Trang chủ » Truyện

HAI TRUYỆN NGẮN CỦA TẠ HỮU ĐỈNH

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ năm ngày 12 tháng 1 năm 2012 10:01 PM

 1 - DỌN NHÀ ĂN TẾT  
 
Chẳng biết cái tục lệ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để ăn tết Nguyên Đán có từ bao giờ? Và do cuộc sống đặt ra, hay do ai sáng tạo ra, mà từ cổ chí kim, dù giầu sang hay nghèo khó, người nhàn cư, hay người bận bịu đầu tắt mặt tối, ai ai cũng hào hứng thực hiện?
Gọi là dọn nhà, nhưng không phải chỉ lau chùi quét dọn, mà trong hoàn cảnh, chừng mực nào đó còn bao gồm cả việc “tân trang”, “lên đời”, bỏ cũ, thay mới đồ đạc ở trong nhà. Như cái tủ lệch, bên cao bên thấp, bộ salông nan (làm bằng các mảnh gỗ tận dụng), đã từng là sản phẩm “mơ ước” của một thời. Nhưng nay kiểu cách đã lỗi thời, vừa xấu xí, cũ kỹ, vừa cong vênh rệu rã cần phải thay…
Tết. Ngày xưa quê tôi còn tục lệ trồng cây nêu, phải có: “Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh/ Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”. Thì mới thành ngày tết. (Rất tiếc, từ sau ngày Cách mạng tháng tám, không ai trồng cây nêu nữa. Và bây giờ lại thêm một điều “rất tiếc” nữa là pháo đã bị Nhà nước cấm!).
Để chuẩn bị đón tết, ngay từ sáng 23 tháng chạp, ngày ông Táo lên chầu Trời, ông nội tôi đã trồng cây nêu.
Cây nêu được trồng ở giữa sân là biểu tượng của chủ quyền trên cương thổ của mỗi gia đình. Cũng như Thành cột cờ và lá Quốc kỳ ở thủ đô Hà Nội, hay Cột mốc ở đảo Trường Sa là biểu tượng của chủ quyền của nước ta.
Về ý nghĩa thì như nhau, nhưng hình thức thì cây nêu không giống cây cột cờ. Lứa tuổi từ 50 trở lại, chắc nhiều người chưa được trông thấy cây nêu.
Người ta chọn cây tre cao to nhất vườn, chặt về, đốt lửa uốn cho thật thẳng, phơi khô, rồi ngâm nước khoảng bẩy, tám tháng hay một năm, cho tre thật “chín”, để chống sâu mọt. Ngâm xong. Trên đỉnh ngọn cây, người ta buộc một túm lông đuôi gà trống đỏ chót, đầu lông quay lên ngọn cây, cuống lông quay xuống. Và cứ cách nhau khoảng 25, 30 phân lại buộc một túm như vậy. Dưới ba hoặc bốn túm lông là một chú cò trắng muốt. Cò được làm bằng củ tre, quét vôi, hoặc sơn trắng. Hai cánh cò là hai lá cờ. Vì lúc bấy giờ nước ta còn bị thực dân Pháp đô hộ, cho nển ta phải treo lá cờ ba mầu: xanh trắng đỏ. Còn lá kia mầu vàng là cờ của nước Việt Nam thời phong kiến.
Dưới chú cò, người ta buộc một tầu lá vạn tuế uốn lượn quanh thân tre như con rồng. Đó là thông điệp của người chủ cây nêu, muốn gửi lên trời cao mênh mông lời cầu nguyện cho gia đình mình được ấm no, hạnh phúc dài lâu. Dưới lá, lại buộc ba,  bốn túm lông gà nữa. Thế là thành cây nêu.
Khi cây nêu được trồng đứng thẳng lên, gặp gió mùa Đông Bắc tràn về, cờ và các túm  lông gà cùng phấp phới bay, trông thật vui mắt. Đêm ba mươi tết, những nhà khá giả còn  buộc ròng rọc, kéo lên cây nêu một ngọn đèng soi, có chụp và ống thông khói rất cao, gió không lọt vào được, khiến đêm tối trời bỗng sáng bừng lên như sao sa.
