TNc: Tập truyện ngắn mỏng mảnh của tôi vừa xuất bản đã được nhà văn Trần Xuân An trong Sài Gòn đọc và có bài viết giới thiệu rất kĩ lưỡng, bắt thần tác giả. Xin cám ơn nhà văn Trần Xuân An và xin giới thiệu cùng bạn đọc..
Có những nhà văn làm nhức đầu và xót tim người đọc, vì vấn đề đặt ra, chứ không phải do nghệ thuật thể hiện. Không chỉ thế, Trần Nhương còn khiến ai đến với tập truyện ngắn mới nhất của ông (*) có lúc phải bật cười vì sự hóm hỉnh, giễu cợt, trào lộng...
Chỉ 12 truyện gói gọn trong khoảng hơn 150 trang sách, Trần Nhương đã vạch ra nhiều khía cạnh của cuộc đời và con người, nhưng hầu như tựu trung vẫn là tình yêu đương, hạnh phúc, khổ đau, dục vọng có thật và cũng có thật sự giả trá...
Hạnh phúc? Thật ra cũng chẳng có truyện nào của nhà văn Trần Nhương tràn đầy hạnh phúc. Với cách nhìn của ông, đó chỉ là khát vọng cao quý hay thèm muốn tầm thường. “Nhân tình của mẹ” là truyện ngắn thật xót lòng, viết về một người phụ nữ đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần dưới sự bạo hành của người chồng vũ phu đến mức tàn ác. Gã đàn ông này đánh đập, chửi mắng vợ như cơm bữa, chỉ bởi những cớ rất nhỏ mọn, như một bữa ăn dọn trễ, một bát canh nguội hay vì gã về muộn, mẹ con đành phải ăn trước. Và gã còn có vợ bé nữa. Tất cả những khổ đau ấy đã đẩy người đàn bà giỏi chịu đựng của gã dễ sa ngã vào lòng một người đàn ông đã gần vào tuổi sáu mươi. Trong vài cuộc hẹn hò, có sự có mặt của đứa con gái – nhân vật kể chuyện. Lúc còn tuổi nhỏ, cô bé phản đối sự ngoại tình của mẹ. Người mẹ đành nghe theo con, cặt đứt quan hệ bất chính, và cũng không muốn nộp đơn li dị với người chồng vũ phu. Cô bé kể: “Cuộc đời mẹ tôi như đã chết, bà cam chịu, không muốn phá vỡ gia đình”, “mẹ tôi bảo mẹ sợ cái tiếng bỏ chồng lắm. Họ mạc đôi bên sẽ nhìn mẹ thế nào” (tr. 21). Khi đã lớn lên, lại chính cô chủ động hàn gắn cho mẹ với ông bạn già hơn ba mươi tuổi của mẹ năm nào, khi ông đang nằm trong bệnh viện, bệnh tình cũng đã đỡ nhiều! “Không biết từ lúc nào bàn tay mẹ tôi đã ngoan ngoãn trong bàn tay bác Quân. Mẹ tôi nhìn bác và nước mắt lăn trên gò má đang hồng rực lên... Tôi nhẹ nhàng ra ngoài ban công...” (tr. 24). Chỉ vậy thôi, nhưng mấu chốt của truyện chính là lúc cô bé còn nhỏ, đã phải thốt lên một cách khá già dặn: “Trời đất ơi, mẹ tôi vẫn nghĩ đến cái tiếng, cái bề ngoài, cái đạo đức giả” (tr. 21). Cũng có thể là câu nói ấy bật ra giữa mạch truyện, khi cô đã lớn và đang kể lại. Nhưng dẫu sao, nhà văn Trần Nhương cũng đã gợi mở cho người đọc thấy rằng, việc li dị, yêu cầu được bảo vệ trong trường hợp này là quyền con người, là nhân đạo mà xã hội đã qua rồi thời người phụ nữ bị tước đoạt. Đồng thời, hình như tác giả cũng đã trách các hội đoàn, cơ quan luật pháp và trách người phụ nữ kia không biết thực thi quyền của mình, để rơi vào tình cảnh phải là một người đàn bà tội lỗi.
