Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ MỘT THỜI CHÂN ĐẤT

Nhật Tuấn
Thứ bẩy ngày 15 tháng 10 năm 2011 8:10 AM
 (Nhân Vương Trọng mới đá móc Lê Huy Quang tại Hội thảo thơ Sầm Sơn và bài Lê Huy Quang thưa lại với Vương Trọng trên trang LeThieuNhon) 
                     
                                                                                  
            “Bạn ơi giao hợp nơi đâu ?
             Đêm về gác trọ sắc mầu đung đưa…”

Thơ Hoàng Hưng viết tặng Lê Huy Quang, đọc lên cứ như  tiếng thở dài tủi phận của cả một “ thế hệ chân đất “ thập kỷ 70. 
Gần 40 năm rồi, ngày đó,  Lê Huy Quang cứ “ xô-lêch dài…đêm tóc…môi lang thang” , xô-lêch mù thì hay hơn, ngược xuôi phố xá Hà Nội trong túi thổ cẩm kè kè bên vai lúc nào cũng có ít ra vài câu thơ mới .
 Ngày đó thường tụ tập ở nhà tôi để “dài mùa khóc mướn thương vay” có bác Dương Tường làm thơ về mùi nách chị Đoàn Lê, có Hoàng Hưng “chờ gió thu sao chẳng tới”, có Trí Dũng - tức Dũng Bảo Đại, có Lê Xuân Đố tức Đố điên, có Chu Hoạch một thời móc cống….
Và đúng như thơ Trí Dũng :
“Trăm ruộng dâu không chín một nong tầm”
Tụ tập thế thôi, bàn bạc thế thôi, lang thang thế thôi, thơ ca thế thôi nhưng cũng chỉ “samizờđát” - tự xuất bản mồm với nhau, vẫn là “bọn bàng thống “ theo cách  quy chụp của bác Chế Lan Viên, “bọn chân đất” theo phân loại của “cơ quan chức năng.” mà hồ sơ dành cho mỗi thằng chắc phải  dày cả thước.
Kể ra lập hồ sơ cũng phải, có đêm Lê Huy Quang nằm nhà tôi thao thức :
” Ước gì sáng mai ngủ dậy…Hà Nội  đã ”trắng” bạch kỳ”.
Sáng hôm sau, Lê Huy Quang sì ra những câu như là “tuyên ngôn” :  
          “ Cái đói dồn về ga
  Chúng mình thì như thế
…Thân cò run chơi vơi..
Bốn ngàn năm lặn lội
Trắng một chùm dấu hỏi “

hoặc :
“ Thời chúng mình là hai bàn tay trắng
trăng trắng suông và mây trắng bay về..”

Thời đó “chính thống” không ai làm thơ thế. Họ ca ngợi Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, tôn vinh  dũng sĩ diệt Mỹ thảy dao vào ngực ác ôn, reo vui “mùa này ta hát khắp Trường Sơn”. .
Thơ chân đất, thơ “bàng thống” chẳng đi B cũng chẳng vào “tuyến lửa” cứ loanh quanh hết phố xá Hà Nội  :
“ Gió đầu ô gió - Đầu ô em
Gió đầu ô gió - Đầu ô đông
Khi tóc ai về buông giấc…”

hoặc :
“Ngơ ngác người em nơi nào về
                 làm âm vang Ga Hàng Cỏ
                      se se
                        một gió
                             còi tàu…”

Quẩn quanh Hà Nội chán rồi lại “nhảy tàu Phòng “ :
“ Cây Hải Phòng , thay lá muộn vào đông..”

“Tôi uống Hải Phòng ,
             cốc vại cà phê lấm đầy than bụi…’

Ngay cả em gái Hải Phòng cũng không trong tư thế cầm súng mà lại
“Em
       lau mình
                     góc tắm
                                   trắng
                                            lưng ong…”

Nhưng cái làm thơ Lê Huy Quang còn một vài bài vượt qua được “cát bụi thời gian” chính là cái “âm điệu Quang” - một thứ âm điệu tưởng như là của Trần Dần nhưng lại chẳng phải Trần Dần, tưởng  như  Đặng Đình Hưng lại không phải Đặng Đình Hưng … mà đúng là “âm điệu Lê Huy Quang” :
“ Cành tay em im cành tay em
cành tay em im cành tay đêm…”
hay :
“ Mương nước sáng bờ cây chiều
      dẫy dẫy
                 cột đèn
                              chim rũ cánh mưa
em đi làm rửa chân gầu giếng  ấm
ao xóm
                 cồn về
                                gái xóm
giêng rồi
            thấp thoáng
                               áo em giêng

Trúc Thông khen Lê Huy Quang không phải là hoạ sĩ không viết được thế nhưng thực ra bài thơ đặc sắc lại là ở “âm điệu Quang” – thiên về nhạc.
“Mưa dài hai vòng tay
Mưa dài hai vòng quay
Mưa dài mua mùa  bay
Mưa dài mua mùa may
Mưa dài loa qua ngày..”

         
Tôi phải thú tội với Lê Huy Quang đã nhiều lần “thuổng “thơ của anh:
                              “ Ám ảnh anh từ ảnh em”
để tán mấy em 7x,8x mà chưa lần nào trả nhuận bút cho tác giả. Thời đó, thơ “tán gái” của Quang cũng đã chui vào sổ tay của khối em nữ sinh viên Tổng hợp văn.
         “ Anh lang thang em
            Anh xanh xao em
            Anh mini em
              Đêm về
                             Anh
                                        tiết canh
                    Em…”

       hoặc :
             “ Em trinh bạch
                Hình hài em “Tĩnh Vật”
                Anh
                bốn mùa quăng quật những Rong Chơi…”

Thơ Lê Huy Quang thuộc “bọn bàng thống”, “bọn chân đất”. Mà không chỉ có Quang, còn  Phan Đan, Chu Hoạch, Trí Dũng, Lê Xuân Đố, Thọ Vân, Nguyễn Lâm (tức Lâm Râu)…còn nhiều lắm. Các nhà phê bình nên tìm vào kho “lưu trữ” quốc gia mà “khai quật ”. Chắc còn nhiều thứ khiến ta phải giật mình..

