Mùa Thu Paris đến thật dịu êm. Trời trong xanh, se lạnh chừng 18 độ C, nắng vàng rực chiếu trên những lâu đài cổ kính, trên những vòm cây cổ thụ đã lác đác lá vàng. Càng đi càng nhìn ngắm, càng đắm say mê mải. Giữa « kinh thành hoa lệ » này, mỗi bước đi bỗng nao nao nhớ về Hà Nội, « chân bước đi, nghe lòng nghĩ suy gì ? »… Paris quyến rũ và gợi mở biết bao điều suy ngẫm.
Tôi cứ bâng khuâng không hiểu sao những nhà thờ, lâu đài được xây từ thế kỷ 14 – 15, thậm chí từ thế kỷ 12 – 13, nay vẫn được bảo tồn như "nguyên trạng", cổ kính, trầm mặc, vững bền.
Những dẫy « chung cư » dọc phố cổ, phố cũ được xây dựng nối tiếp từ thế kỷ 16 - 17 -18 cao 5- 7 tầng , nối dài tưởng như vô tận, đẹp mê hồn với những mái ngói xám dốc đứng, lô nhô từng hàng ống khói bằng đất nung màu nâu xẫm, những vòm cửa sổ cao, cánh chớp mở sang hai bên, thấp thoáng những tấm rèm trắng muốt và hoa tươi rực rỡ khắp các ban công.
Tôi cứ lẩn thẩn đi đi lại lại trên những vỉa hè, những con đường lát đá vẫn bền chặt qua bao thế kỷ. Có những con đường ở phố cổ được làm từ thế kỷ 12 -13, lúc đó người ta chưa nghĩ đến vỉa hè, đá được xếp từ hai phía chân tường dốc vào giữa lòng đường làm rãnh thoát nước, nay từng viên đá mòn nhẵn bóng, vẫn tấp nập người qua lại ngày ngày…
Mà không chỉ những con đường nhỏ nơi phố cổ, cả đại lộ Champs Élysees dẫn đến Khải hoàn môn, cũng lát đá. Từ ngày Napoléon Bonaparte duyệt binh trên đại lộ này, các cuộc diễu binh, tuần hành vẫn diễn ra trên mặt đường đá lát. Anh bạn người Pháp cho biết, năm 1968 một số sinh viên biểu tình quá khích đã dùng xà beng nậy đá tấn công cảnh sát, nên sau đó một số đoạn đường ở những địa điểm "nhạy cảm" đã được phun nhựa đường, thật tiếc, mặc dù xe qua đó êm hơn...
Hà Nội cũng có những con đường đẹp, có những ngôi nhà rất đẹp, nhưng chúng chỉ đẹp riêng rẽ một mình. Còn Paris mỗi ngôi nhà đẹp làm nên con phố đẹp, những con phố đẹp làm nên cả thành phố đẹp!
Chiều thu lên đồi Montmartre thật thơ mộng. Từ xa đã nhìn thấy nhà thờ Thánh Tâm (Sacré-coeur) lộng lẫy, nguy nga giữa nền trời xanh với tháp chuông cao trăm mét. Men theo những con đường nhỏ lát đá, qua những bậc thềm rộng, lên đến lưng đồi đã thấy những đám đông xúm quanh các nhóm nghệ sĩ đường phố say mê biểu diễn những bản dân ca truyền thống, những vũ khúc đồng quê làm mải mê du khách.
Đến đỉnh đồi ngắm nhìn, Paris toàn cảnh hiện ra dưới nắng thu lấp lánh, như thấy cả quá trình phát triển của thành phố. Những tòa nhà hiện đại cao mấy chục tầng tiếp nối mọc lên ở các khu ngoại vi Paris đánh dấu kiểu dáng kiến trúc của mỗi thập kỷ, không làm che khuất tầm ngắm nhìn những nhà thờ Đức Bà, điện Pantheon, Khải hoàn môn, tháp Eiffel ...
Vào phía sau nhà thờ, du khách bị hấp dẫn bởi những con phố nhỏ bán đồ lưu niệm và các món ăn truyền thống. Vui hơn là khu các họa sĩ vừa vẽ, vừa bán tranh. Có đến vài chục họa sĩ vẽ chân dung cho du khách với giá từ 25 đến 40 euro một bức. Montmartre quả là điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng của Paris.
Một điểm sinh hoạt văn hóa với sắc màu độc đáo, được tổ chức tương tự thế này, Hà Nội có biết bao tiềm năng!
