Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẠP BÚT CỦA TẠ HỮU ĐỈNH

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ tư ngày 21 tháng 12 năm 2011 6:07 AM
 
 
1 - ĐI XEM
“VIỆT PHỦ THÀNH CHƯƠNG”

 
Trước đây, khi đọc bài báo “Thành Chương người và phủ”, của Hà Nguyên Huyến (Văn nghệ số tết Mậu Tý 2008), với những lời ca ngợi: “Chúng ta kinh ngạc trước một di sản văn hóa (hầu như tất cả đều được sưu tập) đồ sộ đã hội tụ về đay…”. “…nếu như không có con mắt xanh thì chúng ta chỉ còn một… dòng hoài niệm buồn bã” v..v…Khiến tôi đã ước ao làm sao để được tận mắt chiêm ngưỡng công trình này.
Thế rồi mãi gần một năm sau, cuối tháng 12, năm 2009 vừa qua, cái điều ước ao, mong mỏi ấy mới đến. Sau khi mua vé (100.000 đông/ người), chúng tôi được nhận mỗi người một tập sách nhỏ hướng dẫn, một bản sơ đồ và một “tờ rơi”, với chân dung họa sỹ Thành Chương và hàng chữ tiêu đề: “Việt phủ Thành Chương vương quốc thanh bình cho những di sản Việt”. Cùng những dòng ghi cảm tưởng tỏ ý khen ngợi, của vài ba chính khách nước ngoài, khi họ đến thăm công trình này.
Ngoài cổng, hai bên cánh gà đặt hai bức tượng voi phục. Trong cổng, hai bên để một đôi ngựa đứng chầu, và hai chiến binh cầm kiếm đứng bên ngựa. Tất cả tượng đều bằng đá, mới chế tác, tầm cỡ gần bằng người thật.Trên cổng nổi bật lên hàng chữ khá lớn: “VIỆT PHỦ THÀNH CHƯƠNG”. Không rõ chữ đúc bằng xi măng, hay chạm khắc bằng đá. Song, rất rõ ràng là công trình này đã đổi tên, không còn là “Phủ Thành Chương” nữa. Vì sao vậy? Sự thắc mắc ấy của tôi phải đến lúc về nhà, đọc tập sách hướng dẫn mới được giải đáp.
Xem tất cả những cổ vật được trưng bày và lưu giữ ở đây, thì ai cũng phải công nhận, đây là một nhà bảo tàng có tầm cỡ hơn cả bảo tàng cấp tỉnh. Thậm chí hơn cả bảo tàng khu vực như Viết Bắc, cũng chưa chắc đã bằng.
Trước hết phải kể đến là các công trình kiến trúc cổ. Ở đây hầu như có đủ loại nhà. Từ nhỏ bé như lều quán. Đến to như nhà ba gian, năm gian. Nhà tường đất, mái gianh, tre nứa, lá. Nhà gỗ lim, câu đầu, kẻ chuyền đốc thước, cửa bức bàn…Cả những tòa nhà bê tông cao tầng, kiểu lâu đài, lầu son gác tía rất lộng lẫy. Và cả nhà sàn, lợp cỏ của đồng bào thiểu số. Cùng những nông cụ, cày bừa, liềm hái…Những tiện nghi sinh hoạt giường tủ, bàn ghế, trường kỷ bằng tre. Cối xay, cối giã gạo bằng gỗ, đá và đất. Cả những dụng cụ đánh bắt thủy sản, nơm, giỏ, vó…Đặc biệt là chiếc “áo tơi”, được khâu kết bằng lá cọ, hãy còn nguyên lành. Từ khi có vải ni lông làm áo mưa, loại áo lá ấy không tồn tại nữa. Và rất nhiều vật dụng khác nữa, không kể hết được.
