Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẢM NHẬN VỀ "ĐOẢN KHÚC EM"

Trần Huyền Nhung.
Thứ ba ngày 30 tháng 8 năm 2011 11:06 PM

Chẳng biết vô tình hay hữu ý, tôi may mắn được cầm trên tay tập thơ Đoản khúc Em” của nhà thơ Lê Minh Dung. Tôi bắt đầu suy tư, trăn trở ngay từ tiêu đề tập thơ. Đoản khúc Em” – cái tên thật bình dị, nghe như chân chất một khúc hát về em vang vọng đâu đây. Tôi thổn thức khi lật vào trang trong thì bắt gặp ngay 4 câu thơ đề từ:

Ta nâng niu những điều chưa kịp ngỏ
Tháng năm trôi không xóa nổi dại khờ
Đem chưng cất thành những dòng thơ nhỏ
Bất chợt về ngùn ngụt khúc em xưa”
 
Có thể nói cảm hứng chủ đạo xuyên xuốt  tập thơ chính là lời đề từ của Lê Minh Dung, luôn nâng niu” trân trọng những năm tháng đã một đi không trở lại… để rồi nhà thơ đem gom lại ký ức của chuỗi ngày xa xăm ấy thành những dòng thơ nhỏ” , với cảm xúc ngùn ngụt mà chỉ có thể ghi lại bằng thơ. Đoản khúc em”- chất chứa bao tâm sự của một con người đã từng trải, của một người lính từng tôi luyện trong những tháng năm khói lửa chiến tranh. Như một điều xuất thần kỳ diệu, dù không có chủ định lập nghiệp bằng con đường văn chương nhưng người thi sĩ của quê hương Năm Tấn ấy đã ấp ủ vần thơ của tháng năm dại khờ để ghi lại nhật ký cuộc đời trong Đoản khúc Em” .
Hơn một trăm trang thơ trong tập Đoản khúc Em” đã minh chứng cho điều đó. Lê Minh Dung như thổi hồn vào thơ bằng những vần thơ dân tộc mượt mà, tình cảm nhân ái yêu thương. Anh đã góp vui trên thi đàn văn học Việt Nam một Đoản khúc em” giàu cảm xúc như chính những lời tâm sự thủ thỉ hàng ngày của anh. Hội tụ trong tập thơ, đó là tình cảm gia đình, tình yêu làng xóm quê hương, tình yêu đất nước…, đó là những cung bậc thăng trầm của cảm xúc trong tình yêu đôi lứa… Tất cả đã tạo thành khúc ca đằm thắm, ngọt ngào trong đoản khúc Em”. Những nốt nhạc tình yêu ấy cứ trầm bổng, lúc vui, lúc buồn đan xen trong cung đàn yêu thương mà tôi cảm nhận được qua từng bài thơ của Lê Minh Dung. Nhìn chung, thơ anh không màu mè, không phải là một loại thơ thị trường” bằng thứ ngôn từ sáo rỗng”. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” , vâng, Lê Minh Dung đã cảm nhận cuộc đời bằng chính gam màu của cuộc sống một cách chân thực nhất. Các cụ dạy Văn là người” hay Mác xim Goocki nói Văn học là nhân học”, quả thực, những vần thơ của Lê Minh Dung đầy sự giản dị ,như toát lên được con người của anh. Bằng những cảm xúc của chính lòng mình, thơ Lê Minh Dung không có kỹ xảo” của ngôn từ. Mỗi trang thơ là mỗi trang đời nhà thơ được lật qua…
Lê Minh Dung đã dành cả một bài thơ Đoản khúc Em” là lời tựa cho tập thơ cùng tên một tình cảm ưu ái nhất chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong toàn bộ tập thơ :
Em- vì tinh tú trời ban tặng cho anh trong một sớm bình minh nắng mỏng, không ít lần anh đã làm em khóc, những giọt nước mắt rơi thầm trong đêm hóa ngọc tỏa hào quang soi rõ lối anh về.”
Nhất định rồi, Em” là người đàn bà quan trọng nhất đời nhà thơ. Mỗi thăng trầm của cuộc đời đi qua có thể Em” luôn là người sát cánh cùng Anh để sẻ chia ngọt bùi. Em” chính là thiên sứ tính yêu mà trời ban xuống cho anh. Đoản khúc em” như là lời tri ân của Lê Minh Dung gửi tới Em” Em – anh vẫn bên đời dù trời đất hợp- tan”- như nói được ước nguyện của nhà thơ là được sống bên em trọn đời dù cho đất trời có xoay chuyển đến thế nào đi nữa. Tôi cảm nhận được tình cảm yêu thương vợ chồng thủy chung, son sắt trong Đoản khúc em” mà Lê Minh Dung đã nói một cách chân tình nhất. Tôi cũng mong rằng mỗi bước đi của thời gian Em” sẽ hiểu và càng trân trọng tình cảm quý báu mà Lê Minh Dung trao tặng. Phải chăng Đoản khúc Em” chính là đoản khúc đời” , mà mỗi nốt nhạc cuộc đời đều có hình bóng Em” ngự trị trong trái tim nhà thơ!