 Nguồn:       
http://nhattuan2011.blogspot.com/
 
 
 
XIN CÓ ĐÔI LỜI THƯA LẠI VƯƠNG TRỌNG !     
    LÊ HUY QUANG
    
1-
Tôi xin đính chính ngay, và sửa sai giúp bác VT: hai câu thơ này, bác VT trích dẫn trong bài thơ “CHÂN DUNG” của tôi, đã viết ra từ năm 1969- hồi tôi ngoài hai mươi tuổi- nghĩa là cách đây đã 42 năm, cách thời kỳ đổi mới (1988) khoảng 23 năm rồi! Chứ không phải tôi vừa viết trong thời kỳ đổi mới, như thông tin quá sai lạc của bác VT! ( Xin mở ngoặc nhỏ: năm 1989, bài thơ này đã được Tạp chí Cửa Việt - Quảng Trị và Tuần báo Người Hà Nội in. Năm 2009, tôi đã in trong tập thơ “Phải Khác”).
2-
Nhưng điều quan trọng nhất- mà bác VT đã bịa ra- là tôi chưa bao giờ đi giải thích thơ của mình ( và nhất là hai câu thơ này cho bất kỳ ai, bất kỳ ở đâu- một cách ấu trĩ, thô thiển, dốt nát như thế. Nhất là, cả đời tôi chưa bao giờ được ngồi trò chuyện về thơ với bác VT). Đến đây, tôi mới tự thấy buồn cười cho mình: hai câu thơ viết vu vơ ngày xưa ấy, ngày còn trai trẻ ấy, gần nửa thế kỷ rồi, mà vẫn còn có người đưa ra để bình phẩm  đến “thật khủng khiếp”! Vì thế, bây giờ, tôi xin chính thức giải thích với bác VT là: hai câu thơ đó, cho đến nay, tôi cũng không hiểu là mình định nói gì cả- nó cứ vu vơ, nó cứ giả định, nó cứ mang mang, nó cứ giả tưởng, nó là không có thật, nó là một chợt đến bất ngờ- nhưng nó là một ấn tượng của riêng cách viết của riêng tôi, cho tôi. Còn bác VT và những ai đó hiểu thế nào, là tùy tạng, tùy tâm, tùy nhận thức của mỗi người, tôi không có ý kiến gì và đều hết sức tôn trọng!
3-
Cuối cùng, để tránh tình trạng “ thầy bói xem voi” - nghĩa là chặt cái vòi, cái tai, cái ngà, bốn cái chân, cái đuôi…mỗi nơi một thứ nên không còn là voi nữa; một câu thơ mà bị chặt rời ra khỏi toàn bài; nó sẽ trở nên vô nghĩa- thậm chí là đại tối nghĩa, có thể làm cho bạn đọc có những phản cảm nhất định. Vì thế, nhân bài viết của bác VT, và qua nhà thơ Lê Thiếu Nhơn; tôi xin được mạn phép gửi tới bác VT ( vì chắc chắn là bác chưa đọc văn bản chính thức bài thơ này), và các bạn đọc thân thiết của lethieunhon.com - nguyên văn bài thơ ” Chân dung”- để các bạn đọc tham khảo thêm, cũng là để hiểu đúng hoàn cảnh hai câu thơ mà bác VT đã trích dẫn để phê phán. Xin thành thật cáo lỗi, vì đã làm mất tí xíu thì giờ của mọi người, giữa thời buổi “hiện đại” này!
                    

                     CHÂN DUNG
                                                        
1.
Mọi thứ tưởng tượng đều hết linh thiêng
Em là mẩu tin hàng ngày
                    quán nước chè năm xu đầu phố.
Anh nhặt và anh nghe
từ tay này anh chuyển em sang tay kia
Anh nói
- Em là con toán bất động sản
Anh giải tìm trong lãng quên!

Em là phin cà phê pha đêm,
Em nhỏ giọt vào mắt anh nóng bỏng
Em nhỏ giọt vào tay anh sóng sánh

Ta nhỏ giọt
                  giọt giọt
                                vào nhau
 
2.
Em ơi đêm nay hãy tẩm quất cho anh
mỗi
      đốt
            xương
                         anh 
                                em rút lên trần nhà
                                                               cao vót
Em ngồi ngang lưng anh em ve vuốt
cho vơi nỗi nhọc nhằn
 
rồi cuối cùng một phút thảnh thơi hơn
Em yêu anh gánh thêm đòn tội nợ

Anh làm con nợ thời gian…………….
 
3.
Bệnh già đến với anh sớm lắm em ơi
kết quả bốn mùa rong chơi  phố
Anh không đội mũ
phơi tóc khét màu mưa đông nắng hè
Anh không quyền yêu em, em còn sạch quá

Hai mươi năm sau
                             Em làm đàn bà góa
Anh sẽ đến tìm em
Anh sẽ đến vào đêm sập cửa
phần con ta nuôi chung không cần đổi họ
Ta ôm ấp mối tình tang

Anh lang thang em
Anh xanh xao em
Anh mi ni em

Đêm về
            Anh
                     tiết canh
Em………………………………………………………………………………………
1969