Bài 3:
Nhà hộ sinh Cây Đa Nhà Bò, căn nhà ngói nhỏ dốc Thọ Lão, vượt lên chừng hai mươi thước dốc là phố Lò Đúc thuộc bang Cò, ngược lên là chợ Hôm, phố Huế, Vân Hồ…xuôi xuống là cửa ô Đông Mác, làng Thanh Nhàn, trường Lương Yên, xa nữa là Lò Lợn, là đê, là sông Cái…Tôi đã sống và lớn lên quanh quẩn vùng đất với những tên ký ức vừa nhắc thức, tính đến ngày rời Hà Nội, 1976, là gần ba mươi lăm năm. Cuộc ly hương trên chính quê hương mình nào ngờ dài quá, lâu quá, sau 30 năm, nửa đời người, tôi mới trở lại thăm quê lần nhất. Loạt bài viết dưới đây, chép lại cảm nhận tôi sau những lần trở về quê, như một chuộc lỗi vội vã, khi thấy tuổi tác đã đến hối thúc chân chậm chạp bước về nguồn cội đời người. Mời đọc để yêu quê mình, Hà Nội.
3. Đi Tìm Những Người Chép Cổ Tích, Thời Tôi…
Khu vực bài viết này là thời tôi, cụ thể là thời của cá nhân tôi, người gần như cả đời chỉ hì hụi chép những câu chuyện cổ tích của thời mình. Mục đích? Không biết. Chỉ biết phận số mình là vậy, phải vậy, thì cố sức mà vui cho trọn, cho hết, chẳng dám sân si phàn nàn gì.
Nói phận số e là tiêu cực, nhưng thực là vậy, càn khôn đã giao cho thân bằng quyến thuộc tôi cầm lệnh bài giữ buộc đời tôi trong yêu thích ấy, và dù nhiều lần tôi thức ngộ, thèm cái thích khác, muốn thoát ra cũng không thể. Dần dà tự nguyện chấp nhận, mà thăng hoa vòng trói buộc thành niềm nguyện thích cả đời. Nay nhắc về cổ tích thời tôi, việc đầu tiên là tôi đi tìm những căn nguyên người đưa tôi vào phần số ấy.
@
Ký ức thời ấu nhi, học trường làng Thanh Nhàn. Cô giáo đầu đời xinh đẹp như tiên nga, nhưng dữ như gà ấp. Bàn tay non măng của tôi hôm nào cũng xưng vù thước kẻ cô phạt tội ngơ ngơ, lúc nào trí tưởng cũng nhìn thấy dòng sông con đò, thấy hoa thấy bướm. Kẻ thước vào tay mãi, chắc cô cũng nản, cô thay hình thức phạt bắt úp mặt vào vách đất trường quê để tôi không thể mơ thấy cào cào châu chấu. Phạt úp mặt vào tường mãi chắc cô cũng chán, cô thay hình thức phạt, sáng nào cô cũng bắt tôi tới sân trường quét lá. Về tích ấy, tôi đã có thơ: “/ Đêm ngủ gối đầu chữ nghĩa/ Mớ mình thành một xướng ca/ Cô giáo phạt tôi ngơ ngơ/ Sáng sáng tới sân trường quét lá/ Cô ơi tôi mẹ em quá/ Giọt khóc lau khô còn ngấn lệ buồn…/”
Như đã nói, cô dữ như gà ấp. Cô là người đầu đời phát hiện tôi mắc chứng ngơ ngơ, mà sau này cô định ngữ được đó là bệnh hão huyền, bệnh của kẻ xướng ca, mà cô thực không muốn những học trò của mình lớn lên thành một thứ vô loài theo định kiến thời ấy.
