt cháy nhà của người ấy! Thanh Sơn hỏi: Vì sao, cậu lại bảo vệ con chó này? Trước đây con chó này đã từng cắn chết gà của nhà cậu cơ mà! Hai Ngố nói: Nó là chó của trưởng thôn. Mẹ tôi nói trưởng thôn là bố đẻ của tôi!  Thanh Sơn à một tiếng: Thảo nào cậu phải cứu con chó này!  Người làng đều đã đi khỏi.

Hai Ngố vỗ vỗ đầu chó: Đừng sợ! Còn có tao, không ai dám làm mày bị thương đâu! Chó cảm động kêu ư ử, còn thè lưỡi ra liếm tay của Hai Ngố.

Nhưng, chó không dám coi thường lại ra khỏi cổng nữa, sợ bị người làng đánh chết. Nếu như, chó bị đánh chết thật, không ai nhận lỗi, Hai Ngố cũng không thể tìm ra ai đánh chết nó, thế là nó sẽ chết hoài chết phí. Chó chỉ đợi Hai Ngố đến, mới cùng Hai Ngố ra khỏi cổng thư giãn tâm tình.

Con trai nói với chó: Bố ơi! Cuộc sống tốt đẹp của bố sắp đến rồi. Một người bạn thời đại học của con hiện đang làm chủ tịch huyện, con không phải đi dạy học nữa, anh ấy chấp nhận nguyện vọng của con, cho con làm phó chủ tịch của xã ta!

Chó phấn khởi quá sủa oăng oẳng mãi không thôi.

Không lâu sau, con trai của trưởng thôn làm phó chủ tịch xã thật. Cuộc sống tốt đẹp của chó cũng đến thật. Người làng hễ nhìn thấy chó, bèn lấy cái ngon cho chó ăn. Thanh Sơn lần đầu tiên đem sườn xào chua ngọt cho chó ăn, cứ ngờ chó còn nhớ thù xưa, sẽ không ăn. Chó đã ăn, Thanh Sơn cực kỳ cảm động, cảm động đến nỗi nước mắt trào ra. Thanh Sơn vuốt đầu chó, nói: Mày là một con chó tốt, vừa thông minh, lại tốt bụng, khoan dung độ lượng. Tao phải học tập mày đấy!

Con chó này không giống con chó trước kia nữa, con chó trước kia thích ăn gà sống, con chó này không thích ăn những thứ sống sít, cho nên cũng không cắn chết một con gà nào, càng không cắn trẻ con bị thương. Con chó này lại thông tỏ tình người, biết chiều ánh mắt của người khác, biết ai vui ai không vui, còn biết lịch sự, hễ gặp người là biết oăng oẳng chào hỏi.

Vì thế mà người toàn thôn đều rất thích con chó này.

Nhà ai có đồ ăn ngon, đều cho chó ăn thỏa thuê trước. Có một người trong làng làm lễ đặt nóc nhà, lúc đầu muốn mời phó chủ tịch xã, phó chủ tịch xã bận, không đến dự được. Người này đã mời chó đến, còn xếp cho chó ngồi bàn thượng. Xem ra, chó rất khoái ngồi bàn thượng, nó ngồi lên ghế bành cảm động đến mức đu đưa chân cẳng, còn sủa oăng oẳng nữa chứ!

Sau đó, nhà ai có tiệc hiếu hỉ, chó đều tự động nhảy lên vị trí ghế trên, ngồi xuống.

Dần dần, trong làng bất kể nhà ai có tiệc vui, chỉ cần phó chủ tịch xã không đến dự, thì vị trí ghế trên đều giành cho chó ngồi. Phó chủ tịch xã đến dự, ghế trên lại thuộc về phó chủ tịch xã ngồi.

Cuối năm, thôn tổ chức hội nghị bầu trưởng thôn.

Phó chủ tịch xã ngồi trên Đoàn chủ tịch, nói:

- Mọi người thử nghĩ xem, ai xứng đáng làm trưởng thôn?

