Mấy tuần qua các báo viết, báo mạng, các trang Wb., blog có nhiều bài về việc xét giải thưởng Nhà nước GTNN), giải thưởng Hồ Chí Minh (GTHCM) đang diễn ra ở xứ ta.Tài năng làm nên giải thưởng , chứ ngàn giải thưởng không làm nên tài năng. Có người suốt đời chẳng có giải thưởng nào trong nước , nhưng họ được bao thế hệ người Việt mến mộ, tôn vinh, tìm đọc, tìm nghe hàng ngày. Nhưng đã có giải thưởng thì cũng nên bàn đôi chút về cái giải ấy , sao cho nó chính danh. Nhiều nhà văn như Sơn Tùng, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm, Sơn Nam lần lượt xin rút khỏi danh sách đề cử. Việc rút tên khỏi giải thưởng của các nhà văn làm cho không khái xét giải trở nên lùm xùm. Tất nhiên mỗi người rút khỏi giải đều có lý do riêng, nhưng tựu trung là do tiêu chí, tiến trình xét giải chưa hợp lý, còn nặng về xin cho, ban phát. Tôi xin có mấy ý kiến nhở về việc này để mong sao giải thưởng lần này không xấu hổ với đời..
- Thứ nhất là về tiêu chí giải : Giải thưởng VHNT phải lấy tác phẩm làm chính, chứ không phải lấy thành tích đi theo Đảng, theo cách mạng là chính. Tác phẩm được GTNN, GT HCM phải được công chúng cả nước tôn vinh, tìm mua, tìm đọc, tìm xem. Nếu bài hát thì được mọi người hát như ca khúc Trịnh Công Sơn, hay ít nhất cũng được như các bài hát Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê của Nguyễn Trong Tạo. Nếu chỉ xét theo yếu tố tham gia cách nạng sẽ sinh việc xin-cho, chạy chọt, giải thưởng sẽ hỏng, sẽ sinh tai tiếng, làm hại cho uy tín của Nhà nước.
Tôi quan niệm GTHCM là giải thưởng VHNT cao nhất ở nước ta. Nên các tác phẩm đã được xét các giải thưởng khác, thấp hơn đều được đề cử lại để xét giải thưởng Hồ Chí Minh. Tiêu chí tác phẩm đã được GTNN thì không được xét GT HCM là tư duy chia bơi , xin-cho , tất cả trong tay của người cầm quyền . ”Mày được NN rồi thì thôi HCM, để cho thằng khác nhé !” . Với tiêu chí đó, GTHCM đã bị hạ thấp . Ví dụ Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, tác phẩm thơ hay nhất, vang vọng nhất của anh là trường ca “ Mặt đường khát vọng” . Tác phẩm đó đã được tặng GT NN lần trước, lần này người ta lại đề cử tập thơ “Cõi lặng” vào giải thưởng HCM. Cõi lặng là tập thơ theo tôi là hay , nhưng không thể sánh được với “Mặt đường khát vọng”. Nếu anh Điềm không rút khỏi đề cử GT HCM, nhất định anh sẽ được giải thưởng HCM, vì anh là Chủ tịch cũ của Hội Nhà văn, lại là một cựu cán bộ cao cấp của Đảng. Nếu như thế thì GTHCM trong trường hợp này chất lượng sẽ thấp hơn giải thường Nhà nước. Nên cứ để anh Điềm dự giải thưởng bằng tác phẩm xuấ sắc nhất của mình. Có đúng không thưa bạn đọc. Cho nên tôi đề nghị bỏ ngay cái tiêu chí kỳ quặc này đi, để các tác phẩm được tôn vinh theo đúng vị trí của nó. Trong bài “ Giải thưởng và...danh dự” của Nguyễn Duy Xuân trên Blog Quê choa viết rất đúng rằng :” Cho nên mới xảy ra chuyện có người xứng đáng được Giải thưởng HCM nhưng vì tác phẩm hay đã nhận Giải Nhà nước rồi, bây giờ, dự giải cao chẳng lẽ lại gửi tác phẩm không xứng tầm ? Trong lúc đó tuổi tác đã cao, quĩ thời gian của họ đang ngày càng ngắn lại, làm sao có được sáng tạo mới hay hơn để dự Giải HCM ?
- Thứ hai là nên bỏ việc phát hồ sơ về để hội viên tự khai đề nghị xét thưởng . 5 năm xét một lần, số người xứng danh được GTNN, GT HCH ở các hội chuyện ngành không nhiều. Nếu có một Ban tổ chức công tâm theo dõi sáng tác của từng hội viên trong 5 năm, sẽ đếm được trên đầu ngón tay số được GT HCM và GT NN , lập danh sách tạm thời sau đó điện hỏi ý kiến từng người . Nếu họ đồng ý thì lập danh sách chính thức. Đó là sự tôn trọng giải thưởng. Do không tôn trọng giải thưởng hay do giải thưởng được coi là thứ để chia bơi, ban ơn, nên mới sinh ra việc ai cũng làm hồ sơ gửi đến Hội , vừa tốn thời gian vừa vô tích sự .
Trả lời phỏng vấn của mạng Bee,net: “Liệu trong danh sách đề cử lần này có bỏ sót nhà văn, nhà thơ nào xứng đáng không?”, nhà văn Ngô Thảo và nhà văn Nguyễn Trọng Tạo cho rằng :” Sót thì chưa chắc đã sót, nhưng thừa thì có lẽ có. Vì tôi thấy có những người chất lượng cũng không được cao”. Tôi đồng ý với chũ “thừa” của hai nhà văn, vì khi đọc danh sách đề cử ban đầu của một số Hội, tôi thấy có những người tác phẩm không mấy nổi tiếng cũng được đề cử lên Hội đồng Bộ. Nhưng tôi không đồng việc :” Sót thì chưa chắc đã sót”. Sót chứ, sót nhiều là đằng khác. Theo tôi thì những nhà văn sau đây xứng đáng GTHCM không kém gì những người đã được GT HCM các đợt trước và cả đợt này, nhưng lại “sót” tên trong danh sách đề cử : Ngoài những người đã rút , tôi thấy còn rất nhiều người xứng đáng 100% GTHCM : Đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ có ca khúc được hát nhiều nhất mấy chục năm nay ở Việt Nam và trên thế giới ; Đó là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người viết bút ký hay nhất nước ta hiện nay; đó là nhà văn Trần Dần, với các tuyển tập tập thơ Trần Dần-Thơ , Cổng tỉnh, Những ngã rtuw và những cột đèn , người được Giải Thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội , người được coi là “nobel Việt Nam”; Đó là nhà thơ Thu Bồn với “Trường ca Chim Chơ Rao” và hàng chục trường ca, tiểu thuyết khác; đó là nhà thơ Nguyễn Duy, cây thơ lục bát tài hoa Việt Nam với tập thơ nổi tiếng “Đánh thực tiềm lục”. Ngoài ra còn có các nhà văn như Vũ Hạnh, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp , Nguyễn Ngọc Tư cũng rất xứng đáng được GTNN.
Xem ra những người “còn sót tên” nhiều lắm. Đề nghị Hội đồng xét giải nhà nước xem xét lại cho thật công bằng để khỏi gây tai tiếng, xấu hổ với đời.