Tôi đi tìm cô vong veo vòng vèo mãi mới gặp được di ảnh cô ngồi trên bàn thờ nhà người con trai trường cũng tầm tuổi tôi. Dù cố mấy, tôi với cô cũng không thể trò truyện được với nhau. Tôi đành kể những dòng viết trên cho con trai cô nghe. Con trai cô bảo: “Có nghĩa là anh không sân hận mẹ tôi?”. Tôi cười đáp: “ Cô đã ấp ra tôi làm sao tôi có thể sân hận mẹ mình? Tuy cô chỉ dậy tôi đôi ba năm ấu nhi thời đó, nhưng cô là người Mẹ thứ hai của tôi, bởi cô là người phát hiện ra tôi là kẻ xướng ca sớm nhất, và bằng những hình phạt đầu đời cô đã dạy tôi tu thân sửa mình để không là kẻ xướng ca vô tích sự, mà thành người xướng ca tử tế”. Tôi cho rằng anh con trai của cô chưa hẳn tin điều đó. Không quan trọng. Quan trọng là từ đáy lòng tôi tuôn chảy nguồn ân.
@
Người thứ hai tôi nhắc lại trong bài viết này là mẹ tôi. Mẹ sinh con đó là ân huệ vĩ đại nhất. Mẹ tôi, ngoài ân công ấy, đã ban tặng cho tôi ba huệ ước làm người và tôi thề sống thủy chung với ba huệ ước ấy.
Tôi được sinh ra với phận số khác thường: “Tôi là đứa trẻ đẻ rơi/ Mẹ trảy hội trên cầu giải yếm…/ “. Cũng vì cái sự chào đời cắc cớ ấy, nên việc tôi ngơ ngơ mẹ tôi cho là cách thần linh trừng phạt mẹ tội ham vui mà đẻ rơi con. Nhưng khi được cô giáo “mách” về căn bệnh “trọng” của tôi, mẹ hốt hoảng lo buồn, bàn với cha bán khoán tôi cho đền miếu. Tôi đã khóc van lạy mẹ, mẹ bảo, nếu không muốn bị bán khoán thì phải dứt chứng ngơ ngơ. Tôi vì quá sợ hãi, nên mỗi khi mắt mơ hồ nhìn thấy sông, thấy biển, thấy hoa, thấy trăng, tôi lập tức đè những hình bóng ấy vào chữ nghĩa cho đến khi ngơ ngơ tự hết. Mỗi lần vậy mẹ đều bắt tôi nộp cho mẹ những tờ giấy viết nhi nhăng, mẹ đốt đi hay cất ở đâu tôi không biết, chỉ biết sau đó cha mẹ tôi thương tôi một cách đặc biệt, khác hẳn các anh em tôi. Và mẹ đã quyết định không bán khoán tôi cho đền miếu nữa. Tôi được biết điều này khi đứng nấp sau lưng nghe trộm những lời khấn cầu của mẹ trước thần linh. “/ Mẹ ơi lạy mẹ đừng khóc/ Đừng bán khoán con cho đền miếu làm gì/ Con chỉ là con của mẹ/ Mẹ nhắm mắt mở môi khe khẽ / Khấn âm âm lời Chinh Phụ lời Kiều…/ “. Nghĩa là mẹ chấp nhận chứng tật ngơ ngơ của tôi như một phận số cam chịu, chỉ cầu các bậc “ngơ ngơ” tiền bối độ trì cho con mình. Đó là huệ ước đức tin mẹ ban cho tôi. Tôi sẽ là người con thế nào khi phụ bạc đức tin của mẹ?
