Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KÝ SỰ CHĂM PA

Dương Phượng Toại
Thứ ba ngày 6 tháng 12 năm 2011 7:22 PM

Bút  ký
Đoàn Văn Nghệ sĩ Quảng Ninh chúng tôi đã kết thúc một tuần công tác và tham quan đất nước Triệu Voi. Một tuần chỉ là một khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi của đời Người và Thời Gian vô tận. Nhưng khoảnh khắc ngắn ngủi ấy đã thu nhận và chứa đựng trong chúng tôi biết bao sự kiện, bao điều muốn nói và thầm kín chiêm nghiệm cho chính mình! 
Năm 2011, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh dành một chương trình cho các văn nghệ sĩ Hội VHNT Quảng Ninh đi thăm và du lịch nước ngoài. Chuyến đầu tiên đi Trung Quốc và Lào ưu tiên cho 32 hội viên có nhiều thành tựu đóng góp xây dựng Hội trong nhiều thập kỷ qua.
Chúng tôi thuộc đoàn 16 người đi Lào-xứ sở hoa Chăm Pa, khởi hành ngày 14-11-2011 với lịch trình 1 tuần thăm thủ đô Viêng Chăn, Luâng Pra băng... Chuẩn bị hành trang chuyến xuất ngoại, mỗi người chúng tôi bắt đầu cho mình một ý tưởng sáng tác.

I - THANH THẢN VIÊNG CHĂN

Chiếc tầu bay VN Arilines trên sân bay Nội Bài -Hà Nội cất cánh, bay vào không trung, vượt lên tầng trời xanh thẳm. Thành phố, làng mạc, cánh đồng, sông núi nước Việt hút vào những đụn mây trắng xốp, nhường cho bức tranh trùng điệp non cao trải dưới cánh tầu bay. Bắt đầu thảm thực vật đất nước Lào xanh thẫm. Những cánh rừng lớn còn dày đặc sắc đại ngàn, không bị chia xẻ loang lổ. Hầu như tấm gấm non sông Triệu Voi còn nguyên vẹn, chỉ lác đác vài nốt vá.
10g 47 tầu bay hạ cánh xuống sân bay Wattay Viêng Chăn. Nhiệt độ ngoài trời lúc này là 21 độ C. Sân bay Viêng Chăn nhỏ, không đông khách và tấp nập như sân bay Nội Bài. Xe ô tô du lịch đã đến đón. Một hướng dẫn viên trẻ người Lào tươi cười đứng lên chắp tay cúi chào bằng tiếng Việt khá thạo, nghe na ná tiếng Huế:
-Con chào các bác, các cô các chú! Con tên Na 35 tuổi, sẽ là người cùng đoàn đi suốt cuộc hành trình ở Viêng Chăn… Giọng nói đĩnh đạc, tuwk tin, Na giới thiệu vài nét cơ bản về địa lý, lịch sử, văn hóa, lễ hội đất nước Lào và thủ đô Viêng Chăn: -Lào là một quốc gia hơn 6 triệu dân, duy nhất ở Đông Nam Á không có biển. Phía tây bắc giáp Myanma và Trung Quốc, phía đông giáp Việt Nam, phía nam giáp Campuchia và phía tây giáp Thái Lan… Lào được gọi là đất nước Triệu Voi hay Vạn Tượng. Trước đây còn có tên là Ai Lao. Ngôn ngữ là tiếng Lào.
