Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BƯỚC ĐẦU SUY NGHĨ VỀ VĂN HỌC THỜI MẠC

Nguyễn Huệ Chi
Thứ bẩy ngày 3 tháng 9 năm 2011 9:02 PM

Vấn đề đánh giá Triều đại Mạc đã được đặt ra từ cách đây hơn hai thập kỷ rưỡi, chính thức vào dịp kỷ niệm danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm vào năm 1985 mà GS Nguyễn Huệ Chi là một trong những người đại diện Viện Văn học chủ trì cùng UBND thành phố Hải Phòng và Hội Sử học Hải Phòng. Nhưng việc đánh giá tổng quát văn học Triều đại Mạc có nét gì đặc sắc thì mới đặt ra vài năm gần đây, trong dịp con cháu nhà Mạc làm bộ phim “Tiếng kèn nhà Mạc” do ông Thái Kế Toại là Đạo diễn. Dưới đây xin gửi đến bạn đọc xa gần bài viết của GS Nguyễn Huệ Chi, bổ sung hoàn thiện những gì ông phát biểu trong bộ phim ấy, do phía con cháu họ Mạc bóc băng ghi lại.
Bauxite Việt Nam                                                    
Nói về văn học Mạc, về mặt khái niệm theo tôi phải giới thuyết xem văn học thời Mạc là cái gì? Tôi nghĩ, có thể tạm vạch ra mấy giới thuyết sau đây.
Trước hết về thời gian, nhà Mạc bắt đầu từ năm 1527 kéo dài đến mãi 1677 thì mới chấm dứt, thế nhưng lại có hai giai đoạn: Giai đoạn 1527 - 1592 nhà Mạc đóng đô ở Thăng Long và sau đó họ Trịnh đem binh ra, họ Mạc phải rút lên Cao Bằng. Ta nên khuôn lại trong giai đoạn thứ nhất, lúc bấy giờ sĩ tử quy tụ về Thăng Long rất nhiều và đó là điều kiện “nhân lực” chủ yếu làm nên văn học Mạc.
Xét về không gian, hãy để ý, thời đại này không phải chỉ có một trung tâm Thăng Long nữa mà đã có Nguyễn Hoàng chạy vào Nam, định cư ở Phú Xuân, có Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm tìm đường trung hưng nhà Lê ở Thanh Hóa. Cho nên thực tế, đất nước đã chia làm mấy trung tâm. Thế thì nói đến văn học thời đại Mạc là nói đến nền văn học trong phạm vi không gian do nhà Mạc quản lý với trung tâm Thăng Long, còn các không gian khác không những văn học Mạc không với tới đã đành, ngay những người như Phùng Khắc Khoan, mặc dù là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng sau đó lại vào Thanh Hóa thi với nhà Lê và sáng tác dưới sự chỉ đạo của Triều đình Lê, ví thử đặt ông vào nội hàm văn học Mạc cũng sẽ là khiên cưỡng.
Xét về lực lượng sáng tác, có mấy hiện tượng đáng quan tâm.
Hiện tượng thứ nhất là khi Mạc Đăng Dung 莫 登 庸lên ngôi (1527), quyền uy cả nước thu về tay ông. Sức hút của Mạc Đăng Dung rất lớn, “Bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, đều đón [ông] vào Kinh sư. Ngày15 [tháng Sáu] các quan đã đứng vào ban chầu, chưa có tờ chiếu nhường ngôi, các quan bảo Lại bộ Thượng thư Trương Phu Duyệt thảo ra”( ); vì thế trừ một số ít, gần như quan lại của nhà Lê đều quay sang thần phục Mạc và sáng tác dưới ảnh hưởng của nhà Mạc. Những người như Nguyễn Giản Thanh là Trạng nguyên nhà Lê cũng trở thành vị quan lớn trong Triều đình Mạc. Không thể không coi họ là lực lượng sáng tác song hành, trước của Lê và sau của Mạc. Cũng thế, về cuối thời nhà Mạc lại có những ông quan chức vị khá lớn, thờ Mạc hết lòng, như Hoàng Sĩ Khải, nhưng khi Mạc chạy lên Cao Bằng bèn quay sang thờ Lê. Tất nhiên ta không thể xếp họ Hoàng sang hàng ngũ nhà văn Lê Trung hưng một cách giản đơn mà phải căn cứ trên tác phẩm cụ thể để coi đấy là nhà văn của Mạc hay của Lê, vì sách của Hoàng Sĩ Khải hiện còn hầu như đều là sách viết dưới triều đại Mạc.