Huệ ước hai mẹ ban cho tôi, ấy là khi tôi báo tin cho mẹ đã gặp nửa của mình và xin mẹ cho chúng tôi được thành chồng vợ. Mẹ đã lặng người khi nghe tôi kể về người bạn đời tương lai, mẹ đã nắm chặt tay tôi và nói trong nước mắt: “ /Tội nghiệp đứa con oan nghiệt, cớ chi con lại chọn yêu một cuộc tình kiếp nạn”/. Chọn yêu cuộc tình kiếp nạn, sáu chữ ấy là của mẹ tôi, sau này tôi mượn vay của mẹ viết vào thơ. Sau buổi trò truyện mẹ con ấy, mẹ giận tôi suốt tuần không nói một câu. Và trong những ngày giận đó, chiều nào mẹ cũng đi từ chạng vạng tối tới khuya mới về, lúc đầu tôi nghĩ mẹ đi chùa cầu xin hóa giải nạn ách cho tôi, nhưng sau này tôi mới biết, mẹ lặn lội đi “ sưu tra” nửa của tôi theo cách riêng của mẹ. “/ Công sinh thành con chưa báo đáp/ Cớ chi để mẹ lo buồn/”. Khuya về mẹ lại tựa vai cha bàn chuyện của tôi, mẹ khóc đến cạn nước mắt. Tôi lạy quì trước cha mẹ van cầu. Cha mẹ đã thẩm vấn tôi những câu hỏi đan xen nhau: “ / Con có chắc là mình tự nguyện yêu người ta và chung thủy với nhau suốt đời?”. “ Con có biết tính vợ chồng là lý tưởng, là lẽ sống làm người?”. “ Liệu sau này đói rét, cơ hàn có thay lòng đổi dạ?”. “ Mẹ con cũng đã từng bị ông bà ngoại con giận dữ trước cuộc hôn nhân của một lực điền nghèo xác với cô gái xinh đẹp giỏi dang. Nhưng rồi mọi giận dữ của ông bà cũng qua đi trước hạnh phúc mẹ cha xây đắp”. “ Vợ chồng là duyên số, trời đã định vậy, cha mẹ bằng lòng”. Về tích này, tôi có chép lại thành văn vần, mời đọc một đoạn:”/ Mã quẻ chinh thần thánh không lời/ Linh cảm bể yêu sóng lớn/ Muốn thuyền tình không đắm/ Thuyền tình phải khẳm yêu/ Mẹ lội qua sông/ Mẹ ra tận biển/ Mẹ bóc yếm đào/ Mẹ nhào sữa kiệt / Chét khe ván mỏng thuyền yêu/ Mẹ đan tay đôi lứa vào nhau/ Lời ngàn cân cầu nguyện/ Thuyền yêu qua bom đạn/ Thuyền yêu qua gió giông/ Thuyền yêu qua trăng hoa/ Ván sữa chung tình/ Thuyển khẳm/ Khẳm một thuyền tình…/”
Và thế, mẹ đã ban cho tôi huệ ước thứ hai, được lấy người mình yêu, tức là mẹ bằng lòng, mẹ chấp nhận lẽ sống (lý tưởng) mà tôi tình nguyện lựa chọn, đón nhận. Cô gái mà mẹ lặn lội “sưu tra” ấy, sau này thành vợ tôi, âm dương cân bằng, nếp tẻ con đủ cả, đích tôn đích tép đủ cả, vui buồn sướng khổ đủ cả, và thùy chung vẫn đũa một đôi…
Trong quá trình gây dựng lẽ sống lý tưởng ấy, tôi đã hơn một lần bị đói rét, cơ hàn, ganh ghét, tỵ hiềm, oán ân quật ngã. Trước mỗi quật ngã ấy, mẹ gánh hết cho tôi trong nước mắt khóc thầm, nhưng tôi đã nhận biết và thật nhanh uống hết nước mắt mẹ vào lòng. Và điều kỳ diệu đã xẩy ra, nước mắt mẹ hiển linh trong xác hồn tôi như cam lồ sữa, giúp tôi phục hồi sinh lực, đứng dạy, tự tin, hiên ngang sống làm người tử tế. Vì vậy, khi “ Mẹ trắng vào mây, Mẹ thăng vào gió”, tôi cảm như mình lại trở về bé dại, khát thèm được uống tiếng khóc của mẹ, nhưng khát thèm ấy của tôi chỉ mãi mãi là thèm khát.
Con biết ở cõi trời
Mẹ muốn khóc cũng không thể khóc
Vì thế ở cõi người
Ngày ngày con đem tiếng khóc mẹ ra phơi
Lạy trời đừng phạt mẹ tôi
Tội đón nước mắt con bay ngược về mắt mẹ
Để mẹ lại được khóc
Âm dương cũng đạo làm người
Cổ tích của thời mẹ tôi đã là thế, không thể khác và càng không thể chữa chỉnh lại theo cái lẽ của thời mình, nên tôi luôn mở lòng đón cổ tích thời mẹ về, để yêu, để nhớ, để ngẫm nghĩ mà chép viết cổ tích của thời tôi. Đó chính là huệ thứ ba, huệ ân, mẹ ban cho tôi.
