P. Chi Hội trưởng Chi hội nhà văn Việt Nam tại Nghệ An
Năm nay ông đã 75 tuổi rồi, qua mấy cơn ốm nặng thập tử nhất sinh, nhìn lại có vẻ khoẻ hơn. Ông nói tuổi mình thế là thọ rồi, những việc cần làm theo bổn phận thì mình đã làm rồi: con cái đã trưởng thành, nhà cửa đã sửa sang đàng hoàng, cả một đời làm công chức nhà nước không có tai tiếng gì, rất nhiều huân, huy chương từ trung ương đến địa phương, huy chương thời đất nước còn chiến tranh cho đến hoà bình, huy chương của các bộ, ngành, cả huy chương nước bạn Lào trao tặng vì tinh thần Quốc tế. Thấy tôi ngạc nhiên vì nhiều huân, huy chương và bằng khen rực rỡ cả gian phòng và đầy một hòm cất giữ, ông cười hồn nhiên, đó là mình còn bị thất lạc chưa tìm được đầy đủ cho ông xem, có gì đâu, những người làm công chức nhà nước lâu năm, hoàn thành tốt nhiệm vụ đều được trao tặng như thế. Biết ông khiêm nhường nên tôi không nói thêm điều gì, để thế ông vui lâu hơn.
Ông quê huyện Yên Thành, vùng chiêm trũng nghèo, độc canh cây lúa, ít có nghề làm phụ cho những ngày nông nhàn, nên đa số nông dân nghèo đói quang năm. Cha mẹ ông cũng nghèo, thời chiến tranh ông tình nguyện vào quân ngũ, rồi ra quân thi vào trường đại học kinh tế. Cả một đời làm công chức toàn phải đối mặt với đồng tiền bát gạo mà giữ được mình lương thiện không phải dễ dàng đâu! Ông nói với tôi như thế, thấy tôi cười không tin, ông nói vì việc làm của tôi không có gì liên quan tới tiền bạc nên có vẻ nhẹ nhàng thảnh thơi hơn, ông còn nói những người làm việc về Văn học nghệ thuật tuy nghèo nhưng dễ dàng giữ được tấm lòng ngay thẳng, lương thiện. Còn ông đã từng là cán bộ thu thuế, Phó giám đốc sở tài chính, Chi cục trưởng thu quốc doanh và quản lý tài chính xí nghiệp trung ương, Chủ nhiệm Vật giá, Chánh văn phòng uỷ ban tỉnh đến hàng chục năm…ông phải suy nghĩ nhiều trong các mối quan hệ, tự đấu tranh với bản thân mình, có thể còn xung đột để giữ được mình lương thiện, mối quan hệ nào thì dừng lại, và phải vất vả như thế nào mới dừng lại được, quan hệ nào thì phát triển có lợi nhất cho nhiều tập thể…Ôi chao, quan hệ có kinh tế là phức tạp nhất…
Ông không muốn nói chuyện về kinh tế nữa, vì tôi... không biết gì. Qủa tình con người ông đúng như tên cha mẹ đã đặt cho ông, luôn lịch thiệp với mọi người cho dù đối tượng đó ở tầng lớp nào trong xã hội, độ tuổi là bao nhiêu. Ngày mới quen, ông còn là Chánh văn phòng uỷ ban tỉnh, tôi chào thấy ông thờ ơ, cứ nghĩ ông kênh kiệu, quên đi. Một thời gian sau tình cờ gặp lại, tôi lảng ánh nhìn đi nơi khác, thấy ông gọi đúng tên tôi, có người đã từng vồn vã chào hỏi tay bắt mặt mừng, thời gian chưa lâu, gặp lại chẳng nhớ ra mình là ai. Ông không vồn vã, thế mà vẫn nhớ. Sau này có thêm nhiều kiến thức, biết hơn các quan hệ trong xã hội mới hiểu được con người ông một phần nào đó, và thông cảm cho nỗi khổ của ông phải đối mặt với chuyện tài chính hàng ngày của một thời công chức.
