Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN TRAO GIẢI VÀNG, GIẢI BẠC

Tô Hoàng
Thứ năm ngày 22 tháng 12 năm 2011 6:24 AM

Chuyện lạ xẩy ra tại Liên hoan phim VN lần thứ 17:
 
 Liên hoan phim lần thứ 17 vừa diễn ra tại Tp Tuy Hòa cũng mang cả ý nghĩa kỷ niệm 40 năm ngày ngành Điện ảnh Việt nam tổ chức LHP để trao giải Bông Sen Vàng, Bông Sen Bạc. Không biết có phải vì lý do này không, mà đây là lần đầu tiên (tính trong cả 17 lần tổ chức LHP) có sự hiện diện của ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt nam, Trưởng Ban Tuyên Giáo T.Ư trong đêm bế mạc và bước lên sân khấu trao mấy giải thưởng cao nhất.
 Không còn nghi ngờ gì, việc Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên Giáo TƯ Đinh Thế Huynh có mặt tại LHP 17 là niềm vinh dự và tự hào cho giới điện ảnh nước nhà. Ấy thế nhưng sự hiện diện của ông Đinh Thế Huynh và việc chính tay ông trao Giải Bạc cho ông Nguyễn Hữu Mười –đạo diễn  bộ phim “ Mùi cỏ cháy” lại gợi nên những cắc cớ khác-không thể không nói ra để mà ..rút kinh nghiệm.
 Như chúng ta đã biết, Liên hoan phim 17 không trao Giải Vàng cho bất cứ bộ phim truyện nhựa nào. Ba Giải Bạc đồng hạng trao cho 3 phim “ Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt”, “ Vũ điệu đam mê” và “ Mùi cỏ cháy”. Nhiều bạn mê phim chắc chưa có điều kiện xem cả ba bộ phim này. Phim đầu nói về bệnh đồng tính và phim thứ hai đề cập tới một đam mê của giới trẻ hiện nay. Cả hai phim đầu thuộc loại đề tài “ thời thượng” , dễ cuốn hút đám người xem trẻ tuổi tới rạp và dù có những cố gắng để chỉn chu, kỹ càng hơn về tay nghề, nhưng phim nhắm tới cái đích doanh thu cao vẫn là chính. Bộ phim thứ 3-“ Mùi cỏ cháy”- thuộc dòng phim chính thống, nhận đồng tiền tài trợ ủa Nhà nước để ca ngợi cả một thế hệ trẻ đã gác bút nghiên lên đường vào trận. Và cuộc đụng đọ với lửa đầu tiên của họ chính là Thành cổ Quảng trị năm 1972. Thừa hưởng được không khí cởi mở, dân chủ nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm và đạo diễn Nguyễn Hữu Mười không hề tô hồng, không hề giản lược cái quyết liệt, sinh tử nơi đạn bom mà những người lính trẻ phải chiềng mặt; cũng không hề vướng phải căn bệnh lên gân, hò hét trong khi thể hiện những người mẹ, người cha, người yêu khi phải tiễn đưa những “ núm ruột” của mình vào nơi sinh tử. Họ sót sa, âu lo và như lường trước được cả những gì sẽ xẩy ra,  nhưng họ nén chịu để giữ được sự bình thản mà tiễn ngườira đi.Nhưng nét chân thật của lịch sử và cũng là điều bộ phim đã khiến người xem rưng rưng không cầm được nước mắt, chính là ở chỗ những người lính trẻ kia bước vào trận không phải là “những vật tế thần”, “ những con bù nhìn rơm” mà với lòng yêu nước nồng nàn, với ý thức tự nguyện cao cả, họ sẵn sàng hy sinh tuổi xuân và cả tính mệnh vì những gì cha chú mình đã đổ máu xương bảo vệ được từ mùa thu tháng Tám năm 1945; vì