Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỢ QUAN - Hồng nhan đa đoan một kiếp người

Đinh Thị Hồng Nhung
Thứ ba ngày 30 tháng 8 năm 2011 10:59 PM
 
Tiểu thuyết “Vợ quan”gồm 2 tập:Tập1: Truy bắt hồ ly tinh - Tập 2: Lòng bàn tay, mu bàn tay đều là thịt. Tác giả: Đường Đạt Thiên (Trung Quốc), Nhóm Hồng Tú Tú dịch - NXB Thời Đại ấn hành - Giá bán trọn bộ: 150.000đ

Tóm tắt nội dung tiểu thuyết Vợ quan:
 
Phu nhân Lâm Như đã phát hiện chồng mình là Cục trưởng Hứa Thiếu Phong có tình nhân bên ngoài. Cô âm thầm lần tìm người đàn bà đã quyến rũ chồng mình. Cùng lúc đó, Hứa Thiếu Phong gặp phải sự cố trong công việc. Trong giờ phút quan trọng quyết định đến tiền đồ chính trị của Hứa Thiếu Phong, Lâm Như và người tình của chồng cô đều ra tay thể hiện bản lĩnh của mình để giúp anh ta bảo toàn được chức vụ, cũng từ đó Lâm Như biết được người tình của chồng cô chính là giáo viên dạy Yoga cho cô tên là Trần Tư Tư. Cuộc chiến âm thầm giữa hai người đàn bà bắt đầu.
Không ngờ vì lợi trước mắt mà quên họa sau lưng, khi phu nhân Phó Cục trưởng Phùng Hải Lan nắm được vô số điểm yếu của Hứa Thiếu Phong, Lâm Như và Trần Tư Tư lại bắt tay nhau, diễn thành công vở kịch chị em, tuy tai qua nạn khỏi, nhưng cuối cùng vẫn không thay đổi được kết cục bi thảm…
***
Trong tiểu thuyết của mình, tác giả Đường Đạt Thiên đã xây dựng thân phận nhân vật có những cá tính rất  độc đáo, mang tính thời đại với tư duy và góc nhìn mới mẻ mang những thông điệp như là chân lý, đầy sức thuyết phục.
“Đàn bà có năm việc uất ức: Sau khi tan làm về nhà thì vào bếp, ăn cơm xong thì lên giường, lĩnh lương xong gửi ngân hàng, đi xa nhất là tới chợ, cả đời chỉ lên một chiếc giường”- (Trích trong tiểu thuyết Vợ quan).
Đàn bà là nước, đàn ông là thuyền, nước có thể đẩy thuyền cũng có thể lật thuyền. Tự cổ chí kim có bao anh hùng hào kiệt đã từng kinh qua mọi sóng gió cuộc đời không ngờ lại bị thất bại trong tay người phụ nữ.
Những bà vợ thời hiện đại đã tuyên bố: kiên quyết xóa bỏ chế độ làm chồng cả đời, thực hiện chế độ cổ phần tình nhân, bước vào chế độ đàn ông cạnh tranh, mở rộng chế độ hợp tác tình nhân, thi hành chế độ chọn lựa tuyển dụng đào thải và chế độ ngoại tình hợp pháp.
Khi sinh ra làm kiếp hồng nhan, ít người biết được phía trước mình là gì?  “Đàn bà, trên đời này cũng thật khổ, những người học vấn cao, không có ai dám cưới, những người học vấn thấp lại không có ai cần; nếu biết trang điểm một tí thì chê là đồ lẳng lơ, còn không biết trang điểm thì lại nói không có nữ tính; những người xinh đẹp một chút dễ bị để ý, những người không xinh đẹp khác người lại không ai thèm dòm ngó đến; bản thân kiếm được tiền, bị đàn ông quên lãng, để chồng nuôi không, lại nói bạn ăn bám; nếu sinh con cái, sợ ông chủ sa thải, nếu không sinh con, sẽ bị chồng sa thải” - (Trích trong tiểu thuyết Vợ quan).
Vậy nên họ luôn phải tranh đấu, đối với họ cuộc sống là sự tranh đấu không mệt mỏi. Tranh đấu để đạt cuộc sống tốt đẹp hơn, tranh đấu để giữ được cái mình đang có.
