Trước khi có tập sách “Kiếp Luân Hồi”(KLH) trong tay (Tản văn của Tạ Hữu Đỉnh do NXB Văn Học ấn hành tháng 7-2011) Tôi đã được nghe nhiều bạn bè thân hữu bàn thảo về nội dung cách viết trong “KLH” : Đầu tiên người ta đã tranh luận với nhau về khái niệm “KLH”. Kiếp : đời người ; Luân hồi : Nhiều kiếp kế tiếp nhau! Nhà Phật thì có 3 kiếp : Tiểu kiếp, Trung kiếp, Đại kiếp.Cứ hiểu nôm na là vậy. Có ý kiến “KLH” chỉ là những bài báo không hơn không kém, thậm chí chưa đạt tiêu chí báo chí; là việc sao chép những bài báo đã đăng trên báo Văn Nghệ và các báo khác... thêm dấm ớt để cho nó thành “văn”. Cũng có người nói “KLH” không thể gọi nó là “Tản Văn” được mà nên gọi nó là “Tạp văn”, nhưng cũng có ý kiến, cũng không thể gọi nó là “Tạp văn” được mà gọi nó là “Tạp bút” vì tính “văn” ít, có ý kiến huỵch toẹt là không thể gọi nó là “Tản Văn”cũng chẳng thể gọi là “Tạp văn”mà chỉ nên gọi nó là tập sách tập hợp ý kiến về “nhân tình thế thái” đã diễn ra ở thực tế cuộc sống hoặc công luận báo chí.Còn tôi im lặng lắng nghe để thấu hiểu và chiêm nghiệm vì tôi chưa đọc. Khi đã đọc rồi, đúng vậy, tập sách đã đề cập đến quá nhiều sự kiện phải nói là bề bộn đã diễn ra ở đâu đó trên mọi miền đất nước, được ông đưa vào truyện để mổ xẻ một cách không thương tiếc . Tập sách đề cập quá nhiều “vấn đề” đã ở thì “quá khứ” có thể quên đi được rồi , nhưng ông vẫn đưa vào để chì triết phản bác.
Tôi đã tranh thủ đọc, bài đầu tiên : “Tuổi 80 chiêm nghiệm sự đời” do Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu viết có tính chất giới thiệu, ghi là “thay lời tựa”, tôi đã lướt nhanh các trang để đến khi bắt gặp đoạn nói về “KLH”, thì để tâm chú ý hơn. Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu viết : “Để không làm mất cái hứng thú của Văn hoá đọc khi bạn có trên tay tác phẩm mới này của ông ( Xin mở ngoặc ông Tạ Hữu Đỉnh mà tôi biết qua trang bìa ông sinh 1931. Quê quán : Trúc Sơn- Đông Sơn- Thuỷ Nguyên - Hải Phòng. Trú quán : Phường Quang Trung TP Uông BÍ Quảng Ninh, ông đã có 8 đầu sách kể cả in chung và in riêng từ thập kỷ 70 của thế ký trước đến nay, là tác giả nhận giải thưởng khuyến khích – Do Bộ Công An và Hội Nhà Văn VN trao cho Tác phâm Tiểu thuyết hồi ký “Một thời giông bão” NXB Lao động ấn hành 2005). Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu viết tiếp : “ Thiết nghĩ tôi không nên theo lối mòn của mấy người giới thiệu sách vẫn thường làm, là tóm tắt nội dung tác phẩm. Điều này sẽ thấm dần vào bạn qua từng trang từng trang “KLH”. Bạn sẽ thấy, với kiến văn khá sâu rộng về văn học và sử học, cộng với cái tâm đau đáu sự đời,tác giả thể hiện tấm lòng mình, cũng là nói với người đọc, rất nhiều điều về nhân tình thế thái!( hết lời trích).
Đọc xong đoạn âý, tôi đã nghĩ nếu vậy “sách” vào loại đọc được, đến nỗi nào, sao lại bảo không ra gì? Từng trang từng trang tôi đã tranh thủ đọc. Cả tập có 52 truyện , khi tôi dùng chữ “truyện” đã có người hỏi “móc họng” tôi : “Ông hiểu truyện là thế nào mà gọi những cái “tạp” đó là truyện!” Tôi đã cười mà giải thích rằng : Theo Từ điển thì truyện là danh từ, việc có lớp lang, sự tích hoặc tưởng tượng được kể lại ... Tôi cũng nói luôn còn “truyện ký” cũng thuộc danh từ là truyện chép đời người nào đó! Tôi đã nói, thế thì tại sao không gọi những “truyện” trong “KLH” là “chuyện” được? nó hay hay dở cũng đều là “truyện” chứ sao? “Tản Văn” là danh từ chỉ một loại văn suôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự...còn việc gọi “Kiếp luân hồi” là thể loại “Tản Văn” hay thuộc thể loại gì thì dành cho các nhà học thuật định đoạt ! Còn tôi cứ coi “KLH” là “Tản Văn” đi đã! Là bạn đọc chắc cũng nghĩ như tôi, không cần quan tâm nó thuộc thể loại văn chương gì miễn sao là “truyện” đọc được!