Lễ hội ở Lào được gọi là Bun. Nghĩa của Bun là phước (phúc). Làm Bun nghĩa là làm phước để được phước. Cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á, Lào là xứ sở của lễ hội, tháng nào trong năm cũng có lễ hội. Lễ hội cũng chia làm 2 phần: phần Lễ và phần Hội. Mỗi năm có 4 lần tết: Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán, Tết Lào (Bun PiMay vào tháng 4) và Tết Hmong (vào tháng 12). Ngoài ra còn các lễ hội: Bun PhaVet (Phật hóa thân) vào tháng 1; Bun VisakhaPuya (Phật Đản) vào tháng 4; Bun BangPhay (pháo thăng thiên) vào tháng 5; Bun Khao PhanSa (mùa chay) vào tháng 7; Bun Khao Padapdin (tưởng nhớ người đã mất) vào tháng 9; Bun Suanghua (đua thuyền) vào tháng 10… Na nói về thủ đô của mình thật tự hào, say đắm: -Viêng Chăn, theo  tiếng Việt của các cô bác xưa gọi là Vạn Tượng, là thủ đô nước Lào, nằm bên tả ngạn, đoạn khuỷu sông Mê Kông, chỗ này chính là biên giới giữa Lào và Thái Lan. Thủ đô Viêng Chăn rộng 3.920 km² và có gần 730 000 dân trong đó khu vực nội thành có hơn 200.000 người. Tên thành phố bắt nguồn từ tiếng Pali, ngôn ngữ diễn đạt văn chương của Phật giáo Tiểu thừa. Nghĩa ban đầu là “Khu rừng đàn hương của nhà vua”, loại cây quý vì mùi hương của nó theo kinh điển Ấn Độ. Nghĩa của Viêng Chăn là “Thành phố Trăng” trong tiếng Lào. Cách phát âm và phép chính tả hiện đại Lào không phản ánh rõ ràng từ nguyên tiếng Pali. Tuy nhiên tên gọi trong tiếng Thái vẫn giữ được nguyên gốc và “Thành Đàn hương” là nghĩa gốc của tên gọi này. Cách phát âm theo các ngôn ngữ latinh (Vientiane) có nguồn gốc từ tiếng Pháp với một kiểu đánh vần dựa trên tiếng Anh là “Viangchan”, hoặc đôi khi là “Wiangchan”...
Thời điểm này xứ sở hoa Chăm Pa vừa kết thúc các lễ hội bằng lễ hội Đua Thuyền, Các lễ hội chỉ còn dư âm trong lòng người cùng những bước chân trên đường phố, lên nương trỉa lúa, xuống dòng Mê Kông bắt cá... Chúng tôi nhanh chóng làm quen với Na và nói chuyện rất sôi nổi, dí dỏm trong ô tô. Nhà Na ở ngoại thành Viêng Chăn. Yêu và thích được đi đây đó trên đất nước mình, tốt nghiệp đại học, Na đi làm Hướng dẫn viên du lịch. Cậu chưa vợ, đã từng hai, ba lần sang Việt Nam và rong ruổi trên vịnh Hạ Long. “Khi nào lấy vợ, con sẽ đưa vợ thăm quê huwong các cô các bác!... Nở nụ cười rất tươi, cậu bảo vậy.
Trên đường tới Khách sạn Ramayana nhận phòng nghỉ, xe qua một đại lộ lớn trải dài. Hai bên đường phố xanh mát bóng cây. Không thấy các loại biển quảng cáo tranh nhau lổn nhổn trương lên, phô ra mặt phố. Cái nắng không gay gắt như ta tưởng về gió Lào mùa khô ghê gớm. Nắng trong vắt không gian. Cảnh vật như đặt trong chiếc bình thủy tinh khổng lồ. Người ta còn gọi Lào là đất nước Mặt Trăng! Bởi không gian cứ trong suốt như thế này, chắc chắn Mặt Trăng bốn mùa cũng sáng tỏ đến vành vạnh! 
Đường phố Viêng Chăn thật thanh bình. Chốc chốc lại thấy mấy nhà sư áo cà sa vàng đi bên những hàng trúc la đà trên hè phố. Đây đó gặp những khu vườn khuôn trong những hàng rào cây xén tỉa công phu. Những gốc cây Chăm Pa cổ thụ nghiêng cành bên các biệt thự xinh xắn. Mùa hoa Chăm Pa còn nở, ánh lên từng chùm sao cánh trắng nhị vàng, thoáng ngát mùi hương. Dưới hoa, thỉnh thoảng các thiếu nữ mặc váy thêu hoa văn ngũ sắc nhẹ gót dạo qua, cũng thật thanh thản như đi trong mộng.
Nhà dân và công sở các phố ở Viêng Chăn xây dựng đơn giản, không nhiều tầng, chủ yếu mái cong và dốc. Màu sắc tường sơn thường trắng non, vàng nhạt, vàng xanh nõn... không cầu kỳ, xô bồ, rối rắm hình dáng và đường nét. Và thú vị nhất chỗ nào cũng bóng cây xanh biếc. Na bảo: Ở nước Lào, nhà xây không chế không cao quá 10 tầng!... Đường phố rất sạch, không bụi bặm, ồn ào, không tiếng còi xe. Giờ chiều, xe các loại, nườm nượp theo nhau giao cắt luồng đường một cách trật tự. Không thấy cảnh xe cộ tranh nhau, vượt đường. Thấy tôi đăm đăm nhìn các tài xế ngồi thanh thản bên vô lăng chờ lái xe đi, Na cười rất vui: -Ở Lào các cô các bác đi đường cứ yên tâm, không nên vội vã, nôn nóng. Giao thông tại các đường phố rất thuận tiện. Người Lào vùng thủ đô chúng cháu đều sử dụng xe, gia đình nào cũng có xe hơi, có gia đình hai chiếc, do giá nhập khẩu rẻ và người làm công chức được Nhà nước cấp xe để tới công sở.
