Những ngôi trường, lớp học của chúng ta, nhiều lúc, nhiều nơi còn rất bé nhỏ, giản dị , đơn sơ, nghèo nàn, thiếu tiện nghi …việc đi học ở nhiều vùng rất gian nan vất vả trong những năm tháng chiến tranh gian khổ và ngay cả bây giờ ở những nơi núi non , sông nước … thiên tai bão lũ có thể ập đến bất thình lình… Thế như với tuổi thơ, hình ảnh nhà trường vẫn là hình ảnh thân thương, kỳ diệu, lung linh trong ký ức của nhiều thế hệ . Những hình ảnh, kỷ niệm về nhà trường đã thành những hình tượng thẩm mỹ xanh tươi mãi với thời gian.
Một trong những bài thơ về cảnh cắp sách đến trường đẹp đẽ trong sáng tươi mát có lẽ là bài thơ “Hương rừng” của Minh Chính.Bài thơ đã được phổ nhạc lấy tên là “Đi học” và được thiếu nhi khắp đất nước yêu thích.
Hương rừng thơm đồi vắng
Nứoc suối trong thầm thì
Cọ xoè ô che nắng
Râm mát đường em đi.
Hôm qua em tới trường
Mẹ dắt tay từng bước
Hôm nay mẹ lên nương
Một mình em tới lớp.
Đường xa em đi về
Có chim reo trong lá
Có nước chảy dưới khe
Thì thào như tiếng mẹ.
Trường của em be bé
Nằm lặng giữa rừng cây
Cô giáo em tre trẻ
Dạy em hát rất hay.
Mũ rơm thơm em đội
Hưong cốm chen hưong rừng
Mỗi lần em tới lớp
Huơng theo em tới trường.
Tôi đã nhiều lần được nghe nhà thơ Định Hải nói về tác giả Hoàng Minh Chính, một anh bộ đội, trước khi ra chiến trường đã đến Nhà xuất bản Kim Đồng, với vẻ chân thành rụt rè gửi bài thơ “Hương rừng” cho nhà thơ Định Hải, biên tập viên của Nhà xuất bản Kim Đồng thời đó.Anh bộ đội Minh Chính,tác giả bài thơ đã trở thành liệt sĩ, mãi mãi không có bao giờ được biết bài thơ đã được in , đã được hàng triệu trẻ em Việt Nam ở miền xuôi cũng như ở miền núi đã đọc đi ,đọc lại, hát đi, hát lại hàng chục năm qua và có lẽ còn tiếp tục đọc và hát nhiều năm tháng nữa...
Có gì lạ hấp dẫn và hút hồn người trong bài thơ này? Cái vẻ diệu kỳ lâng lâng của cảnh đi học đã từng được nhà thơ Thanh Tịnh miêu tả trong bài văn “Tôi đi học”, rồi xa hơn ở nước Pháp, Anatonle France cũng đã làm say lòng bao thế hệ học trò với những dòng văn đẹp và trong óng ánh như pha lê.Nhưng những cảnh đi học trong những áng văn trên là cảnh đi học ở thủ đô Paris, rồi cảnh đi học ở một làng ven kinh thành Huế.
Bài thơ của Minh Chính lại đem đến cho người đọc sự xúc động của cảnh đi học qua rừng , có những cây cọ che trên đầu, có tiếng suối chảy róc rách, Em bé đi học ở đây cũng đi một mình , vì mẹ em đã đi lên nương . Cảnh rừng ở đây đẹp mà không kém hoang vu vì phải đi qua “đồi vắng”,lại mạo hiểm vì có khe núi ( có thể là khá sâu) vì chỉ nghe thấy tiếng nước chảy “thì thào như tiếng mẹ”. Đường đi học cũng khá xa “Trường của em be bé/ nằm lặng giữa rừng cây...”Và em học sinh này đi học trong thời chiến “Mũ rơm thơm em đội”. Có lẽ trên toàn thế giới này chỉ có một thời, và chỉ có một nơi học sinh đội mũ rơm đi học đó là ở miền Bắc Việt Nam những năm Không lực Hoa Kỳ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại.( Người viết bài này cũng ở trong đám học trò đội mũ rơm ngày ấy.)