Mảng thứ hai là những cổ vật gốm sứ. Những bộ đồ trà, đôn sứ từ thời Minh – Thanh (Trung Quốc). Lư hương, bình trà, lu, thạp, bình vôi từ thế kỷ 15 – 16 đến cận đại. Và rất nhiều chum vại, ang, kiệu, nồi, niêu, sanh, chậu, bát đĩa…Mà trong đó phần lớn đều là đồ “tùy táng” ở các ngôi mộ cổ, được khai quất và sưu tập về đây.
Nhưng đặc biệt nhất, và cũng là nội dung quan trọng nhất của công trình này là có hàng trăm bức tượng Phật lớn nhỏ, (bức nhỏ nhất khoảng hai mươi phân, bức lớn nhất gần bằng người thật), đang được trưng bày và lưu giữ ở đây. Người viết bài này không am hiểu về tượng Phật, không phân biệt được các hình tượng này, mang tên những vị Phật nào, Nhưng biết chắc chắn rằng, trong các ngôi chùa ở nước ta có những vị Phật nào, thì ở đây chẳng những cũng có, mà còn có rất nhiều nữa. Có lẽ chỉ thiếu mỗi bức tượng đức Giáo Chủ Thích – Ca – Mâu – Ni bằng đồng đen, còn thì đủ cả. Từ Phật Tổ Như Lai, đến Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, Phật A-Di-Đà, và các vị La Hán, Đưc Ông, Thánh Mẫu…Vị nào cũng cổ kính, cũ kỹ, vàng son bong tróc, sứt sẹo. Có bức gẫy cả hai tay, sứt tai, võ cằm…
Ngắm nhìn những bức tượng này, chắc ai cũng phải công nhận rằng đây là những bức tượng cũ, đã được làm ra hàng trăm năm trước, chứ không phải là mới được chế tác. Vậy xin hỏi các vị tượng: Trước đây các ngài tọa lạc ở những chùa nào, và vì sao lại lưu lạc đến đây? Nhưng Phật vốn từ bi, bác ái, nên chẳng vị nào muốn trả lời. Hỏi người ư? Nào có ai là người thay mắt cho chủ nhân ở đây đâu mà hỏi. Chỉ biết rằng mấy năm trước đây, thỉnh thoảng lại thấy báo, đài đưa tin chùa X, chù Y bị mất trộm tượng Phật. Thậm chí có chùa, kẻ trộm còn cả gan đánh cả ô tô vào trong sân chùa chở Phật đi mà sư trụ trì cũng không biết!
Điều 250, Bộ luật hình sự quy định, người mua tài sản do bọn trộm cắp lấy được đem bán. Nếu không biết (vì những tài sản đó không phải đăng ký), thì bị xử lý hành chính. Còn trường hợp biết (gồm những tài sản phải đăng ký như ô tô, xe máy. Hoặc không phải đăng ký như tượng Thần, tượng Phật, vì chỉ ở đình, chùa miếu mạo mơi có) mà vẫn mua, vì hám lợi, thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Đưa ra tòa xét sử. Vậy, thưa các nhà hành pháp, hàng trăm bức tượng Phật cổ đang hiện diện ở Việt phủ Thành Chương đây, có phải là tang chứng, vật chứng của bọn đạo chích không?
                                              *
           Trong tập sách hướng dẫn. Lời nói đầu viết: “Đây là sự kỳ diệu và lớn lao không phải của một Vị Thần thổi phép thiêng vào quả đồi khô trọc và vô cảm trước đó mà bởi giấc mơ, ý chí, tình yêu và tài năng lớn của một con người: họa sỹ Thành Chương, một trong những họa sĩ hàng đầu của nền hội họa Việt Nam đương đại”.