Thanh Sơn đứng phắt dậy nói:

- Tôi cảm thấy chó xứng đáng nhất làm trưởng thôn…

Phó chủ tịch xã chưa lường đến cơ sự này, chưa phản ứng ngay kịp. Thanh Sơn tiếp tục nói:

- Tôi cảm thấy chó thông minh hơn chúng ta rất nhiều, trên thân thể của nó có rất nhiều ưu điểm mà rất nhiều người chúng ta không có, lòng dạ tốt, không thù oán dai,…

Chó gâu gâu sủa. Thanh Sơn nói: Xem đó, xem đó, con chó này cũng muốn làm trưởng thôn đấy!.

Phó chủ tịch xã nói: Để chó làm trưởng thôn, điều này không thích hợp lắm phải không? Vạn nhất lên trên xã, lên trên huyện họp hành, thì làm sao có thể cho một con chó đi họp chứ!.

Thanh Sơn nói: Điều này thì có gì  là không thích hợp chứ? Nếu như lên trên xã, lên trên huyện họp hành, có thể nhờ phó chủ tịch xã đi, sau đó, phó chủ tịch xã truyền đạt nội dung hội nghị.

Phó chủ tịch xã nói: Dân làng đều đồng ý cả chứ?

Người làng nói: Đồng ý!.

Thanh Sơn nói: Có ai không đồng ý không? Ai không đồng ý xin giơ tay… Xem kìa, xem kìa, không có một người nào không đồng ý. Một trăm phần trăm phiếu thông qua!

Phó chủ tịch xã nói: Dân làng đã mãnh liệt yêu cầu bố, à không, chó làm chủ nhiệm thôn, cũng tức là trưởng thôn như bà con thường nói, thế thì chúng ta thuận theo ý dân, tôi thay mặt chính quyền xã tuyên bố: Chó trúng tuyển làm chủ nhiệm thôn!.

Dân làng đều vỗ tay. Những tiếng vỗ tay đì đẹt như pháo tép nổ.

Thanh Sơn cũng được dân làng bầu làm Phó trưởng thôn.

Trần Vĩnh Lâm

 

Hổ bán nước tiểu

Hổ bán nước tiểu rồi, vườn động vật bán nước tiểu hổ rồi.

Vườn động vật đã tung ra quảng cáo rất bắt mắt : Đàn ông muốn mạnh mẽ, xin mời uống nước tiểu hổ !  Nhân dân thành thị xem quảng cáo, xách lọ xách xô, đua nhau đến vườn động vật. Chẳng những đàn ông đến rất nhiều, mà đàn bà đến cũng không ít.

Quả thật, giá tiền nước tiểu hổ không rẻ, mỗi 100 cc bán 30 đồng ( mỗi đồng nhân dân tệ tương đương hai ngàn đồng Việt Nam - ND ). Chê đắt, thì bạn đừng mua, bạn không mua, sẽ có người khác mua. Cần biết rằng, nước tiểu hổ không thể so sánh được với nước tiểu người, cứ cởi quần ra, muốn có là có. Nước tiểu hổ là tài nguyên sinh thái có tính hiếm hoi. Muốn lấy nước tiểu hổ, chuyện thương lượng với hổ có dễ dàng đâu ?  Làm không khéo, không phải là bạn uống được nước tiểu của hổ, mà là hổ sẽ đòi uống máu của bạn đấy!

Hổ không dễ thương lượng đâu, nước tiểu hổ không thể cứ đứng đợi là có thể lấy được. Vườn động vật đã nghĩ ra biện pháp, tổ chức những người mua nước tiểu hổ lại, yêu cầu mọi người huýt sáo cho hổ nghe. Giống như xi cho trẻ con mới đẻ đái, vừa huýt sáo lên, hổ bèn có phản ứng sinh lý, nước tiểu hổ bèn chảy ra rất thông suốt. Lúc đó, khẩn trương đem lọ đến hứng, chiết vào trong rượu trắng, uống ngay tại chỗ, hiệu quả tốt nhất.

