Trang chủ » Truyện

CHÙM TRUYỆN CỦA H. THUẬN

H.Thuận
Thứ sáu ngày 30 tháng 12 năm 2011 4:23 AM
 
Truyện thứ nhất:
   Chuyện của Hòa

Trước tết ít lâu, gặp tôi, Hoà buột miệng nói:
- Có lẽ em sẽ bỏ chồng.
- Ôi, sao bất ngờ và nghiêm trọng vậy? - Tôi hỏi.
Hoà rành rẽ:
Này nhé, chị tính “lão” nhà em thế này thử hỏi có ai chịu đựng được không. Chưa đến năm mươi tuổi mà lão ấy bị mắc bệnh tiểu đường. Đã là bệnh thì yếu rồi. Em thông cảm với lão đủ mọi chuyện trong nhà- kể cả trách nhiệm làm chồng. Thế nhưng lão ấy quá quắt lắm. Lão ấy về hưu non. Em cũng không chấp. Lão ấy đi làm thêm kiếm khá nhiều tiền. Lão đốc chứng đòi ăn riêng. Em bảo: thế còn hai đứa con đang ăn học, anh không lo sao?. Lão ấy tỉnh bơ: Con, tiền học hành tôi lo, tiền điện, tiền nước, tôi cũng lo. Cô chỉ việc nuôi hai đứa bằng chính sức lao động của mình.  Đời thuở nhà ai lại chia sẻ rành rọt thế hở chị? Thử hỏi có trời đất nào không. Em đúng là cái số con ruồi nó bâu. Hòa thở dài đến sượt!
Tôi chỉ còn biết nhẹ nhàng an ủi: hai người chia đôi ngả, không vấn đề gì… chỉ các con là khổ. Trên đời còn thiếu gì những gương ấy đâu! Cuộc sống thời nay phức tạp, đầy dẫy những nỗi oan trái, cạm bẫy…
Hoà buồn bã kể tiếp: Chị ơi, chồng đã vậy, lại còn bố chồng, mẹ chồng ở quê cũng lại quá quắt lắm. Ông bà ấy cứ nghĩ vợ chồng em ở Hà Nội làm ăn hót ra của. Người ta quan quách  có điều kiện tham nhũng, ăn của đút,hoặc đại gia, đại dủng chứ mình thì dân ngu, cu đen đủ ăn là tốt rồi... Con cái học hành tốn kém, còn bệnh tật, trái gió trở trời nữa chị tính xem? Vậy mà về quê lúc nào cũng đòi hỏi: Nào sửa nhà, nào mua xe cho các em, nào tiền đóng góp để nuôi bố mẹ, nào trách nhiệm với họ hàng tổ tiên ... Ông bố chồng còn đe doạ em:
- Chị muốn làm gì thì làm, nếu chị để nó (chồng Hoà) chết trước tôi là không yên với tôi đâu! Chị bảo có phi lý không? Cứ như em là người làm cho nó mang bệnh không bằng. Chồng yếu, các con em cũng yếu, bản thân em cũng có lúc như suy sụp hoàn toàn. Nhưng em cố gượng dậy, cố vươn lên, có lúc tưởng như quá sức chịu đựng rồi. Người ta cũng như cái dây đàn, căng quá sẽ có ngày đứt. Chị thử nghĩ xem, em nói có đúng không?
 Tôi nghe mà buồn chẳng biết khuyên can thế nào vì lực bất tòng tâm. Bẵng đi ít lâu tôi gặp lại. Cô bạn lại tíu tít kể:
-Chị ơi bây giờ hai ông bà có yếu đi chút ít nhưng càng khó tính hơn. Bữa nọ gọi điện lên bảo: Ở quê bây giờ người ta bán đất làm dự án, nhà máy, sân gôn, trang trại…và nhiều nhiều lắm..chả biết còn những gì nữa. Hết cả đất cày cấy rồi. Bố mẹ có vài thửa trước đây con gái nó cho thuê hộ. Người ta cày cấy cứ đến vụ lại trả thóc cho. ( Điều đó thì chúng em biết lâu rồi. Nông thôn bây giờ đâu chả vậy). Người ta bán cả, mình cũng bán. Nhưng rẻ mạt lắm chị ơi! Có 15 đến 20 triệu một sào…rồi hỏi chúng em: ý các con thế nào? Chị bảo còn biết thế nào nữa. Bây giờ họ mua bán như cướp không ấy.Từ cán bộ thôn, xã, đến huyện, tỉnh…mỗi anh đút túi một ít là chết dân