Một bài khác (cũng trong sách hướng dẫn), ai đó đã viết: “Khi chứng kiến những gì có trong Việt Phủ, chúng ta không tránh khỏi sự kinh ngạc vì tình yêu lớn lao của họa sĩ Thành Chương. Ông đã hiến dâng toàn bộ tài sản, sức lực và tâm trí để dựng lên Vương quốc này. Nếu không có một nơi như những nơi này, chúng ta sẽ mất đi những tài sản tinh thần vô giá mà không bao giờ tìm lại được. Để đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ bị cắt rời với quá khứ vĩ đại của dân tộc. Và Việt Phủ Thành Chương đã trở thành cây cầu nối hiện tại, quá khứ với tương lai”.         
Ối cha..cha!...Thật khủng khiếp! Nếu không có “tài năng lớn và tình yêu lớn của họa sĩ Thành Chương”, và nếu không có “Việt Phủ Thành Chương thì chúng ta (chắc là cả dân tộc ta) sẽ bị mất đi những tài sản tinh thần vô giá mà không bao giờ tìm lại được”. Cũng như, nếu không có “Việt Phủ Thành Chương là cây cầu nối, thì đến một lúc nào đó chắc chắn chúng ta sẽ  thành ra một lũ ngẩn ngơ, vong gia thất thổ. Hay chết khô, chết héo như cái cây vì đã bị “cắt rời” mất gốc, mất rễ !
Vậy xin hỏi: Thế còn hệ thống đình chùa, miếu mạo trong cả nước ta, và còn các nhà bảo tàng từ trung ương đến các địa phương (63 tỉnh thành) thì để làm gì? Thưa ông, hay bà tác giả giấu tên?
Rồi lại một tác giả vô danh nữa (hay vẫn là một người) viết: “Chỉ một ngày ở Việt Phủ Thành Chương, chúng ta có thể sống trong hiện thực và tinh thần của những sinh hoạt văn hóa ngàn đời của người Việt. Chúng ta có thể nghe Chèo, Quan Họ, Ca Trù, xem Rối Nước. Chúng ta sẽ được sống trong một thế giới khác, một thế giới như một giấc mơ, một thế giới không có tài năng lớn và tình yêu lớn của một họa sỹ hàng đầu thì chúng ta sẽ tự phá hủy đi tất cả mà không hề nhận ra”.
Ôi chao! Thật hú vía! Chỉ một tẹo nữa thôi, nếu không có họa sỹ Thành Chương, thì nhân dân cả nước ta đã hóa thành những kẻ điên rồ, “tụ mình phá hủy đi tất cả (nền văn hóa bốn nghìn năm) mà không hề nhận ra”, không hề hay biết!
 (Sự thật về các loại dân ca cổ truyền và kịch nghệ ở Việt Phủ Thành Chương, khi chúng tôi đến thì chỉ có mỗi cái sân khấu múa rối nước. Nhưng chắc lâu ngày không biểu diễn, hoặc chưa từng được sử dụng bao giờ, nên nước tù đọng, đặc ngẫn và xanh lét như cái ao rêu).
Đọc những dòng trên của các “nhà văn vô danh”, viết về Việt Phủ Thành Chương, khiến tôi lại nhớ đến chuyện ông tiến sĩ nọ, chắc không thỏa mãn với cái danh mình đang có, nên ông bèn nhẩy ra làm thơ. Nhưng rất “độc đáo” là ông ta chỉ về tá túc ở non thiêng Yên Tử có một vài đêm mà đã “sáng chê” ra hàng trăm bài thơ. Rồi để lấp liếm cái vô lí đó, đồng thời cũng là để làm cho thơ mình có vẻ thiêng liêng, huyển bí, nên “nhà thơ” bảo đó là thơ của Phật cho, chứ không phải ông làm. Nhưng khi xuất bản thì tác giả lại là tên ông, chứ không phải là tên Phật! Ông in mười nghìn bản. Tha hồ biếu tặng bạn bè ở trong nước, ở ngoài nước. Trong đó có cả Tổng thông Pháp nữa !
