N hà thơ Hoàng Anh Tuấn sinh ngày 7-5-1932 tại Hà Nội và mất ngày 01/9/2006 tại Hoa Kỳ, nơi ông chọn để định cư vào lúc cuối đời. Thời học sinh, ông học tại các trường Tiểu học và Trung học tại Hà Nội. Thời sinh viên ông du học tại Pháp và tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh ở Paris, sau đó ông về nước hành nghề nhà báo, rồi làm đạo diễn điện ảnh…Đã có lúc ông được cử làm Giám đốc Đài phát thanh Đà Lạt và đã nhận làm đạo diễn một số phim truyện khá nổi tiếng của Sài Gòn trước ngày giải phóng. Sau tháng 5/1975, ông đã bị tập trung học tập cải tạo một thời gian. Khi được tha về, ông đã xuất cảnh sang Pháp và tới năm 1981 thì quyết định qua định cư tại Hoa Kỳ. Lúc từ trần, ông đang cư ngụ tại thành phố San José thuộc bang California.
Hoàng Anh Tuấn làm thơ từ thuở trẻ và thơ ông mang đậm chất học trò thành phố Hà Nội. Nhiều bài thơ của ông được tuổi trẻ các đô thị học thuộc, đọc say mê và thậm chí còn chuyền tay nhau chép trong vở học giữa giảng đường. Một trong những bài thơ hay đó là bài “Em về, Hà Nội” được ông sáng tác trong những ngày đất nước bị phân đôi và ông cùng gia đình phải di cư vào Nam, phải giã từ người yêu trong mộng …
Mở đầu bài thơ, Hoàng Anh Tuấn không ngần ngại phơi bày nỗi nhớ thương, “nỗi yêu Hà Nội” của mình, nó đau đớn, nó khắc khoải, nó day dứt như nỗi nhớ mùa Thu, như nỗi xa lìa tình yêu đầu đời của một chàng trai mưới bảy tuổi :
Hà Nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc
Mấy chục năm, xa đến mấy nghìn năm
Giã từ em – mười bảy tuổi – một lần
Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá….
Trong cái thời tiết nóng nực của Sài Gòn, cả năm không có một chút khí hậu “Thu rất mỏng” với màn “mưa hững hờ đẫm lá” nhà thơ như thấy hiện hình ra các “nàng Thơ” hay các “linh hồn Hà Nội” ngày xưa trong mộng của chàng với áo lụa học trò, với khăn san “nũng nịu với heo may”, với ngón tay búp măng trắng muốt của cái “tuổi ô mai” đang nhón một trái nhỏ đưa lên đôi môi thắm xinh khoe nụ cười thoảng mùi cam thảo có chiếc răng duyên dễ nhớ :
Hà Nội yêu, áo lụa ngà óng ả
Thoáng khăn san nũng nịu với heo may
Năm ngón tay nhón một trái ô mai
Chiếc răng khểnh xinh nụ cười cam thảo
Hà Nội trong ký ức của Hoàng Anh Tuấn còn gắn liền với mối tình đầu, với lá thư tình đầu tiên viết vội để dúi cho cô em và được cô chấp nhận không trả lại đã làm cho chàng thấy lòng lâng lâng sung sướng để về nhà “cười nụ với cầu thang” và suốt một tuần vui sướng tưởng như mình vừa thi đỗ :
Hà Nội yêu, mối tình đầu khờ khạo
Em nhận thư, anh ngây ngất tủi mừng
Khi về nhà, cười nụ với cầu thang
Một tuần lễ, vui như ngày thi đỗ
Để diễn tả cái niềm vui sướng rất học trò kia, nhà thơ đã dùng cách ngắt câu thơ 8 chữ thành hai nhịp 3-5 tinh nghịch như nhịp nhảy lò cò của chàng trai mười bảy chớm biết yêu…. Tình yệu ấy được mở rộng, lan xa và bỗng gắn chặt với các sản vật quý của Hà Nội như cốm Vòng, như bàn tay xinh vơ năm sỏi giải gianh, như chiếc kẹp ba lá lấp lánh trên mái tóc đen dầy và mượt như nhung của cô bé học trò Trưng Vương ngày ấy…
Hà Nội yêu, cốm Vòng đơm gió nhỏ
Nên mùa Thu kín đáo khép tà mây
Ván giải gianh, có một lúc bàn tay
Vơ nắm sỏi với lòng anh hồi hộp
Hà Nội yêu, đẹp Trưng Vương mái tóc
Chiếc kẹp nghiêng, ba lá nép vào nhung
Miếng sấu xanh đừng chua quá ghê răng
Em hóm hỉnh, chiếc mũi xinh chun lại
Mồi tình học trò của nhà thơ Hà Nội thư sinh thật nhẹ nhàng trong sáng và thơ ngây không gợn đục một chút gì đáng trách. Tình yêu ấy gắn liền với những hẹn hò, những cái nắm tay âu yếm như truyền tia lửa điện cho nhau….và thậm chí em gái còn không cho anh trai cái quyền được hôn lên đôi môi xinh xắn :
Hà Nội yêu, liễu hẹn hò nắng mới
Hẹn hò em anh bối rối chim khuyên
Nào có bao giờ anh được hôn em
Nên dáng liễu còn u sầu vạn thuở….
Nỗi yêu Hà Nội của Hoàng Anh Tuấn như bùng lên trong những vần thơ cuối khi chàng thi sĩ nhớ lại tình yêu thuở ban đầu được nắm lấy bàn tay của người yêu bé nhỏ dễ thương :
Hà Nội yêu, xin cầm tay lần nữa
-một lần thôi cho vừa đủ hai lần-
thèm ngày xưa hạnh phúc rất thiên thần
anh chết lặng trong tình yêu thác đổ.
Kết thúc bài thơ miên man bao thương nhớ, đầy ắp những kỷ niệm ái tình con trẻ, Hoàng Anh Tuấn như vụt thấy lại hình ảnh ngôi nhà cổ với bóng cây hoàng lan xưa, cái sân gạch nổi rêu phong cũ, mà theo chàng dẫu có trải cuộc đời dài cả nghìn năm cũng vẫn ngỡ như vừa mới hôm qua, các dấu ấn Hà Nội ấy vẫn vằng vặc sáng trong niềm thương nỗi nhớ của những đứa con học trò Thăng Long xa xứ :
Hà Nội yêu, vẫn y nguyên tưởng nhớ
Nên nghìn năm vẫn ngỡ mới hôm qua
Bóng hoàng lan, sân gạch mát sau nhà
Còn vương vấn trong những bài thơ cũ.
Không biết những giờ phút cuối cùng trước khi phải từ giã cõi đời này, Hoàng Anh Tuấn chợt nhớ những gì về Hà Nội nhưng tôi tin rằng dù đã định cư ở San José thuộc tiểu bang California trong hai mươi lăm năm trời nhưng trái tim anh vẫn luôn hướng về Hà Nội, vẫn mong có một ngày trở về với hồ Gươm, về với em gái Trưng Vương xưa có thân hình mỏng manh với làn khăn san bay phất phới trong gió heo may mang mùi hương cốm mới…./.
Sài Gòn - một chiều bão rớt.
Ngày 01-11-2011
Đinh Kỳ Thanh.