Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CỜ TƯ LỆNH – HUY ĐỘNG SỨC MẠNH TOÀN DÂN BẢO VỆ ĐẤT NƯỚC

Trần Vân Hạc
Thứ năm ngày 29 tháng 9 năm 2011 10:15 PM

Nếu như  cờ Tướng, cờ Vua huy động sức mạnh của người và phương tiện chiến tranh để bảo vệ “ngai vàng”, thì “Cờ Tư lệnh” do đại tá – nhà văn Quí Hải phát minh và được cấp bằng sáng chế lại huy động sức mạnh toàn dân, dưới sự lãnh đạo của “tư lệnh” để bảo vệ đất nước. Đây là sản phẩm trí tuệ của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và biết cách bảo vệ hòa bình, góp phần tạo nên bản lĩnh chỉ huy cho lớp trẻ.
Do sự mới lạ không gò bó bởi luật chơi khắt khe, lại tạo điều kiện cho người chơi ở mọi độ tuổi phát huy được trí tuệ của mình trong các thế trận và trực tiếp sáng tạo nên các thế cờ mới, nên ngay từ khi mới xuất hiện đã thu hút sự chú ý của người chơi và dư luận trong và ngoài nước. Nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, bài.
Gần đây nhất ông Lê Minh Ngọc, nguyên sĩ quan quân đội, chuyên viên cao cấp - Bộ LĐ-TB & XH đến thăm Trung tâm văn hóa Tràng An, nơi độc quyền tổ chức phát hành bộ cờ “Tư lệnh”, được ông Bùi Phúc Hải, giám đốc Trung tâm văn hoá Tràng An tặng bộ quân cờ và cuốn luật chơi cờ, đã dạy cháu nội là là Lê Vĩ Long mới 6 tuổi. Thật bất ngờ là đứa cháu còn chưa biết chữ lại vô cùng thích thú và nhanh chóng nắm được luật chơi và chơi cùng ông nội rất say mê. Chính vì vậy chiều 28/9 hai ông cháu vinh dự được mời dự buổi trao tặng bộ cờ cùng sách dạy luật chơi cho Viện Bảo tàng Quân đội, đồng thời với lễ tiếp nhận một lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam, do một cựu binh Mỹ có tên là Patrick McMakin từng tham chiến ở Việt Nam từ 1969-1970 gửi tặng, thông qua Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Lê Minh Ngọc về  cuộc chơi cờ lý thú của hai ông cháu.
 
ÔNG CHÁU TÔI CHƠI “CỜ TƯ LỆNH”
Lê Minh Ngọc
Đến thăm Trung tâm Văn hoá Tràng An, tình cờ tôi thấy cuốn sách “Luật chơi Cờ Tư lệnh” (NXB Đà Nẵng, quý III/2011) có kèm theo bộ quân cờ đặt trên bàn. Khi ông Bùi Phúc Hải, Giám đốc Trung tâm, đang pha trà tiếp khách, tôi tiện tay cầm cuốn sách và bộ cờ xem qua. Thấy cuốn sách in đẹp, đọc luật chơi cờ cũng dễ hiểu và nhất là rất hấp dẫn; còn bộ quân cờ thì đằm nặng, chắc chắn, lại có những hình in nổi rất đẹp các kí hiệu các quân binh chủng, tôi liền hỏi ông Hải:
- Ông kiếm ở đâu ra loại cờ mới và hay thế này? Ông cho tôi mượn nghiên cứu xem thế nào nhé!
- Ô, đây là loại cờ mới do đại tá – nhà văn Nguyễn Quí Hải vừa sáng chế ra, có tên là Cờ Tư lệnh. Cuốn “Luật chơi Cờ Tư lệnh” do chính Trung tâm Văn hoá Tràng An tổ chức xuất bản, vừa nhận sách ở nhà in về. Còn bộ quân cờ lại do chính nhà văn Quí Hải đặt sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh, đây mới là bộ mẫu. Nếu bác thích, em xin biếu sách bác, còn bộ quân cờ để em hỏi qua bác Quí Hải một câu.
Thế là ông Hải gọi di động ngay cho nhà văn Quí Hải. Nhà văn thấy tôi đang háo hức nên ông vui vẻ tặng tôi luôn bộ quân cờ mẫu ấy. Tôi mừng như bắt được vàng và không nhớ rõ hôm nay ra ngõ có “gặp trai” không mà hên (may) đến thế?
