“CON CHỊ ĐI CON GÌ”… CÒI CỌC.
Ai chẳng biết ngữ nghĩa của câu tục ngữ này, rằng người con gái lớn đi lấy chồng, cô em kế tiếp lớn lên thay chị chăm sóc bố mẹ, các em, rồi cũng sẽ về làm dâu ở nhà “người ta”. Nhưng hiện thực cuộc sống không hẳn như đã được đúc kết thành tục ngữ. Người chị tươi tốt phổng phao mỏng mày hay hạt đã xuất giá nhưng cô em do thai kỳ thiếu tháng do đói ăn khát uống bệnh tật tai họa tai nạn nên chậm lớn không lớn được, chẳng những không thay chị làm “mát mặt” cha mẹ mà có khi còn là “gánh nặng” của gia đình, không thể xuất giá, đành ở vậy đến hết đời.
Mối “quan hệ” giữa nhà thơ với các tập thơ, trường ca của ông ta, đặt cạnh câu tục ngữ, xem ra cũng không khác nhiều lắm. Một hai tác phẩm “con cả con đầu” của họ giống như cô chị đẫy đà xinh sẻo đã được tung hô được phong hoa khôi được “giường yên chiếu đẹp” mang lại vô vàn vinh quang chức tước bổng lộc cho cha mẹ, nhưng đàn em được sinh ra ào ạt sau đó, với tham vọng cuồng vọng của đấng sinh thành nghiến răng bặm lợi cố sinh hạ cho bằng được những song sinh tứ sinh lục sinh, hòng cho ra đời một bầy quý tử mỹ nữa nữa nhằm thâu tóm tất tần tật công chúa hoàng tử trong thiên hạ về làm con dâu con rể, mà không chịu biết rằng tóc trên đầu đã rụng, tinh trùng đã lệch đầu cong đuôi, trứng noãn loãng tuệch toàn lòng trắng, lại đã dồn hết của cải tâm nguyện gân cốt vốn sống để gầy dựng nên đứa chị được phong hoa khôi kia rồi, không còn gì để nuôi nấng chăm bẵm đàn em nữa, khiến bầy “vịt giời” nọ, không bị chê bai là chậm lớn còi cọc so vai lép mông tẹt vú là may, lại còn được được đồng nghiệp bạn đọc “vuốt mặt nể mũi” ưu ái chiếu cố tặc lưỡi xếp vào hàng những cô gái bình thường, được đánh giá “ngang bằng” nhiều tập thơ trường ca của các nhà thơ khác, thế cũng đã là rộng lượng may mắn rồi. Nhưng khốn nỗi, những ông bố - nhà thơ ấy lại cố tình không chịu hiểu không chịu nhìn trực diện vào con - cái - tác - phẩm, cứ nhất quyết làm khổ những đứa con vốn chẳng có tội ấy, làm khổ chính mình, bất chấp sự dè bỉu “nhạc không lời” và cả diễn ca hò vè của đồng nghiệp của bạn đọc, lại cứ vận động bằng được tranh đấu bằng được đơn từ hồ sơn “xin cho” bằng được. Theo họ, “con chị” đã được phong hoa khôi rồi, sau mấy năm, ở đợt sau, em của nó dứt khoát phải vượt chị, phải là “hoa hậu”, tiền thưởng gấp đôi gấp ba. Theo cái đà ấy, dù đã được phong tặng danh hiệu “bố hoa khôi mẹ hoa hậu”, nếu nay mai có các danh hiệu giải thưởng lớn hơn, với những đứa con đã hoặc sẽ được gấp gáp sinh ra, với quan niệm “giải thưởng sau phải vẻ vang hơn giải thưởng trước”, các ông bố không biết điều này sẽ còn tiếp tục làm đơn để được vinh phong danh hiệu “bố siêu hoa hậu”, bỏ túi năm bảy lượng vàng nữa. “Hạ mục vô nhân”, họ không cần biết con cái của người khác ra sao, vào hùa với nhau dẵm đạp quay lưng với văn thơ của thiên hạ. Các ông các anh được “tiếp sức mùa thi” ở mọi phía, rồi cũng sẽ thành công thành “danh” thôi, được mãn nguyện thôi. Chúc mừng nhé! Trăm phần trăm cạch cạch lách cách nào! Nhưng chỉ e, còn ngồi trên ghế bành mô đéc mô đen Hòa Phát, hay khi đã nằm dưới đất đen đất đỏ, thành tro than lưu giữ trong hũ gốm bình pha lê, những “ông bố bà mẹ” những “đứa con” bị tháu cáy thành hoa khôi hoa hậu, những “bà mụ bà đỡ” những “ông tơ bà nguyệt” ấy sẽ chẳng được “bằng an thanh thản”, cho dù có được cúng bằng ngàn vạn chõ xôi gấc xôi lạc xôi đậu, mấy chục cặp bò, được thắp vài tạ nhang trầm, hóa mấy triệu đôla âm phủ. Sự công tâm công minh của lòng người, của ngòi bút “hiện” thế cũng như hậu thế sẽ vạch ra lôi ra những mờ ăm khuất tất. Những Người Tử Tế mai sau sẽ “hành hạ” các ông các anh, và trả lại sự công bằng cho lịch sử văn học.