Thăm bảo tàng Louvre là điểm không thể bỏ qua của du khách đến Paris. Nhưng mất công xếp hàng vào xem rồi lại tiếc chưa xem được bao nhiêu! Dẫu "cưỡi ngựa xem hoa" hơn 5 giờ đồng hồ, tôi mới xem được khu trưng bày các nền văn hóa cổ Ai Cập, Hy Lạp, La Mã và mấy phòng tranh của Pháp, Ý ở thế kỷ 16 - 17 - 18, tức là thăm được khoảng một phần mười bảo tàng! Những hiện vật cổ mấy ngàn năm, từ những cột đá, mộ đá khổng lồ nặng hàng chục tấn đến những đồ trang sức bé xíu, hay một mảnh phù điêu vỡ ... tất cả đều được trân trọng gìn giữ, trưng bầy hấp dẫn khiến du khách không thể bỏ qua. Chợt nghĩ, may mắn thay cho những hiện vật nào dù ở đâu trên thế giới, được đưa về đây! Nó được "bảo tồn và phát huy" tối đa giá trị đối với cả nhân loại, vì mỗi năm có hàng chục triệu lượt người từ khắp nơi đến đây chiêm ngưỡng cơ mà!
Trong dòng người tấp nập, tôi để ý đến những nhóm thanh niên Nhật đeo lỉnh kỉnh máy ảnh lớn, nhỏ, máy camera, chăm chú quan sát, ghi chụp từng hiện vật. Họ thường mua thiết bị audioguide, đeo tai nghe để được chỉ dẫn lộ trình và nghe thuyết minh đầy đủ. Ở Paris đến đâu cũng "đụng" du khách Nhật, phần lớn trẻ tuổi. Dường như những thanh niên Nhật này muốn thâu tóm hết những tinh hoa văn hóa nhân loại, nhằm gia tăng giá trị của mình để trở thành những "công dân toàn cầu"!
Ngắm dòng sông Seine in màu trời thu xanh trong, soi bóng những cây cổ thụ, những nhà thờ, lâu đài ... không biết chán! Du khách ai cũng muốn được đi tàu du lịch một vòng trên sông Seine thơ mộng để ngắm nhìn những kỳ quan của Paris dọc hai bên bờ sông, nhất là về đêm càng lung linh huyền ảo. Du khách đua nhau ghi hình, chụp ảnh những nhà thờ Đức Bà, Tòa thị chính thành phố, Bảo tàng Louvre, điện Pantheon, cột đá Obélisque giữa quảng trường Concorde, Khải hoàn môn, Quảng trường Bourbon, tháp Eiffel ... và cơ man nào những cảnh đẹp của thành phố. Tôi lại chú ý đến hai bờ kè đá rêu phong, có chỗ cao đến mười mét và những cây cầu được xây dựng nối tiếp qua nhiều thế kỷ, vẫn vững bền. Bắc qua sông Seine có mấy chục cây cầu, mỗi cây cầu là một tuyệt tác nghệ thuật độc đáo, gắn liền với lịch sử phát triển Pairs gần hai ngàn năm. Dòng sông Seine đã tô điểm cho Paris thêm diễm lệ và người Paris đã biết nâng niu chăm chút cho con sông yêu quí của mình mỗi ngày càng xanh trong, thơ mộng hơn để đem lại lợi ích nhiều hơn cho các thế hệ nối tiếp ...
Ngồi du thuyền trên dòng sông Seine lại bồi hồi nhớ về dòng Tô Lịch, ngày xưa vua đã từng ngự thuyền rồng trên đó, và thắc thỏm hy vọng về dự án "Thành phố trên bờ sông Hồng"trong tương lai!
Háo hức nhất là Ngày Di sản (la journée du patrimoine), các di tích văn hóa - lịch sử nổi tiếng đều mở cho dân vào tham quan miễn phí. Ngày Di sản năm nay vào thứ bảy và chủ nhật (19 và 20 tháng 9). Người xếp hàng đông nhất là vào tòa nhà Bộ Văn hóa, nhà Chính phủ, nhà Quốc hội và nhất là vào Dinh Tổng thống - Điện Élysee. Sáng 19 Tổng thống còn dành thì giờ để chào đón, bắt tay trò chuyện, chụp hình với những khách thăm đầu tiên, nên hôm sau mọi người càng náo nức.