Nhận sách tặng, đọc kỹ lời giới thiệu, tôi thích quá. Đọc tiếp 2 trang  nội dung Luật chơi, tôi thấy càng cuốn hút. Tôi nói với ông Hải:
- Ồ, hoá ra cờ này chơi dễ quá! Hấp dẫn lắm, sinh động lắm (tất nhiên, với lối chơi nâng cao và cờ thế thì phải có mưu lược mới giành được chiến thắng). Nó rất mở và phóng khoáng, không gò bó tí nào. Nó kích thích trí tưởng tượng, năng động và sáng tạo. Chắc chắn  cháu Dế nhà tôi (cháu nội tôi, tên thật là Lê Vĩ Long 6 tuổi, ông Hải thường khen cháu rất hiếu động) thích lắm đấy! Tôi sẽ mang sách và bộ quân cờ này về dạy cháu Dế chơi ngay!
Chiều hôm đó, lòng tôi khấp khởi chờ mong cháu Dế ở Trường Mẫu giáo về. Quả nhiên, vừa về đến nhà, được ông cho xem bộ cờ, cháu thích quá, liền vồ lấy từng quân và  liên tục hỏi: “Là gì? Là gì?... Hở ông?”. Tôi giới thiệu cho cháu biết kí hiệu từng quân, không ngờ, những khái niệm lạ thế mà cháu nhớ ngay được! Tôi thầm nghĩ rằng, có lẽ cháu cũng có “máu lính” như ông nội, nên mới nhanh nhớ kí hiệu các quân, binh chủng  như vậy?
Tối hôm đó, tôi tạm lấy phấn không bụi vẽ bàn cờ lên chiếc bàn gỗ và hai ông cháu chơi thử. Cháu mắt sáng lên thích thú khi tôi để cho cháu ăn một vài quân, lại làm ra vẻ xót xa tiếc mấy quân đã bị cháu bắt. Vừa đánh cờ cháu vừa luôn miệng hỏi:
- Sao ông Hải lại tặng cho ông bộ cờ này thế? Sao ông Hải lại phát minh ra được? Sao ông Hải  tài thế? Ông Hải thật là đại tài! Ông Hải thật là thiên tài! (Cháu vẫn thường dùng từ ngữ, cách nói như vậy với tôi trong những khi tôi sửa các đồ chơi cho cháu).
Đêm hôm đó, lúc đi ngủ cháu mang theo bộ quân cờ để bên cạnh mình. Sáng sớm vừa dậy, cháu đã gọi và bảo tôi:
- Hôm nay ông vẽ cho Dế bàn cờ nhé!
- Ừ, ông sẽ vẽ. Nhưng sáng hôm nay ông phải đi ăn giỗ, khi về ông về mới vẽ được.
- Thế ông vẽ trước khi đón Dế hay sau đón Dế về?
- Ông sẽ vẽ xong trước khi đón Dế về, nghĩa là khi Dế về đã có bàn cờ rồi, được chưa?
- Thật nhé! Ông nhớ nhé!
Thế rồi tôi đã lấy một góc bảng Foócmêca, vẽ bằng bút kính, thật xinh, thật đẹp.
Từ hôm đó trở đi, cứ sau khi được đón từ trường Mẫu giáo về, được tắm rửa xong,  tập tô xong các con chữ (Chương trình của Mẫu giáo cho các cháu làm quen với con chữ, mặt chữ), rồi hai ông cháu lại bắt đầu chơi cờ!
Tôi vừa chơi vừa hướng dẫn cho cháu từng bước và dần dần nâng cao, biết tính toán lợi hại, được mất ra sao, đường tiến, đường lui thế nào? Cháu rất chăm chú, ra chiều suy nghĩ lắm cho mỗi nước đi.
- Đi lên đây để làm gì? Ăn quân nào? Tôi giải thích cho cháu cặn kẽ. Chẳng mấy lúc, cháu đã nắm được cơ bản chiến thuật điều quân, tiến công phòng thủ.
Thấy hai ông cháu chơi cờ vừa say sưa, vừa sôi nổi, thu hút sự chú ý của cả nhà. Bà nội cháu cũng ngạc nhiên, hỏi: “Dế mà cũng biết đi đúng nước cơ à?”. Tôi trả lời: “Rất đúng là đằng khác. Chơi dễ thôi mà. Chỉ nghe giới thiệu một lần mà nó đã nhớ”. Mẹ cháu thì bảo: “Dế chơi như ông Tư lệnh chỉ huy ấy. Oách thật!”. Cháu hãnh diện: “Con sẽ tiêu diệt hết máy bay, xe tăng của ông!”.