Ngoài ra, cũng còn có cách khác, tức là xả nước cách tường, làm cho nước máy chảy rào rào, cũng tức là lợi dụng nguyên lý phản xạ có điều kiện, kích thích cho hổ đi tiểu. Hổ nghe thấy tiếng nước chảy bên kia tường, nghi là tiếng đồng loại đi đái, nên cũng sinh ra ý muốn đi tiểu, thế là cũng đi tiểu một cách quên mình.

Đương nhiên, hai cách này còn phải dùng phương tiện khoa học kỹ thuật cao để phối hợp. Nếu không, nước tiểu hổ sẽ bị chảy mất. Được sự gợi ý từ những sản phẩm sử dụng trong sinh đẻ có kế hoạch, vườn động vật chế tạo cho hổ loại bao cao su cỡ đặc biệt. Bao cao su chuyên dùng, bảo đảm chắc chắn nước tiểu hổ không rớt mất một giọt nào. Ha ha, con hổ to như thế, mà dưới bụng lại mang bao cao su, thật là hoạt kê hết chỗ nói! Quả thực, chỉ một khoản quan sát thưởng thức hổ mang bao cao su thôi, cũng đã là một điểm bán hàng mới ăn khách rồi !

Nhưng mà, nguồn tài nguyên có hạn, nước tiểu hổ cung không đủ cầu. Người xếp hàng rất nhiều, lượng nhu cầu nước tiểu hổ rất lớn. Biết làm thế nào đây ? Có người đã nêu ra ý kiến quan trọng, cho hổ uống nhiều nước. Uống nhiều nước, thì sẽ đái nhiều. Song, uống nhiều nước không phải là uống nhiều nước máy, mà là uống nhiều nước trà, nước trà lợi tiểu mà! Đương nhiên, cũng có thể cho uống nhiều sữa bò, bởi vì sữa bò thành phần dinh dưỡng cao, có thể nâng cao chất lượng của nước tiểu hổ. Đã liên hệ tốt với nông trường nuôi bò sữa, sữa bò của nông trường bò sữa quá dư thừa, hàng ngày đều phải đổ đi một số sữa bò tươi mới. So với đổ đi, chi bằng cho hổ uống hết.

Còn nữa, biểu hiện của hổ không tốt . Huýt sáo rồi, trà uống rồi, sữa bò cũng uống rồi, nhưng hàng ngày hổ vẫn chỉ đái thêm vài giọt nước tiểu. Có người đã nhìn ra, hổ thèm ăn thịt cơ! Nhưng lấy đâu ra tiền  mà mua thịt cho hổ ăn chứ ?  Thế là lại có người kiến nghị, mở  cuộc Hội thảo khai thác  nguồn tài nguyên nước tiểu hổ, phát động chuyên gia và nhân sĩ  các giới nghĩ biện pháp, hiến kế sách  nhằm cao sản tăng thu nước tiểu hổ.

Đây quả là một biện pháp hay. Vườn động vật mời chuyên gia trên thành phố của tỉnh, toàn thể công nhân viên của vườn động vật đến dự hội thảo. Mỗi thành viên dự hội thảo đầu tiên được uống một lon coca pha nước tiểu hổ, để kích thích sức tưởng tượng và óc sáng tạo. Có nhân vật của công chúng đằng hắng lấy giọng, âm thanh như chuông, nói: Hổ là vua của bách thú, ở trong rừng, chỉ cần cao hứng là hổ có thể ăn tươi nuốt sống bất cứ một con động vật nào. Hổ là động vật ăn thịt, chỉ có sau khi ăn thịt, mới có thể đem lại sức sống thịng vượng, cũng mới có thể bài tiết ra nhiều phân và nước tiểu. Hiện tại, hổ không ở trong rừng, bị nhốt trong vườn thú, không thể tùy tiện ăn loại động vật khác. Thế thì, phải chăng có thể suy nghĩ  cho các động vật khác thi thố tài năng của mình, kiếm tiền cho hổ, đem những đồng tiền ấy mua thịt cho hổ ăn được không?  Hổ được ăn thỏa mãn, vấn đề nguồn nước tiểu được giải quyết thông đồng bén giọt đó sao?.