Chiều, trong niềm hào hứng, chúng tôi bắt đầu chương trình tham quan. Điểm đầu tiên là chùa Sí-mương, một ngôi chùa mà người dân cho là linh thiêng nhất Viêng Chăn. Rất đông dân Lào và du khách đến cầu phúc. Họ dẫn theo cả trẻ con, cùng nhau bái lạy các pho tượng Phật với ánh nhìn thành tâm cung kính. Không thắp hương và đốt vàng mã. Chỉ mùi hoa phảng phất theo bước đi. Tiếp tục sang ngôi chùa Sisaket đối diện bên kia đường. Chùa xây dựng năm 1818 từ thời vua A nu vông-ông vua cuối cùng của Lào. Ngôi chùa lưu giữ tới 10 136 bức tượng Phật lớn nhỏ khác nhau, bày dọc hai bên tả hữu, tầng thấp tầng cao với biết bao huyền tích không nhớ nổi. Ðây là ngôi chùa cổ kính nhất Viêng Chăn hầu như nguyên vẹn, ít bị phá huỷ khi quân Xiêm (Thái Lan) xâm lược Lào.
Đặt chân trên quảng trường trước chùa Thạt Luổng, chúng tôi choáng ngợp trước một khoảng sân mênh mông. Chính diện là ngôi tháp Thạt Luổng cao 45 thước. Cả khối tháp rực rỡ ánh vàng ngự trên hàng chục bậc cấp. Thạt Luổng được bao quanh bởi ba lớp tường đồ sộ, trang trí bằng những cánh hoa sen và các tháp phụ đều sơn thếp vàng. Thạt Luổng là biểu tượng linh thiêng của Phật giáo Tiểu thừa Lào. Công trình chùa tháp kiến trúc mang đầy phong cách văn hóa và bản sắc Lào, đã trở thành một biểu tượng quốc gia in trên đồng tiền Kíp và quốc huy của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Thạt Luổng trong tiếng Lào là một thạt Phật giáo ở Viêng Chăn được xây dựng từ 1566 dưới triều vua Xệt Tha Thi Lạt, theo hình một chiếc nậm rượu, trên một phế tích của một ngôi đền Ấn Độ thế kỷ 13. Thạt Luông đã từng bị phá hủy trong cuộc xâm lược của người Thái vào thế kỷ 19 nhưng sau đó đã được khôi phục nguyên trạng. Theo truyền thuyết, trong tháp có lưu giữ xá lợi của Đức Phật là một sợi tóc và rất nhiều châu báu.
Xế tay trái là khu vực nhà Hội trường đồ sộ kiến trúc cách tân –nơi tổ chức các Hội nghị lớn như kiểu Trung tâm Hội nghị Quốc gia của ta. Trên Quảng trường, đây đó từng tốp người đi thăm, đi bộ thể dục đón gió và ánh chiều ngả bóng. Cuối ngày ở đây như được kéo dài hơn.
Hoàng hôn buông xuống. Vòm trời tựa một cái ô tím nhạt chuyển xẫm dần trên  thành phố. Chúng tôi thả bộ về khu Tượng đài Chiến thắng Patuxay-Khải Hoàn môn, trông xa sừng sững như Khải Hoàn môn của Pa Ri nước Pháp. Bên cạnh Khải Hoàn môn là dinh Thủ tướng Lào. Dàn nhạc nước bắt đầu phun lên những cột hoa nước, những áng cầu vồng rất nghệ thuật. Người đi dạo ở đây khá đông vui và lịch lãm. Vẻ mặt và bước chân họ không gợn một chút ưu tư gì nặng nhọc của cuộc sống. Quả thật, Thủ đô Viêng Chăn đẹp một cách mơ mộng bên dòng Mê Kông kỳ vĩ.