Rồi muốn nhanh chóng nổi danh, (danh thơ chứ danh khoa học thì ông đã có rôi), “nhà thơ” bèn mời một số văn nghệ sỹ về Yên Tử “hội thảo”,”ngâm vịnh”. Và mời Đài truyền hình Việt Nam về ghi hình phát sóng. Anh bạn giáo viên của tôi khoe rằng, trong cuộc ngâm vịnh đó, bọn học sinh trường anh cũng kiếm được một số tiền kha khá. Chúng được thuê đi vỗ tay. Giá 30.000 đồng/đứa.
Tôi trộm nghĩ: Những hàng hàng “châu ngoc” của các “nhà văn vô danh” viết trên kia, rất có thể cũng chỉ là những tràng vỗ tay thuê chăng? Hay đúng là như vậy, cho nên các vị ấy mới giấu tên, giấu tiếng của mình đi như vậy. Mà có lẽ cả Việt Phủ cũng vậy. Vì sao không có người thuyết minh, hướng dẫn khách thăm quan? Phải chăng là để tránh những câu hỏi mà sẽ rất khó trả lời: “Những bức tượng Phật này Việt Phủ sưu tầm được ở đâu?
Cuối tập sách hướng dẫn, tác giả mới giải thích: “Vì sao lại gọi là Việt Phủ? Phủ là một từ Việt cổ dùng để gọi một khu nhà lớn. Phủ Thành Chương, Biệt Phủ Thành Chương, hay Việt Phủ Thành Chương, cả ba tên gọi đều đúng”.
Không đúng! Tôi nghĩ cả ba tên gọi đều sai. Từ “phủ” nhân dân ta không dùng để gọi một khu nhà lớn.Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ đã định nghĩa: “Phủ là một đơn vị hành chính thời phong kiến tương đương cấp huyện, nhung có vị trí quan trọng hơn. Phủ là nơi hoặc bộ máy làm việc của một vài cơ quan cao  nhất của nhà nước. Phủ chủ tịch. Phủ thủ tướng.”. Nếu bảo “phủ” là từ dùng để gọi một khu nhà lớn, thì sao Nhà thờ lớn Hà Nội người ta không gọi là “Phủ thờ Hà Nội”? Nhà hát lớn Hà Nội, sao không gọi là “Phủ hát Hà Nội”? Nhà bách hóa Tràng Tiền, sao không gọi là “Phủ bách hóa Tràng Tiền”?
Còn cái tên “Biệt phủ”. Từ “biệt’ nếu đứng một mình thì hầu như chẳng có nghĩa gì, mà thường là phải có một từ nữa đi cùng, thành một cắp từ thi mới có  nghĩa. Như: tạm biệt, biệt tăm, biệt tích, biệt xứ, biệt động…Còn để từ “biệt”  đứng cùng với từ “phủ”, thì cái gọi là “phủ” ấy cũng không vì thế mà trở thành đặc biệt được. Nếu chỉ dùng một từ “biệt” đã đủ nghĩa là đặc biệt, thì sao người ta không gọi: “Biệt cố vấn Lê Đức Thọ”? Mà lại gọi là “Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ”.
 Cái tên thứ ba “Việt Phủ”. Cũng như từ “biệt”, từ “việt” ở đây, trong ngũ cảnh này, cũng chẳng có ý nghĩa gì. “Việt” không có nghĩa là người Việt Nam, và cũng không có nghĩa là nước Việt Nam.
Trong sách hướng dẫn, tác giả vô danh nào đó đã khẳng định cái tên “Phủ Thành Chương” là đúng, thì sao lại đổi thành “Việt Phủ”? Phải chăng vì trong nội phủ có cái gì đó khuất tất, không quang minh chính đại, khiến chủ nhân không yên tâm, không dám một mình tự chủ, nên phải dựa vào sự lấp lửng, mập mờ trong cách sử dụng ngôn ngữ (Việt Phủ), để tạo ra một sự hiểu rằng: Công trình nay bây giờ không còn là tài sản của một cá nhân nữa, mà là của chung một số người (Việt). Hoặc công trinh này đã trở thành liên doanh giữa họa sỹ Thành Chương và nhà nước Việt Nam. Hoặc cơ sở này đã quốc hữu hóa v..v…Tùy người đời muốn hiểu thế nào thì hiểu.Đó là  về mặt danh nghĩa. Còn về lợi nhuận (tiền bán vé cho khách tham quan), vẫn cá thể hóa tuyết đối là được rồi.