Sau khi thanh toán xong hai loại người “xôi đỗ” ấy rồi, lực lượng chính làm nên văn học triều đại Mạc, theo tôi là những Nho sĩ đã thi đỗ ngay dưới triều nhà Mạc, và lực lượng này không phải ít. Từ năm 1527 đến 1592 Mạc đã mở 21 khoa thi Hội, lấy đỗ 468 Tiến sĩ và 11 Trạng nguyên. Nếu như so sánh với thời Lê sơ thì ngoại trừ nửa đầu thế kỷ XV là thời kỳ chống Minh xâm lược không thể tính, nửa cuối thế kỷ, dưới triều Hồng Đức (1460 - 1497), trong vòng 38 năm có 12 kỳ thi chọn được 501 Tiến sĩ và 9 Trạng nguyên( ). Trong tương quan 65 năm của nhà Mạc và ngót 40 năm của triều Lê Thánh Tông, Mạc không thua kém Lê nhiều lắm trong việc đào tạo một đội ngũ trí thức cho Triều đình và xã hội. Chỉ có khác là ở chỗ, dưới triều đại Mạc, trong hàng ngũ trí thức thi đỗ thường phân ra làm hai. Một bộ phận sau khi đỗ, nhập cuộc, làm quan ở Kinh đô và các trấn. Một bộ phận khác không tham gia triều chính mà về làng quê làm ẩn sĩ. Họ cũng là lớp người cầm bút, nhiều người nổi tiếng. Cho nên có thể nói, có hai thành phần làm nên văn học Mạc là thành phần Nho sĩ quan liêu và thành phần Nho sĩ ẩn dật( ). Lực lượng sáng tác tạo nên nền văn học Mạc chủ yếu tập trung vào hai thành phần ấy. Có đối chiếu cặn kẽ thế ta mới có ít nhiều cứ liệu để nhìn nhận bước tiếp nối của văn học Mạc kế sau văn học Lê sơ. Tất nhiên, văn học Lê sơ hơn văn học Mạc ở chỗ thời đại Lê sơ không chỉ có sáng tác, nó còn ý thức được nhiệm vụ “phục hưng” văn hoá dân tộc. Trong vòng năm mươi năm, nhiều tuyển tập đủ các thể loại đã liên tiếp xuất hiện, tổng kết được thành tựu của 500 năm trước. Mạc không có điều kiện làm được việc này, trừ một tập Ứng đáp bang giao của Giáp Hải.
Điều thiệt thòi cho nhà Mạc là giai đoạn thật sự bình ổn không được lâu. Do không thẳng tay với dòng dõi nhà Lê như Trần Thủ Độ đã làm với nhà Lý, nên chỉ sau khi dựng nghiệp ít năm, đám triều thần thủ cựu của nhà Lê liền âm thầm nhen nhóm lại thế lực, giương ngọn cờ phục hưng Lê và đánh lại Mạc để giành lại quyền chấp chính, gây nên tình trạng hỗn loạn, nơm nớp không yên, không ai đủ bình tâm để tìm cảm hứng cho ngòi bút sáng tạo, mặc dù về kinh tế và xã hội, Mạc đã tạo ra được một không khí thịnh trị từ thành thị đến thôn quê, chính sử gia nhà Lê cũng phải thừa nhận: “Mạc có lệnh cấm trong ngoài người ta không được cầm giáo mác và binh khí hoành hành ở đường sá, ai trái thì cho pháp ty bắt. Từ đấy, người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng điểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ cũng không thể biết là vật của nhà mình. Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên”( ).
Những lực lượng làm nên cuộc “phục tích” quyết không coi Mạc là triều đại chính thống, họ cố tình xoá bỏ mọi thành tựu của nhà Mạc để lại, kể cả thành tựu văn học. Và các sử quan của nhà Lê Trung hưng viết về nhà Mạc cũng viết với thái độ thành kiến có sẵn, nên không thể viết đến nơi đến chốn. Thơ văn, học giả, tác gia của triều đại Mạc còn lại trong sử sách không nhiều như con số dưới thời Lê sơ một phần cũng vì lẽ ấy. Dầu sao, cứ nhìn cho kỹ, triều đại Lê sơ cũng không còn lại bao nhiêu. Có Lý Tử Tấn (李 子 晉, 1378 - 1457), Nguyễn Mộng Tuân (阮 夢 荀, ? - ?), Vũ Mộng Nguyên (武 夢 原, 1380 - ?), Phan Phu Tiên (? - ?), Nguyễn Bảo(阮 保, 1452 - ?), Thái Thuận(蔡 順, 1441 - ?), Đặng Minh Khiêm(鄧 鳴 謙, ? - ?), Vũ Quỳnh (武 瓊, 1452 - 1516), Hoàng Đức Lương(黃 德 良, ? - ?)... một tập thơ của Tao đàn nhị thập bát tú. Nhưng nhìn chung, để có thể thấy rõ được giá trị thì nổi bật lên có ba người. Đó là một Nguyễn Trãi (阮 廌, 1380 - 1442) như đỉnh cao của nửa đầu thế kỷ XV. Một Lê Thánh Tông (黎 聖 宗, 1442 - 1497) như đỉnh cao của nửa cuối thế kỷ XV. Một Thái Thuận (蔡 順, 1441 - ?) như người vắt ngang giữa hai đầu thế kỷ. Triều Lê sơ nói cho cùng cũng chỉ có thế.
