Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chuyện nhỏ..không như con thỏ (31): RỠN HOÀI!

Tô Hoàng
Thứ sáu ngày 4 tháng 11 năm 2011 5:35 AM
 
Bản tin Thời Sự VTV1 lúc 19g ngày 2 tháng 11 năm 2011. Phóng sự bàn về việc đổi mới công tác tuyển sinh vào các trường đại học. Nói có sách mách có chứng nhé! Mở đầu thiên phóng sự là hình ảnh sinh viên thưa vắng, giảng đường rộng thênh của Trường Đại học Thành Tây ở Hà Nội. Tiếp tới là một cuộc Hội thảo rung chuông báo hiệu niên học năm nay ( 2011-2012 )các trường đại học dân lập hút được rất ít học viên. Bộ Giáo dục vẫn chủ trương bảo đảm chất lượng đầu vào. Các trường dân lập tố cáo thi tuyển “ độc quyền “ kiểu ấy thì quốc lập vớt hết mỡ màu của dân lập. Từ đây, thiên phóng sự quay trở lại với câu hỏi đúng, sai trong chủ trương của UBND Tp Nam Định kiên quyết không tuyển các cậu cử cô cử ra lò từ các trường đại học dân lập..
Ông Giám đốc Sở Nội vụ thành Nam đứng về phe chính quyền. Vài sinh viên cùng ông Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Lương Thế Vinh bảo vệ cho các trường dân lập và chất lượng sinh viên ra trường.
 Đứng về phe bênh vực các trường dân lập, bỗng nghe thấy một ý kiến góp vào hay hay của một nhà doanh nghiệp. Ông ta tên Nguyễn Trần Bạt -và theo lời giới thiệu của tác giả thiên phóng sự, là Giám đốc một doanh nghiệp khá thành công. Ông Bạt cho rằng cơ chế tuyển dụng cán bộ của Nhà nước bây giờ đã quá lạc hậu. Chuyện này quả là nhỏ như con thỏ ! Ông Bạt nêu tiếp, lịch sử dân tộc ta cho thấy tìm được người tài là một điều hết sức nhọc công, chứ không thể ngồi đợi họ đến nộp đơn xin việc được ! Chuyện này to hơn con thỏ một tý! Còn đây, để bênh vực trường dân lập và sinh viên “ra lò” từ các trường này, ông Nguyễn Trần Bạt phát biểu trực tiếp trước micro  của phóng viên ( Bạn cứ vào mạng VTV là được nghe liền à! ): Hầu hết các đồng chí lãnh đạo bây giờ ở các vị cương vị cao cấp đều ở huyện, ở trong bưng cả đấy chứ! Và đều do các đồng chí lãnh đạo cao của Đảng và hệ thống tổ chức phát hiện. Đúng hay sai chưa biết. Hay hay dở chưa biết. Nhưng sự xuất hiện của họ là kết quả của một sự tìm kiếm rất cẩn thận của hệ thống tổ chức của Đảng”. Ôi, phát hiện này của ông Bạt quả là không nhỏ như con thỏ được rồi!
 Hầu hết các đồng chí lãnh đạo bây giờ ở các cương vị cao đều ở huyện, ở bưng thì đã sao? Họ không được sống ở thành thị, không được tiếp thu ảnh hưởng của các nền văn minh lớn à? Họ không được học hành bài bản, trình tự; họ không có bằng cấp, họ i-tờ ít, bấy lâu nay họ vẫn điều hành công việc xứ sở theo kiểu “ tay không bắt giặc “sao ? Có gì cần đính chính ở đây không, ngài Giám đốc? Ông Bạt quên rằng, họ đều là “ hạt giống đỏ”. “ con nhà nòi” của những ông bố bà mẹ luôn tâm nguyện một điều đã đánh đuổi được thực dân đế quốc thì chẳng việc gì trên đời này là không thể không làm được cả. Cái “gen “ di truyền ấy quý lắm chứ! Ông Bạt lại cũng quên rằng, đâu cứ phải có thày có trò, phải qua thi tuyển, lên giảng đường mới được gọi là học. Có nhiều cách học khác nhau cũng như có nhiều cách nhận bằng tốt nghiệp cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ khác nhau. Chuyện bằng thật, bằng giả; chuyện đi thi hộ; chuyện Giáo sư, Tiến sỹ phát biểu tại các buổi lễ trọng, cao giọng giảng giải trên truyền hình còn “ngọng níu ngọng nô” bây giờ đã là “chuyện ngày thường ở huyện rồi”. Ông Bạt khẳng định: “ Sự xuất hiện của họ là kết quả của một sự tìm kiếm rất cẩn thận của hệ thống tổ chức Đảng”. Ai chẳng biết điều này! Vậy sao ông lại đặt câu hỏi: “ Đúng hay sai chưa biết? Hay hay dở chưa biết? “. Ai, cái gì đúng sai, hay dở ở đây? Chắc không thể nói các vị lãnh đạo bị đặt nhầm ghế ngồi rồi? Bởi vị nào, vị nấy sau khi có chức có quyền đều hớn hở, phổng phao, xum xuê tớ thày, văn minh ra, đỏm dáng hơn! Còn những phương châm, khẩu hiệu họ nêu lên để mọi người phấn đấu; những công việc họ bày vẽ ra, họ điều hành bàn dân thiên hạ thực thi đều giúp mọi người vượt ra khỏi ảo tưởng, nhìn mình nhìn đời rõ hơn; trả lại cho đời phép hạch toán sòng phẳng đến lạnh giá, tàn nhẫn, phi nhân tính. Như từ thuở hồng hoang, mông muội vẫn thế ! Sao có thể coi những việc họ làm đúng sai, hay dở chưa biết? Đơn cử vài ví dụ nhé! Xưa kia trai làng đâu biết thế nào là mát xa với karaoke nay thì trở thành dân “ sành điệu” cả. Gái quê xưa kia đâu dám ao ước cưỡi máy bay làm một chuyến xuất ngoại; nay đi làm Osin tại Đài Loan, Hồng Công, làm bà nhỏ cho những gã đui què mẻ sứt tại Hàn Quốc- thoải mái mà suýt soa, trầm trồ ngợi khen thiên hạ nhé! Vài chục năm trước, bà con lao động cứ đinh ninh tin rằng nào mình là “ người sang tạo ra lịch sử” , nào là “những chủ nhân ông, chủ nhân bà của đất nước”... Bây giờ đã hiểu rõ thân phận con sâu cái kiến của mình! Phải gắng cắm mặt xuống đất, phơi lưng cho trời mong  kiếm lấy đồng tiền mà lận vào hầu bao, phòng khi phải đến cửa quan mới mong tìm được sự bảo vệ; phải tới bệnh viện mới hy vọng cứu được mạng sống. Quan lại, sai nha, lừa đảo, trấn lột nhung nhúc. Phải trở thành những “ Hứa Gậy gộc”, “Một Chòm lông” như tên các nhân vật trong một cuốn truyện Tầu mới mong tồn tại! Có gian nhà, mảnh vườn, thửa ruộng nào phải rào dậu, khóa cửa cho kỹ; phải nhướng mắt, căng tai canh chừng từ xa, chuẩn bị soong chảo, mâm chậu làm thanh la não bạt từ trước, kẻo âm binh “ đô thị hóa “ kéo tới thì chỉ phút chốc hóa thành bị gậy mà bồng bế nhau lên đường thiên lý thôi…