Lời phát biểu của nhân vật của công chúng , được hưởng ứng vỗ tay nhiệt liệt, gợi ý luồng suy nghĩ của mọi người. Thế là, bắt đầu từ nước tiểu hổ, mọi người đề ra những phương án thao tác khả thi. Chủ yếu có : Cho bò cái bán sữa, cho công bán lông, cho hỉ thước bán trứng, cho cá nược múa khỏa thân, cho họa mi hát sô, cho cáo bán dâm, cho cú bán cười,v.v… Cũng có nghĩa là nói, cho tất cả các loài vật được khai thác triệt để tài nguyên của thân xác mình, kiếm lấy nhiều tiền. Đương nhiên , phải với tiền đề là bảo vệ tốt những loài động vật này. Ví dụ: Mỗi ngày chỉ cho công bán một cái lông, không được bán thêm một cái. Phải cho họa mi uống thuốc nhuận họng, một ngày ba lần, mỗi lần một viên. Cần phải cho bò sữa mặc nịt vú, bảo đảm cho bò sữa không mắc bệnh về tuyến sữa…

Đây quả thật là Diễn đàn về nước tiểu hổ thượng đỉnh, thành quả nghiên cứu chưa từng có. Hội nghị chẳng những giải quyết vấn đề nước tiểu hổ, mà còn thúc đẩy việc khai thác hữu hiệu nguồn tài nguyên của những loài động vật khác. Sau hội nghị, vườn động vật có sự thay đổi đáng mừng. Chỉ trong một đêm, đã xuất hiện hàng loạt vườn trong vườn.  Đúng thế, du khách mỗi khi bước vào một khu vườn nhỏ, đều lại phải mua vé vào cửa, nếu không, thì không được quan sát thưởng thức những màn biểu diễn  của động vật có liên quan.

Thế nhưng, theo đà mở rộng một cách phổ biến những vườn trong vườn, ngược lại du khách giảm xuống rõ rệt. Hứng thú của mọi người hình như đã thay đổi, người đến mua nước tiểu hổ cũng không thấy nhiều nữa.

Nghe nói, trong xã hội đã bắt đầu thịnh hành việc uống loại canh hồi long rồi. Cũng có thể nói mọi người đã bắt đầu uống nước tiểu của chính mình rồi. Đặc biệt là, những người cầm tinh con hổ, rất tin tưởng món này.

Tần Đức Long

 

Tình cha cay đắng

Năm mười sáu tuổi, cha đưa tôi đến một Trung tâm huấn luyện vi tính, học một khóa máy vi tính. Những mệnh lệnh thao tác khô khan ấy, rất mau chóng khiến cho tôi mệt mỏi chán nản. Dần dần, hễ rỗi rãi là tôi mò đến một quán internet có tên là Sáng thế kỷ ở gần đấy, chơi trò chơi điện tử, những kiến thức về máy vi tính học chưa được bao nhiêu, nhưng đã làm cho tôi mê muội trò chơi điện tử thần kỳ xuất quỷ nhập thần này, thường thường chơi thâu đêm suốt sáng.

Chủ quán internet là người đàn ông trung niên đầu sớm hói, trong rất nhiều dân chơi lên mạng, ông chỉ đặc biệt có ác cảm với tôi, một học sinh này, cứ đi đi lại lại giáo huấn tôi hai câu này: Ham chơi mất chí, từ này cháu có hiểu không?

Trên đời này đâu có đạo lý chủ quán lại muốn đuổi khách hàng ra khỏi cửa? Những lời ông chủ cảnh báo, tôi bỏ ngoài tai, chỉ cốt sao được ở trong quán  internet chơi tối ngày sáng đêm.