  Tuy nhiên, khách quan và công bằng mà nhìn nhận và đánh giá, thì chủ nhân của công trình này: Họa sỹ Thành Chương quả là người có chí, có tâm và có tài. Ông đã dầy công sáng tạo ra một tác phẩm to lớn, đẹp đẽ và có ích cho đời sông văn hóa tinh thần của nhân dân ta. Còn tác phẩm này sẽ tồn tại được bao lâu nữa, thì chỉ thời gián mới có câu trả lời./.
 
 2- MỐT

Hôm ấy tôi được ông hàng xóm mời cơm mừng tân gia. Ông vốn là thiếu tá, mấy chục năm binh nghiệp đều phụ trách quân nhu, lo cơm áo gạo tiền cho đơn vị. Nay, nghe đâu ông mới được lên sao, thành trung tá, và đang chuẩn bị về  nghỉ hưu.
Khỏi phải nói về cái to, đẹp của ngôi biệt thự ấy. Lúc vừa đến tôi đã bị hút ngay vào các bộ phận bằng gỗ của công trình. Ngoài thị trường đang khan hiếm gỗ. Rừng bị lâm tặc tàn phá, ta phải nhập khẩu gỗ ép của Malaixia và Singapore, nhưng ở đây tất cả cánh cửa, khuôn cửa, cầu thang, tay vịn, ván lát sàn, ván ốp chân tường, ốp cổ trần và lá chắn mái đều là gỗ quý như đinh, lim, cẩm lai hay pơ mu, đánh véc ni bóng loáng, mùi gỗ thơm tỏa ra vừa êm dịu, vừa ngọt ngào, tưởng có thể ăn được.
Và cũng khỏi phải nói về cỗ bàn to, nhỏ làm gì. Vì bây giờ vật chất dồi dào, chuyện ăn uống không còn là mối quan tâm hàng đầu như thời xưa nữa. Vả lại tiền nào của nấy. Cỗ càng sang thì phong bì càng phải dầy chứ sao.
Lúc tôi đến thì trời đã bắt đầu nhập nhoạng tối. Hàng phố đã lên đèn. Ngoài sân, ô tô, xe máy đỗ chật cứng, chỉ còn chừa ra mỗi lối đi. Trong nhà cỗ bàn la liệt từ tầng trên xuống tầng dưới. Khách khứa chen vai nhau. Quân phục, quân hàm, com lê, cavát, áo dài, áo ngắn đủ kiểu. Lẵng hoa, chậu cảnh trưng bày khắp nơi. Đèn nê ông, đèn chùm sáng choang. Quạt máy chạy vù vù, mặc dù trời khắ mát mẻ. Những chiếc li pha lê rót rượu tây bắt ánh đèn, sáng lóe lên, và những tia phản quang lóng lánh xanh đỏ như kim cương, như hồng ngọc. Tay bắt mặt mừng. Tiếng cười, tiếng nói chen nhau. Lời chúc tụng, câu ngợi khen quấn quýt. Tiếng cốc tách chạm nhau. Tiếng chân rình rịch vội vã leo lên, chạy xuộng ở cầu thang, ở sàn nhà cuả khách đến sau và của những người phục vụ hòa vào nhau, lấn át nhau âm vang rộn rã.  
