Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIẢI THƯỞNG… VÀ DANH DỰ

Nguyễn Duy Xuân
Thứ ba ngày 30 tháng 8 năm 2011 10:47 PM
 
Có lẽ chưa bao giờ việc xét tặng hai giải thưởng danh giá nhất ở nước ta là Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh lại lình sình như đợt này, để đến nỗi các nghệ sĩ bức xúc gửi đơn kiện lên Chủ tịch nước. Rồi đồng loạt một số văn nghệ sĩ tên tuổi như Sơn Tùng, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm và cả đến nhà văn quá cố Sơn Nam cũng được gia đình đề nghị xin rút khỏi Giải thưởng Nhà nước.
Báo chí mấy ngày qua đã tìm cách mổ xẻ nguyên nhân. Có thể thấy rắc rối nảy sinh ở tiêu chí và cơ chế xét giải, ở thành phần các hội đồng thẩm định từ cấp cơ sở.
Rõ ràng tiêu chí và cơ chế xét giải có vấn đề bất cập. Nó bị chi phối bởi lối tư duy cũ kĩ, cào bằng và xin cho thời bao cấp. Vì thế mới có cái qui định tréo ngoe là tác phẩm nào đã đạt giải thưởng Nhà nước rồi thì không được đề nghị xét giải thưởng HCM? Thường khi làm đơn xét giải thưởng Nhà nước, ai chẳng muốn gửi tác phẩm danh giá nhất của mình cho chắc ăn. Cho nên mới xảy ra chuyện có người xứng đáng được Giải thưởng HCM nhưng vì tác phẩm hay đã nhận Giải Nhà nước rồi, bây giờ, dự giải cao chẳng lẽ lại gửi tác phẩm không xứng tầm ? Trong lúc đó tuổi tác đã cao, quĩ thời gian của họ đang ngày càng ngắn lại, làm sao có được sáng tạo mới hay hơn để dự Giải HCM ?
 
Lối tư duy này còn kì quặc hơn ở các cuộc thi thơ văn mà cuộc nào cũng có qui định: không nhận các tác phẩm đã công bố dù chỉ đăng trên trang blog cá nhân. Thế cũng có nghĩa là loại các tác phẩm đã dự giải các cuộc thi khác. Tác phẩm viết ra, ai chẳng muốn đưa nó đến ngay với độc giả ? Huống chi, bây giờ là thời công nghệ số, chỉ cần nhấp chuột là sáng tác đã được công bố cho bàn dân thiên hạ, chí ít cũng trên cái “bờ lốc” của mình. Đâu phải như ngày xưa, báo mạng không có, báo in chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để được đăng bài cũng nhiêu khê lắm. Viết mà không lách thì cứ “hãy đợi đấy” ! Tiêu chí dự thi kiểu đó thật không công bằng và càng làm giảm đi chất lượng tác phẩm dự giải bởi sáng tác nghệ thuật đâu phải cứ “gò” theo một định hướng nào đó là được.
Tư tưởng xin cho bộc lộ rõ nhất ở cái cơ chế và thành phần hội đồng xét tặng. Tính minh bạch không được tôn trọng. Giá trị giải thưởng không được đánh giá bằng tài năng, công sức đóng góp, đạo đức của tác giả và sức lan tỏa của tác phẩm. Dường như tính chất thương mại hóa đã và đang tác động đến cái lĩnh vực thi đua, khen thưởng này. Đã có những anh hùng và tập thể anh hùng sau lễ đón nhận danh hiệu rình rang bỗng chìm vào quên lãng. Đã có những tấm huân chương bị gắn nhầm đối tượng. Người ta xét tặng giải thưởng bằng cảm tính, bằng các mối quan hệ và bằng…(!)  Cái gọi là bỏ phiếu kín của hội đồng chỉ là cách ngụy biện cho một kết cục buồn bởi một khi cái đầu của người thẩm định không đủ tỉnh táo, cái tâm không còn trong sáng thì liệu cái việc bỏ phiếu kia còn có ý nghĩa gì ?
Tiêu chí xét tặng và cung cách làm việc của những người được giao cho cái trọng trách cầm cân nảy mực như thế kia đã làm giảm đi giá trị chân chính và cao cả của hai giải thưởng danh giá nhất nước này.
Chính  những lí do nói trên mà tôi nghĩ các bậc văn nhân đáng kính của chúng ta vì danh dự và lòng tự trọng mà xin rút lui khỏi giải cũng phải thôi. Tôi cho đó là nhân cách kẻ sĩ. Chỉ có những ai không tự biết mình mới cố đấm ăn xôi.
Nguyễn Duy Xuân