Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SÔNG CẠN, LOẠN ĐÒ, Ế KHÁCH

Trần Đình Trợ
Thứ sáu ngày 30 tháng 9 năm 2011 5:54 AM

Cuộc chiến giành “khách” NV2, NV3 của các “con đò” ĐH, đã đến hồi kết. Sự ế ẩm bao trùm lên những "con đò ĐH” tốp dưới và tốp giữa. Nhiều “Ông chủ đò” kêu ca “thua lỗ” và đòi Bộ GD xóa bỏ điểm sàn.
  Năm 2011, cả nước có 1,5 triệu hồ sơ đăng kí thi ĐH và gần 500.000 hồ sơ thi CĐ. Tập trung chủ yếu khối A(55,2%), đến khối B (19,4%). Khối D (15,5%). Khối C (6,40%). Các khối khác (3,50%).
 Kết quả có 415.282 thí sinh có điểm thi đại học trên điểm sàn, trong khi chỉ tiêu là 266.631. Trong số trên có 206.302 thí sinh trúng tuyển NV1; 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn nhưng trượt NV1.
  Kết thúc NV2, nhiều trường chưa tuyển đủ, vẫn không xét tuyển NV3 bởi không hy vọng tuyển được. Dù vậy, số trường tranh nhau“vét khách” NV3 cũng đạt mức kỷ lục, là trên 100 trường.
 Hầu hết các trường, chỉ tuyển được khoảng 5-10% số chỉ tiêu NV3. “Anh chị” như trường ĐH Huế, cũng chỉ đạt mức xấp xỉ 10% . Họ nhận được 72 hồ sơ, trên 750 chỉ tiêu. Nhiều ngành như triết học, lịch sử, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y... có 45-90 chỉ tiêu/ngành, nhưng mới chỉ có 1-3 hồ sơ/ngành.
 Nhiều trường ĐH "chiếu dưới" ở phía Bắc, hàng loạt ngành chưa có hồ sơ nào đăng ký. Tập trung vào nhóm ngành nông lâm, khoa học cơ bản và xã hội như Hán Nôm, song ngữ Nga - Anh, ngôn ngữ Pháp, công nghiệp và công trình nông thôn, khoa học nghề vườn, nông học, khoa học đất, toán học, vật lý, tin học, địa lý, xã hội học, ngôn ngữ học, Đông phương học...
 Tình hình cũng khá bi đát đối với các trường phía Nam . Để mở nguồn tuyển NV3, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã gỡ bỏ giới hạn chỉ tuyển “thí sinh phải dự thi ĐH Ngân hàng TP.HCM”. Dù vậy, một số ngành cũng chỉ lèo tèo vài ba hồ sơ.
 Trường ĐH Đồng Tháp chỉ có khoảng 50 hồ sơ, Trường ĐH An Giang cũng chỉ 5 hồ sơ. Trường ĐH Văn hóa TP.HCM có 33 hồ sơ trên 342 chỉ tiêu. Trường ĐH Hùng Vương có 200 hồ sơ trên 900 chỉ tiêu, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ có khoảng 300 hồ sơ trên 1.000 chỉ tiêu, Trường ĐH Văn Hiến  có 86 hồ sơ trên 700 chỉ tiêu.
    Ông Văn Bá Thanh, PHT trường ĐH Hà Hoa Tiên, Hà Nam nhận định: “Các trường lấy đâu ra nguồn tuyển vì nhiều trường công lập cũng chỉ xét tuyển bằng điểm sàn. Trường tôi chỉ chờ đợi tuyển sinh ở bậc trung cấp và cao đẳng”
Ông Thanh tính: “Trong 5 mùa tuyển sinh của nhà trường, năm nào trường cũng lỗ, vì số lượng thí sinh đăng ký vào quá ít. Năm nay là khó khăn nhất của trường. Nhà trường được đầu tư đất đai, cơ sở vật chất đến mấy nghìn tỷ nên không thể đóng cửa”.
GS Trần Hữu Nghị, HT Trường ĐH DL Hải Phòng chua chát: “Xét tuyển NV3 thực sự là một cuộc chạy đua vì không còn nguồn... Nếu các trường ngoài công lập tuyển đủ chỉ tiêu quả là một phép mầu”.
  Trước đây, các trường ĐH đã nhất loạt kêu ca “bỏ điểm sàn”, rồi “hạ điểm sàn”, bởi họ đã tiên liệu cảnh loạn đò ế khách này. “Cạn nguồn” là lý do họ giải thích cho tình trạng “ế ẩm” của trường họ.
 Nhưng với 60.329 chỉ tiêu còn thiếu, sẽ được tuyển trong 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn nhưng trượt NV1, thì không thể gọi là “cạn nguồn” được.
  Tại sao năm nào cùng kêu “cạn nguồn”, trong khi các trường ĐH, CĐ, TC CN, các phân hiệu ĐH, các lớp liên kết đào tạo TC... được lập ra ngày càng nhiều. Trường "ĐH trung ương", rồi "ĐH tỉnh", nay đến "ĐH huyện". Trường Trung cấp SP Hà Tĩnh (còn gọi là trường 10+2) sau một thời gian đôn lên làm trường CĐ, nay đã biến thành trường ĐH Hà Tĩnh với rất nhiều ngành đào tạo. Hương Sơn là huyện miền núi, liên kết mở các lớp ĐH tại chức, đặt ở TT CT huyện. Dân Hương Sơn gọi là "trường ĐH Bến Vụng". Học ĐH ở đó, vừa gần nhà, vừa không "căng" như các "ĐH thật", nên cũng có người tham gia. Mà rất nhiều huyện có “trường ĐH” như vậy.
