“Xin ý kiến anh” là một tập truyện vui của Vương Thu (NXB-Văn hóa dân tộc,1996).Tập sách dày 74 trang, gồm 18 truyện. Nội dung đề cập đến những mặt tiêu cực trong cách làm việc cũng như phẩm chất của một số không nhỏ cán bộ, không phân biệt cấp trên, dưới, cấp chính quyền hay quản lý kinh tế. Những mặt tiêu cực ấy đã được các loại hình thông tin đại chúng đề cập đến. Nhưng Vương Thu đã đưa vào tác phẩm những nụ cuời phê phán thấm sâu vào lòng bạn đọc . Những mặt tiêu cực mà tác giả đề cập đến trước nhất là những thói quan liêu, cửa quyền. Khi chỉ đạo cấp dưới, mấy ông cán bộ chỉ thích ở nhà “nắm tình hình”. Khi cần số liệu thì nêu ra những câu hỏi để cấp dưới trả lời. Chẳng hạn “Hợp tác xã cày bừa đến đâu rồi?”; “Nào, cậu cho mình biết cánh bãi Nổi làm đến đâu rồi?” (Xin ý kiến Anh).Việc chỉ đạo cấp dưới chỉ có một phương pháp ngắn gọn là “Chỉ thị”. Việc cấp dưới thực hiện chỉ thị như thế nào thì không cần biết đến. Nếu cấp trên có hỏi thì chỉ biết cất lên những bài ca muôn thủa: “Báo cáo đồng chí thường vụ…Chúng tôi sẽ chỉ thị bằng được…” và “Chúng tôi cũng đều chỉ thị cho các đơn vị rồi ạ”(Chỉ thị). Do quan liêu, mệnh lệnh, thiếu cụ thể nên trong bản báo cáo nào cũng chỉ thấy “rộn lên’ những từ nói chung: “Chủ nhiệm Đại hắng giọng đọc: Năm qua dù còn nhiều khó khăn, nói chung hợp tác xã chúng ta vẫn đứng vững…Riêng về lúa nói chung chúng ta đã…và nhất là ngành nghề nói chung chúng ta đạt…” (Nói chung). Thường thì những ông quan liêu lại có thêm một cái “đức” nịnh hót và thường diễn ra trong quan hệ công tác giữa cán bộ cấp dưới với cấp trên: “Như thành thói quen, chủ nhiệm HTX Tương đưa tay lên gãi đầu rồi…nói: Xin ý kiến anh, chúng tôi phải làm gì lúc này?” (Xin ý kiến anh) và cứ thế đã có tới 6 lần, ông chủ nhiệm “Dạ…vâng, xin ý kiến anh”.Nịnh bợ phàm là đi đôi với việc nói dối để cấp trên hài lòng. Ở xã Hùng Cường có tiếng làm ẩu nổi nhất huyện, chỉ mới được tin cấp trên định về thăm “đã huy động toàn bộ lực lượng chuẩn bị cho cuộc đón tiếp, mời” người giỏi văn nhất huyện về viết báo cáo, tập cho ông bí thư đọc nhiều lần thật trơn tru trước khi trình bày với cán bộ cấp trên. Chọn một số gia đình để cán bộ cấp trên về thăm”…cụ Bài, bà Quế, anh Quân bảo sắp đến tết, bận quá…chưa thu dọn được”, UBND hội ý chớp nhoáng…rồi quyết định cung cấp vôi và cử người đến quét dọn nhà cửa…” (Đón cấp trên). Vẫn là cái “nếp”, “mông má” như thế nên khi báo cáo thành tích cũng như trước các nhà báo thì tha hồ mà “khua môi múa mép” để đến lúc cán bộ các nơi về tìm hiểu, “học tập” thì phải “ra khỏi nhà nhanh, trông như một vận động viên đang luyện tập để chuẩn bị tham gia việt dã…” (Ông Lủi). Làm việc thì như thế, còn việc sử dụng, phân công cán bộ thì thiếu cân đối. Nơi có hoàn cảnh khó khăn thì hiếm người chỉ đạo. Do đó dẫn đến tình trạng một người phải kiêm nhiệm nhiều công việc khiến cho hiệu quả kém, thậm chí còn hỏng. Phải chăng đó là hình ảnh nhân vật nghệ sĩ sắm nhiều vai: “…Chưa hết, nghệ sĩ còn sắm vai bảo thủ, kẻ tiêu cực, tham ô, lừa đảo, dối trá…”. Nghĩa là đủ mười hai vai. Kết quả làm cho khán giả “không chịu nổi được cách biểu diễn nhố nhăng” cho nên đã “la ó, huýt sáo” (Khi trên sân khấu lộn xộn). Nơi gặp điều kiện thuận lợi thì có xu hướng thừa cán bộ. Từ đó làm nẩy sinh nhiều bạn bè, sử dụng cán bộ không hợp khả năng “đưa các đồng chí ở ngành TDTT, thương nghiệp, y tế…không am hiểu tình hình nông thôn, chẳng biết kỹ thuật nông nghiệp về làm “cố vấn” cho cấp ủy thực thi chương trình lương thực, thực phẩm…” (Có cũng như không). Do thừa cán bộ mà dẫn đến việc chỉ đạo thiếu khoa học, chồng chéo cứ như là xếp củi lên đầu cán bộ cấp cơ sở vậy: “Ngày 10 tháng 7, công ty Liên hiệp xuất khẩu tỉnh gợi ý trồng ớt, tỏi; Ngày 28 tháng 7 huyện giao…làm thí điểm đậu tương; Ngày 1 tháng 8…Sở nông nghiệp khuyên nên trồng ngô bầu (Cho vụ đông thêm phần phong phú). Chỉ đạo kỹ thuật phi khoa học, sử dụng thời gian kém năng suất, nạn họp hành liên miên, bàn bạc công việc kém chất lượng cũng được đẻ ra từ những cán bộ khoa học không có năng lực. Ông cán bộ nọ gào lên vì “thời gian có hạn”, nhưng chính ông lại là người “đốt” thì giờ vào những bản báo cáo dài lê thê trong đó chỉ thấy vang lên những từ “nhìn chung”, “nói chung” là tốt, là đáng “biểu dương”…Trong một cuộc họp chỉ thấy các ông thi nhau khoe thành tích. Rồi một người nào đó mới tạm “dứt lời, mọi người thở phào nhẹ nhõm vì tưởng hội nghị đến đây kết thúc” (Vì thời gian có hạn). Còn cán bộ cấp cơ sở thì có lịch làm việc theo cái thói quen “lằng nhằng dây muống”. Chẳng hạn một cuộc mãi đến 9 giờ đêm mới khai mạc. Lúc ấy người thì “đề đạt bàn việc giáo dục trẻ em chưa ngoan, người thì yêu cầu “trao đổi việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội”; người thì lại đề nghị bàn…” Hài hước hơn là do cuộc họp ồn ào, mấy ông đang ngủ choàng tỉnh dậy ngỡ là cuộc họp thông qua nghị quyết nên vội vàng giơ tay nói to: Nhất trí đấy ạ! (Nhất trí đấy ạ).