@
Và bây giờ là bầy đàn thời tôi. Xin bắt đầu từ cô bạn gái đã khước từ tình tôi, và khước từ ấy như giọt nước tràn ly, dịch biến cuộc đời ngơ ngơ mơ hồ tôi thành “con thuyền Trương Chi”. Kể tử ngày tôi rời trường trung học cho tới hôm nay gặp lại, chớp mắt đã ngoài 50 năm. Gặp nhau. Cuộc trò truyện của hai mái đầu bạc là cuộc gặp của nói và nhớ lại. Nói thật ít mà nhớ lại thật nhiều. Nhưng nhớ ở trong lòng khó viết thành văn. Nói thì chép được. Ngắt quãng, ngập ngừng, vu vơ. “Đằng ấy vẫn là Trương Chi?”. “ Chung thủy mà”. “ Hát được nhiều không”. “ Nhiều. Còn đằng ấy?”. “ Cô lái đò”. “ Chở được nhiều khách?”. “ Nhiều”. “ Bây giờ nghỉ chưa?”. “ Rồi, nhưng vẫn thỉnh giảng”. “ Phu quân?”. “ Một người lính”. “ Hậu duệ?”. “Đã lên chức bà. Tốt đẹp cả”. “ Cuộc đời chỉ mong được thế”. “ Mừng là Trương Chi cũng vậy”. Hai mái đầu bạc hỏi han nhau tức cười, rồi nắm tay nhau (sao hồi ấy không cho nắm tay?) chạy ào vào Lớp Chúng Mình, cả hai cùng mặt đỏ tía tai, trước lũ bạn“ nhất quỷ nhì ma” đang reo hò Trương Chi, Mỵ Nương.
“Lớp Chúng Minh” đó là Hội bạn học cùng lớp cùng trường thời cắp sách,cách nay đã ngoài 55 năm, cái thời xanh đỏ tím vàng mày tao chí tớ. “Trương Chi đâu rồi, nhìn tận mặt cái coi!”. Câu nói của ai đó, nửa Nam nửa Bắc, đế rộ theo nhiều tràng cười. Tôi bị vỗ vai, béo tai, nhí mũi, hệt như thời ấu nhi. Tôi chào cười các bạn phô hết răng hô. Răng đây rồi. Vì bộ hô này mà “chết” danh Trương Chi xấu đau xấu đớn. Chàng “lớp trưởng trọn đời” nạt một câu gì to lắm, chỉ nghe thấy phần đuôi: “Không đùa nó nữa, lại Trương Chi bây giờ, mất vui”. Tôi nhăn nhở: “Trương Chi bây giờ bảnh rồi!”. Tất cả cùng cười, lớp trưởng mớ nhạc Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng…Chúng tôi cùng hát theo bài ca Lên Đàng quen thuộc năm xưa và lục tục ngồi xuống ghế. Các bạn nhường tôi ghế danh dự, đầu dãy bàn dài, tầng một Nhà hàng bánh tôm, trước mặt là hồ Tây, sau lưng là hồ Trúc Bạch, qua ô cửa kính thấy mặt hồ đang run rẩy lạnh, vỗ sóng xuýt xoa.