rồi. Đâu đâu cũng trời đất này cả. Mấy người hàng xóm em họ ở tỉnh khác cũng rứa. Chỉ có điều nơi gần đường giao thông chính hoặc trở thành thành phố thì đắt đỏ hơn chút thôi. Bán đi nhà có con thích ăn chơi mua xe máy sắm này, sắm nọ…Ròi có con nhà hư hỏng còn đề, đóm, cờ bạc nữa là hết, rồi treo mồm. Các cụ nhà em  chúng em sẽ phải bao từ A đến Z. Các cụ dứt điểm  không nhờ về kinh tế đối với con gái. Tôi ngắt lời cô bạn chuyện xã hội thời nay hỗn loạn đủ thứ, lắm cái buồn nan rải, âm ỉ và không kém phần chua chát…Nói ra thêm buồn… Thôi chuyện khác đi! Tình cảm vợ chồng nay thế nào rồi? Cô trả lời: Chả thế nào cả, vẫn vậy. Chỉ có điều gần đây xem chừng lão có vẻ yếu hơn nhưng cái tính độc đoán, gia trưởng thì…”nguyễn như vân”. Người ta đã có câu:”Giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời”. Em nghĩ ai phải ý thức lắm, mới có thể đổi thay được chút ít…còn lão nhà em chắc khó. Em vẫn muốn bỏ cho nhẹ nợ song thực tình đôi lúc lăn tăn…
Ít năm sau…rồi tết sắp đến. Mọi người hối hả chuẩn bị đón tết. Một hôm thư thả tôi a lô cho cô bạn  có hoàn cảnh tương đối éo le:
-A lô, Hòa, lâu lắm không gặp có gì mới không? Tình hình thế nào rồi?Hòa cười chào tôi và đọc luôn một câu thơ vui: “Tình hình thì mặc tình hình/ Ở đây vắng vẻ chúng mình nói to!”Cả hai cùng cười phá lên.Tôi đùa :gớm thơ với chả phú… Cô nói thêm: may quá chị gọi điện không thì em cũng đang định “đánh giây thép” cho chị đây. Cả nhà đang có việc riêng đi vắng cả. Và cô hạ giọng: Chị biết không: mấy đứa con nhà em nó quái lắm. Chả biết nó nghe vụng, nghe trộm thế nào hai đứa nó cùng làm ầm lên và “ra tuyên bố chung” rằng: Bố mẹ mà nhất quyết bỏ nhau, chúng con sẽ thuê nhà ở riêng. Con đi làm rồi, con sẽ nuôi được em. Em năm tới nếu nó không   vào được đạị học thì có nguyện vọng vào cao đăng hoặc trung cấp . Nếu cần, nó có thể vào ký túc xá. Chúng con nhất quyết không ở với riêng ai. Ỏ với người này thiếu người kia và ngược lại…Tuyên bố của chúng con là chính thức đấy, không thay đổi. Chúng em bất ngờ quá! Trời ơi, chị tính xem. Nuôi con đến ngày gần lớn khôn, mình lại bỏ mặc chúng ư? Cuộc đời bây giờ đầy dẫy những cạm bẫy. Thằng anh đã vậy, còn con em?... Lúc ấy bị bất ngờ em nghĩ ra một câu có tính chất tình thế:
- Thôi được các con, chuyện bố mẹ cứ từ từ để bố mẹ còn nghĩ…như thế nào cho vẹn cả đôi đường. Các con cứ yên tâm đi. Ông ấy nhà em chưa kịp nói lời nào và cứ há hốc cái mồm... Ngay tối đó, chúng em bàn nhau …cũng vòng vo tam quốc đấy! Nhưng cuối cùng cũng đi đến quyết định: đành nhẽ vì con cái thôi.  Chúng nó “đặt đâu cha mẹ ngồi đấy!”..Nếu như ở hoàn cảnh chị, chị tính sao? Bị hỏi bất ngờ, tôi cười: Con cậu thật tuyệt và quá  hay! Vậy chúng nó đảo ngược lời xưa của các cụ: “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”! Giờ là thế! Thôi được! Vậy là ổn rồi. Không ngờ kết cục lại tốt đẹp đến như vậy! Xin chúc mừng! 
Chúng tôi cười vui vẻ và hứa hẹn tết sẽ đến thăm nhau.

