Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MÙA THU - Chùm truyện mini của ĐỖ NGỌC THẠCH

Đỗ Ngọc Thạch
Thứ hai ngày 8 tháng 8 năm 2011 9:39 PM

 
1.Nhặt lá vàng
 
Có một cô gái tuổi đôi mươi đang tìm nhặt những chiếc lá vàng. Người đi đường thấy vậy hỏi: “Cô nhặt lá vàng làm gì?”. Cô gái nói: “Có thế mà cũng không biết! Người ta tính tuổi bằng những mùa lá vàng đi qua. Khi ai đó nói rằng họ đã ba mươi cái lá vàng rơi có nghĩa là người đó đã ba mươi tuổi. Bà chắc là đã bốn mươi cái lá vàng rơi?”. Người kia nói: “Cô nói trúng quá, tôi đã qua bốn mươi tuổi! Còn cô thì bao nhiêu cái lá vàng rơi?”. Cô gái nói: “Tôi đang tìm cái lá vàng thứ hai mươi! Nó phải là cái lá đặc biệt!”.
 
Ba mươi năm sau, người đi đường nọ đã là bà lão bảy mươi tuổi, còn cô gái đã năm mươi tuổi. Họ gặp nhau trên con đường cũ đang ào ào lá đổ. Bà lão bảy mươi hỏi cô gái đã năm mươi tuổi: “Sao cô không nhặt lá vàng nữa mà lại quét lá khô?”. Trả lời: “Tôi nhận ra rằng nhặt lá vàng sẽ làm người ta mau già, mà tôi thì không muốn già nhanh thế! Còn tôi quét lá khô về để làm củi nấu cơm!”.
 
2.Chỗ hẹn mùa Thu
 
Có cô gái cứ mùa thu lá rụng vàng con đường vắng lại đến bên một gốc cây cổ thụ như chờ đợi ai. Có người quét đường chứng kiến cảnh đó từ khi mới vào nghề cho tới lúc nghỉ hưu. Khi đã nghỉ hưu rồi, người quét đường mới hỏi: “Suốt bốn mươi năm qua, không biết cô đã chờ gặp ai?”. Trả lời: “Trong một bài thơ gửi cho tôi người ấy viết “Khi mùa Thu lá ngập vàng đường vắng / Tôi sẽ đợi em bên gốc cây già”. Vì thế tôi đã đợi ở đây!”. Người quét đường nghĩ thầm: “May mà người yêu của ta không làm thơ!”.
 
3.Đứa con bất hiếu
 
Hai vợ chồng nhà kia chỉ có một người con trai cho nên cưng chiều quá mức, vì vậy khi đến tuổi trưởng thành, người con trai kia trở nên hư hỏng, đã không chịu tu chí làm ăn lại còn tỏ ra rất hỗn láo với cha mẹ. Hai vợ chồng không biết làm sao, hết thở than rồi lại cầu trời khấn Phật. Lời cầu nguyện kiên nhẫn của hai vợ chồng đáng thương kia cũng thấu đến Quan Âm Bồ Tát, Ngài báo mộng cho cả hai vợ chồng kia và người con rằng: nếu người con có một ý nghĩ và hành động bất hiếu thì lưng của hắn sẽ nổi lên một cục thịt như quả nho, khi nằm ngửa sẽ đau đớn không thể chịu được, như vậy hắn sẽ phải thức mà ăn năn, sám hối về tội lỗi của mình!
 
Từ đó, đêm đêm, hai vợ chồng kia đều đến buồng ngủ của người con trai mà xem con có ngủ ngon không, thì thấy người con nằm sấp mà ngủ khò khò!...
 
Một thời gian sau, hai vợ chồng lại đến buồng ngủ của người con thì thấy con nằm ngửa ngủ ngon lành. Người vợ thấy vậy thì rất mừng, nói với chồng: “Con nó đã nằm ngửa được, chứng tỏ lưng nó đã nhẵn nhụi, không có tội bất hiếu nữa chăng?”. Người chồng không tin là đứa con đã hết tội bất hiếu, liền đến lật lưng thằng con ra xem thì thấy những cục thịt tròn như quả nho đã mọc kín lưng, tạo thành một mặt phẳng mềm nhũn kỳ lạ!
 
4.Lòng hiếu thảo có một không hai
 
Lê Trọng Hiếu là người con nổi tiếng hiếu thảo. Khi còn nhỏ, mỗi khi có lỗi bị cha đánh đòn, Hiếu đều cắn răng chịu đau, không kêu la nửa lời. Nếu có ai thấy vết thương trên người Hiếu, hỏi có phải bị cha đánh đòn không, Hiếu đều nói đó là do đánh nhau với bạn hữu.
 
Một hôm, Hiếu lại có lỗi, bị cha đánh đòn thì Hiếu khóc rống. Người cha thấy vậy hỏi: “Tại sao mọi khi cha đánh rất mạnh mà con không kêu la, lần này cha đánh rất nhẹ mà con lại khóc dữ vậy?”. Hiếu nói: “Mọi khi con thấy đau nên nghĩ rằng sức khỏe cha rất tốt, vì thế con yên tâm. Còn lần này, con không thấy đau nên nghĩ rằng sức khỏe cha đã giảm sút, nên con thấy lo mà bật khóc!”.
Rồi Hiếu lấy vợ. Vợ Hiếu là một người phụ nữ xinh đẹp, có sức quyến rũ mãnh liệt. Sau một tháng, Hiếu nói với vợ: “Nàng là một người vợ tuyệt vời, không có điều gì đáng trách. Nhưng ta phải xa nàng từ đây!...”. Người vợ hỏi tại sao lại phải thế, Hiếu nói: “Ta thấy cha ta rất thích nhìn ngắm nàng, nếu ta ngăn cản thì sẽ mắc tội bất hiếu. Ta cũng chưa làm được gì để báo hiếu trả nghĩa cha, vì vậy ta muốn nàng thay ta “chăm sóc” cha, ta chết cũng mãn nguyện”. Nói rồi Hiếu nhảy xuống sông chết ngay, vợ Hiếu không kịp ngăn cản mà phải nghe theo ước nguyện của Hiếu.
 
5. Cắt thịt báo hiếu mẹ, róc xương báo hiếu cha
 
Lê Đức Thảo là người con hiếu thảo rất mực. Đến tuổi trưởng thành, Thảo chưa làm được gì để báo hiếu cha mẹ thì phải nhập ngũ ra trận. Làm một lèo ba mươi năm, lúc Thảo trở về thì đã năm mươi tuổi mà thương tật đầy người, khiến cha mẹ già phải chăm sóc mình rất vất vả…
 
Năm ấy lũ lụt ập vào làng quê Thảo, tài sản có gì đều bị lũ cuốn trôi hết sạch, nhà Thảo cũng như nhiều nhà khác, lâm vào nạn đói. Một hôm, thấy cả cha mẹ đều gần kiệt sức, Thảo chặt ngay hai chân của mình, lọc lấy thịt rán cho mẹ ăn, còn xương thì nấu cháo cho cha. Cha mẹ Thảo ăn xong rồi mới biết thì Thảo đã hồn lìa khỏi xác!
 
Sài Gòn, ngày 8-8-2011
Đỗ Ngọc Thạch