Trang chủ » Truyện

XUÂN LẠNH LÒNG NGƯỜI

Nguyễn Xuân Hồng
Thứ hai ngày 2 tháng 1 năm 2012 8:07 AM
 
         Đón tôi trước cổng bệnh viện Ung bướu Tp HCM là Lan, cô em gái với cặp mắt u buồn, quầng đen. Nó khẽ khàng nói nhỏ:
- Bác sĩ nói mẹ bị suy tim và thiếu máu cơ tim, nên khi mỗ ung thư vú cho mẹ thì…nguy cơ…không tỉnh lại. Họ buộc em phải ký tên đồng ý chị ơi!
Hai chị em tôi lây lất ngồi chờ trước cửa phòng giải phẫu với tâm trạng bất an, lo lắng. Đúng hai giờ chiều, một danh sách bệnh nhân đã mỗ và hồi tỉnh được thông báo…Không có tên mẹ tôi.
Lại một lần nữa, tâm trạng chúng tôi rối bời, Lan lâm râm cầu nguyện Phật bà Quan Âm, tôi âm thầm cầu xin Đức mẹ Maria cùng tổ tiên phù hộ.
Và sáng hôm sau, mẹ tôi được đưa xuống trại trong tình trạng bị cắt bỏ một phần thân thể. Lòng tôi vui, buồn lẫn lộn. Vui vì mình vẫn còn được nhìn thấy mẹ, buồn vì bầu sữa ngọt ngào ngày xưa, đã nuôi bảy chị em chúng tôi lớn khôn mà không cần có sự trợ giúp của sữa hộp, nay đã bị khối u ác tính cướp mất. Thôi thì đành vậy, phải bỏ nó để cứu mẹ mình chứ! Hai chị em tôi tự an ủi với nhau.
Trại, là nơi khám bệnh và cũng là nơi lưu giữ bệnh nhân sau hậu phẫu. Phòng bệnh rộng chưa đến 16 m2 mà sức chứa tới 10 giường bệnh, 18 bệnh nhân cùng những thân nhân nuôi bệnh. Gầm giường là nơi các thân nhân dùng để làm tủ cất những vật dụng cần thiết cho bệnh nhân và để trải chiếu ngủ khi đêm xuống.
Lan nhìn gầm giường rồi nhìn tôi thì thào:
- Em và chị ngủ dưới đây ư?
Dù Lan hỏi rất nhỏ, nhưng cũng đủ để chị nuôi mẹ kế bên nghe rõ, chị lớn tiếng:
- Sao không ngủ được? Vào đây rồi, giàu có gì thì cũng phải chịu thôi…
Chị chỉ tay về phía cậu bé độ khoảng 10 tuổi đứng lớ ngớ bên ngoài và một thanh niên ngồi sát góc phòng, nói tiếp:
- Đó, thằng bé kia, cậu thanh niên này cũng nuôi mẹ, nuôi vợ…cũng ngủ như vậy đấy!
Tôi đã thâm nhập vào cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày trong phòng bệnh như vậy cho tới một buổi chiều, phòng kế bên có một bệnh nhân vừa mới ra đi, tôi nhìn theo tấm drap trắng toát quấn kín thân người, rồi nhìn Lan thở dài:
- Mong sao cho mẹ mau hết bệnh!
Lan gật đầu, cười buồn:
- Không khéo, sao khi mẹ xuất viện sẽ nuôi bệnh lại hai chị em mình quá!
Bất chợt, tôi trông thấy cậu bé dáng gầy gò phòng 206 kế bên, có cái tên Lèo nghe rất ngộ nghĩnh, đứng lặng lẽ nhìn theo băng ca. Tôi đi nhẹ đến gần, khều vai, nắm tay dắt lại băng ghế “Điều tra”:
- Cháu vào đây bao lâu? Mẹ bệnh ra sao rồi?
Cậu bé thoáng chút ngạc nhiên nhìn tôi, nhưng rồi cũng thỏ thẻ kể.
Cha bỏ ra đi khi phát hiện mẹ bị ung thư gan thời kỳ thứ 3. Không người thân thích giúp đỡ, hai mẹ con phải bán nhà, tay xách tay đùm từ quê nghèo Đồng Tháp lên thành phố chữa bệnh. Cậu bé chỉ mới lên 10, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới đã phải thức dậy lúc 3g30 sáng, xếp hàng trước cổng bệnh viện để xin cháo của Hội Chữ thập đỏ Thiện Tâm, rồi chạy đến xếp hàng ở chùa Bảo Vân gần đó để xin cơm chay, chiều lại tất tả chạy đi xin cơm, xin nước.
Những lần người mẹ vật vã rên la, khóc lóc vì hóa trị, xạ trị, tóc rụng sạch sẽ. Cậu bé như ngồi trên đống lửa, ứa nước mắt đau xót, chạy ra chạy vào đắp khăn ướt lên mặt, lên đầu, với ý muốn giảm cái nóng trong người của mẹ.