Tình cảm gia đình dường như ôm trọn trái tim nhà thơ, bao nhiêu yêu thương gửi gắm trong bài thơ Đoản khúc em” , rồi từ từ tôi cảm nhận được sâu thẳm cõi lòng nhà thơ vẫn là những điều giản dị nhất xung quanh mình :
Hạnh phúc thật giản đơn, bình dị
Là được ngắm nhìn khi con ngủ trong nôi
Vầng trán thơ ngây, đôi môi hồng hé nụ
Con cười trong mơ, ba mẹ cũng cùng mơ…”
(Thơ cho con gái)
Để có những hạnh phúc đời thường, Lê Minh Dung đã phải thách thức” cả với đời :
Cuộc đời đó là đỉnh cao thách thức!
Ba trao cho con kỷ niệm cả đời mình
Là chiến thắng, cờ hoa ngày Giải Phóng
Con làm hành trang, làm đôi cánh vào đời!”
(Ngày con tựu trường)
Hình ảnh người cha lấy cuộc đời mình ra để răn dạy con thật cao đẹp. Ngày hạnh phúc thanh bình có lẽ nào người con lại quên đi cuộc đời cha mình từng Ngủ trong rừng chiếu hẹp/ giấc mơ con đè nát cuộc đời con”( Chế Lan Viên). Không, bài học của cha để lại có lẽ luôn là tấm gương sáng mà người con mang theo bên mình làm hành trang từ khi tựu trường”.
Ở trong tình cảm gia đình ấy, còn là hình ảnh người mẹ luôn bên đời nhà thơ :
Nắng mưa mình mẹ dãi dầu
Chợ phiên mẹ gánh qua cầu sắn khoai
Mẹ mong đêm ngắn ngày dài
Mưa nguồn chớp bể gái trai vuông tròn”
(Mẹ tôi)
Có lẽ nghĩ về mẹ, Lê Minh Dung đau đáu, trăn trở và xót xa cho những ngày mẹ còn ở cõi trần gian. Cho đến bây giờ nhà thơ còn vẳng nghe lời mẹ ru xưa còn gần” , khi trở lại làng quê thì rưng rưng ngấn lệ tủi hờn”, mẹ đã không còn nữa, nhà thơ đau xót thốt lên:
Mây trôi về phía cuối trời
Con ngồi bên mộ nhặt lời ru xưa”
(Bài thơ dâng mẹ)
Đau xót và khiến người đọc cảm động quá! Hình ảnh con ngồi bên mộ nhặt lời ru xưa”, tôi cứ vừa ngẫm, vừa khóc và nghĩ tới tình cảnh ấy của nhà thơ Lê Minh Dung.
Hình ảnh người cha cũng gắn liền với suy nghĩ, tình cảm trong con người Lê Minh Dung. Anh như cho người đọc thấu hiểu được Công cha như núi Thái Sơn/ nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” . Đạo làm con trong anh lại trỗi dậy qua những vần thơ :
Cánh cò bay lả bay la
Lời ru theo mẹ giờ xa khuất rồi
Thương đàn con lại mồ côi
Cha như gà trống kiếm mồi bên sông”
(Lời ru của cha)
Có cảnh đau khổ nào bằng cảnh gà trống nuôi con một mình”? Thế đấy, người cha của Lê Minh Dung là tận cùng của đau khổ được toát lên từ trong cảm nhận của Anh. Bây giờ nghĩ lại lời ru của cha” :
Lời cha cánh gió nâng diều
Lời cha nuôi lớn những điều con mơ
Lời cha ươm điệu vần thơ
Câu ân, câu nghĩa bây giờ còn vương”
Chính lời ru của cha” đã tạo thành một hồn thơ Lê Minh Dung trong trẻo , cha đã ươm mầm” để kết tụ thành thơ trong con người Lê Minh Dung. Và chính Cha đã để lại bài học nhân cách cao đẹp làm người câu ân, câu nghĩa” để nhà thơ tiếp nối truyền lại đời sau cho thế hệ con em mình.