Khát vọng hạnh phúc dưới sự bạo hành còn được thể hiện ở truyện “Em đã có một người đàn ông trong nhà”. Người đàn ông ấy chính là đứa con trai sớm khôn, biết bảo vệ mẹ, trước người bố thô bạo, bủn xỉn. Bạo hành không chỉ là đánh đập, kềm kẹp mà còn trong chuyện tình dục trước hôn nhân, trong truyện “Dảo tiên sinh”.
Suốt cả 12 truyện ngắn trong tập truyện này cũng chính là cái đạo đức giả và dục vọng có thật của con người.
Cái đạo đức giả, thậm chí, thích dối trá nhưng có quyền lực nên biến mọi người thành dối trá, thể hiện ở các truyện “Béo rồi”, “Sao lại thế?”, “Tư Vờ”. Đó là ông vua xây hành cung ở làng Bèo thời phong kiến xa xưa, phạt roi trượng những thần dân nói thật, khen thưởng những thần dân nói dối; là thủ trưởng một cơ quan tuyệt đối đạo đức, tuyệt đối sạch sẽ, tiệt trùng tất cả những vật gì có thể truyền nhiễm, đến mức không một ai có thể nghĩ ông ta nhiễm “ết” (AIDS), nhưng quả là ông bị dương tính thật, do một lần ngỡ “hương đồng nội” hoá ra gặp phải “son phấn rẻ tiền”; là một người giả dối, chắt bóp, tính toán từng xu, nổi tiếng với xược danh 4V (viết – vó – vườn – vợ), từ việc viết thuê lịch sử cơ quan, địa phương, viết thuê hồi kí để kiếm tiền đến việc bắt cá bằng vó lưới, lấn đất để lập vườn và cả quan hệ vợ chồng, cưới vợ, bỏ vợ liền tay! Nếu truyện “Béo rồi” phỏng theo mô-tip truyện Trạng Quỳnh dân dã, lấy chuyện thuở phong kiến trung đại, chất liệu từ kịch Shakepeare (nhân vật Cléopâtre) để rút bài học kinh nghiệm cho hôm nay, thì hai truyện “Sao lại thế?”, “Tư Vờ”, tác giả khắc họa các nhân vật hư cấu, mang rõ dấu ấn của con người hiện nay, như một cách cảnh báo.
Dục vọng biểu lộ ở “một ông già cỡ bảy mươi tuổi” (tr. 7 - 8), trong truyện “Hạnh nhà tôi”. Đó là cụ già thèm hơi đàn bà theo nghĩa chính xác của từ và sự chăm sóc. Cụ tự biết mình “không còn khả năng gì đâu. Cô còn trẻ, thỉnh thoảng vui vẻ ở đâu cũng được” (tr. 9). Ông cụ đánh đổi cả gia sản, từ nhà cửa đến vườn tuợc, để người đàn bà một con còn ở tuổi khoảng ba mươi chấp nhận làm vợ của cụ, có lễ cưới và cam kết nhượng quyền thừa kế gia sản hẳn hoi. Trong khi đó, con cháu của ông lão này không phải ít, chỉ ngặt là chưa kiếm được người giúp việc chăm lo cho cụ! Thật ra, đây là một kiểu quan hệ đúng nghĩa là “hợp đồng kinh tế”, “hợp đồng lao động”, gồm cả “lao động tình dục”, dù chỉ là hơi hướm, vuốt ve... Truyện khiến người đọc cười sặc, cười ra nước mắt, và thầm hỏi, liệu người ta có thể mặc cả, giao kèo sòng phẳng với nhau đến mức trân tráo đến thế sao! Chuyện lại do chính người đàn bà ba mươi tuổi ấy tự kể với nhân vật xưng “tôi” một cách thành thực, chất phác như thể đó là chuyện tự nhiên, không có gì lạ!