Chính vào cái ngày hôm ấy, cha từ nhà quê lên thành phố thăm tôi. Tôi đang mê chơi trò Xác chết và hiệp khách, đột nhiên nghe thấy đằng sau có một tiếng nói: Hay! Tinh vi quá, an nhàn quá!.

Câu nói đó rất quen tai, ở trên thành phố, phương ngôn thổ ngữ cực kỳ hiếm thấy. Tôi ngẩng phắt đầu lên, chỉ thấy cha tôi không biết đã đứng ở sau lưng tôi tự bao giờ. Trong giây phút ấy, tôi có cảm giác kẻ cắp bị bắt quả tang, có tật giật mình, vội đứng phắt dậy, buông thõng hai tay mà đứng nghiêm. Ngược lại, cha lại nắm chặt tay tôi với một thái độ rất lạ lùng, có vẻ say sưa, nói: Chương Tử, tinh vi quá, nào, tiếp tục chơi!.

Có nằm mơ tôi cũng không ngờ được rằng cha chẳng những không mắng chửi tôi, mà còn bảo tôi hướng dẫn ông chơi trò chơi điện tử. Cha tôi nói: Chương Tử, cha mày là lão già nhà quê, chẳng biết chơi trò gì, hôm nay, mày dạy tao chơi cái trò chơi mới mẻ khoa học kỹ thuật cao này đi, để cha mày cũng được thể nghiệm cái thần kỳ của trò chơi trên mạng một tý!.

Tôi phấn khởi nắm chặt tay cha, dạy ông sử dụng bàn phím như thế nào, rê con chuột như thế nào, đỡ đòn như thế nào, đánh đòn như thế nào. Không ngờ cha tôi lại học nhanh đến thế, chưa đến ba phút, ông đã quên mình đắm chìm vào trong cái trò chơi mê người này.

Đã mấy lần, tôi đều muốn hỏi ông: Bố, bố lên thành phố, có mang lên cho con tiền sinh hoạt phí không? Nhưng, nhìn thấy cha đã mê đến nỗi quên mình, cuối cùng tôi không tìm ra cơ hội mở mồm.

Nhoáng một cái bẩy ngày đã trôi qua. Trình độ chơi của cha tôi ngày càng cao minh, cũng ngày càng mê say nghiện ngập, mấy ngày đêm liền chơi thâu đêm suốt sáng trong quán internet, không nỡ rời xa nữa. Trong khi đó, trong túi áo tôi chỉ còn lại có ba mươi đồng tiền. Cha tôi mỗi tháng ăn tiêu tằn tiện, gửi cho tôi bốn trăm đồng sinh hoạt phí, ngược lại tôi đã dốc nó hết vào trò chơi điện tử mê người này. Xem ra, mới chưa qua nửa tháng, túi áo của tôi đã rỗng không rồi, vào lúc này lại đòi tiền cha, bảo làm sao mà tôi mở mồm mở miệng ra được chứ? Không ngờ, có một sự kiện phát sinh làm cho tôi trố mắt cứng họng.

Ngày hôm ấy, cha tôi hỏi tôi: Chương Tử, trong người còn tiền không? Đưa ra đây, để cha cũng chơi cho đã ghiền!.

Vừa nghe câu hỏi ấy, đầu óc tôi ong ong lên, cảm thấy như muốn vỡ tung ra. Cha tôi không có bạn bè, không có thân thích trong thành phố, trong người không có tiền, thì ăn gì, ở đâu đây? Trở về nhà thế nào đây? Cha tôi là một quân nhân phục viên, chỉ nghe nói trong thành phố có một chiến hữu của ông tên là Phương Bá Hùng, trước kia cha tôi đã bảo tôi đi tìm bác ấy, nhưng tôi đâu có tâm tư đi tìm những người kiểu cổ bản cứng nhắc  như vậy. Cha tôi đã đến thành phố, nhưng cũng không nghe thấy cha nhắc đến bác Phương Bá Hùng ấy, ai biết ở trong thành phố này, cha tôi có một người chiến hữu như thế không?