Lớp trưởng: “ Hôm nay không phải ngày hội lớp, mà hội bất thường theo nguyện vọng của Trương Chi vừa từ Sài Gòn ra. Hội lớp Chúng Mình đã sinh hoạt cùng nhau vài chục năm rồi, nhưng hôm nay Trương Chi lần đầu tiên có mặt. Vì thế, xin các bạn cho lớp trưởng tóm tắt tổng kết của lớp chúng ta từ những năm trước đây, để Trương Chi biết mà không phạm luật. Thời của chúng ta được tạm tính từ năm 1960, thời đứa trước, đứa sau, lục tục tiến lên đoàn viên, đến năm 2000 nghỉ hưu theo luật nước, tổng cộng là 40 năm. Nhấn mạnh: Bốn mươi năm ấy là thời của chúng ta. !5 năm đầu, tính đến 1975, các bạn Lớp Chúng Mình đã dốc lòng góp sức cùng nhân dân viết thiên cổ tích hào hùng chấm dứt chiến tranh, đất nước thanh bình, non sông thống nhất. Từ sau 1975 đến 2000 là 25 năm, thêm 10 năm nữa vì lớp chúng ta đang tới ngưỡng 2010, gộp là 35 năm. Ba mươi lăm năm ấy, vượt qua nhiều hệ lụy chiến tranh, các bạn Lớp chúng mình vẫn tiếp tục dốc sức, góp lòng cùng nhân dân viết cổ tích tuổi sống làm người”. Thấy mọi người nhìn nhau ngơ ngác chưa hiểu lớp trưởng đang lộng ngôn điều gì, thì lớp trưởng đã vỗ tay tự tán thưởng mình. “Điều tôi sắp nói với các bạn sau đây, tôi vừa nghĩ ra mấy hôm nay, xin mạnh dạn đề xuất để các bạn coi xem sự kiện này có là cổ tích. Đó là Cổ tích thọ. Vì năm 1960, năm khởi đầu của thời chúng ta, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 43, cho đến ngưỡng hôm nay, tình gian là 2010, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là con số 73. Nửa thế kỷ thời gian, tuổi thọ kéo dài thêm 30 năm, như vậy có đáng là cổ tích không, thưa các bạn?” Nhiểu tiếng vỗ tay reo hò, đế nhiều tiếng khen giỏi, giói! Lớp trường thoáng đỏ mặt vì sướng. Tôi thầm nghĩ: Cũng là một đề xuất hay, vì tàng ẩn trong tuổi thọ là chất lượng đời sống. Lớp trưởng nói tiếp: “ 40 năm tham gia viết hai cổ tích kỳ điệu ấy, Lớp Chúng Mình, tôi nhắc lại, tất cả lớp chúng mình, ai cũng đều đã hạ cánh an toàn. Dù đại tá hay hạ sĩ, dù thầy thuốc hay thợ rèn, dù giáo sư hay xướng ca như Trương Chi, tất cả đều ngẩng cao đầu mà không hổ thẹn. Nên với quá khứ, dù danh vọng tự hào, hay bất mãn sân hận, quá khứ không thể làm lại, vì vậy, lớp chúng mình đồng lòng hỉ xả tất cả. Bạn Trương Chi cần biết điều này để không phạm luật. Thời chúng ta kể như đã xong. Bây giờ là thời của con cháu ta, chúng phải tự viết lấy cổ tích của thời chúng. Chúng ta chỉ là nguồn khích lệ động viên chúng viết cổ tích thời chúng sao cho hay, để chúng ta hát cho nhau nghe mà sướng. Vì thế, chủ đề chính của hội Lớp Chúng Mình là chia sẻ vui buồn khoe con cháu. Và bây giờ mời các bạn nâng bia trước khi nghe Trương Chi hát…”
Tôi đã hát cổ tích Lớp Chúng Mình từ hồ Tây về đường Quán Sứ, nhà 58, Đài TNVN, cao lạ ngỡ ngàng ký ức tôi về ngôi nhà Đài hơn 30 năm trước. Tôi nhắc đến địa chỉ này, vì đây là nơi tôi bắt đầu kiếm sống với duy nhất một nghề suốt cuộc đời công chức, đó là nghề viết báo nói, sau vào Sài Gòn vẫn tiếp tục, dù là viết báo nói có hình, cho tới khi nghỉ hưu. Tôi yêu cầu taxi dừng lại ngã tư Hai Bà Trưng - Quán Sứ, vợ và con gái thoáng ngỡ nghĩ sao không cho taxi dừng ngay trước công Đài, nhưng những thân yêu của tôi đã kịp hiểu và vui vẻ cùng tôi xuống xe. Con gái nắm tay cha, như thể sợ chân cha bỗng quỵ. Đài TNVN nơi đã chém vào