Mỗi lần có dịp về thành phố Yên Bái, tôi đều ghé thăm ngôi nhà nhỏ góc phố Trần Phú, phường Đồng Tâm để được gặp và trò chuyện với cụ Hoàng Sìu, người cựu chiến binh đã đi vào giai thoại của người dân nơi đây. Dù năm nay đã 80 tuổi song cụ vẫn khỏe mạnh và minh mẫn kể lại những câu chuyện lịch sử, những trận đánh lớn từng tham gia, những chiến công lừng lẫy của cụ và đồng đội. Là người đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và cả chiến tranh Biên giới, cụ Hoàng Sìu lưu giữ trong mình những hình ảnh không thể nào quên về một thời máu lửa anh hùng của đất Yên Bái, của dân tộc ta.
Tham gia Cách mạng từ thuở… mười ba
Cụ Hoàng Sìu sinh năm 1931, là người con ưu tú dân tộc Nùng xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ngày còn nhỏ cụ may mắn được cha mẹ cho đi học chữ và là người duy nhất biết đọc biết viết trong làng. Khi mới mười ba tuổi, cụ Hoàng Sìu đã được xã giao nhiệm vụ dạy chữ cho bà con trong làng bản. Trở thành một “anh giáo nhí”, cụ dốc sức dạy chữ cho lớp Bình dân học vụ mà mình phụ trách, dạy cả trẻ em, người lớn thậm chí có cả nhiều cụ già, đưa cái chữ, đưa Cách mạng đến với người dân trong làng.
Năm mười bảy tuổi, người thanh niên Hoàng Sìu hăng hái tình nguyện xin gia nhập đội du kích xã Phúc Lợi, thiếu tuổi cụ bèn khai tăng một tuổi để được tham gia đội du kích. Người chiến sĩ trẻ tuổi Hoàng Sìu đã tham gia chiến đấu phối hợp với bộ đội chủ lực trong nhiều trận đánh lớn tại địa phương như trận Phố Ràng - Bảo Yên, đồn Ngòi Mác, đồn Nghĩa Đô, Minh Lương… Nhờ quá trình rèn luyện cũng như những thành tích xuất sắc từ ngày tham gia Cách mạng, người chiến sĩ Hoàng Sìu vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng vào ngày 20/10/1949 khi mới mười tám tuổi. Với cụ, đó là niềm vinh dự tự hào, là dấu mốc quan trọng và vô cùng đáng nhớ trong suốt chặng đường 32 năm công tác trong quân đội.
Những chiến công quả cảm
Tháng 7/1950 cụ Sìu được Tỉnh đội Yên Bái điều động về Trung đội thông tin trinh sát và đây chính là bước ngoặt trong cuộc đời binh nghiệp gắn với những chiến công tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Pháp của người chiến sỹ Hoàng Sìu.
Trong một chuyến trinh sát tại Minh Lương vào tháng 4/1951, cụ Hoàng Sìu phát hiện có 72 tên lính khố đỏ của giặc đang trên đường rút lui. Ông tức tốc trở về báo cáo tình hình cho cấp trên và tiếp tục dẫn hai đại đội hành quân xuyên rừng, đi tắt chặn địch không cho chúng tháo chạy. Nhờ khả năng trinh sát nhạy bén của cụ Sìu, ta đã vây chặt đám quân địch và chính Hoàng Sìu cùng hai chiến sĩ khác dũng cảm vào tận sào huyệt của địch dụ chúng ra hàng. Quân địch vô cùng khiếp đảm và chịu ra đầu hàng, nhờ vậy ta bắt gọn toàn bộ số quân địch mà không phải nổ một phát súng, tránh được thương vong.