Cho được gốc cây nêu xuống hố và dựng đứng được cây lên, hai tay ông tôi giữ cây, một chân ông gạt đất xuống hố. Tôi lúc bấy giờ chỉ bẩy tám tuổi, chưa làm được việc nặng, nhưng là dòng dõi con cháu nông dân, sớm thân quen với đất cát, tôi lấy hai tay vun đất giúp ông.
Khi sắp xong việc, ông bảo: “Mày đi đun cho ông ấm nước, đun nửa gáo cho chóng sôi cháu ạ!”. “Vâng”. Lúc bấy giờ chưa có phích chứa nước nóng. Tôi xách siêu ra chum lấy nước, rồi ra đống rơm rút mấy mắm về thổi lửa nấu nước cho ông.
Ông pha trà, uống nhạt ấm trà, tráng ấm chén sạch sẽ cất vào trong tủ cẩn thận, rồi mới bắt tay vào việc dọn nhà. Ông rất quý bộ đồ trà ấy, sợ tôi làm vỡ, nên không bao giờ sai tôi lau rửa. Sau lớn lên tôi mới hiểu đó là bộ đồ trà “Vị Thuỷ”, vẽ ông Lã Vọng thuở hàn vi ngồi câu cá ở sông Vị Thuỷ. Và chiếc ấm đất mà giới sành cổ vật đã xếp vào hàng thứ ba, trong các loại ấm cổ: “Thứ nhất Chu Sa, thứ nhì Thế Đức, thứ ba Mạnh Thần”. Còn đủ cả khay, dầm, quân, tống. Ông rót nước ở ấm ra chén tống, sẻ nước ra chén quân rồi mới uống.
Dọn nhà. Ông buộc cái chổi vào đoạn cây, quét màng nhện trên mái nhà, từ rui mè, đầu cột, thanh xà, đến gót bẩy sạch bóng, rồi mới lau ban thờ. Ông là trưởng họ, tuy không thuộc diện giàu, nhưng có bộ đồ thờ khá hoàn hảo. Là do nhiều đời mua sắm và lưu truyền đến đời ông. Những đồ bằng gỗ, quý nhất là chiếc ngai, hai tay ngai là hai đầu rồng, mắt sáng long lanh, miệng ngậm hòn ngọc. (Quê tôi gọi là “cỗ ỷ”, ỷ là tựa). Chẳng biết được chế tác từ bao giờ? Mà vàng son vẫn chói lọi, rực rỡ y như vừa mới làm. Rồi đến bài vị, đài rượu, giá đũa, ống hương, mâm bồng cũng sơn son thiếp vàng đỏ chót.