thân thể tôi hơn một nhát dao. Nhiều vết dao quá sâu, khiến mỗi khi nhớ lại tôi đều hốt hoảng lo sợ. Tôi thực muốn kể về những nhát dao ấy, nhưng bên tai cứ nghe rền vang lời lớp trưởng: “Quá khứ, dù danh vọng tự hào, hay bất mãn sân hận, quá khứ không thể làm lại, vì vậy hỉ xả tất cả”. Ba chúng tôi chỉ vừa bước tới cổng Đài, đã thấy đám người đang đứng túm tụm trước mặt, chỉ trỏ nhìn chúng tôi, rồi rảo chân bước lại, rồi reo mừng và ôm nhau. Tôi chưa kịp nhận ra ai và ai, vì hai mắt tôi không sao rẽ nước mà mở ra được. Tôi chỉ nghe âm thanh cười nói mà nhận ra: Mai Thúc Long, Trần Nhật Lam, Nguyễn Kim Trạch, Trúc Thông, Trần Nguyên Vấn, Hồ Quang Minh, Nguyễn Quí Châu…và còn nhiều nữa, không thể kể hết, toàn những tên tuổi lừng lẫy báo đàn, văn đàn thời tôi.
Chúng tôi như thể bay lên theo thang máy, trong sung sướng, rồi đậu xuống lầu 12, tòa cao ốc Đài. Tôi là ai mà được đón về trong đông vui nồng ấm anh em bằng hữu thế này? Anh Mai Thúc Long, U90, cao tuổi hơn tất cả, đứng lên giảng dậy chứ không phải trả lời câu hỏi của tôi, những lời giảng dạy này tôi nghe đã quen thuộc trong mỗi giao ban sáng của hơn ba mươi năm trước, nay nghe lại, vẫn thích: “ Anh và nhiều anh em khác đến đây mừng em trở về Đài, vì cuối năm rồi, từ Sài Gòn phóng tin ra sau khi đại phẫu nan y, em mất, và anh, chính anh đã thắp nén nhang vọng nhớ em. Hôm nay, nghe tin em ra, nhiều người bán tin bán nghi, nên kéo đến, hóa ra em vẫn còn là em bằng xương bằng thịt. Trời chưa gọi em, vì trời công bằng, em chưa về lại Đài này mà giải oan hư tính thì đí làm sao được. Hôm nay, anh và mọi người ở đây cho em vài phút giải oan trước khi chúng ta nâng ly mừng nhau đi chung đường lý tưởng đã cập bờ hạnh phúc”.
Tôi đáp: “ Hư thì phải phạt. Tôi biết mình hư nên bị đánh đòn không cho là oan. Tôi chỉ xin các anh năm phút, hai phút hát về tình bạn và ba phút hát về chúng ta. Tôi và Trúc Thông là đôi bạn thân thẩn lắm. Trúc Thông là rể phụ đám cưới tôi. Tôi không chỉ coi anh là bạn mà là người anh. Năm ấy, Ban ta chỉ có một xuất tăng lương. Anh xếp vị trí ưu tiên trên tôi, nhưng anh đã vui vẻ nhường tôi tăng lương trước, lý do năm ấy nhà tôi thêm đinh cảnh đời đang từ cơm độn lang mì nguy cơ thăng lên rau cháo. Việc nhường ấy là do anh tự nguyện, nhưng bí thư Hoàng Ngọc Anh vẫn thận trọng nhờ Vũ Quần Phương an ủi sự thua thiệt của Trúc Thông. Giữa sân Đài, Trúc Thông lừ mắt, nói gần như quát với Vũ Quần Phương: Nếu tôi có ghen ganh thì ghen ganh với Nguyễn Du chứ sao lại ghen ganh với Nguyễn Nguyên Bảy, thương yêu nó còn chưa đủ nữa là”. Tôi bước lại phía Trúc Thông đang ngơ ngơ do di chứng đột quỵ năm rồi, ôm anh thay lời ơn chưa muộn. Một lát, với tất cả. “ Và bây giờ là ba phút hát về chúng ta, năm 1972, tôi đang chịu kỷ luật đi lao động ở Hà Tây, bỗng được chú Trần Lâm (tồng biên tập) gọi về Đài, và giao cho nhiệm vụ lên Tháp Bút viết hùng ca. Trong mưa bom bão đạn của quân thù mỗi người chúng ta ngồi đây đều đã viết những hùng ca khác nhau, phần tôi, tôi đã viết tráng ca Một Tháng Chạp Rồng Thăng, nay xin đọc một khúc như một lời cảm ơn tướng Trần Lâm, cảm ơn các anh chị ngày ấy cảm thương tôi, và cũng xin coi đây là dịp hiếm hoi cùng nhau tôn vinh quá khứ thời chúng ta”. Nhiều tiếng vỗ tay nhẹ nhịp làm nền nhạc cho tiếng hát tôi.
