Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIẢI THƯỞNG CỦA CÔNG CHÚNG

Bạn dọc và Nguyên Phương
Thứ sáu ngày 30 tháng 9 năm 2011 7:04 AM
                                                   
 Đang là vấn đề thời sự: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Gỉai thưởng Nhà nước và những chuyện bàn cãi, kiện cáo lùm xùm quanh quy chế Giải thưởng chưa hợp lý, ai xứng đáng ai không xứng đáng? thì bỗng…một sớm mùa thu rất đẹp ở một khu vườn rất đẹp của Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, trước cơn bão lớn số 5, bỗng xuất hiện một Giải thưởng văn chương lạ mang tên một trang mạng quen thuộc đã có gần 7 triệu lượt độc giả truy cập.
Nội dung Giải thưởng được bảo mật đến nỗi chỉ trước khi nghe chủ trang nhà thơ Trần Nhương thông báo nội dung, nhiều người đến dự nhìn dòng chữ trên pa-nô vẫn ngỡ nhân dịp mừng con số 7 triệu bạn đọc, Trần Nhương có nhã ý tặng quà (gọi là giải thưởng cho oai) cho những cộng tác viên có bài hay xuất hiện trên tranhuong.com mấy năm qua.
Thế nhưng…tầm nghĩ của chủ trang đã vượt lên một đẳng cấp hoành tráng hơn nhiều: Ông một mình quyết định, không cần ban bệ gì, không cần tham vấn ai, chứng tỏ sự tự tin của ông khi đằng sau ông là 7 triệu lượt bạn đọc vả trước mặt là hai tác phẩm được đưa ra tặng giải, mà tôi cam đoan có nhiều người chưa kịp đọc hoặc chưa có sách đọc, chỉ nghe qua công luận đã thấy được giá trị và đặc điểm nội dung của chúng: Một tác phẩm phản ánh được trung thực và đầy hào khí của một triều đại đã 3 lần đại thắng quân Nguyên, một, phản ánh không kém chân thực cuộc hành tiến gian truân của xã hội Việt Nam thông qua một gia tộc 3 thế hệ để đạt được những thành tựu lớn trong thế kỷ 20: đánh bại 2 đế quốc lớn, dành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Cuốn sách không bị thu hồi nhưng hạn chế tái bản cho thấy tác giả của nó đã dũng cảm chấp nhận mọi trắc trở khi viết cũng như khi xuất bản. để thể hiện được điều ông muốn nói…
 Giải thưởng văn chương của một trang mạng tư nhân chưa phải là một sự kiện, nó chỉ trở thành sự kiện khi tác phẩm được giải xứng tầm một giải thưởng quốc gia mà chúng chưa được một tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội nào công nhận. Trong những ý kiến phát biểu, nhà thơ Vân Long có nói: đây là sự kiện văn hóa thứ hai về sự suy tôn của Công chúng sau sự kiện: Cuộc Mít tinh  kỷ niệm 60 năm bài thơ Tây Tiến của các cựu chiến binh trung đòan Tây Tiến và thế hệ con, cháu họ tại Hội trường Trường Đại học Y tế công cộng, Hà Nội, mùa xuân năm 2008. Bài báo tường thuật cuộc mít tinh đó do bạn Nguyên Phương viết đã đưa lên trang trannhuong.com từ năm 2008 và in trên Tạp chí Thơ tháng 3-2008. Do nhiều bạn đọc còn chưa rõ, tôi đề nghị trannhuong.com giới thiệu lại về sự kiện văn hóa này.  (ý kiến một bạn đọc)   
 
Kỷ niệm 60 năm Bài thơ Tây Tiến
(1948-2008)

Nguyên Phương

 Tên bài báo cũng là tên cuộc họp mặt đầu xuân của các cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến, diễn ra tại hội trường Trường Đại học Y tế công cộng (đường Giảng Võ Hà nội) vào sáng ngày 18 tháng giêng Mậu Tý (24/2/2008).
Cuộc họp mặt này đã cộng hưởng, nối dài…Đây là một sự kiện văn hoá chưa từng có ở Việt Nam và có lẽ ở nhiều nước khác: Mít tinh kỷ niệm tuổi 60 của một bài thơ.