Đồ sứ, quý nhất phải kể là đôi lộc bình “Phù dung chim trĩ”, cao sáu mươi lăm phân. Dưới đáy có sáu chữ nho. Sau lớn tôi mới hiểu đó là chữ Hán: “Đại Thanh Khang Hy niên chế”. Nét vẽ tài hoa, tinh tế. Khang Hy là ông vua thuỷ tổ nhà Mãn Thanh – Trung Quốc, lên ngôi năm 1720 (Tây lịch). Vậy là cổ vật được chế tác đã gần 300 năm. Rồi đến đôi chĩnh “Cửu lân quần cầu”. Còn gọi là “Sư tử hý cầu”. Dưới đáy tuy không có chữ, nhưng nhìn dáng (nhất dáng, nhì da, ba vẽ) và mầu chàm, nét vẽ, ai cũng phải công nhận là đồ “Đông Thanh”. Cái bát “Xích Bích”, vẽ cảnh “Tô Đông Pha du Xích Bích”. Rồi đĩa trầu, liễn úp cơm “Mã Liễu” (ngựa buộc gốc liễu), và “Liên Áp” (vịt dưới đầm sen). Rồi đôi nậm “Phượng hàm thư” (chim phượng hoàng ngậm bao thư). Dung tích gần một lít/ chiếc, cổ bịt đồng bạch. Dưới đáy các vật dụng ấy đều có hai chữ “Nội Phủ”
Những người am hiểu lịch sử cổ vật bảo: Đó là đồ dùng ở trong cung vua, phủ chúa. Ngày xưa các vua Triều Nguyễn đặt lò gốm Trung Quốc sản xuất để dùng trong nội phủ. Nhưng vua có lệ ban của hồi môn bằng hiện vật cho các công chúa khi đi xuất giá. Và ban cỗ “thái lao” (cỗ to, có nhiều món ăn) cho các vị quan đầu triều vào các dịp lễ lạt. Vua ban cỗ và ban luôn cả mâm bát. Rồi vật đổi sao dời. Bãi bể nương dâu. Đồ “Nội Phủ” hoá thành “ngoại phủ”…
Bộ đỉnh đồng của ông hình cầu, đúc ba con nghê. Hai con bám hai bên nhìn lên con ngồi trên đỉnh cầu. Chỉ tiếc là nghê đặc, cho nên khi đốt hương, khói trầm không phun ra miệng nghê. Cùng đôi hạc chầu và hai cây chân nến. Ông gọi là bộ “ngũ sự”. Đồng mắt cua. Nhưng lâu ngày không lau chùi, đồng bị ôxi hoá thành mầu xám, xanh cũ kỹ. Ông lấy thuốc đánh đồng lau qua một lượt, để một lúc cho thuốc phát huy tác dụng, rồi lau cọ thật kỹ bằng giẻ khô, thế là đồng lại vàng rực lên như được đúc bằng vàng ròng bốn con chín vậy. Ông bê bộ đỉnh đặt lên giữa ban thờ. Tôi đi quét nhà. Ông lau tủ xong là kết thúc việc dọn nhà. Bây giờ trông nhà cửa, đồ đạc thứ gì cũng sáng choang lên như đồ mới.
 Thời gian ấy quê tôi còn dùng “vua bếp” nặn bằng đất sét để thổi nấu. (Còn gọi là đầu rau – Táo quân). Nhà tôi có sáu vua. Cứ chụm đầu ba vị (một bà, hai ông) vào là thành một bếp. Có bà tất nhiên là phải có ông. Nhưng chẳng hiểu vì sao hai ông mà chỉ có một bà?...
Trưa hôm ấy đi chợ về, theo tục lệ, mẹ tôi đã mua vàng hương, và sáu chiếc mũ, sáu đôi hài cho các Táo. Và cũng theo tục lệ, mẹ không mua quần áo. Có lẽ vì thế, và xưa nay vẫn y như thế, cho nên mới có người làm thơ nhạo các Táo rằng: “Các Táo rủ nhau đi chơi xuân/ Đội mũ đi hia chẳng vận quần/ Trời hỏi sao Thần ăn vận thế?/ Tâu rằng hạ giới chúng duy tân!”.
Ông chia đôi số hài mũ ra: Ba chiếc mũ, ba đôi hài và ba khối vàng, treo lên gốc cây nêu. Còn nửa kia treo ra ngoài ngõ, dưới gốc bụi tre mà chiều hôm qua khi sửa sang, quét vôi chú cò, ông đã đem vôi ra quét gốc tre trắng xoá.
Người ta bảo: “Đầu năm mua muối , cuối năm mua vôi”. Đầu năm mua muối cho cả năm mặn mà thì còn hiểu được. Còn cuối năm mua vôi thì chẳng hiểu vì sao?
Chiều hôm ấy nhà tôi cúng tiễn ông Táo lên Trời, chỉ có trầu cau, hương hoa và xôi chè. Ông bảo Táo quân là người nhà Trời, chỉ ăn chay chứ không ăn mặn. Khấn vái xong, ông sai tôi đem một chén rượu ra ngõ đổ vào khối vàng để tiễn ông bà Táo lên Trời.
