Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI ĐEO CHÌA KHÓA ĐỒNG TÂM THỨC

Nhà văn Nguyễn Hiệp
Thứ hai ngày 8 tháng 8 năm 2011 8:40 PM

• Trong cuộc tuyển chọn tác phẩm VHNT xuất sắc về tam nông 30 năm qua (1981-2011) do Hội Nhà Văn Việt Nam và Bộ NN& PTNT phối hợp tổ chức, tiểu thuyết Bến Không Chồng của ông được chọn trao thưởng. Với cuộc trò chuyện ngẫu hứng này, mong góp một góc nhìn khác về nhà văn Dương Hướng để bạn đọc thêm hiểu, thêm quý nhà văn hơn.
Bãi biển Quy Nhơn cong tròn, lặng như không thể lặng hơn. Tôi, nhà văn Sương Nguyệt Minh và nhà văn Dương Hướng uống cả buổi trên bãi biển mà mỗi người chưa hết chai bia. Chủ yếu là chuyện, trong trại viết Văn Nghệ Quân Đội năm nay, nhà văn Dương Hướng thuộc típ ít nói nhưng ráp đúng bộ thì chuyện cũng tuôn trào. Nhà văn Dương Hướng nhấc chiếc ghế cóc sát tôi, sôi nổi: “Có những thứ tưởng chừng vụn vặt nhưng khi nó vận vào mình thì gần như chính nó đã tạo ra định mệnh, có thể dẫn mình đi”. Và anh trở thành ông Bến Không Chồng tên tuổi bắt đầu từ một thứ đã vận vào như thế? Anh cười: “Tên với tuổi gì, mình viết vì là… không thể không viết, sau này mình thấy những chương nào mình thuộc làu, viết  “chạy” rất nhanh là những chương khá. Lại nói về cái vật vận ấy, ông đoán thế là đúng đấy. Kể nghe! Tôi  tuổi con trâu kéo cày (Kỷ sửu) là con trai duy nhất của gia đình trưởng tộc với một người chị gái, hai cô em gái. Bố mẹ đều là nông dân làm ruộng (bố: Dương Văn Phương, sinh năm 1919 (mất năm 1965), mẹ: Nguyễn Thị Thục, sinh năm 1920, đang sống khỏe tới thời điểm 2011-tg). Tuổi thơ thằng cu Hướng được bố mẹ, họ tộc “chăm lo” vì cái chức trưởng tộc tương lai của dòng họ Dương- hy vọng sau này sẽ cai quản ngôi từ đường họ to nhất nhì thôn Đoài. (Bố tôi là trưởng tộc nên ở ngay trong khuôn viên ngôi từ đường để bố tôi trông nom hương khói). Ngôi từ đường được các cụ tổ tôi xây từ bao đời nom rất cổ kính. Những cái cột lim đen bóng to một ôm đẫy, hồi bé bọn trẻ chúng tôi chơi trốn tìm cứ đuổi bắt chạy vòng quanh các cây cột ấy. Tối đến ngôi từ đường còn là nơi mở lớp bình dân học vụ cho các cô bác trong làng. Ngôi từ đường và cái chức trưởng tộc đi vào tuổi thơ tôi như thể mình là “vua Phổ Nghi con” vậy. Thi thoảng tôi còn được bố đeo vào cổ chiếc chìa khoá đồng to bằng ngón tay để tập sự cai quản đóng mở cửa từ đường. Những bộ cánh cửa lim đóng theo lối cửa đình chân quay, mỗi lần đóng mở nghe rít lên ken két đầy quyền uy.
-Chiếc chìa khóa đồng là cái vật ấy à? Nó có giống cái khóa đồng bây giờ không?
-Ổ khóa khối chữ nhật to đùng, then ngang, bố tôi buộc sợi dây dù vào chìa khóa rồi tròng vào cổ tôi, chìa khóa bằng ngón tay út có hai ngạnh ở đầu trông như cái thập ác. Đeo oai lắm, nó là “quyền lực” của tộc. Chính nhờ đeo chiếc chìa khóa ấy mà từ rất nhỏ tôi đã ý thức về sự quan sát của mình, tôi nhanh chóng trở thành một ông cụ non nhìn mọi người mọi vật đầy trách nhiệm. Tôi nghĩ chính nó là cài nền đầu tiên nhất, là “sự chuẩn bị” cho cuộc đời gắn bó với văn chương của tôi.
-Anh nhớ mồn một về mình và về những phận người trong tộc nhờ đeo chiếc chìa khóa trưởng tộc?