Triều Mạc cũng lưu lại được một số văn nhân nổi tiếng như Nguyễn Giản Thanh (阮 簡 清, 1481 - ?) với bài Phụng thành xuân sắc phú, mặc dù sáng tác cuối triều Lê sơ nhưng tác phẩm ấy thực ra ca ngợi thành Phụng trong bước chuyển đổi cung cách sinh hoạt từ Lê  nặng tiểu nông  sang Mạc  công thương nẩy nở. Ông lại còn có Thương côn châu ngọc tập mà bây giờ không còn nữa. Bùi Vịnh (裴  , 1498 - 1545) đỗ Bảng nhãn năm 1532 có Đế đô hình thắng phú (chữ Hán), Cung Trung bảo huấn phú (chữ Nôm). Lê Quang Bí (黎 光 賁, 1506 - ?) đỗ Hoàng giáp năm 1526, ra làm quan với nhà Mạc rồi đi sứ Trung Quốc, bị lưu đày ở Trung Quốc 18 năm. Trong suốt thời gian ở Trung Quốc ngồi ngẫm nghĩ lại tất cả những nhân vật lịch sử nước nhà, ông viết được một tập thơ ghi nhớ công ơn các danh nhân đất nước và bày tỏ tình cảm đối với quê hương, hiện vẫn còn( ). Lại có người nổi danh về văn học ngoại giao như Giáp Hải (甲 海,1515? - 1585?), Trạng nguyên làng Dĩnh Kế. Thành tích lớn của ông là vận dụng thơ văn vào công việc bang giao giữa nước ta và Trung Quốc. Theo truyền thuyết, ông đã lên tận ải Nam Quan đối đáp với tướng nhà Minh Mao Bá Ôn (毛 伯 溫, 1487 - 1544). Bằng bài thơ Vịnh bèo, Mao Bá Ôn muốn đưa ra một thông điệp thách thức. Nhưng Giáp Hải đã kịp hoá giải những lời đe doạ ngầm của y bằng bài hoạ, nói lên cái thế “ken khít với nhau” của cả dân tộc Việt Nam như một mặt bèo phủ kín ao nước. Mao Bá Ôn cảm nhận được nhân tài nước Nam còn nhiều, cuối cùng đành lui binh( ). Giáp Hải còn có tập Ứng đáp bang giao, một tập hợp văn, thư, biểu trong các cuộc bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc nhiều đời, một tác phẩm đáng quý, tiếc chưa thể tìm lại được. Nguyễn Hãng (阮 沆, 1488 - ?), đỗ Bảng nhãn năm 1529, làm quan cho Mạc đến chức Thị lang, Hàn lâm học sĩ rồi nhất quyết lui về xứ Tuyên Quang làm một danh sĩ làng quê. Tuy nhiên, ông cũng không đi theo những kẻ chống Mạc, cho dù họ cố nài. Từ chỗ ở ẩn ông lập thành một tao đàn sáng tác phú Nôm và trở thành ông tổ của phú Nôm thời Mạc với nhiều bài phú rất hay, chuyển ngôn ngữ khoa trương ngả sang trào tiếu, như: Tịch cư ninh thể phú, Đại Đồng phong cảnh phú, Tam ngung động phú… Cũng thế, Nguyễn Thế Nghi (阮 世 儀, ? - ?) là người rất “sở trường về văn chương quốc âm”, có bài phú Nôm Huyền Quang tiễn đưa cung nữ, lại có truyện Nôm Lạc Xương phân kính, đặc biệt, ông là người đầu tiên dám thể nghiệm dịch áng văn xuôi chữ Hán nổi tiếng đương thời Truyền kỳ mạn lục ra văn xuôi Nôm, và bản dịch của ông được in đi in lại nhiều lần, hiện còn lưu truyền( ). Hoàng Sỹ Khải (黃 士 愷, ? - ?) đậu Tiến sĩ 1544, có đến mấy tập thơ như Sứ Bắc quốc ngữ tập, Sứ trình khúc, Tứ thời khúc vịnh và bài phú Tiểu độc lạc. Hoàng Sỹ Khải là người mở đầu cho việc làm thơ Nôm khi đi sứ. Hà Nhậm Đại (何 任 大, 1526 - ?) đậu Tiến sĩ 1574, người để lại tập thơ vịnh sử Khiếu vịnh thi tập( ). Ngoài ra còn có thể kể đến Phạm Thiệu (范 紹, 1512 - ?), dỗ Hoàng giáp năm 1553, có Thi vận tập yếu, Vũ Cận (武 瑾, 1527 - ?), dỗ Tiến sĩ năm 1556, có tập thơ đi sứ Tinh thiều kỷ hành, đều được ghi lại trong “Nghệ văn chí” của Lê Quý Đôn,... Nếu so sánh những nhà văn hạng trung của Lê sơ với những nhà văn hạng trung của Mạc thì sự cách biệt giữa hai bên chưa hẳn đã nhiều. Văn học thời Mạc từ một cái nền như vậy đã kết tinh được hai đỉnh kiệt xuất.
Đỉnh thứ nhất là Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮 秉 謙, 1491 - 1585). Ông là một nhà văn hóa, và riêng ở bình diện văn hóa mà nói thì tầm vóc không thua kém Nguyễn Trãi là mấy, phần nào đấy còn khai phá vào một vài lĩnh vực sâu hơn. Bởi ông chuyên về dịch học. Chính ông xây dựng nền tảng của tư tưởng biện chứng trong Kinh Dịch, góp vào lịch sử tư tưởng Việt Nam một số kiến giải mới mẻ. Là một nhà Dịch học nên ông nổi tiếng là bậc tiên tri, nhưng ông cũng lại là một nhà thơ lớn. Ông viết đến một nghìn bài thơ chữ Hán. Đây là con số mà từ thời đại Mạc trở về trước hoàn toàn chưa có. Đến như Nguyễn Trãi cũng chỉ có 105 bài (không nói về tầm vóc, thơ Nguyễn Trãi kết tinh những tư tưởng nghệ thuật đột xuất, thể hiện một cái “tôi” thao thức trước những vấn đề có thể nói là vấn nạn lịch sử, chắc chắn về số lượng thơ ông đã bị mất mát nhiều nhưng không rõ nếu còn thì có đến 1.000 bài hay không). Lê Thánh Tông tuy tỏ rõ tài năng hùng hậu về thơ, đề tài lại đa dạng, song đứng về số lượng, so với Nguyễn Bỉnh Khiêm hẳn vẫn không bằng. Bên cạnh thơ chữ Hán, thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng rất dồi dào. Thơ Nôm ông có mặt không thể sánh với thơ Nôm Nguyễn Trãi, lại có mặt đánh dấu một chặng phát triển mới so với thơ Nguyễn Trãi. Rất may mắn cho chúng ta, hiện nay đã tìm được khoảng 800 bài thơ chữ Hán, 180 bài thơ Nôm của ông. Đây là một đỉnh cao của văn học triều đại Mạc. 