Ăn bữa trưa đầu tiên tại một nhà hàng, chúng tôi thực sự chan hòa trong không gian văn hóa ẩm thực Lào. Tòa nhà kiến trúc toàn bằng gỗ. Trên tường treo những bức tranh tả về cuộc sống ngày xưa của người Lào, vẳng nghe tiếng bò kéo xe rống trên đường mòn, tiếng chày giã gạo thậm thịch bên thác nước… từ mặt lụa vang ra. Tiếp viên nhà hàng đủng đỉnh rót từng cốc bia mang cho từng người, bưng từng đĩa thức ăn bày vào bàn ăn. Rau xanh, rau luộc. Thịt gà, thịt heo. Cả món súp cá, cá của vùng sông Mê Kông ngọt và thơm. Ai cũng cảm thấy hợp khẩu vị. Đồ ăn Lào nhiều hương vị. Thức ăn ngon thường đem ra sau. Ẩm thực Lào mang phong cách tương tự các quốc gia láng giềng Campuchia, Thái Lan và Nam Bộ của ta: cay, chua và ngọt. Tuy nhiên, vẫn mang những phong cách đặc trưng rất riêng Lào. Các món thường nấu cay, song chăc biết đây là đoàn Việt Nam nên họ giảm nồng độ. Nhưng tôi vẫn bị vị cay làm nhoè mắt.
***
Sáng nay xe ô tô chạy men theo bờ sông Mêkông đưa chúng tôi đến một nơi không thể bỏ qua khi du lịch Viêng Chăn. Đó là vườn Chư Phật nằm trong vùng Thà Đừa cách Viêng Chăn gần 30 km. Thật thích thú với cảnh vật thanh bình, lúc vườn, rừng, suối róc rách hiện ra, lúc sông Mêkông láng trắng mênh mang. Hai bên đường, phố thị, làng mạc vẫn một không khí trong sạch. Những căn nhà sàn bằng gỗ thấp thoáng dưới những rặng cây. Những quầy hàng vải, quần áo, bánh kẹo bày khiêm tốn dưới mái hiên. Những vườn rau xanh mướt. Mùi khoai nướng tỏa thơm từ tay những đứa trẻ. Những chiếc xe máy đi lại thong thả như thể đi dạo. Không thấy người túm năm tụm ba ngồi quán xá, nhậu nhẹt.
Vườn Chư Phật hay còn gọi là Bãi Phật (Buddha Park) xây dựng năm 1962 là một quần thể gồm hàng trăm bức tượng được đúc theo Phật thoại bằng bê tông dựng ngoài trời. Ngay cổng vào là một quả cầu lớn như một tòa lâu đài tròn xám mốc. Na giải thích: Đây là biểu tượng trái đất, bên trong ruột nó chứa đựng các cảnh địa ngục, với hàng trăm ô cửa vuông nhỏ kiểu cửa tò vò…
Tranh thủ thời gian, tôi và nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngọc Huấn chui qua lỗ cửa chính, vào trong ruột quả cầu leo các bậc xi măng lên đỉnh cây Phật, nhìn bao quát được toàn bộ vườn tượng với các quần thể tượng dựng trên thảm cỏ xanh mượt mà, xen những hàng cây nghiêng bóng. Ta có cảm giác như đứng trước một thế giới Phật cổ đại, nắng rót tràn trề vũ trụ và vô lượng thời gian. Đáng nể nhất phải nói đến pho tượng Phật khổng lồ dài tới hơn một trăm mét nằm thoát giới, đầu ngẩng cao, vẻ mặt ánh lên đức tin khó tưởng tượng. Các bức tượng, nhóm tượng  rải rác xung quanh nhiều cỡ lớn nhỏ, vô cùng phong phú về hình dáng, thể hiện những huyền thoại nội dung ghi chú được khắc trên những tấm bảng gắn ở dưới bằng tiếng Lào. Tượng Phật nằm uy nghiêm trầm mặc; voi ba đầu, rắn năm đầu, rùa, cá sấu… cách điệu theo truyền thuyết. Tượng đoàn nhà sư khất thực, dũng sĩ cầm gươm cưỡi ngựa, tượng hình người đầu lợn, vũ nữ uốn lưng… thật sinh động và huyền bí…
Chúng tôi ngẩn ngơ ngắm nhìn, chìm đắm ngẫm ngợi về những điều răn của đạo Phật và ai cũng trầm trồ khâm phục ý tưởng của người xưa. Qua mỗi pho tượng là một câu chuyện, một truyền tích đầy sắc màu huyền thoại của thế giới Phật đất nước Triệu Voi, ta thấy nổi bật nghệ thuật đắp tượng của nghệ nhân, nghệ sĩ tạo hình Lào đầy tài năng và tâm huyết đến nhường nào. Họ đã hóa thân nhập hồn vào chất Phật, thánh thiện đến không nhận ra đời sồng thật ở trần gian nữa!