Sống giữa lòng thành phố Sài Gòn ồn ào, náo động đấy nhưng thiếu sự đồng vọng của tiếng nói trái tim, tiếng nói của vòng tay nghệ thuật chân thành, vì thế Lê Minh Dung vẫn thường đêm đêm Mơ về quê” để hồi tưởng lại ký ức của tuổi thơ :
Đêm nay mơ về với mẹ
Chân trần con lội bến sông
Lao xao sóng chào bạn cũ
Người xưa còn đợi ta không”
( Mơ về quê)
Thế mới biết tình làng xóm quê hương là một góc tâm hồn trong lòng nhà thơ. Bến sông, con đò, người xưa , bạn cũ… tất cả được coi như cố nhân” đối với người con xa xứ Lê Minh Dung. Đã có lần nhà thơ lạy thần” cây đa để làm chứng cho cái thời xa xưa ấy : Lạy thần canh giữ gốc đa/ chứng cho cái thuở tôi và cố nhân” (Tìm về ngày xưa). Cả mối tình xưa còn bỏ ngỏ, biết người ta có còn đợi? Rồi có một ngày nhà thơ nhói đau khi giật mình …thì ra hiện tại vẫn còn là một kẻ tha hương” .Đó chỉ là một giấc mơ …và giấc mơ vẫn mãi chỉ là giấc mơ mà thôi.
Nếu ta để ý trong tập thơ Đoản khúc Em”, Lê Minh Dung luôn tự nhận mình là con người ngu ngơ” , khờ dại”:
Ta khờ dại xây lâu đài trên cát mỏng
Trong hoang mơ lửa cháy dập dồn”
(Mơ)
Có người lại bảo muốn ngu ngơ và khờ dại như thế cũng chẳng được. Cũng xin một lần được khờ dại” để xây lâu đài trên cát mỏng” khi tôi đọc vần thơ của Lê Minh Dung, mà hình như cũng dại khờ, thờ thẫn trên từng dòng cảm xúc của câu thơ.
Tình yêu thiên thiên tha thiết kết nối sức sống giữa người và cỏ cây, hoa lá cũng là điều ta quan tâm trong Đoản khúc em”. Lê Minh Dung như muốn ôm cả đất, cả trời, cả thiên nhiên vào lòng. Gọi nắng trên đôi vai em gầy đường xa gió bay…” ( Nhạc Trịnh), Lê Minh Dung cũng Gọi nắng” :
Gọi nắng vàng trải lối
Đưa đón khúc em xa
Gọi thương tìm nông nổi
Nén niềm yêu vỡ òa”
( Gọi nắng)
Tình yêu đôi lứa trong đoản khúc em” là những kỷ niệm gắn liền với đồng lúa, nương dâu. Đó là hình ảnh người con gái quê hiền lành, chất phác dù cho sống ở nơi phồn hoa đô thành, Lê Minh Dung vẫn không thể nào quên được. Kể từ lời cuối” gửi lại người mình thương yêu đi lấy chồng, tôi như hiểu được anh đã từng nén đau khổ trong tình yêu như thế nào:
Để em hạnh phúc với người
Tôi đi về phía cuối trời buồn tênh”
(Lời cuối)
Cũng không thể biết được người con gái ấy có hạnh phúc không nữa, nhưng nhà thơ vẫn dặn dò một cách gượng gạo:
Có giây nào lạc bên chồng
Thì xin em hãy nén lòng nghe em”
Tình cảm tha thiết mặn nồng đến thế! Nhưng có ngờ đâu được cả hai cùng thương yêu nhưng không thể đến được với nhau. Thế là lời cuối cho một cuộc tình đã kết thúc bằng lòng cao thượng, vị tha của nhà thơ Lê Minh Dung. Thà mình cô đơn, buồn tênh, nhưng để em được hạnh phúc” là nhà thơ mãn nguyện lắm rồi.