Có lần tôi mang tàu chiến diệt một quân trong đất liền và thế vào chỗ quân vừa bị tiêu diệt, cháu liền nói: “Ơ, tàu chiến làm sao vào đất liền được?”. Tôi vội vàng nói: “Xin lỗi! Xin lỗi!” rồi rút ngay tàu chiến (Hải quân) về biển… Càng chơi, càng thấy hào hứng.
Một cháu mẫu giáo như cháu tôi, mới bước sang tuổi thứ 6, chưa biết chữ mà cũng chơi được Cờ Tư lệnh, lại say sưa hơn cả trò chơi điện tử thì tôi thấy thật lạ lùng! Tôi boăn khoăn tự hỏi: “Vì sao Cờ Tư lệnh lại hấp dẫn được cả với trẻ thơ như vậy?”.
Có lẽ vì:
Thứ nhất: Bộ quân Cờ Tư lệnh này, các quân đều có các kí hiệu rất bắt mắt, gần gũi, dễ hiểu như các quân, binh chủng trong quân đội mà cháu đã từng nghe thấy, nhìn thấy hàng ngày qua các phương tiện thông tin. Màu sắc lại tươi tắn, rõ ràng. Nhìn quân cờ dễ phân biệt, không nhầm lẫn.
Thứ hai: Lối chơi thoáng và mở. Không gian hoạt động rộng lớn, có đất, có biển, có sông. Khi “đánh nhau” thì cả các thứ quân dưới đất, trên trời, trên sông, trên biển đều rầm rầm chuyển động… Rồi hoả lực phối hợp đủ các quân binh chủng hợp thành. Người chơi có thể tự phát huy thế mạnh nào ở không quân, pháo binh, xe tăng, hải quân… mà mình thích. Việc điều quân cũng rất linh hoạt.
Thứ Ba: Khi chiến đấu, trí tưởng tượng tha hồ bay bổng. Người chơi cờ bỗng thấy mình trở thành vị Tổng tư lệnh, nên rất thích thú khi mình được toàn quyền điều khiển các quân binh chủng với các trang thiết bị và hoả lực vô cùng hiện đại… nếu liên tưởng (qua phim ảnh, triển lãm…) thì còn như nghe thấy cả âm thanh của bom rơi, đạn nổ, pháo bắn ùng oàng, xe tăng gầm rú, tàu chiến phóng ngư lôi… cực kì thú vị. Người lớn cũng sướng! Cứ gì tuổi teen?!
Thứ Tư: Tuy đây là chơi cờ giải trí, nhưng khi “lâm trận” người thấy mình có khác gì vị Tổng chỉ huy, tha hồ tỏ rõ tài thao lược của mình?
Tôi nghĩ: Từ sự yêu thích một trò chơi như thế này, có thể dẫn người chơi đến sự yêu thích nghề chỉ huy lúc nào không biết. Nước ta có lịch sử đánh giặc giữ nước đã từ ngàn đời nay, cho nên tuổi trẻ mơ ước mình thành vị Tổng tư lệnh là điều cần thiết, đáng khích lệ. Người chơi cờ, cũng như vị chỉ huy sau này, cần phải luyện rèn, tập dượt nhiều mới trở nên kiên cường, dũng cảm, tài ba, mưu trí, quyết đoán… để chiến thắng đối phương, quân thù.
Cờ Tư lệnh do đại tá - nhà văn Nguyễn Quí Hải vừa sáng chế là một môn thể thao giải trí rất hấp dẫn, có khả năng kích thích sự phát triển trí thông minh, tính linh hoạt, tài mưu lược; rèn luyện bản lĩnh kiên cường, quyết đoán và ý chí quyết thắng cho người chơi… Những tư chất quý báu ấy không chỉ cần trong chiến tranh mà trong cuộc sống bình thường cũng cần có để giúp cho mọi hoạt động mang lại hiệu quả cao hơn.
Ông cháu tôi hăng say chơi Cờ Tư lệnh cũng là vì lẽ đó.
Xin chân thành cảm ơn đại tá - nhà văn Nguyễn Quí Hải và TTVH Tràng An.
Hà Nội,22/9/2011
L M N (Nguyên sĩ quan quân đội, Chuyên viên cao cấp - Bộ LĐ-TB & XH)