Rất tiếc, trong kháng chiến chống Pháp, làng tôi đã bị càn quét nhiều lần. Chúng bắn giết, đốt phá, cướp bóc…Khi chiến tranh kết thúc, bộ đồ thờ quý giá của ông tôi chỉ còn sót lại ba chiếc đài gỗ, hai chiếc mất núm cầm, và một chiếc mâm bồng tróc sơn, sứt sẹo!
Nhà thơ Lục Du, thời Tống – Trung Quốc đã viết: “Vừa cúi xuống ngẩng lên đầu đã bạc”. Đúng vậy. Thấm thoắt chẳng bao lâu, thằng bé ngày nào, giờ đã thành ra “lão”, chủ một gia đình đông con nhiều cháu. Và năm nào áp tết Nguyên Đán cũng phải tay năm tay mười dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa cho phong quang, sạch sẽ để đón tết.
Bây giờ khác ngày xưa, không trồng cây nêu. Chiều hai mươi chín tết, treo lá cờ đỏ sao vàng ra ban công. Thế là xong cái việc: “Biểu trưng cương thổ”. Quét màng nhện cũng đơn giản hơn. Vì nhà trần, chổi lông gà cán dài, chỉ khua khoắng một chập là xong.
Chỉ còn cái việc don dẹp, lau chùi đồ đạc và trang hoàng nhà cửa là vất vả, phức tạp. Là con thứ, nhà tôi không có đồ thờ tự, nhưng bắt chước tiền nhân, tôi cũng ky cóp kiếm được vài ba thứ cổ vật để trang trí, bày trên mặt tủ. Cho nên lau chùi là phải rất cẩn thận.
Có một thời gian không ít người đã lầm tưởng rằng cách mạng là bỏ tất cả những cái cũ, thay cái mới, Và cái gì cũ cũng đều xấu cả. Thờ Thần, cúng Phật cũng bị coi là “mê tín dị đoan”. Cho nên nhiều làng đã phá bỏ cả đình chùa, bia đá đem bắc bậc cầu ao. Câu đối, đại tự xẻ ván đóng bàn ghế, hoặc làm cầu máng, lao đất đắp đê. Lư đồng, hạc đồng đem bán cho bà đồng nát. Tủ chè cổ rẻ hơn tủ búp phê. Chỉ tiếc là không có tiền, chứ đồ cổ thì không thiếu. Có lần, sau vụ chụp ảnh tết, kiếm được chút tiền, tôi theo anh bạn xuống Hà Nam mua được chiếc bình cổ. Thấy có người mua, mấy ông hàng xóm liền bê sang hai ba thứ nữa mời chào. Nhưng tiền đâu mà mua!...
Rồi chiến tranh phá hoại ập đến. Cái ăn, cái mặc càng ngày càng khan hiếm. Nền kinh tế quan liêu bao cấp, không đủ khả năng cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Sổ gạo của nhân dân thành thị, lúc đầu còn được đong gạo. Người lớn 12 ký, nhó sáu, bẩy ký. Sau thì nửa gạo, nửa mì, hoặc mạch. Nhưng về sau thì mạch mì cũng không có. Chế độ phân phối nhu yếu phẩm cho dân phi sản xuất nông nghiệp, mặc nhiên bị bãi bỏ.
Hiệu ảnh vắng teo. Cả tuần, rồi cả tháng cũng chỉ có một vài người đến chụp ảnh làm chứng minh thư. Gia đình tôi lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Buộc lòng tôi phải bán một số cổ vật lấy tiền đong gạo, mua rau, cá “chui”. (Tức là việc mua bán phải vụng trộm, giấu giếm, nếu để quản lý thị trường bắt được sé bị tịch thu. Vì tất cả hàng hoá chỉ có ngành thương nghiệp của Nhà nước mới được quyền thu mua và phân phối).