một lý lịch trong sạch mà cha mẹ mình đã gột dựng nên để đàn em mình tự hào tiếp nối. Nhà văn, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã tâm sự với chúng tôi: Để có được kịch bản văn học “ Mùi cỏ cháy” anh đã đọc hết cuốn “ Mãi mãi tuổi 20” của Liệt sỹ Nguyễn văn Thạc, “ Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và gần đây là cuốn tự truyện “ Được sống và kể lại” của nghệ sỹ điêu khắc Trần Luân Tín. Bản thân nhà văn-nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm cũng là một chiến sỹ đã trực tiếp cầm súng chiến đấu và sống sót sau những ngày máu lửa ở Thành cổ Quảng trị. Anh nói: “ Kịch bản phim “Mùi cỏ cháy” là hồi ức sống của chính tôi, của đồng đội tôi. Tôi đã không ngăn được nước mắt trên từng dòng chữ, từng trang viết. Tôi tự hứa với mình, bằng chính bộ phim này, tôi sẽ lên tiếng biện minh cho những đồng đội yêu thương của tôi đã ngã xuống,rằng chúng tôi không phải là những kẻ dễ bị phỉnh lừa, chúng tôi không ngu muội -như ai đó bây giờ nghĩ như vậy, chúng tôi minh mẫn, tỉnh táo cho tận phút giây sống cuối cùng, để vẫn nghĩ rằng chúng tôi hy sinh vì những giá trị cần phải đạt tới; cho bản thân từng chúng tôi, cho gia đình chúng tôi và cho sự trường tồn của dân tộc này.”. Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười lại bộc bạch về một phương diện khác: “ Làm phim về cuộc chiến tranh vừa qua hầu như bây giờ hãng phim nào, ông đạo diễn nào cũng né tránh. Kinh phí đã ít ỏi. Việc tạo dựng lại không khí trận mạc, cái quyết liệt của cuộc chiến- nhất là ở một nơi đụng đọ sắt thép như Thành cổ Quảng trị- quả là hết sức mệt mỏi, vất vả, cơ hàn. Nhưng khi đã đọc kịch bản của anh Cầm rồi, tôi và nhà biên kịch ngầm thề với nhau như thế này: Làm phim là bước vào một cuộc sinh tử mới. Điều quan trọng nhất, cái thước đo giá trị nhất là không được nói sai, nói xấu, làm hổ danh những người đã ngã xuống cách nay mấy chục năm trước và gắng dựng lên một bức tranh hoành tráng về các thế hệ người lính đi trước, để tiếp sức cho lớp đàn em, đàn cháu đủ dũng khí khi non sông, đất nước cần tới...”.
 Xem phim, chúng tôi xác nhận tâm huyết của nhà văn –nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm và đạo diễn Nguyễn Hữu Mười. Dù chưa “ mười phân vẹn mười” nhưng có được một bức tượng đài sống về các chiến sỹ Thành cổ Quảng trị chân thực, giàu ngôn ngữ điện ảnh và đầy sức truyền cảm như thế quả là một thành công đáng ghi nhận của Điện ảnh Việt nam hôm nay, xứng đáng là một bộ phim thuộc “dòng chính thống” ; không “ đắt đỏ” gì với một vài tỷ bạc do Nhà nước bỏ ra. Càng đáng nói, đáng kể hơn phim “ Mùi cỏ cháy”ra đời đúng vào thời điểm những âm mưu bành trướng đang de dọa biên cương, biển đảo của Tổ quốc; khi phong trào “ Góp một viên đá xây dựng Trường Sa” đang nổi lên như một biểu trưng, một kích lệ tấm lòng yêu nước của người Việt Nam chúng ta.