Rồi những cơn vật vã, hành hạ do hóa chất vào người qua đi, cậu bé bón từng muỗng cơm, thìa cháo cho người mẹ bệnh tật, ốm yếu.
Do đó, cái tên “Lèo” là lèo lái được mọi người xung quanh đặt thay cho tên Tèo của cậu bé.
Bệnh viện ung bướu là nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết, có lẽ hiểu được điều đó nên các hội, đoàn, các nhà hão tâm, các chùa, thanh niên tình nguyện đều tập trung đến đây phân phát những tô cháo, những bát cơm, những món quà, tiền bạc, để chia sẻ những cơn đau, những thiếu thốn của bệnh nhân bằng tấm lòng từ thiện.
Tôi được cậu bé động viên “Thức dậy” xin cháo. Vừa bước qua cổng bệnh viện, đã thấy đoàn người xếp hàng rất dài, tôi lùi lại định quay trở vào, cậu bé nắm tay tôi:
- Cô cứ theo cháu, không lâu đâu! Sẽ có ngay ấy mà…cháo ngon lắm!
- Nhưng….Cô ngại quá! Phải để cho người nghèo…
Người phụ nữ đứng sát bên tôi, chêm vào
- Vào Bệnh viện này ai cũng phải chạy chữa “Trường kỳ kháng chiến” cũng có thể coi đây là nhà của mình, cứ tự nhiên nhận tấm lòng của các nhà từ thiện, để tiền mà lo thuốc thang cho người bệnh!
Thật vậy, cháo thịt rất ngon…mùi thơm của hành phi, của tôm khô, của thịt tươi…Tóm lại, ngon hơn canteen, tôi cảm nhận được điều đó do người nấu kỹ lưỡng, bằng cả tấm lòng, bằng sự nhiệt tình với ý nghĩ “Thương người như thể thương thân”
Nào cháo đậu đỏ, cháo đậu xanh thay đổi thường xuyên, lại được phát thêm tờ báo để vừa ăn vừa xem…thời sự cho đỡ buồn.
Sau buổi lấy cháo, cậu bé lại lôi tôi đi xếp hàng ở chùa Bảo Vân, tôi rụt rè nhìn các sư cô với khuôn mặt hiền từ, phúc hậu khi được hỏi:
- Bệnh mới hả? Nhà chị mấy người ăn cơm?
Tôi ấp úng vài giây, nhưng cũng đáp gọn:
- Dạ thưa ba người!
Ba xuất cơm chay, quả thật cũng rất là ngon vì bao lâu nay tôi chỉ biết thịt cá, gà vịt, chứ không hề nếm thử mùi vị tương chao, rau cải là gì. Tôi ngộ ra một điều, lòng tôi chưa được thanh thản, vẫn đua chen sóng gió, đầy những dục vọng hỉ, nộ, ái, ố của con người trên thế gian này. Và giờ đây, ngồi lặng yên nhìn lá vàng rơi đầy sân bệnh viện, nhìn cơn đau hành hạ người mẹ kính yêu của tôi, nhìn hơi thở nặng nhọc của các bệnh nhân vào giai đoạn cuối, tôi không khỏi giật mình tự phán xét bản thân, đã làm được điều gì cho nhân loại, cho cộng đồng?
Mùa xuân lại về, thời gian chuẩn bị bước sang năm mới ngày càng gần hơn, tôi và Lan cùng các em bàn tính việc đón tết cho mẹ, thì ngoài hành lang xôn xao. Tôi phát hiện có một người vừa mới ra đi, liền nhanh nhẹn khép cửa phòng vì “Luật lệ” và nỗi lo sợ của các bệnh nhân trong bệnh viện là không nên nhìn theo người đã mất, sẽ bị…dẫn đi theo?!
Nhìn qua khe hở của vạt cửa, tôi giật mình khi thấy một đôi chân nhỏ bé quen thuộc đi theo băng ca, tôi lặng người vài giây rồi bước nhanh ra cửa nhìn theo bóng cậu bé, miệng ú ớ:
- Ơ…cháu…Lèo!
Cậu bé quay lại nhìn tôi bằng đôi mắt sâu thẫm, không nói lời nào rồi lầm lủi đi theo băng ca, khuất dần sau dãy hành lang vắng.
Mùa xuân ấm áp, nhưng tôi cảm thấy lạnh và tôi biết chắc rằng cậu bé cũng lạnh như tôi, lạnh bên ngoài, lạnh cả tâm hồn.
Rồi mai đây, khi mọi người quây quần bên tổ ấm gia đình, cùng vui vẻ đón xuân sang, có mấy ai biết được cậu bé sẽ đi đâu và về đâu?
 Hết