Ở truyện này, thủ pháp cường điệu được vận dụng và nhân vật cùng bối cảnh thuộc địa bàn người Sán Dìu.
Một khía cạnh của sự đời là tình dục, còn được nhà văn Trần Nhương thể hiện ở khá nhiều truyện ngắn trong tập, kể cả những truyện viết về thời học trò mới xong bậc trung học, mới vào lính (“Thắng một không”), hay về người lính thời chiến tranh với hồn ma (“Chuyện tình ngày ấy”). Thực với người bạn gái con chủ nhà cho ở trọ thời sơ tán cũng có, mơ với hồn ma nữ sinh viên, chết tức tưởi vì bom ở phố Khâm Thiên cũng có. Và hầu như tình yêu phải gắn liền với tình dục như một tất yếu; thậm chí, tình dục như một cách lưu niệm, cho dù đó là tình yêu thoáng qua, trong một truyện như thể là tự truyện của tác giả (“Cơm bụi chấm com”)! Đúng hơn, ở phân nửa số truyện, Trần Nhương đã sử dụng thủ pháp chủ lực của truyện tiếu lâm dân gian hay “đòn hiểm” của Hồ Xuân Hương để chế giễu thói đời. Già đến chức cụ ông mà còn thèm hơi đàn bà là đáng cười! Cũng đáng cười thay là ông thủ trưởng cơ quan tuyệt đối tiệt trùng! Hoặc, tác giả đã vận dụng thủ pháp tự biếm để “chửi đời” như Tú Xương một thuở giao thời cuối thế kỉ XIX. Xét về kĩ thuật, thơ trào phúng, truyện tiếu lâm, trên thế gian này, việc sử dụng tính dục làm chất liệu gây cười, đả kích là khá phổ biến! Điều này, cũng có thể thấy ở những tranh cắt dán vi tính của hoạ sĩ Trần Nhương trên trannhuong. com, mặc dù chỉ ở mức đùa tếu trong thân tình. Mặt khác, ở một nửa số truyện khác, tình dục – tình yêu đương lại không phải thế. Nhà văn Trần Nhương khiến người đọc cảm thấy hình như ông muốn tô đậm sự thật ấy để xem thường đi, như ở các nước Phương Tây suy đồi với “cách mạng tình dục”? Đây là một vấn nạn xã hội trước tình trạng kích dục khắp mọi nơi, từ trang báo, mạng vi tính toàn cầu cho đến cách trang phục trên phố xá... Nếu ẩn ức tình dục đã được quy luật tự nhiên của cơ thể cân bằng qua mộng tinh, thuở trước (“Chuyện tình ngày ấy”), thì hiện nay, nó đã thành “tình dục lưu niệm” trên giường khu du lịch – nghỉ dưỡng (“Cơm bụi chấm com”). Thật ra, với quan niệm đứng đắn và ý thức thường xuyên tự nâng cao tâm hồn, cái siêu ngã hình thành ngày càng cao trong bộ óc cũng “kiểm duyệt” cả những giấc mộng tinh. Nhưng nếu đó là chuyện khiến nhớ mãi (“Thắng một không”) thì không thấy tác giả phê phán gì, hoặc đề xuất cách giải quyết như các nhà xã hội học, giáo dục học chân chính, nghiên cứu sâu về sinh lí học thanh thiếu niên... Ở lĩnh vực này, trên thị trường sách báo hiện nay, có truyện đúng là cường điệu, gây cười để đả kích, nhưng có truyện lại sa vào bình thường hoá, sành điệu hoá tình dục trước và ngoài hôn nhân, vô hình trung góp thêm mầm nguy cơ... Cái dục tính giao ai cũng có, phải chăng vấn đề là đừng đánh thức nó, nuông chìu nó...