 Như tìm được sự đồng tình, trong cuộc Hội thảo bàn về thực trạng và giải pháp cho nền điện ảnh dân tộc, một hoạt động của LHP lần thứ 17, diễn ra vào sáng ngày 16 tháng 11- về phim “ Mùi cỏ cháy” NSND, đạo diễn Huy Thành khi đăng đàn đã nói: “ Có được phim “ Mùi cỏ cháy” coi như LHP 17 đã thành công. Tôi đề nghị đồng chí Hoàng Tuấn Anh-Bộ trưởng Bộ Văn Hóa-Du Lịch-Thể Thao làm cách nào đó để mọi người dân Việt nam được xem bộ phim này! “. Nhiều đại biểu của LHP, nhiều nhà báo đã vỗ tay tán thưởng sự khẳng định và lời kêu gọi ấy của đạo diễn Huy Thành.
 Đáng khen thay, LHP 17 biết giữ bí mật Giải vàng, Giải Bạc đến phút 79! Nhưng khi kết quả được xướng lên thì ôi thôi: “ Mùi cỏ cháy” cũng hầm bà làng, xếp ngang hàng với “Hot boy nổi loạn và  câu chuyện về thằng Cười, cố gái điếm và con vịt”, “ Vũ điệu đam mê” cùng đồng giải bạc!
 Đã tới thời những mục tiêu, mục đích sống còn của Tổ quốc, của dân tộc cũng sẹp xuống xếp ngang với mục đích thỏa mãn những thú vui trần tục của các hot boy, hot girl rồi sao? Hoặc văn chương, phim ảnh đã không cần ngó ngàng tới yêu cầu của hai chữ “ định hướng “ nữa đây? Xét thời sự một chút, LHP 17 diễn ra cách không xa ngày 22 tháng 12, Ngày Hội Quốc phòng toàn dân. Nếu có một phim ca ngợi trực tiếp lòng quả cảm, sự hy sinh vô tư, trong sáng của ngưới lính trước vận mệnh của Tổ quốc- như phim “Mùi cỏ cháy”- chẳng lẽ không đáng để được cộng thêm mội, hai điểm sao?
Những câu hỏi này để đông đảo bạn yêu phim khi trực tiếp xem cả 3 bộ phim trên tự tìm ra câu trả lời.
 Trở lại với sự hiện diện của ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ tại Lễ bế mạc LHP 17 và việc chính tay ông trao Giải Bạc đồng hạng  cho phim “ Mùi cỏ cháy”. Tôi đoan chắc rằng, ông Huynh chưa xem 3 bộ phim được trao 3 giải Bạc tại LHP lần này. Mà việc gì  ông phải xem? Với cương vị của mình, ông Huynh còn bận trăm công nghìn việc thuộc “ phương diện quốc gia” khác. Nhưng ví thử, nếu thu xếp được thời gian, bây giờ ông Huynh xem lại “ Mùi cỏ cháy” liền một hơi với “Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt”với  “ Vũ điệu đam mê” chắc ông sẽ ân hận, đau đớn lắm trước xương máu, anh linh đồng dội, đồng chí mình đã ngã xuống tại Thành cổ Quảng trị.
 Bởi lẽ, trong cuốn truyện tự thuật khá nổi tiếng “ Được sống để kể lại “ của nhà điêu khắc Trần Luân Tín vẫn ghi rành rõ: ông Đinh Thế Huynh cũng là một chiến sỹ can trường đã sống sót sau thử thách Thành cổ Quảng Trị. Và ông Đinh Thế Huynh cùng nhà văn-nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, nhà điêu khắc Trần Luân Tín- lúc đó còn là những anh lính rất trẻ- đã được Phòng Chính trị Sư đoàn 325 cử về dự trại sáng tác của Quân khu 4 đâu đó vào 1977.
 Lẽ dĩ nhiên xếp đồng hạng “Mùi cỏ cháy”với “ Vũ điệu đam mê”,với  “Hot boy…” đâu phải lỗi của ông Đinh Thế Huynh? 
 Lỗi là lũ thuộc hạ của ông Huynh- những kẻ vừa thèm quyền lực vừa thèm tiền nên hóa ra gà mờ, lẫn lộn, tráo đổi mọi giá trị..
Tp Hồ Chí Minh ngày 21 tháng 11 năm 2011
                            T.H