Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGÔN TỪ ĐAU ĐÁU NỖI NIỀM QUÊ

Vũ Xuân Tửu
Thứ ba ngày 6 tháng 12 năm 2011 7:27 PM
 
 Đọc xong 200 trang tản văn Kung fu người Co Xàu, của nhà thơ Y Phương, tôi bèn gọi điện hỏi nhà văn Cao Duy Sơn: Co Xàu nghĩa là gì ấy nhỉ? Các cụ bảo, thời xưa, người ta đi chợ xa, góp cơm ăn bữa chiều, nghĩa thế!
 Kung fu người Co Xàu mang dáng dấp như tiểu thuyết phong tục. Nhà thơ Y Phương đã dày công, thu gom những chuyện nhân tình thế thái, phong tục, nếp sống, từ trên núi dưới đồng, trong nhà ngoài bãi, xưa đến nay của dân Co Xàu (Trùng Khánh, Cao Bằng), thành một bữa cơm chiều thịnh soạn. Chuyện không chỉ ở chốn quê đâu, mà về thủ đô Hà Nội, ở nhà lầu vẫn nhớ nhà sàn, trẻ con phố khóc dạ đề, vẫn nhớ mẹo đuổi ma, cầu mẹ Hoa trên núi. Nhà thơ Mai Liễu, từng tâm sự, về Hà Nội hàng chục năm rồi, thế mà viết thơ vẫn quanh quẩn về núi rừng Tuyên Quang!
 Những mẩu tản văn, nhà thơ Y Phương thường viết ngắn, chỉ vài ba trang, nhưng thấm đượm nỗi quê. Ngôn từ ngồn ngộn chất núi rừng: “Thấy mật khoai rỉ ra, tôi bảo, đấy là nước mắt người nhà quê” (Thư gửi bạn chăn trâu). “Có hòn đá như bà già ngồi bắt chấy rận. Có hòn như cô gái đứng chéo chân hong tóc. Có hòn như ông lão ngứa lưng ngoáy tai. Cánh đồng đá bên cánh đồng người. Đá và người sống bên nhau làm nên no ấm”. (Về làng Đá).
Nhà thơ quan sát tinh tế, cái nhìn cũng theo kiểu người núi: “Hà Nội đúng là một rừng người” (Nhúng xuống thành phố), “Nằm co trong chăn ấm mà nghe sương chín” (Tết về làng người trời), “Vách nhà thơm như mùi gái đẻ” (Lớp vỡ lòng). Và, nhà thơ đưa vào tản văn chất lãng mạn: “Các o thôn nữ đi xanh tươi như lúa. Chân bơi bơi trong nắng vàng tươi, đẹp hơn tranh lụa” (Trẩy khu tư).
Nhưng mà tôi thích nhất là những câu đặc chất Tày, dầy hình ảnh và dí dỏm, như: tiếng chảo kêu loát xoát, rễ cây ngắn rễ người dài, cõng bi bô về khoe nhà ngoại, lều canh nương nhóc nhách sướng… Những cặp từ lấp lánh ánh núi: xoàn roạt, nhoóng nhéng, me mưởn…
Hầu như trang nào cũng nhóng nhánh những câu, những từ, những hình ảnh gợi nhớ ngọn núi, dòng suối, bãi chăn trâu, lều nương, hay lễ tết, hội hè, miền quê xa ngái, nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên. Ngôn từ chở những câu văn đầy hình ảnh.
Tuổi thơ và quê hương gắn quyện vào từng trang viết của người cầm bút. Và chính họ, là “người đục đá kê cao quê hương”. Thanh củi nghiến, cái tên địa chỉ của nhà thơ Y Phương, cũng đầy chất núi rừng. Củi nghiến thì chắc và đượm, sưởi ấm cả mùa đông.

Tuyên Quang, 5/12/2011
V.X.T