Rõ ràng cảnh đi học ở đây là một cảnh gian khổ, khó khăn vất vả và nguy hiểm nữa. Thế nhưng không thấy chó sói, rắn độc, mụ phù thủy...những cái ác cổ xưa và cả những cái ác hiện đại như máy bay mén bom, hay bọn cướp rừng còn gọi là “lâm tặc”...
Bài thơ trong veo và thơm ngào ngạt hương rừng tinh khiết. Em bé học trò đi một mình đầy tự tin, đầy hy vọng vào con đường mình đi, đày tin yêu vào nơi mình đến “Cô giáo em tre trẻ / Dạy em hát rất hay”.Hóa ra cô giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy cả hát .
Bài thơ đã ghi lại sự thật của một thời, cô giáo không phải chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ” học trò nữa. Cảm xúc của người viết là tình yêu thương tất cả những gì anh để lại ở quê nhà, tất cả đều rất đẹp, lưu luyến vô cùng , trong sáng vô cùng.Có lẽ đó cũng là cảm xúc của một thời văn học thiếu nhi, sống trong gian khổ, vất vả mà nhìn thấy mọi thứ đều đẹp, tươi sáng và hy vọng lung linh.
Nhà trường Việt Nam có một hiệu lệnh vào giờ học rất đặc biệt, đó là tiếng trống.Trường nào cũng có cái trống trường. Nhà trường ở nước ta không dùng chuông điện như ở nước ngoài( vào thời Tây hình như các trường Tây cũng có dùng chuông điện).Ở Hà Nội sau ngày giải phóng thủ đô, tất cả mọi trường đều dùng trống.Tiếng trống đã trở nên quen thuộc thân thương với học trò và cả với giáo viên. Chẳng hiểu sao, khi đã không còn là cô giáo nữa , mỗi khi nghe thấy tiếng trống trường , lòng tôi bao giờ cũng nao nao bồi hồi một cảm giác luyến nhớ.
Bài thơ Cái trống trường em của nhà thơ Thanh Hào là một trong những bài thơ mà nhiều thế hệ học trò đã lưu luyến mãi trong ký ức.
Cái trống trường em
Cái trống trường em
Mùa hè cũng nghỉ
Suốt ba tháng liền
Trống nằm ngẫm nghĩ.
Buồn không hả trống
Trong những ngày hè
Bọn mình đi vắng
Chỉ còn tiếng ve?
Cái trống lặng im
Nghiêng đầu trên giá
Chắc thấy chúng em
Nó mừng vui quá!
Kìa trống đang gọi:
Tùng! Tùng! Tùng! Tùng!
Vào năm học mới
Giọng vang tưng bừng.
Bài thơ như đã làm sáng lên mối tình cảm gắn bó giữa cái trống, tiếng trống và những em bé học trò.Học sinh nghỉ học thì trống cũng nghỉ. Trống sẽ trở thành trống trường khi nó báo hiệu giờ học.Còn nếu không còn làm việc đó nữa thì cái trống đã rơi vào cảm giác trống vắng đến hư vô.
Nhà thơ lãng mạn Pháp Alphonse de Lamartine đã có câu thơ đại ý rằng:
Sao nhìn những vật vô tri ta lại thấy như có hồn.
Ở bài thơ của Thanh Hào, anh cũng đặt câu hỏi:
“Buồn không hả trống?”
Câu thơ đã tả được cái tình của người học trò với ngôi trường thân yêu , những vật vô tri trong nhà trường đã trở nên có hồn bởi cái tình trong trắng của người học trò .