Tình yêu trong thơ Lê Minh Dung cũng tha thiết, cháy bỏng, anh luôn tìm về miền ký ức để nhặt nhạnh chút kỷ niệm còn rơi rớt đâu đây:
Em xa rồi anh còn ngơ ngẩn mãi
Nhặt chút hương vơ vẩn quanh mình
Rồi ôm chặt để quên mình trống trải
Bỗng lửa bùng thiêu em cháy trong anh”
(Bỗng)
Kỷ niệm không dễ quên với một con người sống tình cảm, nặng lòng như Lê Minh Dung. Bề ngoài anh có vẻ hờ hững” đấy, nhưng bản lĩnh đàn ông” không nhất nhiết lúc nào cũng phải tỏ ra yếu đuối, quỵ lụy:
Đừng trách anh hờ hững em nhé
Kiêu hãnh đàn ông còn rơi rớt đó mà
Em đâu biết khi em vừa quay gót
Nắng nung người bỏng rát trái tim ta”
(Đừng trách)
Bênh cạnh tình cảm gia đình, tình yêu làng xóm quê hương, tình yêu đôi lứa cách trở, tâm hồn yêu thiên thiên tha thiết trong Đoản khúc Em” của nhà thơ Lê Minh Dung, tôi còn cảm thấy cả một bề dày tình yêu đất nước, tình yêu đồng đội đã ngã xuống hy sinh vì Tổ quốc :
Chúng tôi không bao giờ quên
Các anh- người đồng đội
Tổ quốc đời đời ghi công
Nhân dân ngàn năm tưởng nhớ.”
( Nơi các anh nằm lại)
Chiến tranh đã qua lâu rồi nhưng trái tim người thi sĩ đa cảm Lê Minh Dung vẫn thường hồi tưởng, kể lại những ngày tháng gian khổ của anh và các đồng đội . Bài học về chiến tranh luôn là kim chỉ nam trong định hướng phát triển tình yêu đất nước mà Lê Minh Dung luôn tâm niệm cả đời không bao giờ quên”:
Bằng những bước chân son đo chiều dài Tổ quốc
Bằng những cánh tay trần- xẻ dọc Trường Sơn…
Gian khổ, hy sinh quyết giành chiến thắng”
( Bài ca người lính)
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai”- nhà thơ Lê Minh Dung cũng ghi lại hình ảnh những anh lính cụ Hồ thật hào hùng, thật yêu nước. Bằng tình yêu Tổ quốc được thắp sáng lên từ trong chiến tranh gian khổ, Lê Minh Dung đã cất lên âm vang hào khí bài ca người lính” thật rạng ngời, vẻ vang cho dân tộc Việt Nam. Để rồi giờ đây, cuối cùng Anh được gì, đổi lại được gì đây khi tuổi trẻ hao mòn cùng năm tháng:
Anh chỉ còn chút nhỏ này thôi
Một gánh hành trang nghèo xơ xác lính
Cùng quả tim hao mòn qua năm tháng
Gần cạn yêu thương đã dâng tặng cho đời”
( Nói với Em)
Nhưng tôi thì thấy được rằng : Nhà thơ Lê Minh Dung rất giàu đấy! Khi viết được những vần thơ như thế, tôi chắc chắn một điều: Anh rất giàu tình cảm với người, với đời- một thứ tình cảm không gì có thể so sánh được. Giờ gom cả mớ đời đem hóa giá/ làm gia tài đổi lấy một vần thơ”- rất xứng đáng với con người Lê Minh Dung. Thực tế, có người muốn đổi một vần thơ mà cả đời không ghép vần được. Cuộc sống giờ, người ta bon chen, chạy đua nhiều quá, chẳng biết thế nào là chân, là giả, cuộc sống cứ rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần lẫn ác quỷ”; họ có cả một gia tài đấy nhưng chắc gì đổi được một chữ tình” chân thật.
Trang sách cuối cùng của Đoản khúc Em” được gấp lại, tôi thấy một Lê Minh Dung không phải Chỉ xứng đáng đổi lấy một vần thơ” mà hơn một trăm bài thơ khép lại như vẫn còn mở ra cả một bầu trời thơ, cả một biển cả tình người mênh mông và hơn thế nữa… Đoản khúc Em” tất nhiên không tránh khỏi được những mặt hạn chế về nội dung và nghệ thuật qua các bài thơ. Nhưng trách sao được, vì chính  Lê Minh Dung thừa nhận : Là tôi chắt chiu vần điệu/ vụng về câu chữ nhà quê” ( là tôi). Lời lẽ khiêm tốn ấy nhẹ nhàng biết mấy, ta như cảm được một con người xuất thân từ nơi có gốc lúa, bờ tre, nơi có những đàn cò bay thẳng cánh, một con người còn mang hơi thở của hương đồng cỏ nội” , vì thế chất thơ của Lê Minh Dung cứ từ từ đi ra từ cõi đồng quê Ươm từ đồng lúa quê ta/ nên thơ em cứ mượt mà trổ bông”. Tôi tin chắc rằng : Đoản khúc Em” sẽ là một khúc ca thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu” trong lòng độc giả yêu thơ.

Tp. HCM, ngày 18/3/2011
Trần Huyền Nhung.