Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

AI LÀ TÁC GIẢ "HIỂU ĐỜI"

Trần Quốc Thường:
Thứ sáu ngày 2 tháng 9 năm 2011 7:16 PM
 
•    Sau khi  Trannhuong.com đăng bài Lan man về tuổi thọ của tôi.  Nhờ ông Dương Đức Quảng đăng bài mách hộ, tôi mới biết tác giả của bài Hiểu đời là của Dương Trạch Tế qua bản dịch của nhà văn Trang Hạ. Trước đây không chỉ riêng tôi mà hầu hết người Việt Nam ta đều coi bản dịch của ông Lê Thanh Dũng là của nguyên thủ t ướng Trung Quốc Chu Dung Cơ. ( V ì các blog, các bản poto đều viết nh ư  thế).
•  Ngày 2/9 nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có gửi mail cho tôi ghi lời nhắn của  TS Lê Thanh Dũng.  Tôi xin đưa phần trả lời ấy và 1 số thông tin lên để mọi người cùng xem.   
      *Ông (Lê Thanh Dũng) là tiến sĩ trong ngành bưu chính viễn thông nhưng lại rất mê văn chương và đã có hàng chục đầu sách dịch. Ông hay suy ngẫm và đưa ra những câu triết lý vui vui nhưng sâu sắc. Ông chính là người dịch Tâm sự tuổi già hiện đang được nhiều người chuyền tay nhau đọc.
* Ông Nguyễn Trọng Tạo gửi cho tôi  Thư Tiến sĩ Lê Thanh Dũng trả lời    (2/9/2011)
Rất cám ơn bạn Quốc Thường đã quan tâm. Xin được trả lời như sau:
Tôi chưa bao giờ nói là của Chu Dung Cơ. Đó là ai đó ghép thêm vào mà thôi.
Xin xem: HIỆN TƯỢNG LẠ VỀ MỘT BÀI BÁO NGẮN
Được đăng bởi nguyentrongtao vào lúc: 6:36 sáng ngày 08/10/2010 của TRẦN HUY THUẬN, trong đó có đoạn viết:
...Theo chúng tôi hiểu, cho đến nay, chưa ai xác định được tác giả đích thực của bài viết nổi tiếng đó là ai. Một vài trang web có viết rằng đó là của Chu Dung Cơ, nhưng đấy có lẽ chỉ là sự võ đoán. Bản thân dịch giả Lê Thanh Dũng cũng nói rằng, ông được một người bạn gửi cho nguyên bản tiếng Trung Quốc, thấy hay thì ông dịch. Dịch xong đặt tên là HIỂU ĐỜI. Sau lại đổi thành “Tâm sự tuổi già” rồi “Triết lý tuổi già” và gửi cho một số bạn bè thân quen. Không lâu sau đó không biết ai đưa lên báo – những báo nào, dịch giả cũng không quan tâm, thấy bài dịch của mình có ích mọi người ưa thích và đồng cảm thì mừng, đơn giản thế thôi. Dịch giả nói thêm rằng sau khi nhiều báo đăng là của Chu Dung Cơ, ông đã vào mạng Trung quốc để tìm, trang web “BAI DU”, nổi tiếng như Google của Trung Quốc có đăng bài này dưới nhiều dạng khác nhau nhưng tuyệt nhiên không thấy nêu tên tác giả, ngoài ra ông còn gửi thư riêng hỏi các bạn Trung quốc, họ cũng không biết. Vậy tác giả là ai? Dịch giả nói rằng, với ý thức tôn trọng sự thật, ông vẫn bỏ ngỏ câu trả lời chứ không khẳng định, biết đâu người khác có những thông tin mà ông không có. Nhưng trên hết, đó không phải là điều dịch giả bận tâm.
Còn về bài viết của Trang Hạ, đăng trên blog trannhuong.com tôi (LTD) đã đọc. Tôi nghĩ mục đích chính là gửi một thông điệp vui vẻ nhẹ nhàng về triết lý nhân sinh, không ngờ nảy sinh chuyện văn chương mà có đáng gì đâu. Nhưng đã nói thì nói cho hết nhẽ. Nếu ai đó phải xấu hổ về bài dịch của mình thì người đó không phải là tôi. Nếu cần thiết, xin bạn đặt song song các bản dịch khác nhau và rà soát từng câu chữ để chọn ra bài nghiêm túc nhất theo chuẩn TIẾNG VIỆT. Tôi cũng sẵn sàng gửi bản tiếng Trung (bản của tôi nhận được) để ai đó cần đối chiếu. Tôi đã mail bức thư riêng đến anh Trần Nhương xung quanh bản dịch của tôi, bức thư đó là thư tâm sự bạn bè giữa anh Trần Nhương và tôi chứ không phải để post lên mạng.
Nhân tiện xin trích đoạn trả lời phỏng vấn của tôi với Báo KH&ĐS (đăng trên Bee,net,vn 20/06/2010 08:24:07  - Nhật Minh thực hiện):
…Từ đâu mà ông có bản Tâm sự tuổi già hay như thế?
Tôi được một người bạn ở Trung Quốc gửi cho bản tiếng Trung. Mình đọc thấy hay nên dịch ra rồi gửi cho mấy người bạn thân. Sau đó cứ người nọ gửi cho người kia, rồi nghe nói có báo đăng lại. Tôi cũng không ngờ bản dịch của mình được hưởng ứng như thế. Tận trong TP.HCM cũng có nhiều người đọc, rồi gọi điện hỏi...
 