Cũng vừa thật ở chuyện này, vừa giễu ở chuyện kia như thế, trong “Cây gạo làng Quỳnh” và “Nàng Thảo của tôi”, nhưng hai truyện ngắn này chứa đựng hai vấn nạn của một giai đoạn lịch sử, cho dù đã qua, nhưng quán tính vẫn còn, chưa hẳn đã thật sự chấm dứt.
“Cây gạo làng Quỳnh” không phải là truyện trào lộng mà là truyện đầy tính chất bi kịch. Truyện được viết về nhân vật Liễm, có ông cụ thân sinh là một nhà giáo, hẳn thuộc lớp có điền thổ khá giả, đã hết lòng ủng hộ, cưu mang kháng chiến, đến khi chủ nghĩa Mao tràn sang, cụ bị đấu tố, đến mức phải tự treo cổ ở cây gạo hoa đỏ, bởi “ngày ấy đội cải cách là ông trời mà trên họ không có ai, họ làm gì là quyền của họ” (tr. 41). Có điều, khi ở khu hậu cần của chiến trường phía Bắc, Liễm lại quyết định thoát li gia đình, làng mạc, và quyết chí phấn đấu, lập công. Đến lúc từ chiến Miền Nam ra, vì bệnh, và trong gần mười năm gần đây, ông Liễm đã nhiều lần toan tự sát bằng dây thừng, treo ở một cành cây đầu ngõ (tr. 44), như một sự “quả báo” mặc dù ông không phải là thủ phạm, mà thủ phạm là đội cải cách ruộng đất năm nào. Vì thế, vợ ông Liễm đêm nào cũng nắm cổ chân chồng, sợ chồng lại đi tìm cách tự treo cổ: “Đôi bàn tay mỏng manh của Hoà rất khó có thể giữ chặt chân Liễm, nhưng tấm lòng người vợ là cái neo níu chặt con thuyền đang định ra đi...” (tr. 46). Đây là một truyện day rứt lòng người, mà đến nay, mọi người đều chép miệng, tự an ủi, thôi thì phải nhìn đại cục, tổng thể, quá trình, chớ nên cứ mãi sa cái nhìn vào bộ phận, tiểu tiết, thời đoạn. Đây là truyện bi kịch, chứ không thể là truyện cười, cho dù là bi hài.
Hài hước mới chính là thủ pháp chủ yếu ở truyện “Nàng Thảo của tôi”. Truyện mở đầu bằng sự phê phán chủ nghĩa lí lịch, và cả truyện là quá trình chứng minh trọn một đời nhân vật “tôi” với cái tên “Nguyễn Minh Tít”, dẫu lí lịch không Đoàn cũng không Đảng, nhưng vẫn trung thành đến mức răng long đầu bạc với “Nàng Thảo”, người vợ đột nhiên ở khoảng tuổi bốn mươi, đâm ra sùng bái, say mê sự kềm kẹp chồng, đến mức trám sáp nến vào các lỗ ở dây nịt quần, để “chống sự quan hệ ngoài luồng”, đến mức đặt máy ghi âm cả những lời ú ớ nói mê trong khi chồng ngủ, nhằm chống “ngoại tình tư tưởng”... Đây quả thực là một truyện ngắn kiểu tiếu lâm dân gian hay kiểu Aziz Nesin (1915 - 1995, tác giả “Truyện những người thích đùa”).
Bài viết dừng lại ở hai truyện ngắn này, như một khẳng định đây là tập truyện ngắn đầy sức lôi cuốn. Trong đó, tác giả không chỉ vạch ra cái giả trá của sự đời, thói đời, cái thật của dục vọng con người muôn thuở, vấn nạn xã hội thời đã qua và hiện nay, có khía cạnh quá đáng buồn, có khía cạnh rất đỗi đáng cười, có khi cười ra nước mắt.
_____________________
(*) Trần Nhương, “Nhân tình của mẹ”, tập truyện ngắn, Nxb. Phụ Nữ, quý 4 – 2011, 160 trang, gồm cả bài bạt “Ẩm chập IC, tài hoa đa hệ” của Nguyễn Tham Thiện Kế.