(Tập thơ Hoa cỏ may) của Hoàng Phụng Cầm - NXB Lao động 2011)
…Tay không đi suốt cuộc đời
Quay về nhặt mấy vần rơi cuối mùa…
Mở đầu tập thơ, hai câu lục bát đề từ trong Hoa cỏ may của Hoàng Phụng Cầm khiến tôi buốt nhói. Liệu có bao nhiêu người thơ tay không đi suốt cuộc đời để rồi nhặt mấy vần thơ có khi cũng chỉ như những hạt cát trong lòng biển thẳm? Tôi đã, đang và chắc chắn sẽ còn thấy thơ anh tuy chỉ cát bụi khuất chìm đấy mà sao cứa dứt tâm can từ những con chữ quá đỗi nhọc nhằn của anh, chỉ riêng anh: Tôi tin vào nửa cuộc đời/ Yêu vào cái nửa mà người gạt ra/ Như thương xót những cành hoa/ Khi tàn tiệc bị ném ra khỏi bình (Tin); Mỏng manh cúc nở ven đường/ Ngập trong khói bụi mà dường như không (Cúc dại); Buột lòng con gọi “Mạ ơi!”/ “Mạ” trong con vỡ thành lời hoang sơ (Hoang sơ); Chiến tranh đã thật qua rồi/ Bóng đồi ôm bóng chị ngồi lặng thinh (Ám ảnh màn sô)…
Phần lục bát trong bài thơ Hoa cỏ may anh đề tặng nhiều người nhưng thực chất anh tặng chính anh, là tâm can anh. Nó thảng thốt khiến người đọc thảng thốt mà nghĩ về cuộc đời dâu bể hợp tan thoáng chốc. Thơ Hoàng Phụng Cầm nhọc nhằn kỹ lưỡng nhưng đậm chất trí tuệ. Tôi không ưa gì những câu thơ uốn éo làm mình làm mẩy cũng không ưa sự kỳ khu gọt giũa mà thích những gì thật tự nhiên. Thế thì tại sao thơ Hoàng Phụng Cầm không giàu yếu tố tự nhiên tôi lại thích? Vì thơ anh, đa phần là những hạt mẩy, nhỏ thôi, nhỏ như những hạt gạo cỏ may đã chín từ hoa cỏ. Hoa cỏ may đã chín, là thơ thật trong vô vàn những thứ đồ giả đang trà trộn quá nhiều trong bạt ngàn các tập thơ hôm nay: Đêm nằm nghe sấm vây quanh/ Tự dưng thấy sấm hiền lành làm sao (Mộng tưởng và hòn bi ve); Cũng nhiều khi chẳng vì ai/ Như sương rơi đếm canh dài vậy thôi (Lục bát); Mẹ là trái rụng trong đời/ Tôi đan bị cói địu người trên lưng (Lời cầu xin bên mẹ); Chỉ là sương gió vậy thôi/ Vậy thôi mà đắp vá bồi nên con (Quê); Trời thì cao đất lại dày/ Nên hoa phải tự đơm đầy cho hoa (Lửa).
Nhưng tôi còn thích cả phần Mảnh vá, phần thơ tự do trong Hoa cỏ may, ngay trong câu đề từ:… Mảnh vá đôi lần cũ hơn áo vá/ Thành con tấm áo đủ màu… Ở phần thơ tự do, Hoàng Phụng Cầm dụng công triển khai ý thơ theo mạnh cảm xúc của người từng trải, mà là trải qua nỗi đau, những nỗi đau rất riêng, nhiều khi khó nói thành lời: Tôi về em không phố/ Nhận mặt người gương soi (Tôi về em không phố); Bỗng có ngày hóa đất/ Đất hạn quang mây/ Hạnh phúc tới từ tận cùng nỗi khát (Khát); Nép vào nhau vừa đủ/ Nhận ra tiếng rụng rơi (Bên em); Tập viết số không khi đầu đã bạc/ Hôn vào khoảng không tìm hạnh phúc/ Khoảng không trong suốt cuối vườn hoang (Khoảng không)…
Thơ Hoàng Phụng Cầm luôn mở ra, luôn day dứt. Anh nói tưởng khẽ khàng mà tôi vẫn thấy sự đường đột đến bủn rủn, như ở Không đề III, bài thơ vẻn vẹn có mười bốn chữ:
Sen tàn bưởi chín làm chi
Một mùa đến lại chia li một mùa.
Cảm ơn anh!
Mảnh vá
Trước mộ song thân
Con là mảnh vá dứt ra từ áo mẹ
Trám đời một vết nhăn sâu
Mảnh vá đôi lần cũ hơn áo vá
Thành con tấm áo đủ màu
Miếng vá lặn sâu cốt nhục
Mọi tấm khoác sau này đâu phải con
Lạy Người với sắc nâu non
Thịt da của mẹ vẫn còn thơm đây.
Tiễn người thơ
Anh đi rồi
còn lại cây dầu đội mưa cuối phố
chốn ấy nhiều ngã rẽ
lá rơi
về đâu?
nơi nào cũng sâu hun hút
buồn vui lại mỏng như tờ
vấp tơ nhện mà lòng ngã sấp
Nghe tiếng chuông treo cổ ngựa thồ
lắc từ một thủa rất xưa
nhẹ nhàng rắc lên số phận
Cây dầu thẳng đứng như chết đứng
nơi ấy tôi tiễn anh
câu nói nửa chừng như chưa nói
chào như chưa chào
nét muốn xóa lại thành như mới vẽ
thêm nhiều ngã rẽ
thêm những tìm nhau
câu nói nửa chừng như chưa nói
Lần sau
Gặp nhau
Đừng là nơi ấy
chớ chia tay nhau có những gốc cây dầu
tôi ngại chiều cao tôi kinh thẳng đứng
khiếp cả tiếng thì thầm úp mở trên tán lá tầng cao…
Cúc dại
Mỏng manh cúc nở ven đường
Ngập trong khói bụi mà dường như không
Hồn nhiên giữa buổi đục trong
Đất già, cỏ rối mà không nản lòng
Cúc dại đấy, có ai trồng
Người đâu biết nhựa cúc nồng hay cay
Thản nhiên như gió vậy thôi
Tâm tư chi lắm để rồi hóa sương.
Trái đời lắc giữa nhịp chuông
Biết đâu địa ngục thiên đường mà rơi
Gáo nước cặn chứa mặt trời
Ai đem tạt cả tiếng cười vào ai
Nhìn cúc dại nở sớm mai
Sắc không vay mượn chẳng phai bao giờ
Cởi mình về với hoang sơ
Trút trăm khát hạt vật vờ ngóng trông
Ta về một sớm đầu đông
Thầm nghe cúc thắp lửa nồng trong mưa.