“KLH” được in trên 261 trang, có truyện chỉ gọn gàng ở 3 trang nhưng cũng có truyện chiếm tới 13-14 trang. “KLH” đã đề cập đến mọi vấn đề từ chuyện viết văn đến việc lao động chân tay, từ cái bắt tay đên việc cúi chào trong giao tiếp, việc ma chay cuới xin, chén trà, cốc bia, yêu đương, mại dâm, hủ hoá, lừa đảo, thủ đoạn, làm thơ, viết văn, viết kịch, làm báo;...Tất tần tật đều được ông gom lại để viết hoặc để ca ngợi hoặc để phản biện phê phán. Phải nói ông có biệt tài, vào truyện một cách rất tư nhiên, tuy có đôi chút dài dòng nhưng chỉn chu với người đọc nên dễ chấp nhận để đọc hết câu chuyện. Ông đã viết tất cả những gì ông thấy và ông nghĩ, ông phê phán tất cả những gì ông cảm nhận bằng sự chủ quan là không đúng. Nhìn các “Tit” truyện người ta dễ có cảm nhận là đọc những bài báo, những ghi chép, phóng sự, bài đọc nhiều hơn là “Tản Văn”, viết ra để ngẫm ngợi, phê phán, góp ý , hoặc đặt dấu hỏi bỏ lửng : “Điều thắc mắc đó tôi không tự giải quyết được, nên viết ra đây để xin sự chỉ bảo của độc giả( Vài suy ngẫm nhân đọc “chiều chiều”) hoặc : “Chẳng biết đến bao giờ nền giáo dục của nước ta mới cất được mình lên và đuổi kịp được các nước trong khu vực đây! (Chuyện trên màn hình) Hoặc : “ Và với những nghịch lý, bất công đó, ngườì dân hiểu mình là “gốc” hay là “gì” đây ? (Lấy dân làm gốc) v.v...và v.v... Như tôi nói ở trên “Tản văn” là phải đạt được các yêu cầu hàm xúc, ngắn gọn... đằng này thật thà mà nói nó hơi mênh mang và dàn trải dài dòng... Ví dụ Trong câu chuuêjn “Giai thoại về rồng” của ông : Đầu tiên ông nói về chuyện thi vẽ rồng bên Tàu, rồi ông triết lý có rồng hay không? rồi ông nói đến Đại lễ một nghìn năm Thăng Long,về chuyện nguyên nhân Lý Công Uẩn đổi tên Thành Đại La thành Thăng Long, ông nhắc đến bài “Vùng đất thiêng” đăng trên báo Văn Nghệ của Lê Cường, bài “Giấc mơ linh diệu” của Nguyễn Đức Long cũng đăng trên báo ấy. Sau những lời phân tích phản biện là mắt vua “thấy” rồng bay hay trong giấc ngủ sâu vua “mơ thấy” rồng bay, ông đã đưa ra ý kiến của mình, cuối cùng ông kết luân : “Vâng! đứng về mặt tâm linh, thì đúng là có con rồng vàng bay lên trên kinh thành Thăng Long . Nhưng đó là con rồng tâm linh và huyền thoại. Con rồng được kết tinh từ nền văn hiến đã mấy nghìn năm của nhân dân Đại Việt. Chứ không phải là con rồng động vật bằng xương bằng thịt!” (hết lời trích). Trong “KLH” có thể bắt gặp nhiều bài viết theo “môtíp” ấy. Nhưng khách quan mà nói, đọc “KLH” cũng đem đến cho người đọc nhiều điều thích thú, nhớ lại nhiều điều đã quên, biết được nhiều điều kệch cỡm, trái khoái...và giúp bạn đọc hiểu được tâm trạng tâm sự của tác giả là như thế nào, điều ông viết ra đều là thực, thẳng thắn có chính kiến, là một thông điệp, nhắc nhở mọi người hãy sống sao cho ra sống, hãy hướng đến tính nhân văn , để đạt đến “Chân”, “Thiện”, “Mỹ”.