Ai muốn lên Tháp Bút viết hùng ca?
Tất cả chúng tôi đồng loạt cánh tay giơ
Súng đã nổ vang rến trời Hà Nội
Rồng đã thăng
Cao xạ pháo đã thăng
Tên lửa đã thăng
Gươm giáo đã thăng
Tháp Bút đã thăng
Cả Hà Nội bay lên trong trận đánh sau cùng
Sắc đỏ của máu và mầu vàng của da
Mỗi chúng ta là một ngọn cờ…
Năm phút xin của tôi đã xong. Định ngồi xuống thì anh Mai Thúc Long đã bước lại sau lưng, tay tát nhẹ má tôi theo thói quen từ xửa xưa của anh mà nay sắp xuống lỗ vẫn chưa chịu bỏ. “ Bữa nay thời gian là của em, nói bao nhiêu cũng được, nói cho thỏa. Anh em ở đây ai cũng muốn biết cổ tích cuối cùng em viết về thời chúng ta là cổ tích nào?”. Tôi đáp nhanh: “ Tôi đã viết hai cổ tích sau cùng vào đầu năm 1980, một bản được duyệt, đó là cổ tích Súng Trường Bắn Rơi Máy Bay, còn cổ tích Tem Phiếu Thời Loạn, không được duyệt, tôi đã hủy.” Tiếng ai đó hỏi: “ Ai không duyệt?”. “ Vợ tôi. Cô áy bảo Súng Trường Bắn Rơi Máy Bay thì đúng là cổ tích, còn Tem Phiếu Thời Loạn Lạc, thì không, đó không là cổ tích, đó chỉ là lời nhắc nhở con cháu trong bữa ăn no, cái mặc ấm bây giờ. Cô ấy nói đúng nên tôi quyết định hủy”. Một ai đó hỏi: “Sau đó có viết gì thêm?”. “ Cũng có cố, nhưng không được, chuyện gì cũng gượng gạo, hình như đã hết thời. Lại nữa con nó bảo tham lam tranh việc của thời chúng, thế là nghỉ hẳn”. Hình như tiếng Trúc Thông, anh nói rất khó nghe, nên bước lại gần, nghe đến lần thừ hai mới hiểu: “ Cậu có mà nghỉ, con chữ nó quật chết”. Tất cả cùng cười, vì hình như ai cũng thuộc tính tôi suốt ngày ấp mặt vào con chữ hì hụi chép chép, ghi ghi. Tôi định nói, không viết thêm cổ tích thời mình, tôi đã dành hết thời gian hưu nhàn để đọc và chép truyện cổ tích của em cháu thời nay. Và cũng định kể thêm về hành trình bắt đầu từ sáng mai, tôi sẽ lượn khắp Kinh Thành Cổ Tích gặp gỡ bạn bè đang viết cổ tích thời nay, để xin nghe, xin chép những cổ tích về Hà Nội mà những năm tháng ly hương chưa được đọc, được yêu. Nhưng tôi đã kịp nín miệng giử những định nói ấy cho riêng mình, để tránh tiếng cười chê đã lão ông rồi mà tính ngơ ngơ vẫn chưa sửa được.
Nguyennguyenbay.com