Nô-en năm nay, tôi được Dương Đình Lộc tặng cuốn tiểu thuyết đầu tay Trong vòng tay Chúa, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, vừa mới ấn hành, còn tươi màu mực.
Dương Đình Lộc, cái tên lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn, nên còn lạ huơ lạ hoắc đối với người đọc. Mấy năm trước, Lộc có gửi bản thảo truyện ngắn, đến báo Tân Trào (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang), nhưng không được đăng; nghe đâu, lại rút về. Có lần, Lộc úp úp mở mở khoe, chuẩn bị gửi in tiểu thuyết. Tôi gạ xem bản thảo, nhưng Lộc ngượng bảo, xấu hổ lắm. Cứ tưởng thế là tắc tị luôn, không ngờ, hôm nay, lại xuất hiện cuốn tiểu thuyết, dày đến 450 trang, in khổ 14,5 x 20,5 cm, đặc những chữ là chữ, đằng thằng ra, phải in 500 trang là ít.
Tôi đọc liền trong 2 ngày, tranh thủ lúc nấu cơm cũng đọc, luộc khoai cũng đọc, hấp dẫn quá. Lộc có giọng văn tươi mưởi, viết tự nhiên, không cầu kỳ kiểu làm văn, nhưng phảng phất lối văn chương Pháp. Bố cục, lớp lang cũng hoành tráng: phần1- Nhà Thờ Lớn, Chuồng bò và Hai mươi tám, phần 2- Mêli, phần 3- Chú bé đưa thư của tu viện xứ Phúc Ninh, phần 4- Cha Diên, phần cuối cùng- Tình yêu, khát vọng, cuộc sống. Đọc, nhiều cảnh nên thơ đầy chất thi sĩ, có chỗ thấy vẻ ma mãnh của kẻ từng trải, có đoạn lại đầy bí hiểm của những tay trinh thám, như thể Mật mã Đờ Vanh-xi, lôi cuốn người đọc, không dứt ra được.
Tôi cẩn thận, xin số điện thoại của biên tập viên Hoàng Thị Thiệu, để trao đổi. Lộc tá hỏa hỏi dồn, liệu có vấn đề gì liên quan đến an ninh không chú? Tôi thấy thật tội nghiệp, không biết làm sao mà người cầm bút nước ta, cứ hay sợ bóng sợ gió thế không biết. Đáng lẽ, họ chỉ phải lo rằng, văn có hay không, thì lại nơm nớp lo, không may bị bắt thì khổ! Lúc tôi trao đổi với biên tập viên cũng vậy, cô rào trước đón sau, không có vấn đề gì chống đảng và nhà nước đâu! Tôi chỉ hỏi, có phải sửa chữa nhiều không mà thôi. Cuối cùng, muốn đi đến kết luận, bản thảo ấy, đích thực là của Dương Đình Lộc. Bởi vì, Lộc bẽn lẽn lắm. Hỏi hay đọc sách, báo gì? Lộc bảo, chả đọc mấy, chỉ hay đi hát văn các đền. Một chàng trai 35 tuổi, cao, to, trắng trẻo, dáng thư sinh, nhưng vẻ như người nhà chùa, tôi hay gọi đùa là thày chùa. Lộc cười bảo, có kẻ chèn ép, ám hại chú đấy, xuống đền, cháu kêu Mẫu, che chở, phù hộ cho. Trong xã hội kim tiền, liệu thần thánh có che chở được cho thập loại chúng sinh không? Nhà Lộc ở gần đền Hạ. Nơi này, văn nhân trong nam, ngoài bắc, ghé qua Tuyên Quang, tôi thường dẫn đến thăm.
Tôi hỏi mẹ Lộc, nhà mình có ai viết văn, làm thơ, hoặc hay đọc sách không? Bà bảo, cả nhà, chỉ có ông nội, tên là cụ Năm, làm nghề sửa chữa đồng hồ ở cổng chợ Tam Cờ là hay đọc Kiều và chuyện chưởng thôi. Trước đây, Lộc học xong phổ thông Tân Trào, thì xuống Hà Nội học trường nhạc; rồi lại về Tuyên, học trung cấp kế toán. Gia đình định chạy việc làm viện kiểm sát tỉnh bên, nhưng Lộc không nghe bảo, mất tiền, tù đấy. Thế rồi, Lộc vào Đà Lạt với bà dì, vừa bán hàng, vừa viết lách này nọ. Sau đó, đi Phủ Giầy (Nam Định), học hát văn, lại quay về thành Tuyên. Tôi đọc phần “lạc khoản” tiểu thuyết, ghi: Đà Lạt, 24/6/2009. Lộc cũng hay lên Phúc Ninh (Yên Sơn, Tuyên Quang), chơi với ông bác.
