Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÂU THƠ TRƯỚC SÓNG

Nguyễn Phước Giang
Chủ nhật ngày 4 tháng 9 năm 2011 8:43 PM

       Có lẽ câu thơ lục bát là chứng chỉ thông hành cho con người Việt Nam đến với lĩnh vực thi ca. Câu thơ mộc mạc tha thiết từ làng quê, trong lời ru của mẹ, trong ca dao dân ca, đã theo suốt cuộc đời mỗi con người Việt Nam. Trải qua những hưng phế, binh đao của lịch sử dân tộc, thơ lục bát vẫn trường tồn, và hôm nay trong sự hội nhập với thế giới đương đại, biết bao đổi thay, lột xác trong mọi lĩnh vực. Vậy thơ văn, một hình thái của ý thức xã hội cũng không tránh khỏi điều đó. Nhưng thơ lục bát vẫn nguyên vẹn với tryền thống của nó, cho dù đã có một chút động  cựa, cách tân. Nhưng có lẽ chỉ trong cách nhìn nhận, biểu đạt về nội dung tư tưởng còn hình thức thì vẫn giữ nguyên.
       Đến với thơ lục bát là đến với chính mình, còn đi với nó, để nuôi dưỡng tâm hồn cho những sáng tác trong chặng đường thơ ca, thì đấy là điều dấn thân nghiệt ngã, nhưng nó có sức đam mê quyến rũ và cả những vinh quang cho người cầm bút. Nhà thơ Trịnh Anh Đạt đã lựa chọn con đường ấy. Anh làm thơ, và chủ yếu là thơ lục bát. Tôi được biết anh một người đàn ông xứ Thanh,, quê Hà Trung đã đi suốt chiều dài thời đạn bom, binh lửa và hôm nay đang ở đây, nơi đầu sóng ngọn gió làm nhà doanh nghiệp, nghe vậy thôi cũng đã thực thơ rồi, vì nó ngồn ngộn chất liệu cuộc sống dễ mấy ai có được. Tôi tin anh một tâm hồn thơ đích thực và hơn nữa trong anh vẫn còn giữ được mạch sống quê hương nên anh đến với thể thơ truyền thống là lẽ đương nhiên!
      Đọc thơ Trịnh Anh Đạt tôi ngợp vào những năm tháng đã đi qua mà bản thân mình cũng cảm thấy còn phải nợ nần quá vãng. Điều đó phải chăng là sự chia sẻ lớn nhất khi anh cầm bút làm thơ. Cùng trang lứa với chúng tôi, khi rời ghế nhà trường anh bước vào cuộc chiến tranh  và bằng trực cảm anh nhận ra “: Chiến tranh như trận cháy rừng…” Mà đã cháy thì phải dập tắt lửa, không thể đứng ngoài cuộc được, điều ấy thật giản dị. Để rồi sau chiến tranh gặp cái người bên kia chiến tuyến cũng vì duyên thơ mà anh thốt ra tự đáy lòng mình “: Anh từ Texas về đây/ Bạn thơ dang rộng vòng tay đón chào/ Bỏ qua thủ tục ngoại giao/ Toàn thằng lính trận thuở naò choảng nhau!...” Đấy là một tâm hồn rộng mở bao dung, anh không dối lòng mình được, dù những năm tháng đó để lại trong anh rất nhiều trăn trở. Từ một dòng sông, bến nước, con đò, đến một cánh rừng nơi đồng đội anh nằm lại, về mái trường xưa có người bạn cũ không về, rồi  đến lời hẹn thề của mối tình dang dở . Vâng đám cháy rừng đã tắt, màu xanh đã trở lại. Về với đời thường nhật mà anh vẫn canh cánh bên lòng những nghĩa tình chưa trả được. Thơ anh như cục than hồng âm ỉ qua tháng năm, không ầm ĩ mà lắng đọng như muối mặn, như gừng cay mà da diết với cuộc đời. Anh viết về mẹ, về vợ con, về bạn bè và những người chợt gặp trong đời. Anh băn khoăn cả với một ông hàng xóm còn nghèo “: Khổ công tích cóp suốt đời/ Mà đang nghèo khó giữa tôi sang giầu…” Và xót xa cho cái người phải bỏ quê hương, lang bạt xứ người vì bát cơm manh áo… Như vậy  ý thức chủ đạo trong những sáng tác của Trịnh Anh Đạt đều hướng về con người đúng theo chủ nghĩa nhân văn mà thiên chức văn học đã đề ra, vì thế nó có chỗ đứng trong lòng độc giả. Anh không tưng tửng làm thơ, hoặc phởn lên khi đã đủ đầy để làm câu chữ cho tỏ ra một cái gì đó mà người đời hôm nay đang sính làm. Thơ anh hướng nội, sau những  trải nghiệm tháng năm, để nhìn lại mình, để cùng với mọi người sống tốt đẹp hơn ở cuộc đời này. Qua bốn tập thơ của anh đã có những thành công. Tôi thiết nghĩ: Mọi cái sẽ đổi thay,, dẫu đó là cảm xúc. Trong thơ anh có bài “Rau má” là một bài hay, nhiều người nằm lòng, tôi không bàn thêm. Nhưng chỉ biết cây rau má xứ Thanh giờ cũng thay đổi thân phận rồi, nó đã lên hàng đặc sản, Hà Trung quê anh vườn nhà nào cũng mướt một màu xanh rau má. Nói như vậy là muốn anh tiệm cận với ngày hôm nay để khỏi ngỡ ngàng như trong một ý thơ anh viết “: Ôi! Thời hiện đại đây sao/ Thà rằng vơ quách phoi bào làm thư!...”