Trong những thứ phải bán đi, tôi tiếc nhất là bộ “Tam Đa”, sứ Giang Tây, Trung Quốc, có mầu, tà áo bay, cao ba mươi lăm phân. Và chiếc điếu bát “Sà Phủ tẩy nhĩ”.
Tam đa là ba nhiều, gồm ba ông: Ông Phúc bế con, đứng bên trái, ông Lộc mặc quan phục, đứng giữa, và ông Thọ, râu tóc bạc phơ, đứng bên phải.
Theo các nhà am tường cổ vật di ngôn lại, thì ba từ Phúc - Lộc - Thọ vốn không phải là tên người. Mà là ba điều ước muốn của con người. Ngáy xưa dân số còn ít, cho nên ai cũng muốn đông con nhiều cháu. Ai cũng muốn được làm quan, có nhiều bổng lộc, giầu có. Và ai cũng muốn mình được mạnh khoẻ, sống lâu.
Trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, người ta cho rằng chỉ có ba người đạt được cả ba điều ước muốn nói trên. Đó là Quách Tử Nghi, tức ông Phúc, Đông Phương Sóc, ông Lộc, và Đậu Vũ Quân, ông Thọ. Thế là từ đấy bộ “Tam Đa” được ra đời, đứng trên mặt tủ các gia đình từ đời này sang đời khác, tượng trưng cho sự thành đạt của chủ nhân.
Còn chiếc điếu vẽ cảnh “Sà Phủ tẩy nhĩ”. Đó là một giai thoại về hai nhà “Hiền triết” thời xưa: Sà Phủ và Hứa Do. Để giữ phẩm giá thanh cao của mình, họ không ra làm quan, mà đi “ở ẩn”, cày ruộng để sống. Một hôm nhà vua cử sứ thần đến mời Sà Phủ ra làm quan. Tất nhiên là ông từ chối. Sứ về. Sà Phủ liền ra suối rửa tai. Cũng lúc đó, Hứa Do đi cày về, cho trâu xuống suối uống nước. Ông Hứa hỏi ông Sà sao phải rửa tai? Ông Sà bảo nghe sứ mời ra làn quan, sợ bẩn tai nên đi rửa. Biết vậy, Hứa Do liền đánh trâu đi, sợ trâu uống phải dòng nước ấy bẩn miệng!
Dưới đáy quả điếu chỉ có một chữ thọ tròn, không rõ thời nào sản xuất. Bát điếu vẽ cảnh “Càn Long du Giang Nam”. Dưới đáy có bốn chữ Hán: “Kiền Long niên chế”. Theo sách Niên biểu Việt Nam, thì vua Càn Long nhà Thanh, Trung Quốc lên ngôi năm 1740 (Tây lich). Ở ngôi 46 năm. Vậy là cái bát ấy được sản xuất từ hơn 200 năm trước.
Từ bấy đến nay đã mấy chục năm trôi qua, cứ mỗi lần don dẹp nhả cửa chuẩn bị ăn tết, đón xuân tôi lại nhớ tiếc những thứ đã phải bán đi. Và nhớ lại cái thời “gạo châu. củi quế” đã qua mà không khỏi rùng mình.
Người Nga có câu thành ngữ rất hay: “Ai không nhớ thời Xô Viết, là người không có trái tim. Còn ai muốn trở lại thời Xô Viết, là người không có cái đầu”.
Còn ở ta, sau hơn 20 năm đổi mới, nếu có một cuộc trưng cầu dân ý, xem có ai muốn trở lại thời kinh tế quan liêu bao cấp không, thì chắc chắn cả 87 triệu người dân nước Việt dều lè lưỡi, lắc đầu!./.