Giữa chừng, ông chủ quán internet hói đầu đã đến thúc nộp tiền trò chơi điện tử mấy lần. Mỗi giờ hai đồng, kết toán lại, cha tôi đã nợ tới ba trăm đồng. Trước mắt, cha tôi đã lục hết các túi áo của ông, nhưng chẳng tìm ra một xu nào, lúc ấy tôi mới âm thầm mà cuống quýt lên.

Ông chủ quán internet quắc đôi mắt hung dữ chưa từng có lên, đe nẹt nói nội trong ba tiếng đồng hồ nếu không trả hết nợ thì sẽ kéo cha tôi lên đồn công an. Cha tôi trố mắt ra nhìn tôi, tôi lấp lé liếc nhìn kiểu cách không đòi được nợ không chịu thôi của ông chủ quán internet, tự nhiên tim tôi đập thình thịch.

Tôi tháo chiếc đồng hồ đeo tay đã mua bằng tám mươi đồng tiền cha tôi gửi cho, để thế chấp nợ, nhưng ông chủ quán internet vẫn không thèm mảy may để ý.

Khi ấy, tôi nhìn thấy cha tôi chỉ lên chiếc áo khoác ni lông vừa mới mua hồi tết nguyên đán nay đang mặc trên người, sợ sệt nói: Hay là, tôi, tôi cởi chiếc áo này gán cho ông?.

Ông chủ quán internet khịt mũi một tiếng, nói: Hừ! Một chiếc áo cũ của người nhà quê, thì đáng giá mấy đồng tiền ?.

Người đến xem vòng trong vòng ngoài, vây kín chúng tôi, đến nước cũng không rỉ ra được. Tôi lao như điên ra khỏi đám đông, đi tìm những bạn học thân quen để mượn tiền, nhưng khi nhìn thấy tôi, họ hoảng hốt tránh xa, như gặp ông thần gây ra ôn dịch.

Trời ơi! Lúc này, tôi đến đâu kiếm ra tiền để giải cứu cha tôi đây?. Tôi cuống cuồng như kiến bò trong chảo nóng, nói lẩm bẩm mãi trong lòng.

Khi tôi trở lại quán internet, những người bao quanh đều xỉa xói cha tôi: Không có tiền mà cũng chơi trò chơi điện tử cái nỗi gì, hử ông lão nhà quê!. Khi ấy, tôi thấy cha tôi nhếch nhếch mép. Chính trong phút chốc đó, tôi cảm thấy những lời lẽ châm chọc ấy như roi da quất vào mặt tôi, khiến cho tôi vô cùng khó chịu.

Trong chốc lát, tôi bỗng cảm thấy đau đớn và hối hận đan xen, hai đầu gối quỳ mọp xuống trước mặt cha, nước mắt  tuôn rơi như mưa. Tôi đau khổ thất thanh nói: Bố ơi! Thế là con đã hại bố rồi, con không nên dạy bố chơi trò chơi hại người ấy!.

Cha tôi cũng nước mắt lưng tròng, ông kéo lấy tay tôi, nói: Con ơi! Cuối cùng con cũng đã hiểu ra đạo lý ấy rồi, đó là Ham chơi mất chí đấy, đến đây, cha giới thiệu với con một người bác, bác ấy chính là bác Phương Bá Hùng - Một chiến hữu của cha mà ở nhà cha đã nhiều lần nhắc với con đấy!.

Tôi nước mắt lã chã ngẩng đầu lên, nhìn theo hướng chỉ của cha, thì ra là ông chủ quán internet có thái độ khác thường, đang tủm tỉm cười đứng trước mặt tôi. Khi ấy tôi mới bỗng nhiên hiểu ra, ông chủ quán internet này chính là bác Phương Bá Hùng. Khi ấy, tôi cũng mới tỉnh ngộ ra, cha đã chơi trò chơi cuộc đời với tôi, chỉ có điều cha dẫn tôi vào trò chơi này quá ư là chua chát, quá ư là đắng cay…

Vương Hy Chương