Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XÃ HỘI GHÉT NHẤT HAI LOẠI NGƯỜI NÀO ?

Trần Đình Trợ
Thứ tư ngày 31 tháng 8 năm 2011 10:38 PM
   Câu hỏi này đã được đặt ra nghiêm túc, ở một nơi cũng nghiêm túc.
  Nhưng, tại sao lại hỏi: Hai loại người?. Chắc người hỏi muốn có cặp đôi, để so sánh sự khinh ghét.
Nhưng đó là hai loại người nào?
Không phải: Kiểm lâm và lâm tặc!
Không phải: Phóng viên và đĩ điếm!
Không phải: Công an và kẻ cướp!
Cũng không phải: Quan chức và lưu manh !
 Và người hỏi đã cho ngay đáp án: Thầy thuốc và Thầy giáo. 
 
Một người bạn của GS Phạm Song kể lại: “GS Phạm Song, trong một buổi tiếp xúc cử tri tại tại Hải Phòng về, gọi điện cho tôi đến tâm sự. Ông bị sốc khi tại hội trường, một cử tri đứng lên hỏi: thưa Giáo sư Viện sĩ, ông có biết xã hội ghét nhất hai loại người nào không? Rồi không đợi ông trả lời, họ tiếp luôn: Tôi xin trả lời hộ- đó là thầy thuốc và thầy giáo! Cả hội trường lặng yên. Không một ai đứng lên phê phán kẻ đã phát ngôn rất chướng ấy! Ông bảo tôi: trên đường về, và tận đến lúc này, anh không thể nào quên được! Sự im lặng của đám đông làm cho mình tê tái!” (Trần Tuấn, “Tuần lễ buồn”, blog MGNK của TDN)
Giáo sư Phạm Song tê tái là phải.
 Bởi vì, trong tiềm thức của ông, nghề thuốc và nghề giáo là đáng trọng nhất. Đó là hai nghề được mọi người kính cẩn gọi bằng “thầy”.
 Những đúc kết muôn đời:“Lương y như từ mẫu”, “nhất tự vi sư”, và thứ bậc “Quân, Sư, Phụ” đã nói lên điều đó.
 Những người Thầy chân chính, cũng ý thức được điều này. Vì vậy, xưa nay họ luôn là những tấm gương sáng về tâm đức.
  Rất nhiều người cũng tê tái như GS Phạm Song.
  Đó là hàng triệu thầy cô giáo khắp mọi miền đất nước. Chấp nhận mọi gian khổ, họ đã trọn bổn phận “Người gieo hạt” của mình.
  Đó là hàng trăm ngàn lương y, sớm khuya tận tình với người bệnh. Họ thật sự là “Từ mẫu” của người bệnh, xứng với niềm tin của nhân dân.
 Đó là hàng chục triệu con người, được học hành tử tế, được chăm lo sức khỏe chu đáo. Họ đã dành cho ngành giáo và ngành y sự trân trọng thật sự.
 Nhưng cả hội trường im lặng đồng tình, cũng không đáng ngạc nhiên.
  Vì những tiêu cực trong hai ngành đáng trọng này, đã đục ruỗng niềm tin nơi họ. Việc trao các kiểu phong bì biết ơn ở bệnh viện, cũng như việc nạp đủ các khoản “tự nguyện” ở các trường học đã thành “lẽ tự nhiên”.Trong khi đó, “chất lượng phục vụ” của người nhận tiền, lại xuống cấp nhanh một cách đáng ngờ.
  Bác sĩ vô trách nhiệm, bác sỹ yếu chuyên môn, bác sỹ vòi tiền dẫn đến những cái chết tức tưởi. Cô giáo bắt học sinh liếm ghế, thầy giáo dán mồm học sinh. Thầy dùng điểm đổi tình, dùng điểm đổi tiền là chuyện thường. Ở Hà Giang, có chuyện hiệu trưởng còn dùng học sinh làm quà để “chiêu đãi” cấp trên.
  Lòng dân nhiều nơi cũng lắm nỗi bất bình.