 Chưa kể đến các trường TC, dạy nghề cũng đang đua nhau mọc lên. Các trường đủ loại đó, đều họ quan tâm nhất là "nguồn học sinh". "Nguồn vào" quyết định sự sống còn trường và quyết định lời lãi của các cổ đông. Với ngành GD, những đứa "con nuôi" ĐH, CĐ phải biết tạ ơn "sinh thành".  Vì "đấng sinh thành" cũng sẽ có cách "tạo nguồn" lâu dài cho chúng. Đó là kiểu liên kết "cùng có lợi" của bên A với bên B.
 Chính vì vậy, chất lượng đào tạo bị đẩy sang thứ yếu. Bên A và bên B cùng quan tâm đến việc tăng số lượng "đầu vào". Việc bị "cạn nguồn" là nỗi ám ảnh thường trực của họ.
 Năm nay, theo con số thống kê, thì "đầu vào" cho tất cả các trường vẫn dồi dào. Vậy tại sao, nhiều trường nhất loạt kêu "cạn nguồn" và "lỗ vốn"?. Tại sao, được chèo kéo như vậy, mà người học vẫn không chịu "chui đầu vào"?. Ngẫm ra, bởi "nguồn" thì vẫn chưa“cạn”, nhưng các thứ sau đây thì đã sắp "cạn" rồi.
 Thứ nhất, sức hấp dẫn của tấm bằng ĐH đang “cạn”. Nó không còn là vật trang sức quý, mà cũng không còn là cái “cần câu cơm” hiệu quả nữa. Kiến thức ĐH ngày nay, nhằm “nâng cao dân trí” nhiều hơn là “phục vụ cuộc sống”. Khả năng thất nghiệp của người có bằng ĐH, lại cao hơn người không có bằng ĐH.
 Thứ hai, niềm tin vào “thương hiệu” của nhiều trường ĐH đã “cạn”. Nhiều nơi, hoạt động “bán chữ, bán bằng” nhiều hơn hoạt động“dạy người, dạy nghề”. Chuyện “điểm đổi tình”, “điểm đổi tiền” ở các trường ĐH, không còn là chuyện lạ. Nghe lãnh đạo các trường ĐH đó phàn nàn “cạn nguồn” và “lỗ vốn” trên báo, mọi người cũng hiểu, nay họ là “nhà buôn” nhiều hơn là “nhà giáo”.
 Thứ ba, sức chịu đựng về học phí của dân đã cạn. Khốn khổ với bão giá, mọi gia đình đều đối mặt với nguy cơ thiếu ăn. Vì vậy, họ phải cân nhắc khi cho con làm “khách vét” vào ĐH.
 Một học sinh vào ĐH, nạp ngay 1 khoản từ 4 triệu đến 10 triệu, mỗi tháng chi tiêu hết 2,5 đến 3 triệu. Để tốt nghiệp ĐH, cần tổng tối thiểu từ 100tr đến 150 tr. Nếu xin được việc, lương tháng tối thiểu dao động từ 2tr đến 3tr (lương CNVC). Khả năng xin được việc của một số ngành của một số trường ĐH gần bằng không. Ví dụ, ngành sư phạm, năm học 2011 Sở GD Hà Tĩnh không có một chỉ tiêu nào. Muốn chạy việc, có khi phải nhắm mắt vứt hàng trăm triệu cho khoản “đầu tiên”.
 Cuối cùng, niềm tin vào ngành GD cũng đã cạn. Chất lượng giả, bằng cấp giả tràn lan. Lâu nay, xã hội chỉ tin vào sự nghiêm túc của một kì thi, đó là thi vào ĐH. Nhưng ngành GD đang xóa dần niềm tin cuối cùng đó. Bộ GD đã toan nhập "hai trong một", và dự kiến, đến 2015 sẽ xóa bỏ thi ĐH. Vì khi đó, chỉ tiêu vào ĐH dự kiến sẽ tăng bằng số học sinh tốt nghiệp PT.
 Ngành GD đã cho bùng phát số lượng các trường ĐH, bất kể đến chất lượng đào tạo và nhu cầu sử dụng. Sự vội vã này, ngay lập tức đưa lại lợi ích cho một số người. Và biến ngay mảnh đất giáo dục ĐH thành thương trường. Những "con đò" ĐH chở sinh viên trên dòng sông tri thức, đã biến thành những con đò buôn. Mùa tuyển sinh thành những mùa mua bán, chèo kéo khách của các chủ đò.
 Những con đò giáo dục, xưa nay chỉ có chức năng chở người học trên dòng sông tri thức và đạo lý. Nhưng giờ đây, người học đang ngập ngừng, trước cảnh sông cạn, loạn đò, ế khách. Họ ngập ngừng trước những con đò buôn chữ, trước dòng sông cạn nguồn đạo lý, ngập rác kim tiền.
 Nhưng hãy tin rằng, nền GD sẽ phải thay đổi. Cảnh sông cạn, loạn đò, ế khách này, rồi phải chấm dứt. Sẽ có lúc, mái trường ĐH lại là niềm mơ ước của mọi học sinh. Người học, sẽ lại mơ được bước chân lên con đò cao quý ấy. Trên dòng sông đạo lý, những con đò tri thức đó sẽ giúp mỗi chúng ta cập bến làm người.
Blog trandinhtro.tk