       Thơ lục bát Trịnh Anh Đạt nhuần nhị, giầu hình ảnh và thực lòng. Anh viết trong sự tuôn trào cảm súc, không gò gẫm, không cố làm cao diệu những ý tứ cần chuyển tải, không lớp lang thâm trầm kiếm cái này để nói cái kia. Có lẽ vì thế thơ anh gần gũi với độc giả, đi thẳng vào lòng người như tính cách người xứ Thanh vậy. Trong anh cứ ngợp lên nỗi niềm “: Viết ngồi viết đứng viết nằm/ Hàng lên lối xuống như tằm nhả tơ…” Mà sao cũng thấu đạt những suy nghĩ liên tưởng, khái quát cao như bài “ Uống nước chè xanh ở núi Đối” “: Chỉ là ấm tích giỏ nan/ Vị chè núi Đối mà làm nên quê/ Cho người đi kẻ trở về/ Trước sông trước núi lặng nghe lòng mình…” Xưa nay vẫn có quan niệm rằng thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay, nhưng với tôi xin được nghĩ ngược lại là thơ lục bát khó làm nhưng dễ hay. Bởi vì khi nói đến thơ lục bát thì trước tiên người ta phải mặc nhiên công nhận đấy là thơ đã, mà thơ thì khó chứ, dễ thì thành ca dao hò vè, những câu chữ vô hồn có vần điệu. Phải vắt hết mình ra mới có được và cao diệu hơn, trời cho thì mới được…Thơ lục bát như hình họa trong hội họa, hình họa có vững bức tranh mới đứng được cho dù cách tân, cách điệu hoặc trường phái này trường phái nọ.
         Lục bát Trịnh Anh Đạt ấn tượng bởi anh đã tạo ra một lối riêng, một giọng điệu riêng, độc giả dễ nhận ra thơ anh bởi cách gieo vần đặc biệt thường có trong tác phẩm, đó là cách gieo vần vào các điệp từ, liên từ để tăng hiệu quả của câu thơ lục bát, mà nhiều nhà thơ nhà lý luận phê bình đã đề cập trong bài viết của mình. Tôi chỉ xin trình bày một chút ý kiến cảm nhận của riêng mình: Theo luật bằng trắc thì câu 6 và câu 8 thường được chia nhịp ở các cụm từ có 2, 3 hoặc 4 âm tiết và âm thứ 6 của câu trên sẽ gieo âm thứ 6 của câu dưới, đồng thời câu dưới cũng ngắt nhịp ở đây, để nhịp cho hai âm cuối chuẩn bị bắt vào câu kế tiếp. Thí dụ: Qua đình/ ngả nón/ trông đình/ Đình bao nhiêu ngói// thương mình/ bấy nhêu. Nhưng  trong thơ lục bát Trịnh Anh Đạt cấu trúc nhịp đó đã bị bỏ qua, tạo ra những biến điệu khi anh gieo vần vào từ đầu của điệp từ hay những từ láy đó. Xin dẫn ra đây vài ví dụ khi anh viết về mẹ: Lưng còng mái tóc phai sương/ Cạn ngày ánh mắt nhìn vương vướng rồi… hoặc: Khuyết trăng rồi lại tròn rằm/ Tháng qua năm hết cứ thăm thẳm buồn… Viết về đồng đội thì: Ngang qua cuộc chiến lâu rồi/ Ngay rằm mồng một cứ vời vợi trông… hay: Trường Sơn khuyết một lần trăng/ Mãi còn cánh võng xanh giăng giăng chờ… Khi đọc lên nghe miến miến da diết hơn, tăng được hiệu quả của câu chữ và tạo được xúc cảm cho người đọc, điều này hiếm gặp ở những bài thơ lục bát… Như tôi đã nói thơ anh có những phác họa hình ảnh rất sắc nét,vì vậy nó bám vào trí nhớ người đọc: Bương luồng xanh bến sông Lèn/ Dô tà dô tá đan chen nhịp hò…rất xứ Thanh!
        Trịnh Anh Đạt đã đi qua một chặng đương thơ khá dài, từ lúc anh còn là người lính và hôm nay trước thương trường, nói như ai đó vẫn là một chiến trường, anh phải đối mặt để tồn tại. Những gánh nặng cuộc đời hẳn vẫn đè nặng trên đôi vai người thương binh ấy, nhưng anh vẫn đến với thơ ca và chọn thơ lục bát là hướng đi chính yếu cho những sáng tác của mình. Anh đã có những thành công nhất định, được đông đảo bạn đọc gần xa đón nhận. Xin chân thành chúc mừng anh, mong anh có nhiều tác phẩm đặc sắc hơn nữa cho người yêu thơ nơi mảnh đất đầu sóng ngọn gió này, mà anh tự nhận là quê hương thứ hai của mình.
   N.P.G