Trên gian gác, Lộc có cái máy vi tính, làm bản thảo. Người ta làm được cái bản thảo, thường trao đổi bạn văn để chỉnh sửa, được in thì khoe rối tinh cả lên, hãnh diện. Nhưng Lộc thì khác, cứ lặng lẽ, ngượng nghịu, cứ y như thể có lỗi không bằng.
*
Trở lại tiểu thuyết Trong vòng tay Chúa, nói về tu viện Phúc Ninh. Ở đó, nuôi những đứa trẻ mồ côi, nhưng cứ đến năm 14 tuổi, thì cha xứ yêu cầu phải ra đi. 14 năm trước, một bé trai, được lặng lẽ gửi vào cổng nhà xứ, trên cái khăn bọc, có chữ số 28; được đặt tên là An-tôn Lý Xuân Hưng. Lớn lên, Hưng thành cậu bé đưa thư của xứ Phúc Ninh. Cậu như một thiên xứ vậy, hiền lành, tốt bụng, đẹp trai, được chọn làm Người truyền giáo, vào Sài Gòn, tiễn hồng y sang Va-ti-căng. Và cha xứ muốn đào tạo Hưng, sau 14 năm nữa, sẽ nối nghiệp mình. Thế là con số 28 được giải mã, nhưng cũng trùng hợp ngẫu nhiên với số phòng của cha xứ. Cha xứ cũng là con mồ côi, bà mẹ bỏ đi, sau 14 năm mới nhận lại, nên cha xứ ra cái quy định khắc nghiệt ấy. Thế rồi người ta lần tìm ra ông bố cu Hưng, là một nạn nhân chất độc màu da cam. Ông ta vẽ bức tranh kỳ lạ, dáng dấp số 28 ẩn hiện. Khi lớn lên, cu Hưng thấy bức tranh đó và mê luôn, liền được hồng y mua tặng, nhân dịp Nô-en, y như thể một sự định mệnh, đầy bí hiểm.
Năm Hưng tròn 14 tuổi, mẹ từ Sin-ga-po về nhận con. Hưng chạy từ trên cầu thang gác chuông xuống gặp mẹ, nhưng không may bị ngã, vỡ đầu, chết bất đắc kỳ tử. Đoạn văn phiêu bồng: “Bỗng cậu nghe thấy có tiếng hý của hai con ngựa cùng một lúc, làm cậu ngỡ ngàng mở mắt. Ngay cửa phụ bên chân cầu thang, ngoài sân, vừa đỗ xuống một cỗ xe song mã, cùng hai thiên xứ tuyệt đẹp. Cả người và ngựa đều có hai cái cánh trên lưng màu bạc, lấp lánh những ánh sáng huyền diệu, giống hệt như giấc mơ đêm qua: đẹp quá! Cậu kinh ngạc ngồi dậy, vừa khi một trong hai thiên xứ bước xuống, tiến đến chỗ cậu, với nụ cười trìu mến, âu yếm đỡ cậu đứng lên, dẫn ra cỗ xe. (…) . Một thiên xứ vung cái roi bạc lên…” (trang 442).