Chúng tôi dậy sớm, đến nơi mới 8 giờ đã thấy hàng ngàn người xếp hàng trước cửa Dinh Tổng thống. Đứng vào hàng một lát đã thấy phía sau người ùn ùn xếp hàng nối dài tưởng như bất tận! Thì ra dân Pháp rất kiên nhẫn, vui vẻ xếp hàng, không chen lấn, xô đẩy hay kêu ca, phàn nàn. Anh đã hứng thú, tự quyết định tham gia thì phải vui vẻ theo luật lệ, còn không hào hứng thì đừng có a dua rồi lại sinh chuyện! Phải xếp hàng hơn 4 tiếng, tức hơn 12 giờ trưa bọn tôi mới vào được qua cổnng Dinh. Tôi vẫn hình dung, Dinh Tổng thống của nước "Đại Pháp" chắc phải uy nghi, hoành tráng hơn dinh Toàn quyền Đông Dương trước đây nhiều lần. Nhưng không, Điện Élysee chỉ là một lâu đài của bá tước Évreux được xây vào năm 1718, rồi được vua Louis XV mua lại. Sau cách mạng, từ 1848, Quốc hội quyết định lấy lâu đài này làm dinh thự của tổng thống. Lâu đài nằm giữa khu vườn rộng với thảm cỏ mênh mông và nhiều cây xanh, dáng vẻ thanh cao, được coi là một lâu đài đẹp vào bậc nhất, đặc trưng cho phong cách cổ điển Châu Âu. Trừ phòng đại tiệc và phòng họp Chính phủ khá rộng, các phòng khác đều vừa đủ cho chức năng sử dụng. Riêng phòng ăn của gia đình tổng thống, trang bị đơn giản và hiện đại, các phòng khác hình như vẫn giữ nguyên nội thất và các đồ dùng đặc trưng từ thế kỷ 18.
Từ Đệ nhị Cộng hòa đến nay, bao đời tổng thống Pháp đă ở đây rồi lại ra đi, còn Điện Élysée thì vẫn nguyên như thế. Riêng lần này, phu nhân Tổng thống Carla Sarkozy lại muốn ở nhà riêng ngoài phố, có lẽ để bà tiện dắt bộ con đến trường tiểu học mỗi ngày? Thành thử Tổng thống phải "vất vả, chạy qua, chạy lại"!
Paris là một trong những trung tâm mốt nổi tiếng thế giới, nhưng thu này, người Paris mặc rất giản dị, với gam màu trầm ấm là chủ đạo. Từ trung niên đến thanh niên học sinh, sinh viên thường diện giầy thể thao, quần bò, áo thun, áo khoác ngoài ngắn với đủ các kiểu dáng phù hợp mỗi cá nhân.
Người Paris rất tinh tế, dáng thon thả, tác phong nhanh nhẹn, nhưng có vẻ kỹ tính, kín đáo trầm lắng như chiều sâu văn hóa của kinh thành Paris. Họ rất kỵ với những gì phô trương lòe loẹt, ầm ĩ, xô bồ!... Các biển hiệu càng cũ càng quí; các biển quảng cáo đều nhỏ, vừa tầm nhìn, hầu hết là bảng điện tử, chỉ rộng 1 - 2 mét vuông, và không đặt cao hơn các biển hiệu. Chỉ hai bên thành đường xe điện ngầm là có những biển quảng cáo lớn hơn và nhiều màu sắc.
Thành phố trên chục triệu dân, Paris cũng có những vấn đề về giao thông, về người vô gia cư ... Nhưng một thành phố rộng gần 3.000 ha, gồm 20 quận (không có cấp phường), lại đón mấy chục triệu khách du lịch mỗi năm mà khắp nơi đều nền nếp, "xanh, sach, đẹp", du khách dạo phố cả ngày không gặp phải phiền nhiễu. Càng đi vào các "ngõ, ngách" càng thấy sạch sẽ, yên bình hơn. Thế mà Paris vẫn bị kêu là thành phố đắt đỏ và chưa thật cởi mở, thân thiện với du khách! Nhưng nơi đây vẫn thu hút nhiều khách du lịch vào bậc nhất thế giới, bởi vẻ đẹp cổ kính, đặc trưng Paris, không nơi nào có được.
Ngày mải mê dạo phố Paris, đêm nằm nghe "Mười giai điệu đặc sắc về thu Hà Nội", bao cảm xúc dâng trào về thu Paris, thu Hà Nội hòa quyện vào nhau xao xuyến, bồi hồi...
Thu Paris đắm say lòng người bởi những đền đài, cung điện, biệt thự, đường phố, dòng sông... Ta càng mở to mắt ngắm nhìn những cảnh vật hiện hữu, trực quan ấy, tâm hồn càng tràn ngập những rung động mỹ cảm, những sâu lắng suy tư...
Còn thu Hà Nội, ta mê đắm khi nhắm mắt lại, để tâm hồn mơ tưởng theo những giai điệu đằm thắm, ngọt ngào, đưa ta về những kỷ niệm xưa, mùi hoàng lan, hoa sữa, mái ngói thâm nâu, sấu rụng cô đơn ngoài ngõ vắng, chiều Hồ Gươm, mặt nước Hồ Tây, đàn sâm cầm nhỏ ... Bao cảm xúc tràn ngập tâm hồn, khiến ta tưởng như tan biến đi trong mộng mơ, huyền diệu...
Paris, 30 tháng 9/2009
Mạc Văn Trang