Đoạn thơ sau đã tả tình cảm mừng vui của lúc tựu trường, cái tưng bừng của ngày khai trường hội tụ cả trong tiếng trống. Tiếng trống khai trường là âm thanh thiêng liêng lắm. Tôi thiết nghĩ cấu kết của anh Thanh Hào thế là hợp lòng trẻ ở một lứa tuổi hồn nhiên, tuổi nhi đồng cấp một. Anh Thanh Hào đã ra đi rồi, người con vùng bãi sông Hồng đã về với mây gió quê hương.
Các anh đã ra đi nhưng thơ các anh thì ở lại, tươi xanh mãi trên những đôi môi trẻ thơ. Ước mong hồn nhiên trong lành của những nhà thơ đã thành người “muôn năm cũ”chắc vẫn là làn gió mát của hôm nay đến với trẻ thơ và đến với tất cả những người yêu quý tuổi thơ.
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi được có dịp đi miền Tây, về tận Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang) và được biết anh Trịnh Bửu Hoài , một nhà thơ tình miền Tây Nam bộ . Thật không ngờ anh lại có bài thơ về nhà trường có một ấn tượng riêng.
Tấm bảng đen
Có những tấm bảng đen
Chỉ tắm bằng bụi phấn
Đứng một mình thầm lặng
Trong lớp học ngày ngày
Bao hiểu biết của thày
Bao điều hay trong sách
Bảng dơ rồi lại sạch
Lần lượt gửi đến em
Bảng suốt đời phải đen
Để đời em được sáng…
Bài thơ khiến ta cảm thấy một sự cảm thông với những thân phận bình thường, nhỏ nhoi, cả đời hy sinh chịu đựng để cho người khác được tỏa sáng. Trong lớp học có một vật không bao giờ có thể thiếu, đó là cái bảng đen ( bây giờ có thể là bảng xanh, bảng trắng). Có lẽ đến gần một thế kỷ nay, bảng đen phấn trắng đã làm nên nhà trường, đã cặm cụi, âm thầm truyền đạt bao điều hay đến lớp lớp tuổi thơ .Đã có một bài hát về Bụi phấn, mà tác giả khai thác mầu trắng ở đây nhà thơ Trịnh Bửu Hoài khai thác mầu đen.Phải nói rằng bảng càng đen thì học trò càng được nhìn rõ chữ của thày, càng dễ hiểu bài hơn.
Nhưng mầu đen theo nghĩa bóng lại là tượng trưng cho những sự xấu xa như “xã hội đen” chẳng hạn.
Do đó câu kết của tác giả:
Bảng suốt đời phải đen
Để đời em được sáng.
Khiến người đọc giật mình, dường như mình chợt phải nghĩ lại xem có lúc mình đã vô ý mà quên đi những ai đã hy sinh âm thầm, lặng lẽ thậm chí còn bị hiểu lầm nữa để cho cả lớp lớp người tiến bộ sáng láng hạnh phúc.
Xin góp vài lời bàn nôm na về ba bài thơ viết về nhà trường, cả ba bài đều tôn vinh vẻ đẹp của nhà trường, có được vẻ đẹp ấy là nhờ một đội ngũ giáo viên. Trong ba bài thơ trên, hình ảnh thầy giáo, cô giáo chỉ loáng thoáng, như đích thực những bài thơ ấy đều viết về các thầy cô giáo.
Sáng tác, thơ hay văn xuôi đều là sự tìm tòi , phát hiện từ đời sống, theo suy nghĩ của tôi, việc gắn bó với đời sống vẫn là nguồn cảm hứng có cội rễ sâu và để người nghệ sĩ thăng hoa lên tầm cao mới.
Nhân dịp năm mới xin gửi đến các bạn thơ, các bạn viết văn ở đồng bằng Sông Cửu Long , một mảnh đất thân thương lúc nào cũng ở trong trái tim tôi, những lời chúc tốt đẹp nhất.
( Bài đã đọc tại hội thảo “Thơ với Nhà trường”-do Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP Hồ chí Minh phối hợp tổ chức với Đại học Đồng Tháp – tháng 1/2011.Có sửa chữa sau khi nhà thơ Thanh Hào từ trần.)
Hà Nội những ngày cuối năm 2011.
L. P. L