 
 
2-  CÓ MƯỜI THÌ TỐT…
                     
“…Cơn nghiện lên, nó đòi tiền. Bà ấy bảo chẳng có đồng nào. Thế là ông con một, “quý tử” sấn đén bóp cổ mẹ giẫy đành đạch. Rõ khổ, nhà có cái gì bán được đáng từ dăm bẩy đòng trở lên, nó đã bán hết từ lâu rồi. Hở cái gì mất cái ấy. Có cái nồi nấu cơm, ăn xong cũng phải đem sang hàng xóm gửi”.
Tôi vẫy ô tô khách chạy qua cửa nhẩy lên đi. Vừa ổn định dược chỗ ngồi thì nghe thấy mẩu chuyện ấy. Hai bà khoảng trên dưới sáu mươi tuổi, bà vấn khăn, bà đầu trần, tóc bối, ngồi trước tôi hai hàng ghế đang ri rầm chuyện gẫu. Bà vấn khăn kể, bà đàu trần chỉ lặng lẽ nghe, chẳng biểu lộ gì. Coi chuyện đó thường như cơm bữa, ngày nào cũng thấy và ở đâu cũng có thể xẩy ra.
Im lặng một lúc rồi bà vấn khăn lại chậm rãi kể: “Lại còn chuyện báo đăng đấy. Con nghiện đòi tiền. Bố không có. Con rút dao đâm bố. Bố bắt được dao đâm con chết rồi đi tù”. Bây giờ bà đầu trần mới lên tiệng: “Thế cái bà bị thằng con bop cổ ấy rồi sau làm sao, có phải xì tiền ra cho nó không?”. Bà vấn khăn kể tiếp:” Cũng may cho bà ấy, thằng con rể đến chơi vừa đúng lúc. Nó lôi thằng anh vợ ra nện cho một trận”. Bà đầu trần chép miệng thở dài: ” Có mười thì tốt, có một thì xấu. Các cụ ngày xưa nói cấm có sai câu nào”.
Vâng. Ngay cả những cái bình thường như hàng hóa mà thứ gì khan hiếm giá cả cũng tăng vọt lên, chứ nữa là con người. Kể cả con nhà nghèo cũng vậy, dù bố mẹ có phải thiếu ăn, nhịn mặc thì cũng không chịu đẻ cho dứa con độc nhất của gia đình mình phải thiếu thốn. Cái ”cục cưng” ấy cứ việc ăn học và chơi bời. Cho nên nghèo cũng như giầu, đều thành ra “ cậu âm”, “cô chiêu” cả. Rồi mải mê ân chôi trác táng, học hành chểnh mảng, một buổi đén trường thì hai ba buổi trốn. Cuối năm, cuối cấp thiếu điểm, bố mẹ lại bỏ tiền ra chạy chọt, mua thầy, mua điểm…Thế là cái tất yếu phải đến đã đén: Hút hít, trôm cắp. Và đến lúc cùng quẫn thì bóp cổ mẹ, hoặc cầm dao đâm bố!..
Mà cũng chẳng riêng gì những đứa con hư hỏng trong phạm vi gia đình. Ở ngoài xã hội cũng vậy. Xem ra cái gí hiếm, ít, độc quyền không phù hợp với cưộc sống thì cũng đều hỏng cả. Ví như thòi bao cấp đấy. Nền kinh tế quốc dân chi có mỗi một mỉnh thành phần quôc doanh và ba ông nông dân (bần, cố, trung nông) làm chủ. Cứ tưởng sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Rốt cuộc, cả một giai đoạn dài dằng dặc cũng chỉ thành có mỗi cái danh xưng là”Thơi quan liêu bao cấp”!