Tự nhiên tôi cảm thấy mình lạc lõng, ngột ngạt, cần phải “đánh nhanh, rút gọn”. Ăn uống quếnh quáng xong, tôi ra bàn ngồi uống nước. Chợt thấy một cái đĩa khá to, để trên chiếc đôn sứ Giang Tây ở đầu bàn. Trong đĩa đựng một thứ nước gì đó, trông đỏ ôi như đĩa tiết canh. Nhưng chắc là không phải. Vì trên mặt nước lổn nhổn nổi lên những mảnh nhỏ và cong như những cánh hoa.
Cũng chẳng tò mò làm gì. Nhân lúc không mấy ai nhìn về phía mình, tôi vội đưa cho ông hàng xóm chiếc phong bì, nói mấy câu chúc tục lệ, rồi lặng lẽ “chuồn”.
*Sáng hôm nay nhân có chút việc đi qua phố trên, tôi ghé vào nhà thăm anh bạn. Anh là họa sĩ nghỉ hưu, ở với con trai. Con anh tốt nghiệp trường Mỹ thuật công nghệ, về nhà lập công ty trang trí nội thất.
Ơ…Ơ…Chưa kịp ngồi xuống ghế, tôi đã trông thấy chiếc đĩa sứ to, đường kính khoảng 35 phân, men lam, hàng giả cổ, mặt ngoài vẽ hoa cúc dây. Đĩa đựng nước lã, thả đầy những cánh hoa hồng nhung đỏ thắm, để trên chiếc kỉ gỗ gụ, chân quỳ, mặt đá, đục bong rỗng rất đẹp, đặt ở giữa bàn trà.
Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh bảo:
- Mốt mới đấy. Dân sành điệu bây giờ họ không chơi theo kiểu truyền thống, cắm hoa vào bình nữa, mà vặt cánh thả vào đĩa nước.
À, thì ra là thế!..Bây giờ thì tôi hiểu, cái đĩa đỏ ối trong đám tân gia hôm nào, không phải là đĩa tiết canh, mà là hoa hồng!
Tôi nghĩ, hoa là loài thực vật đẹp và quý. Nó đẹp cả từ dáng cây đến cành, đền lá. Đẹp từ mầm, từ nụ đến bông hoa. Đẹp từ lúc hoa vừa hàm tiếu, và đẹp cả lúc đã mãn khai. Thậm chí ngay cả lúc hoa đã tàn rồi, cánh hoa đã rụng xuống gốc, xuống mặt bàn rồi, trên cành chỉ còn lại cái chu, cái cuống nhưng cũng vẫn còn đẹp. Đó là cái đẹp của tự nhiên. Có nở có tàn, có sinh có hóa. Hoa cũng như con người, đẹp từ lúc sơ sinh bụ bẫm, khi khóc lúc cười. Rồi khi lớn lên thành thiếu niên, thành thanh niên lại càng đẹp. Và rồi ngay cả lúc đã già, cũng vẫn có cái đẹp của tuổi già.
Và vẻ đẹp của hoa từ bao đời nay đã được con người sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, mà việc nào cũng là cần thiết, là quan trọng cả. Ngoài nhu cầu trang trí, thưởng ngoạn, hoa còn để tiếp tân, đón khách, để trao tặng, thưởng công, để cúng lễ thần linh, tiên tổ. Và đặc biệt là để chú dể trao cho cô dâu, trong giờ phút trọng đại nhất của đời người con gái. Đó là lúc cô bước lên xe hoa về nhà chồng. Rồi hoa còn giúp cho người sống, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn, khi có người thân đi sang thế giới bên kia…
Song, dù dùng hoa vào việc gì, thì cung cách sử dụng cũng rất đẹp đẽ và trang nhã. Như trồng vào châụ sứ, cắm vào lọ thủy tinh, vào bình gốm, kết thành lẵng, thành bó, và cài thành vòng có lớp lang đẹp đẽ. Chứ chưa bao giờ lại vặt rời ra từng cánh như thế này – đang tay dập liễu vùi hoa – Thì còn gì là đẹp nữa!..
