Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BA PHONG CÁCH THƠ và MỘT TÌNH BẠN CẢM ĐỘNG

Nguyễn Vũ Tiềm
Thứ ba ngày 1 tháng 11 năm 2011 10:29 PM

(Nhân đọc 3 chùm thơ của 3 nhà thơ Vân Long, Nguyễn Xuân Thâm, Thanh Tùng trên lethieunhon.com 30-10-2011)
Tôi bước vào làng thơ sau các anh, tuổi đời cũng kém các anh non nửa giáp, nhưng may mắn được tiếp xúc với các anh khá nhiều, đặc biệt Thanh Tùng cùng làm việc với tôi nhiều năm ở tạp chí Tài Hoa Trẻ. Vân Long sinh năm 1934; Thanh Tùng sinh năm 1935; Nguyễn Xuân Thâm sinh năm 1936. Tôi quan sát thấy mỗi anh mỗi vẻ. Vân Long thì hào hoa phong nhã, phong thái rất… viôlông trong dàn nhạc giao hưởng; Nguyễn Xuân Thâm thì mực thước cần cù, dáng dấp ông thày Đại học Bách khoa, rồi thày giáo Châu Phi hồi nào; Thanh Tùng thì bia rượu tràn cung mây, sống không cần biết ngày mai, (anh thôi biên chế Nhà Nước, cầm một cục tiền 2 nghìn đồng, là xong. Giờ chả có chế độ gì, hai bàn tay trắng không nhà cửa, không lương vẫn hồn nhiên, đắm say mơ mộng);
Tôi biết ba anh kết thân với nhau từ thuở hàn vi, họ có những nét chung là quý trọng nhau, sống tự nhiên thoải mái nhưng giọng điệu thơ của mỗi người thì không thể nào lẫn với nhau được và tôi rất lý thú học tập được ở mỗi người mỗi nét khác nhau. Trong cuốn “NGHÌN CÂU THƠ TÀI HOA VIỆT NAM” tôi chọn được của 3 anh nhiều câu thơ đặc sắc mang 3 phong cách khác nhau.
Lại rất thú vị, vừa rồi đọc được 3 chùm thơ của 3 anh chung 1 trang, càng thấy rõ mỗi người mỗi vẻ.
1.
Ba bài thơ của Vân Long mỗi bài mỗi dáng, bài nào cũng cấu tứ chặt chẽ, bài nào cũng có câu hay. Bài Núi Ngũ Hành tạc khắc tinh vi:
 Vệt nắng xuyên tuyệt bút của thiên nhiên
            Đá cắt trời như trẻ con cắt giấy.
Thơ mà “tả thực” một cách tài hoa như thế là hiếm lắm, tác giả phải quan sát kỹ, ghi lại nét đặc biệt của cảnh trí, rồi bằng tư duy hình tượng, anh liên tưởng... Tôi thấy nhiều nhà thơ chỉ thiên về cảm xúc, còn như quan sát kỹ lưỡng, họ cho đó là việc của các tác giả văn xuôi.
Thơ Vân Long thường thanh thoát nhẹ nhàng nhưng trước một đối tượng kiên trung đến sắt đá, thơ anh cũng rất chắc khỏe:
 Sừng sững trước biển Đông
           Mặt người như đá tạc!
                       (Núi Ngũ Hành)
 Bài Vào Tranh có nhiều nét bề bộn Hải Phòng và cái nhìn sâu lắng:
          Phố cong một vành trăng khuyết
          Tháng năm mơ ước chưa đầy
Và:
Lật trang sách tiếng cá quẫy
          Đêm rơi đầy chiếc gạt tàn
Vẫn năng lực quan sát tinh tế và khắc họa tỉ mỉ được đặt vào khung cảnh hiện thực sinh động. Thi trung hữu họa dần hiện ra rõ nét.
Bài Ngõ Tràng An đậm đặc cảm hứng hoài cổ. Hai câu kết rất gợi hoài niệm:
Hoa đại đầu thế kỷ
           rụng vào tôi-bây-giờ...  
