Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỜI TUÔN NƯỚC MẮT, TRỜI TUÔN MƯA*

Uông Triều
Thứ sáu ngày 2 tháng 9 năm 2011 5:48 PM

Không hiểu sao cứ nghĩ đến chiến tranh tôi lại nhớ đến câu thơ đó. Nước mắt và chiến tranh có gì liên quan tới nhau, tôi chẳng giải chứng rõ ràng được, nhưng nước mắt chắc hẳn không xa với bom đạn, đau thương và uất ức là mấy. Chiến tranh đã đi qua, từ lúc tôi còn chưa sinh ra, nhưng hình ảnh những trái bom bi không nổ xếp thành từng vỉa ken dầy như những ổ trứng sắt trơ trọi ở nằm sát vịnh Hạ Long và hình ảnh nhà máy điện Hòn Gai bị bom Mỹ đánh cho nát nụn, tụt xuống một khối màu vàng ảm đạm, khô khốc, cứ ám ảnh tâm trí tôi. Chiển tranh đã về quá khứ, chúng tôi không thể nào cảm nhận được hết sự mất mát, đau thương của nó, đọc những trang văn của Bảo Ninh bỗng thấy ớn lạnh thân mình, tàn khốc và mất mát. Không thể tin được là thế, nhưng chiến tranh là thế. Những cuộc chiến đi qua, có những vết thương không tài nào hàn gắn cho nguyên vẹn được, thấy chiến tranh ở Afganistan, Libya, nội chiến vùng sừng châu Phi…những em bé đói khổ, ốm yếu đang chết đi từng giờ, từng phút nhưng đôi mắt vẫn lồi ra quá cỡ, trân trân nhìn lên thế giới, khiến cho lương tâm phải lay động, nhân tri phải tự vấn.
  Khi vào thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh, nhìn những bức ảnh ghê rợn đẫm máu, không thể hình dung nổi chiến tranh mới qua gần đây thôi, những trải nghiệm về chiến tranh với những người trẻ chúng tôi có thể chưa nhiều và chỉ qua những hình ảnh gián tiếp, nhưng ấn tượng về chiến tranh thì mạnh mẽ và ám ảnh. Chắc không ai muốn một ngày nào đó chiến tranh lại xảy ra nơi đây, những người trẻ đầu hơi xuống thấp, rưng rưng, lặng đi, khi đứng trong nghĩa trang Trường Sơn, thấy vô vàn những tấm mộ liệt sỹ ngời ngời trắng tuổi trẻ. Cảm nhận của những người trẻ chúng tôi hôm nay, một thế hệ hậu chiến, những nhà văn cầm bút khi chiến tranh đã lùi xa, có thời gian bình tĩnh hơn để nhìn lại, trải nghiệm những gì của ngày đã qua, về chiến tranh, khó thốt thành một lời chuẩn xác. Chúng tôi may mắn không phải trải qua những giờ phút đau thương, mà tột cùng cảm giác con người có thể chứng kiến được.
Người ta vẫn lo lắng rằng người trẻ đang thờ ơ với đất nước, với thời cuộc, tôi tin rằng không phải vậy. Chỉ nhìn những gì mới diễn ra ngoài khơi xa, mỗi người trẻ đều thấy cồn cào không yên. Tổ quốc là thiêng liêng, từng tấc đất, hòn đá không dễ gì chia sẻ, không thể chia sẻ. Ai đó từng nói rằng khi người ta rơi vào một hoàn cảnh, một tình thế buộc phải chọn lựa quyết liệt thì ý chí mãnh liệt, tình yêu thương tưởng chừng như đã bị những thứ tầm thường đè nén cho bẹp rúm bỗng bừng bừng trở lại.
Trong kí ức của tôi, ngày Quốc khánh những năm tuổi thơ thường có mưa, mưa như nước mắt. Cả nhà tôi quây quần hồi hộp xem tường thuật lễ diễu binh ở Hà Nội qua màn hình tivi đen trắng, cảm giác lâng lâng khi thấy đoàn hùng binh kiêu hùng diễn qua lễ đài trong một chủt mưa như nước mắt của một niềm vui xúc động quá mà trào ra. Đừng nghĩ rằng chúng tôi không khóc, không có cảm xúc khi thấy màu cờ sắc áo của mình đứng ở vị thế quá khiêm nhường trước bạn bè, hay niềm vui chợt vỡ òa khi biết Ngô Bảo Châu mang niềm tự hào về cho Tổ quốc, điều bấy lâu giới trẻ vẫn chờ mong, chờ đợi quá lâu rồi. Có nước mắt của những phút giây hạnh phúc, uất ức, bất lực vì mình chưa đủ mạnh để không phải quá sợ hãi, quá khiêm nhường, rụt rè đứng ở một vị trí khiêm tốn. Nước mắt của thôi thúc, dằn mình. Tháng Chín mưa như nước mắt, tiếc thương, tự hào về niềm vui chiến thắng và một chút ngậm ngùi của những gì còn phải chờ đợi thêm nữa. Trong mưa nhè nhẹ kia, cờ vẫn bay rần rật, chợt nhớ câu thơ về nước mắt, nước mưa của trời đất,  con người nhưng hôm nay đã ở những vị trí khác, tâm trạng khác. Không khóc khi cảm thấy mình bất lực, yếu đuối thì chưa hẳn đã có lương tâm. Và một người nữa không thể không nhắc tới trong ngày mưa tháng Chín, xin được tôn kính hướng lên Ba Đình.