Ông đã nhớ đến “ Những nhà văn trong Nhân Văn – Giai phẩm”. Ông cởi mở lòng mình : “...từ ngày đổi mới đến nay đã có nhiều thay đổi rất đáng kể. Cái tổ hợp cụm từ “Bọn Nhân văn chống Đảng” bây giờ không thấy ai nhắc đến nữa. Những tác phẩm trước đây coi là “độc hại” bị cấm thì nay đang dần dần được taí bản... Những người bị xóa tên Hội viên Hội Nhà văn, thì nay đã được phục hồi hội tịch và bút danh như trước!” (Tai nạn nghề nghiệp). Ông phê phán truyện ngắn “Viên đạn thối”: Trong sáng tác, tất nhiên tác giả có quyền hư cấu... sáng tạo , muốn sai khiến chúng làm gì, thậm chí có thể bắt nhân vật này chết đi...Song mọi sự vật nẩy sinh... đều có quy luật, có cái lôgic riêng của nó...” ông đã giải thích như vậy để nói đến những sự kệch cỡm, cái ngớ ngẩn, cái viết không đúng với sự thật (Chuyên tày đình) . Ông phê phán cuốn hồi ký của GS Nguyễn Đăng Mạnh. Ông viết “ Dư luận đang rất bức xúc trước những điều giáo sư viết về Chủ tich Hồ Chí Minh. Rằng thơ của Bác sáng tác không theo quy luật nghệ thuật...”. Ông đã phẫn nộ về sự tráo trở trong đánh tráo nhận thức của GS.( Về cuốn Hồi Ký của GS Nguyễn Đăng Mạnh) Ông nói nhà văn Minh Chuyên đã có sự nhầm lẫn tệ hại về tâm linh và mê tin dị đoan, đã xây dựng lên những hình ảnh giả dối để đánh lừa “công luận” trong “Linh hồn Việt Cộng” (Con đường Tâm Linh- thư ngỏ gửi nhà văn Minh Chuyên). Ông viết về bọn gian manh thủ đoạn, tráo trở để có giầu sang, có miếng, có tiếng muốn có nhiều tiền của . Ông nói đến việc sử dụng đồng tiền của người giầu : “... không làm từ thiện, mà đem tiền đi ... “mua các Sếp”, làm thân, thậm chí kết nghĩa anh em....( Cò gỗ mỏ cò thật) Ông đã trăn trở về việc “báo Hiếu”, người giầu mời đến 20 vị sư về tụng niệm, cầu siêu mấy ngày liền. tốn kém hàng trăm triệu đồng!. Ông đã trăn trở “Những người giầu thì như vậy, còn người nghèo thì sao (Báo Hiếu) ... Xin lỗi Nhà văn người ta bảo ông đã viết những bài báo chứ không phải những tác phẩm Văn học “Tản Văn”. Nhà Văn Phạm Ngọc Chiểu nói đúng. “Với kiến văn khá sâu rộng về văn học về sử học, cộng với cái tâm đau đáu sự đời, tác giả thể hiện tấm lòng mình, cũng là nói với người đọc, rất nhiều điều về nhân tình thế thái!” Đúng, Còn Nhà Văn cho đây là thể loại “Tản văn”? thì có một số bạn đọc có cả nhà văn nhà báo khó chấp nhận! Đọc xong “KLH” gấp lại, thực tình có nhiều điều đã gợi mở và suy ngẫm và có lẽ đó cũng là ưu điểm của tác phẩm “KLH” ...Tôi đã hơi dài dòng để nói “KLH” tỏ rõ thiện cảm với “KLH” là cũng có giá trị gì đấy chứ không phải không có một tý giá trị nào như một số bạn bè tôi nhận xét! ( Trong cuộc sống đời thường chẳng vẫn nói “không phát tiển bề dọc thì pháp triển bề ngang” đó sao!). Cá nhân tôi thì cho rằng “KLH” là tập sách đọc được! Tôi rất trân trọng sức lao động bền bỉ của ông đối với “KLH”.
Bây giờ đã đến lúc tôi xin tạm dừng và suy nghĩ, xếp “Kiếp luân hồi” vào thể loại Văn học nào? Tản Văn ? Tạp Văn? Tạp bút? Hay là những ghi chép? Bản thân tôi chưa hề được đào tạo có bài bản, chưa hiểu biết nhiều về các thể loại văn chương, nên xin nhường các chuyên gia thuộc lĩnh vực này thẩm định! Cái mong muốn của người đọc là đối với mỗi tác phẩm được in ngoài ý nghĩa thực dụng của nó còn phải được khẳng định chính danh tác phẩm để người đọc củng cố và nâng cao nhận thức nghệ thuật văn chương !
Ý kiến thứ hai tôi muốn nói là, Tác phẩm in ra thuộc các thể loại “Tản văn” “Tạp văn...” cần có sự rạch ròi, các nhà “Học thuật định đoat! Nhưng thiển nghĩ không nên đề cập đến quá nhiều vấn đề vào một cuốn sách vì sẽ dẫn đến “độ loãng”, giảm đi cái “hứng thú” “đích thực” của văn chương, không phải đọc để biết mà đọc để cảm thụ để thưởng thức cái hay cái đẹp. Nếu có sự lựa chọn khắt khe thì sẽ hiệu quả hơn, mỗi đề tài mỗi lĩnh vực chỉ nên đưa vào “một lượng” vừa đủ độ để người đọc khỏi chán, khỏi mệt...( có thể cắt bỏ những bài có chung đề tài hoặc trùng ) hoặc cũng có thể tách ra thành nhiều tập ví dụ KLH 1; KLH 2...!
Ý kiến thứ ba : Đối với nhà xuất bản, biên tập cũng đòi hỏi có sự khắt khe cân nhắc hơn nữa đối với một tác phẩm Văn chương, không nên chạy theo số lượng, thu nhập mà quên đi chất lượng, thể loại, làm mất đi tính nghệ thuật của Văn chương, điều quan trọng là cần nghĩ đến người đọc nhiều hơn nữa! Xin độc giả đọc “ Sách ế” có in trong tập sách này để hiểu thêm việc xuất bản in ấn của ta hiện nay!
Tháng 10-2011