Ông đến với văn học nghệ thuật không phải từ ngày nghỉ việc nhà nước. Ngày tuổi thanh niên mới gia nhập quân ngũ ông đã từng ham viết nhật ký, sau này tập hợp lại ông cho in thành cuốn sách: “ Những nẻo đường đẫm vết chân trần” ghi chép những ngày ở chiến trường Lào từ tháng 12 năm 1960. Đúng như trong nhật ký ông đã viết: “ Chúng tôi xa Tổ quốc 6 tháng trời, nhịn ăn, khát nước, nhưng khổ nhất là nhịn nói” Có lẽ viết nhật ký là một hình thức giải toả tâm lý nhịn nói chăng? Bởi nói và hát hò là tăng thêm sức mạnh trong hành quân, nhưng đành vậy. Nhật ký ông ghi chép từng ngày, suốt 6 tháng trời ở nước bạn, tuổi trẻ ông đã ý thức được cuộc sống là quý nhất nên nâng niu, rèn luyện tâm hồn mình từ ngày ấy, từng trang viết có nhân vật, có từng tình tiết, chi tiết trong cuộc sống, có người tốt, có người chưa tốt, có trang viết đầy cảm xúc…Tất cả những gì trải qua ông chăm chút tìm hiểu, sau này trở thành bài học, tự học ở trường đời có hiệu quả nhất đối với ông. Và cũng có phải vì thế khi bước chân vào cuộc đời công chức phải đối mặt xử lý các quan hệ bằng đồng tiền bát gạo trong các quan hệ hàng ngày, ông ít mắc phải sai lầm, bởi đã có nhiều kinh nghiệm tự học nên ông tránh, né được chăng?
Ông làm thơ nhiều từ ngày không còn viết nhật ký bằng văn xuôi nữa, bắt đầu từ những năm đầu sáu mươi. Với ông, thơ cũng là một thể loại nhật ký, ghi chép những cảm xúc, ý tưởng, chia sẻ nỗi niềm, tình cảm riêng tư...về những vùng đất, con người ông đã từng gặp, từng đến.
Ông ít nói, bao nhiêu nỗi niềm ông trút cả vào thơ, 19 tập với gần 600 bài thơ lần lượt ra đời đã đủ nói lên tâm hồn, trí tuệ, tình cảm của ông với cuộc đời. Thơ của ông thường bắt nguồn từ thực tiễn, từ nhiều mối quan hệ của một con người sống có trách nhiệm, thuyết phục người đọc bằng vẻ chân thành, trí tuệ của người có học. Nhiều bài thơ đọc lên cảm động, hồn nhiên đi vào lòng người, như bài “Nguy cơ” “ Con cá trong nước có nguy cơ gặp lưới. Con nai trong rừng có nguy cơ sập bẫy. Con chim trên trời có nguy cơ bị bắn. Anh đi ngang qua đời em có nguy cơ…vương tơ”. Bài “ Tóc” “ Trái tim ngày bạc tóc. Vẫn cứ tràn đắm say. Tóc đang tơ trở lại. Mọc lên từ ngất ngây” Hoặc có những câu đẫm chất trí tuệ, triết lý, trải nghiệm cuộc đời. Bài“Tre” “ Càng đứng thẳng giữa ngàn giông gió. Càng mát lành chan chứa tri âm” Bài “ Hoá đá” “ Con u mê chết thành cát bụi. Cả tin hoá đá giữa trời…Vọng muôn năm lời nguyền nhức nhối. Anh ngỡ mình hoá đá Mỵ Châu ơi”Và đây nữa, bài thơ: “ Nơi chốn ấy” đã nói lên nỗi lòng chua xót không dễ gì bày tỏ cùng ai, ông trút tất cả nỗi lòng, cảm xúc lúc ấy vào thơ: “ Nơi chốn ấy quyền uy khắc nghiệt. Uống tháng năm nóng lạnh nhịn đời. Nơi chốn ấy qua rồi, thanh thoát. Nhấm non xanh bay bổng lưng trời…”. Bài “Đám mây” “Đám mây danh lợi bồng bềnh. Làn hương một nắm buồn tênh cõi người. Kéo nhau lên đỉnh chơi vơi. Đám mây vần vũ luân hồi chợ tan…”