Đỉnh thứ hai là Nguyễn Dữ (阮 嶼, ? - ?). Ông là một người không ra làm quan mặc dù thi đỗ Hương cống và là học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm( ). Trong thời kỳ ở ẩn ông đã viết được một tập truyện xuất sắc. Đó là Truyền kỳ mạn lục được đời sau gọi là thiên cổ kỳ bút  ngọn bút kỳ tài nghìn thu không có. Tập truyện này mở ra một thể loại văn xuôi nghệ thuật dân tộc là truyện ngắn truyền kỳ. Ở Việt Nam, văn xuôi, nhất là văn xuôi nghệ thuật, vốn định hình muộn hơn thơ, nhưng đến Nguyễn Dữ không hiểu vì lẽ gì đã tạo được một sự đột phá khiến văn giới sửng sốt ngạc nhiên mà mãi nhiều thế kỷ sau cũng không theo kịp. 
Như vậy Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Dữ là hai nhà văn tầm cỡ của văn học thế kỷ XVI, của văn học Mạc, không thua kém bất kỳ đỉnh nào từ trước cho đến đấy và từ đấy về sau. Đứng về mặt khái quát chung, văn học triều đại Mạc là một nền văn học không nhỏ, nó xứng đáng đóng một vai trò đáng kể trong lịch sử văn học Việt Nam.
Nói về đặc điểm của văn học Mạc thì cần có một vài giới thuyết trước khi bàn vào các biểu hiện cụ thể của nó. Ở đây chỉ nhấn mạnh đến những đặc điểm mà văn học Mạc góp vào tiến trình văn học chung như là những nhân tố mới, còn tất cả mọi đặc điểm vốn đã có trong văn học truyền thống, thời Mạc vẫn kế tục, như phát huy tinh thần yêu nước, hoặc hoàn thiện thể thơ thất ngôn xen lục ngôn, v.v. thì không cần đề cập quá sâu, vì sự tiếp nối là một quy luật chung cho nhiều thời đại. Đối với đề tài văn học yêu nước, văn học thời Mạc không những không để cho tàn lụi mà lại biết mở rộng phạm vi từ thơ sang truyện, áp dụng thủ pháp nghệ thuật truyền kỳ làm cho nó có thêm sức sống. Chỉ lấy hai dẫn chứng từ Nguyễn Dữ: truyện Chức Phán sự đền Tản Viên là cuộc đấu tranh kiên cường của một Nho sinh nhằm giành lại vị trí chủ nhân cho ông Phán sự người Việt trụ trì ở ngôi đền Tản Viên, vạch trần trò ma mãnh hiếp đáp của con quỷ đến chiếm đền vốn là một bộ tướng của Mộc Thạnh bị chết trận tại nước ta, cuối cùng giành phần thắng về cho ông Phán hiền lành. Hay như truyện Lệ Nương khắc hoạ số phận một cặp tình nhân bị chia lìa, vai nữ chịu nhiều oan khổ, cuối cùng chết trong tay bọn giặc Minh sang xâm lược, về sau người yêu Lệ Nương đã tìm đến đầu quân cho Lê Lợi lập nên nhiều chiến công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Rõ ràng tinh thần chủ nghĩa yêu nước đã được ngòi bút Nguyễn Dữ hoá thân vào nghệ thuật tiểu thuyết. Và dòng văn học yêu nước như một đặc điểm xuyên suốt lịch sử văn học dân tộc, đến Mạc vẫn không mất đi. Không chỉ thế, văn học Mạc còn có thêm những đóng góp khác, phát triển được các thể loại mang cảm hứng hồi cố (Lê quang Bí), hay âm hưởng sử thi (Hà Nhậm Đại), để tiếp nối dòng văn học này.
Thế nhưng chúng ta cần cân nhắc kỹ hơn mấy đặc điểm có thể gọi là mới của văn học triều Mạc sau đây.