  Ở huyện Hương Sơn, có nhân sĩ đã vặn hỏi ông bí thư: “Anh đừng khoe về những dự án, hãy nhìn hai thứ dân cần là giáo dục và y tế của huyện nhà. Từ khi anh về đây, các trường học đang biến thành “trại tập trung”, bệnh viện lại đang biến thành “lò sát sinh”. Ông quan chưa nghe xong, đã vội cáo từ.
 TS Hồ Ngọc Đại viết “Nền GD của ta là nền GD bắt con tin”. Nghĩa là, người dân phải “tự nguyện” nạp các khoản “chuộc con tin” khi con cái bị các trường bắt được. Điều này còn đúng cho cả ngành y tế.
  Ngành giáo dục và ngành y là hai ngành phổ thông. Do vậy, số lượng các tiêu cực trong hai làng thầy này, cũng phổ thông hơn. Hơn nữa, những tiêu cực đó lại tác động vào những người dân nghèo khổ nhất.
   Những kẻ chạy dự án, chạy chức chạy quyền, ít khi hé răng về những đồng tiền đã bỏ ra. Rừng biển bị tàn phá, cầu sập đường hỏng, nhà cửa xuống cấp, có khi lại là tiền đề cho các dự án tiếp theo. Tiền mãi lộ cũng không mấy ai dám kể với nhau, như tiền đã nạp cho bệnh viện và trường học. Khác với những tiêu cực khác, tiêu cực với các “thầy”, là một kiểu tiêu cực công khai.
  Chính vì vậy, đã có những phản ứng nông nổi.
  Nhiều sự việc đau lòng đã xẩy ra. Dân phá nát bệnh viện ở An Giang. Người nhà bệnh nhân đã đâm tử thương bác sỹ ở Thái Bình. Học sinh cũ đâm trọng thương thầy giáo ở Tuy Phong, Bình Thuận. Phụ huynh đâm chết thầy Hiệu phó ở Đăc Đoa, Gia Lai....
 Những vụ đánh đập bác sỹ, hành hung thầy giáo, đang xảy ra ngày càng nhiều.
 Không ai biện minh cho những tội ác đó. Nhưng điều đáng suy ngẫm là, tất cả tội ác đó đều bột phát.
 Trong cơn thất vọng bất thần, những con người đó đã bỏ mất nhân tính.
 Đối tượng làm họ thất vọng, chính là những con người họ đã tin tưởng.
   Ai có thể làm cho con người thất vọng đau đớn nhất? Chỉ có thể là người họ tin yêu nhất. Trong tuyệt vọng đổ vỡ niềm tin, con người có thể gây tội ác.
 Năm 2010, ở Hà Tĩnh đã xảy ra vụ án đau lòng. Bố cùng với mẹ giết đứa con trai duy nhất của mình.
 Đứa con từng là sinh viên khoa TDTT - Đại học Hà Tĩnh, nhưng vì ăn chơi lêu lổng nên đã bị đuổi học. Hắn thường xuyên dọa nạt, trộm tiền bố mẹ và lấy bán tài sản trong nhà để tiêu xài. Một lần, hắn tiếp tục dọa và ép bố mẹ đưa một số tiền lớn. Trong lúc  ngủ, hắn đã bị bố mẹ bất ngờ đập chết.
  Khi ngồi trả giá cho tội ác của mình, không biết đôi vợ chồng đáng thương đó có căm ghét những ngôi trường đã giáo dục con mình hay không.
 Nhưng chắc chắn là, ngành y và ngành giáo có nhiều người oán trách nhất. Đây cũng là một hệ quả tất yếu.
 Tất cả các ngành đều không thể sống bằng lương, nghĩa là không sống nổi với thu nhập chính đáng. Mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã nói: Người nghèo chả bao giờ mua được nhà. Với cấp Bộ trưởng, tôi tính phải 40 năm mới mua được nhà...Với lương 2 triệu mà bảo mua nhà. Tôi đầu hàng luôn.
  Nhưng rồi, thấy ai cũng có nhà, các Bộ trưởng lại càng nhà cao cửa rộng. Tiền đâu ra?