Câu chuyện, chỉ xoay quanh tu viện xứ Phúc Ninh. Gọi là tu viện cho sang, chứ thực ra chả khác cái chuồng bò, dột nát, hôi hám. Mẹ bề trên khắc nghiệt, Ma-xơ Nhung hiền lành, Vú nuôi nhẫn nhục. Quanh năm ngày tháng, họ phải tằn tiện chi tiêu, làm thuê, trốn nợ, xin gạo, vay tiền, để nuôi dưỡng bọn trẻ mồ côi, ta có, Tây lai có: Hòa, Bòng, Hưng, Mêli, Lê, CuBin… cứ đến 14 tuổi, chúng lại phải tự bước vào đời kiếm sống. Những cảnh bà già Pà Thẻn nhảy lửa, con chó Ka Ka tinh khôn, cậu bé đưa thư dũng cảm băng qua đường xa dặm thẳm vào trại hủi, rồi trốn kẻ cướp, vượt con lũ quét trên rừng… Nhưng bao trùm là tấm lòng nhân hậu của dân xóm đạo. Họ là ông thợ mộc, bà bán tạp hóa, bác thợ xây… nhường cơm xẻ áo cho tu viện, tắt lửa tối đèn có nhau. Về sau, những đứa con côi cút, từ tu viện ra nước ngoài làm ăn phát đạt, gửi tiền về xây lại tu viện khang trang, đầy đủ tiện nghi.
Trong vòng tay Chúa, có đoạn hóm hỉnh, hài hước, có chỗ ma mãnh bất ngờ, chứng tỏ, Lộc rất am hiểu cuộc sống thôn dã, mổ xẻ tâm lý nhiều hạng người, soi thấu ngõ ngách tâm hồn họ, dựng nên những nhân vật sống động, những trang viết hồn nhiên, trong sáng. Do vậy, đọc cả cuốn tiểu thuyết dày, mà không có cảm thấy mệt mỏi.
Mấy chục năm qua, ở Tuyên Quang, có 50 hội viên văn học, đã viết được 100 cuốn sách; trong đó, có 20 cuốn tiểu thuyết, nhưng về tôn giáo, chưa có cuốn nào. (không kể tiểu thuyết của nhà văn Lan Khai, đã mất cách đây nửa thế kỷ). Đến nay, có Dương Đình Lộc- thày chùa, viết được Trong vòng tay Chúa, khiến chúng tôi thật vui mừng, khâm phục. Người ta hỏi, sao Lộc đi chùa, lại viết về Chúa? Lộc bảo, tự nhiên thế! Tôi đặt vấn đề với họa sỹ Mai Hùng, Chủ tịch Hội VHNT Tuyên Quang, xem xét kết nạp “anh thày chùa” này, để tạo điều kiện phát triển.
Tôi thấy, đây là một hiện tượng mới, lạ, đáng trân trọng, nên viết bài này, giới thiệu với bạn đọc. Nghe nói, trong dịp Nô-en này, sách có bán ở mấy địa điểm Hà Nội (Nhà Thờ Lớn, Hàm Long…).
Trong vòng tay Chúa là một cuốn tiểu thuyết có chuyện, có văn, có hồn.
*
Cuối cùng, cũng phải nói thêm thế này:
Một là, các địa danh trong tiểu thuyết là có thật, nhưng tên xã đổi thành xóm, như: Tứ Quận, Lực Hành… nên không còn là thật nữa.
Hai là, tỉnh Tuyên Quang không có Nhà Thờ Lớn, không có Tu viện Phúc Ninh. Các dòng tu Thiên Chúa giáo, phân ra: bên tả ngạn sông Lô và sông Gâm, là dòng Đa Minh (Bồ Đào Nha), trong đó, có họ giáo Phúc Ninh, thuộc giáo xứ Đồng Chương, giáo phận Bắc Ninh; bên hữu ngạn 2 sông ấy, là dòng Thừa sai Pa-ri (Pháp), có nhà thờ xứ Tuyên Quang, thuộc giáo phận Hưng Hóa.
Trên thực tế, giữa giáo xứ Tuyên Quang và họ giáo Phúc Ninh, khác dòng tu, không liên hệ trực tiếp với nhau. Do vậy, Nhà Thờ Lớn và Tu viện Phúc Ninh, đề cập ở cuốn tiểu thuyết Trong vòng tay Chúa, cũng chỉ là hư cấu mà thôi.
Ba là, Tuyên Quang mới đang chuẩn bị làm đường sắt, nối từ Thái Nguyên, sang Yên Bái, nên chưa có ga xe lửa. Chi tiết về cái ga xe lửa, trong tiểu thuyết, cũng là hư cấu cho tương lai, vv…
Tuyên Quang, 23/12/2011
V.X.T