 (CÒN NỮA KỲ SAU)

KÝ SỰ CHĂM PA   (Tiếp theo)
Bút  Ký của  DƯƠNG PHƯỢNG TOẠI

Nắng nửa buổi xế trưa chói chang, nhưng không gay gắt, oi bức. Cái nắng  dễ chịu như thể giữa hè bên ta sau cơn mưa rào. Chúng tôi ghé thăm cửa khẩu Hữu Nghị I bắc qua dòng Mêkông. Khách vào đây thường mua sắm hàng miễn thuế (chủ yếu rượu và thuốc lá nhập ngoại). Nhưng hầu như chỉ đi xem lướt qua các quầy hàng.
Buổi chiều, Na đưa chúng tôi thăm làng Dệt-một Trung tâm gìn giữ và truyền dạy, sản xuất nghề dệt thủ công truyền thống của Lào. Xưởng dệt khá rộng. Các bộ khung dệt toàn thiết đặt bằng gỗ. Nhà cửa ở đây cũng được kiến trúc hầu hết bằng các loại gỗ quý. Từ tấm ghế ngồi cũng bằng một thớt gỗ dày, nháng bóng. Nom thật tiếc. Có cả những ngôi nhà mái lợp toàn gỗ -loại gỗ nghiến chịu mưa nắng. Các cô gái Lào rất chăm chú, nhưng nét mặt tươi cười bên khung cửi. Khách thăm quan tha hồ chụp ảnh, họ không hề bị tác động, không dừng tay lỡ nhịp các công đoạn và ảnh hưởng gì đến các chi tiết đan dệt. Lại thêm lần nữa chúng tôi thấy đức kiên nhẫn của người Lào. Họ luôn miệt mài, thanh thản trong công việc và luôn bình thường trước những gì diễn biến xung quanh.
Khách sạn Ramayna nơi chúng tôi nghỉ nằm bên đường Đại lộ Lan Xang-đại lộ lớn nhất Viêng Chăn. Ở đây có Chợ Sáng, trung tâm thương mại của thủ đô, kiểu như chợ Đồng Xuân Hà Nội, chợ An Đông TP HCM của Việt Nam. Đến gần chợ mà chúng tôi vẫn không biết là chợ vì không nghe thấy âm thanh lao xao, ồn ã của tiếng mời chào, rao vặt hay quảng cáo. Hàng hóa của Lào, của Thái rất nhiều, giao thương bằng tiền Kíp, Đôla, tính ra cũng không rẻ hơn ở Việt Nam là mấy. Có điều, khách cứ thoải mái xem, tha hồ mặc cả, không mua thì thôi, bỏ đi mà không bị lườm nguýt hoặc chửi rủa, đánh vía. Chúng tôi chủ yếu mua các hàng mỹ nghệ như voi tượng, vòng bạc, dây bạc, đồng bạc trắng cổ của Lào, hàng quần áo, túi xách... làm quà lưu niệm. Cảnh chợ mua bán sầm uất, rì rầm như tằm ăn rỗi. Không tiếng gắt gỏng. Không tiếng thề bồi, cãi mắng nhau. Các quầy hàng điện tử sáng trưng nhưng không thấy mở nhạc quảng cáo om sòm ra vẻ ta đây…
Ở Viêng Chăn ít xe máy. Không có cảnh các tài xế xe ôm tụ bạ, chèo kéo, tranh giành khách. Thỉnh thoảng mới gặp vài ba chiếc xe máy đậu ở lề đường, trên xe có đủ chìa khóa, mũ bảo hiểm nhưng chờ lâu mới thấy chủ nhân ở đâu đó lững thững ra ngồi lên xe từ từ nổ máy. Mấy ngày liền chúng tôi không thấy tai nạn giao thông. Xem chương trình thời sự của Truyền hình Lào cũng không thấy có mục An toàn giao thông… Na bổ sung thêm: Nếu các cô các bác vào cửa hàng cửa hiệu, cứ yên tâm để xe bên ngoài với tất cả đồ đạc, không hề mất mát, xuy xuyển.