Cũng có trường hợp người ta tách cánh hoa, nhưng đó là để ướp lấy hương. Nghe đâu ngày xưa bà Từ Hi thái hậu của nước Tầu, khi pha trà bà thường dùng một chiếc kẹp bằng vàng, ngắt mấy cánh hồng nhung thả vào ấm trà, để ướp lấy hương thơm.
Còn cái kiểu thả cánh hoa vào đĩa nước, mà bảo là “mốt mới”, là “sành điệu”, hay có người còn gọi là “mô đéc” nữa thi…Vâng đúng là “mới”. Nhưng “sành điệu” thi chưa hẳn. Có lẽ cái “mốt” đó cũng “lẩm cẩm” như bộ quần áo bò vừa may xong, mới cứng, nhưng vẫn chưa phâi là xong, mà còn phải qua một công đoạn nữa. Đó là công nghệ mài mòn. Người ta dùng máy móc chà xát như thế nào đó, để mới mà thành ra cũ, vải sờn, mầu bạc đi. Rồi mới được coi là sản phẩm đã hoàn thiện. Đúng mốt !
 Hay như nữ ca sĩ kia, muốn gây ấn tượng mạnh, đã cắt tóc ngắn như đàn ông, lại vuốt sáp cho tóc dựng ngược lên, nhọn hoắt như lông nhím. Là đàn bà, giọng kim, nhưng lại thích giọng trầm như đàn ông. Nên khi biểu diễn, vừa lắc mông, nhẩy nhót, vừa ép ngực, nuốt hơi, gằn cổ, khiến giọng hát khàn khàn như tiếng vịt đực!
Rồi cả một số “đại ca’’ cũng vậy. Để “khác đời”, họ cạo đầu trọc lốc như đầu sư. Cớ anh lại cắt kiểu “móng lừa” (còn gọi là tiền văn minh, hậu sư cụ). Tức là đằng trước để một bạt chân tóc xanh, đằng sau cạo trắng lóp như đầu sư.
Người xưa bảo “Cái răng cái tóc là góc con người”, Vâng đúng là như vậy. Răng và tóc không chỉ để làm đẹp, mà còn giúp cho con người sinh sống được tốt hơn. Răng để nhai, để cắn, xé. Tóc để ấm và êm cho cơ quan đầu não. Cho nên người thời xưa rất coi trọng mái tóc. Người ta kiêng, không cắt tóc. Cả đàn ông và đàn bà đều để tóc dài, đều bối tóc cài trâm. Rồi sau do đặc thù lao động và sinh hoạt của mỗi giới có khác nhau, nên đàn ông mới cắt tóc ngắn như bây giờ.
Nếu bạn hỏi: “Vậy, các nhà sư trọc đầu cũng là xấu ?”. Thưa không! Sư cạo trọc đầu thì lại là đẹp. Vì ngay từ lúc mới xuất gia vào cửa Phật, họ đã tự nguyện xín “xuống tóc, quy y”, bỏ mái tóc xanh đẹp đẽ, bỏ y phục rực rỡ sắc mầu, mặc nâu sồng giản dị. Để chứng tỏ mình không quan tâm đến vẻ đẹp của hình dáng bên ngoài nữa, mà chỉ chú trọng đến cái đẹp nội tâm. Họ tự nguyện từ bỏ mọi lạc thú của cuộc sống, bỏ cả cao lương mĩ vị, sống cuộc đời khổ hạnh, muối dưa, ăn chay niệm Phật, dốc một lòng “Tam quy -  ngũ giới”, vâng lời Phật dậy… Cho nên họ có cái đẹp của sự từ bỏ, vì mục đích tu hành, cứu nhân độ thế, chứ không phải là “Mốt”.
Người ta thường bảo, người già hay bảo thủ, lạc hậu. Có lẽ đúng. Nhưng thưa bạn, tôi nghĩ tất cả cái mới chưa hẳn đã là đẹp, và cái cũ không phải cái gì cũng xấu./.