Quá khứ và hiện tại hòa nhập vào nhau qua một bông hoa đại thật cảm động. Đọc thơ Vân Long thường phải chậm rãi, nhấm nháp, không thích hợp với ngấu nghiến, “lướt chéo” bài thơ…  
Nhớ lại, năm 1962 tôi đã mua tập Tia nắng, thơ Vân Long, tôi đọc và cảm phục tác giả này lắm. Mãi nhiều năm sau mới được gặp anh, tôi thấy anh luôn tỏ ra không bằng lòng với mình, không chịu yên vị, luôn trăn trở làm mới thơ mình. Anh luôn linh hoạt, biến hóa qua các đề tài, hình thức thơ. Và anh đã có những thành công rất đáng ghi nhận.
2.
Ba bài của Nguyễn Xuân Thâm bài nào cũng chắc nặng. Bài “Người kéo đàn cò dưới cửa Nhà Đồ”, riêng cái đầu đề bài thơ đã rất gồ ghề đến khó đọc. Nhưng có những câu gân guốc rất tạo hình,:
Vẫn mấy ngón  gầy
           Kéo buồn man mác.
Anh nhớ về kỷ niệm xa xưa:
Ngày ấy chưa mười tám
Ngày ấy gió lang thang.
Và rất ấn tượng:
Giữa chiếu còn đôi mắt
Không chớp, trước cửa thành.
Có lẽ xúc cảm thơ anh hay hướng tới những con người lao động lam lũ, những số phận hẩm hiu.
 Bài Xin chút ngậm ngùi, đứng trước mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử, anh cảm xúc:
Thời gian bạc trắng hồn lau
Tóc trần đi dưới mây sâu Đồ Bàn
Viết về thời gian, các nhà thơ đã có nhiều câu hay, nhưng Nguyễn Xuân Thâm vẫn tạo được hình ảnh đẹp: bạc trắng hồn lau chứ không phải hoa lau, với cành hoa hoang dã, anh cũng có cái nhìn lung linh sâu thẳm. Và sao không là mây cao mà lại mây sâu? Cảm xúc nhà thơ lúc đó đặc biệt như thế, ta chỉ nên tìm hiểu chứ không bàn cãi.
Bài Ơi Sông Cầu ghi được nhiều kỷ niệm quê hương rất cảm động.
Vừa đi vừa nhặt những tiếng chim
Trên cổ có một chuỗi hạt trai buồn trời tặng
Nhặt tiếng chim thì cũng khá đặc biệt, nhưng trên cổ chim có chuỗi hạt trai buồn thì rất tâm trạng, nét đẹp và buồn rất thi sĩ.
 Đôi khi Nguyễn Xuân Thâm có những hình ảnh kỳ vĩ:
Đôi bữa kéo mặt trời lên
Với cánh chim bay mách cá.
Hình như Nguyễn Xuân Thâm hơi dị ứng với mỹ từ. Thơ anh chân thực xù xì, thô ráp, chắc khỏe, và thường nhấn gam trầm.
 Năm ngoái ở Đại Hội Nhà Văn, tình cờ cùng bàn ăn với anh mà lúc đầu tôi không nhận ra anh. Qua trận ốm, anh xuống sức nhanh quá, nhưng nói chuyện thơ thì lại hào hứng như thời trai tráng. Mới biết Nàng Thơ có sức hấp dẫn lạ lùng, và Nàng đã vực anh lên qua cơn đau bệnh. Tôi viết những dòng này thay lời thăm hỏi và chúc sức khỏe gửi tới anh.
3.
 Thanh Tùng có nhiều bài thơ hay về rượu, Gặp bạn cũ là một trong số đó. Thơ Thanh Tùng có nhiều câu tài hoa:
Rượu ấy bây giờ không có nữa
Chỉ còn trong đáy của hồn sâu
Ngày xưa ta ủ trong men dại
Bây giờ mới đủ để mà say
Cái hay trong thơ Thanh Tùng thường rất tự nhiên chứ không thấy có dấu vết của gia công nghệ thuật. “Chỉ còn trong đáy của hồn sâu” là một ví dụ, viết câu này rất khó, vậy mà Thanh Tùng viết cứ như không. Hoặc câu cuối:
Mỗi đứa lại vội vàng mấy ngả
Bao giờ trở lại uống nhau đây?