Chúng tôi thường dùng bữa tối tại nhà hàng Kua Lao, nhà hàng Tamnak Lao. Nơi nào cũng có dàn nhạc dân tộc hòa tấu, biểu diễn phục vụ khách ẩm thực. Những bản dân ca Lào du dương, thánh thót. Những điệu múa Lăm vông uyển chuyển trên những bắp chân nhẹ nhàng và những ngón tay thon. Lúc tan bữa, dàn nhạc trình bày cả các bản dân ca Việt Nam: Trống cơm, Người ở đừng về..., rồi “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” rất hào hứng. Không khí ăn uống không ồn ào, dô ta, nhảy nhót huyên náo... Không thấy một lời khiếm nhã, văng tục. Không thấy một bóng người say mèm…
Đồ ăn Lào rất ngon, nhiều hương vị. Đặc biệt là món nướng: cá nướng, gà nướng… ăn kèm với xôi trắng dẻo thơm đựng trong lẵng nhỏ đan tre nứa hay cơm nếp lam nướng trong ống tre. Thêm trái dừa, chút thịt khô nướng, vài chai bia Lào đậm đà vị thơm… ta muốn ngồi mãi trên chiếc ghế gỗ, thanh thản với làn gió Mê Kông mát rượi, với không gian trong lành thong thả tiếng chuông chùa… Nhớ lời Na hướng dẫn, lúc gặp và giã bạn, chúng tôi không quên chắp tay trước ngực và nói “Sabaiđi!” (Xin chào!), “Khọp chay!” (Cảm ơn!). Chúng tôi được coi như là người thân thiết.
Viêng Chăn về đêm vẫn thanh bình, tĩnh lặng. Một hòn ngọc của Phật đặt bên dòng Mê Kông êm ả trong lời kinh nguyện thầm thì của gió.
***
Sáng 17-11-2011, chúng tôi đến thăm đại diện Công ty Vinacomin Lào (Công ty con). Các anh trong Công ty đón tiếp rất niềm nở, chân tình như lâu ngày mới gặp lại người nhà. Thay mặt đoàn văn nghệ sĩ, trưởng đoàn Lê Toán-chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh tặng quà Công ty sản phẩm mực khô của vịnh biển Hạ Long. Công ty tổ chức đưa xe chở chúng tôi đi thăm một số nơi trong thành phố.
Ra thăm khu Công viên A nu vông-một công viên lớn mang tên nhà vua A nu vông. Công viên nằm trải dài bên bờ sông Mê Kông với những thảm cỏ, hàng cây xanh ngút tầm mắt. Dòng sông mênh mông, yên ả, chảy phẳng lặng giữa đôi bờ Lào –Thái. Bên kia sông là tỉnh Noong Khai của Thái Lan. Bờ sông Mê Kông lát mái bê tông hiện đại, kiên cố, do dự án ODA của Nhật Bản đầu tư, xây dựng. Giữa công viên sừng sững pho tượng đồng vua A nu vông đứng oai phong trên bệ cao tay cầm gươm tay khoát xuống dòng Mê Kông. Dân chúng kể chuyện: Khi cất dựng pho tượng vua lên đài cao, người ta quay mặt tượng hướng vào thành phố như một ý thức tự nhiên; nhưng không tài nào dựng nổi, cứ vừa nhấc lên lại đổ xuống. Chợt nhớ lời nguyền cùng ước vọng của vua khi đương thời, thuở hàn vi vua từng lưu lạc sang đất Thái Lan và làm con nuôi vua Thái Lan; người ta quay mặt tượng ra phía sông Mê Kông nhìn về bên kia Thái Lan. Vậy là  pho tượng yên vị, đã đứng vững đến ngày nay. Trong tâm linh, vua A nu vông vẫn hướng về nơi đất và người đã nuôi mình và cũng là để khẳng định sách trời! Chúng tôi bái lạy đức vua và chụp ảnh dưới chân tượng đài.
Dân Lào bên sông Mê Kông rất coi trọng lễ hội đua thuyền. Vào tháng tư thôn xã nào cũng khai hội đua thuyền. Cả vua ngày xưa, cả thủ tướng bây giờ cũng tham gia hội đua thuyền với dân chúng.