Thứ nhất, nhìn trong xu thế chung, văn học Việt Nam có một yêu cầu nội tại để tạo nên bước nhảy vọt thật sự kể từ thế kỷ XVI trở đi, dấu mốc nhảy vọt ấy rơi đúng vào văn học triều đại Mạc. Đây là cái ngẫu nhiên mà cũng là cái tất yếu của lịch sử. Thời đại Lê sơ là đỉnh cao của độc tôn Nho giáo và thể chế quân chủ tập trung, phải chọn một vị vua làm biểu tượng để cho dân tôn thờ, thần thánh hoá, đặc điểm chung của văn học bởi vậy là hướng thượng. Phải quay nhìn lên ông vua và lấy ông vua làm hình mẫu, đem cảm hứng “vua sáng tôi hiền” kết nối thành động lực sáng tác. Đến triều đại Mạc, sau bao nhiêu chặng “vua quỷ”, “vua lợn” của triều Lê sơ làm người ta chán nản, tự nhiên hình tượng cao quý là ông vua bị lu mờ, bị hạ thấp từ trong tiềm thức. Và cảm hứng “thần thánh hoá” đấng minh quân mất dần chỗ đứng. Người ta không còn hào hứng ngẩng lên, “hướng thượng”, trong sáng tác của mình. Tình trạng này gây ra một phản ứng trái ngược trong vô thức: người sáng tác bắt đầu từ chỗ nhìn lên nay quay nhìn trở xuống. Và khi nhìn xuống hạ dân thì một thế giới khác chợt hiện rõ trong tầm mắt. Họ bỗng nhìn thấy con người với bao nhiêu sự phức tạp, thánh thiện có mà tầm thường càng có, ở chính đối tượng gần gũi nhất với mình ấy. Con người được phơi bày với những dục vọng, toan tính, những nét thấp hèn và cao cả, những tình cảm riêng tư, cá nhân. Đó chính là một phát hiện lớn của văn học thời Mạc, mở đầu cho một dòng văn học chạm chân vào hiện thực. Văn học thay đổi chức năng mà không tự biết: nó mô tả xã hội dưới góc nhìn đời tư và đời thường. Trước đây, Thông qua tiêu chí “cái cao cả”, nhà văn nhìn xã hội dầu không muốn cũng như được đánh bóng lên, được ước lệ hoá, công thức hoá, mỹ hoá thành một xã hội vàng son song trừu tượng, đâu cũng như nhau. Nhưng bây giờ nhìn vào khía cạnh đời tư đời thường thì cũng xã hội ấy lại hiện ra dưới muôn hình vạn trạng, nó đưa lại cho nhận thức thẩm mỹ rất nhiều giá trị, rõ nhất là trong tập truyện ngắn Truyền kỳ mạn lục. Truyện Người nghĩa phụ ở Khoái Châu cho thấy Trọng Quỳ là con nhà danh giá nhưng bị tha hoá trở thành một anh phá gia chi tử, nướng gia tài vào cuộc đỏ đen. Anh ta đánh bạc đến nỗi phải gán vợ khiến vợ phải tự tử để giữ tròn chữ tiết của mình. Truyện Người con gái đất Nam Xương thì nói đến một anh chàng ghen tuông. Đi lính xa trở về nổi cơn ghen, dò hỏi con, làm tình làm tội khiến vợ phải trẫm mình. Truyện Nghiệp oan của Đào Thị là câu chuyện trả thù đầy oan nghiệt của một người cung nữ nhan sắc, thông tuệ, khi vua chết bị thải ra khỏi cung cấm, đến chơi nhà ông quan Hành khiển là người quen biết cũ bị bà vợ của quan đánh một trận thừa sống thiếu chết vì ngờ vực nàng tư tình với chồng. Từ đấy nàng tìm mọi cách trả thù, nhưng trước thế lực của kẻ giàu sang quyền thế, mưu kế của nàng chỉ mua lấy thất bại, đến nỗi tan nát tấm thân,... Hóa ra, dưới góc độ đời tư và đời thường, cả một thế giới phơi bày, trong đó không phải là những hình mẫu bất động, chỉ biết tuân theo theo các công thức “quân thần, phụ tử, phu phụ... ” của đạo Nho cho sẵn, mà là một thế giới chuyển động rất sống động với nhiều tấn bi hài kịch của con người khó lòng dò đoán trước. Ngòi bút nhà văn giờ đây khám phá ra vô số chân lý sống xưa kia chưa hề nhìn thấy.
Đương nhiên nói con người là trung tâm của thế giới mà văn học thời này phát hiện thì cũng chính là nói đến cái xã hôi hạ dân được văn học vén màn, bởi con người nói trong văn học Mạc là biểu trưng cho xã hội ấy. Đó là cả một xã hội phức tạp. Nó không thuần nhất là xã hội nông nghiệp nữa mà bắt đầu có buôn bán, có thủ công, có làm giàu, và có đủ thứ lục đục xoay quanh nó, có cuộc đấu tranh giữa quyền lực và không có quyền lực, giữa ham muốn và bất lực. Không loại trừ cuộc đấu tranh muôn thuở về đạo đức giữa cái thiện và cái ác. Một xã hội phong phú hơn nhiều so với bức tranh xã hội thời Lê sơ mà văn học để lại.
Tính quy định vẻ đẹp tức là cái sắc màu sống thực của thời đại này phản chiếu trong văn học, thể hiện tiêu biểu ở tập truyện Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ cũng chuyển cả sang thơ, làm cho thơ ca mang một phương thức tư duy mới. Trước đây thơ là thơ trữ tình. Thơ bây giờ cũng là thơ trữ tình nhưng là trữ tình lý trí. Nó rời bỏ tư duy cảm tính bước sang địa hạt tư duy lý tính. Và hướng cái nhìn vào xã hội, ấy là tư duy thế sự. Thơ trở nên có tính phát hiện hiện thực rất sắc mà cây bút tiêu biểu là Nguyễn Bỉnh Khiêm:
 Ở thế làm chi cười lẫn nhau,
 Giàu chê khó, khó chê giàu.
 Người hàng thịt nguýt người hàng cá,
 Đứa bán bò dèm đứa bán trâu.
 Bé vú thở than người cả vú,
 ít râu ánh ỏi kẻ nhiều râu.
                                                        (Thơ Nôm, bài 112)( )                                                                      
Chúng ta thấy phong cách tư duy nghệ thuật của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khác Nguyễn Trãi. Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn sâu vào các ngóc ngách của xã hội để nhận diện bức tranh phức tạp của xã hội. Bức tranh ấy diễn ra một cách tự nhiên bởi nó là bức tranh xã hội có thực.