Đàn ông bất chấp tất cả để tranh quyền đoạt lợi, đàn bà không tranh đoạt được quyền lực thì giành giật lấy người đàn ông có quyền lực. Quyền lực là bộ mặt của đàn ông, đàn ông là bộ mặt của đàn bà. Đàn ông dựa vào quyền lực để thể hiện giá trị bản thân, đàn bà phô bày sức hấp dẫn của mình thông qua đàn ông. Người đàn ông có thể không có quyền lực nhưng tuyệt đối không thể đánh mất quyền lực sau khi đã có được nó. Người đàn bà có thể không làm vợ quan nhưng không đời nào chấp nhận bị lạnh nhạt sau khoảng thời gian mặn nồng.
“Vợ quan” là một “loại người” thể hiện nét văn hóa đặc biệt, họ là những người được hưởng lợi từ quyền lực chính trị mà người chồng đem lại. Tùy theo địa vị của người chồng trong công việc mà họ sẽ tự tuân theo những quy tắc và quan niệm về đẳng cấp. Giữa những người ‘’vợ quan’’ này luôn luôn tồn tại mâu thuẫn và những trận chiến ngầm do chốn quan trường tạo nên.
Câu hỏi luôn được đặt ra là quyền lực của đàn bà là gì? Đó chính là người đàn ông của họ. Dù biết mình đang bị “lạnh nhạt”, đang bị “bỏ rơi” nhưng họ không từ bỏ mà họ luôn tìm mọi cách để giữ vững vị trí của mình, ngoài ra họ còn luôn cố gắng làm “nóng” lại trái tim người đàn ông của mình và cũng không quên mở cửa đón nhận lại trái tim người đàn ông đã lầm lỡ, lạc đường. Họ biết cách ghen “có học” để người đàn ông biết sợ mà cam tâm tình nguyện quay về bên họ. “Cô nghĩ ngay đến câu chuyện đọc được trước đó ít lâu. Người vợ về nhà nhìn thấy chồng mình đang trên giường cùng người đàn bà khác. Người vợ đã không làm ầm ĩ lên như những người đàn bà khác mà lặng lẽ vào bếp nấu hai bát canh trứng mang đến trước mặt hai người rồi nói: “Hai người vất vả quá, ăn bát canh trứng này đi cho bổ”. Người chồng cảm thấy có lỗi với người vợ của mình nên chấm dứt việc ngoại tình, còn người phụ nữ kia thấy bản thân có lỗi khi làm tổn thương vợ của tình nhân, tự nguyện rút lui. Từ đó hai vợ chồng họ lại hoà hợp với nhau như thuở ban đầu” - (Trích trong tiểu thuyết Vợ quan).
Cuốn tiểu thuyết Vợ quan là một bức tranh phơi bày sự tha hóa của một bộ phận quan chức, giữa những người “vợ quan” này luôn luôn tồn tại mâu thuẫn và những trận chiến ngầm do quan trường tạo nên, đặt ra nhiều vấn đề đáng để người đọc suy ngẫm và chiêm nghiệm.
Đọc tiểu thuyết Vợ quan để thấy được quyền lực đúng là một thứ quý giá, có nó hay không có nó là cả một sự khác biệt lớn, quyền to quyền bé hoàn toàn không giống nhau, nó không chỉ đem lại cho người ta sự thỏa mãn và hư vinh về mặt tinh thần mà nó còn có thể giúp người ta có được sự hưởng thụ về vật chất, về dục vọng…
Tác giả đã dùng ngòi bút sắc sảo, lối trần thuật tài tình với các tình tiết được xâu chuỗi logic và cùng các tình huống căng thẳng khiến người đọc thấy được “quyền lực là bộ mặt của đàn ông, đàn ông là bộ mặt của phụ nữ. Đàn ông dựa vào quyền lực để thể hiện giá trị của mình, đàn bà thì dựa vào đàn ông để thể hiện sức hấp dẫn của mình”
Khi phát hành bộ tiểu tuyết “Vợ quan”của tác giả: Đường Đạt Thiên, do Nhóm Hồng Tú Tú dịch, đã hân hạnh có những bạn đọc đầu tiên, rất đặc biệt đó là những VNS, trí thức quen biết như: NSH. Dương Trung Quốc, GS. Văn Như Cương, Nhạc sỹ Văn Dung; Các Nhà thơ: Bằng Việt, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Nhương, Lê Huy Quang; Các nhà văn: Đòan Tử Huyến, Phạm Xuân Nguyên, Hoàng Minh Tường; Các Dịch giả: Thúy Toàn, Lê Bá Thự; Các Đạo diễn: Quốc Trọng, Phạm Thanh Phong…đón đọc rất vui vẻ, nhiệt thành.
ĐINH THỊ HỒNG NHUNG
 (Nhóm TG.Hồng Tú Tú)
(*) Bìa cuốn tiểu thuyết “Vợ quan”