Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẾT ĐỘC LẬP

Nguyễn Duy Xuân
Thứ năm ngày 1 tháng 9 năm 2011 1:59 PM
 
Lịch sử cách mạng Việt Nam có nhiều ngày trọng đại nhưng gọi là tết thì duy nhất chỉ có ngày Quốc khánh mồng 2-9. Âu đó cũng là cách biểu hiện thái độ, tình cảm của nhân dân đối với cái ngày ghi dấu bước ngoặt đổi đời của Đất Nước, một nét văn hóa Việt thời hiện đại.
Chẳng biết cách gọi ngày Quốc khánh là tết Độc lập có tự lúc nào, nhưng ngày lễ đặc biệt này không chỉ dừng ở phạm vi một ngày kỉ niệm lịch sử. Nó còn là ngày hội, là dịp để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sum họp gia đình. Nó trở thành một ngày tết kết hợp được cả hai yếu tố cổ truyền và hiện đại.
Còn nhớ thời chiến tranh và cả thời bao cấp sau này, cuộc sống dù rất gian khổ thiếu thốn, nhưng đến ngày Tết Độc lập, ai cũng có quà, gọi là tiêu chuẩn tết. Những món quà ấy so với thời nay thật bé mọn nhưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ nó ý nghĩa biết bao. Người nhà nước thì là gói trà, bao thuốc. Ở thôn quê, hợp tác xã cũng đã chuẩn bị cho dân ăn tết bằng việc mổ trâu, mổ bò. Chẳng nhiều nhặn gì đâu, cả đội sản xuất chỉ mổ có mỗi một con bò thì lấy đâu ra làm nhiều nên phải chia theo định suất, mỗi suất hai ba lạng gì đó. Thế là trưa mồng 2-9, nhà nào cũng đụng dao đụng  thớt, đầu làng cuối xóm râm ran, kể cũng vui thật. Trẻ con chơi ngoài đường, ngày thường thì mê mải quên hết tất cả nhưng hôm nay ở đâu cũng phảng phất  mùi thịt bò kho thơm nức cho nên vừa chơi, vừa ngóng đợi người lớn gọi về ăn cơm. Quanh năm nhút với cà, chỉ có ngày tết như thế này hay giỗ chạp mới biết đến tí thịt, nên không chỉ bọn trẻ mà cả người lớn cũng thấy háo hức.
Tết Độc lập bây giờ đã khác, không còn cảnh chia thịt, phân quà nữa. Có lẽ vì đời sống đã khá hơn chăng ? Vì không còn cảnh quanh năm đợi tết để được ăn ngon, mặc đẹp ? Người ta dành ngày nghỉ lễ cho gia đình, vui chơi giải trí hoặc đi du lịch. Còn quà tết đã khác xưa cả về giá trị lẫn ý nghĩa. Bây giờ quà lại chạy từ dưới lên như vòi rồng của cơn lốc. Dưng mà không phải người dân đi quà. Công nhân các khu công nghiệp bữa ăn chỉ biết đến rau muống luộc với đậu phụ, nông dân thóc gạo cũng chỉ đủ trang trải thì lấy đâu ra dư dật để sắm quà. Mà biết tặng ai ? Chỉ có một số người thôi, lễ Quốc khánh cũng như bao ngày lễ khác trong năm là dịp may để họ tỏ lòng mình với cấp trên và nhận quà hậu hĩnh của cấp dưới.
31-8-2011
Nguyễn Duy Xuân