Ông làm thơ không liên quan gì đến cuộc sống vật chất của cả gia đình, không cậy nhờ vào cây bút và trang giấy, không chờ đợi đến danh vọng ở lĩnh vực này. Năm 2007 ông được giải thưởng thơ tình ở báo Văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam cũng chỉ từ một sự tình cờ chứ ông không cố tình tranh giải. Chọn con đường sinh tồn ông không xác định theo đuổi con đường văn chương, nhưng ông lại xác định văn chương là người bạn không thể thiếu được, là bác sĩ chữa bệnh tinh thần cho ông cả cuộc đời như nhà văn Lỗ Tấn đã nói. Đã có hàng chục bài báo và 2 lần chương trình VTV1 giới thiệu về ông và tác phẩm. Hàng chục bài thơ đã được phổ nhạc, có những bài thơ đã góp phần thành công cho sự nghiệp của nhạc sĩ. Ví như bài thơ “Cửa lò mùa hè vẫy gọi” của ông được nhạc sĩ Mai Cường phổ nhạc đem lại nhiều giải thưởng cho nhạc sĩ, và đến mùa hè năm nào trên các loa đài công cộng đều vang lên lời bản nhạc này.
Ông chơi với bạn bè không à uôm, mà có sự lựa chọn, và có trách nhiệm. Ông kiệm lời, luôn lắng nghe thông cảm và sẻ chia với bạn bè bằng những gì có thể, rất thật lòng. Ông yêu thơ, những tập thơ bạn bè gửi tặng ông đều trân trọng dành cho tình cảm như của mình vậy. Ông cặm cụi đọc, nhận xét, bình thơ từ nhiều tác phẩm tập hợp thành tập: “ Gió thổi hồn thơ” và lại bỏ tiền túi ra in, tặng lại bạn bè.
Cũng đôi lúc gặp ông lầm lũi dạo bước trên đường Nguyễn thị Minh Khai, chào hỏi ông ớ ra, hoá ra ông đang nghĩ về vấn đề động đất ở…Nhật Bản. Ông hỏi đã biết gì về vấn đề đó chưa? Tại sao nhiều người cứ thờ ơ trước vấn đề này thế nhỉ? Tâm hồn ông không già nua cằn cỗi theo tuổi tác mà tồn tại phong phú và vẫn phát triển theo năm tháng.
Tuổi ông đã quá tuổi “ Cổ lai hy” nhưng còn minh mẫn, nói chuyện không hề bị lẫn, mặc dù trí tuệ đã phải hứng chịu nhiều va chạm với cuộc đời. Những gì cần phải làm cho bản thân theo quy luật của đất trời, ông đều tính toán, không muốn luỵ tới người thân: Đã chuẩn bị tấm ảnh chân dung thật đẹp, hồn nhiên ông nói tấm ảnh này sẽ làm ảnh thờ, đúng với con người ông. “Tuyển tập thơ Đặng Hồng Thiệp tác phẩm và dư luận” với gần 400 bài thơ và hàng chục bài bình luận cũng đã ra đời. Ông in sách bằng đồng lương tích góp của một đời công chức tận tuỵ với việc công. Theo như nhà tư tưởng vĩ đại Hêghen của nhân loại nói: “Nhận thức được quy luật là một điều tự do”. Ông đã nhận thức được điều ấy một cách sâu sắc chăng, nên cả đời người không phiền luỵ ai, và đó là tự do?
Tôi hay chuyện trò với ông, tư cách là bạn vong niên về văn chương, nhiều người hỏi nhà thơ Đặng Hồng Thiệp là con người như thế nào? Xin thưa, tôi không dám trả lời, bởi nhận xét về một con người phải nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Chỉ dám bật mí rằng ông đã cởi mở tiết lộ mọi bí mật của tâm hồn thể hiện ở các tập thơ và nhất là tuyển tập Đặng Hồng Thiệp mới ra đời dày 600 trang. Mời bạn đọc thưởng thức khám phá và chúc mừng ông.
9-2011
Đ.Q.N
ĐT: 0978 805 835