Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TỈNH TUYÊN QUANG NGÀY NAY, CÓ TỪ BAO GIỜ?

Vũ Xuân Tửu
Thứ năm ngày 29 tháng 9 năm 2011 12:53 PM
 
1.Chọn ngày nào?
 1.1. Thời Nguyễn, năm 1831, Vua Minh Mệnh chia tỉnh; trong đó, có Tuyên Quang. Về địa giới, tỉnh Tuyên Quang lúc đó, bao gồm cả tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hà Giang, một phần của tỉnh Yên Bái (huyện Yên Bình) và một phần của tỉnh Cao Bằng (huyện Bảo Lạc), ngày nay.
1.2. Toàn quyền Đông Dương (Paul Doumer), tại nghị định ra ngày 11/4/1900 (Sài Gòn), lập tỉnh Tuyên Quang: “Những phần đất tách khỏi Đạo quan binh 3, lập thành tỉnh Tuyên Quang”. (Tiếp ký, có Giám đốc Sở Dân chính Đông Dương và Quyền Thống sứ Bắc kỳ). Địa giới, gồm: phủ Yên Bình, lấy huyện Sơn Dương của tỉnh Sơn Tây nhập vào tỉnh Tuyên Quang. Sau đó, tách huyện Hàm Yên thành huyện Yên Sơn và châu Hàm Yên, cắt phủ Tương An (Yên Ninh cũ) và ba huyện: Bảo Lạc (cũ), Vị Xuyên, Vĩnh Tuy vào tỉnh Hà Giang, cắt châu Lục Yên sáp nhập vào tỉnh Yên Bái.
1.3. Địa danh tỉnh Tuyên Quang ngày nay, là một đơn vị hành chính, trực thuộc trung ương. Tỉnh bao gồm sáu huyện: Nà Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương và một thành phố: Tuyên Quang. Địa giới này, không có thay đổi gì nhiều, so với khi lập tỉnh Tuyên Quang, năm 1900. Tỉnh có một số huyện lập mới, như: Nà Hang tách ra từ huyện Chiêm Hóa; gần đây, lại tách một số xã của huyện Nà Hang và Chiêm Hóa, lập thêm huyện Lâm Bình.
2. Tại sao vậy?
2.1. Hơn chục năm về trước, chúng tôi có ý định đề nghị tổ chức kỷ niệm 100 ngày lập tỉnh Tuyên Quang (1900 – 2000), nhưng xét thấy tình thế không thuận, nên thôi.
Hiện nay, có một số ý kiến đề nghị, nên ấn định ngày vua Minh Mạng cho lập tỉnh Tuyên Quang, vào năm 1831. Nếu việc này thực hiện khi Tuyên Quang – Hà Giang còn sáp nhật thành tỉnh Hà Tuyên (1976 – 1991), thì hợp lý, nhưng nay đã tách thành hai tỉnh khác nhau, như thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX rồi. Vả lại, huyện Bảo Lạc đã về Cao Bằng, huyện Yên Bình đã sang Yên Bái rồi, thì địa giới Tuyên Quang ngày nay, chỉ còn phân nửa của Tuyên Quang, cách đây 180 năm về trước. Hơn nữa, Hà Giang, mới đây đã tổ chức 100 ngày lập tỉnh, cũng theo quyết định cũ của Toàn quyền Đông Dương.
2.2. Có ý kiến lấn bấn, không muốn lấy cái ngày thực dân chia địa giới cho ta, mà phải tìm bằng được ngày vua chúa nước ta ra chỉ dụ mới thiêng. Thực tế cho thấy, địa giới hành chính phân chia thời Pháp thuộc có nhiều điểm còn phù hợp đến bây giờ. Có thời kỳ, nước ta nhập hàng loạt các tỉnh vào với nhau, nhưng rồi lại phải tách ra như cũ, gây tốn kém nhiều mặt. Thiết nghĩ, việc này cũng nên đổi mới tư duy, không quá câu nệ hồn vía quá khứ, mà trở thành khiên cưỡng. Nhiều địa phương khác trong cả nước, cũng lấy thời điểm chia tỉnh từ thời Pháp thuộc, làm lễ kỷ niệm trăm năm có lẻ, như: Thái Bình, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang...
2.3. Hài hòa giữa địa danh và địa giới, nên lấy theo quyết định lập tỉnh Tuyên Quang, vào ngày 11/4/1900, là hợp lý. Vả lại, không thể có thứ bản đồ ảo, nhìn địa giới Tuyên Quang hiện nay, lại có bóng trùm lên cả tỉnh Hà Giang và mấy huyện của tỉnh lân cận.
 Việc lựa chọn này rất hệ trọng, nên phải coi trọng căn cứ khoa học, lịch sử, địa lý và thực tiễn. Lấy ngày lập tỉnh Tuyên Quang vào năm 1900, thì đến năm 2015, có thể tổ chức lễ kỷ niệm 115 năm sẽ thuận lợi hơn. Khi đó, quảng trường thành phố đã hoàn thành, các cơ quan của thành phố Tuyên Quang và các huyện Yên Sơn, Lâm Bình chuyển địa điểm mới đã xây dựng ổn định, đường xá cũng được tôn tạo, lúc đó, tỉnh có thể rảnh tay tổ chức ngày lễ, ắt thành công tốt đẹp.
Tuyên Quang, 29/9/2011
V.X.T