 Với những vị cựu chiến binh của cái trung đoàn được coi như hình  ảnh thu nhỏ nhưng vô cùng sinh động của các lực lượng vũ trang Chiến khu II Hà nội, hầu hết xuất thân là thường dân: những công nhân, trí thức, dân nghèo thành thị, binh sĩ chế độ cũ giác ngộ, những nhà sư đứng chung đội ngũ với những …cô đầu Khâm Thiên.  Khi quân đội Pháp mưu đồ tái chiếm Hà nội, họ đã nổ súng chống lại (19-12-1946) tạo nên huyền thoại 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô, trước khi rút ra ngoài để bảo vệ lực lượng. Chấn chỉnh lại đội ngũ vừa xong, họ lại được lệnh hành quân về phía Tây phối hợp với các bạn Lào giải phóng Sầm Nưa, trở thành các chiến sĩ quốc tế đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam…
 Trên đường trường chinh kết hợp tuyên truyền Cách mạng, một số    người trở thành văn nghệ sĩ như các họa sĩ Văn Đa, Quang Thọ, nhà thơ Quang Dũng, nhạc sĩ Doãn Quang Khải…
Bài thơ Tây Tiến đã trở thành biểu tượng của Trung đoàn, đúng như lời nói đầu cuộc họp của GS TS Lê Hùng Lâm, trưởng ban Liên lạc Truyền thống Cựu chiến binh của Trung đoàn: “ Chúng tôi là những người may mắn sống đến hôm nay, chúng tôi đã tạo thi hứng cho bài thơ Tây Tiến…”       
 Quang cảnh gây xúc động cả hội trường khi hình ảnh nhà thơ Quang Dũng được phóng to trên màn hình, phía dưới là cô Phương Thảo, con gái út nhà thơ đọc bài thơ Tây Tiến trong nước mắt. Hẳn trong lòng bao người lính già Tây Tiến ngồi đây biết bao kỷ niệm đang trỗi dậy, những:                        Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
                                   Heo hút cồn mây súng ngửi trời
những hẹn ước, chia phôi, giấc mơ về những dáng Kiều thơm Hà nội đều sống dậy với tuổi trẻ của họ, nhưng cũng sống dậy cả những kỷ niệm hào hùng bi tráng:             Áo bào thay chiếu anh về đất
                                   Sông Mã gầm lên khúc độc hành
mà đồng đội Quang Dũng của họ đã làm chúng trở thành bất tử!
 Nhà thơ Vân Long được mời phát biểu với lời giới thiệu “người đã viết nhiều về nhà thơ Quang Dũng”. Ông nói:
-- Xưa nay, người ta thường kỷ niệm năm sinh, năm mất của một nhà thơ. Nhưng tổ chức mít tinh ngồi kín một hội trường như thế này để kỷ niệm tuổi 60 của một bài thơ thì tôi chưa từng thấy. Có thể gọi là một sự kiện văn hoá chăng? Thưa đồng chí thiếu tướng Trần Văn Phác, nguyên bộ trưởng Bộ Văn hoá cũng là một chiến binh của Tây Tiến đang có mặt hôm nay ? Về bài thơ Tây Tiến, theo thiển ý của tôi, thơ Việt đầu kháng chiến chống Pháp  có mấy cái mốc lớn trên đường, mà Tây Tiến của Quang Dũng là một dấu ấn không thể phai mờ. Cách cảm, cách nghĩ, cách viết của bài thơ (trước đó và sau này) không một bài thơ nào có thể viết được như vậy. Cũng không khó hiểu, bởi bài thơ này đã được khí phách của cả một thời đại ùa vào, chắp cánh cho nó. Giữa không khí được suy tôn cộng thêm tình cảm bạn bè này, tôi không dám nói vo, vì dễ bốc đồng, vì ta yêu Quang Dũng quá, mà tài thơ và bài thơ này không cần sự đánh giá quá giá trị của nó đã đủ chói sáng. Đối lại sự chân thật của con người Quang Dũng khi làm bài thơ này, chúng ta chỉ cần chân thật đánh giá, nên tôi xin trích đọc mấy dòng tôi đã in trong một cuốn sách, khi đã suy nghĩ cẩn trọng:
“ Bài thơ Tây Tiến hội tụ được cả cái bi cái tráng của thời đại, cái buồn lãng mạn của người tiểu tư sản, tiểu trí thức khi gặp Cách mạng, biết mình được đón nhận một chân lý lớn, nhưng cũng đồng thời đón nhận một gian nan lớn… Nếu cuộc chiến xẩy ra giữa đôi bên ngang sức, hẳn không có trạng huống tình cảm này! Chọi lại với đại bác, xe tăng chỉ có mấy khẩu súng trường này thôi, nhưng việc cần làm thì cứ làm và dám làm. Phố phường thân yêu với những “dáng Kiều thơm” bỏ lại sau lưng, bao giờ ta gặp lại? Tương lai chưa hé ra chút gì sáng sủa, vì vậy mà nuối nhớ, mà buồn…Mọi trắc trở đã qua đi, bây giờ ta càng thấy chính bài thơ Tây Tiến chinh phục được lòng người nhờ chút buồn, chút lãng mạn đó, bởi đó là những gì chân thật nhất của con người tác giả, chưa biết đến sự “né tránh”, “dè chừng”, xuất hiện ở những giai đoạn sau này. Muốn hay không, con ngườiQuang Dũng cũng như những chàng trai có chút học vấn khác, đều ảnh hưởng Tự Lực văn đoàn và văn học lãng mạn Pháp. Từ cái vốn văn hoá ấy mà tiếp nhận những yếu tố tích cực của Cách mạng. Cũng là thơ yêu nước, nhưng thời điểm lịch sử Quang Dũng sống không bị ghìm nén, ức chế như thời Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, mà được toát ra bằng hành động. Được công khai đối mặt với kẻ thù đã là một hứng thú lớn, cho nên những gian lao khắc nghiệt của hoàn cảnh vẫn mang đậm chất thơ, sự hy sinh cao quý! Có thể nói: Có một sự giao lưu hòa nhập lẫn nhau giữa những yếu tố hiện thực khắc nghiệt với tâm hồn lãng mạn Quang Dũng. Yếu tố hiện thực ấy tràn vào tâm hồn lãng mạn của nhà thơ làm biến đổi chất lãng mạn đó. Đồng thời tâm hồn lãng mạn ấy lại phả lên hiện thực một màn sương khói lung linh, làm cho sự gian lao nhoè đi, có lúc thăng hoa thành những hình tượng kỳ vĩ, độc đáo. Hình ảnh người lính “không mọc tóc”, đoàn quân bị sốt rét xanh màu lá vẫn “dữ oai hùm”, vẻ đẹp gân guốc, trần trụi đó, thơ Việt  trước đó chưa từng có!           
 Gia đình lớn Tây Tiến mỗi năm lại hao tổn thêm những nhân vật chính, nhưng vì vậy, lại xuất hiện thêm những nhân vật đặc biệt:
-- Nữ trung tá quân y Minh Việt đã đem tới hai ca khúc đã hát, đã ghi đĩa của đại đội trưởng Như Trang, người từng chỉ huy những trận đánh ở phố Lò Đúc, Ô Cầu Rền…Bài Tiếng cồng quân y và Trấn biên cương. Trong khi tiếng hát cất lên từ máy phát thanh, hình ảnh ba chàng trai Tuấn Sơn, Quang Thọ, Như Trang hiện lên màn hình. Đồng đội như gặp lại Như Trang bằng xương bằng thịt qua cô em gái thứ 9 của anh: Minh Việt.  Người đi cùng Minh Việt cũng là một nhân vật thật đáng quý, đáng trọng! Đó là người yêu của Như Trang, khi Như Trang hy sinh, chị đã tìm về gia đình anh, và từ đó chăm sóc, bế ẵm Minh Việt từ nhỏ, góp phần chăm sóc anh chị em Minh Việt cho đến lúc khôn lớn như một người chị cả. Sau ngày mất của Như Trang đến 15 năm, chị mới nghĩ đến gia đình riêng.
-- Đến dự cuộc họp còn có bà Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào Sunthon Sayatrắc. Bà nói khá sõi tiếng Việt, và vượt qua mọi nghi thức ngoại giao, bà nói: “…mong các cụ lão chiến sĩ Tây Tiến coi tôi như con cháu, hai dân tộc Lào Việt đã nhiều phen sát vai  bên nhau chiến đấu như anh em…” GS TS Lê Hùng Lâm nhân đó, giới thiệu đến một chiến sĩ của Trung đoàn, trong một trận truy kích địch bị lạc rừng. Không tìm được đơn vị, anh trở thành một cán bộ Pathét Lào. Hoà bình lập lại, anh sinh cơ lập nghiệp ngay bên đó. Tên Trần Đình Thư trở thành Chăn Thư. Nay anh đã mất, các con và các cháu anh nhận được cuốn kỷ yếu 55 năm Tây Tiến do Ban Liên lạc truyền thống trung đoàn gửi sang, mới biết thêm về gốc gác của cha ông mình, mới biết dòng họ Chăn Thư gốc Việt, bắt đầu từ Trần Đình Thư, người lính quốc tế của Trung đoàn 52 Tây Tiến.