Trong ‘Xin ý kiến anh” còn nổi lên hình ảnh những cán bộ quản lý có hành động trù úm nhân viên chống lại những hành vi tiêu cực trong cơ quan, xí nghiệp mình phụ trách. Đó là hình ảnh “đồng chí giám đốc giỏi vừa nói vừa vung tay, giọng mỗi lúc một to: kinh nghiệm chống tiêu cực lập lại trật tự kỷ cương và thúc đẩy sản xuất phát triển của chúng tôi là phải…phải đuổi hết những nhân viên vô tổ chức, những người có tư tưởng, hành động chống lại nhà máy…” (Một giám đốc giỏi). Cũng vì những hiện tượng ấy mà trong dân gian đã có câu: “Đấu tranh; tránh đâu”. Thật là tai hại! Ở một truyện khác, tác giả miêu tả cái nạn liên hoan lãng phí ở nhiều cơ quan, địa phương vẫn còn diễn ra như một căn bệnh di chứng bẩm sinh vậy. Trong một cuộc họp bàn về việc chống liên hoan lãng phí tạm dừng thì một cán bộ cơ sở đến mời: Trưa rồi, các đồng chí hãy ở lại và sang nhà bên thưởng thức món dê thui với bia hơi chính hiệu Hà Nội (Một lần này nữa thôi). Đó chẳng phải là một tiếng cười châm biếm hay sao?Tôi thấy nét nổi cộm nhất trong một số không nhỏ cán bộ ta, nhất là các thủ trưởng, các cán bộ tổ chức là việc ăn đút lót, ăn hối lộ. Tác giả đã sử dụng tiếng cười rất hóm hỉnh và khéo léo để phê phán một cách nghiêm túc nhược điểm này. Anh miêu tả hình ảnh ông trưởng phòng tổ chức cán bộ thuê đóng một chiếc tủ có chữ đề ngoài: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. “Tiếp ai, sau khi nghe trình bày hoàn cảnh gia đình, ông Du đều đứng lên mở toang hai cánh tủ và xin phép đi ra ngoài…Năm mười phút sau trở về phòng, ông nhẹ nhàng đóng hai cánh tủ lại…” Nếu như bằng con mắt nhà nghề ông đã nhận ra “tâm tưởng” của mình, nằm trong tủ rồi thì công việc “giao tiếp” sẽ có phần được gia tăng… (Oan cho cái tủ). Trong một truyện khác nụ cười của Vương Thu đọng lại ở hình ảnh một ông chủ tịch huyện đang làm việc ở công sở về nhà khoá trái cửa lại, lên giường bỏ màn xuống. Quan bà tưởng đức ông chồng có chuyện “tòm tem” nên nhờ người bủa vây các ngả rồi “bà xông vào buồng ngủ nhảy phốc lên giường vén màn và định hô hoán thì thấy ông đang rút tiền ở phong bì ra đếm…” (Bà hại tôi rồi). Thật là hết chỗ nói!
Đọc “Xin ý kiến anh” của Vương Thu gần như truyện nào tôi cũng thấy tâm đắc bởi lẽ nội dung của nó phản ảnh rất chân thực cuộc sống. Có thể nói, tác giả đã vẽ nên một bức tranh đời thường vớí những nét biếm hoạ nhiều vẻ. Có lẽ người xem “tranh” thấy “thú vị” nhất, “đồng cảm” nhất vẫn là những đối tượng được miêu tả trong tác phẩm. Đó là những ông quan liêu, những “ngài” nịnh hót, những hạng người ăn của đút lót…Tiếng cưởi của tác giả nhằm phê phán những “thói hư tật xấu” còn trong một số không nhỏ cán bộ ta, không kể cấp nào hay trong lĩnh vực nào. Tôi nghĩ, hiện nay nhiều nhà báo chỉ thích viết những bài “bay bổng” làm vừa lòng cấp trên, hợp nguyện vọng những cơ sở, những địa phương, đã “tận tình với khách” thì Vương Thu lại đi sâu khai thác vấn đề trên. Thật là độc đáo và đáng trân trọng. Rất mong ‘Xin ý kiến anh” đến với các “anh” có mặt trong cuốn sách.
20.11.2011
L.L