Truyện thứ hai:
CÁI CHĂN.

Chồng chị Lan là người hơi bị được. Được cả nội dung lẫn hình thức. Đã vợ con rồi lại ngoại ngũ tuần mà vẫn nhiều cô nàng ngưỡng mộ. Đôi lúc để chấn an chồng, chị thường răn đe:
- Tính em anh biết rồi đấy. Em đã ghen là ghen triệt để. Với phương châm: “Được ăn cả, ngã về không”. Nghĩa là đã ăn ở với nhau trên ba mặt con rồi, là anh phải tuyệt đối:”trung với nước hiếu với dân”, còn nếu như phản bội “đất nước” thì  cứ việc rũ áo ra đi. Em sẽ không bao giờ buồn đâu. Vì lúc ấy anh không còn là anh nữa rồi.
Anh cười hiền mà rằng: - Luật lệ gì mà ngặt nghèo đến vậy. Người ta xưa nay vẫn là : “Kiềng ba chân” vững chãi. Cứ yên tâm đi. Đừng có mà...”
Nói vậy, nhưng cái bệnh “Hoạn Thư” của chị đôi lúc vẫn như sóng biển: Lúc lặng lẽ, lúc lăn tăn, lúc ào ạt dữ dội. Hôm trước tết có một cô cùng cơ quan tự dưng lại đến nhà, biếu anh một cái chăn len khá đẹp. Oái oăm thay, khi cô đến, chị không có nhà, về thấy cái chăn nằm lù lù trên ghế, chị đưa mắt hỏi:
- Ai biếu quà tết? hay cái gì mà to phe kỳ quái vậy?.
Anh vội vã thanh minh:
- À, đó là một cái chăn của cô Hiền đấy! Cô này quả thật ngây thơ đến ngộ nghĩnh. Ở cơ quan, mình nhìn thấy cô ấy xách lễ mễ một đống chăn. Mình chả hiểu gì buột miệng hỏi: Sắm tết gì mà cồng kềnh vậy? Cô ấy bảo thấy chăn đẹp quá, em mua cho bố mẹ em. Mình cười: Ô đẹp nhỉ, chăn ấy mà đắp mùa này thì tốt quá! Cô ấy đoán chắc mình cũng thích chăn ấy thật, thế là chiều nay cô ấy mang đến cho.
Nghe đến đây mặt chị nóng bừng lên, giọng mỉa mai:
- Chắc là anh kêu “lạnh lẽo” nên cô ấy mang chăn tặng anh chứ gì! Kể cùng kỳ thật đấy!. Có ngây thơ thật không hay là cố ý.
Thế là lời qua tiếng lại hai vợ chồng họ cãi nhau to. Chồng thì cố ý thanh minh: đây là việc làm trong sáng, ngây thơ, không có dụng ý gì cả. Nhưng chị vợ thì cố chấp.
Chắc hẳn trong thâm tâm chị biết tính chồng, anh ấy lúc nào cũng đúng mực đến trang trọng, anh là một con người hoàn toàn đáng tin cậy. Còn chị, nhiều khi giận quá, nóng quá, “Tào Tháo” quá cho nên đôi lúc thiếu khôn ngoan...
...Chị tưởng tượng đến tết thế nào vợ chồng cô Hiền cũng đến chúc tết. Chị sẽ đem câu chuyện đó ra để nửa đùa, nửa thật:
- Sao em lại biếu chăn anh chị? Em làm vậy chồng em sẽ cười chết. Nhà chị đầy chăn trên gác kia kìa, có dùng hết đâu.
Hiền chắc sẽ cười:
- Em biết anh chị chả thiếu thứ gì. Thấy anh tỏ ra thích cái chăn, thế là em đem đến. Chị.... Rồi cô cười, cả bốn người cùng cười theo.