Sao bản dịch lại có tên là Tâm sự tuổi già và có nơi lại là Hiểu đời?
Bản gốc của nó có tên là Tịch dương tự ngữ (lời nói lảm nhảm lúc xế chiều). Đây là cách nói nhún mình của người Tàu. Giống như: Bỉ nhân, tệ xá, tiện nữ... vua còn tự xưng quả nhân (người cô  độc)...Phía dưới tít lại có một hàng chữ nhỏ “nan đắc minh bạch” (khó mà rõ ràng). Nó có nghĩa là những lời nói lúc xế chiều có thể là những lời lảm nhảm khó nghe cho rõ. Nhưng nó cũng có nghĩa là cao siêu khó mà hiểu cho hết. Nếu dịch ra như thế thì phải giải nghĩa nên lúc đầu tôi dịch là "Hiểu đời", rồi "Triết lý tuổi già", sau để là "Tâm sự tuổi già" cho giản dị và thấy cũng thỏa đáng. …
Vậy là cái “tít” TÂM SỰ TUỔI GIÀ là của tôi (LTD), ai dùng nó là mượn của tôi đó. (Vui thôi mà, một lần nữa cám ơn bạn Quốc Thường)
*Nhà văn Trang Hạ viết:
    “Những dòng tâm sự về đạo lý con người này do một blogger Trung Quốc sinh năm 1937 tên là Dương Trạch Tế viết ra, khi viết, ông tròn 71 tuổi. Vốn tốt nghiệp ngành hàng hải năm 1960, phục vụ trong quân đội của Trung Quốc suốt 40 năm mới nghỉ hưu, tuổi già sống trong bệnh tật. Bạn già của Dương Trạch Tế nhận xét, ông là một người khiêm tốn.
    Điều đáng chú ý là, entry “tâm sự tuổi già – đôi điều cảm ngộ” này được lưu truyền tại Việt Nam và được rất nhiều bạn đọc thích thú, tâm đắc, nhưng lại mang tên tác giả là cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ. Nhiều người tích cực lưu truyền, in ra giấy phân phát cho nhiều người già tại các thành phố với lời dặn dò, đây là lời dặn của cựu thủ tướng Chu Dung Cơ. Trong khi trên toàn bộ hàng triệu trang mạng tiếng Hoa không hề có bất kỳ một lần nào xuất hiện tên Chu Dung Cơ dưới bài này.
    Tôi cho rằng, sự nhầm lẫn này là do dịch giả hoặc độc giả Việt Nam trước đây. Thật không vui gì khi dịch lại một bản dịch đã có người làm, nhưng tôi thích trả lại sự chính xác cho văn bản này, tôi cũng không thích những sự “sửa chữa” của người dịch cũ, tôi càng mong muốn trả lại tên đích thực cho tác giả và tác phẩm. Có thể tôi khó tính, nhưng tôi có lý”.
      Dưới đây là bức ảnh Dương Trạch Tế (giữa) với những người bạn già, người ngồi bên trái chính là người đã chuyển đăng Entry “tâm sự tuổi già” của Dương Trạch Tế lên nhiều trang mạng của Trung Quốc, với mong muốn, chia sẻ tâm sự và triết lý đời người với cư dân mạng, hy vọng nhận được sự đồng cảm.
 
 
*Trần Quốc Thường:
Bản dịch của Trang Hạ sát, đúng, trung thành với nguyên tác. Bản dịch của Ts Lê Thanh Dũng dịch thoát, thoáng, ngắn gọn, hay nên dễ nhớ, d ễ đi vào lòng ng ười. Hiện nay hầu như các chi hội người cao tuổi ở Việt nam ít nhất cũng có vài bản dịch của Lê Thanh Dũng.
    Qua lời tâm sự của 2 dịch giả chắc bạn đọc đã hiểu ai là tác giả bài viết: Tâm sự tuổi già. Tôi rất mong TS Lê Thanh Dũng cảm thông chia sẻ. Tôi cũng xin cảm ơn ông Dương Đức Quảng nhà văn Trang Hạ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, TS Lê Thanh Dũng đã góp ý, giúp đỡ.