Buổi trưa, Đại diện Công ty Vinacomin chiêu đãi đoàn tiệc trưa tại một nhà hàng bên sông. Dòng Mê Kông khúc này rộng tới 500 mét, ít thuyền bè đi lại. Tại đây chúng tôi được thưởng thức những món ăn đặc trưng của Lào, như nộm trộn mắm cá, lạp thịt bò khô, rau xào, cá canh chua... Hầu hết món ăn nào cũng nhiều gia vị ớt, cay ứa nước mắt. Ăn các món ăn của Lào tại các nhà hàng Viêng Chăn, khách luôn được tận hưởng một cảm giác thanh sạch, nhẹ nhàng, tin tưởng vì các loại thực phẩm được chế biến rất vệ sinh. Các món rau thật thú vị, chỉ muốn ăn mãi.
Trong bàn tiệc, tiếp xúc với Bùi Sĩ Hiếu, tôi được biết Hiếu sinh năm 1981. Khi ở Việt Nam, Hiếu làm ở Công trường Công ty than Hà Tu. Năm 2008 sang Lào làm ở Công ty Vinacomin. Trong thời gian trên nước bạn Lào, cậu đã yêu và xây dựng tổ ấm với một cô gái cùng Công ty. Họ đã có một con trai, sinh tại thủ đô Viêng Chăn và mua được xe con, chiều chiều sau giờ làm lại đưa nhau đi dạo mát.
Lê Văn Phong cũng làm ở Công trường 2-Công ty than Hà Tu. Anh sang làm kế toán trưởng Công ty Vinacomin Lào từ 2008. Phong và Hiếu đều lái xe rất thạo chở chúng tôi đi thăm công viên và chùa chiền. Tạ Quốc Đáng một cán bộ của Công ty rủ tôi chụp ảnh bên bờ sông. Anh cũng là người viết văn, làm báo. Tôi tặng anh tập thơ “Cỏ Ngũ Sắc” mới xuất bản.
Trong chuyến đi này, qua những câu chuyện của Lê Toán, tôi được biết thêm một chi tiết thú vị về Quản Hoàn (Quận Hoàn)-một nhân vật thực mẫu trong truyện ngắn “Mối tình xa cách” của tôi. Quản Hoàn người làng La Khê-Yên Hưng thời thuộc Pháp làm quận trưởng Cát Hải-Hải Phòng, từng là đại sứ đầu tiên của chính quyền phong kiến VN tại Lào.
Buổi tối, đoàn Tạp chí A Ru May (Tạp chí Lý luận và thực tiễn) của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do đ/c Tổng biên tập đến đón dự chiêu đãi. Bữa cơm thân mật diễn ra trong một nhà hàng bên bờ sông Mê Kông. Không khí rất vui vẻ, hiểu biết lẫn nhau. Một đêm vui thật tuyệt vời trong tiếng chạm cốc, tiếng hát những bài ca Lào Việt, trong ánh đèn chớp lóe của những chiếc máy ảnh, camera.
Về nhà nghỉ, trong không gian tịch mịch, chúng tôi ai cũng bâng khuâng những cảm nghĩ về đất và người xứ Chăm Pa-Triệu Voi. Phong cách người dân Lào thường ngày luôn nhẹ nhàng thanh thoát, bình tĩnh, từ tốn và chậm rãi. Nếu không hiểu họ, người nước ngoài, tỷ như người Việt ta rất dễ nôn nóng, trách cứ. Khách hàng cần một món ăn, một thứ hàng gì đó, họ cứ đủng đỉnh làm việc không hề lộ vẻ vội vã, láu táu. Người Lào hình như không sẵn tính ghen ghét, đua chen, kèn cựa hay đố kỵ lẫn nhau! Tính nhẫn nại này có lẽ xuất phát từ tính chân tu của Phật giáo, chan hòa, nhân từ và thánh thiện. Mỗi người Lào sinh ra và lớn lên, phải ít nhất qua 3 năm tu hành trong thế giới nhà chùa. Trước khi vào trường đời là vào trường Phật để đọc kinh tu luyện, tích đức làm Người. Có lẽ nhờ thế mà con người giàu tâm thiện và khoan hòa hơn chăng?
(Còn nữa: LUÂNG PRA BĂNG-CỐ ĐÔ BÊN DÒNG MÊ KÔNG)