THƯƠNG YÊU LÀM SAO ĐƯỢC
Trên trang Web (…).com, trong một bình luận ở cuối bài “Xung quanh việc xét giải thưởng: Chuyện lạ ở hội đồng văn học” của tác giả Tứ Khôi, người có tên là ĐCL viết: “Riêng bên văn học, lần này êm ả vì nội bộ yêu thương nhau”. Không đúng! Không phải vậy! Sao lại phải thương? Nghèo túng tật bệnh - không, tai họa tai nạn - không, “gia cảnh hoàn cảnh” - ba không luôn. Nếu có thương thỉ chỉ là ”thương hại” cho những ai đó cố (bị dư luận) đấm để ăn xôi lấy được, mà đâu chỉ là nắm xôi đĩa xôi, nghe đâu hai giải thưởng này có giá (trị) hơn trăm triệu vài trăm triệu việtnamđồng, nếu mua gạo nếp cái hoa vàng mua gấc mua đậu xanh có thể nấu được chục ngàn chõ xôi. (Còn nếu xem chương trình Lục Lạc Vàng trên truyền hình mỗi chủ nhật, ta sẽ được trực tiếp chứng kiến những gia đình nông dân nghèo khổ trả lời một vài câu hỏi, cho vui thôi, vì câu hỏi thuộc loại người nông dân nào cũng có thể trả lời đúng, để rồi được nhận nuôi một cặp bò non giá khoảng năm triệu đồng. Giải thưởng văn học - nghệ thuật lần này, chỉ ở một người thôi, cũng đủ để đổi đời lên đời cho mấy chục gia đình nông dân nghèo khó). Thương làm sao được, bởi không ít người đã nhất quyết phải ngốn bằng được cả chục ngàn chõ xôi, mấy chục cặp bò tơ ấy. Tài năng, thể hiện qua tác phẩm của họ, khiến bàn dân thiên hạ cho rằng “xôi, bò họ đã được ăn ở giải lần trước là quá đủ rồi, đừng đơn từ hồ sơ nữa đừng ăn đừng ngốn thêm nữa mà phải tội”. Nhiều văn - nghệ - sỹ nung nấu trong lòng, đôi người nói thành lời: phong tặng thì nhận chứ làm đơn ư, xin lỗi nhé, “không bao giờ có chuyện ấy”, họ thường im lặng, cùng lắm cũng chỉ nhếch mép cười mím chi cười mỉm cười ruồi cười muỗi “ma kê chu no”.
LOÀI TRÂU CHỈ NHẬN GIẢI THƯỞNG MỘT LẦN
Ở Lễ hội Trọi trâu Đồ Sơn hằng năm, sau khi giành chức vô địch, con trâu đó lập tức bị chính chủ nhân của nó giết thịt để cúng tế thần linh, chia cho làng xóm hàng phố. Con người có thể kì thể thao nào cũng thi đấu, giành chức vô địch quốc gia, khu vực, thế giới trong nhiều năm nhiều kỳ đại hội, nhưng Trâu Vô địch ở Đồ Sơn thì không. Bi thảm hay cao thượng, chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Không dễ gì phê phán, cũng chưa vội ca tụng. Thử phỏng đoán vài nguyên nhân:
- Có lệ như vậy là để những chủ trâu không được lấy con trâu vô địch của hội trước để thi đấu trong lễ hội lần sau, mà phải nuôi dưỡng chăm bẵm huấn luyện con trâu khác, đặt những ông chủ này vào “lộ trình” phải liên tục “phấn đấu” nếu muốn tiếp tục gặt hái vinh quang.
- Tạo nên sự công bằng để nhiều người nhiều trâu có cơ hội được “ngửi hoa thơm” chiến thắng.
- Bản thân những con trâu vô địch, có thể chúng cũng đã “nhận thức” được rằng: chỉ nhận vinh quang một lần, còn để các trâu đồng nghiệp, bạn bè, anh em con cháu có cơ hộ nhận giải thưởng.
Bài thơ “Hồn Trâu” tôi viết dở dang gần chục năm nay vẫn không xong, được mấy câu rồi tắc tị: “hội trọi trâu Đồ Sơn/ những con trâu vô địch chỉ nhận giải thưởng một lần/ dành vinh quang cho đồng loại/ vui vẻ chịu xả thân/ cúng thánh thần/ tạ ơn người nuôi dưỡng/ từ nơi nào đó trong Trời Đất/ Linh hồn Trâu trở về/ ẩn hiện trong những lá cờ ngũ sắc/ rưng rưng/ mãn nguyện/ đón những Linh hồn Trâu vô địch khác/ về Trời/ Trâu/ không/ như/ người…”