Nhiệm vụ trinh sát bao giờ cũng đòi hỏi sự mưu trí, dũng cảm và táo bạo của người chiến sỹ. Và đó cũng là những phẩm chất tiêu biểu trong con người Hoàng Sìu. Tháng 8/1952, kế hoạch tác chiến của Tỉnh đội Yên Bái yêu cầu phải giải phóng được Nghĩa Lộ - địa bàn chiến lược và quan trọng của cả ta và địch. Giặc tập trung quân tại đây rất đông, vì thế ta cần phải nắm rất vững cách bố trí và tình hình bên trong của địch. Được Tỉnh đội tin tưởng giao nhiệm vụ, Hoàng Sìu lại một mình một mũi trinh sát với vũ khí duy nhất là quả lựu đạn để thủ thân. Để bắt được liên lạc với các cơ sở người Mán trong lòng địch, ông đóng giả làm một người Mán và nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên. Lọt vào được bản Hèo, cách đồn Nghĩa Lộ khoảng 4km, ông ngay lập tức tìm ra cách để tiếp cận đồn giặc. Tháng 8 là mùa làm cốm con gái Thái, các làng bản tổ chức giã cốm ban đêm, bọn lính khố Đỏ trên đồn cũng thường hay xuống bản tán gái, đánh xóc đĩa cả đêm. Lợi dụng tính hình đó, Hoàng Sìu vào hiệu ảnh mượn bộ đồ đóng giả làm cai khố đỏ rồi từ bản Hèo đi thẳng lên đồn Nghĩa Lộ, trên đường đi dù gặp phải quân địch nhưng nhờ bộ quần áo cai khố đỏ nên giặc cũng không nghi ngờ và tưởng là đồng bọn. Đến Nghĩa Lộ Phố, được cơ sở báo cáo tình hình địch, mùa khô nên lũ giặc đề phòng nghiêm ngặt, sợ bị ta đánh bất ngờ, chúng lấy phu phen ở các làng bản vào đồn đào giao thông hào, đắp ụ pháo… Không ngần ngại, cụ Sìu lại đóng giả làm một phu phen người Thái trà trộn vào đồn địch. Lợi dụng lúc quân địch cho phu phen nghỉ mười phút, ông đã tìm hiểu và nắm vững tình hình bên trong đồn địch sau đó nhanh trí rút ra ngoài, băng rừng lội suối trở về cấp báo tình hình địch trong đồn Nghĩa Lộ cho Tỉnh đội.
Những năm tháng chống Mỹ hào hùng
Những năm tháng chống Mỹ đã ghi dấu những bước chân của cụ Hoàng Sìu và hàng triệu người con ưu tú của đất nước xẻ dọc dãy Trường Sơn, băng vào chiến trường lớn. Thời gian này Hoàng Sìu vẫn tiếp tục nhận nhiệm vụ trinh sát, cùng các đơn vị tham gia nhiều chiến dịch lớn, những trận đánh ác liệt như Buôn Mê Thuột – Tây Nguyên, đèo Phượng Hoàng – Nha Trang… Và đặc biệt, chiến dịch Hồ Chí Minh luôn là một phần kí ức không thể quên trong phần đời binh nghiệp của người cựu chiến binh có vóc dáng nhỏ nhưng vô cùng nhanh nhẹn và có đôi mắt sáng ấy.
Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, Hoàng Sìu được giao nhiệm vụ làm đội trưởng đội tiếp quản quận 3 Sài Gòn, rồi sau đó cùng các đơn vị đi truy quét đám tàn quân của Ngụy. Dù nhiệm vụ được giao có nặng nề đến đâu, người chiến sỹ của đất Yên Bái ấy luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc. Nhờ vậy, ông đã được phong tặng nhiều danh hiệu như Huy hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh, Huy hiệu dũng sỹ diệt Mỹ, Huy chương giải phóng Tây Nguyên…
Cuộc đời đẹp của người cựu chiến binh
Những năm tháng trong quân ngũ đã tôi luyện nên người chiến sỹ Hoàng Sìu với những phẩm chất tốt đẹp, tâm vững bền gan, mưu trí linh hoạt, dũng cảm táo bạo và vô cùng nhạy bén. Đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước với 32 năm trong quân ngũ, ông đã để lại quãng đời tuổi trẻ đẹp nhất mà cũng vô cùng gian khổ và anh hùng trong những chiến trường, những trận đánh lớn nhỏ khác nhau, những nhiệm vụ nặng nề khác nhau. Dấu chân ông đã in vết trên khắp các chiến trường dọc theo chiều dài đất nước.
Giờ đây khi đã bước sang tuổi 80, cụ vẫn thể hiện những phẩm chất của người bộ đội cụ Hồ, tham gia tích cực các hoạt động của địa phương. Tiếng thơm của ông được nhiều người biết đến, gia đình ông cũng là một gia đình có nền nếp, các con cháu đã trưởng thành và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Hàng năm, mỗi khi có dịp hoặc vào các ngày lễ kỉ niệm của dân tộc, cụ Sìu lại cùng các con cháu trở về thăm lại chiến trường xưa, tìm gặp những người đồng chí đồng đội cũ, ai còn ai mất đều được ông thăm hỏi ân cần.
Xin được mượn lời ông Hoàng Văn Tình – Bí thư Chi bộ phố Trần Phú thay cho lời kết của bài viết: “Cụ Hoàng Sìu là tấm gương sáng, là niềm tự hào của địa phương. Những chiến công của cụ Sìu luôn được lớp con cháu ghi nhớ và tiếp tục phát huy. Về nghỉ hưu, tuy tuổi cao nhưng cụ vẫn nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết với các hoạt động của tổ dân phố và địa phương, được người dân, bạn bè và đồng đội tin yêu và kính trọng”.