Vì tư duy thế sự nên nhìn được vào tâm lý con người rất sâu:
 Giàu trọng, sang yêu, khó chẳng vì.
 Nhị kết hoa thơm, ong đến đỗ,
 Mỡ bùi mật ngọt, kiến nào đi.
 Thanh tao, của có, thanh tao bấy,
 Náo nức, tay không, náo nức gì?
 Mặc rủi, mặc may, khi gặp dịp,
 Khen chi, chê bấy, ghét mà chi.
                                                                       (Thơ Nôm, bài 82)
                     Người ta bằng mặt chẳng bằng lòng,
             Đo đắn cho hay sự sá phòng.
             Lưỡi thế gẫm xem, mềm tựa lạt,
             Miệng người toan lại, sắc như chông.
                                                          (Thơ Nôm, bài 127)
 Đặc điểm thứ ba là do cái nhìn thế sự, cái nhìn khám phá tâm lý sâu sắc, do xã hội phức tạp, có công, có thương, buôn bán phát triển, nên văn học nhìn thấy tiếng va xiết của đồng tiền. Đây chính là giai đoạn bắt đầu nói đến vai trò của đồng tiền. Cũng chính Nguyễn Bỉnh Khiêm xác nhận vai trò đồng tiền như một tiếng động lạ, vang lên cái âm thanh đáng sợ của nó:
 Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền
              (Thơ Nôm, bài 5)       
Đồng tiền hiện ra với tất cả vẻ quỷ quyệt khinh người. Nó có đủ sức mạnh làm tha hóa xã hội. Nhưng bên cạnh đó nó cũng có mặt tích cực mà Nguyễn Bỉnh Khiêm có nói đến: “Kẻ khó nhờ ơn, có kẻ giàu” (Thơ Nôm, bài 59). Trong Nguyễn Dữ, Trọng Quỳ vì đánh bạc mà phải gán vợ chứng tỏ vai trò của đồng tiền đã tác động đến nhiều mặt đời sống, chi phối hạnh phúc con người.
Một đặc điểm nữa của văn học thời Mạc không thể không đề cập là nó đa thanh, không chỉ một giọng. Phải ở thời kỳ một bậc thánh minh ở tận trên cao, còn mọi người đều nem nép ngưỡng lên nhìn thì mới là văn học một giọng. Còn bây giờ bậc thánh minh đã được hạ xuống rồi và con người nhìn cuộc đời bằng cái nhìn bình đẳng, tự chủ, nhìn thẳng vào nó thì không còn văn học một giọng nữa mà phải là giọng của đối thoại. Tính đối thoại xác lập màu sắc dân chủ của văn học, và chính triều đại Mạc mang lại cho văn học. Trong Truyền kỳ mạn lục, Hồ Tông Thốc khi đi sứ sang Trung Quốc ghé đền Hạng Vũ trên hồ Động Đình làm một bài thơ có ý chê trách Hạng Vương 5 năm ngang dọc cuối cùng phải chết. Đêm đó bộ hạ của Hạng Vũ nổi lên triệu ông này xuống nước. Thế nhưng không phải triệu xuống để trừng phạt như các truyện dân gian khác, mà là triệu xuống để tổ chức cuộc đối thoại giữa Hạng Vũ với Hồ Tông Thốc. Trong khi Hạng Vũ ca ngợi mình, khẳng định mình đã làm nên nhiều công nghiệp lớn không kém gì nhà Hán thì Hồ Tông Thốc chỉ nhấn có một điểm thôi. Ông làm được rất nhiều chuyện thật, nhưng chuyện chữ nhân thì ông thiếu. Chính đó là cái thiếu lớn nhất và làm cho ông sụp đổ. Hạng Vũ nghe đến đâu mặt tái đi đến đấy. Nhưng có một người bộ hạ của Hạng ở bên cạnh, muốn cãi cho chủ bèn bàn góp vào, rằng: nói như Hồ thực ra cũng chưa thật thoả đáng, bởi Hán Cao Tổ chữ nhân cũng đâu có  Hán Cao Tổ đã giết rất nhiều nhân mạng và tàn bạo còn bằng mấy, chứ Hạng Vương vẫn được Ngu Cơ tuẫn tiết theo mình, nghĩa là còn có người yêu mình đến cùng. Cuối cùng Hồ Tông Thốc cũng thừa nhận điểm khả thủ đó của họ Hạng. Phải nhìn Hạng Vũ như thế mới thật công bằng. Quả tình ở đây đã diễn ra một cuộc đối thoại dân chủ và nhà văn để cho người đọc từ trong đối thoại mà tự mình tìm ra chân lý. Không thể nói khác rằng đây chính là một cống hiến đáng kể của văn học thời Mạc.