 Rồi người con của ông Tạ Đình Đề lắm giai thoại, lên nhận tặng phẩm kỷ niệm cũng khiến các cựu chiến binh nhớ ông là một trong hai người  dũng cảm  ở lại chặn địch ở dốc Đẹt (cho quân y xá của Trung đoàn có thời gian thoát hiểm khỏi vòng vây địch): Tạ Đình Đề nhà thiện xạ và chính vị tư lệnh Mặt trận Tây Tiến: Hoàng Sâm.
 Cuộc họp cựu chiến binh trở thành cuộc họp một họ tộc lớn khi Ban Liên lạc báo cáo danh sách mừng thọ năm nay: Có 11 cụ chiến sĩ đạt 85 tuổi, 8 cụ chiến sĩ tròn tuổi 80 do cụ Phan Đình An 91 tuổi trong Ban Liên lạc trao tặng phẩm để lấy “hên” của người trao. Vậy là người “trẻ trai nhất” vẫn là GS TS Lê Hùng Lâm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng, mới…79 tuổi. Nhớ chuyện ngày xưa đóng kịch, Lê Hùng Lâm trắng trẻo, bầu bĩnh, giả gái đẹp hơn cả con gái, đến nỗi Quang Dũng không nhận ra bạn, cứ “mắt le mày lét” quanh cánh gà sân khấu, như một giai thoại được kể lại.
 Vị phó chủ tịch Ủy Ban Nhân dân tỉnh Hoà Bình Quách Thế Tản nhân dịp này đã đem tới món tặng phẩm bộc lộ sự chăm lo thực sự đến sức khỏe các cụ, sau đợt rét kéo dài: 200 túi quà là 200 tấm chăn len. Nhớ ngày nào (trong kỷ yếu còn ghi) bà con  ở Vụ Bản gom góp tiền mua chiếu đem vào bệnh xá Trung đoàn, không phải cho người sống mà…dành thay “áo bào” khi các anh về đất. ( Thật tội nghiệp! ngày ấy, thuốc men quá thiếu thốn, một viên ký ninh cũng phải pha loãng cầm hơi cho người bệnh!)  Cũng là nguyên cớ xuất hiện bài Tiếng cồng quân y, tiếng cồng tín hiệu, nhằm báo với mọi người: một chiến sĩ đã ra đi, để các đồng chí quanh đó biết mà về tiễn biệt, dân bản biết mà giúp đỡ việc đào huyệt, hạ huyệt. Người thương bệnh binh ngày ấy luôn lởn vởn một dấu hỏi “Bao giờ đến tiếng cồng của mình?” Nhưng những giờ còn lại họ vẫn ca hát, vẽ tranh, làm thơ khi không còn sức tập luyện, chiến đấu…  
 Vị Bí thư Huyện ủy Mường Lát cũng được mời về dự. Đó là một huyện nghèo của Thanh Hoá, nơi chỉ cách biên giới Lào Việt mươi cây số, đã dựng một cái tháp gọi là Tháp Tây Tiến cao 9 tầng để ghi nhớ: các chiến sĩ Tây Tiến đã rời Tổ quốc từ nơi đây để làm nhiệm vụ quốc tế! Tháp Tây Tiến chính là câu thơ thứ tư của bài thơ được hiện hình: Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Ôi! Tuổi 60 của bài thơ Tây Tiến chứa đựng dằng dặc những kỷ    niệm vui buồn một thời của các lão chiến sĩ đang ngồi đây.
Tôi là một người làm thơ hậu sinh, xin nghiêng mình trước lễ suy    tôn bài thơ linh hồn của một Trung đoàn huyền thoại, cũng là linh hồn của dòng thơ yêu nước mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.    
 (nguồn: Tạp chí Thơ số 3 – 2008 )