(Nhân đọc bài “Thơ tặng người về” của nhà thơ Nguyễn Thị Mai)
THƠ TẶNG NGƯỜI VỀ
Phút ngừng ký mọi chức danh
Là khi con chữ chỉ dành cho em
Là khi tình được tô tem
Vinh danh thi tứ anh đem tặng đời
Bàn tay đã với sao trời
Thôi, về chải tóc cho người ta thương
Dắt tay đưa cháu đến trường
Bật ga nấu bữa cơm thường chiều nhau
(trích trong tập Bàn tay ấm giọt sương đông- NXB Hội Nhà văn 2010)
Bài thơ ngắn gọn, cách thể hiện tinh tế, ý tại ngôn ngoại, cảnh và tình đan xen một cách nhuần nhuyễn, cùng không gian và thời gian độc đáo. Bài thơ nhẹ nhàng mà sâu sắc như một thông điệp về tình yêu.
Cái “Phút” ngắn ngủi kia đã tạo ra những thay đổi có tính bước ngoặt trong cuộc đời con người, nếu như trước kia “anh” còn mải mê với sự nghiệp, với “ký mọi chức danh” thì bây giờ là lúc có thể dành trọn thời gian cho gia đình, cho tình yêu, sống thật với chính mình và tình yêu. Đó cũng là khoảng thời gian anh không bị chi phối bởi những toan lo, bận mải ở cương vị của mình, có thời gian chiêm nghiệm về cuộc sống, dành trọn cho tình yêu, gia đình và “thi tứ”và cũng là thời gian để anh lấy lại những gì chưa làm được cho tình yêu; “Là khi tình được tô tem/ Vinh danh thi tứ anh đem tặng đời”. Đấy cũng là khoảng khắc anh nhận ra và tôn thờ tình yêu như một tôn giáo.
Cuộc sống này rồi sẽ còn lại những gì ngoài tình yêu đích thực, mà nhờ có tình yêu, thế giới này không ngừng sinh sôi và tốt đẹp hơn lên. Mọi cái đều có thể đến rồi đi, dẫu đó là công danh, tiền tài, phú quí… chỉ tình yêu là vĩnh hằng, non tơ mãi trong cuộc đời này.
Hình tượng thơ: “Bàn tay đã với sao trời” thật là độc đáo, bàn tay đã từng với tới những ước mơ thỏa chí tài trai, có lúc là những ước mơ cao vời vợi; bây giờ bàn tay ấy lại làm những việc tưởng như nhỏ bé, đời thường, rất thật, chăm sóc cho tình yêu của mình: “Chải tóc cho người ta thương”, rồi: “Dắt tay đưa cháu đến trường/ Bật ga nấu bữa cơm thường chiều nhau”. Câu thơ như lắng lại, tình yêu đâu chỉ cần những ước mơ to lớn. Hạnh phúc nhiều khi nằm ở những việc rất bình dị như vậy đấy, hiểu và chia sẻ cho nhau phải chăng đã thấm thía cái giá của hạnh phúc mà cả đời mình phấn đấu, có lúc phải trả bằng giá đắt, bây giờ mới hiểu sâu sắc và biết trân trọng nâng niu. Ba chi tiết nghệ thuật đó thật là đắt, “anh” trong bài thơ dù đã có lúc ở cương vị rất cao trong xã hội nhưng công danh địa vị cũng chỉ là nhất thời. Lúc này khi đã “hạ cánh” an toàn xuống “đường băng”, anh mới thấm thía, gia đình và hạnh phúc đời thường mới là tài sản vô giá của mỗi con người. Đó là điều khiến cho giới đàn ông phải suy ngẫm và nhìn nhận lại mình: phải chăng trong cuộc đời, nhiều khi mải mê với công danh, sự nghiệp, tiền tài, địa vị, quyền lực và những khát khao mà sao lãng cái cốt lõi của cuộc sống, đó là tình yêu và sự nuôi dưỡng tình yêu trong gia đình. Trong khi tình yêu như một điểm tựa, như một chất xúc tác, chất men cho cuộc sống dâng đầy hoa thơm trái ngọt nhưng tình yêu cũng khác nào chiếc bình pha lê đẹp và rất dễ vỡ.
Cái hay của bài thơ còn ở chỗ ẩn đằng sau sự nghiệp của người đàn ông, ta còn cảm nhận được về một người phụ nữ đã âm thầm hy sinh, chịu đựng, nhiều thiệt thòi vì chồng, vì gia đình và vì sự nghiệp của anh ấy. Bao nhiêu bữa cơm đợi chồng rồi lại phải ăn một mình, bao nhiêu công việc gia đình mà người vợ phải tự đảm đương... Không phải ngẫu nhiên mà giờ đây Anh lại dành cho Em và gia đình những sự chăm chút, bù đắp thiết thực như vậy.
Hóa ra trong sâu thẳm, lòng người vợ còn khát khao biết bao điều giản dị mà giới đàn ông không phải lúc nào cũng hiểu và làm được. “Phút dừng…” là lúc nào? là lúc mái tóc đã pha màu, anh và em đâu còn trẻ trung nữa, ta mới lại cùng nhau thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương, mà có lúc từng giá lạnh và mới thực sự đồng hành trong chặng đường còn lại. Chúng mình cần có nhau biết bao nhiêu! Cái “phút” - khoảng khắc thời gian nhỏ nhoi kia mở ra một không gian gia đình đời thường và khoảng thời gian hữu hạn của đời người mà ta phải biết trân quý .
Thế mới biết thơ Nguyễn Thị Mai đầy nữ tính và sâu sắc đến nhường nào.
9.2011