 Tất nhiên tiền kiếm thêm ngoài lương. Lương là thu nhập chính, thì “cái ngoài lương” ắt là “bất chính”.
  Giáo dục và y tế là hai ngành đáng phải được sống bằng lương. Thực tế xã hội cũng đã đầu tư cho giáo dục và y tế rất nhiều. Nhưng tất cả số tiền ưu tiên đó đều chảy vào các dự án rỗng, rồi biến đi đâu không ai biết. Thế là, chính  thầy giáo và thầy thuốc, lại gian lao nhất với kế sinh nhai.
  Để tồn tại, họ phải kiếm tiền “bất chính”. Bi kịch cho các thầy là phải làm điều bất chính trên những người bệnh đáng thương và học trò nghèo khổ của mình. 
  Sự “bất chính” kéo theo sự dối trá. Sự giả dối của bác sĩ và thầy giáo lại ẩn vào thiên chức nghề nghiệp. Bác sĩ kê những đơn thuốc để bệnh kéo dài thêm, còn thầy giáo dạy con trẻ những điều mà chính họ cũng không tin.
 Người dân đóng tiêu cực phí cho học hành và chữa bệnh, không được mặc cả, trái hẳn khi nạp các khoản tiêu cực khác.
 Những tiêu cực khác, đôi bên cùng có lợi ngay. Tiêu cực với các thầy, thường chỉ thấy được lợi của một bên.
  Quanh năm đóng tiền cho giáo dục, có khi được trả lại một đứa con vừa thất nghiệp vừa hư hỏng. Suốt tháng nạp tiền cho bệnh viện, nhiều khi kết quả lại là một đám ma.
 Trước thi cử, nhiều người đến hỏi thầy bói. Khi ốm đau, người ta lại mời thầy cúng. Đã đến lúc, dân không biết tin vào ai nữa.
  Mặc dù, xã hội luôn có nhiều thầy giáo mẫu mực, nhiều thầy thuốc tận tâm, mà mọi người tin yêu. Nhưng niềm tin của nhân dân, vào ngành y và ngành giáo dục, thì đang cạn dần.
 Không cạn sao được, khi những người cầm trịch hai ngành “thầy” đang xuống dốc này, bỗng dưng lại ưa trào lộng. Ông y tế hài hước một cách nghiêm túc, khi tuyên bố sẽ xóa cảnh hai người bệnh trên một gường. Ông hứa xong, lại thấy một gường chen ba, bốn người bệnh. Ông giáo dục lại nghiêm túc một cách hài hước. Khi vài ba năm, tỷ lệ TN từ 60-70% vọt lên gần 100% ông bảo là rất “bình thường”. Mấy hôm sau, điểm ĐH từ nhiều điểm “một” nay chuyển sang lắm điểm “không”, ông cũng thản nhiên bảo “bình thường”.
  Những phát biểu trào lộng kiểu vậy, vượt qua mọi giới hạn của sự tin tưởng.
 Nền tảng đạo lý đã lung lay, thứ bậc của sự yêu ghét tất yếu phải đảo lộn.
 Vì vậy, câu hỏi và câu trả lời đầy bức xúc của người cử tri Hải Phòng, có thể rất có lý.
 Nếu như, hỏi hai nghề nào được xã hội kính trọng nhất, chắc kết quả vẫn là thầy giáo và thầy thuốc.
 Nhưng nếu hỏi, hai loại người nào xã hội căm ghét nhất?. Có thể vẫn chính là họ.
 Chỉ cần mở cuộc điều tra, sẽ có câu trả lời xác đáng.
Câu trả lời đó, sẽ làm rất nhiều người đau tê tái.
Nhưng chắc sẽ có người lại thản nhiên nói: Xã hội căm ghét nhất ư, thì cũng “bình thường” thôi.
  Trái với GS Phạm Song, những người đó không bao giờ biết đau, cũng không bao giờ biết tê tái.
Trần Đình Trợ
 Hương Sơn  Hà Tĩnh