Thời ấy tất cả nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ đều là của Nhà nước. Hàng hóa sản xuất ra, dù xấu tốt thế nào cũng được chấp nhận. Không lo ế. Vì đã có mậu dịch (cũng của Nhà nước) sẵn sàng chìa tay ra đón nhận và đem đi phân phối. Chẳng phải cạnh tramh với ai. Xí nghiệp làm ăn có lãi (có khi lãi ít lại xít ra nhiều), thì Nhà nước vinh danh khen thưởng. Những người thay măt Nhà nước trực tiếp quản lý, lãnh đạo được lên lương, được đề bạt, được hưởng lợi nhuận. Nếu lỗ (mà đa phần đều lỗ) thì đã có Ngân hàng Nhà nước. Lại vay. Nợ nan chồng chất, không trả được thì thành ” Nợ khó đòi”. Đòi mãi không trả được, thi  Nhà nước cho ”xóa nợ ”. Xí nghiệp vẫn nghiễm nhiên tôn tại. Vi Nhà nước đẻ ra thì Nhà nước phải nuối. Không nuôi thì lấy gì để bảo đó là nền tảng của nền kinh tế Xã hôi chủ nghĩa. Ôkê!
Thế là từ cán bộ đến công nhân viên, sáng sáng vãn tấp nập phóng xe đi, chiều chiều lại nghễu nghện cưỡi xe về, bình chân như vại!
Nông nghiệp cũng vậy.”Chủ nhân ông” là tập thể. Ruộng đất, ao hồ là của Hợp tac xã. Tức lả của chung chứ chẳng của riêng ai cả. Mà đã là của chung thì có khác cì cái “cổng chùa” đâu. Vì nhiều sãi nên chẳng ai chịu đóng cổng Chùa. Thế là mối quan hệ gắn bo thiêng liêng giữa người với đất từ bao đời nay bắt đầu rạn vỡ, lỏng lẻo, rồi trở nên lạnh nhạt, xa cách. Và khi con người đã không thiết tha với đất nữa thì đất cũng chẳng chịu chiêu lòng ngườ. Kết quả là sản lượng lương thực, thực phẩm tụt xuống dốc. Trong lúc nhu câu của xã hội mỗi ngày một nhiều. Vì chiến tranh và vì dân số gia tăng.
Thiếu ăn. Phải nhập khẩu. Phải đi vay. Phải ăn mạch ăn mì…
Khi đổi mới. Nền kinh tế trỏ lại có nhiều thành phần. Các cơ sở sản xuất, cạnh tranh với nhau. Do đó mà thúc đẩy sản xuất phát triển, làm ra được nhiều của cải vật chất. Hàng hóa ngày càng tốt hơn và rẻ hơn, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Ngay cả thể chế chính trị cũng vậy, người ta cũng tránh độc quyền, chuyên chế. Các nước họ áp dụng dường lối “ đa nguyên”,” đa đảng”. Các đảng phái cạnh tranh nhau, đảng nào có chủ trương đường lối phù hợp với lợi ích cuả nhân dân và đất nước hơn, hoạt động có hiệu quả hơn và mắc ít sai lầm, khuyết điểm hơn, thì được đa số cử tri bỏ phiếu bầu. Và đảng đó được quyền đứng ra thành lập Chinh phủ, được nắm quyền lãnh đạo và điều hành đất nước…
 Tuy nhiên, cũng không hẳn cứ “đa đảng’ thì ở đâu và bao gời cũng đều tốt cả. Ví như ở Pakittang hay Thái Lan đấy. Đảng cầm quyền và đảng đối lập  luôn luôn mâu thuẫn, xuông đường biểu tình lật đổ Chính phủ. Ta ”đơn nguyên” nhưng chính trị dươc ổn định, tạo đà cho kinh tế tăng tưởng nhanh, đời sống nhân dân dược ổn định. Như vậy chẳng phải là tốt đẹp hay sao?
Và cả chuyện gia đình con cái cũng vậy. Có phải ”cậu ấm”, “cô chiêu”nào cũng hư hỏng cả đâu. Nếu tôi nhớ không nhầm thi trong số những  người thành đạt, thành doanh nhân, thành nhà từ thiện có tiếng tăm của ta hiện nay, cũng có người vốn xuất thân từ chốn “bụi đơi”, từ hư hỏng mà vượt lên đấy thôi ./.