Truyện thứ ba:
XUYÊN

Giữa thu. Trời nhạt nắng. Thỉnh thoảng có những lọn gió cuối hè lảng bảng rẽ qua, làm cho không khí có phần hơi khó chịu. Xuyên xoa một lớp phấn mỏng lên mặt. Một chút son môi cho thêm tươi tắn. Thực ra cứ để vậy, trông Xuyên cũng đã xinh rồi. Xuyên có duyên nữa. Xuyên nhiều người yêu lắm. Xuyên thường kể với bạn bè: Hồi còn trẻ đã có “ông xã” rồi thế mà vẫn có nhiều người chạy theo “xin địa chỉ”. Và rồi cũng đôi lần ong đi, bướm lại đến tai “ông xã”, ông ấy đập phá đốt cả quần áo. Buồn cười quá, nhưng rồi mọi sự trôi đi chả để lại dấu vết gì.
Bây giờ Xuyên đã ngoại ngũ tuần, ấy vậy mà, trông Xuyên vẫn còn nhưng nét khoẻ khoắn như thời xuân sắc. Vẫn có nhiều chàng già làm vệ tinh vây quanh. Xuyên bảo toàn những lão già “làm ăn” quái gì được. Xuyên chỉ kết “người ấy”. Người ấy kém Xuyên tới năm tuổi mà lại có gia đình vợ con hẳn hoi, không nghề nghiệp.(Trước đây cũng làm kỹ thuật, kỹ thiếc gì ở nhà máy gang thép Thái Nguyên, bất mãn xin nghỉ “một cục”). Mọi người can gián, con cái nổi khùng, Xuyên mặc kệ! Xuyên lý luận: Tôi bây giờ cô đơn. Ông xã đã đi thế giới bên kia rồi, con cái thì vương trưởng, đứa nào có phận đứa nấy. Tôi phải quyết định lấy vận mệnh của mình về cuối đời cho vui vẻ chứ! Chả hơi đâu mà cam phận làm “ô-sin” cho đứa nào. Vừa ý nó thì mệt mình. Nó không vừa ý mình, mình bắt bẻ, xét nét…nó lại khó chịu thậm chí còn ghét nữa là đằng khác. Thời buổi bây giờ toàn những “dâu Tây”, “công chúa” cả. Trước hết mình hãy vì mình đã. Chả ai thương mình bằng mình! Nước mắt có bao giờ chẩy ngược đâu!.. Nhưng khốn nỗi ông xã mới ra đi chưa đầy một giỗ. Người dị nghị, kẻ bình phẩm: Nào là tốt số, nào là già rồi còn bướm ong, bồ bịch, nào là tuổi ấy mà còn máu me ghê thế ..v.v... Gớm, thiên hạ sao mà lắm lời. Xuyên phớt hết và quyết định vẫn giữ quan hệ như thế đấy! Ai nói gì tuỳ họ. Miệng tiếng ở đời, biết đâu mà chiều được.Mình sống cho mình chứ có sống “hộ” thiên hạ đâu!
Có lần Xuyên còn kể chuyện tiêu tiền như rác. Tôi hỏi đùa:
- Bà cũng giỏi thât,làm  gì mà lắm tiền như vậy?
- Tôi bán hàng, tôi rút lãi tiết kiệm, thế thôi - bà đáp   
- Thế có cháu nào ở với bà không?- Tôi hỏi.
- Chả có cháu nào hết, tôi ở một mình-  tính tôi bà biết đấy thích phóng khoáng tự do. Cụ Hồ đã dậy: không có gì quý hơn độc lập tự do. Ông cụ này nói hay thật. Các vị lãnh đạo nước mình ngày xưa…trình độ. Có những câu nói rất chí lý! Bà thản nhiên trả lời  còn bình luận thêm và đột nhiên  hỏi tôi: bà thấy đúng không?
-Gớm, đừng có mà lảng sang chuyện chính trị, chính em… Một mình mà xài dăm triệu một tháng thì qúa lắm. Bà làm tôi thực sự ngạc nhiên đấy?
Xuyên giải trình và lý luận để tiền làm gì, xuôi tay rồi có mang đi được đâu? Xuyên may quần, may áo, sắm sửa tư trang cho mình, cho người ấy, rồi đi nhà nghỉ, đi picnic, hội hè, chùa chiền... cứ xả láng cuộc đời miễn sao cho mình được sung sướng, hạnh phúc. “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Bây giờ còn hơi đâu vì người nọ, người kia cho nhọc xác…Tôi bạo miệng hỏi bà: “Thế bà có yêu người ấy không? Với tôi không có tình yêu thì không thể…có “chuyện ấy”.Cứ như thể là khúc gỗ, không chút cảm xúc, mặc dù đối phương rất trẻ trung và đẹp nữa”. Bà cãi lại một cách vội vàng như  không nói nhanh, tôi  tranh mất.
-Ôi giời bà đừng có mà mơ màng, thời nay làm quái gì có tình yêu. Thích thì…tay nắm trong tay, không thích thì “bai”! Già trẻ như nhau hết. Bà không thấy lớp trẻ bây giờ chúng nó thay chồng, đổi vợ như thay áo ấy à!..
Vậy là  chả còn gì để nói. Hết thuốc chữa.Tôi im lặng…
Tai vách mạch rừng, mọi chuyện đến tai các con bà. Chúng đâu có để cho bà được yên. Chúng phân công nhau đến nhà người ấy.Chúng gọi ra xin gặp riêng: Nào nhiếc móc, nào mỉa mai, nào nhắc nhở, nào đe doạ... Làm cho người ấy sợ run và hứa sẽ không bao giờ quan hệ với mẹ chúng nữa.
Xuyên biết chuyện buồn lắm và nghĩ ngay rằng từ khi chúng còn nhỏ, bà đã không dậy dỗ chúng đến nơi đến chốn. Con lo việc con, mẹ lo việc mẹ. Mỗi người có một toan tính riêng. Ông bố của chúng thì công tác xa biền biệt, ít khi có mặt ở nhà. Vả lại năm thì mười hoạ mới về thăm vợ con thì bố nào nỡ nặng lời với con. Bây giờ ông ấy mất rồi. Con không thông cảm với mẹ, mẹ chẳng sẻ chia cùng con. Mọi sự đều đã quá muộn. Cũng chả trách được bà. Xưa các cụ thường nói : cha mẹ sinh con , trời sinh tính. Giáo dục cũng là một phần thôi.Tôi đành an ủi bà: chuyện này tự phát, cuộc đời nó dậy cho. Mấy ai biết trước được tương lai của mình. 
Nghĩ đi, nghĩ lại các con bà kể ra cũng đúng. Chúng chỉ phản đối bà khi quan hệ với người ấy vì người ấy tuổi quá ít, lại đang có gia đình yên ấm. Biết đâu người ấy chỉ lợi dụng bà thì sao?...
Sau sự vụ ấy, bà chỉ còn biết than thân trách phận và thấy mình thật quá đơn côi... Bà từ giã người thân, bè bạn vào Nam sống cùng chị gái. Từ đấy, vài năm rồi tôi chưa gặp lại bà…