Một đặc điểm cuối cùng góp thêm sức nặng cho văn học Mạc là thời đại này đã bước đầu xây dựng nên hình tượng con người tự do. ở thời đại Lê sơ vì lực hút của Triều đình phong kiến, Nho giáo độc tôn mạnh, nên gần như hút về tâm là quỹ đạo chủ đạo. Đến một Nguyễn Trãi vĩ đại là thế mà khi bị ruồng rẫy về Côn Sơn bao giờ lòng cũng đau đáu nghĩ đến vương triều, hễ được vời ra thì ra lại ngay. Đến thế kỷ XVIII lại có một hiện tượng ngược lại là người ta bỏ chạy khỏi Triều đình, bỏ chạy để về sống ẩn, chỉ có mình với mình. Đây là thời đại ly tâm. Vào thời đại Mạc thế kỷ XVI thì khác, người ta không bị hút về tâm nữa nhưng cũng không hẳn ly tâm, nhờ đó tạo nên chính sự tự chủ cho người thức giả. Mình muốn ra thì ra, muốn về thì về, biểu trưng rõ nhất là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Bỉnh Khiêm ra thi với Mạc rồi sau 7 năm, thấy cần phải xuất thế ông bèn chủ động rút lui, bấy giờ Mạc vẫn chưa suy thoái. Về một thời gian ông lại ra giúp. Chính phong thái thung dung chủ động kia đã tạo nên tiếng nói tự do, tự tại trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm và thơ văn của rất nhiều người như Nguyễn Hãng, Nguyễn Dữ… Dòng mạch tư duy tự do tự tại quy tụ nên hình tượng con người không bị lệ thuộc trăm phần trăm vào quyền lực nữa mà ít hay nhiều đã là con người giải thoát. Cần phải thừa nhận rằng trong cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm có một phương diện gọi là tự tại. Nhàn ở đây không là ẩn, chưa phải xã hội thối nát đến mức mình không thể chấp nhận nổi mà trở về chăm nom vài luống cúc, hoặc lẩn trốn vào cửa Thiền, hoặc tìm quên trong thú vui cần câu, chén rượu. Nhàn, bởi mình cảm thấy phải làm chủ cuộc sống của mình, cho nên tự mình trở về an nhàn nghỉ ngơi. Nhưng khi nhà Mạc kêu gọi đi đánh bọn phản loạn thì Nguyễn lại hăng hái ra giúp. Nhàn trong trường hợp này là nhàn tự tại. Nhàn tự tại chính là nét khác với nhàn ở nhiều thời đại khác là thứ nhàn chỉ muốn lánh đục, lánh Triều đình, “dũng thoái”. Nhàn tự tại không cố chấp mà hồn nhiên hơn.
Trở lên là mấy đặc điểm về mặt nội dung của văn học triều đại Mạc. Còn nói đến đặc điểm về mặt nghệ thuật, thì văn học thời này cũng có một số hiện tượng mới, không thể bỏ qua. Thơ Nôm đến Nguyễn Bỉnh Khiêm là sự thừa kế Nguyễn Trãi và về một mặt nào đấy còn được nâng lên. Thơ Hán có những thể tài mà Nguyễn Bỉnh Khiêm phải làm một bài dài đến 300 câu mới diễn đạt hết ý, như bài Thương loạn. Thơ chữ Hán do đó cũng ít nhiều có biến chuyển khác trước. Quan trọng hơn cả là thể truyện được thể nghiệm từ những tập truyện buổi đầu vào thời Lý - Trần, lượm lặt từng mẩu thần tích và truyền thuyết dân gian, rồi đến thời Lê sơ, tập Thánh Tông di thảo đã nhanh chóng thoát khỏi cái vỏ thần tích, trở thành một tập truyện có kết cấu chặt chẽ, cốt truyện nhiều tình tiết gắn bó móc xích, vẫn là truyện kể nhưng cá biệt có nút thắt đưa đến cao trào. Và sang thời Mạc thì bỗng kết tinh được một tập truyện cổ điển là Truyền kỳ mạn lục, về hình thức có thể so sánh với bất kỳ tập truyện truyền kỳ xuất sắc nào ở phương Đông. Ngoài ra, phú Nôm cũng là một thể loại nở rộ và mang một sắc thái khác trước. Phú Nôm hầu như không còn giọng khoa trương, trang trọng, ca ngợi đấng chí tôn, trái lại chuyển xuống cung bậc bình dân, giọng trào lộng len lỏi dần vào ngôn từ mực thước, lời lẽ thông tục được bác học hoá. Có thể nói phú Nôm thời Mạc đánh dấu bước đặt nền móng khá căn bản của ngôn từ tiếng Việt trong thể phú Việt Nam. Ngoài phú Nôm, còn có những tập truyện dài, truyện Nôm đã bắt đầu xuất hiện mà Tô công phụng sứ là một trong những tác phẩm có khả năng ra đời vào thời Mạc, bởi nó gắn bó với câu chuyện Lê Quang Bí đi sứ đến 18 năm. Tập truyện Nôm này kể về một nhân vật Trung Hoa đời Hán cũng đi sứ đến 19 năm dưới hình thức những bài thơ độc thoại nội tâm, dễ ngờ rằng chính Lê Quang Bí là tác giả. Dù sao, đây vẫn là dạng truyện Nôm tập hợp các bài thơ Đường luật chứ chưa có truyện Nôm lục bát   hay nếu có như Lạc Xương phân kính cũng đã mất   tuy rằng lục bát và song thất lục bát đã có mặt, bởi vì Hoàng Sĩ Khải đã viết cả một bài Tứ thời khúc vịnh bằng song thất lục bát…
Vậy xét về thể loại, thời Mạc có những bước tiến, có những đóng góp cụ thể.
Nói chung, với những nguồn tư liệu mới được phát hiện từ mấy chục năm nay, với các phương pháp tiếp cận hiện đại giúp cho ta có một cái nhìn nhiều chiều cạnh so với trước, với không ít đổi mới trong cách đánh giá Vương triều Mạc trong lịch sử, văn học thời Mạc cũng cần được xem xét lại thật thích đáng, là một thời đại văn học đáng kể cả về số lượng cũng như thành tựu nội dung và nghệ thuật. Điều rất có ý nghĩa là văn học dưới thời đại Mạc đã xuất lộ một số yếu tố đánh dấu sự chuyển biến đúng hướng của văn học dân tộc ngày càng tiến gần đến hai khuynh hướng bình dân và hiện thực.