-Nhớ cả làng ấy chứ. Trưởng tộc tương lai mà! (cười). Tuy là những chuyện hão huyền của con trẻ nhưng nó khắc ghi một dấu ấn trong veo tràn đầy ước mơ- vừa ấm áp, vừa đau đớn dữ dằn khi tôi được chứng kiến ngôi từ đường họ mà gia đình tôi đang ở bị thiêu cháy trụi thời cải cách. Ngôi từ đường dòng họ đã từng là nơi cứu chữa thương binh giống như đội phẫu tiền phương. Ngày đánh bốt Trà Linh chính tôi được chứng kiến cảnh bộ đội bị thương khiêng về nằm la liệt trong từ đường màn giăng trắng cả trong nhà ngoài sân. Rồi sau đó chính ngôi từ đường ấy lại là nơi giam giữ những người dân quân du kích là các chú trong gia tộc tôi tham gia đánh bốt Trà Linh. Trong ký ức tuổi thơ tôi cứ rối bời không sao lý giải nổi thời cuộc nó vần xoay đâu là chân lý đâu là gian tà. Tôi tự hào mình được sự giáo dục nghiêm ngặt của người cha về phép tắc ăn ở “đối nhân xử thế” theo lối nho giáo. Tết đến tôi được bố cho đi theo đội lễ đến nhà ông giáo Thảo dạy bố tôi chữ nho. Đi để tôi nhận biết thế nào là lễ nghĩa thầy trò. Tuy được gia đình quá chăm lo nhưng bản thân luôn bộc lộ tính độc lập, quyết đoán, thích phiêu lưu, tự do bày trò nghịch ngợm lăn lóc bờ sông bến nước, theo người lớn đi bãi biển bắt còng bắt cáy. Đi trồng sú vẹt chắn sóng theo Đoàn Đội. Khi đến tuổi cắp sách đến trường, học hành chăm chỉ, đầy hoài bão. Rất tự hào được đi thi học sinh giỏi, tự hào về những bài văn của mình được thầy giáo đọc mẫu trước lớp. Và âm thầm tự hào cả với đám con gái cùng trang lứa.
-Anh chú ý tới phái đẹp từ lúc nào? Sao bây giờ thấy “cao nguyên đỏ” trên má anh vẫn còn… khi bị chị em “tấn công”?
-Bản tính nhút nhát hay đỏ mặt trước phái đẹp nhưng lại hay mê mụ vì họ. Khổ thế! 
-Khi trở thành thanh niên và trưởng thành, số phận cái chìa khóa ấy ra sao?
-Cái chìa khóa đồng ấy chắc chắn không còn trên cổ nhưng đã để lại trong mình cái tâm thế sống ở đời. Một thanh niên rất “hăng”. Mới 17 tuổi (1965) đã bỏ học tình nguyện trốn nhà đi công nhân quốc phòng (Công ty Vận tải đường sông 206, Cục đường sông) trong tuyến lửa khu 4 Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đang trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ ác liệt, vận chuyển lương thực thực phẩm chuẩn bị cho chiến dịch tổng tiến công xuân Mậu Thân. Năm 1966 vào học trường trung cấp kỹ thuật hàng giang (tầu sông) tại Phả Lại chí Linh Hải Dương. Năm 1968 vào công ty vận tải đường sông 208. Làm thợ máy tầu thuỷ. Năm 1971 nhập ngũ vào chiến trường quân khu 5. Năm 1976 chuyển sang ngành Hải Quan tại cửa khẩu cảng Hòn Gai. Nghề Hải Quan và viết văn nó trái ngoe (vô duyên) nên thường chịu nhiều áp lực bới cái tính hay phá phách (tự do gàn dở của văn sĩ trước con mắt mọi người) của mình nên suốt đời công chức chả có nổi cái chân tổ trưởng.
-Cái chìa khóa đồng trong tâm thức ấy có giúp anh nhiều trong cuộc sống sau này không?
-Với bè bạn thì chân tình, chu đáo. Nhưng lại hay mâu thuẫn với Sếp nhất (cứ  như cái số mình nó thế) Mình chả làm gì họ nhưng chẳng hiểu sao toàn chuyện đâu đâu nó khoác vào mình.
-Nhờ vậy mà  “Bến không chồng” đã tái bản 11 lần và dựng thành phim nhựa. Tôi quay sang nhà văn Sương Nguyệt Minh, anh đang tiếc là không mang máy thu như tôi để thu được cuộc trò chuyện ngẫu hứng này, tôi hỏi:  Nghe nói anh Sương nguyệt Minh chê phim Bến Không Chồng dở à? -Quá dở là đằng khác, không bằng một góc tiểu thuyết. -Ừ, phim Việt mà, hơn nữa phim có đặc thù riêng, khó trách. - Đúng đấy, khi viết mình đã đặt hết cái tình sâu kín vào nhân vật của mình rồi, bởi mình viết thật, thật như đời sống vốn có. Tiểu thuyết của Dương Hướng là phải như thế, còn đạo diễn Lưu Trọng Ninh lại có yêu cầu khác, biết làm sao được!
-Tò mò chút xíu: Chị Quy, vợ anh có biết chuyện cái khóa đồng đeo trên cổ của anh hồi nhỏ không? Nghe bảo “lối gia trưởng” là đã khó sống huống là “máu trưởng tộc”, nhà anh như thế nào? – Các ông thì biết tôi quá còn gì, chiếc chìa khóa ấy chỉ giúp tôi ý thức “mở” thế giới quanh làng chứ không ảnh hưởng khía cạnh ông đề cập, hơn nữa “bà xã” tôi giáo viên hẳn hoi mà, có biết chuyện dòng họ. Này nhé, tôi trả lời thay “bà xã”: Cái gia đình bé nhỏ của tôi nay đã có tất cả tới 8 con 6 cháu gái trai dâu rể. Các con Thành đạt, các cháu ngoan! Gia đình vui lắm, có dịp ghé nhà chơi! –Cám ơn anh!
Nhà văn Nguyễn Hiệp