Truyện thứ tư:
   Chuyện nghe được ở công viên
 
Tôi đi đằng sau nghe mấy cô gái trẻ kể chuyện:
Ông bà ấy sống với nhau rất vui vẻ tình cảm. Nhưng đôi lúc bà vợ hay thở ngắn than dài rằng:
- Tôi nhiều lúc chỉ muốn chết quách cho xong. Nghe vậy ông chồng lại an ủi, vỗ về vợ: “Thôi nào, mình ơi, tôi xin mình! chuyện gì đã qua cho nó qua đi. Mình đừng nghĩ ngợi nhiều, nghĩ có kéo lại được quá khứ đâu, chỉ thêm rầu rĩ, tổn thọ. Tôi biết là tôi dại rồi, tôi có lỗi với bà”.
- Bây giờ sắp mấp mé cửa lỗ, ông mới thương tôi, ông mới lí lẽ ra vẻ này nọ. Giá như ... bà vợ đang nói thì bị ngắt quãng bởi người con trai xen vào:
- Con xin mẹ, vẫn cái điệp khúc xưa ấy phỏng có ích gì! Chỉ tổ điếc tai hàng xóm thôi. Con nghe mãi, con chán lắm rồi!
Sau đó mọi người im lặng. Đêm ấy là ngày 29 tết (cuối năm Âm lịch). Ông bà rất vui tôi nghe thấy cả những tiếng cười đùa mang dấu ấn thật tình cảm và hạnh phúc.
Trước giao thừa 30-12 tết (Âm lịch) hai bố con ông (chồng bà) đến nhà ông bà nội đón giao thừa, chúc tết. Không thấy vợ đến, ông bà nội hỏi: Thế mẹ nó đâu không thấy đến cùng? Ông bố trả lời chắc nhà con đến sau. Còn mấy việc vặt vãnh đang làm giở tay. Người con trai tự nhiên linh tính thấy có điều chẳng lành, nó lao về nhà thì hỡi ôi!... thấy mẹ nó đã treo lủng lẳng trên xà nhà và đã tắt thở…
Mọi người nghe chuyện đều lặng đi. Ai cũng nhao nhao hỏi lý do gì mà hậu quả lại thê thảm đến thế!? Thì ra, nhà ông bà và đứa con trai đang sống ở ven sông là nhà đi trông hộ người ta. Đất đai nhà cửa xưa rộng rãi khang trang lắm nhưng ông và con trai ăn chơi, cờ bạc bán hết cho người ta rồi. Bà vợ hay thở ngắn than dài vì cảnh ở nhờ quá nhục nhã khổ sở, mất tự do. Nay chủ nhà nhắc này, mai nhắc nọ. Nào chúng tôi bán,nào chúng tôi sang sửa, nào chúng tôi còn cho thuê…Ông bà thu xếp nhanh nhanh lên giúp nhé! Khó chịu nhất là họ còn “bắn tin” thời nay tấc đất, tấc vàng…Dĩ nhiên là họ với ông bà ấy còn có dây mơ rễ má đấy! Chứ không đừng có hòng mà nhờ với chả vả.
Còn thu xếp kiểu gì đây? Không nhà, không tiền, chỉ có ra bờ đê, ra đầu đường, xó chợ chớ biết đi đâu, về đâu?!..
9/2010