Người non tay thì có thể viết: “Bao giờ trở lại uống cùng nhau”. Nhưng  Thanh Tùng viết “uống nhau”, thì rất… tửu khách và rất thi khách.
         Viết về mùa thu, Thanh Tùng cũng có mấy bài hay. Bài Mùa Thu, anh rất tinh tế:
Tôi van đấy mảnh giậu nghiêng trước cửa
Đừng sắc thế
Cứ xước lên mình của gió.
Nhiều vùng nông thôn thường dùng cây nứa làm hàng rào, đầu trên vạt nhọn. Nhà thơ cảm thấy gió thu trở về, lướt qua đây, da bụng “nàng” sẽ bị xước, đau xót lắm, nhà thơ phải thốt lên “tôi van đấy”, đủ biết anh yêu mùa thu biết chừng nào!
Bài Chiều có những câu trong trẻo, đẹp đến lạ lùng:
Chiều căng ra ở giữa lòng buồm
Chiều vỡ vụn nơi đầu ngọn sóng
Chiều chết đuối nơi mắt người mong ngóng
Chiều nén đầy đáy giếng góc vườn hoang…
          Rõ ràng anh không “tả chân” mà thiên về kỳ ảo. Chiều thuộc khái niệm thời gian, không cầm nắm được mà chỉ cảm nhận, ấy thế mà anh viết “chiều căng ra, vỡ vụn, chết đuối, nén đầy…” toàn những động từ mạnh vốn  chỉ quan hệ với sự vật rất cụ thể, khiến câu thơ sống động, quậy cựa uyển chuyển rất hấp dẫn. Phải có năng lực tưởng tượng, liên tưởng của thi tài, chứ đâu dễ gì viết được thế.
 Thanh Tùng tài hoa một cách bản năng. Đây vừa là ưu điểm, lại vừa là nhược điểm của anh. Thơ anh thường là cấu tứ lỏng, hoặc không cấu tứ. Bài “Chiều” là lát cắt rất mỏng của thời gian mà đứng được qua nhiều giông bão thời cuộc.
 
Nhờ biết khá kỹ nhân thân của từng tác giả, tôi càng thấy gốc gác quê hương và cá tính của mỗi nhà thơ đều lưu dấu ấn khá rõ trong thơ các anh: Vân Long, người đã ba thế hệ định cư đất Thăng Long, xuất thân từ một nghệ sĩ vĩ cầm trong dàn nhạc giao hưởng. Có phải vì thế mà với sự tinh tế, thanh lịch, anh không chịu nhòa lẫn, đánh mất âm hưởng  trong sáng của mình cả khi dàn nhạc lên tới cao trào ầm ào bão tố… Nguyễn Xuân Thâm, người của miền Trung thiên nhiên khắc nghiệt, căn bệnh hiểm làm biến dạng cả gương mặt (như để thử thách anh thêm) không hề làm thay đổi phong cách tạo hình gân guốc, chân mộc, ấn tượng như cách thực hiện tác phẩm của một nhà điêu khắc. Còn Thanh Tùng, người cửa biển quen với những ngọn gió phóng túng (cả cuộc đời anh cũng vậy), khuôn vào một thi pháp, một cấu trúc nào đều làm giảm thi hứng lãng mạn, hiện thực đan xen kỳ ảo của thơ anh…
Tình cờ, 3 gương mặt thơ trên cùng thế hệ, đã nói được một điều: Khi nhà thơ có tài, có tâm, có riêng phong cách, họ vẫn vượt thóat ra khỏi những hạn chế của hòan cảnh chung và riêng để hướng tới chân trời Thơ đích thực… 
Ba nhà thơ tuy ngoài đã ngoài thất thập, nhưng bây giờ tuổi trung bình của toàn dân ta đã cao (73 tuổi), nên các bác không còn là người “xưa nay hiếm” nữa, nhưng với phẩm chất thi nhân đích thực, thì ba bác quả là người “ngày nay hiếm”.  
Thật là:
 Ngước nhìn ba đấng thi nhân
 Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười.
 Sài Gòn 1-11-2011