Tuy nhiên, do biến động của thời đại, do sự đối xử hẹp hòi của nhà Lê Trung hưng sau đó, do sự nghèo nàn về tư liệu, sự thụ động của nhiều nhà nghiên cứu hiện đại, văn học Mạc đã bị đối xử không công bằng, chưa được xếp đúng vị trí của nó trong các giáo trình, sách giáo khoa, công trình khảo cứu văn học...
Cùng với chiều hướng đang thay đổi trong cách nhận thức lại nhà Mạc của giới sử học nước nhà, giới nghiên cứu văn học còn có nhiều việc phải làm để khôi phục diện mạo cho văn học thời Mạc và xem xét các giá trị của nó đối với tiến trình phát triển của văn học dân tộc.
                              
                                                                 Tháng 6 - 2009  Tháng 8 - 2011
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập IV, Cao Huy Giu dịch, NXB Khoa học xã hội in lần thứ hai, H., 1973; tr. 118.
(2) Theo Bùi Duy Tân trong Văn học Việt Nam   Thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII, Tập II, 1979, Sđd; tr. 24 thì còn một lực lượng sáng tác phải kể đến là Nho sĩ bình dân.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập IV, Cao Huy Giu dịch, NXB Khoa học xã hội in lần thứ hai, H., 1973; tr. 126
(4) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập IV, Cao Huy Giu dịch, NXB Khoa học xã hội in lần thứ hai, H., 1973; tr. 126.
(5) Nay còn lại 66 bài, được người đời sau chép chung trong tập sách mang tiêu đề Tư hương vận lục 思 鄉 韻 錄›. A. 699.)
(6) Những điều nói ở trên chỉ là truyền thuyết, chính sử không ghi. Nếu tính niên đại thì năm Giáp Ngọ (1534) là năm Mao Bá Ôn đem quân áp át biên giới, Giáp Hải vẫn chưa đi thi. Bốn năm sau ông mới đỗ Trạng nguyên. Nhưng Mao Bá Ôn vẫn còn ở bên kia biên giới, mãi đến 1541 mới dâng biểu về Yên Kinh phong chức cho Mạc Đăng Dung, vậy nên rất có thể Giáp Hải sau khi thi đỗ đã được sung vào công việc ngoại giao vất vả của Triều đình Mạc thuở bấy giờ và có giao thiệp với Mao Bá Ôn. Hai bài thơ xướng hoạ như sau. Xướng: Tuỳ điền trục thuỷ mạc ương châm - Đáo xứ khan lai thực bất thâm - Không hữu căn miêu không hữu diệp - Cảm sinh chi tiết, cảm sinh tâm - Đồ chi tụ xứ ninh chi tán - Đãn thức phù thời ná thức trầm - Đại để trung thiên phong khí ác - Tảo quy hồ hải tiện nan tầm (Mọc theo ruộng nước hóp như kim - Trôi dạt lênh đênh chẳng đứng im - Nào có gốc sâu, nào có lá - Dám sinh cành nhánh, dám sinh tim - Tụ rồi đã chắc không tan tác - Nổi đó nào hay chẳng đắm chìm - Đến lúc trời cao bùng gió dữ - Quét về hồ bể hẳn khôn tìm). Hoạ: Cẩm lâm mật mật bất dung châm - Đái diệp liên căn khởi kế thâm - Thường dữ bạch vân tranh thuỷ diện - Khẳng giao hồng nhật truỵ ba tâm - Thiên trùng lãng đả thành nan phá - Vạn trận phong xuy vĩnh bất trầm - Đa thiểu ngư long tàng giá lý - Thái công vô kế hạ câu tầm (Ken dày vải gấm khó luồn kim - Rễ lá liền nhau, động vẫn im - Tranh với bóng mây che mặt nước - Chẳng cho tia nắng rọi xuyên tim - Sóng dồi muôn lớp thường không vỡ - Gió táp ngàn cơn cũng chẳng chìm - Nào cá nào rồng trong ấy ẩn - Cần câu Lã Vọng biết đâu tìm) (Theo Vĩ nhân Online: Giáp Hải  Bài thơ Vịnh bèo).
(7) Dựa theo ghi chép trong Công dư tiệp ký, phần Tục biên của Trần Quý Nha 陳 季 衙, A. 44. Bản dịch Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Thế Nghi hiện còn lưu dưới tên Tân biên Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú 新 編 傳 奇 漫 錄 增 補 解 音 集註, Xã trưởng xã Liễu Chàng khắc bản vào năm Cảnh Hưng 35 (1774).  ).
(8) Hiện còn tập thơ mang tên Lê triều khiếu vịnh thi tập. A. 315, gồm 88 bài. Hai chữ “Lê triều” là do người sau đặt thêm, cũng phản ánh tâm lý bài Mạc, bởi Hà Nhậm Đại chỉ vịnh các nhân vật lịch sử thời Lê sơ.
(9) Nhưng cũng có thuyết cho ông là người cùng thế hệ chứ không phải học trò.
(10) Các bài thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm trích trong bài này đều được đánh số thứ tự  theo sách Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, NXB Văn học, H., 1983.